Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.232.859
 
Hai câu chuyện ở phương Nam
Vũ Hồng

                              "Suy nghĩ và hành động của mỗi con người ở

                                             mỗi thời đại là nhật ký của thời đại"

 

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

"Còn điếu thuốc nào không, Kim?"

"Còn mấy diêm quẹt"

Tôi đáp lững lờ. Kiên tiu nghỉu vì cơn khát thuốc giằng xé. Hắn che miệng ngáp. Số mệnh dung rủi cho hai kẻ chèo xuồng vụng về gặp nhau nên cả ngày nay chúng tôi chỉ bơi được vài dặm đường. Hắn thì có khá hơn tôi đôi chút bởi từ nhỏ cho đến khi vào đời, tôi chỉ biết ngồi lì trên ghế học đường.

Đầm lầy vào tháng Mười ngầu đục con nước phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Lấp lóa bốn bề chỉ thấy lúp xúp những đọt tràm, những lùm điên điển, những cây nga xơ xác và những mái nhà hoang xiêu vẹo. Chúng nằm rạp xuống mỗi khi có cơn gió mùa thổi qua lông lốc.

Đã hai ngày rồi, xuồng của chúng tôi không thoát khỏi sự giam hãm của con lũ. Khởi đi từ biên giới Việt Nam - Campuchia, chúng tôi tìm một con đường thoát về phía Đông. Xúi quẩy là hôm ấy bầu trời chuyển mưa u ám cho nên chúng tôi không xác định được phương hướng. Chiếc xuồng vẫn loay hoay chưa vượt qua được bốn bề sông nước hoang vu. Làm bạn với chúng tôi chỉ là những con sếu lạc bầy bay táo tác trên không trung. Chúng rít lên những âm thanh huyền bí và cô đơn. Đồng bằng Tháp Mười quả có một ma lực khủng khiếp với con lũ càng lúc càng dâng cao như muốn vươn vòi cuốn chúng tôi vào bụng.

"Nghỉ thôi" - Hắn lại ngáp dài - "Tấp vào căn nhà hoang phía bên trái, chiều rồi".

"Còn sớm mà?".

"Sớm mẹ họ. Mặt trời chui tọt xuống đất liền bây giờ cho coi. Kìa, anh chèo chống kiểu gì vậy? Nạy bên phải. Ờ, được rồi. Từ từ kẻo nhà  sập mái xuống thì hết còn chỗ ngủ qua đêm và gió xứ này sẽ không tha thứ cho anh đâu. Vụng về như anh thì bày đặt đi buôn lậu làm chi ta. Mới chuyến đầu hả?".

"Cạn tiền phải liều thôi" - Tôi giả vờ - "Đây là lần đầu tôi đi, ai dè bị rượt, bỏ của chạy lấy người chứ sao. Tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đến nỗi đi buôn thuốc lá mà giờ thèm thuốc cũng không còn một điếu để hút. Anh sao, Kiên?".

Hắn đáp lầu bầu:

"Vào nghề một năm rồi. Mười sáu chuyến bị rượt hết mười ba. Kệ, cũng còn có việc để làm. Đáng đời cho kẻ không có được một cục đất để chọi chim".

"Có bão đêm nay thì mái nhà này coi như đi tong" - Tôi chồm người buộc xuồng vào kèo nhà - "Không ăn cắp chiếc xuồng này có lẽ tụi mình giờ đã chết cứng trên đọt tràm rồi. Làm vậy cũng tội cho gia đình người nông dân đó nhưng biết làm sao hơn. Nè, anh tính qua bữa chiều nay bằng thứ gì đây?".

"Như cũ".

"Lại ốc. Cái bụng tôi sắp sửa biểu tình đây".

Đêm trùm bóng đen xuống đầm lầy nhanh không thể tưởng đến nỗi tôi chưa kịp quơ vội nắm lá lợp nhà để nhóm lửa. Ơn Trời, đêm nay gió dữ nên bầy muỗi đã trốn vào xó nào mất biệt chứ không dạo đàn ò e bên tai chúng tôi như tối qua. Chật vật với những que diêm ẩm ướt, cuối cùng tôi cũng nhóm lên được đống lửa nhỏ trên tấm tôn đặt ở sạp xuồng. Giờ đây, lửa là tài sản vô giá trong cuộc đời.

"Hoan hô lũ lụt. Hoan hô món ốc nướng" - Hắn nheo mắt tinh nghịch sau khi đã nốc một hơi gần bốn mươi con - "Món này hợp khẩu vị tôi đây nhưng trong nhà mà có rắn làm bạn thì tôi không khoái chút nào đâu".

"Đừng ăn nữa, Kiên! Bị bội thực là anh sẽ làm phiền tôi thêm đó. Ê, vói lấy cây nẹp tre gãy bỏ vào kẻo lửa tắt ngúm bây giờ. Hút thuốc không?"

Nghe nhắc đến chữ thuốc, đôi mắt hắn sáng lên như mắt mèo:

"Anh xấu chơi quá! Định lừa lúc tôi ngủ để hút một mình sao. Nếu vậy, ngày mai tôi sẽ trả đũa anh bằng cách đi báo công an vì chính anh là kẻ xúi tôi chôm chiếc xuồng. Tội trộm cắp tài sản công dân cũng xơi vài năm là ít".

"Được thôi" - Tôi cười - "Thấy anh ghiền bộn nên tôi nghĩ ra một cách là tước lá điên điển phơi nắng. Hút thử cũng tạm ghiền chút khói. Nó hay tắt và có mùi mủ lá nhưng có hề gì trong hoàn cảnh này. Xé giấy nhỏ thôi, còn có trang báo duy nhất đó. Kéo mạnh một hơi xem! Được đó chứ?".

"Tôi tưởng anh khù khờ ai dè cũng nhanh nhạy. Giá như anh lo thủ thêm chai rượu đế Gò Đen thì tôi đã khen anh thông minh rồi. Nếu không bị mấy cha chống buôn lậu rượt thì bây giờ tôi đã ngồi ngất ngưởng nơi quán rượu của một thị trấn, có em và có mùi thơm cuộc đời. Tửu lượng anh cỡ nào, Kim? Ai tới đâu anh tới đó à? Xạo. Tướng anh coi thư sinh, hoặc giả là một công chức bàn giấy hơn. Sau chuyến này chắc chết tôi rồi. Bao nhiêu vốn liếng đổ sạch cho Hà Bá. Ruộng đất không, nghề ngỗng không, vay ngân hàng thì chẳng lẽ đem cái thân ghẻ lở của tôi để thế chấp. Đời tôi ông Trời luôn rọi vào hai chữ mạt hạng. Mẹ họ. Anh bảo sao? Vợ con à? Không luôn".

Hắn dứt lời, tay cầm que tre khều đống lửa cho cháy bùng lên. Được một lúc, gương mặt hắn trở nên thiểu não:

"Đúng ra thì có cũng như không" - Mắt hắn đăm đắm nhìn ra màn đêm - " Thời buổi kinh tế thị trường mà. Tôi không nuôi nổi vợ cho nên nó bỏ tôi để đi làm cho nhà hàng ở Sài Gòn. Thì cũng mấy con nhỏ mắt xanh mỏ đỏ nó rủ rê. Ờ, nó nhỏ hơn tôi 16 tuổi. Chừng được bảy tháng, ân oán giang hồ gì đó không biết nên bị mấy tay ma cô rạch nát mặt mày. Buồn tình, nó uống thuốc ngủ tự tử. Mẹ họ, khi chết đi nó để lại cho tôi một tài sản vô giá là đóng tiền ngu cho bệnh viện. Trả thù à? Anh nói sao? Tôi có nghĩ tới chuyện đó nhưng chẳng hiểu sao tôi không thù mấy tên ma cô bằng oán hận nó. Mà oán hận nó tức là tôi giận sự bất lực của tôi trong cuộc đời này, giận một thằng đàn ông sống hơn nửa đời người, tóc đã hoa râm mà không nuôi nổi vợ. Chán quá, tôi rời bỏ làng quê từ dạo đó".

