Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.062
123.234.293
 
Thì thầm trong đêm
Nguyễn Văn Ninh

Hằng đêm, tôi ghi vào cuốn nhật ký của mình những điều riêng tư. Mỗi lần ghi, tôi lại hình dung một người, đó là mẹ tôi. Mẹ là tiếng gọi dưới xuôi còn ở quê tôi gọi bằng mế. Mế! Mế đẻ ra con, mế lắng nghe và thấu hiểu, mế đau khi con đau, da thịt con là da thịt mế. Và cứ thế, tôi vừa viết vừa thì thầm!

 

    Mế ạ! Có lẽ con phải thích nghi để sống ở thành phố thôi. Con nghĩ vậy vì có quá nhiều điều không giống như những hình dung của con, đến bây giờ con mới vỡ ra. Mế ơi! Trong ký túc xá ồn ào, sinh viên lười đọc chỉ ham mê hóng hớt chuyện phố phường và đánh phỏm, mỗi người một tính và cho rằng tương lai được định giá bằng những bài thi ở lớp, con phải ra ngoài ở với một đứa bạn. Hai đứa thuê chung một phòng. Nhà dãy.

 

    Mỗi phòng rộng hai mét, sâu năm mét là mười mét vuông. Đất thành phố, nhà thành phố  tính bằng mét vuông, không tính bằng thửa, bằng đám to đám bé, tính cái nhà như trên mình. Bên cạnh phòng con, còn bốn cái phòng nữa làm thành một dãy cho thuê. Cạnh, phòng hai bạn nữ, hai người ngủ trên hai tấm phản kê song song nhau, nằm bên phản bên này gác chân sang phản kia. 

 

    Hai phản đắp chung một chăn. Hằng đêm có hai chàng trai đến với hai cô. Bốn con người trên hai tấm phản. Chẳng ri đô, chẳng mùng màn, tình cảm chia đều một lối đi. Hai cô ở tỉnh xa, hai anh đi làm, gộp thành hai cặp, chung sống với nhau dưới một mái nhà mười mét vuông không bẻ đôi. Cuối dãy là phòng nam, đầu dãy là phòng nữ. Họ yêu nhau theo đôi một, họ thay ca nhau vắng nhà, khi nào cũng chỉ có một người với một người. Một người với một người là thành một đôi. Mỗi đầu một đôi, cái nhà dãy như chiếc thuyền trên sóng, đoạn giữa thì nhún xuống, hai đầu bập bênh, lúc nào cũng như đang giã cua, giã gạo. Mốt đấy. Còn một phòng nữa dành cho hai chị em. Mỗi khi người yêu chị đến, em đi vắng họ vào phòng môi bập vào môi, tay bóc bao cao su tay khép cửa, em ở nhà họ lại mang nhau ra ngoài. Hai người ngồi trên chiếc ghế con con, vuốt đi vuốt lại.

 

     Giá thuê phòng đắt lắm. Con đi làm gia sư để kiếm thêm tiền. Con dạy thằng bé con lớp sáu, nó lười học, lúc nào cũng rủ con chơi cờ ca rô. Dạy được một tuần thì bà chủ gọi vào phòng hỏi. Bà chủ phốp pháp. Bà mặc một cái váy xẻ đùi, một cái áo bó chật bó sát như lạt bó giò cưỡng bức tấm thân. Thân và thịt trên người như bưng. Thịt với mỡ nằm ngoài sự mong đợi của thân chủ. Bà vén váy về một bên, tay bà cầm cục đá giơ cao, lòng bàn tay ngửa lên trời. Đá chảy thành nước, nước chảy theo tay vào nách áo, ngấm ướt coóc sê, nước rơi xuống đùi  từng giọt tí tách, bắn lấm tấm trên đùi như thể mồ hôi. Đùi bà trắng hơn da mặt bà đánh phấn, bà dùng tay vuốt từng giọt nước dưới chân ngược lên đùi, vê đùi nọ sang đùi kia, hai đùi kẹp khít nước chảy ngược vào trong. Bà hỏi em học thế nào. Con trình bày xong bà đứng dậy. Con hơi phân vân hay là mình có gì khiếm nhã, chưa biết dạy. Ngước lên trần, mắt bà diệu vợi. Một tay bà cầm đá một tay bà cầm váy lượn đi lượn lại, lúc thì xoay mông khi thì xoay mặt như trình diễn. Bà hỏi em học thế nào. Con nhẫn nại trình bày lại y như cũ. Bà thở dài một cái. Bà bảo anh dạy thì được đấy, tôi nghĩ vậy nhưng anh cũng học đi! Học đi. Anh là...anh học đi.

