Kính tặng nhà văn Trần Thanh Giao
Buổi chiều, vừa ngồi xuống mâm cơm, ba Quyên nói liền: ‘Sáng mai ba sẽ về quê.’
Ba là vậy đó, ở nhà lâu như bị kiến cắn, kiếm chuyện đi đâu đi hoài. Mẹ bảo ba ‘cứ đi như hoẵng’. Riết rồi cả nhà quen luôn cái kiểu thông báo cứ như vuột miệng ‘mai ba sẽ đi…’ Chuyện ba ta bà những đâu, bao lâu, với ai, không ai biết chắc và chắc cũng không cần phải biết. Nhưng lần này mẹ ngờ ngợ hỏi: ‘Về quê? Quê nào?’ Chẳng là vì quê ngoại Quyên ở tuốt ngoài Bắc, còn quê nội thì nghe đâu dưới miền Tây, gần gần Cần Thơ. Ba trả lời mẹ một câu gọn tưng: ‘Quê tui.’
Buổi tối, đang lúi húi cụ bị đồ đạc cho ba, bất chợt hai mẹ con nghe tiếng ngâm nga: ‘Nhân sinh tại thế bất xứng ý, minh triêu tản phát lộng biên châu.’ Hết hồn chưa, thơ Lý Bạch đó, hai mẹ con khựng lại tròn mắt nhìn nhau. Quyên ngạc nhiên thấy bố mình sao bỗng dưng cao hứng, còn mẹ chột dạ không biết ông chồng có chuyện gì ‘bất xứng ý’ trong lòng?
Sớm hôm sau, mẹ tiễn ba ra xe, nói với ba bằng cái giọng như phân trần vuốt giận: ‘Để lần sau nhất định tôi sẽ thu xếp về thăm quê với ông. Lần này cho con Quyên đi trước. Cho con đi theo để nó biết quê nội như thế nào.’
Leo lên xe, Quyên thấy mình lọt thỏm giữa những mái đầu bạc trắng. Có lẽ toàn là chiến hữu của ba, các bác trong câu lạc bộ người cao tuổi, nhưng Quyên không rõ bác nào trong đội dưỡng sinh, bác nào trong đội bơi lão tướng, bác nào trong đội cờ? Có một bác hỏi: ‘Con gái rượu đây hả? Coi bảnh dữ ha!’ Một bác khác: ‘Tám Khá coi bộ muốn làm sui với Tư Kiểng rồi đó!’ Bác Tám đính chánh: ‘Phải thằng con tui nó chịu nghe lời tui thì cũng phước đức. Lần nào về quê tui cũng kêu nó đi với tui mà nó có thèm đi đâu. Nó cứ kêu nó bận, để lần khác, nhưng tui biết chẳng thà nó đi du lịch. Con gái Tư Kiểng vậy là giỏi đó chớ!’ Các bác chuyện trò râm ri, hát hò ầm ĩ. Ai cũng góp giọng, khào khào và rổn rảng. Nhắm mắt lại mà nghe, có thể hình dung mỗi bác còn ‘chỉ huy’ được chừng bao nhiêu quân số các ‘chiến sĩ hậu cần’. ‘Neo đơn’ như thế nhưng dàn đồng ca vẫn trình diễn rất bốc. Có nhiều bài rất lạ, Quyên chưa từng nghe ai hát bao giờ. Những bài ca tràn đầy hào khí, chắc là của cái thời ba và các bác còn đi kháng chiến.
Quyên len lén nhìn ba. Ba làm sao ấy, giống như là ai lạ hoắc lạ huơ đang ngồi kế Quyên. Hôm qua thì ba ngâm thơ, còn hôm nay, ba hát.
Quyên sinh ra ở Sài Gòn, hồi nào đến giờ chỉ tới lui quanh quẩn những nơi thị tứ, có bao giờ biết ‘quê’ là gì đâu? Ngay cả ‘quê ngoại’, lâu lâu Quyên được mẹ dắt về chơi, cũng là thành phố vì các dì, các cậu đều ở cả Hà Nội. Hồi Quyên còn đi học, cứ đến kỳ nghỉ hè hay lễ tết, mấy đưá bạn trong lớp lại hớn hở khoe ‘tao được ba má cho về quê’. Quyên ấm ớ hỏi, về quê có cái gì mà ham dữ vậy? Tụi bạn kể, về quê được ra vườn trèo cây hái trái, mắc võng ngủ trưa hoặc ra sông tắm, chèo ghe bơi thuyền sướng lắm. Xời, Quyên chưng hửng, tưởng gì, chỉ có vậy thôi mà ‘sướng’ sao? Ơ thành phố, người ta cũng đi bơi được vậy. Hồ bơi cả đống, muốn bơi lúc nào chỉ việc xách xe chạy tới mua vé vô bơi lúc đó, dễ ợt chứ có khó gì đâu? Còn trái cây, ở thành phố cũng thiếu giống gì, leo trèo làm chi cho cực, muốn ăn ra chợ mà mua, mùa nào thức nấy, trái gì không có?