"Quê tôi hả? Gò Công, quê của bà Nam Phương hoàng hậu. Anh đừng nhìn tôi với ánh mắt vô hồn như vậy. Ai mà chẳng có cái tốt và điều xấu trong đời. Trong cái xấu có cái tốt và ngược lại. Đi buôn lậu tôi biết là xấu nhưng trong sự đi đó tôi ấp ủ một ước mơ tốt đó là có được một số vốn nhỏ để đổi đời, trở thành một công dân gương mẫu. Thấy nhà cửa, vợ con người ta ấm êm mà tôi thấy chạnh lòng".

Rồi hắn im lặng một cách đột ngột. Nhìn vẻ rầu rĩ của hắn mà tôi chẳng thốt nên được lời nào. Vô tình, hắn đã xem tôi là người cùng hội cùng thuyền nên đã dốc hết cõi lòng ra cho tôi nghe. Hắn đâu biết rằng tôi lao vào chuyến phiêu lưu, mạo hiểm này cốt chỉ để làm một bài phóng sự về buôn lậu trong mùa lũ nơi biên giới Việt Nam - Campuchia. Chuyện ăn cắp chiếc xuồng rồi đây tôi sẽ tìm đến để tạ tội với gia đình người nông dân ấy.

Bên ánh lửa bập bùng, tôi mới có dịp quan sát hắn kỹ hơn. Đôi mắt xếch, hàm râu quai nón rậm rì, bẩn thỉu, vai bè ra, dềnh dàng trông hắn thật dữ tướng. Hắn chỉ hiền có mỗi nụ cười, nụ cười hiền hậu và thoáng buồn như đa số nụ cười của người nông dân miền Tây Nam bộ.

"Cười tủm tỉm cái gì vậy, Kim? Không lo ngủ dưỡng sức ngày mai chỉ có nước nằm ì ra đó. Mẹ họ, người xưa nói Tháp Mười là cái rốn mà Thái Bình Dương cố ý tạo nên cho cái dáng cong cong tuyệt mỹ của xứ An Nam, không biết có đúng không. Ồ, một cái rốn hút chặt đời nam nhi thật dễ thương; một cái rốn có ma lực thật khủng khiếp. Nghĩ lại cũng phục mấy cha lính Việt cộng dám trụ ở đây để quật lại tụi Mỹ tơi bời. Quên chưa nói thêm với anh, hồi năm 73, 74 tôi cũng có vào du kích ở quê. Lúc đó tôi chỉ là thằng bé con 18, 19 tuổi đầu. Rồi đến ngày giải phóng miền Nam, tôi chuyển qua công tác Đoàn. Được mấy năm, không biết một chữ nên người ta cho nghỉ việc. Cũng cố học bổ túc chứ nhưng cái chữ nó như có thoa mỡ hay sao mà nó không chịu luồn vào giữa hai ngón tay tôi. Nhưng gì thì gì tôi cũng còn danh hiệu dũng sĩ diệt máy bay Mỹ".

"Anh có muốn thức để nghe chuyện ấy không? Được. Tôi còn nhớ như in, trưa hôm đó ăn trúng cái gì không biết nên tôi bị chột bụng. Khi gấp lên thì bạ chỗ nào ngồi chỗ đó chớ chẳng nhìn trước nhìn sau làm chi, ai dè lại nhằm chỗ thoi loi giữa cánh đồng. Mới được một phần ba sự sung sướng tuyệt đỉnh thì một chiếc trực thăng từ phía Mỹ Tho ào đến lúc nào tôi cũng chẳng hay. Đến khi nó vãi đại liên tối tăm mặt mũi thì tôi đâm quýnh lên nhưng đành ngồi như trời trồng chớ chẳng biết xử lý ra làm sao. Đến khi một viên đạn ghim vào cánh tay, nhìn thấy máu mình tuôn ra dầm dề tôi đâm ra tức giận. Vớ lấy AK, tôi lia về phía nó trọn một băng đạn. Mấy lần trước ngắm bắn theo bài bản thì trật lất ai dè lần này trúng đích ngon ơ. Nó bốc cháy và đâm sầm về hướng biển. Chẳng kịp kéo quần và quên là mình đang bị thương, tôi cứ thế nhảy cẫng lên hò reo cho đến khi đồng đội từ trong vườn ùa ra công kênh tôi lên vai. Tôi nghe thủ trưởng tôi cằn nhằn: "Thằng này hôm nay đạp nhằm cái gì mà có mùi khăm khẳm vậy!". Mẹ họ, tới giải phóng bắn rơi mấy chiếc nữa hả? Dịp may ít khi đến với con người ta được hai lần".

