Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.744
 
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ
Nguyễn Hữu Hiệp

Muộn nhất cũng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ xuất hiện khá nhiều “thơ rơi” (nói đúng là “thư rơi”). Nó “lưu hành” trong dân gian chỉ một thời gian rồi... “biệt vô âm tín”!

 

Thơ rơi còn gọi thơ ân tình hay thơ nhân ngãi. Loại hình này tuy ban đầu được thể hiện bằng văn viết (tự viết hoặc sở cậy người khác viết dùm – thư tín) nhưng do phương thức phổ biến truyền miệng thông qua những hình thức “nói thơ”, ru em... nên những tác phẩm thơ rơi được xem là “thơ và bài hát” – một trong những thể loại văn học dân gian đặc thù Nam Bộ.

 

Qua một số bài còn lưu truyền như Thơ xa xứ, Dứt dây cầm sắt, Thơ thăm mẹ, Thơ tâm tình, Thơ tù oan... cho thấy đây là một loại thư viết bằng văn vần. Thơ rơi thường dùng tỏ bày tâm sự, tình cảm riêng tây mang tính nội bộ với nội dung khá bao quát: thăm viếng, khuyên can, kể lễ tình cảnh khổ nhục đang bị tù đày; bị bắt sung quân nơi biên ải; nỗi nhớ quê nhà da diết của những người vì hoàn cảnh kinh tế gia đình bức xúc phải tha phương cầu thực; hoặc trách cứ sự bội phản của người yêu; hay khẳng định lời ước hẹn tình chồng vợ trăm năm nghĩa nhân chẳng cách; hoặc trình bày, phản ánh những sự kiện xót xa, tệ hại đang diễn ra trong xã hội. Do đó thơ rơi cũng chuyên chở tính thời sự tại một thời điểm lịch sử nhất định.

 

Chúng ta còn nhớ vụ án Nọc Nạng ở Bạc Liêu. Thảm trạng xảy ra ngày 16 tháng 2 năm 1928. Biện Toại tức Tư Toại (giấy thuế thân ghi sai là Tại – anh của Mười Chức, phe bị nạn) bị bắt giam ngót bảy tháng. Tòa đại hình Cần Thơ xử ngày 17 tháng 8 năm 1928 tuyên Toại được tha bổng. Trong thời gian bị giam, Toại có thư rơi về gia đình, vô cùng xúc động:

            Trước kính lạy mẫu thân (1) bá bái,

            Sau gởi thêm cô bác tường tri.

            Kể từ ngày con ôm súng ra đi,

            Bị thẩm án bắt giam ngục nội.

            Con cũng biết rằng con vô tội,

            (...)

            Ức cho con mắc chốn tù lao,

            Làm sao khỏi ra vào đối nại.

            Thương một nỗi bốn em khờ dại.

            Bị súng cò bắn gãy mạng chung (2).

            Thân con đây lực tận kế cùng,

            Rầu một nỗi ngục trung vắng vẻ.

            Thương từ mẫu ở nhà quạnh quẽ,

            Nhớ cháu thơ chiu chết theo bà (3).

            Con có cha rày ra cô độc,

            Vợ có chồng khác thể vọng phu.

            Ở khám trung như đứa đui mù,

            Nay mới rõ lao tù chốn ấy.

            Rầu một nỗi cháu em cũng vậy,

            Bị giam luôn năm đứa nơi đây (4).

            Trách quan trên sao chẳng xét ngay,

            Giam cả lũ như vầy quá ức.

            Bề trên ở bức thôi như rức,

            Bọn ta đây ngậm miệng cắn răng.

            Ngày mặt trời, đêm lại có trăng,

            Xin soi tỏ, bủa giăng thế giới.

            Sự oan ức xét cho đủ nỗi,

            Lẽ ngay oan ngửa đội trời cao.

            Vái bốn em (5) hồn đến thiên tào,

            Quỳ tấu đệ âm hao cho biết.

            Người dương thế nhiều nơi quỷ quyệt,

            Giựt đất điền tiêu diệt cả dân (6).

            Làm quan mà chẳng xử cân phân,

            Đã áp bức lại còn toa rập (7).

            (...)

            Anh cầu chúc hồn em (8) khoái lạc,

            Cõi tiêu diêu hiển hách anh linh...

(Ghi lại theo Phúc Vân, Nọc Nạn. Nxb. Mũi Cà Mau, 1985).

Lá thư rơi này người sưu tầm không ghi được đầy đủ toàn bộ nên cuối cùng thiếu phần “Cẩn ký” và “Nay thơ”.

