Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.230.983
 
Phó tiến sĩ không hữu nghị
Vũ Bão

Nếu sau này xuống âm phủ, chắc chắn thằng Hân và tôi cùng bị quỉ sứ cưa tay. Trong mỗi tiết toán, đứa nào làm xong trước phải vo viên bản nháp rồi búng lên bàn trên cho thằng Bằng. Biết làm việc đó là sai trái, nhưng chúng tôi không nỡ bỏ bạn lưu ban.

Tháng trước thằng Hân được xếp thứ nhất, tôi xếp thứ nhì, thằng Bằng bị xếp thứ 49. Cả lớp có 50 học sinh. Tháng sau thằng Hân và một thằng nữa đạt điểm bình quân 9,1 nên tôi bị xếp thứ ba. Đem sổ điểm về nhà, tôi bị bố mắng như tát nước vào mặt, bắt tôi viết một bản quyết tâm thư phải giành lại vị trí thứ nhì vừa bị mất. Còn bên nhà thằng Bằng lại vui như hội. Nó được xếp thứ 44. Mẹ nó đi mua con gà về làm bữa liên hoan đứa con vừa nhích lên được năm bậc. Ngày chủ nhật bố nó đưa nó đi chụp ảnh và xem chiếu bóng. Cả nhà thằng Bằng không ai biết rằng tháng ấy trong lớp có những bẩy thằng bị điểm bình quân 3,9 nên không thằng nào bị xếp thứ 50. Dù sao thì hạng thứ 44 cũng đem lại niềm vui y như thật và một vài niềm vui gần như thật trong gia đình thằng Bằng. Số là một hôm thằng Bằng chạy như ma đuổi giơ cao quyển sổ liên lạc gia đình về nhà khoe với bố mẹ nó vừa được điểm 10. Chỉ cần nhìn thấy con số 10 hiếm hoi ấy, bố thằng Bằng đã nắm chặt hai tay phóng thẳng lên trời như lúc nhìn thấy Cao Cường sút tung lưới đội Công an Hà Nội trong vòng chung kết. Mẹ nó hối hả đi chợ. Lại một con gà chết oan, vì cái điểm 10 ấy là điểm 10 thể dục. Hôm ấy có đoàn cán bộ liên ngành của Sở thể thao và Sở giáo dục về kiểm tra phong trào rèn luyện thân thể của nhà trường. Chúng tôi biểu diễn rất đúng và đều 36 động tác của bài thể dục buổi sáng. Đoàn cán bộ hết lời ca ngợi, ông hiệu trưởng sướng nở mũi hạ lệnh cho giáo viên thể dục thưởng cho mỗi đứa chúng tôi con 10 đồng hạng.
Số thằng Bằng có quí nhân phù trợ. Mỗi học kỳ bố mẹ nó lại đến nhà cô giáo vặt đầu vặt tai xin cô nâng điểm để hết học kỳ II nó được lên lớp. Nó leo được lên cấp hai, bố mẹ nó càng phải chi nhiều phong bì cho Nhà các nhà giáo Việt Nam, ngày Tết, ngày Quốc khánh, ngày Quốc tế Phụ nữ, vì mỗi lớp có nhiều thầy cô, mỗi thầy cô chỉ dạy một hai môn và mỗi lớp lại có một giáo viên chủ nhiệm.

