Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.223.055
 
Văn nghệ sĩ ở hải ngoại và một vài kỷ niệm
Nguyễn Thị Thu Hiền

Một chiều thu Hà Nội tại cửa hàng photocopy gần nhà xuất bản Hội nhà văn, tôi đã gặp một người say thơ đang nhân bản thơ mình. Người say thơ thì nhiều, gặp ở các cơ quan văn nghê đâu có lạ. Nhưng điều đặc biệt là người say thơ này lặn lội từ một nơi rất xa đất nước để về cái cửa hàng photocopy bé tẹo này nhân các bản thơ của mình lên. Lát nữa thôi, ông sẽ đem bản thảo vào nhà xuất bản và cũng từng ngày hồi hộp trông ngóng... Vài bản thảo còn lại, ông sẽ đưa cho bạn văn trong nước đọc trước để họ không còn xa lạ tên ông- một người say thơ có lẽ còn hơn họ.

 

Người ấy là tiến sĩ vật lí Lâm Quang Mĩ từ Ba Lan trở về với nàng thơ đất mẹ.

Sự trở về bằng con người cụ thể và sự trở về trong tâm tưởng đều cho thấy tình yêu quê hương đất nước luôn vẹn nguyên, tròn đầy và da diết của đại đa số văn nghệ sĩ sống ở nước ngoài. Hàng loạt những nghệ danh quen thuộc ở hải ngoại trước đây hiện đang lao động nghệ thuật hăng say trong nước: cha con nhạc sĩ Phạm Duy- Duy Quang, ca sĩ Hương Lan, nhạc sĩ Đức Huy, diễn viên Hoài Linh...

 

Xa quê hương đất nước, đại đa số văn nghệ sĩ vẫn thường xuyên có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Giáo sư Trần Văn Khê-một tên tuổi lớn luôn được nhắc đến đã có công trong việc giới thiệu và ghi nhận di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế. Ông cũng là người đã giới thiệu một bộ môn nghệ thuật rất đặc biệt khác là tuồng Việt Nam với bạn bè thế giới.

 

Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng đã được giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan, người con của xứ Huế sang Đức từ 1965, dạy triết học tại Đại học Tổng hợp Ludwig-Maximilian, chủ tịch Trung tâm giao lưu Đức- châu Á tổ chức đưa sang Đức biểu diễn với nỗ lực vận động quyên góp. Đưa về một lượng lớn các sinh viên nước ngoài để tìm hiểu âm nhạc Việt Nam là tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong.  Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo lại tìm cách kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và phương Đông ở bộ gõ.

 

Những ý thức và nỗ lực tìm kiếm sự đổi mới nghệ thuật trên nền tảng giá trị truyền thống của khá nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại rất đáng ghi nhận và có thể để văn nghệ sĩ trong nước học hỏi.

 

Ở nghệ thuật điêu khắc, tác phẩm của Điềm Phùng Thị luôn có một vị trí cao trong mọi đánh giá và nhìn nhận. Xem tượng của bà thấy ngay hồn Việt. Có một nhà điêu khắc khác- người đồng hương với cố Tổng bí thư Lê Duẩn đau đáu ý tưởng dựng lên những tượng đài mang tầm vóc thời đại về cuộc sống, chiến đấu của nhân dân đất lửa anh hùng Quảng Trị ngay tại mảnh đất Quảng Trị. Đó là nhà điêu khắc Lê Bá Đảng.

 

Đã là người Việt Nam thực sự, ai cũng muốn về với đất nước. Trong những chuyến đi về như con thoi để nói chuyện, giảng bài, không ít các giáo sư già mong ngày “ lá rụng về cội”, một mai được nằm hẳn ở mảnh đất quê hương mình.

 

Có một số lớn văn nghệ sĩ ra đi từ 1975 và cũng có một thành phần tha hương trong hoàn cảnh đi học tập, lao động ở nước bạn. Hiểu quê mình hơn hết là số văn nghệ sĩ đi sau này, điều đó khiến họ thoát khỏi những định kiến nặng nề, không xác lập phân chia chiến tuyến mà điềm tĩnh hướng về quê hương đất nước hơn. Song có một người tôi được biết: dịch giả Trần Thiện Đạo đã sang Pháp tới cả nửa thế kỉ, 5 năm nay năm nào cũng về ăn Tết tại Việt Nam. Ông đã dịch và giới thiệu tác phẩm của một số nhà thơ hiện đại trong nước như  thơ Hoàng Hưng, thơ Vi Thùy Linh... Cùng thời với ông, giáo sư tiến sĩ Thái Kim Thanh ngược về thời gian để dịch cuốn “ Khóa hư lục” của Trần Thái Tông bởi theo giáo sư tiến sĩ: “ Người Đức rất quan tâm đến Việt Nam ở chỗ: Việt Nam có tư tưởng gì không? Tư tưởng như thế nào? Truyền thống văn hóa và tâm linh của Việt Nam ra sao? Cũng chính vì suy nghĩ cần phải giới thiệu tư tưởng Việt Nam nên tôi chọn “ Khóa hư lục”.

