Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.214
123.206.651
 
Hát lý và những điệu lý dễ thương của Nam bộ
Nguyễn Hữu Hiệp

Trên hầu khắc đất nước ta, nơi nào cũng có xuất hiện, định hình những làn điệu dân ca trữ tình rất ngọt ngào, đáng yêu. Có không ít làn điệu đã trở thành đặc sản của địa phương, khu vực, như hát ả đào, hát nói, hát đám, hát quan họ, hát huê tình, nói thơ, hò lờ… Nhưng chung nhất và phổ cập nhất của thời trước là “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”.

 

Giúp ta hiểu rõ thêm câu tục ngữ này, ông Trương Vĩnh Ký giải thích trong “Giáo trình Hát, lý, hò An Nam” (in thạch bản, 1886): “Người trong Nam (từ Đồng Nai ra tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả;  còn ca, phú, thơ, vịnh thì người miền Bắc; còn về việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”. Lẽ dĩ nhiên từ “hát” nói ở đây không mang hình thức diễn xướng như hát bội, hát cải lương… nó đích thực là một thể loại dân ca đặc hữu của những người thôn dân chân chất. Hát lý không chỉ đã đi vào sinh hoạt đời sống nhân dân ta từ hàng nghìn năm trước mà di sản văn hóa phi vật thể này còn biểu thị tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của dân tộc. Chính vì thế nên khi xua quân xâm lược nước ta, vua Minh (Thành Tổ) ban chỉ dụ: “Một binh lính vào nước Nam… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết…” (đạo dụ ngày 21/8/1406). Rồi không đầy 9 tháng sau, ngày 16/5/1407 Minh Thành Tổ lại ban thêm một đạo chỉ dụ nữa, nội dung nhắc lại tinh thần chỉ dụ trước, đồng thời quở trách các tướng sĩ, khi bắt gặp “những thứ ấy” thì phải ra lệnh đốt ngay chứ không được xem rồi mới đốt, tức phải y lịnh thi hành cho nhanh, cho triệt để! Song như chúng ta đều đã biết, chẳng những họ đã không làm được điều đó mà còn bị nghĩa quân của Lê Lợi quét sạch ra khỏi cõi bờ! Nước nhà độc lập, tự chủ. Thế là giọng lý lại được tôn vinh, cất cao lên khắp các thôn làng! Nhân dân hát lý ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vào dịp nào: một mình lúc đang làm đồng, chèo ghe, nghỉ lưng trên cánh võng; hoặc cùng bạn bè trong những cuộc hội hè, tết nhứt, giỗ quải…, có kẻ xướng người xô càng thêm hứng khởi. Ở miền Nam xưa được các nghệ sĩ xếp đứng đầu trong các điệu hát: “Nhứt lý, nhị ngâm, tam Nam, tức oán…”.

 

Ta biết, lý là quê mùa, là điệu hát mà ca từ chính là những câu phong dao, ca dao được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là “hư từ”, sáo rỗng và vô nghĩa nhưng lại rất cần để nhằm ngâm nga, đẩy đưa, hỗ trợ làn hơi, đồng thời nghệ nhân cũng hát xen những tiếng láy, điệp ngữ – chính là điệp khúc… làm cho tiết điệu thêm mượt mà, khúc chiết, khi thì tình tứ thiết tha, khi thì buồn thảm nảo nùng, khi thì nhẹ nhàng phấn khởi… Chính nhờ đề tài và nội dung phản ánh mọi hiện tượng xảy ra trong sinh hoạt đời thường của ca dao, nói được những góc cạnh tình cảm trong cuộc sống, và cũng nhờ ca từ giản dị tươi vui, dí dỏm nên lý dễ đi vào lòng người, rất được người bình dân ưa chuộng.

 

Về lý, ông Huỳnh Tịnh Của có giải thích và phân biệt rõ trong Đại Nam quốc âm tự vị (Imp, Rey Curiol & Cie Saigon, 1895):

 

Hát lý: Hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại.

Lý hát: Và kể và hát có mau có chậm (hiểu là vừa kể vừa hát… và “hát theo điệu ca ngâm”).

Mà ca ngâm thì “muôn màu muôn vẻ”, thành ra hát lý phong phú đến mức có đến hàng trăm điệu (gần như mỗi bài là một điệu). Hiện người ta đã sưu tầm được ngót 160 bài! Con số này sẽ không dừng lại nếu các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian có điều kiện thực hiện thêm những chuyến điền dã tâm huyết.