 

       Bà thở dài một cái nữa rồi hỏi con có uống bia không? Bà nhìn con chờ đợi, con từ chối. Bà bảo thì anh uống trà líp tông, uống sữa hay uống gì đi tôi pha, tôi biết pha mà, chẳng kém nhà hàng đâu, nào là cảm xúc mới, lãng mạn Đà Lạt hay đêm Sài Gòn. Uống tí cho vui. Thanh niên mà, uống tí cho đỡ khát. Tính tôi là tôi thích phục vụ. Đàn bà mà. Anh. Anh cứ đòi hỏi đi.

Dạ không ạ. Con nói vậy. Bà cười khẩy...

Mế ạ! Con đem chuyện này kể với mấy đứa bạn. Chúng nó cười rồ lên. Con đỏ mặt vì chúng. Thôi.

Mế của con. Con viết những dòng này định gửi cho mế nhưng mế không đọc được chữ nên con thôi. Nhưng con nhớ mế, không viết ra con không chịu được, ở dưới này nói thì bị chê mà không nói thì bức xúc. Con nhớ mế, nhớ hàm răng đen của mế ăn trầu. Dưới này gặp chuyện buồn trong cuộc sống con lại nhớ mế thôi. Mế là chỗ dựa của con mất rồi.

 

     Dạo này con hay mơ về quê lắm. Cứ năm đêm đi ngủ thì hai đêm con mơ về mế, ba đêm còn lại con mơ về rừng. Con nhớ rất rõ từng quả đồi nơi gắn bó với tuổi thơ của con. Nơi hai anh em con vẫn thường đi hái quả. Tuổi thơ ấy là những ngày vui nhất. Con chẳng phải đối mặt với cái gì. Bây giờ con nghĩ mình như cục đá vôi tách ra khỏi núi, tự phân giải mình, tự tan mình vào nước. Mỗi tế bào trong con như muốn tan ra vì những hoài niệm ngày nào. Con nhớ nhà, nhớ từng cánh rừng nơi con và bạn bè ngày nhỏ vẫn thường vào những mùa săn thú, bắt chim. Vài năm ở phố con có cảm tưởng về với rừng, bước chân con lạ lẫm. Con không thể đi chân đất phăm phăm vào rừng. Bàn chân con không còn như ngày xưa, hôm nay bước chân con đã thận trọng, đi mỗi bước không phải chỉ nhìn về phía trước, nhìn xung quanh mà còn phải nhìn xuống bàn chân con nữa. Bàn chân suốt ngày đi tất xỏ giày đen như che đậy một điều gì trong sâu thẳm.

 

        Đêm qua con lại mơ thấy rừng mế ạ. Vẫn cánh rừng ấy, vẫn hồ nước ấy, nhưng mỗi lần mơ con lại thấy rừng mọc khác đi, trong tưởng nhớ của con, hoài niệm tuổi thơ con luôn nghĩ về rừng khắc khoải. Rừng hay mế trách con? Rừng không ở yên một chỗ trong giấc mơ của con mà rừng cứ chuyển động, khiến nhiều lúc con thấy mình có lỗi. Có phải con đã bỏ rừng mà đi. Mật ong mế lấy từ rừng về để chấm vào miệng con khi con còn bé, lớn lên nấm, mộc nhĩ, rau rừng nuôi con. Những ngày tháng đói, mế vác thuổng vào rừng đào củ, mà giờ đây con bỏ mế bỏ rừng. Đêm qua con nằm mơ rừng cháy. Rừng không cần đến con nên rừng đã thiêu cháy. Rừng muốn thiêu trụi tuổi thơ của con, ký ức của con.

 

      Bảy năm trôi qua. Con đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Bảy năm, chưa một dấu ấn gì ở nơi này. Đêm qua con mơ về rừng. Trong căn phòng bé nhỏ mà con phải thuê với giá đắt đỏ, lại vẫn là nhà dãy. Sau giấc mơ, con lại đếm từng con số một để cố ru mình vào giấc ngủ. Ngày mai còn phải đi làm.Nhưng con không tài nào ngủ được.Con nhớ mế, con nhớ con đường về nhà. Con đường cheo leo giữa sườn núi. Nhìn sang bên này một sườn núi dựng ngược, nhìn sang bên kia cũng dựng ngược một sườn núi. Hai sườn núi dựng ngược, một tuổi thơ con, tuổi thơ không nhìn xa trông rộng. Đường về nhà, con đường bé nhỏ, xe qua những đoạn cua vặn mình như con sâu. Bạn con ở thành phố về nôn thốc nôn tháo. Mỗi lần về quê, ngồi trên xe nhìn những thửa ruộng bậc thang. Thương bước chân mế leo cầu thang lên nhà, bước chân mế xuống núi, bước chân mế lội ruộng. Ruộng bậc thang nhìn xa mờ như nếp nhăn trên trán.