Thằng Bằng đã kém về toán, còn về văn nó cũng chẳng hơn cái tài làm toán. Thầy giáo hỏi về gia đình cô Kiều, nó ấp úng trả lời: "Bố cô Kiều lúc ở nhà tên là Vương Ông, lúc ra làm quan dân làng gọi là Vương Quan."!!! Tả một buổi đi tuần hành cổ động cho đại hội hợp tác xã, nó viết rất nghiêm chỉnh những gì tai nghe mắt thấy: "Chúng tôi đánh trống ếch, vừa đi vừa hô khẩu hiệu ầm làng, đi đến đâu chó cắn đến đấy. Được một vòng chúng tôi giải tán, ông chủ nhiệm bảo chúng tôi ngày mai lại đi nữa. Về đến nhà, tôi mở đài Trung Quốc nghe Tây Du ký, rồi ngủ lăn quay lúc nào không biết". Một lần làm bài văn về trận tiêu diệt máy bay Mỹ, thằng Bằng cứ thấy sao viết vậy: "Thằng Con Ma trúng một phát cao xạ hộc một tràng khói ra đằng đít lao phọt xuống cánh đồng."!!! Khi trả bài, cô giáo phải nhắc nhở cả lớp: "Hộc là kêu rống lên và cũng có nghĩa trào ra từ miệng nên không ai viết "hộc ra đằng đít". Tràng là những vật cùng loại xâu vào với nhau như "tràng hạt", hoặc nhiều âm thanh phát ra liên tục như "tràng súng máy", "tràng pháo vỗ tay", vì thế không viết "tràng khói" mà chỉ viết "dải khói". Không ai viết "đít máy bay" mà chỉ viết "đuôi máy bay". Phọt là bật mạnh ra thành tia như "phọt máu", nên không viết "máy bay rơi phọt xuống cánh đồng"." Thì ra nó viết có một câu mà nhầm đến bốn từ. Anh em trong lớp cứ chê nó là ông Liên Xô viết tiếng Việt Nam. Ấy thế, nhờ chiến thuật phong bì, thằng Bằng vẫn lên mỗi năm một lớp.

Đến lớp 9, dưới trướng một giáo viên chủ nhiệm "bôn" chính hiệu, thằng Bằng bị lưu ban không được lên lớp 10. Ông hiệu trưởng sau khi nhận được thư tay của ông phó trưởng Ty giáo dục - chú thằng Bằng - cố thuyết phục ông giáo viên chủ nhiệm cho thêm điểm để thằng Bằng được lên lớp. Ông giáo viên chủ nhiệm vì cái tội cứng đầu cứng cổ nên bị đá từ nội thành về đây, nhưng chứng nào vẫn tật ấy, trả lời thẳng thừng: "Tôi là đảng viên. Đảng không dạy tôi làm hàng giả. Đảng dạy tôi phải cung cấp cho tổ quốc xã hội chủ nghĩa những người có tài thực sự, chứ không phải là một lũ ngu dốt có đầu đủ văn bằng". Ông ta quên mất rằng thằng Bằng thuộc dòng dõi 5C (Con Cháu Các Cụ Cả). Ông nội nó đã đi cắm cờ từ ngày Việt Minh cướp huyện. Bố nó chỉ là anh hoạn lợn được tuyển vào làm cung ứng ở công ty thực phẩm, rồi leo dần lên tới phó giám đốc kiêm bí thư đảng ủy công ty. Cô nó lấy một ông phó giám đốc sở, còn một cô nữa lấy ông vụ trưởng - con trai ông phó bí thư tỉnh ủy. Cô út nó lấy ông trưởng ban tổ chức chính quyền. Thế là chú nó làm đầy đủ thủ tục cho nó chuyển trường lên lớp 10, còn ông hiệu trưởng bị đá hất lên phòng chuyên môn, và ông giáo viên chủ nhiệm nhận ngay được quyết định đi xây dựng trường cấp II ở vùng kinh tế mới. Năm sau thằng Bằng tốt nghiệp lớp 10 và được chọn đi học ở Liên Xô. Lúc đó bọn thanh niên chúng tôi lần lượt đi bộ đội. Nhiều đứa đã bỏ xác ở chiến trường miền Nam, còn những đứa trở về, đứa cụt chân, đứa cụt tay. Tôi là thằng lính may mắn nhất, giữ đủ càng đủ gáo, chỉ phải đem cái bụng báng, một vết sẹo ở bắp đùi và một vết sẹo dọc sống lưng.