 

Đa phần các bức thư rơi đều phiếm chỉ cả tên người gửi và người nhận, và nó được gửi gián tiếp theo­ kiểu tờ rơi cho người khác lượm đọc, rồi truyền rao ra.

 

Về hình thức, thể loại nầy được sáng tác rất tự do, nghĩa là không chịu sự bó buộc của bất kỳ một luật thơ nào, và ở cuối mỗi bức thơ rơi, ngay sau hai chữ “Cẩn ký” (nhưng không có ký tên hay ghi tên người gửi cụ thể) hầu như bao giờ cũng có thêm hai chữ “Nay thơ” – một cách xác định thời điểm viết thơ (nhưng cũng không ghi ngày!).

 

Nhóm biên soạn sách Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời cũng cho rằng thơ rơi là một thể loại văn học dân gian phổ biến ở Nam Bộ, nhất là các tỉnh miền Đông và vùng ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh (...). Thơ rơi trong sinh hoạt diễn xướng dân gian thường được đọc như lối đọc vần vè, đôi khi thơ rơi còn được đem “nói thơ” để ru con.

 

Và, tác giả sách Tiến trình văn nghệ miền Nam: “Văn mạch miền Nam còn có một thể tài mới, rất mới trong các thể loại của văn học dân tộc. Đó là loại thư tín (thơ rơi) mà bản thân các nhà văn miền này thường vẫn dùng. Chính loại này đã đóng góp cho văn học nước nhà khá lớn. Nó được một số gia đình gần gũi với nhà văn để thể hiện tình cảm; đồng thời còn truyền thông tin tức lẫn nhau giữa những ngày xa cách. Đây là một thể loại trong lịch sử văn học, ít thấy nhà biên khảo giới thiệu”.

 

Như có nói ở trên, ngay từ năm 1906 người ta đã thấy “chủ bút” Đặng Lễ Nghi cho in Ân tình thơ ghi là Lettres d’amour (tức thơ rơi), thuộc thể loại “thơ và bài hát” (Poésies et chansons). Sau đó nhà Xưa Nay có in thêm  vào các năm 1929, 1930, 1931 và 1932. Nhưng chẳng rõ tác giả sao lục, sưu tầm hay là sáng tác. Nếu không phải sáng tác thì thơ rơi có thể đã xuất hiện (truyền miệng trong dân gian) khoảng cuối thế kỷ XIX.

Dưới đây là một lá “thơ rơi kiểu” đặc sắc, của một đông y sĩ gửi thăm cha mẹ mình ở quê nhà:

            Trước kính lạy muôn ơn hương phụ (9),

            Sau ngỏ cùng tri mẫu (10) tại gia.

            Nghĩ phận con nhiều nỗi bạc hà (11),

            Đầu khấu (12) xin cha đừng chấp nhứt.

            Tay phong thơ một bức (13),

            Lòng thương trực (14) sầu bi.

            Nghĩ phụ thân nào khác cốt bì (15),

            Ơn kế mẫu dường như táo nhục (16).

            Xưa nhờ có mẫu đơn (17) dưỡng dục,

            Nuôi lớn khôn nên chữ phục linh (18).

            Điệu nam tinh (19) đâu dám vong tình,

            Niềm phụ tử (20) nỡ nào bội nghĩa,

            Cha mựa bảo nhu y thục địa (21),

            Mẹ nhọc nhằn nuôi dưỡng dự tri (22).

            Câu dưỡng nhi đãi lão a ngùy (23),

            Chữ tích cốc phòng cơ tạo giác (24).

            Lòng hiếu thảo thường sơn (25) bia tạc,

            Dạ trung quân chi tử (26) hằng ghi.

            Muốn bổ trung ngặt thiếu  huỳnh kỳ (27),

            Biết sao cho được nhân sâm (28) đại bổ.

            Con cũng muốn tiểu hồi (29) phản bộ,

            Nghĩ lại còn thiếu vị thuỷ ngân (30).

            Biết sao kiếm được châu thần (31),

            Thời con mới ân cần quy vỉ (32).

            Có đâu nỗi châu sa (33) giọt lụy,

            Có đâu mà ở đất Cao Ly (34).

            Nghĩ như con vô dụng quản bì (35),

            Xin thân phụ Hồi Sanh (36) an tức (37).

            Con vốn thiệt Tảo Tần (38) thốn thức,

            Dạ lâm đền võng cực thiên môn (39).

            Muốn trở về ngại nỗi nhơn ngôn (40),

            Lòng cam thảo (41) càn khôn cũng biết!

            Ít lời chỉ thiệt (42). Cẩn ký. Nay thơ.