Cách kể chuyện của hắn thật dí dỏm khiến tôi ôm bụng cười bò. Ở hắn, chuyện buồn vui cứ lẫn lộn vào nhau. Mới vui đó rồi buồn đó. Tôi khám phá ra một nhân cách đáng quí trong con người hắn đó là mọi chuyện đối với hắn đều không có vẻ gì là quan trọng. Hắn còn tốt hơn những kẻ luôn tỏ ra ta đây là người quan trọng ở những chỗ đông người mặc dù bên trong họ là sự rỗng tuếch, là sự ma giáo, lọc lừa.

Đêm Tháp Mười lẳng lặng đi qua với những luồng gió phần phật trên mái lá. Màn trời phía xa đen thẫm lại, giống như một cô gái vội kéo vạt áo để che cái rốn của mình trước ánh mắt đắm đuối của những gã đàn ông. "Chắc mưa" - Hắn nói rồi nhích gần hơn vào đống lửa và dựa lưng vào be xuồng. Tôi thò tay vào khoang mũi, lấy tấm vải mủ liệng về phía hắn.

Hắn đi vào giấc ngủ thật êm ả và vô tư, còn tôi thì không. Nghề làm báo từ lâu đã rèn cho tôi việc yêu thích màn đêm, nhất là những đêm mưa hoang dã. Hơn nữa đây lại là đêm mưa của những kẻ lạc loài trong mùa lũ đồng bằng sông Cửu Long. Nó như cô độc và xót xa. Nó là sức mạnh và yếu hèn. Nó là sự bình tâm để suy nghĩ về mình, về sự ái ân nghìn đời giữa con người và thiên nhiên...

Những giọt mưa đến lộp độp đồng lúc với tiếng ngáy pho pho của hắn. Nhìn dáng co quắp của hắn khi ngủ tôi chợt nghĩ vu vơ về những phôi thai tượng hình trong lòng các bà mẹ. Có lẽ, để quên đi những lỗi lầm trong cuộc sống, hắn muốn tìm về một giấc ngủ nguồn cội không tội lỗi của loài người. Lúc là phôi thai ta đã suy nghĩ những gì nhỉ? Tôi tự hỏi. Phải chăng ta luôn nghĩ về một cõi Thiên đàng tốt đẹp mà vì sự bon chen trong cuộc sống nên vô tình ta đã để mất?

 

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

 

Mưa cứ lắc rắc hoài khiến tôi không tài nào ngủ được. Hết nằm xuống tôi lại ngồi dậy đưa mắt nhìn màn trời đen thẫm ngoài xa. Lời hắn nói như vẫn còn văng vẳng đâu đó bên tai tôi. Tính cách của hắn khiến tôi nhớ đến một câu chuyện cách đây chín năm.

Cách đây chín năm, khi ấy là năm 1987, và tôi là thông tín viên của một đài phát thanh tại miền Tây, vùng đất phía Nam Việt Nam trải dài ven bờ Thái Bình Dương, uốn khúc nơi vịnh Thái Lan rồi đi ngược lên hướng Bắc theo đường tiếp giáp với Campuchia. Vùng đất huyền thoại với muôn điều kỳ thú.

Duyên may đã dẫn tôi đến với một người ba lần vượt qua kẽ tay Thần Chết. Tôi nhẩm tính, nếu còn sống cho đến ngày nay thì lãọ đã ở vào độ tuổi 111.