Tôi về đến làng đúng lúc nhà thằng Bằng dựng rạp, nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Tôi hỏi cậu hàng xóm mới biết bố thằng Bằng khao cái phó tiến sĩ của con trai. Tôi vẫn không một ngày bước chân qua ngưỡng cửa trường đại học, nên cứ thấy ông phó tiến sĩ nào là bái phục ông phó tiến sĩ ấy. Một hôm thằng Hân xuống đơn vị an dưỡng thăm tôi, nghe tôi khoe thế là làng ta có phó tiến sĩ rồi, thằng Hân phá lên cười:
- Cái huân chương mày được thưởng ở chiến trường có bao giờ mày đeo mặt trái ra ngoài không?
Tôi hỏi lại:
- Thế là thế nào?
Thằng Hân vỗ đánh độp vào vai tôi:
- Mày đi đánh nhau dài ngày quá nên mục cả đầu óc rồi. Ở đời có dăm bảy loại phó tiến sĩ. Phó tiến sĩ Bằng mày học với nó mày đã biết. Tao đã ở Liên Xô với nó, tao biết. Phó tiến sĩ hữu nghị ấy mà.
- Sao lại phong cho nó là phó tiến sĩ hữu nghị?
- Nó có học hành gì đâu. Bố mẹ nó gửi hàng sang, nó chạy về các tỉnh bán đi, rồi mua a-na-gin, B12, áo bay, dây may-xo gửi về. Đến khi làm luận án, nó thuê một thằng viết. Thằng cha này học gạo lắm, luận án về thằng Bờm. Thằng Bằng lại nhờ tao dịch. Các thầy Nga biết quái gì là cái quạt mo, biết gì là con chim đồi mồi, chẳng lẽ lại tự nhận là không biết, nên cứ "đa đa" hoài. Còn ông thầy phản biện, thằng Bằng lo lót trước rồi. Phong cho chúng ta một phó tiến sĩ, người Nga có mất cái gì. Lương phó tiến sĩ mình cứ è cổ ra trả, còn họ được thành tích đã đào tạo cho mình bao nhiêu phó tiến sĩ.

Tôi vẫn ngờ ngợ cái điều thằng Hân vừa nói. Sau này cánh đi Liên Xô về kể vanh vách "thành tích" của thằng Bằng tôi mới tin. Và cũng từ chúng nó tôi mới biết thằng Hân cũng là phó tiến sĩ mà chẳng bao giờ nó khoe với tôi cả. Thằng Bằng vẫn chưa nhận công tác. Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10, ngày sinh của Puskin, Gorki, bao giờ thằng Bằng cũng có hàng loạt bài dàn hàng ngang trên các báo. Lúc đầu tôi đọc rất hào hứng, nhưng vài bài sau tôi chỉ thấy toàn các ông Ốp, Ép, Xki... nói, chẳng thấy thằng bạn học cùng lớp tôi nói bao giờ. Tôi ôm một tập báo đến đưa cho thằng Hân mà bảo: "Thế này là thế nào?". Thằng Hân cười hì hì: "Phó tiến sĩ thứ thiệt thường nói theo dòng suy nghĩ của mình, còn phó tiến sĩ hữu nghị thì ở Liên Xô nói chuyện Việt Nam, về Việt Nam nói chuyện Liên Xô. Đây, mình đọc cho cậu một bài báo ở Văn học Xô Viết, cậu xem có giống bài của ông Bằng nhà ta không nào".

Tôi rút một tờ báo cho thằng Hân nhìn lướt qua đầu đề, thằng Hân với tay lên giá sách lục chồng báo cũ rút ra một tờ rồi dịch thẳng sang tiếng Việt cho tôi nghe. Thì ra ông phó tiến sĩ hữu nghị của tôi đã "thuổng" bài báo ấy rồi mông má lại, ký tên phó tiến sĩ Chu Hữu Bằng.
Có một thời sách báo tiếng Nga tràn ngập lãnh thổ nước ta. Lúc đó, những người thạo tiếng Nga chưa nhiều lắm. Một số người khác phải dịch tác phẩm tiếng Nga sang tiếng Việt bằng bản tiếng Pháp của các nhà xuất bản bên Nga phiên âm các danh từ riêng theo cách phát âm của Pháp. Do đó, phó tiến sĩ Chu Hữu Bằng giữ độc quyền với nhà xuất bản "Cây đề" về dịch các tiểu thuyết tiếng Nga. Ký xong một hợp đồng, nó gọi một số sinh viên đến dịch, rồi đứng chung tên.