 

Thơ rơi không có tựa. Đây dựa vào nội dung mà đặt. Bài nầy do ông Nguyễn Văn Hà sưu tầm, dẫn lại từ sách Tân Châu 1870 – 1964, in năm 1965 của Nguyễn Văn Kiềm. Ông Hà cho biết người gửi là ông Nguyễn Nhật Tảo (học trò của cụ tú tài Trần Hữu Thường) con ông Nguyễn Hồi Sanh, tục gọi thầy Bảy Xiêm. Thời Pháp thuộc, vì sanh kế ông chuyển cư lên Lò Veng (Kampuchia) để vừa mở trường dạy chữ nho vừa hành nghề đông y. Lâu ngày, nhớ thân phụ và kế mẫu nên ông gửi thư này về thăm. Đặc biệt, như ta đã thấy, mỗi câu đều có mượn một vị thuốc Bắc mang tên gọi phù hợp để tỏ bày tâm sự (dược tính của mỗi vị thuốc được đông y sĩ Trần Thành ở Tân Châu, An Giang chú thích), hết sức tài tình!

 

* Chú thích:

 

(1)        Mẹ của Biện Toại là bà (vợ của) hương chánh Luông.

(2)        Tức hai anh tên là Nhẫn và Nhịn (giấy thuế thân ghi sai là Nhịnh), em trai là Mười Chức và vợ Mười Chức tên Thị Nghĩa. Bài vè Nọc Nạng nói “Năm người đổi một thằng Tây” là bốn người này và một hài nhi còn trong bụng Thị Nghĩa. Mười Chức bị tên cò Tournier bắn. Ngay lúc bị thương sắp chết, Mười Chức đã kịp nhào tới dùng mác vót đâm trúng bụng tên Tournier. Ba ngày sau tên cò này chết.

(3)        Cháu gái tên Tư, 14 tuổi, con của Nguyễn Thị Trọng (Trọng là em gái Mười Chức).

(4)        Thị Trọng, Toại và con trai là Tia, Liễu, và Miều (em rể của Toại).

(5)        Ba em ruột của Toại và một em dâu là Thị Nghĩa – vợ Mười Chức.

(6)        Bang Tắc (tên thật là Mã Ngân, người Tàu); chủ quận Giá Rai là phủ H., và bà Hà Thị  Tr.

(7)        Chủ tỉnh Bạc Liêu; thống đốc Nam Kỳ; và toàn quyền Đông Dương.

(8)        Vợ Mười Chức, em dâu của Toại.

(9)        Hương phụ: củ cỏ cú, một vị thuốc trị thông hơi, khai uất ăn ngon, để ám chỉ thân sinh ông, vì trong “hương phụ” có phụ: cha. Khi đọc đến hai danh từ “hương phụ” thân phụ ông mỉm cười nói: “Cha chả nó dám gọi tao bằng củ cỏ cú”, nhưng sau, lúc đọc hết bức thơ, quá xúc động, ông khóc sướt mướt.

 (10)      Tri mẫu: trị khát nước, mồ hôi trộm, ho có đàm, để ám chỉ kế mẫu ông, vì trong “tri mẫu” có mẫu: mẹ. Ý nói: xin mẹ biết lòng con.

(11)       Bạc hà: trị nóng đầu, nóng con mắt, nóng trong xương và tiêu đàm. Ý nói: con là người bạc bẽo.

(12)       Đầu khấu: trị ụa mửa, nặng ngực, con mắt mờ. Ý nói: con cúi đầu xin cha mẹ  tha thứ tội bất hiếu của con.

(13)       Bức: vị “thiên chương chỉ”, khi trải ra như giấy viết thơ.

(14)              Thương trực: trị bịnh phong thấp, phát hạn, thông trung tiêu. Ý nói: lúc nào con cũng nhớ cha mẹ.

(15)       Cốt bì: là vị “địa cốt bì”, trị mát da mát thịt, bổ máu huyết và bổ phần âm. Ý nói: thấy da thịt là tưởng nhớ đến mẹ cha.

(16)       Táo nhục: trị mát cật, bổ tinh, trị lỗ tai lùng bùng. Ý nói: thường xem mẹ ghẻ như mẹ ruột.

(17)       Mẫu đơn: cây bông tran trị phá huyết, thông đường kinh, mát huyết, thâu mồ hôi tay chơn. Ý nói: xem mẹ ghẻ như mẹ ruột.

(18)       Phục linh: có hai thứ: phục linh đỏ và phục linh trắng. Thứ đỏ thông đường tiểu. Thứ trắng tiêu đàm. Ý nói: luôn luôn nhớ kế mẫu.

(19)       Nam tinh: trị thông đàm, xương sống cứng và tay chơn co rút. Ý nói: phận con trai như ngôi sao sáng lúc nào cũng làm rạng rỡ ơn cha mẹ.

