Cũng như người Nam Bộ, ngôn ngữ Nam Bộ rất chân quê, giản dị, nhưng lại cực kỳ phong phú, đa dạng. Nó phong phú và đa dạng đến mức không ai tài nào kể ra cho hết được cả trăm, thậm chí nhiều trăm từ/ tiếng riêng biệt, mà mới nghe qua, người ta tưởng chừng như dân gian đã sử dụng một cách tuỳ tiện, hoặc dư thừa không cần thiết, song nếu có để tâm tìm hiểu, người ta mới nhận ra rằng, ở mỗi một trường hợp, mỗi một tình tiết, dân gian đã sử dụng ngôn từ rất tinh tế, hình tượng và tất nhiên vô cùng chính xác. Về phương diện này, đôi khi chính “người Nam Bộ hôm nay” cũng chưa chắc đã thấu triệt hoàn toàn ý nghĩa cụ thể của từng từ, cụm từ. Đơn giản vì người ta đã hoặc vô tình, hoặc cố ý xem thường ngôn ngữ dân tộc mình. Người đọc thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đó đây những cách giải thích từ, ngữ hết sức tuỳ tiện, cũng như nhận định, xem xét sự kiện hết sức hời hợt, chủ quan, không chỉ làm “loạn mắt” mà còn dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Như thế quả là hết sức tai hại, bởi nó không thể không gây xáo trộn kiến thức, tạo sự hoang man và hoài nghi cho người đọc. Thí dụ như có người đã giải thích câu “Một trái cà bằng ba thang thuốc” là: cà rất độc, ăn một trái thì phải uống ba thang thuốc mới trị hết bệnh ! Lẽ nào lại như thế, khi mà bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nhân dân cũng tôn vinh trái cà. Ca dao:
Ba cơm, bảy mắm, chín cà,
Sớm trưa, trưa nắng mới ra lúa này.
Lộc đỗ cho chí lộc vừng,
Quả cà, vại nhút, quả sung để dành.
Đẩy nốc thì phải có đà,
Ăn cơm canh hến có quả cà mới ngon!
Cà là món ăn thường bữ a rất thân thiết:
Anh đi nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Làm cho lắm cũng mắm kho cà,
Làm thấy bà cũng cà kho mắm!
Rõ ràng, từ cổ chí kim, từ Nam chí Bắc bữa chay hay bữa mặn… cà tròn và cả cà dài (tức tím hay cà dái dê) đều là thức ăn bổ dưỡng, rất quen thuộc của nhân dân (cũng là vị thuốc có giá trị, chữa được khá nhiều bệnh). Thế, sao lại bảo cà là chất độc?!
Giải thích tuỳ tiện có khi còn làm mất đi cái hồn của ngôn ngữ, làm hoen ố tính trong sáng vốn có của tiếng Việt đáng yêu. Đơn cử như:
- Cuốn sách “Văn hóa đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam” – Đại học quốc gia Hà Nội – “tài liệu dùng để tham khảo giảng dạy và học tập trong các trường đại học”, đã giải thích: “Nước rong: nước cạn. Nước ròng: nước lớn”!
- Cuốn sách “Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ” đã giải thích chữ buôi (trong câu “Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược”) là “bơi. Tiếng Nam Bộ xưa”! Ta biết, cá buôi là một loại cá cụ thể, quê hương của nó không chỉ khu biệt ở Nam Bộ, mà nó cũng có nhiều ở những nơi khác (nay đã tuyệt chủng?). Đó là “thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ” (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị). Ca dao: “Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược, Nước chảy ngược con cá vược lội xuôi, Anh với em xa cách ngậm ngùi, Mong cho gặp mặt xác vùi cũng ưng”; “Ngó lên trời thấy cục mây bạch, Ngó xuống vàm rạch thấy cá chạch đỏ đuôi, Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược, Nước chảy ngược con cá vược lội theo, Con cá heo nó khóc, Con cá lóc nó sầu… Phải chi ngoài biển có cầu. Anh ra đến đó giải sầu cho em”; và : “Năm tiền một khứa cá buôi, Cũng mua cho đặng đãi người khách sang” hoặc “Ba tiền một khứa cá buôi, Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già”. Vậy là đã quá rõ ràng!
Ở một chỗ khác tác giả sách đã dẫn nêu câu ca dao:
Con cút cụt đuôi ai nuôi mầy lớn?