 

Sau này nhiều hợp đồng, nó xé lẻ từng quyển ra làm nhiều phần, rồi thuê sinh viên mỗi đứa dịch một phần. Bói rẻ còn hơn quẻ không, các sinh viên lao vào dịch như điên, lại hoạt động đơn tuyến với ông phó tiến sĩ, nên thằng nào cũng tưởng chỉ có một mình giúp đỡ dịch giả mà thôi. Để thiên hạ biết mình ở Nga về, tên các nhân vật trong tiểu thuyết, Bằng phiên âm theo đúng giọng Nga đủ cả tên bố và họ. Đọc sách của dịch giả Chu Hữu Bằng, tôi đến phát nhức đầu về cái tên người dài dằng dặc. Nói có sách, mách có chứng, tôi xin trích trong cuốn "Tình yêu đôi ngả" một đoạn như sau:
"Ông Phê-đô Phê-đô-rô-vi-trư A-la-ba-mốp nói như hét vào tai ông I-van Xéc-ghêi-ê-vi-trư Bơ-la-kha-nốp:
- Ông I-van Xec-ghêi-ê-vi-trư, thằng Nhi-cô-lai nhà ông đánh thằng A-lếch-xây nhà tôi thâm tím cả mặt mũi rồi.
Ông I-van Xéc-ghêi-ê-vi-trư Bơ-la-kha-nốp vội trả lời:
- Ông Phê-đô Phê-đô-rô-vi-trư A-la-ba-mốp ạ, thằng Nhi-cô-lai nhà tôi rủ con On-ga A-lếch-xan-đrê-ép-na, con gái ông A-lếch-xan-đơ Mi-tô-lô-vi-trư Ba-cu-lin đi nhảy. Thằng A-lếch-xây nhà ông đến gọi con On-ga A-lếch-xan-đrê-ép-na ra thư viện đọc sách. Thấy hai đứa đang nhảy, thằng A-lếch-xây nhà ông cà khịa, thụi vào ngực thằng Nhi-cô-lai nhà tôi, tất nhiên thằng Nhi-cô-lai phải ứng đạp lại vào bụng thằng A-lếch-xây nhà ông..."

Toàn những vi trư là vi trư, tôi chịu chẳng tài nào hiểu được thằng vi trư nào đánh thằng vi trư nào đau hơn. Ai bỏ tiền ra mua quyển "Tình yêu đôi ngả" những 200 trang chỉ đọc được 150 trang truyện, còn phải trả không 50 trang toàn những vi trư là vi trư, như vớ phải bó rau muống có quá nhiều cuộng vậy.

Ít lâu sau cánh đi Nga lục tục kéo về, có thằng hiếu học đóng gói cả một tủ sách văn học hiện đại Nga. Thế độc quyền của Bằng bị mất, những vi trư của Bằng không được những người mê sách đọc nữa. Các nhà xuất bản thi nhau dịch tiểu thuyết Nga, các sinh viên nhảy ra ăn riêng đỡ phải bánh đa bẻ đôi tiền nhuận bút. Thằng Bằng đâu có chịu. Mỗi khi nghe thấy một nước mới nổi lên giành độc lập, hoặc là năm tròn kỷ niệm ngày thành lập nước nào, thằng Bằng đều viết thư sang Liên Xô nhờ lùng các loại sách Nga viết về nước ấy gửi về. Vì thế nhân ngày nhân dân

 

Mêlatăngca nổi lên giành độc lập, Bằng phóng ngay sang nhà xuất bản "Cây đề" in một tập thơ Mêlatăngca. Đấy là một tập thơ Mêlatăngca do một người Pháp trước làm ở phủ toàn quyền Mêlatăngca sưu tầm và dịch lại. Khi đoàn nhà văn Tiệp Khắc sang Paris, anh phiên dịch chộp lấy và đem của lạ về Tiệp Khắc. Một tay trợ lý báo chí đại sứ quán Ba Lan ở Tiệp Khắc lại dịch sang tiếng Ba Lan. Một sinh viên Ba Lan du học ở Liên Xô lại dịch sang tiếng Nga, và đến bây giờ thằng Bằng của chúng tôi vớ được của độc này liền chuyển sang tiếng Việt với lời chú thích dưới tựa đề "dịch từ nguyên bản tiếng Mêlatăngca".