Đó là một lão già có dáng người nhỏ thó, hầu như chỉ còn da bọc xương nhưng nét mặt thì hồng hào lạ thường. Lão ở một mình trong căn nhà sàn ven kinh Đào, một vùng đồng bằng ngập lũ của tỉnh An Giang.

"Lão đoán là hôm nay thể nào cũng có người ghé chơi. Hồi gần sáng, con NGƯỜI cứ rít lên từng chặp".

Tôi theo lão vào nhà sau khi vẫy tay chào cô bé chăn vịt chống xuồng đã cho tôi quá giang. Ánh nắng chiều rải vàng li ti trên làn sóng lăn tăn. Phía chếch về bên trái căn nhà, núi Sam thẫm màu sương, đứng sừng sững, buồn hiu.

"Rượu hả, chú em?" - Lão hỏi với giọng sang sảng.

"Dạ, thưa Cụ..."

"Cứ gọi bằng anh, lão cho phép. Ai gọi bằng Cụ hãy lập tức phóng xuống kinh và bơi trở về".

Rồi lão xăng xái đi chuẩn bị thức nhắm. Tôi định giúp lão một tay nhưng lão cứ ấn tôi ngồi lại chỗ cũ để uống hết chén nước mắm cá linh do lão tự tay bào chế. Thứ nước cốt uống đến đâu ấm người đến đó. Cách chỗ tôi ngồi không xa, một con trăn to cỡ cột nhà, mà lão giới thiệu là con NGƯỜI, đang nằm khoanh tròn, thỉnh thoảng nó nghiêng đầu nhìn tôi và rít gió vi vu.

"Cám ơn. Không có chi" - Tinh nghịch, tôi gật đầu chào nó - "Khỏe hả?"

Tức thì con NGƯỜI lắc lư cái đầu và vươn gần đến chỗ tôi. Nhìn cái chạc lưỡi thụt ra thụt vào đỏ lòm của nó mà tôi chết khiếp. Nó đưa mũi ngửi khắp mình mẩy tôi, từ chân lên đến mặt. Tôi chợt rút ra một bài học, đừng bao giờ đùa cợt với những gì mình chưa quen biết.

"Đừng hôn chỗ ấy, bạn hiền. Tôi nhột" - Tôi thì thào.

"Bạn lão chịu chú em rồi đó" - Lão già đã đứng sau lưng tôi tự khi nào - "Nè, NGƯỜI, đủ rồi!"

Lời nói của lãò quả có hiệu lực. Con trăn rụt đầu về như cũ nhưng đôi mắt vẫn ngó tôi lom lom.

"Món này chú em dùng được không?".

Nồi canh chua cá linh với bông điên điển lão nấu quả là ngon, nhất là trên mặt nước không nổi lềnh bềnh vài chú sâu như ở mấy quán cơm bình dân.

Đêm ấy, tôi ở lại căn nhà sàn của lãò. Uống cả mấy giờ liền mà chưa vơi được xị rượu. Uống kiểu người già, chỉ nhấp môi và nói chuyện vu vơ, bắt đầu từ chuyện thời tiết, chuyện mùa màng và những cảnh khốn cùng của người dân vùng lũ lụt. Trăng thượng tuần như vỡ vụn ra trên mặt nước nhấp nhô và tôi nghe lòng mình man mác theo những ngọn gió liu riu.

Lão già vẫn như bộ hài cốt ngồi đó, cứng cỏi. Trong ánh đèn dầu lập lòe, đôi mắt lão hõm sâu tạo nên hai hố đen trên gương mặt. Lão uống rượu như người khác uống nước, nhởn nhơ từng chút một.

"Nếu xưng hô theo người miền Nam thì cứ gọi lão là anh Hai. Quê chú em ở đâu ta?".

"Bến Tre nhưng không phải gần biển".