(20)       Phụ tử: vị thuốc có tánh nóng thường dẫn hỏa khắp thân. Ý nói: tình cha con, vẫn nhớ mãi mãi.

(21)       Thục địa: bổ thận và bổ huyết. Ý nói: con còn tạm ở đất khách (Miên).

(22)       Dự tri: trị máu cam, mát cuống họng, thông đường tiểu. Ý nói: con còn nhớ ơn mẹ nuôi con cực khổ.

(23)       A ngùy: vị thuốc rất hôi tanh. Các thầy pháp thường dùng nó để trừ tà. Vị thuốc này  được dùng làm mồi câu cá. Ý nói: thân con vô dụng.

(24)       Tạo giác: thông đại trường, tẩy đàm độc. Ý nói: lo xa cho cha mẹ.

(25)             Thường sơn: trị rét và trừ đàm. Mà “Thường sơn” đây lại là biệt hiệu của Triệu Tử  Long đời Tam Quốc. Ý nói: lòng hiếu thảo của con bia tạc như “Thường Sơn Triệu Tử Long” nơi Đương Dương.

(26)       Chi tử: trị bệnh bón uất. Ý nói: lòng con thảo như tôi trung thờ vua.

(27)       Huỳnh kỳ: chận mồ hôi, kín chơn lông, bổ khí. Ý nói: muốn đền ơn cha mẹ mà kém bạc tiền.

(28)       Nhân sâm: vị thuốc đại bổ. Ý cũng nói thiếu tiền bạc.

(29)       Tiểu hồi: trị bàng quang. Ý nói: muốn trở về.

(30)       Thủy ngân: vị thuốc sát trùng bệnh sang độc. Ý nói: muốn về thăm cha mẹ ngặt không tiền.

(31)       Châu thần: trị an thần, định trí. Ý nói: muốn về nhưng thiếu tiền nên không biết vay hỏi ai nơi xứ lạ.

(32)       Qui vỉ: đuôi vị đương qui trị đuổi huyết xấu ra máu tốt. Ý nói: con cũng muốn trở về thăm cha mẹ lắm.

(33)       Châu sa: trị kinh phong, giựt mình. Ý nói: không tiền về thăm cha mẹ nên khóc thầm.

(34)       Cao ly: ấy là vị thuốc “Cao ly sâm”. Trong vị thuốc có chữ “Cao” ám chỉ xứ “Cao Miên”. Ý nói: vì không tiền nên tạm sống ở đất Cao Miên.

(35)       Quản bì: vỏ trái cam tàu: trị đàm thông hơi. Ý nói: cha mẹ sanh con mà không được nhờ con.

(36)       Hồi Sanh: biệt hiệu của thân phụ ông.

(37)       An tức: vị an tức hương trị phá huyết, thông đường kinh. Ý nói: có ngày con sẽ về thăm cha mẹ, xin đừng trông đợi.

(38)       Tảo Tần: tức “Nhật Tảo”: biệt hiệu của vị thầy thuốc nói trên.

(39)       Thiện môn: trị ho đàm, suyễn. Ý nói: lấy sức mình tranh đấu với phước trời, để làm có tiền của, hầu đền ơn cha mẹ.

(40)       Nhơn ngôn: vị “thạch tín” hay “vị sang”. Ý nói: con cũng muốn về thăm cha mẹ nhưng vì quá nghèo sợ người gièm siểm.

(41)       Cam thảo: vị thuốc sống trị nóng, nướng uống mau tiêu. Ý nói: lòng ông hiếu thảo chỉ có trời biết.

(42)       Chỉ thiệt: trị chóng mặt, tiêu đàm. Ý nói: lòng thành thật phô bày.

Nguyễn Hữu Hiệp
Số lần đọc: 4407
Ngày đăng: 13.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nói thơ : Một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Tục nhuộm răng ăn trầu ở Bình Định xưa - Mai Thìn
Tiếp cận” bí ẩn” ở Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ? - Nguyễn Văn Hoa
Văn Miếu- Đền Văn của Bình Định - Mai Thìn
Kỷ niệm 135 năm ngày hy sinh của “TỨ KIỆT” (14/2/1871 - 14/2/2006 ): Truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt” - Võ Phúc Châu
Cơm Hến, - Trần Kiêm Ðoàn
Vị trí truyện BA PHI trong VĂN CHƯƠNG TRÀO PHÚNG VIỆT NAM - Vũ Ngọc Khánh
Nét độc đáo của câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long - Hồ Xuân Tuyên
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân - Võ Phúc Châu
Nghệ Thuật Gốm Trà Việt Nam - Phan Quốc Sơn