Thỉnh thoảng ba cũng có kể đôi điều về quê nội cho Quyên nghe nhưng của đáng tội, chắc cũng giống như ‘thằng con’ bác Tám Khá, Quyên chỉ ậm ừ dạ dạ chứ thật tình có quan tâm mấy đâu. Chỉ vì lâu lắm đâu có thấy ai ‘ở quê ra’ hay thư từ liên hệ gì, cho nên quê nội đối với Quyên sao mịt mờ hờ hững. Lúc này học trò đang nghỉ hè, Quyên không phải đến trường, ờ, thì ‘về quê’ thử một lần coi sao? Mà kể cũng kỳ, bây giờ ở quê coi như chẳng có ai ruột rà thân thích, cha mẹ anh em không còn, nhà cửa ruộng vườn cũng không, vậy mà sao ba Quyên cứ ngong ngóng mong ngày trở lại? Sao ba cứ khăng khăng phải ‘về thăm’? Thăm ai hả ba?
***
Ba muốn thăm ai thì Quyên chưa biết nhưng lần đầu tiên, Quyên được biết thế nào là ‘sớm mai xoã tóc thả thuyền chơi’.
Eo ơi, gì mà cứ lúc la lúc lắc, bốn bề lồng lộng toàn là nước không, ớn quá. Quyên không thích cái cảm giác lao đao chòng chành ở dưới chân chút nào. Cũng may, lảo đảo một chút rồi thôi, phập phồng một chút rồi quen, định thần lại được rồi thì tha hồ ngắm nghía.
Mới sớm mai mà bầu trời trĩu nặng. Mây xám dồn ứ, chen chúc, đùn nhau gần sát chân trời, sơ sẩy chút thôi là cả đám có nguy cơ lọt tót xuống sông. Nhưng sông cũng đâu có rảnh mà đỡ tay hứng mây giúp trời? Sông đang bận bịu đẩy đưa bao nhiêu tàu thuyền lớn nhỏ xuôi ngược. Mà nào coo nhẹ nhõm gì cho cam? Chiếc nào chiếc nấy cũng ì ạch nặng nề vì chở khẳm. Chiếc thì ắp lẳm toàn dừa là dừa, căng tròn xanh bóng. Chiếc thì đầy vun chôm chôm đỏ au. Chiếc thì chồng chất những bọc ni lông trắng to bành ki, chật căng những trái tròn ủm xanh xanh không biết là cam, chanh hay cóc, ổi? Mình đang ở đâu mà nhộn nhịp quá vậy ba? Chợ nổi Cái Răng chớ đâu! Oi trời, hồi nào tới giờ toàn đi chợ trên bờ, Quyên đâu có biết người ta còn mua bán trên sông nước nữa. Coi kìa, cái tàu bự xự kia có phải là một mái nhà không? Quần áo giăng phơi phấp phới. Đít nồi đen thủi đen thui treo thành hàng. Trước ‘nhà’ là bàn thờ thiên, hai bên ‘cửa nhà’ là mấy chậu bông dừa, bông trang đỏ đỏ, tím tím. Sau ‘nhà’, có người đang chổng mông múc nước trong lu súc miệng đánh răng. Mẹ ngồi trên võng cho con bú, một chị chó vàng vú mớm lòng thòng, phe phẩy cái đuôi quanh quẩn đi tới đi lui. Trời đất, bập bồng trên sóng bộ chưa đủ phê hay sao mà còn phải đưa võng? Còn mấy con chó nhóc kia, tung tăng chạy giỡn trên mui thuyền coi bộ không ngán cái chuyện rủi bị rớt xuống nước.
