KIẾP LÀM THUÊ THỜI THUỘC PHÁP:
“NAM VANG ĐI DỄ KHÓ VỀ,
TRAI VÔ BẠN BIỂN GÁI VỀ TÀU KÊ”
Bối cảnh xã hội thời thuộc Pháp: Sau năm 1867 tức lúc người Pháp đã đặt ách thống trị lên toàn cõi Đông Dương, cả 3 nước Việt – Miên – Lào trở thành thuộc địa của họ.
Do “đất liền đất, núi liền núi, sông liền sông”, nhất là nhờ có hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của dòng Cửu Long sông sâu nước chảy, nên giao thông đường thuỷ từ lục tỉnh đến xứ Chùa Tháp rất thuận lợi. Để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thuỷ, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Dân gian gọi “tàu Nam Vang”. Người từ Châu Đốc, An Giang có dịp cần mua sắm, đi Nam Vang bằng loại tàu này nhanh và tiện hơn đi Sài Gòn. Đi Nam Vang tức đi đến thủ đô nước Cao Miên (nay gọi Campuchia). Đúng nhất là vậy, nhưng thuở trước đồng bào miền Nam hiểu Nam Vang với nghĩa mở rộng cả nước ấy, hoặc chí ít cũng toàn vùng bao gồm các tỉnh quanh khu vực Nam Vang.
Sách Dậu Dương tạp trở của người Trung Hoa có “tổng kết” một số nước trong vùng: “Lễ nghĩa không đâu bằng Triều Tiên; béo tốt không đâu bằng Giao Chỉ; giàu có không đâu bằng Chân Lạp; nghèo cực không đâu bằng Lưu Cầu”. Chân Lạp là Cao Miên, nơi “giàu có”, cho nên đương nhiên những người nghèo khổ có óc mạo hiểm ở miền Nam lục tỉnh thời ấy không thể không tìm đến làm ăn sinh sống, nhất là tài nguyên nông nghiệp và nguồn lợi thuỷ sản ở đó rất hấp dẫn:
Ruộng đồng mặc sức chim bay,
Biển Hồ lai láng mặc bầy cá đua.
Trên bờ, đất rộng thênh thang, mầu mỡ, gạo lúa, cây trái nổi tiếng thơm ngon; dưới sông, nhung nhúc cá tôm không sao ăn hết. Thị trường nhộn nhịp quanh năm suốt tháng mà cá tôm vẫn cứ tràn bến, không vơi. Người ta phải làm khô, làm mắm chứa vựa lại để tiêu thụ dần. Nhu cầu cần thêm “bạn biển” (những người làm mướn nghề cá ở Biển Hồ, kể cả chèo ghe đi bán cá) ngày càng lớn, thu hút dân nghèo ở lục tỉnh ngày càng nhiều. Họ vẫn biết rất cực, nhưng dù sao cũng có được công ăn việc làm, giải quyết phần nào khó khăn kinh tế gia đình trước sự hà khắc, bóc lột người nghèo của chính quyền thuộc địa lúc ấy. Thế là như bao nhiêu người khác đồng cảnh ngộ, chàng trai nọ tạm biệt người yêu, xuống xuồng:
Dựng buồm chạy thẳng Nam Vang,
Làm thơ nhắn lại, em khoan lấy chồng.
Lại “tái bút” nghe “đứt ruột” :
Em ơi ở lại đừng phiền,
Anh đi làm mướn kiếm tiền cưới em.
Và không quên thệ nguyện:
Chừng nào ngọc nát vàng phai,
Biển Hồ lấp cạn mới sai lời thề.
Tất nhiên nàng chẳng đành lòng, tha thiết khuyên can:
Biển Hồ cực lắm anh ơi,
Ban đêm xẻ cá ban ngày phơi khô.
Nhưng vì cuộc sống và tương lai hạnh phúc gia đình, chàng nhứt quyết ra đi. Nàng biết không ngăn được, nên bịn rịn tỏ lời chung thuỷ với người yêu:
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên phu phụ ngàn năm cũng chờ.
Nói thì nói vậy chớ làm sao nàng chịu nỗi cái cảnh biệt ly, người đi kẻ ở:
Ngày ngày em đứng em trông,
Trông non non ngất, trông sông sông dài.