Dạ thưa bà con lớn, bà nuôi?
chú thích rằng: Có kẻ đã bẻ lại vế này ra “Dạ thưa bà con lớn mình con” và cũng đã bị mắng rằng “cái đồ ở dưới lỗ nẻ chun lên”.
Câu này, nếu cho là “dị bản” thì chẳng đáng là chuyện phải bàn, nhưng ở đây nó đã bị hiểu là “có kẻ đã bẻ lại”. Tôi cho rằng nói như vậy là không thỏa đáng. Chúng ta đều biết, ngày xưa người Nam Bộ xưng hô với người trên là “tui” chứ không xưng là “con”, “em”, “cháu” như khoảng 50 năm trở lại đây. Câu ấy đúng là “Dạ thưa bà tui lớn mình tui”, và nếu không nghiên cứu sâu sẽ không thể nào hiểu nỗi cái lý tại sao “tui lớn mình tui” được! Cốt lõi của vấn đề là “con cút” (chứ không phải con vật nuôi nào khác), lại là “con cút cụt đuôi”! Nếu có để tâm đặc biệt chú ý hai yếu tố vật nuôi và cụt đuôi (khuyết tật), rồi liên tưởng đến quy định về tế lễ của đời xưa, đồng thời có tìm hiểu sâu và “thật tới” nguyên lý cấu trúc thi pháp của ca dao Nam Bộ ta mới thấy rõ cái độc đáo của vấn đề, và không thể không nghiêng mình bái phục trí tuệ của dân gian.
Thế mới biết nó sẽ vô cùng nhạt nhẽo, thậm chí vô vị khi cho rằng “con lớn, bà nuôi”! – Ai bẻ ngược lại làm cho hư mất câu ca dao tuyệt vời này? Hỏi tức trả lời.
Trong phạm vi của một bài viết nhỏ không cho phép người viết dài dòng giải thích bởi không khéo sẽ mắc phải “nói sang đàng”. Và, cũng không cần dẫn chứng thêm chi nhiều, chỉ “đơn cử” một vài như thế tưởng cũng đủ hiểu được vấn đề. Chính vì vậy mà các nhà văn, nhà thơ, các nhà soạn văn bản, và nhất là giới nghiên cứu về ngôn ngữ bao giờ cũng tỏ ra rất trân trọng, và luôn ý thức gìn giữ, bảo lưu tính tích cực của vốn từ mà thực tiễn nhân dân vẫn đang sử dụng phát triển. Bởi nếu không như thế thì sẽ không tránh khỏi tình trạng nghèo hóa ngôn ngữ, nếu không muốn nói đó là một hành vi phủ nhận “công ơn sinh thành” của lớp lớp thế hệ cha ông mình – những người đã phải trải quá trình lao động, chiến đấu vô cùng gian nan, vất vả, để rồi từ sự cọ xát cuộc sống trong sinh hoạt đời thường, họ mới lần lượt sáng tạo và phát minh ra cả một kho tàng ngôn ngữ cực kỳ phong phú, chuyển giao lại cho chúng ta thừa hưởng. Thế thì lẽ nào ta lại nỡ phụ phàng, ngoảnh mặt?
Ngôn ngữ/ tiếng nói, được dân gian dùng làm phương tiện giao tiếp. Tùy từng thời và theo trào lưu tiến hóa, nó không thể không biến hóa đồng cùng với việc bổ sung thêm mãi cho được thích ứng, ở đó có không ít từ/ tiếng người nay ít dùng, thậm chí không còn dùng, tức đã trở thành “tử ngữ”. Chúng đã vui lòng yên nghỉ nhưng thiết tưởng ta cũng nên có cái nhìn đầy trìu mến, bởi dù sao nó cũng đã hoàn thành chức năng vẻ vang của mình trong một giai đoạn lịch sử xã hội cụ thể. Thế thì nỡ nào ta lại không quý trọng, không có tấm lòng đối với cái di sản phi vật thể cao cấp ấy? Thật là khập khiểng khi mà ai nấy chỉ biết quý trọng những di sản vật thể, thí dụ như những pho tượng cốt được người xưa chạm khắc hết sức ngô nghê, hoặc những chum lọ, nồi trách, bình vôi sức quai, mẻ miệng, thậm chí chỉ là những mảnh vỡ cũng được đưa vô bảo tàng, hoặc dựng cất mái che để trân tàng, bảo vệ những viên gạch lùi xùi vốn chỉ là đất nung!