"Ờ" - Lão già gật gù - "Quê nữ tướng Định. Lão có gặp cô ấy đôi lần. Vô miếng cá này thử xem. Chú em chạy nhật trình à? Kiểu từ xa? Cũng tốt. Lâu lắm rồi lão không ngồi uống rượu với ai. Thời bây giờ uống rượu để hạ nhau quá nên lão ngao ngán. Vượt qua tuổi thứ 100, giờ đây lão thường tự hỏi mình có phải là con người nữa không. Chú em mày đến đúng dịp lắm, hôm nay là ngày lão chẵn 102 tuổi. Khách à? Khách ít đến đây chơi lắm vì họ sợ con NGƯỜI. Con NGƯỜI  không thích ai là nó cắn liền. Chú em nhìn gì lão mà chăm chú vậy? Chắc tại vì lão già không ra già, trẻ không ra trẻ, phải không?".

Lão già đoán đúng tâm tư của tôi nên tôi vội chống chế:

"Ai dám, anh Hai. Cháu nhìn anh Hai mà mường tượng đến ông ngoại cháu, nếu ông ấy còn sống".

Lão già gật gù:

"Lão mồ côi từ lúc lên mười nên việc nhớ ngày sinh là tài sản quý giá nhất đời lão. Thời này người ta gọi là sinh nhật hả? Hồi xưa thì đâu có, người ta chỉ kỷ niệm ngày chết".

Giọng nói của lão già cũng thật lạ lùng. Nó không có cái kiểu chậm rãi, mệt mỏi mà tôi thường thấy phổ biến ở những ông già cỡ 60, 70 của thời nay; ngược lại, thanh âm của ông già 111 tuổi này trong veo và sang sảng trên một thân thể đã choắt hết cỡ lại như bã mía.

"Mấy chú ở Long Xuyên giới thiệu lão đã năm lần từ cõi chết trở về à? Nói dóc. Chỉ có ba thôi" - Lão già dừng lời để tợp một hớp rượu - "Chuyện cũng bình thường thôi".

Đối với lão đó là chuyện bình thường nhưng đối với cái sự may mắn trong cuộc đời thì không bình thường chút nào. Do vậy mà tôi có mặt ở đây".

"Chú em biết thời phong trào Mặt trận Bình dân ở bên Pháp chứ? Có nghe nói à? Năm ba mươi mấy thì lão quên rồi. Hồi đó lão ở Bạc Liêu, cách mạng giao cho lão diệt tên Hội đồng Bách . Tay đó hống hách lắm, chuyện giết người cũng giống như chuyện hắn đi săn chim để giải sầu. Nó có tiền bạc đỡ đầu mà. Lão là đầy tớ cho nên hắn đâu có ngờ. Ngay đêm Hạ ngươn (*), với cái phảng trong tay, lão cho đầu hắn rụng cái cụp chỉ với một lần lia qua. Con vợ hắn sợ quá chui tọt xuống gần giường. Vì mặc đồ ngủ kiểu mấy bà đầm nên các thứ xú uế trong người nó phun ra tùm lum. Lão tức cười nên đứng đó mà cười ha hả, cười đến nỗi quên trốn đi để tụi đàn em nó xông vào gí súng bên tai. Chúng giải lão lên tỉnh và kết án tử hình. Dân chúng biểu tình đòi thả lão ra. Cân đi tính lại sao không biết, chúng bỏ vụ tử hình, chụp xuống đời lão cái án chung thân và đày đi Côn Đảo. Mãi những năm về sau lão mới biết vì sao chúng không giết lão. Tay tỉnh trưởng vốn có mối thù đất đai gì đó với tên Hội đồng Bách. Không giết lão, tay tỉnh trưởng đạt được ba điều có lợi: Khử được kẻ cựu thù, lấy được lòng dân chúng và thâm hiểm hơn là chỉ bốn tháng sau, con vợ của Hội đồng Bách nhảy ngay lên ghế bà tỉnh trưởng. Thì cái con phóng uế tùm lum ấy chứ ai!".

Chao ôi, chuyện sống chết mà ông già xem như chuyện đùa. Tôi đã từng nghe những cựu tù kể lại, một khi lọt vào tay bọn chúng, nếu không chết thì cũng thân tàn ma dại.