 

Trong khẩu ngữ thông thường, dân gian ít phân biệt ca lý và hát lý, vì vậy ở khía cạnh này ta có thể hiểu ca hát là một. Về điệu lý, theo Lư Nhất Vũ – Lê Giang tác giả Tìm hiểu dân ca Nam Bộ thì, cũng như ở Bình Trị Thiên và Nam Trung Bộ, ông bà ta ở Nam Bộ có mấy cách đặt tên cho nhiều điệu lý, đại thể:

 

a) Lấy nội dung lời hát (ca dao) mà đặt: lý con cúm núm, lý con sam, lý con sáo, lý ngựa ô, lý cây bần, lý cây gòn, lý trái bắp, lý trái mướp, lý dầu dừa, lý mù u, lý bình vôi, lý cái phảng, lý chúc rượu, lý qua cầu, lý cấy, lý đương đệm, lý cảnh chùa, lý vọng phu v.v.

 

b) Lấy mấy chữ đầu câu hát mà đặt: lý con cua, lý con chuột, lý con mèo, lý chim chi, lý chim sắc, lý chim chuyền, lý cây xanh, lý cây bông, lý cây ớt, lý mạ non, lý dừa tơ, lý trồng hường, lý chẻ tre, lý chiếu bông, lý chiều chiều, lý bánh canh, lý dĩa bánh bò, lý ông hương, lý nàng dâu, lý ba xa kéo chỉ, lý xăm xăm, lý liễn vũ v.v.

 

c) Lấy tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi mà đặt: lý í a, lý băng rù, lý bằng lưu thủy, lý bằng rằng, lý cống xê xang, lý giọng ứ, lý hố khoan, lý hố mơi, lý kỳ hợi, lý lu là, lý tú lý tiên, lý rị đa (hoặc lý đu đê), lý rường ơ, lý tang tình, lý ợ, lý yến ảnh v.v.

Ngoài ra người ta còn dựa vào xuất xứ của loại hình ca bóng rỗi mà đặt tên các điệu lý giọng bông; dựa vào đặc tính của nhóm tiếng đệm mô phỏng các bậc âm của “chữ đờn” dân tộc; hoặc tiếng tụng niệm kinh kệ mà đặt tên như: lý bản đờn, lý cống chùa v.v.

Cũng có trường hợp lấy địa danh để đặt cho: lý Ba Tri, lý Cái Mơn… Điều này ít thấy phổ biến trong dân gian. Tất nhiên vẫn có trường hợp cùng một làn điệu nhưng mang tên lý khác nhau, và ngược lại. Việc phân loại chỉ mang tính tương đối bởi “định danh” như vậy không thể tránh được tình trạng nhập nhằng – nhập nhằng cả về việc “định lượng” nữa.

 

Theo chiều dài lịch sử và tiến trình mở nước, ca dao dân ca lan toả khắp nơi, tuỳ theo hình thái địa lý, hoàn cảnh xã hội, và nhất là do cách phát âm từng nơi mà dân ca nói chung, điệu lý nói riêng có sắc thái mang dấu ấn của vùng miền, chung nhất là dân ca ba miền. Rồi do giao lưu, tiếp xúc mà âm điệu, thanh điệu và cả những tiếng đưa hơi cũng được biến hóa, co giản, làm cho làn điệu thêm phong phú, đồng thời cũng làm bật lên nét đặc thù ngôn ngữ âm nhạc. Thí dụ như điệu lý con sáo, chỉ với câu ca dao Ai đem con sáo sang sông, Cho nên con sáo sổ lồng bay xa, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, sơ bộ đã ghi nhận có tới 30 bài, trong đó có 4 bài lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài lý con sáo Bắc trong hát quan họ Hà Bắc và hát trống quân, 1 bài lý con sáo Thanh Hóa, 4 bài lý con sáo Huế, Nam Bình Trị Thiên, 2 bài lý con sáo Quảng vùng Nam Trung Bộ, và hơn 10 bài lý con sáo Nam Bộ. Tác giả cuốn sách chuyên khảo về dân ca Nam Bộ đã dẫn có nhận xét: Trong lịch sử âm nhạc chắc chưa có hiện tượng nào cùng một đề tài xuất xứ, từ hai câu ca dao mà có tới hàng chục làn điệu với sắc thái khác nhau và muôn màu muôn vẻ!

 

Vì sao lý “con sáo sang sông – con sáo sổ lồng – con sáo bay xa” được các nghệ nhân dân gian ưa chuộng đến vậy?

 

Lý, ngoài sức cuốn hút nhất định của âm điệu, nội dung của câu ca dao này đã phản ánh trung tâm tư, ước vọng của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân: truyền thống đấu tranh bất khuất, không chấp nhận làm nô lệ, luôn tìm mọi cách để “sổ lồng”, “sang sông”, “bay xa” tìm đến chân trời hạnh phúc. Và, thật kỳ diệu, dân tộc Việt Nam đã làm được điều đó!