Quyên cắn môi, chợt nhớ, sao lại là Cái Răng hả ba? Ba cũng…hổng biết. Kìa kìa, coi cái ‘xe’ hủ tiếu kia kìa. Cũng nồi nước lèo bốc khói trên bếp than đỏ lửa, cũng cái tủ kiếng nho nhỏ đựng đủ thứ mì nui, bánh phở, giá hẹ, thịt thà. Nhưng mà điều chủ tiệm…chèo ‘xe’ đi bán, hay ghê chưa? Chưa hay, mấy người đang ‘bốc dỡ’ xếp hàng xuống ghe đằng kia mới hay. Ghe nhỏ cặp sát ghe lớn. Người trên ghe lớn thảy những trái dưa hấu hay cây bắp cải to đùng xuống cho người dưới ghe nhỏ. Người ở trên cứ thảy, người ở dưới cứ chụp. Điềm nhiên. Lia lịa. Xoay qua trái, trở qua phải. Nhịp nhàng, nhanh nhẹn. Như thủ môn bắt gôn. Không hề trật vuột gì ráo. Quyên rùng mình, chỉ có đứng yên một chỗ, không làm chi hết, hai tay bíu víu, núm níu cái gì cho thật chặt, vẫn còn thấy lạnh cẳng, huống hồ…
Người ‘đi chợ’ cũng nườm nượp đông chẳng kém gì chợ trên bờ. Một chiếc xuồng chở đầy bưởi xanh lẽo đẽo chạy theo thuyền Quyên mời chào tha thiết. Thân em là gái bán vàm, bán vàm em bán điếm đàng em không. ‘Bán vàm’ là sao hả ba? Ba hất hàm về phía những chiếc ghe bán hàng rong, đó…đó…bán vàm là vậy đó. Thuyền Quyên chầm chậm len lỏi một hồi rồi mới ‘chen’ ra được khỏi ‘cái chợ’. Quãng sông thưa vắng dần, dòng sông như dài rộng hơn. Ngoảnh lại, xa xa chỉ còn thấy ghe thuyền dính nhau san sát, những ‘cây sào tiếp thị’ cao trật ót, lêu nghêu như ăng-ten trên nóc nhà chung cư, lủng lẳng từng chùm hành tây, hành tím tròn ỏn, những củ khoai lang, khoai mỡ mập mạp, bí rợ, bí đao múp míp… Không phải ‘sào tiếp thị’ đâu, mà là ‘cây bẹo’. Ua, vậy hả ba? Ờ, con nhỏ này, ở thành phố riết, không biết cái gì hết trơn hết trọi.
Làm sao con biết được hả ba? Làm sao con hình dung được có một thời ba của con cũng là…con nít. Chiều chiều cũng hân hoan mừng rỡ chạy ào ra sông. Cũng…trần nhồng nhộng nghịch ngợm lăn lóc bê bết dưới bùn hay loi choi nhảy ùm xuống sông, giành nhau với thằng bạn một bẹ dừa nước hay thân cây chuối, lớn lối thách nhau đứa nào dám gan bơi qua bờ bên kia. Tức cười quá à, mà cũng thấy ghê quá đi, cái vụ ba thấy ‘tự nhiên ngứa ngứa’ rồi kéo từ trong…quần ra con đỉa dài thòn, mập ú, đen thui. Đỉa trâu đàng hoàng à nghe, chứ không phải đỉa mén đâu, càng kéo nó càng dài, cỡ cái ống bơm chứ không ít. Trời ơi, kinh khiếp, thật không ba? Thiệt chớ dóc sao. Ba ơi, lúc về nhà bà nội có la ba hông? Hà hà, biết gì đâu mà la, còn luộc khoai nóng hổi cho ăn nữa… Vậy chứ ba nói con cá bống của cô Tấm là con cá bống nào? Cá bống mú, bống dừa, hay là bống mọi? Hỏi đố ba hả, còn con cá bống thệ, cá bống tượng sao không nói luôn. Ư, tại ba kể xứ mình nhiều giống cá bống quá, tự nhiên con thắc mắc. Dạy con nít riết rồi chú cũng lây cái bịnh ưa hỏi cắc cớ… Y ba ơi, con cá bống gì mà coi dị hợm quá trời kìa ba? Sao hai con mắt nó lồi ra thô lố vậy? Lại còn thêm hai cái chân. Cá mà có chân? Coi xấu xí gì đâu. Cá bống hồi nào, đó là con cá thòi lòi. Ờ, hồi nào giờ mắt nó lòi ra trô trố vậy đó. Có hai cái chân thành ra nó nhảy như tép vậy. Nhưng con cá này nó cứ đứng yên dòm mình thôi à. Mà trên đầu nó có cái cây gì mà lá đỏ lòm vậy ba? Đến cái cành cũng đỏ. Ơ, chắc cũng chỉ là một loài cây mọc hoang thôi con. Phải rồi, đất đai màu mỡ nước nôi tràn trề như vầy, hỏi sao cây trái không mọc tự nhiên thoải mái.