"Đó là một. Ra đảo, tay chúa đảo thấy lão giỏi ba cái chuyện lặt vặt trong nhà nên đem về xài. Vài năm sau, một hôm tình cờ nghe lén được chuyện chúng bàn tính với nhau thủ tiêu tù chính trị bằng hơi độc. Máu hảo hán nổi lên, lãõ cùng vài người nữa. Ai à? Thì cũng là bọn tù nhân chúng tuyển về xài không công chứ ai. Bọn lão nổi lên, giết hết bọn cai ngục và tên chúa đảo, cướp tàu vù về đất liền. Toàn là dân tay cày, tay cuốc và dân chữ  nghĩa không nên có ai rành đi biển đâu. Lênh đênh suốt hơn tháng trời, uống nước tiểu cầm hơi, tàu mới tấp vào được U Minh Hạ. Sống sót được bao nhiêu hả? Mười bảy người. Đi thì hơn sáu chục. Giờ chẳng có ai trong bọn còn sống đâu, chỉ còn một mình lão ngồi đây uống rượu với chú em mầy thôi".

Đêm châu thổ dần trôi qua trong lời bông đùa pha chút gì đó u ẩn của lão già. Một xị rượu cạn, lão lôi tiếp chai thứ hai. "Như thời hiện đại gọi là sinh nhật mà" - Ông già cười hóm hỉnh. Tôi chúc ông ta mạnh khỏe và cạn một hơi nguyên ly. Lão đáp lại lời chúc cũng y như vậy. Thì ra tửu lượng của lão cũng không thua kém gì tôi. Đặc biệt, trí óc ông già vẫn còn minh mẫn. Có những chuyện rất nhỏ xảy ra trong quá khứ mà ông ta vẫn không quên, trong khi đó đối với tôi, có khi mới đọc qua vài trang sách tôi đã không còn nhớ tên tác giả nổi.

"Lão còn hoạt động Cách mạng nữa không hả? Ờ, có, nhưng chỉ đến 45. Ngày lão cưới bà ấy cũng là ngày toàn quốc kháng chiến. Biết sao được, lúc đó lão đã 61 tuổi rồi, cũng tròn một đời người lông bông. Lão đem bà ấy đến sống ở chân Ngũ Hồ Sơn. Sáu mươi mốt tuổi làm sao còn xí quách à? Vậy mà có con mới tài. Chú em mày hỏi sao? À, bà ấy nhỏ hơn lão 16 tuổi. Chồng trước của bà ấy bị rơi vào miệng sấu rừng U Minh. Đứa con gái riêng của bà ấy thì theo chồng về sống ở Cầu Kè. Giờ nó cũng là bà già 71 tuổi rồi. Còn sống. Thỉnh thoảng nó có đến đây thăm lão, mươi mười năm một lần. Thôi, còn dời nhà đi đâu nữa mà làm gì. Già rồi chết kiểu nào cũng là chết. Ngày bà ấy bị sét đánh bỏ mạng, lão như đã muốn chết theo nhưng kẹt còn đứa con trai lên bảy không người chăm sóc. Uất quá, lão leo lên đỉnh Ngũ Hồ Sơn và thách: "Trời có giỏi thì đánh chết già này đi, già mới phục!". Nói chơi mà hai năm sau ông Trời sai Thiên lôi làm thật. Lúc đó lão đang ở sườn núi tìm cây thuốc Nam về để trị bệnh cho bá tánh. Ông Trời vừa sầm mặt xuống là sấm chớp giăng trời. Lo thằng nhỏ dọc mưa nên lão vác dao chạy về. Ai dè chỉ mới vài chục bước thì một đốm lửa xanh lè chụp lấy lão, giật phắt con dao quăng lên không trung. Cảm giác lúc đó ra sao ư? Bỏng rát, ngỡ như nửa thân thể mình đã văng đi đâu mất tiêu. Rồi lão không còn biết đầu đuôi gì nữa. Tỉnh lại đã thấy nằm trong nhà. Thì dân làng ùa ra khiêng lão vào chứ còn ai vô. Còn nhớ, câu hỏi đầu tiên của lão khi mở mắt ra là: "Đứa nào chơi gài lựu đạn gì kỳ vậy?". Tay hàng xóm liền nói: "Thiên lôi đến hỏi thăm sức khỏe ông". "Ổng đâu?" - Lão hỏi. "Hết mưa là ổng đi rồi". Thằng con ôm chân lão khóc sướt mướt. "Để tía đi nấu cơm. Con trai khóc là xấu lắm" - Lão chống tay ngồi dậy nhưng nửa người bên trái lại không tuân theo ý mình".