Xin trân trọng mời các bạn nhấm nháp tý công trình dịch thuật của ông phó tiến sĩ hữu nghị của làng tôi:
Ôi lựu đạn!
Ta sinh trong vòng tay nàng
Ôi lựu đạn!
Tiếng nói đầu tiên ta gọi tên nàng
Ôi lựu đạn!
Dù vượt đỉnh Himalaya tuyết phủ
Dù vượt sóng dữ Thái Bình Dương
Dù vượt rừng Amazone bạt ngàn
Ta quyết nắm tay nàng
Ôi lựu đạn!
Mỗi cánh hoa là của nàng
Mỗi ánh trăng là của nàng
Mỗi tiếng chim hót là của nàng
Mỗi dòng suối trong là của nàng
Ôi lựu đạn!
Trên sa mạc mênh mông
Ta viết tên nàng lên cát trắng
Lựu đạn! Ôi lựu đạn!
Tôi đem tập thơ Mêlatăngca đến hỏi thằng Hân: "Thơ tầm cỡ quốc gia gì mà ì ạch như...". Hân lắc đầu trả lời không biết.
Tôi vặn lại: "Tại sao phó tiến sĩ mà không biết?". Hân mỉm cười: "Cái thằng nào khoe cái gì cũng biết chính là cái thằng chẳng biết cái gì đến đầu đến đũa cả. Mình chưa được tìm hiểu về nền văn học Mêlatăngca, thằng Bằng mù tịt tiếng Mêlatăngca. Cái giọng này đúng là của một tay phiên dịch người Nga dịch thơ Mêlatăngca từ một tiếng thứ ba, thằng Bằng cứ thế dịch sang ngang từ tiếng Nga ra tiếng Việt".

Dù phó tiến sĩ Hân không biết, nhưng sớm hay muộn trên mảnh đất này phải có người biết.
Một chiếc xe Mécxêđét đen bóng, cắm lá cờ xanh lưỡi liềm trắng đeo biển số NG (ngoại giao) nhẹ nhàng dừng bánh trước cửa nhà xuất bản "Cây đề". Hai người đàn ông da nâu mũi cao mắt đen mặc âu phục, cra-vát cổ cồn nên gót giầy đến phòng thường trực. Người dong dỏng cao đưa danh thiếp in chữ phủ kim nhũ cho cô thường trực và đề nghị được gặp ông giám đốc. Lần đầu tiên được hai vị khách nước ngoài đến thăm, ông giám đốc vốn người kỹ tính bèn mời ông phó giám đốc và bộ tứ lên cùng tiếp khách ở phòng khách sặc mùi ẩm mốc vì bị đóng cửa lâu ngày.
Người da nâu trẻ tuổi khẽ cúi đầu chào rồi nghiêng bàn tay về phía người to béo đang móc túi lấy danh thiếp. Anh ta nói tiếng Việt kiểu "com co cha co gio" của bà con làng Phùng:
- Báo cáo các đồng chí, đồng chí Mohamét Ali, tùy viên văn hóa sứ quán Cộng hòa Mêlatăngca xin phép được làm việc. Còn tôi trước đây là sinh viên Trường đại học tổng hợp, sau khi tốt nghiệp ở lại làm trợ lý báo chí.

Các vị phụ trách nhà xuất bản chuyền tay xem danh thiếp in hai mặt của hai vị khách. Ông tùy viên nói đến đâu, trợ lý báo chí dịch lưu loát đến đấy. Đại ý là Đại sứ Cộng hòa Mêlatăngca vô cùng xúc động trước việc nhà xuất bản "Cây đề" đã giới thiệu nền văn học Mêlatăngca đến với bạn đọc Việt Nam, nhưng rất tiếc người dịch không thông thạo tiếng Mêlatăngca, nên có một vài sai sót đáng tiếc. Trong tập thơ có 4 bài dân ca, chứ không phải thơ của ông Anonyme. Tiếng Mêlatăngca anonyme nghĩa là khuyết danh, còn Balabadin El Khêốp không phải là người Mêlatăngca. Ông là thủy thủ nước Alibaba bị đắm tàu giạt vào một hòn đảo của chúng tôi được một gia đình đánh cá chăm sóc, trước khi về nước ông làm bài thơ này tặng nhân dân hòn đảo. Còn Sablamêca là nhà thơ nước Sêhêgarat, trong chuyến đi thăm Mêlatăngca, ông làm bài thơ Xứ sở tình yeu tặng nhân dân chúng tôi. Bài Grênađa là của Haipha Camay chứ không phải