Thật đáng quý biết bao khi được biết rằng, cho đến ngày nay, dù đã trải mấy nghìn năm kể từ ngày loài người đã phát minh ra giấy viết, tức không còn phải “đề thơ trên lá” nữa, mà ngành Bưu điện Việt Nam vẫn còn dùng mẫu ấn chỉ “Lá báo” (trong quan hệ nội bộ giữa các bưu trạm) ngành báo chí Việt Nam vẫn dùng “Lá thư tòa soạn” để tâm tình với bạn đọc thân yêu của mình! Còn dân gian thì vẫn gọi vật “chỉ thời gian” là đồng hồ trong khi vật ấy không còn chút dấu vết nào của đồng, của hồ như xa xưa. Tinh thần bảo tồn ấy thật rất đáng ghi nhận, hoan nghênh!
Ngôn ngữ/ tiếng nói của Nam Bộ đích thực là mộc mạc, chân quê, nhưng đó là thứ mộc mạc chân quê rất đích xác, rất thiêng liêng của người Việt Nam không đâu có được, và có lẽ cũng sẽ rất khó tìm thấy ở các dân tộc khác sự phong phú “trên cả tuyệt vời” đến thế. Chẳng hạn như để mô tả trạng thái của nước, ngôn ngữ Nam Bộ có đến hàng chục: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đầy mà, nước rặt, nước nhửng, nước nhảng, nước ưng, nước quay, nước lên, nước đổ, nước lộn, nước dâng, nước bò, nước sụt, nước trồi, nước môi, nước xẹt, nước lụt, nước tống, nước chụp, nước phân đồng. Hoặc như nói về cái chết của con người, chắc hẳn không dưới hàng trăm cách nói, mà cách nào cũng có nghĩa lý riêng như: mất, qua đời, tắt hơi, nghỉ thở, “đi”, ngủm, sụm, ngoẻo, hui, đền tội, tử thần kêu, đi chầu Diêm chúa, “đi bán muối”, anh dũng hi sinh, đền xong nợ nước, ly trần, tạ thế, quy tiên, theo ông theo bà, tiêu diêu lạc cảnh, Chúa gọi, Phật rước, về bên kia thế giới, về cõi vĩnh hằng, trở về cát bụi v.v. và v.v.
Rồi thì cách xưng hô, thói ăn nết ở, nói, cười… mỗi mỗi hầu như người Nam Bộ nào cũng sẵn có “cả kho”, ít gì cũng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn – từ nào cũng mang ý nghĩa riêng, biểu tỏ rất hình tượng, chân xác, đồng thời thể hiện rất đúng tâm trạng hoặc trạng thái của nhân vật, ngay cả tại “thời điểm khoảnh khắc”. Nó phong phú đến mức không ai tài nào có thể ghi lại được một cách đầy đủ – cho dù là tương đối!
Trước đây người ta cho rằng tiếng nói của Nam Bộ là… phương ngữ, không hơn không kém, xem như nó chỉ có giá trị giao tiếp nội bộ, khu biệt trong một địa phương – ít nhiều có ý “phân biệt”, xem thường! Nhưng dần về sau, khi đã nhận chân được rằng, tiếng Việt Nam Bộ quả đã thực sự đóng góp rất tích cực trong việc làm giàu ra cho ngôn ngữ toàn dân thì, cách hiểu mang tính cục bộ ấy không còn phù hợp, vì rõ ràng là thiếu công bằng, nên đã đổi gọi lại, không dùng phương ngữ Nam Bộ nữa mà gọi là ngôn ngữ Nam Bộ.
Ngôn ngữ Nam Bộ là ngôn ngữ của dân tộc, ngôn ngữ của nhân dân. Nhân dân là cha đẻ của ngôn ngữ là người sử dụng, giữ gìn và phát huy sự trong sáng vốn có của ngôn ngữ ấy. Nếu vì lý do nào đó ngôn ngữ toàn dân bị héo hắt thì một ngày không xa đương nhiên nó sẽ teo tóp dần, lúc ấy ta còn gì trong tay để “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”?
Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa thế giới – từng nói, căn dặn: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật.