Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.221.356
 
Tháng sáu trời mưa
Triệu Xuân

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt...”, lời một bài hát cũ không ăn nhập gì với bài viết này. Bởi vì mùa mưa là mùa buồn nhất trong năm của những người buôn gánh bán bưng, nhất là những người bán hàng ăn mà vốn liếng không quá vài ba chục ngàn đồng. Tại Sài Gòn, trên một đoạn đường Nguyễn Du từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đến Nhạc viện thành phố, có tới mười sáu bà bán hàng ăn gồm bún thịt nướng, bún bò Huế, xôi, cháo huyết, bún ốc, hột vịt lộn, chè các loại.

 

Họ từ đâu tới? Xin thưa, họ từ những khu phố nghèo nhất thành phố. Bà Tư Mãn, bán bún thịt nướng và bún bò Huế, đích thực người xứ Huế phiêu bạt vô đây từ những năm bảy mươi. Bà cùng với bốn con ở trong khu Đồng Tiến Mả Lạng, khu phố nghèo nhất quận 1. Một ngày của bà bắt đầu từ ba giờ sáng. Nấu nướng xong, bà đi xích lô mang gánh hàng ăn ra đường Nguyễn Du là vừa đúng 5 giờ 30. Bữa gặp may, bà Tư Mẫn bán đến 10 giờ là hết hàng. Bữa không gặp may, nhất là những ngày trời mưa phải bán tới chiều, có khi ế ẩm phải gánh nồi nước lèo về. Những ngày đó, lỗ vốn, mấy mẹ con khỏi ăn cơm, ăn bún trừ. Một ngày lao động cực nhọc chỉ kiếm được mười lăm ngàn tiền lời. Thực khách của bà là dân chạy xích lô, học trò nghèo và những bà, những cô giúp việc nhà bớt chút tiền chợ ăn quà sáng. Chồng chết từ năm 1975, bà Mẫn một mình tần tảo nuôi bốn đứa con ăn học đàng hoàng. Hai đứa lớn học hết trung học đã xin được việc làm. Còn hai đứa nhỏ đang học lớp 12 và lớp 10. “Nhờ Trời Phật - bà nói - các cháu nhà tôi ngoan và chăm học, cả bốn đứa đều học khá. Tôi sống cực khổ để cho các cháu nên người là thỏa nguyện rồi! Chỉ tiếc rằng tôi không lo nổi cho các cháu vô đại học...”. Đứa con trai út của bà nhanh nhẩu khoe với tôi: “Chị Hai của cháu đang thi vô đại học tại chức đó chú. Còn anh Ba thì vừa thi đậu bằng B tiếng Anh”. Tôi nhìn cậu bé 16 tuổi, mặt mũi sáng sủa, cặp mắt lanh lợi mà cảm thấy niềm hạnh phúc của bà Tư Mẫn thật lớn vô cùng!

 

Tại khu vực ngã tư đường Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi cũng có gần chục người bán hàng ăn tuần tự thay nhau suốt từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Sáng sớm có bánh mì hột gà ốp - la rất đông khách ăn, 10 giờ bắt đầu bán cơm trưa. Chiều có hột vịt lộn, khô mực và các món nhậu. Tất cả chủ nhân của các gánh hàng ăn này đều giống nhau về gia cảnh: nghèo, đông con và đều từ các xóm lao động về đây kiếm sống. Mỗi bà mẹ với gánh hàng ăn ở đây phải gánh cả đời sống của gia đình từ bốn đến sáu bảy người, trong đó có nỗi lo toan lớn nhất là chuyện học hành của lũ trẻ. Chỉ cần một ngày mưa là lỗ vốn, mưa tiếp một ngày nữa là có nguy cơ bứt vốn. Mặt khác, muốn tồn tại ở trung tâm thành phố như thế đâu phải dễ! Mỗi khi thấy xe cảnh sát đi tới là tim thót lại. Làm sao có thể tiếp tục bán hàng ăn mãi trên lề đường khi mà việc quản lý đô thị ngày càng đi vào nề nếp?

 

Cổng Trường Khởi Nghĩa thuộc quận Phú Nhuận, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có một người bán xôi mà nơi nấu xôi cách nơi bán xôi 15 km. Chị tên là Thái Thị Co, nhà ở Hóc Môn. Hàng ngày chị phải thức dậy từ hai giờ sáng, nấu ba loại xôi, đưa lên xe buýt về tới trường Khởi Nghĩa, phải ấp ủ sao cho xôi vẫn nóng hổi. Tại đây chị có một chiếc xe ba bánh được chế thành xe bán xôi di động. Trong năm học, chị Co bán xôi tại trường Trần Hữu Trang. Tiền xe đi và tiền xe về 8 ngàn một ngày, tiền gửi chiếc xe đẩy 20 ngàn một tháng. Mỗi ngày nếu bán hết xôi, chị Co thu được 20 ngàn tiền lời, nuôi chồng và các con ăn học. Hỏi chị ước mong gì, chị cười: “Tôi chỉ mong trời đừng có mưa ban ngày, để tôi còn bán xôi và tôi chỉ mong kỳ nghỉ hè mau hết. Đến năm học, được bán xôi ở trường cho học sinh, cứ đến 9 giờ là hết xôi rồi, ham lắm!”. Bất cứ ai làm một nghề chân chính đều có niềm tự hào riêng của họ. Chị Co nói: “Học trò ăn xôi của tôi phát mê luôn! Các cháu khen xôi ngon, còn tôi thì cố bán rẻ. Nhìn các cháu, cứ tưởng con mình, mệt cách mấy cũng vui anh ạ. Có mấy phụ huynh nói với tôi: Con nhà tôi to khỏe được là nhờ xôi của chị Co đó!”. Cũng nghề bán xôi, ở ấp Vạn Hạnh, xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn có bà Hai Hiếu năm nay 55 tuổi. Hai chục năm qua, với một chõ xôi, bà đã nuôi 5 đứa con ăn học, có cháu đã qua đại học. Những ngày mưa, xôi ế, cả nhà ăn xôi, thằng út nhà bà cứ nhìn thấy xôi là nổi da gà!

