Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.692
 
Angkor xưa và nay-phần 1
Nguyễn Đức Hiệp

Óc eo, Kiên Giang, Rạch Giá, núi Ba Thê, Long Xuyên, những địa danh mà tôi nhớ mãi sau khi mới bước vào trung học năm 1967 và lần đầu tiên làm bài tập lịch sử. Thầy tôi bảo chúng tôi phải đến viện bảo tàng Saigon trong thảo cầm viên để tìm hiểu về văn hóa và văn minh Phù Nam mà di vật khảo cổ đã được tìm thấy ở Óc Eo. Ở viện bảo tàng, tôi tìm tòi học hỏi sau đó viết và nộp bản báo cáo về các di vật của nền văn minh này. Trong đó có những đồng tiền cổ trên mặt khắc hình hoàng đế Antonious Pious của La Mã, chứng tỏ nền văn minh Óc Eo có liên hệ thương mãi hàng hải xa xôi với các nền văn minh Cận Đông và phương Tây. Đây là sự tiếp cận đầu tiên với một nền vãn hóa mới lạ và khác biệt với vãn hóa của môi trường mà tôi sinh trưởng. Phù Nam, Chân Lạp, Angkor là những xã hội bị ảnh hưởng Ấn độ sớm ở Đông Nam Á. Di sản văn hóa Angkor đã truyền lại ở đất nước Cambodia và ảnh hưởng đến các nước lân cận, Thái Lan và Lào. Sau này qua nhiều nãm sau, tôi được đọc một số tác phẩm của nhà vãn Lê Hương về lịch sử và vãn hóa Khmer và ảnh hưởng vào đặc thù văn hóa Nam bộ, làm gợi thêm trí tò mò học hỏi của tôi. Khăn quàng, canh chua là những thí dụ đặc thù mà người dân Nam bộ mang vào từ văn hóa đời sống người Khmer khi tiếp cận và sinh sống chung với họ. Dấu ấn ảnh hưởng Khmer còn lưu lại khắp đồng bằng sông Cửu Long. Ngay cả ở Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa vẫn còn dấu tích xưa. Hiện nay ở Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh vẫn còn cộng đồng người Khmer cư ngụ ở các sóc, làng riêng biệt hay sống chung với người Việt.

 

Ngôn ngữ Khmer là ngôn ngữ cổ lâu đời nhất trên lục địa Đông Nam Á, thuộc hệ Môn-Khmer. Tiếng Việt ngày nay có nhiều vết tích Môn-Khmer cho thấy cơ bản là dựa trên tầng cổ xưa này. Các nhà ngôn ngữ học trước kia cũng đã từng xếp tiếng Việt là thuộc hệ ngôn ngữ Môn-Khmer. Ngôn ngữ Môn-Khmer trãi rộng từ Miến Điện qua Thái Lan đến Cambodia, cao nguyên Việt Nam. Nền văn minh Môn Dvaravati đã để lại nhiều dấu ấn từ  Miến Điện đến Thái Lan. Ở một số nơi trên Ấn-Độ còn có các sắc dân thiểu số nói tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Môn-Khmer. Các cư dân cổ nhất là những bộ lạc còn sót lại trên đảo Nicobar và Aldaman ở Ấn Độ dương cũng cùng thuộc hệ ngôn ngữ. Có thể nói Môn-Khmer là ngôn ngữ của dân cổ nhất Đông Nam Á. Một vài thí dụ về gốc liên hệ các từ cơ bản nhất trong tiếng Việt và các từ của các ngôn ngữ thuộc hệ Môn-Khmer như: ăn, con, đất, mà, muỗi, mắt, ngà, ruột, rương, sá (đường sá), sông, tắm.

 

Bẳng qua một thời gian lâu, đến nãm 1982, tôi bắt đầu tìm hiểu về triết lý Phật giáo nhân dịp viếng thăm Thái Lan, ở trong chùa trong một làng gần thành phố Singburi. Chúng tôi ở nhà một người bạn Thái trong vài ngày, anh bạn Thái vẫn còn trẻ của chúng tôi là một thầy tu. Sự tiếp đón ân cần của gia đình anh bạn làm tôi rất cảm động. Đời sống của họ ở thôn quê cũng không khác chi đời sống ở các làng mạc Việt Nam. Thái Lan cũng như Cambodia đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo tăng già nguyên thủy (Theravada). Văn hóa Thái Lan từ kiến trúc, thần thoại, chữ viết .. là do sự tiếp nhận từ di sản của người Môn và Khmer đã từng cư ngụ ở vùng này lâu đời trước khi người Thái di dân xuống từ Vân Nam sau khi Mông Cổ đi chinh phục các tỉnh phía nam Trung quốc. Từ thành phố Singburi, tôi đến Ayuthaya, một kinh đô cổ của Thái Lan nay đã bị đổ nát, với một người bạn phật tử Úc vừa mới qui y đi cùng với gia đình người bạn Thái. Ở Ayuthaya, tôi nhận thấy người Thái từ khi đi từ Vân Nam xuống sau sự chinh phục của Mông Cổ đã hấp thụ văn hóa Môn-Khmer, từ kiến trúc, tôn giáo, chữ viết, một cách nhanh chóng và phát triển rực rỡ với đặc thù riêng biệt. Điều gì đã làm một dân tộc đi chinh phục hấp thụ văn hóa cu/a dân tộc khác bị bại trận đã biến mất ?. Một câu hỏi khó trả lời nếu không tìm hiểu sâu sa nền văn minh Khmer.