Trông mây mây kéo ngang trời,
Trông trăng trăng khuyết, trông người người xa.
Hết “trông đứng” lại “trông ngồi”:
Trăng thanh chờ đợi, trăng lu,
Trông anh như thể vọng phu trông chồng.
Em ngồi buồn trông Bắc ngó Đông,
Ngó thấy thiên hạ sao không thấy chàng?!
Rồi “trông nằm” – ôi, cái cảnh “phòng không mông quạnh”:
Đêm nằm ôm gối thở than,
Gối ơi gối hỡi bạn lang xa rồi.
Nàng không thể không thổn thức lúc canh thâu:
Chàng đi Châu Đốc – Nam Vang,
Nỗi sầu em chịu đa mang một mình.
Ngày lại ngày qua, (chàng từ Châu Đốc đi Nam Vang) nàng cứ mòn mỏi đợi trông mãi vẫn không hề nghe biết tin tức gì của người yêu:
Nước ròng chảy thấy Nam Vang,
Mù u chín rụng bóng chàng biệt tăm.
Chàng ơi !
Ra đi sao chẳng thấy về,
Hay là quần tía dựa kề áo nâu ?
Nhớ buổi tạm biệt anh còn cầm tay nói vói:
Dẫu anh có lạc Sở qua Tề,
Ngàn năm đi nữa anh cũng trở về với em.
Vậy mà sao chàng vẫn biền biệt bóng chim tăm cá!
Xa thì xa núi xa sông,
Xa vợ xa chồng nhân nghĩa đừng xa.
Sự trống vắng như ngày càng trống vắng hơn! Nhớ điếng người thương, và mặc dù dư biết chàng vẫn thuỷ chung với mình, nhưng chẳng hiểu vì sao lại nảy sinh vu vơ ghen hờn, giận dỗi:
Trách ai tham đó bỏ đăng,
Thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn.
Còn nhớ:
Anh đi em có dặn rằng,
Đâu hơn anh lấy, đâu bằng chờ em.
Cứ khắc khoải đợi chờ mãi, có khi “máu Hoạn Thư” dâng tràn tận cổ, nàng nhìn về Nam Vang mà đùng đùng nổi giận một mình:
Giương cung thẳng chỉ,
Em nhắm ngay con đĩ ngoại tình,
Bắn cho nó chết hai đứa mình mới yên.
Chuyện đời, trách phiền là quyền của người mong đợi; ghen tương bóng gió là chuyện thường có của con gái, đàn bà. Chung nhất là vậy. Nhưng trong trường hợp này, làm sao nàng hình dung nỗi cảnh tình cơ cực của chàng từ khi nhầm chân vô nghề “bạn biển”:
Bây giờ cá đã cắn câu,
Mặc tình ngư phủ cắt đầu lột da!
Đã chấp nhận đem thân đi làm thuê làm mướn, thì cho dù “ban đêm xẻ cá ban ngày phơi khô”, cực khổ thế mấy chàng cũng cam lòng, miễn sao dành dụm được ít tiền để về lại quê hương xây dựng mái ấm gia đình. Những tưởng người lương thiện an phận kiếp tôi đòi không ai nỡ hiếp đáp, bóc lột, nào ngờ cứ đem thân chèo ghe, kéo lưới mãi, hết ngày này qua tháng khác mà chẳng thấy ai trả cho một đồng ten nào. Chừng hỏi ra mới biết là mình đã bị bọn bất lương dẫn bán cho mấy tay hùm xám “chủ thuỷ lợi” – thường là bọn đầu gấu có thế lực mạnh, nhờ câu kết với quan tham. Bọn trùm này chỉ biết sòng phẳng với giới ma cô dẫn mối bằng một số tiền nhỏ, rồi ngọt ngào gọi “món hàng” mới chuộc về là “bạn biển” cho có vẻ thân mật, nhân đạo, không khác gì gái nhà lành bị đẩy vô lầu xanh, ngày ngày Tú Bà cứ “mẹ mẹ con con” như phụ mẫu ruột thịt, nhưng đằng sau sự ngọt ngào ấy, chính họ là những con quỷ cái chuyên hút máu người!
Còn nhớ, lúc mới đến “Nam Vang” chân ướt chân ráo, trong khi chưa biết nương tựa vào đâu thì, bỗng nhiên có người ra vẻ lịch thiệp, sốt sắng săn đón giới thiệu, nên chỉ trong một buổi chàng đã có ngay được chỗ làm. Thật vui mừng khôn xiết, ngày ngày chàng cứ thầm ghi tạc ơn sâu quới nhơn tốt bụng. Mãi sau một thời gian mới vỡ lẽ ra, đó chính là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”! Chúng toa rập nhau xô đẩy chàng vào ngõ cụt, vô phương trốn thoát:
Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt,
Tri nhơn tri diện bất tri tâm.
Ở xa không biết nên lầm,
Bây giờ rõ lại vàng cầm cũng buông.
Đêm ấy trăng sáng vằng vặc Biển Hồ, như mọi khi, chàng vẫn thu mình nằm chèo queo trên bồng lái ghe cá trảng lườn canh chờ con nước để bủa lưới, tuy mệt mỏi rả rời vẫn không thể tìm đâu ra một giấc ngủ ngắn an lành cho lợi sức. Mỗi tối, hễ có dịp rãnh rang đôi chút, giữa không gian yên ắng như vậy là chàng mơ màng nghĩ đến chuyện sổ lồng. Nhưng trời xanh thì cứ thản nhiên trên cao xa tít, làm sao hiểu thấu cảnh tình của những kiếp đời bơ vơ dưới thế? Bất chợt chàng nhớ đến người yêu ở quê nhà, chẳng biết hiện nàng đang làm gì, nghĩ gì, bèn “tức cảnh sanh tình” ngâm lên nho nhỏ:
Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước,
Ngó về Sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không!
Ở quê nhà, nàng thương nhớ chàng bấn lên như điên loạn, ghen tương vớ vẩn đủ điều. Nhưng đó là thực tế hiển nhiên trong trái tim rực lửa tình yêu của tuổi trẻ mà thôi, chứ nàng có ngờ đâu thân phận chàng đang gian nan dường ấy?! Tâm trạng của chàng luôn là nỗi oán hận ai kia đã nhẫn tâm lường gạt, khiến phải nhắm mắt đưa chân làm thân nô lệ nơi xứ lạ quê người. Bất chợt, hằng loạt hình ảnh và kỷ niệm thân thương quê hương xứ sở bỗng hiển hiện trước mắt mình, gợi lên xiết bao nỗi nhớ… Nhớ cả câu nói tán tụng đầy tự hào của bà con nơi quê mẹ:
“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc”, rồi ngẫu hứng kết thành vần thành điệu khá ăn ý:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang…
Phải! Bọn người quỷ quyệt kia vô hình trung buộc chàng hiểu Nam Vang đã đánh mất bản chất dễ mến ngày nào. Kiểu làm ăn của bọn bất lương thật đáng ghét. Mượn thực tế địa hình của một vùng đất Nam Vang nhấp nhô đồi dốc để ám chỉ hạng xảo ngôn kia tưởng không còn gì chính xác bằng, thậm chí độc đáo, bởi nó được đem dùng đúng ngay trong cảnh tình đương bi phẫn: “Đất nào dốc (dóc) bằng đất Nam Vang”! Đúng vậy, đất Nam Vang thời thuộc Pháp từng là nơi tụ cư của bọn giang hồ phiêu bạt: trai làm điếm, gái làm tiền, du côn làm cướp… – không chỉ dân bản xứ, mà cả người Việt, người Tây, người Tàu, Chà Và, Ma Ní… đủ cả. Dân nghèo trôi giạt, cho dù thân sơ thất sở, hay được làm thuê làm mướn cho các đại gia, với bản chất thật thà, hèn mọn, làm sao chống đỡ nỗi trước nghìn trùng mưu mô vây ví? Hãy hiểu cho tâm trạng của chàng lúc ấy – không thể không căm hờn như thế được!
“Đất dốc” tất nhiên rất trắc trở cho việc đi lại. Nhất là khi người ta đã có ý đồ câu nhữ đặng “đi dễ”, thì đến lúc đã sa chân vào cạm bẫy, chuyện “khó về” là lẽ đương nhiên!