 

Với hàng chục điệu lý như vừa nói, tưởng đã quá đủ để minh chứng tình cảm, cá tính người Nam Bộ – cũng là biểu tượng của sự hiên ngang, phóng khoáng của nhân dân. Nhưng nếu có chút tinh tế, ta sẽ thấy ở vùng miền nào cũng bật lên rất rõ nét sự tôn vinh điệu lý! Nếu lý ngựa ô đã có cuộc hành trình khắp nước thì lý con sáo cũng là bài lý thuộc loại dân ca ba miền, được các soạn giả dựa theo các làn điệu của lý mà sáng tác lời mới để mồi cho một làn điệu, một lớp, hay chuyển sang một ý khác đang diễn trên sân khấu nhằm làm thay đổi “thính vị” người nghe. Nó thường được đưa xen vào những bài vọng cổ, ca nhạc cải lương vì trước hết, đó là một điệu thức quen thuộc, dễ ca, có vui, có buồn nên dễ cảm nhận (nhưng dùng điệu lý trong những trường hợp vui dễ thành công hơn) như lý con sáo, lý giao duyên, lý vọng phu, lý ngựa ô, lý Phước Kiến, lý thập tình…

 

Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ, chúng ta chỉ có thể cảm nhận về lý một cách khái quát và mang tính chung nhất mà thôi. Việc tìm hiểu, phân tích sâu hơn tất nhiên đòi hỏi phải có công trình chuyên khảo dày công của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ở đó không thể thiếu phần ký âm từng điệu, giọng của các lão nghệ nhân.

 

Dưới đây là vài làn điệu lý “cùng lời khác nhạc” mà các nghệ nhân dân gian đã khéo xử lý những tiếng đệm lót, đệm phụ nghĩa, tiếng lý, tiếng đưa hơi, điệp ngữ… để nhằm hoàn chỉnh cấu trúc âm nhạc. Chúng tôi muốn giới thiệu một số làn điệu bài lý con sáo.

 

Trước tiên là bài được hát với tốc độ nhanh, nhịp điệu “nhát gừng”, khoẻ khoắn:

- Ai đem con sáo (ký) qua sông (ký) qua sông. Cho nên con sáo (ơ sáo) sổ lồng (à xa mà) bay xa. Cho nên con sáo (á sáo) sổ lồng (ờ xa mà) bay xa (Ai… xa).

Bài khác, hát theo giọng “ợ”, xử lý nhóm tiếng đệm “ừ vậy phải đó thê” với cơ cấu giai điệu cũng như cơ cấu điệu thức rất mượt mà, có duyên (do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm):

- Ai đem con sáo (này ơ ợ là sông cái) qua sông (bớ em ôi! Dạ ừ vậy phải đó thê). Cho nên con sáo sổ lồng bay xa (đồn rằng tang tình bớ mà… bay xa).

Và một bài nữa với giọng “bằng”, sử dụng cụm từ “ưng ứng ưng” (do Hoàng lê và Trần Kiết Tường ghi):

- Ai, ai đem, ai đem bằng chim sáo, ưng ưng ứng ưng ưng.

Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông.

Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.

Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.

Cho, cho nên, cho nên bằng chim sáo, ưng ưng, ứng ưng ưng.

Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng.

Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng.

Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.

 

Đúng như câu tục ngữ “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, một thời hát lý từng được thế nhân coi là một thể loại dân ca trội bật ở miền Nam. Đặc biệt, ở Nam Bộ hát lý có sức cuốn hút rất mãnh liệt, đến mức:

            Con cua quậy ở dưới hang,

            Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên!

(Lý con cua quầy)

“Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, rõ ràng Nam Bộ không chỉ đã kế thừa cái vốn văn hóa cổ truyền có cội nguồn từ miền Bắc mà còn phát triển mạnh mẽ, làm tôn vinh cái vốn chung của dân tộc n
Nguyễn Hữu Hiệp
Số lần đọc: 11442
Ngày đăng: 06.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rộn ràng câu hát người Chăm - Xuân Nhật
Hò mái ba gò công - Khuyết danh
Ru con Nam Bộ - Khuyết danh
GS Nguyễn Thuyết Phong: Âm nhạc dân tộc - - Khuyết danh
Dân ca - Khuyết danh
Nhạc dân gian ở trường học trong một xã hội công nghiệp hoá cao - Khuyết danh
Lý đất giồng (Dân ca nam bộ) - Khuyết danh
Lý giao duyên - Khuyết danh