 

      Ngày con đi thi đại học dưới Hà Nội. Bố thương con đường xa, mế thương con đường xa, thương con lần đầu đi ra khỏi núi, bước chân vào quán vào hàng ngập ngừng. Bố dậy sớm hông xôi, mế nắm xôi gói lá để con đem theo ăn cho khỏi đói. Hôm ấy, xuống Hà Nội con đói lắm nhưng giữa chốn kinh thành phồn hoa này con không dám đem xôi ra ăn. Quê lắm! Con cất kỹ nắm xôi trong túi. Ngày về. Xe chạy ra khỏi thành phố con ném nắm xôi đi. Về tới nhà bố hỏi xôi bố mế nấu cho có vừa muối không, đi đường xa con ăn xôi có đủ không. Bụng mình ăn xôi tốt lắm. Vậy mà con đã ném xôi đi. Con khen xôi bố mế nấu. Từ đó con thành người giả dối. Thành một loại người khác rồi. Con đã đánh mất con, con đã đánh mất rừng, con đã đánh mất bố, mế! Con không thể trở thành người dưới xuôi, không thể trở thành người thành thị. Con cũng không còn là đứa con của núi rừng như ngày xưa nữa.

Con cũng buồn lắm, nhưng không biết phải làm sao và sẽ ra sao.

 

      Muốn viết thư cho mế nhiều lắm, kể về những gì nơi đây hàng ngày con phải đối mặt, những gì mà hàng giờ hàng phút con phải trải qua. Đi trong thành phố sợ hơn đi rừng mế ạ. Thú dữ trong rừng còn biết mà đối phó, người ở thành phố chẳng biết đâu mà lường. Con vẫn như dòng nước vậy. Dòng nước chỉ biết chảy thôi.

 

Nơi con làm việc toàn là người xa lạ. Lão chánh văn phòng miệng cứ leo lẻo, hai năm rồi mà vẫn chỉ là hợp đồng hợp đồng rồi lại hợp đồng. Cho đến bây giờ con cũng chẳng biết quyền lợi lao động là gì, mỗi lần hỏi con lại được ông ta đọc cho  một thứ văn bản. Con chả hiểu được văn bản, văn bản chồng chéo nhiều như tuổi đất, đầu óc con càng nghe càng tối tăm như đầu con dế. Văn bản văn làng văn xã, không hiểu có còn văn huyện văn tỉnh văn trung ương không, ông cứ đọc con cứ nghe, cứ dạ vâng tiếp thu và chờ. Thế đó, toàn những lời hứa hươu vượn. Ông ta biết tuốt tuồn tuột các mối quan hệ bên trong bên ngoài, những mối quan hệ tập thể, quan hệ cá nhân, quan hệ riêng tư chồng chéo, tiền bạc ái tình. Mặt chánh văn phòng lì như các vi dít. Con lo lo.

 

       Cô trưởng phòng béo múp míp, mặt bự phấn. Ông chánh văn phòng bình luận một nền mỹ phẩm cưỡng hiếp gương mặt cô. Ngày đầu mới đến làm, cô thân thiện, được ít ngày cô mời con qua nhà ăn cơm. Cô bảo cô thương, con là trai miền núi nên cô thích. Cô kể ngày xưa, xuýt nữa thì cô lấy chồng miền núi. Nhưng ngày đó cô còn trẻ cô ham tài cô thích địa vị, mơ thành quý bà. Tài đấy, địa vị đấy rồi cũng chán cả thôi, khoa học thì sách vở, địa vị hãnh tiến. Chán, chả muốn nữa. Cuối cùng thích nhất là lấy chồng được ngủ với chồng đẻ một đứa con, bên con khóc, bên chồng đòi. Cô đút một ngón tay vào miệng, thế là nhất! Quay sang con cô bảo. Con muốn làm việc ở Hà Nội thì phải hiểu biết rộng một tí.