Với đàn ông con trai, tiêu biểu là trường hợp “vô bạn biển” như chàng, thật đáng thương tâm:
Bây giờ cá đã cắn câu
Mặc cho ngư phủ cắt đầu lột da!
Còn đàn bà con gái thì sao? Cũng nhục nhã không kém: Phải “về tàu kê”, nghĩa là phải chấp nhận thực tế, “bán trôn nuôi miệng”!
Vì sao gọi tàu kê? Để “đánh bóng món hàng” đồng thời cũng nhằm che đậy tội ác tày trời của mình, bọn chuyên sống bằng nghề kinh doanh thân xác phụ nữ, một mặt thường sử dụng tiếng lóng trong sinh hoạt, một mặt lạm dụng những mỹ từ mang tính đại ngôn, thậm chí trịch thượng. Như chúng ta đều biết, giới này từ xưa đã ngang nhiên chiếm đoạt, xâm phạm và làm ảnh hưởng, thậm chí gây tai tiếng oan ức biết bao trường hợp vốn rất mẫu mực, đàng hoàng. Từ trang điểm, đến trang phục cá nhân, họ đều cố nhái gái nhà lành. Rồi thì “nhà chứa”, vốn vô cùng nhơ nhớp, vậy mà họ cũng chiếm đoạt luôn hai tiếng “lầu xanh” tốt đẹp tự ngàn xưa để làm “của riêng” cho mình. Nhân tiện, tưởng cũng nên phớt nhắc điển cố này. Xa xưa, “lầu xanh” là nhà ở của hạng người giàu sang phú quý, hoặc cung điện của nhà vua. Đời Tề, vua Võ Đế cho xây dựng lầu cao, phía trên sơn xanh, nên chỗ vua ở bấy giờ cũng gọi thanh lâu (lầu xanh). Nhưng từ khi Lương Lưu Diếu làm câu thi: “Thương nữ bất năng sầu, kết thúc hạ thanh lâu” (Thương sầu mênh mông, thanh lâu nàng bước xuống) thì các chủ chứa tiếm dụng thành sở hữu riêng để nói về nhà điếm của mình. Sách Dạ Hoạch biên ghi, trong nhà, họ thờ Bạch My thần (thần mày trắng) tượng giống như ông Quan Vân Trường, cũng râu dài, cưỡi ngựa, tay cầm siêu đao… chỉ khác là mắt đỏ và lông mày trắng. Ngày xưa ở kinh sư của Tàu, khi gây gổ, người ta thường mắng nhiếc nhau bằng câu “bạch mi xích nhãn”. Có người lại cho rằng thần Mày Trắng ấy là Quản Trọng (người đời Xuân Thu, giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá), người đầu tiên nghĩ ra cách tập hợp một nhóm đàn bà con gái mua vui cho khách đàn ông để thương gia các nơi tìm đến, nhờ thế mà xứ sở trở nên phồn thịnh!
Thời Pháp, đã hiện đại hoá một thuật ngữ vốn đã quá cổ xưa, nghe ra có phần mơ hồ và không mấy bảnh, “giới giang hồ” nhân thấy các nhà buôn lớn Triều Châu, Phước Kiến xưng “Tàu khậu” (hay “thổ khố” hoặc “đại khố”, là nhà trữ hàng hoá), rồi “tùa kê” với nghĩa “đại gia”, phổ dụng rộng ở tầng lớp giàu sang, nhiều tiền lắm của…, các mụ chủ chứa bèn tự xem mình là “mẹ tàu kê”.
Tất nhiên các “gái sang của mẹ” (“sang như đĩ”) cũng xưng “gái tàu kê” (nói trại từ “tùa kê”) để treo giá, làm tiền khách làng chơi. Dân gian miền lục tỉnh bèn nhân đó diễn dịch ra: tàu là chuồng; kê là gà, để chế giễu gái ăn sương là… “gà chết”, ai lỡ “cọ xát” với loại gà bị cách ly này tất phải bịnh “mồng gà”, ắt chết.
Thành ra, nói “gái về tàu kê” là nói đàn bà con gái hạng ấy – hầu hết có thể do hoàn cảnh đưa đẩy, bị gạt bán… nhưng cũng không loại trừ trường hợp tham tiền, hám lợi mù quáng tự dấn thân vào. Câu hát cũ tế nhị cười những phụ nữ lấy cớ đi Nam Vang (Biển Hồ) làm ăn để “rong ruỗi”:
Con ơi con ở với bà,
Má đi mần mắm tháng ba má về.