Thuyền lướt êm trên sông. Sông dài như vô tận, phồn thịnh sung mãn, toả bung thành những rạch, những xẻo, những xép…ôm chặt lấy đất. Trên cao, hai bên bờ cành lá vươn dài vấn vít đan nhau thành mái che rợp bóng. Dưới thấp, chỗ thì dừa nước um tùm, xoè ra như những bàn tay, chỗ thì dày bịt bần đước, hệt như những đôi chân trần trụi chen lấn. Màu lơ của trời khuất sau màu ngọc của lá. Màu đỏ phù sa chìm lẫn trong lòng màu xanh rời rợi. Con thuyền êm ái rơi vào một không gian xanh, xanh ngát. Còn người, chơi vơi lơ lửng giữa một màu xanh, xanh tuyền.
Thuyền cập vào bờ, bác Tám nói lớn: ‘Tới rồi đó, Thới An nè.’
Ba lẳng lặng, xăm xăm đi tới trước cổng một ngôi trường tiểu học. Những phòng học nhỏ mái thấp lợp tôn xi-măng, tường quét vôi vàng. Màu vôi cũ kỹ. Những cánh cửa lớp im lìm đóng chặt, cửa sổ lá sách im ỉm khép kín. Cả hai cánh cổng trường tróc sơn cũng khoá kín. Sân trường vắng lặng. Không một bóng học trò. Trong bóng râm của mây xám giăng đầy buổi trưa mùa hè tĩnh mịch, bên dòng sông rộng mênh mông trải dài mút mắt không thấy bến bờ, giữa thinh không đong đầy những cơn gió hiu hiu loanh quanh không biết thổi về đâu, ngôi trường thảnh thơi nhắm mắt say sưa giấc mộng. Chỉ có những cây điệp gầy cao cao là vẫn thức, khe khẽ nở những bông hoa vàng rực trên tàn lá rậm khe khẽ rung rinh. O, hình như mây xám chỉ vừa mới lất phất thả rơi những giọt mưa mỏng mảnh, sao đôi gò má của ba đã kịp ướt đầm?
Đúng là ba khóc rồi. Nước mắt ba rơi xuống gốc cây còng cổ thụ. Khi ba áp bàn tay nhăn nheo vào lớp vỏ cây thô ráp, Quyên chợt nghe xung quanh tiếng lá reo lên rì rào. Chắc là cây còng già đã nhận ra ba, nhận ra chú bé học trò mấy chục năm trước ưa cùng đám bạn tụ tập chơi bắn bi hay reo hò đuổi bắt quanh mình.
Những giọt mặn mà tuôn ra từ sâu thẳm tâm hồn ba từ từ thấm vào rễ cây, ngấm xuống lòng đất, hoà vào dòng sông. Cây còng sẽ sống thêm vài trăm năm nữa, những bông hoa hồng hồng sẽ nở thêm rất nhiều mùa nữa, đất sẽ đậm màu hơn, dòng sông sẽ ngọt ngào hơn …kể từ đây, ba ạ.
Đoàn ghé vào một ngôi nhà nhỏ mái ngói, vách bổ kho nằm giữa một vườn cây xanh um. Bác Tám kêu lớn: ‘Chủ nhà đâu rồi? ‘Ghe anh nhỏ mũi trản lườn, ở trên Gia Định xuống vườn thăm em’ đây nè.’
Ngồi trên bộ ván láng o, chuyền nhau chung rượu trắng, các bác lại trò chuyện rôm rả. Hồi xưa anh ở đội nào? Còn tui ở đội… Anh Tám đây là cùng một đội với tui. Ờ, tui có biết anh Hai, học cùng lớp với anh ở cô-le hả, ảnh…hy sinh lâu rồi, ở trận Lộ Vòng Cung, cùng một lượt với ông anh ruột tui… Ngồi cạnh Quyên là con gái bác chủ nhà, cái miệng cũng tiá lia. Em tên là Ngọc Quý, còn chị tên gì? Không phải chị là con gái bác Tám sao? Từ đầu hôm tới giờ ba em cứ ra vô trông hoài, cứ hối em với má chuẩn bị đủ thứ. Chị ăn gỏi bưởi nha, tay em làm đó, ngon hông? Tép bưởi mọng nước chua chua ngọt ngọt trộn với tôm khô mặn mặn cay cay, Quyên ‘chịu’. Món cá ‘kho đắp mền’ cũng thế, đúng là ‘mê li tàng tịch’. ‘Kèo nèo mà lại muối chua, ăn với cá rán không thua món nào’, Quyên cũng ‘chíp’ luôn. Nhưng miếng canh khổ qua ‘ngọt dữ lắm’ Quyên húp thử sao thấy đắng nghét vậy? Thịt kho thì lại ngọt ngay. Ba ‘suỵt suỵt’ kề tai Ngọc Quý nói nhỏ: ‘Kệ nó con, Bắc kỳ mà, ăn cái gì cũng ưa mặn mặn thôi hà!’ A, hồi sớm ba nói con sao giống như con nít, vậy chứ bây giờ ba là người lớn hay con nít đây? Coi ba kìa, gặm múi sầu riêng thấy ngon lành gì đâu, lại còn vớt vát mút tay nữa chứ. Tội nghiệp ba, mẹ chưa bao giờ chịu nổi mùi sầu riêng, còn ở đây, ‘sầu riêng vườn nhà, chỉ để dành nhà ăn chứ không bán, chín cây mới hái, ngoài chợ làm gì có’.