 

     Bỏ tính tự ái vặt. Cô lắc mông đi qua người con. Đứng trước mặt con, cô pha nước. Mông cô đặt vào giữa mặt con. Cô hỏi con là trông cô thế nào. Con bảo cô ơi mông cô to thế. Cô cười, mông cô to để cô ngồi ghế trưởng phòng lâu hơn. Cô quay mặt về phía con và bảo con cứ hỏi đi, hỏi như ban nãy. Cô thích. Cô thích cái kiểu phôn cờ lo của con. Mà thôi, rậm lời. Cô thích nhá. Cô thích cái này này, miệng này, mắt này, người này. Người cứ xương xương gân guốc thế là khoẻ lắm. Đây nữa, cô cũng thích. Cô chỉ vào. Cô nhún mông giục con. Hỏi cô đi, hỏi nữa đi con. Hỏi bờ mắt bờ môi bờ mi bờ vai của cô đi. Cái bộ phận nào trên người cô cũng biết nói đấy. Đây con xem. Con phải là một chàng trai của núi rừng cho cô nhờ. Nào, đã biết chưa, biết cơm no bò cưỡi...chưa. Bà trưởng phòng ngả ập vào người con.

Con thấy mình trở thành một chàng trai. Thấy mình già đi trước tuổi.

Mế ạ. Con phải thích nghi để sống.

 

    Đây là nhật ký của con, là thư của con. Những dòng chữ viết trong cuốn sổ này sẽ không bao giờ đến được tay mế đọc. Nhưng con không viết không được. Con biết kể với ai ở nơi này. Mấy năm nay con như tấm thân đi gửi. Bà trưởng phòng thơm như múi mít, như người tình và như một người mẹ chăm ẵm. Bây giờ bà hiểu con hơn mế hiểu con. Bà ngửi tay ngửi nách. Bà bảo con có mùi rừng hôi mùi con thú. Đó là mùi hôi của loài ác dâm, bạo tàn, xem thân xác phụ nữ là tảng thịt. Bà mua các loại dầu gội, sữa tắm bắt con phải dùng. Bà mua cho giày tất quần xịp, mỗi sáng tỉnh dậy bà chần hai quả trứng, sòng phẳng nhé - bà nói - hai gà nuôi một chim. Bà đối xử với như vậy. Bà bảo con phải đưa bà đi ăn vào những ngày cuối tuần, đưa bà đi chùa lễ phật cầu kinh, đưa bà đi xa xa. Đưa đi đưa về như là tình nhân ấy, chỉ có tình nhân trong mắt nhau mới thi vị ngọt ngào. Đi với bà, con biết quán ăn nhà hàng sang trọng, biết thêm đâu là chùa đâu là phủ. Chùa, phủ, bàn công đức, hòm công đức. Phật với thánh? Nơi nào cũng cần tiền. Cứ phải có tiền mới được tôn trọng. Con tự hào là con có được một người, một người như bà trưởng phòng. Một quý bà hào phóng!

 

      Mỗi ngày làm xong con lại về nhà trọ ít phút, gấp vài bộ quần áo, hưởng một vài giờ tự do. Cuộc sống của con cứ được che đậy, nguỵ trang như con rắn náu mình trong cỏ. Cái nhà trọ cũng tềnh toàng. Nó là cái nhà dãy ở gần ngoại thành, được nâng cấp lên từ chuồng lợn. Mùa hè nóng, mùa đông lạnh, thay vì nuôi lợn họ cho người ngoại tỉnh về thuê. Ban ngày, con là người tỉnh lẻ, vẫn làm hợp đồng, vẫn không nhà không cửa, không hộ khẩu, chiều về nhà trọ. Tối đến, con là người thành thị. Trong vòng tay con, bà trưởng phòng.

Con vẫn là con trai của núi rừng, là đứa con của mế, là bộ phận dân cư nhập vào thành phố.

Con muốn về với mế lắm nhưng chốn núi rừng chỉ cần thầy giáo và thầy thuốc. Biết đâu được, bây giờ về con lại phải tập thích nghi để sống ở núi rừng. Về không được, ở cũng không xong. Con đã học bằng cơm gạo của mế.

      

       Con phải ở lại thành phố mới có việc làm. Nhiều lúc con không hiểu được. Lão chánh văn phòng miệng leo lẻo. Lão soi mói vào cuộc sống của con với bà trưởng phòng hệt như truy tìm từng kẽ nứt trong sa mạc để bắt Bin-la-đen. Lão sợ bà trưởng phòng lật tẩy, bà trưởng phòng cũng sợ con bỏ bà trong cô đơn, họ nghĩ về công việc thì ít đối phó với nhau thì nhiều. Việc nhà nước thật nhàn, mỗi ngày qua đi đến công sở chỉ để đọc báo, ngồi lê, cắt móng tay chân, chiều về nhặt nhạnh chiếc bút bi, tờ báo cũ. Ai cũng giống ai.

 

        Đi du lịch xa thì tay xách nách mang đưa con dẫn cháu kéo đàn kéo lũ lên chiếc xe hợp đồng. Cuộc sống chất đầy những sự nhỏ nhen. Lão chánh văn phòng miệng lúc nào cũng leo lẻo. Lão nói với con rằng là, cậu là phải là, theo tôi cậu phải làm việc này là, việc kia là. Lắm là! Con nói với bà trưởng phòng, bà suy nghĩ một lát, phủi đít quần bồm bộp. Quên đi! Nói chuyện riêng với con, lão đưa ra những lời lẽ của người quân tử. Người quân tử phải là...Rách việc! Quân tử với quân teo. Nhức đầu. Triết lý quân tử bán đầy lề đường. Lão hay soi mói vào cuộc sống của con với bà trưởng phòng, chỉ còn thiếu mỗi điều khuyên lão đến gầm giường bà trưởng phòng mà nằm, nghe âm thanh của tiếng thở.

 

      Con chẳng biết được mình phải làm gì. Con lớn rồi mế nhỉ, là cử nhân kia mà. Nhưng rồi không biết phải sống làm sao để về với bố, với mế, về với núi rừng đây. Mế ạ. Ngay từ hôm đi thi về con đã nói dối. Từ đó đến giờ càng ngày con càng quen nói dối. Nói dối trơn tru không dấu vết như bánh xe máy lăn trên đường nhựa.

 

Mế ạ. Con viết những dòng này trong suy nghĩ đứt đoạn. Ở đây. Mắt cay vì khói xe, nhà trọ những đôi sống thử, nhóm lửa trong nhau hai bó rau muống bốn quả trứng một nồi cơm điện, mơ hồ trong lý thuyết kinh tế hơn trăm năm, tựa vào vai nhau nghĩ đến ngày mai với tấm bằng cử nhân bưng bê quét dọn. Còn con! Mỗi lúc nhớ nhà nhớ rừng con muốn tựa vào gốc cây. Ngày ở quê, thích ngọn núi nào là con trèo lên. Con nhớ cái hồ trên núi trong vắt, rớt đồng xu xuống đáy còn đọc được chữ. Dưới này cũng có hồ có núi. Hồ nước bẩn, núi nhân tạo, cảnh giả đâu cũng như đâu. Nước hồ, trâu không dám tắm, đỉnh núi từng đôi, từng đôi một quặp nhau.

 

       Thời gian này đối với con thật là buồn. Mấy hôm nay con về nhà trọ. Bà trưởng phòng đã chán con. Bà chê con. Một tuần trôi qua, con phờ phạc, mộng nhiều hơn mơ, ảo tưởng ngọt ngào qua nhanh, nỗi đau xoa dịu bằng thủ dâm. Lão chánh văn phòng thẽ thọt vào tai. Phải bắt bà ấy giới thiệu cho mụ nạ dòng khác. Lão biết tỏng tòng tong rồi. Lão bảo mày chịu khó dấn thân là sẽ có. Xe máy xịn, điện thoại xịn. Xe biển 29 hẳn hoi. Mày đi biển số quê ít nữa là cấm, người ta bắt chúng mày phải từ bỏ khát vọng sống ở thủ đô bằng cách cấm xe tỉnh ngoài, lão trầm trọng hoá vấn đề cỏn con như con tép. Dấn thân đi, mày sẽ có tiền, mày tha hồ làm gì thì làm, mày sẽ từ chối ngay lập tức khi làm công chức dưới quyền tao. Nghe lão nói con muốn bịt tai, hay cắt lưỡi lão. Lão đang thao thao thì bà trưởng phòng vào. Con xin phép ra ngoài bà quát con đứng lại. Ngày mai nhé, ngày mai anh mà có vợ cũng đừng quên gái già này. Loại vô ơn dám chê con này là mái xề, là xập xệ là tường gạch vữa vôi sờ xồm xộp. Này nhé, lợn đẻ chó cái  gái trưởng phòng. Liệu đấy.