Má về có mắm con ăn,
Có khô con nướng có em con bồng.
Tất nhiên đó chỉ là một cách nhắc nhở đối với những trường hợp “làm lẻ” hoặc “nhảy dù”, chưa vô “hộ khẩu nhà số”. Tuy cũng “khó về” nhưng nếu quyết tâm, thức tỉnh, cũng có thể về được:
Nam Vang đi dễ khó về,
Xứ anh anh ở em về xứ em.
Chung nhất, gì thì gì, chứ mãi léng phéng ở Nam Vang thì “trai đi có vợ, gái về có con” là cái chắc!
Không thể dửng dưng chứng kiến thực tế quá đỗi xót xa như vậy, nên ông bà ta ngày ấy đã không ngớt lời khuyên răn, cảnh tỉnh và giáo dục con cháu mình phải cố gắng giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, không làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến phẩm giá, đạo đức gia đình, vì như thế là “điếm nhục tông môn”. Sự nhắc nhở cho nhau trong việc ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã gây được tác động mạnh trong nếp nghĩ những người lầm lạc. Tệ trạng xã hội giảm hẳn. Nhiều tấm gương đẹp về tình yêu đôi lứa xuất hiện, rất đáng tuyên dương, ca ngợi. Ở đó, phổ biến nhất là ý chí khắc phục mọi khó khăn nghiệt ngã, vượt qua những cạm bẫy cuộc đời để bảo vệ bằng được tính thuỷ chung của đạo vợ chồng, xem đó như một trong những thứ tình yêu thiêng liêng tối thượng cao cả của con người. Thật vậy, nếu nàng luôn chung thuỷ thiết tha:
Gươm vàng để đó anh ơi,
Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa.
Thì chàng cũng thuỷ chung tha thiết không kém:
Dao phai kề cổ, máu đổ anh không màng,
Chết anh anh chịu chớ buông nàng anh hổng buông.
Dù “sơn xuyên cách trở”, họ vẫn nhứt quyết giữ vẹn lời nguyền “Chín trăng cũng đợi, mười thu cũng chờ” – tiêu biểu như chuyện tình của chàng và nàng đề cập ở trên. Chính vì thế mà văn học dân gian đã hồ hỡi “dựng tượng” biểu dương nếp sống mới cho cả “một vùng gia đình văn hóa” tỏ rõ như ánh hải đăng, ngay bên con sông Sở Thượng sát nách “đất Nam Vang” bằng lời ngợi ca bất hũ:
“Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng,
Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê.
Cao, thượng, trượng, thê đều là cao cả! Dụng ngữ thật tuyệt vời!
Đồng bào miền Nam lục tỉnh rất tâm đắc và tự hào, thường mượn câu ca dao này để làm thể tỉ, hứng hoặc phú mỗi khi muốn ca ngợi tình yêu thuỷ chung son sắt, bởi sự ra đời của câu ca dao “cao, thượng, trượng, thê” chính là “cú rờ ve” hiểm hóc, đập vỡ một thảm trạng xã hội vô cùng tồi tệ mà những người nặng tình với tiền đồ dân tộc lúc ấy tưởng chừng không sao giải quyết được.
Thế nên, chuyện: “Nam Vang đi dễ khó về, Trai vô bạn biển gái về tàu kê” mà ngày nay thỉnh thoảng chúng ta còn nghe thấy rơi rớt đâu đó, chỉ là một cách nhắc nhớ dấu ấn tủi nhục, nhưng may mắn là chỉ mang tính giai đoạn của một thời – cái thời mà thực dân Pháp đã gác ách đô hộ lên toàn cõi Đông Dương, nhân phẩm người dân bản xứ ở nhiều nơi không khác gì con vật!