 

Trong đội ngũ vô cùng đông đảo của những người bình dân, những người “dưới đáy”, không phải ai cũng có được cơ may kiếm sống như những người mà tôi đã kể. Chị Nguyễn Thị Minh Giang bán vé số dạo ở quảng trường Bưu điện thành phố là một ví dụ. Cách đây hơn 8 năm, chị Giang là một phụ nữ mạnh khỏe, trong một chuyện hùn hạp làm ăn, chị đã bị gạt mất số tiền tương đương 2 lượng vàng. Khi chị đi đòi thì bị tạt a-xít mù cả hai mắt. Kẻ tạt a-xít đã lãnh án 8 năm tù giam nhưng chị Giang thì bị hai lần bi kịch! Ngay sau khi bị mù cả hai mắt, chồng chị đã ly dị chị, căn nhà nhỏ bên Thị Nghè được ngăn ra: Phần nhỏ nhất chưa đầy chục mét vuông dành cho hai mẹ con chị, phần còn lại người chồng ở với người vợ mới. Hai mẹ con dắt nhau đi bán vé số dạo. Những năm đầu, mẹ mù, con còn nhỏ nên kẻ gian thường giật cả tiền lẫn vé số, giật cả xấp vé số. Lỗ vốn nhhiều quá, chị làm quen với nhân viên bảo vệ Bưu điện thành phố và được anh em ở đây giúp đỡ. Từ đó chị không còn bị giật mất tiền và vé số nữa. Cũng từ đó chị cho con đi học trở lại. Năm nay con chị, cháu Nguyễn Tấn Tài, học lớp 6. Cháu rất ngoan và thương mẹ. Những ngày mưa, chị Giang được các nhân viên bảo vệ bưu điện giắt vô trong nhà bưu điện trú mưa. Áo quần không ướt nhưng lòng chị lại run lên vì thất vọng: không bán được vé số nghĩa là không có tiền ăn cho con, không đủ tiền xe xích lô về với con. Những ngày mưa phải nấu cháo cho con ăn, con húp cháo chị òa khóc. Con trai chị an ủi mẹ: “Con ăn được mà má! Con thương má quá chừng. Má đừng khóc nữa má. Má ăn cho khỏe mai còn đi bán chứ má!”. Được biết bản án của tòa xử phạt kẻ tạt a-xít 8 năm tù giam và phải bồi thường cho chị Giang, nhưng cho đến nay, sau gần chục năm bị hại, chị Giang vẫn chưa nhận được một xu nào. Trong khi đó căn nhà của chị bị ngăn ra khi chồng ly dị, tường có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Chị Giang đang khiếu nại để có tiền sửa chữa nhà, nếu không nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con. Tôi hỏi: “nếu có một điều ước, chị ước mong gì?”. Chị trả lời: “Tôi chỉ mong trời không mưa và cho tôi sức khỏe để tôi bán vé số nuôi con ăn học nên người. Tôi cảm thấy rất thanh thản sống như hôm nay. Tôi được mọi người thương yêu và giúp đỡ, thế là vui rồi!”. Nhìn người đàn bà mù cả hai mắt, reo lên vui sướng khi cơn mưa vừa dứt, dò dầm ra khỏi nhà bưu điện đi bán vé số trên quảng trường nhà thờ Đức Bà, tôi thấy đáng cảm phục biết bao nghị lực của con người. Số phận không thể vùi dập được con người khi mà ta còn thiết tha với cuộc sống và nhất là biết hy sinh vì con cái. Câu trả lời của chị Giang trên đây đâu phải là sự cam chịu, mà toát lên lòng yêu đời, yêu cuộc sống vô cùng!

Sài Gòn với những cơn mưa tháng sáu, nếu bạn muốn, chỉ cần một đôi lần trú mưa, bạn sẽ hiểu thêm được rất nhiều số phận, trong đó nổi bật nên những người mẹ đang tảo tần kiếm sống với nguyện ước duy nhất là cho con mình ăn học nên người!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng Sáu, 1994.

Rút từ tác phẩm: Triệu Xuân – Truyện, Ký chọn lọc
Triệu Xuân
Số lần đọc: 3452
Ngày đăng: 07.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm một chuyến đi - Nắng Xuân
Nhà văn Vũ Bão như tôi biết - Nguyễn Thị Thu Hiền
Khám lớn Sài gòn và cuộc giảI thoát “PHAN XÍCH LONG HOÀNG ĐẾ” - Phan Hoàng
Về trong nỗi nhớ… - Đinh Thị Như Thuý
Trung Quốc - Giang Nam du ký - Vũ Ngọc Tiến
Những người đạp xe chở bao xác rắn - Triệu Xuân
Điều bình dị và phi thường ở một người phụ nữ - Thanh Xuân
Lửa Napalm không giết được tình yêu. - Thanh Xuân
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ? - Lê Vũ Tuấn
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)