 

       Tự nhiên bà nói như vậy. Lão chánh văn phòng cười mai mỉa. Cô gặp tôi có việc gì. Lão hỏi. Bà trưởng phòng đon đả. Có đấy. Gặp anh chánh là có việc chứ. Em đang buồn đây. Buồn nên phải gặp anh đây. Lão nhăn nhở. Buồn làm gì cho dung nhan nhanh giảm. Buồn à, buồn ư! Lão vuốt cằm. Buồn thì cô cứ bỏ chữ n đi thay chữ i vào. Là hết. Đàn bà thiếu thốn sinh ra buồn phiền. Bây giờ dễ lắm, kiếm đâu mà chẳng được. Cô cười. Ông chánh là hay chọc ngoáy. Thay thì dễ nhưng sợ gặp như cụ chánh đây thì chán. Chán lắm. Nhìn cụ chánh mà chán lấy chồng, có ngứa cũng tìm phương thức khác chứ nhìn anh như nhìn buồn như chó nhìn thấy thóc. Bà trưởng phòng cười giễu nhại. Em biết! Cụ chánh có một bí mật mà chỉ mình em biết. Em mà nói ra thì… chánh buồn!

 

          Ông chánh đổi sắc mặt. Có việc gì cần gặp thì nói, đừng đến đây ỡm ờ. Anh sợ à ? Sợ thì đừng nói, nói thì đừng sợ. Đời mà, anh chánh ạ. Chúng ta cũng sắp hưu rồi. Nhưng em nghĩ chúng ta nên về sớm một tí nhường chỗ cho lớp trẻ. Em mà về thì sáng bán chõ xôi, trưa dưa muối, chiều đánh con đề, thời gian còn lại buôn dưa lê. Hy vọng với em mỗi ngày là kết quả, ông chánh hay đọc báo chắc biết nhiều. Em ngại giải thích. Anh chánh về thì buồn nhỉ. Chẳng còn ai lên thưa việc với anh để anh bẩm với giám đốc, cũng không còn ai đun nước pha trà, không ai nộp báo cáo, đưa báo đọc. Hàng ngày ở nhà nhớ cái ghế xưa kia chánh ngồi, chánh phải chạy ra bản tin phường đọc báo. Chán nhỉ! Em thương chánh lắm, ông chánh phải ngồi lâu hơn ở ghế chánh văn phòng đi hay lên cao hơn để em thay chánh, lúc ấy mới xứng tầm trưởng chánh. Rồi em nghĩ nhân văn hơn.

 

           Em chỉ muốn kết thúc giữa em và chánh luôn có hậu. Có hậu chánh ạ. Phải có hậu. Em ý à, em là em muốn cho người ngồi cạnh em đây sớm được biên chế. Chánh đừng nghĩ đến tiền. Chánh nên nghĩ đến tình là hơn. Tình giúp người ta tự tin và cống hiến mình nhiều hơn.

Ông chánh văn phòng gầm gừ như gặp phải khắc tinh.

Thằng kia đi ra - ông  quát.

 

      Con bước ra ngoài, hành lang dài hun hút. Dọc hành lang là những phòng kế tiếp nhau, tiếng quạt chíp trong máy tính ro ro. Con lại nhớ đến mế! Con muốn báo cho mế một điều nhưng chắc mế cũng không hiểu được. Chờ cho đến đêm, khi về nhà trọ con sẽ thì thầm kể cho mế nghe!

    

      Tiếng con chíp máy tính ro ro như nhập vào con. Con nghĩ mình cũng như con chíp thôi mế ạ. Con chíp cũng quan trọng nhưng con chíp dễ thay đổi còn máy tính thì khó thay. Con nghĩ vậy và chỉ nghĩ được vậy. Chào mế của con.
Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2622
Ngày đăng: 09.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ Vĩnh hằng - Liêm Trinh
Con chó đói chạy trong thị xã - Hồ Tĩnh Tâm
Cạnh tranh - Vinh Huỳnh
Mặt trời ký ức - Bích Ngân
Cây xăng số mườI hai bis - Trần Lệ Thường
Hương bồ kết - La Thị Ánh Hường
Gái quê - Vinh Huỳnh
Tôi không mất em - Triệu Xuân
Phó tiến sĩ không hữu nghị - Vũ Bão
Sự trở về của con mèo đen - Hồ Tĩnh Tâm