Lão vén áo lên cho tôi xem. Một vệt nám đen kéo dài từ phía bả vai, vòng qua đầu vú trái và chạy ngược về phía thắt lưng.

Lão cười hề hề:

"Tưởng nặng chứ đâu ngờ giống như bị phỏng thôi, không thấm gì so với lần bị hành hạ trong tù. Sợ không hả? Không sợ nhưng hơi ớn. Mỗi khi trời sắp mưa là lão xúc một chén cơm nguội ăn giả bộ. Đối đầu với kẻ thù thì dễ nhưng chọc giận thiên nhiên thì khó chơi lắm. Thiên lôi bị lão qua mặt nên xoay qua tìm con trai lão. Nó mất rồi, mất hồi chiến dịch gì đó bên Lào. Nó bị bom ép mà chết. Máy bay Mỹ là thằng Thiên lôi. Nó có ở bên quân sự không hả? Không biết nhưng nó có viết báo ở R. Có một đứa con, cưng như trứng mỏng nhưng khi nó đã nằng nặc đòi đi thì phải cho nó đi chứ. Gì chứ niềm tin thì khó có gì cản nổi. Khi từ giã lão, nó chỉ nói: "Con cần tìm một hơi thở. Con tin là đến ngày con về thì tía vẫn còn sống". Lão chỉ cười, cười thay cho khóc. Lúc ấy lão cũng đã 82. Lão đâu có hy vọng gì gặp lại con vì chiến tranh đang vào hồi ác liệt nhất. Ai dè, ngày giải phóng còn lão mà không còn nó".

Ông già buồn rầu, vói tay vào sạp giường và lôi ra thùng đạn đại liên còn bóng nước sơn.

Tôi run run, cầm lấy một quyển tạp chí đã phai màu. Kỷ vật của đứa con muộn mằn của lão là đây. Lão nhổm người dậy, chỉ cho tôi thấy những bài viết của con lão với một thái độ hết sức nâng niu. Đó là bài ký về biến cố Mậu Thân, về chuyến hành quân qua cánh đồng chó ngáp Long An...

"Làm xị nữa không, chú em? Tùy hả?".

Lão vừa hỏi vừa tự trả lời. Đêm trăng đồng bằng huyền hoặc hòa với tiếng sóng vỗ róc rách dưới sàn nhà. Lão già co chân lại, ngồi trầm ngâm, không thèm đáp thêm một lời nào nữa những câu hỏi của tôi. Tôn trọng giây phút riêng tư ấy của lão cho nên tôi cũng ngồi lặng thinh. Lúc này, có lẽ lão đang gởi hồn về quê xưa hay gợi nhớ đến những gương mặt thân quen đã đi qua cuộc đời dài thăm thẳm của lão? Tôi nhấm nháp ly rượu đắng cay, nhìn lão ngồi im phăng phắc mà không khỏi chạnh lòng.

Tiếng gà gáy sang canh văng vẳng từ một thôn xóm xa lắc nào đó nghe thật mơ hồ. Tôi ngoảnh mặt nhìn về phía núi Sam. Ngọn núi vẫn sừng sững đứng đó như một ốc đảo, đối đầu với con lũ hung hãn tràn về từ thượng nguồn sông Mê Kông; và có lẽ, cũng từ nghìn đời nay, ngọn núi vẫn đứng trơ xương, gân guốc và trầm mặc như thế.

 

 

Chú thích:

+ (*): Rằm tháng Mười âm lịch.

Vũ Hồng
Số lần đọc: 2949
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại