Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.502
 
Cuộc hành trình đi tìm ý tưởng
La Thị Ánh Hường

Trong năm, tôi thích nhất là mùa đông. Phải nói là “yêu” thì đúng hơn. Tôi yêu tha thiết tiết trời se lạnh hay những ngọn gió ngọt lành mát rượi tận đáy lòng. Mỗi sáng, dù chẳng có việc gì phải ra đường tôi vẫn khoác thêm chiếc áo đi dọc theo con đường mòn dẫn vào ngôi nhà thờ cổ kính. Vừa đi vừa cảm nhận mùa đông đang ở cạnh bên mình, thú vị như như ta đang gặm nhấm một món ăn khoái khẩu.

 

Thuở nhỏ, tôi thích rất nhiều thứ, từ những chùm bong bóng căng tròn đủ màu sắc của lũ con gái cho đến những viên bi đặc ruột sáng lóng lánh của bọn con trai. Nhưng hầu như tất cả những thứ  ấy tôi đều không có! Nhà tôi nghèo, nghèo lắm. Thỉnh thoảng mẹ mới đi chợ thị xã một lần, lâu lâu mua cho tôi một trái bong bóng màu đỏ. Tôi mừng quýnh quáng, ngắm nghía như một báu vật. Mà thường thì “báu vật” ấy chỉ thoả mãn niềm vui của tôi được hơn nửa ngày. Sau đó lại phải đau khổ đến mấy ngày vì tiếc. Ngẫm lại, thấy bất công khi mà cả khái niệm về thời gian của niềm vui và nỗi buồn cũng không có sự công bằng.

           

Cùng theo tôi lớn lên là những sở thích trở thành khát vọng của tuổi thơ. Tôi từng bỏ ra nửa buổi làm việc để cùng anh rong ruổi khắp các cửa hàng văn phòng phẩm. Chỉ làm mỗi việc sưu tầm các loại bong bóng, từ bong bóng hình trái tim đến những loại cầu kỳ như con thỏ, con rồng …v…v… Anh là người yêu đầu tiên của tôi – người mà sau này tôi cho là bị thiệt thòi nhất, bởi khi ấy, tôi chẳng khác nào một đứa trẻ ưa vòi vĩnh.

Người thứ hai đến với tôi hơn một năm sau đó. Cũng có nghĩa là thời gian đã đẩy lùi tuổi thơ của tôi ra xa thêm một năm, khi ấy, mỗi khi đi ngủ tôi không còn có thói quen thổi thật nhiều bong bóng bỏ vô mùng như trước. Vì một lần tình cờ biết được, anh khuyên: “Đêm nào em giật mình bởi tiếng bong bóng bể như thế không tốt đâu!”. Vậy là tôi ngoan ngoãn nghe theo anh. Cảm thấy  hạnh phúc vì nghĩ anh mới chính là người yêu mình thật lòng. Lúc ấy, hình bóng của người yêu đầu lợt dần, lợt dần rồi mất hút như những tia nắng cuối ngày. Thỉnh thoảng anh xuất hiện trong lá thư tôi viết cho người yêu thứ hai, nhưng không phải là nỗi nhớ nhung khắc khoải mà chỉ để tô đậm thêm hình bóng của anh (người yêu hiện tại), bằng những câu từ  đại hoại như: Anh đã giúp em hiểu thế nào là tình yêu đích thực, điều mà người bạn trai em trước đây không thể mang đến cho em…

 

Người yêu thứ ba của tôi thì thực tế hơn cả hai người trước. Anh không cùng tôi săn lùng các loại bong bóng ở khắp ngõ ngách trong thành phố như người yêu đầu tiên, cũng không bảo vệ giấc ngủ của tôi bằng cách ngăn cách tôi với những trái bong bóng đáng yêu. Anh tỏ ra chững chạc hơn với cương vị một ông sếp uy nghi. Ngày lễ giáng sinh, anh sai cấp dưới mang đến cho tôi trái bong bóng to nhất mà trước nay tôi mới nhìn thấy. Quen anh, tôi nhận ra vị trí mình quan trọng hẳn lên. Ngày cuối tuần, thay vì rong ruổi ngoài đường để hít bụi với người yêu đầu (mà có lúc tôi cho đó là sở thích và vui mừng vì có người cùng chung sở thích với mình), hay ngồi ngắm lục bình giữa một khung cảnh tối đen bên cạnh dòng sông  mà rác rưởi phong phú hơn cả lục bình, anh đưa tôi đến những nhà hàng sang trọng, những phòng trà ca nhạc lịch thiệp – nơi mà người ta biến những đồng tiền có thể cưu mang tôi hàng tháng thành tờ giấy vô giá . Ở đó, tôi chẳng thể nào nhìn thấy bong bóng để thích thú ồ lên với anh. Có lần anh nhẹ nhàng góp ý: “Em không còn trẻ con nữa đâu đấy, chuyển sở thích đi nha nhỏ, không khéo sau này có con lại dành chơi với con, người ta cười cho”. Quả là anh nói có lý, tôi đã bước sang tuổi 23. Ở tuổi ấy người ta thích những thứ khác kia, ít ra thì cũng không tầm thường và nghèo nàn như một trái bong bóng!

           

Chia tay với mối tình thứ ba, tôi về tỉ mẩn gom hết mớ bong bóng nằm rải rác trong các ngăn tủ, được một bọc lớn đầy căng. Xong, phồng mang thổi lên cho đầy ắp căn phòng rồi nhốt mình vào trong ấy. Vỗ về mình bằng cách ôm hết mớ lập cập đó vào lòng. Bỗng thấy tuổi thơ hiện về rất gần, hình ảnh mẹ làm cồn cào nỗi nhớ. Lâu lắm rồi tôi không gọi điện cho mẹ. Lúc đầu cũng lờ mờ nhận ra như thế gọi là vô tình, có chút ray rứt, an hận, sau đó thì quen dần. Quen với cái “vô tình” của chính mình.

           

Tôi kể liền một mạch rồi kết luận với anh tổng biên tập: “Anh thấy đấy, em không đưa chuyện tình yêu của em vào sáng tác được đâu. Lỡm lờ thế  không khéo bạn đọc lại mắng cho đấy chứ!”. Anh nhìn tôi lộ một chút thông cảm (ít nhất cũng phải thế!), anh dụi điếu thuốc trên tay, giọng hiền khô: “Vậy thì em cứ đi tìm ý tưởng để viết cho phù hợp với sở trường. Nhưng nhớ là không được trễ bài đâu đấy. Anh đã giới thiệu từ số trước, em chính là gương mặt trẻ của số báo đầu đông này. Không thay đổi được nữa!”.

 

Thì tôi cũng đâu muốn thay đổi. Viết lâu lắm rồi, nay mới được tổng biên tập chiếu cố, cho lên trang nhất kèm theo tấm ảnh tác giả và những dòng giới thiệu hết sức mượt mà, oách quá đi chứ! Vậy mà bỗng dưng thấy khớp. Bình thường thì mỗi khi bài có dở một chút, câu văn có ngây ngô một chút, cố trấn an mình không sao đâu, họ đọc rồi quên béng đi ngay thôi mà, dù sao cũng chẳng biết mình là ai. Nhưng bây giờ thì khác, cái đứa con gái có cặp mắt buồn thăm thẳm ấy, nhìn vào ai cũng cho là sâu sắc lắm! Luôn hướng tới những vấn đề lớn lao lắm, không thể là những trái bong bóng hay vài mối tình được so sánh như một truyện ngắn mà mở đầu rất hấp dẫn, càng về sau càng dở cuối cùng dẫn đến kết thúc lãng xẹt.

 

Ngày ba mươi mỗi tháng, tôi nhận được số tiền lương không lớn cũng không quá nhỏ, tạm đủ để trang trải những thứ lặt vặt nhưng cần thiết, trong ấy vẫn có một phần trích ra để tôi ghé vào tiệm tạp hoá có bán bong bóng, tự với tay gỡ lấy một bịch treo tòng teng trên đỉnh đầu, cười với anh chủ tiệm một cái rồi hăm hở quay ra. Nhưng tôi vẫn không thể dùng tiền để mua lấy mùa đông cho mình. Đành phải dài cổ chờ cho mùa thu đi qua, khi mà những tia nắng đầu ngày không còn khoác lên mình một màu vàng óng. Mùa đông của miền Nam luôn đến kèm với những cơn bão, hay ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vì thế mà bầu trời cứ âm u, ể oải như một người mới bệnh dậy. Không có nắng nên khó mà phân biệt được sáng, trưa hay chiều.

 

Vậy mà tôi lại thích. Đông đến vừa đúng lúc những đau khổ tưởng chừng như không qua khỏi trong tôi phai dần. Bây giờ trong lòng trống trải và nhẹ tênh. Nhẹ hơn cả đám lá ngọc lan đang xào xạc ngoài kia, sao chúng cứ phải lay lắt mãi mới thả mình được xuống đất?

Thế nên việc đi tìm ý tưởng cho một truyện ngắn, có lẽ không khó khăn gì mấy!

 

Bắt đầu là tham khảo ý kiến của ông anh ở tận bên Texas – người luôn luôn hào phóng những lời chê bai và tiết kiệm đến keo kiệt sự ngợi khen. Tôi đã bị một vố đau điếng khi dũng cảm gởi nguyên tập truyện mới viết của mình cho anh nhận xét. Kết quả là nhét luôn xấp bản thảo ấy xuống đáy tủ. Thất vọng thiếu điều muốn bỏ viết. Khi bình tĩnh lại mới nhận ra, những người dám góp ý với mình thành thật như vậy không nhiều, và anh thì nằm trong cái “số ít” đáng trân trọng ấy. Được hỏi ý kiến cho một tác phẩm “tầm cỡ”, anh như thấy mình quan trọng hẳn lên, tuôn ra một tràng những lời gợi ý.

 

Theo như lời anh thì tôi chẳng bao giờ có một tác phẩm ra trò!

 

Hôm đi xem bói với đứa bạn, ông thầy trẻ măng nhưng có khuân mặt khó đăm đăm. Trái với bệnh nói nhiều kinh niên của một số bà bói mà tôi biết, ông thầy thuộc loại tiết kiệm lời nói. Ông nhìn tôi hồi lâu rồi thở dài cái thượt, phán : “Cô là người khá thông minh, nắm bắt mọi vấn đề rất nhanh, chỉ có điều …  hơi lười suy nghĩ”.

 

Vậy là toi điều kiện đầu tiên để có được một tuyệt phẩm! Anh bảo quan trọng là có chịu suy nghĩ hay không? Trí óc con người có một khả năng tiềm ẩn mà chỉ khi nào chịu suy nghĩ, mới khai thác hết được. Anh còn kể cho tôi nghe thế nào là nghệ thuật quan sát. Thí dụ như để viết về loài kiến, họ đã phải nằm dưới gốc cây hơn nửa ngày trời để ngắm nghía mọi hành động của chúng. Tiếp theo là phải đưa vốn sống thực tế vào thì truyện mới sinh động. Anh nói những vấn đề quá đỗi cao siêu so với đầu óc một con bé lúc nào cũng chứa đầy những trái bong bóng như tôi. Sàng lọc hết những điều anh nói, tôi “ghi nhận” vấn đề mà tôi cho là thiết thực nhất; đó là phải suy nghĩ.

 

Từ lúc này, tôi hứa sẽ không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào trong tầm mắt. Từ cái nhìn khó chịu của bà chủ xe buýt khi tôi chìa ra tấm thẻ tháng, thay vì hai ngàn đồng, đến thái độ khinh miệt của nhân viên trong shop thời trang cao cấp, mà hôm ấy, tôi mặc trên người một chiếc áo trắng ngả màu từ thời trung học. Tôi về nhà ghi chép tất cả những chi tiết ấy thật cẩn thận, cả hành động và lời nói của họ. Không biết có thừa thãi quá hay không? Nếu như không đạt đến tầm suy nghĩ sâu sắc, chí ít tôi cũng học thêm được cách tả thực.

Có tiếng chuông cửa. Tôi vội vã chạy ra, đằng sau cánh cổng đã xỉn màu, thằng em đen nhẻm nheo mắt cười:

- Chị không bất ngờ khi em lên sao?

Bất ngờ gì kia chứ! Mỗi năm, cứ gần đến mùa thi là nó tò tò khăn gói lên đây. Thi rớt lại quay về, hứa hẹn năm sau gặp lại. Cái thằng, được cái luôn lạc quan, bụng dạ lành như đất, lại thật thà nên cho dù nó có dốt nát chút xíu, tôi vẫn thương nó nhất nhà! Hồi nhỏ, mỗi lần nó bị bọn con nít chơi xấu lén trét bùn đầy lên đầu, tôi phải lôi nó ra sau giếng tắm gội. Lớn lên một chút, nó không cho phép tôi “tự do” chăm sóc nó, nó bảo: “Việc của chị là đi tìm một ông chồng cho tốt vào. Chẳng lẽ chị ở với mẹ với em cả đời như thế!”. Mẹ nghe được lại thở dài: “Phải chi con hai cũng biết yêu thương, quan tâm như chị em con thì tốt biết mấy!”. Khi ấy chị hai đã đi lấy chồng. Ngày chị cưới không có lấy một phân vàng đeo tay. Cả hai gia đình đều nghèo. Nấu nướng được mấy mâm cỗ đã là cạn kiệt vốn liếng dành dụm bấy lâu. Chị mặc cảmvới đám bạn bè giàu có, nên cưới hôm trước, hôm sau đã khăn gói đi làm ăn xa xứ. Bằng giọng giận hờn vô cớ, chị nói với mẹ, nếu không giàu có chị sẽ không về lại làng.

- Chị hai về rồi, chị biết không?

- Vậy à? – Tôi nói mà mắt không rời quả táo đang gọt trên tay, thực lòng thì tôi không có ấn tượng với chị hai. Nhất là khi chứng kiến cảnh ba mẹ cực khổ khi nhà thiếu đi một lao động, vậy mà chị vẫn giũ bỏ tất cả một cách rất nhẹ nhàng. Cả một lời hỏi thăm cũng không.

- Chị ấy chỉ ghé một lát, nghe đâu làm ăn được mùa khá giả lắm, đã mua nhà ở thành phố gì ấy nhỉ, em quên mất. Hình như có cho mẹ một trăm ngàn chị ạ!

- Một trăm ngàn! – tôi lặp lại lời thằng em đang nói say sưa một cách hồn nhiên.

Nó gật đầu, đưa nguyên trái táo còn nguyên vỏ lên miệng cắn sồn sột, chỉ một lát đã thấy nó ngủ ngon lành.