 

Không khí chân tình và cởi mở hiện nay khiến rất nhiều văn nghệ sĩ ở hải ngoại về công bố và phát hành tác phẩm. Tác giả bộ tiểu thuyết trường thiên gồm 4 tập, dày 2000 trang“ Sông Côn mùa lũ”- nhà văn Nguyễn Mộng Giác (chủ bút tạp chí Văn học tại Mĩ) đã tái hiện toàn cảnh, chi tiết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, tôn vinh anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. “Thần và người trên đất Việt” cũng là một tác phẩm đầy giá trị, cho thấy sự lao động miệt mài và bền bỉ của tác giả Tạ Chí Đại Trường. Nếu như trước đây khán thính giả trong nước thường chỉ biết đến âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với những bản “ nhạc vàng” thì giờ đây đã biết đến, thậm chí, âm nhạc bác học qua Đặng Thái Sơn. Mùng 5 tháng 2 năm nay tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, giải thưởng “ Vinh danh nước Việt” đã được trao cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất. Người con trai của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân- nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất từng được Tổng thống Nga Putin trao tặng danh hiệu “ Nghệ sĩ công huân Nga” nhưng có lẽ với ông, niềm vui trên quê nhà vẫn vui hơn cả. 

 

Văn học và các lĩnh vực nghệ thuật khác do văn nghệ sĩ hải ngoại sáng tác và thể hiện cũng vậy, đã được tiếp nhận tự nhiên với những tiêu chí muôn đời. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu sân khấu có ý kiến: “ Nên có một cái nhìn động, uyển chuyển về văn nghệ sĩ ở hải ngoại, không nên đẩy họ ra khỏi nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nếu càng đẩy, càng tách biệt, càng thêm hố sâu ngăn cách. Nên gạn đục, khơi trong, thu hút ngày càng nhiều những thiện tâm tài năng ”. Buổi nói chuyện với tôi, tiến sĩ Nguyễn Văn Thành chợt đọc câu thơ theo ông rất quê, rất Việt Nam của Nguyên Sa đã quen thuộc với bao người: “ Anh vẫn nhớ em Em ngồi đây tóc ngắn / Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh...”

 

Trong buổi lễ trao giải Cánh diều vàng của điện ảnh Việt Nam vừa qua, có sự xuất hiện của đạo diễn điện ảnh Hồ Quang Minh- Việt kiều ở Thụy Sĩ song không phải để nhận giải mà với tư cách làm người trao giải. Một loạt các phim anh làm đều lấy bối cảnh ở Việt Nam, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam như “ Con thú tật nguyền”, “ Trang giấy trắng”, “Bụi hồng” và gần đây nhất là “ Thời xa vắng”. Có độ tinh tế không thua kém nhiều đạo diễn trong nước khi chuyển tải cuộc sống đương đại, Trần Anh Hùng có “Mùi đu đủ xanh”... Sẽ có nhiều giải thưởng cho văn nghệ sĩ hải ngoại khi họ đã thực sự hòa mình vào dòng chảy của nền văn học nghệ thuật dân tộc?

 

Cũng một buổi chiều cuối năm nắng nhẹ như thu Hà Nội, trong Sài Gòn, tôi và một số anh em văn nghệ nghe người nhạc sĩ hơn 80 tuổi Phạm Duy đánh nhịp theo giọng trong vắt và cao vút của ca sĩ Mỹ Linh tại tư gia của ông một câu hát nao lòng: “ Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi tôi mới ra đời...”.

 

Sài Gòn tháng 12/2005- Hà Nội tháng 3/2006
Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 3566
Ngày đăng: 26.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những điều phiền muộn... - Nguyễn Ngọc Tư
Buồn thay, nguyên mẫu vẫn cứ nhiều..Một tác giả cùng đọat giải Văn học tuổi 20 tâm tình với Nguyễn Ngọc Tư và chúng ta. - Nguyễn Thị Thu Hiền
Em ơi ! đừng lấy chồng xa… - Trần Xuân Linh
Hoài niệm... - Trọng Huân
Happy… - Trần Xuân Linh
Một cái chết TÔI TRUNG - Trọng Huân
Nghĩ cho con - Nguyễn Ngọc Tư
Lan man chuyện “HỌ”... VÀ TÊN - Phạm Lưu Vũ
Tản mạn quanh... cái cổng - Nguyễn Ngọc Tư
Con vờ vờ trên sông - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)