 

Gaipha Cômai như người dịch đã giới thiệu (ông trợ lý không biết trong tiếng Nga không có chữ H và chữ O tiếng Nga lúc đọc là O lúc đọc là A). Grênađa là quê hương của nhà thơ Haipha và cũng là căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Mêlatăngca, các bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, Grênađa đều có nghĩa là lựu đạn. Việc lầm lẫn đó gây cho bạn đọc ngộ nhận nhân dân Mêlatăngca thích cầm lựu đạn từ khi mới đẻ, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến lựu đạn, đi đến nước nào cũng giắt theo lựu đạn. Nhân dân Mêlatăngca vốn yêu hòa bình nên đã chọn quốc kỳ nền xanh hòa bình, giữa có vành trăng lưỡi liềm trắng. Vì thế sứ quán Mêlatăngca yêu cầu nhà xuất bản nên có bài đính chính trên báo.

Ông giám đốc nhà xuất bản "Cây đề" sợ toát mồ hôi, huyết áp tăng vọt lên 220/150. Chắc chắn khoản viện trợ 1000 tấn dầu ô-liu và 200 tấn quả chà là của nhân dân Mêlatăngca tặng nhân dân Việt Nam khó có thể chuyển giao đúng hạn định. Các vị giám đốc nhà xuất bản "Me Xanh", "Chép hóa rồng", "Hoa Phượng" được một phen hú vía, vội phanh gấp các tập thơ Vênêduêla, Côstarica, Panama của phó tiến sĩ Bằng "dịch từ nguyên bản" để tránh hậu họa.

Từ đó phong trào giải phóng dân tộc của các nước chậm phát triển ngày càng một dâng cao, nhưng chẳng báo nào, chẳng nhà xuất bản nào dám đặt bài cho thằng Bằng viết nữa. Món hàng của thằng Bằng không bán cho ai được, ai cũng sợ ông phó tiến sĩ hữu nghị lại tiếp tục diễn cái vở không hữu nghị. Người ta quên dần phó tiến sĩ Chu Hữu Bằng, mỗi khi nhắc đến vị ấy, bạn bè chỉ nhắc đến chuyện vi trư và chuyện Ôi lựu đạn. Ấy thế lại vui như nghe chuyện tiếu lâm vậy.
Hôm qua, tôi ở trại an dưỡng về thăm quê. Bên nhà Bằng đèn điện sáng choang, nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Bố mẹ Bằng ta mở tiệc tiễn ông phó tiến sĩ đi du lịch tự túc sang Nga. Nghe đâu mấy đứa con nhà ông hoạn lợn đi xuất khẩu lao động đã ở lại Matxcơva mở hiệu đặc sản. Cửa hàng ấy còn là trung tâm thu mua kimônô, son Thái, bò nhàu, bò mưa ở trong nước gửi ra và cũng là trạm trung chuyển thuốc tây, vòng bi, bàn là, súng hơi, đồ nhôm về nước. Tôi chắc chắn thằng Bằng sẽ ở lại tiếp tục hoạt động không mệt mỏi cho tình hữu nghị giữa các dân tộc trên lĩnh vực trao đổi hàng hóa giữa các nước Đông Nam Á và Cộng hòa liên bang Nga.

Chúc phó tiến sĩ làm ăn tấn tới, không bị trúng quả tù mù "hộc lên một tràng khói ra đằng đít, lao phọt xuống cánh đồng".

Vũ Bão
Số lần đọc: 2049
Ngày đăng: 03.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự trở về của con mèo đen - Hồ Tĩnh Tâm
Ba ngày - Đinh Lê Vũ
DướI chân cầu Tà Xăng - Trần Lệ Thường
Thấp thoáng Trương chi - Nguyễn Văn Ninh
Những chiếc lông cò - Bích Ngân
Ngụ ngôn sông nước - Liêm Trinh
Em tôi, ngày về - Đinh Lê Vũ
Thằng bé chết - Hồ Tĩnh Tâm
Ăn chay - Nguyễn Nguyên An
Ruồi có thể ăn được . - Nguyễn Hiếu
Cùng một tác giả