 

Tôi lấy quyển vở ra, tiếp tục ghi chép những vấn đề cần phải đào sâu suy nghĩ. Về cái đề tài cập nhật gần nhất. Một người con gái thành đạt nơi xứ ngừơi, mua hẳn căn nhà đồ sộ trị giá lên đến tiền tỷ, mà chỉ có thể chìa tờ trăm nghìn ra biếu bố mẹ. Ở chi tiết này, thay vì dừng lại ở suy nghĩ chị ấy keo kiệt không chút hiếu thảo, tôi cần phải “mổ xẻ” thêm khái niệm thế nào là keo kiệt, thế nào là biểu lộ lòng hiếu thảo? Tôi không nằm trong hoàn cảnh giàu có như chị, cũng không tơ tưởng đến căn nhà thành phố, với đồng lương còm cõi của mình, mỗi tháng sau những chi tiêu, tôi vét sạch gởi về nhà, cũng chỉ đủ cho bố mẹ già ăn uống đạm bạc sống qua ngày. Mà biết đâu chị cũng có cái lý của chị. Chẳng hạn chị sẽ bảo: “Mày được bố mẹ lo cho ăn học tới nơi tới chốn, bây giờ phải báo đáp là lẽ đương nhiên!”. Sau đó chị sẽ tuôn ra một tràng than thở về những tháng ngày vào đời với hai bàn tay trắng, không ai giúp đỡ. Rồi biết đâu chị lại hùng hổ kết luận; nuôi dạy con là trách nhiệm của bậc sinh thành, bây giờ chị cũng phải nuôi con của chị. Đó đã trở thành một quy luật không thay đổi, như một dòng chảy không ngừng của ngọn thác. Mà có dòng nước nào là chảy ngược lên đâu.

 

Chiều. Gió vi vu xào xạc trên nhánh cây trước hiên nhà. Trời kéo mây và sấm chớp rầm rầm. Cái điện thoại sóng yếu khiến giọng nói cứ chập chờn. Anh tổng biên tập nói mà như gào lên: “Nộp bài đi chứ nhỏ! Không trả giá được  nữa đâu, hết hạn rồi đấy nhé!”. Tôi không thể nói với anh là tôi chưa tìm ra ý tưởng. Chỉ mỗi việc suy nghĩ cho chính chắn một vấn đề, tôi làm cũng chưa xong. Mà đâu phải tôi lười suy nghĩ. Tôi hứa với anh bằng một giọng chắc mẩm: “Sáng mai em nộp sớm, hứa uy tín đấy!”.

 

Mưa bắt đầu nặng hạt, tiếng lộp độp trên trần nhà ngày càng ráo riết. Nước trên máng xối chảy xuống thành dòng xối xả. Tôi nằm ngửa cổ lên trần nhà, mơ màng về một cốt truyện sao cho thật thú vị. Chắc hẳn phải là một đề tài ngộ nghĩnh chưa có bất cứ nhà văn nào khai thác, ở trong ấy nhất thiết phải truyền tải cái hồn, vốn sống và óc quan sát sao cho tinh tế. Sẽ không quẩn quanh với những trái bong bóng hay những mối tình nhạt nhẽo.

 

Bây giờ thì chờ cho mưa tạnh, nhiệt độ xuống thật thấp, có thể tôi sẽ ra đường mà không mặc thêm áo khoác, có thế mới cảm nhận được mùa đông. Tôi vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình đi tìm ý tưởng mà!

La Thị Ánh Hường
Số lần đọc: 2343
Ngày đăng: 15.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điều kỳ diệu - Đinh Lê Vũ
Giây phút nhoáng nhoàng - Nguyễn Đức Thiện
Bộ quân phục màu cỏ úa - Nguyễn Hồ
Ngày Trở Về - La Thị Ánh Hường
Một vị Phật khai sinh - Hư Thân
Giỡn chơi - Nguyễn Ngọc Tư
Đi coi bói - Đinh Lê Vũ
Tất cả các giòng sông đều chảy - Trần Lệ Thường
Bồ Tát Quá Giang - Hư Thân
Trinh tiết xóm chùa - Đoàn Lê
Cùng một tác giả
Hương bồ kết (truyện ngắn)
Hạnh phúc ngọt ngào (truyện ngắn)
Ngày Trở Về (truyện ngắn)
Người tốt (truyện ngắn)
Lời nguyện cầu (truyện ngắn)
Của hồi môn (truyện ngắn)