CÔNG CUỘC LÀM ĂN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
VỚI CAMPUCHIA HIỆN NAY ĐÃ HOÀN TOÀN KHÁC XƯA:
HẤP DẪN VÀ HIỆU QUẢ!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, tự chủ; cuộc sống người dân đã thực sự đổi đời. Từ thành quả công cuộc đổi mới (xóa bỏ quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa), nền kinh tế Việt Nam đã từng bước phát triển và phát triển một cách bền vững, đủ điều kiện để hội nhập và theo kịp đà tiến chung khu vực, đất nước đang vững vàng bước vào thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá, cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Về sản xuất, không chỉ nhanh chóng khắc phục được tình trạng thiếu đói, mà còn đảm bảo an ninh lương thực, và xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Riêng quan hệ ngoại thương với Campuchia, theo ông Chheng Saroeun, đại diện Bộ Thương mại Campuchia, hiện hàng Việt Nam chiếm 35% – 40% thị trường nước này. Và hiện nay ở Campuchia, Việt Nam đã có gần 100 mặt hàng, chiếm đến 80% thị phần! Đặc biệt, hàng nhựa gần như không có đối thủ! Báo Sài Gòn tiếp thị cho biết, một số mặt hàng Việt Nam còn được xuất từ Campuchia sang Thái Lan.
Theo Bộ Thương mại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào Campuchia tăng đều hàng năm:
Năm 1998 là 75 triệu USD.
Năm 1999 là 91 triệu USD.
Năm 2000 là 133 triệu USD.
Năm 2001 là 180 triệu USD.
Năm 2002 là hơn 200 triệu USD…
Hàng xuất qua đường biên giới tiểu ngạch khoảng hàng chục triệu USD/ năm.
Bộ Thương mại Việt Nam cũng đã đưa ra nhận định về chiều hướng phát triển thương mại Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2001 – 2010: Nên cố gắng tạo mọi điều kiện buôn bán đường biên và tiểu ngạch là chính, trên cơ sở đó từng bước đẩy mạnh buôn bán chính ngạch và phát triển tốt hơn nữa lợi thế này.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhân chuyến thăm Campuchia vào cuối tháng 12/2002, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói: “Hai nước nên khuyến khích các địa phương có chung biên giới hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư”.
Phát biểu tại Hội thảo “Xúc tiến thị trường Campuchia 2003” vị đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết: “Với những điều kiện thuận lợi của mình (về vị trí địa lý, mối quan hệ), An Giang đã phối hợp với Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Thương mại cùng các tỉnh Tàkeo, Kandal và thủ đô Phnôm Pênh hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thị trường Campuchia thông qua việc tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu Việt – Cam với quy mô lớn, gây được tiếng vang tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia vào cuối năm 2002 vừa qua. Việc hỗ trợ xúc tiến thị trường Campuchia đã mang lại kết quả đáng phấn khởi và đang được các doanh nghiệp tiếp tục khai thác.
Sự hỗ trợ tích cực của chương trình xúc tiến thương mại cùng với sự năng động của các doanh nghiệp và điều kiện thuận lợi của An Giang đã đem lại kết quả tốt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Campuchia năm 2002 của các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) qua các cửa khẩu An Giang đạt trên 120 triệu USD và đang tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Đây thực sự là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp quan tâm xúc tiến thị trường Campuchia (…). Để tiếp tục chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thị trường Campuchia, năm 2003 An Giang phối hợp với Tp. Hồ Chí Minh cùng chính quyền của Campuchia tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng xuất khẩu tại thủ đô Phnôm Pênh. Cùng với chương trình Hội chợ sẽ tham gia với Tp. Hồ Chí Minh và đối tác Campuchia cho ra đời một siêu thị tại thủ đô Phnôm Pênh, tạo điểm đứng chân và phân phối hàng Việt Nam tại Campuchia.
Đó là những công việc cần phải thực hiện để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xúc tiến thị trường Campuchia. Riêng tỉnh An Giang cũng đã và đang thực hiện các công việc có liên quan để hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Campuchia hiệu quả”.
Tất nhiên Chính phủ hai nước đã thoả thuận và cho xúc tiến xây dựng, mở rộng hoặc nâng cấp các công trình cầu, đường, chợ, cửa khẩu, kho bãi… để phục vụ việc giao thông, chuyển vận hàng thuận lợi nhất.
Rõ ràng, công cuộc làm ăn của người Châu Đốc/ An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung với Campuchia hiện nay đã hoàn toàn khác xưa: Tự do, an toàn, hấp dẫn và hiệu quả. Thật đáng mừng!