Quý rủ Quyên ra vườn mắc võng nằm nói chuyện chơi. Đu đưa dưới tàn cây bưởi, bưởi tròn to như những trái banh lúc lỉu đeo đầy cành. Quyên than hồi nào giờ hay nghe người ta nói ‘trắng như bông bưởi’ mà toàn thấy bông bưởi trên…nhãn hiệu dầu gội đầu. Quý cười khúc khích, bất nhơn hôn, đợt này bưởi đậu trái hết trơn đâu còn cái bông nào, đợi mùa sau, chừng nào bưởi trổ bông, em sẽ kêu chị về, bông bưởi trắng và thơm lắm. Rủ rỉ được mấy câu, gió sông lùa mát cái lưng, hai cái tai đóng lại, hai mi mắt dính khít, Quyên thiu thỉu thiếp đi lúc nào không biết. Đầu óc lơ mơ còn kịp nghe thấy trong nhà có ai đó đang vô sáu câu bài vọng cổ ‘Tình anh bán chiếu’ cũng thiệt là mùi, không kém nghệ sĩ tài danh Ut Trà On là mấy.
***
Thuyền rời bến, xuôi dòng trở về khi không gian xanh bắt đầu chuyển dần sang màu tím. Mưa rơi sụt sùi, gió lạnh heo hút. Ai hát làm chi ‘chiều buông trên dòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong ơi chiều’ khiến cho người nghe bỗng thẫn thờ thương nhớ.
…Nhớ quá mùi cá kho tiêu, khoai lùi tro bếp, những trưa vắng êm đềm, dịu ngọt tiếng ru của mẹ ‘ầu ơ, chim chìa vôi bay ngang đám thuốc, cá bã trầu lội tuốt mương cau’… ‘ví dầu cá bống rộng lu, tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu’. Nhớ quá tiếng ho trầm khàn của cha, em gái hay khóc nhè nhõng nhẽo, con chích choè than nhảy nhót líu lo lúc sáng sớm, bầy vịt áo lá khệnh khạng đi lẹp bẹp xuống ao… Thương quá mái ấm ngày xưa, giờ đây lạnh vắng buồn hiu như mộ địa…
Con thuyền cứ mải miết đi. Đi qua những rặng dừa nước. Đi qua những đám rễ bần. Đi qua những nhà sàn ven sông. Trên những sàn nước, vợ đang chăm chú rửa rau, vo gạo; chị đang kỳ cọ, tắm táp cho em đùa nghịch hồn nhiên. Bờ đất nâu lỗ chỗ những cửa hang nhỏ, thập thò mấy cặp mắt đen trô trố dõi nhìn. Này những đôi mắt kia, thôi đừng trố lên kinh hoàng như thế nữa. Con thuyền khi xưa chở đầy hờn căm uất ức khiến cho dòng sông cũng phải dậy sóng run lên bần bật đã đi hẳn vào quá khứ rồi. Những giề lục bình khoan khoái nở hoa, thơ thới xuôi theo dòng trống trải. Đã từ lâu, không còn những xác người vô tội bị mổ bụng moi gan trôi vật vờ chật chội cả dòng sông.
Sông ơi, lục bình trôi về từ đâu thế? Từ Thới Bình qua An Lạc, An Cư hay từ Nhơn Hoà qua Nhơn Nghĩa, Nhơn Ai? Cá ơi, trong hang động của mình, chỉ có cá biết thôi, bao nhiêu máu thắm đã đổ để ấm nồng cả một vùng đất, ửng hồng suốt một dòng sông và nhuộm đỏ cả một loài cây? Chỉ là cây dại thôi. Ai biết được loài cây ấy đã phục sinh từ những thịt xương đã tan vào đất mẹ của những linh hồn chơn chất, suốt đời chỉ ấp ôm một mơ ước bình thường.
‘Chiều buông trên dòng sông cuốn mau, thương đời thương lẫn nhau trong chiều…’
Cần Thơ, Trại sáng tác lần V – 7/2005