 

Tôi một mình tự tìm đường và phương tiện đến Phimai, nơi có di tích của một đền Khmer nổi tiếng, có kiến trúc cùng thời như ở Angkor. Đền đã đổ nát nằm giữa thành phố, gần chợ. Vào đền đi dạo giữa cảnh đổ nát của nền văn minh xưa cổ, tôi rất bồi hồi. Hôm đó tôi là du khách duy nhất, ngồi nói chuyện với anh bảo quản đền, anh còn rất trẻ làm cho Bộ Văn hóa Nghệ Thuật Hoàng gia Thái. Trong khoảng thời gian này và kéo dài mãi đến lúc cuối thập niên 1980, Angkor bị biệt lập chìm trong hoang vu do chiến tranh và hoàn cảnh chính trị thế giới lúc đó không cho phép kiến trúc và nền văn minh này được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Vì không đến được Angkor, nên khi tạm đến một nơi có kiến trúc tương tự của một Angkor thu nhỏ cũng là một niềm an ủi cho tôi rồi.

 

Bước sang thế kỷ 21, Cambodia đã thay đổi rất nhiều so với những năm đen tối khi Khmer Rouge vẫn còn là một cản trở cho bước tiến của dân tộc và đất nước Cambodia. Angkor đã trở thành nơi du lịch văn hóa thu hút du khách nước ngoài nhiều nhất ở đất nước này. Phi trường Siem Reap được Pháp giúp đỡ và tân trang trở thành một phi cảng quốc tế hiện đại, cửa ngỏ tới quần thể Angkor cách Siem Reap vài cây số.

 

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày dều có chuyến bay và xe đi Phnom Penh hoặc Siem Reap. Ngoài ra theo dường tàu thủy, du khách có thể đi từ Cần Thơ hay Châu Đốc đến Phnom Penh rồi sau đó đi Siem Reap. Các dịch vụ du lịch ở nhiều nơi trong thành phố đều có chương trình đi qua Cambodia. Tôi đăng ký chuyến xe đi Phnom Penh ở Sinh Cafe trong khu vực đường Phạm Ngũ Lão. Sáng sớm 7 giờ xe khởi hành, trên xe có vài người Khmer làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về Cambodia và rất nhiều du khách “Tây ba lô” đi trên chuyến xe. Đến Mộc Bài, cửa khẩu biên giới, mọi người đều xuống xe đến hải quan làm thủ tục xuất cảnh, sau đó đi bộ qua một khoảng ngắn qua biên giới đến cổng lớn nơi có hải quan Cambodia để làm thủ tục nhập cảnh. Thị thực (visa) có thể được lấy liền tại chổ cho các du khách. Trước khi về Việt Nam du khách có hộ chiếu nước ngoài nên xin thị thực nhiều lần (multiple entry visa) vì khi qua Cambodia là thị thực nhập hết hiệu lực khi rời Việt Nạm Tôi chỉ có thị thực vào Việt Nam một lần nên được dịch vụ ở Sinh Cafe chỉ bảo là phải đến Saigon Tourist nằm ở trung tâm Saigon trên đường Lê Thánh Tông. Tại đây có dịch vụ xin thành phố cấp thị thực ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất khi trở về. Dịch vụ của Saigon Tourist là 25$ đô Mỹ để điền đơn, xin chính quyền thành phố ccho giấy quyết định được thị thực nhập cảnh vào Việt Nam tại phi trường khi trở về và 30$ đô la cho chi phí thị thực. Nên nhớ thị thực này chỉ có hiệu lực 30 ngày ở Việt Nam chứ không phải 3 tháng như khi được cấp ở nước sở tại.

 

Sau khi qua cửa khẩu xuất cảnh phía bên Việt Nam, khách phải đi bộ một đoạn đường qua cửa khẩu để đến cổng biên giới phía Cambodia. Với số hành lý nhẹ mang theo, chúng tôi không vất vả bao nhiêu, nhưng cũng dùng một anh khuân đồ giúp. Một dịch vụ  ăn khách mà  rất nhiều người phải nhờ vào.Vào Cambodia, xe khách phía Cambodia của công ty Capitol Tours (có liên hệ trước với dịch vụ ở Sinh Cafe) đã chờ để tiếp tục đi Phnom Penh. Đường đi từ Mộc Bài đến Phnom Penh, khác với đường từ Saigon, rất xấu, ghồ ghề và vì thế ngồi trên xe phải chịu “sóc” trên cả đoạn đường này. Dọc đường đi qua nhiều làng mạc, tôi đều thấy mỗi nơi đều có trụ sở với biểu ngữ và cờ của 3 đảng chính trên chính trường Cambodia: Đảng Nhân dân của Hun Sen, Funcipec của ông hoàng  Ranarridh và đảng Sam Rainsy của chính ông Sam Rainsy. Thế mới biết mực độ cạnh tranh chính trị ở Cambodia để dành lá phiếu của người dân rất là gay gắt và cam go.

 

Ở một trạm nghĩ trong một quán dọc đường, ngồi uống nước với khung cảnh không khác chi trên nhiều nẻo đường ở Việt Nam, ngoại trừ hình ảnh các cây thốt nốt và người dân Khmer. Tôi đặc biệt chú ý đến một cô bé bán rong đi lại bán hàng cho chúng tôi. Khi nhìn thấy hàng bày bán, tôi mới giật mình vì hàng là các con nhện và bò cạp chiên để ăn. Dĩ nhiên vì không quen tôi không dám thử. Khoảng 3 giờ chiều thì đến ngoại ô Phnom Penh, qua khỏi cầu Monivong là vào trung tâm thành phố Phnom Penh, xe đậu ở nhà khách của công ty xe khách Capitol Tours. Nhắc lại ngày xưa năm 1940 ông Vương Hồng Sểnh trong bút ký của ông (2) nói về chuyến đi thăm quan Angkor bằng xe du lịch từ Saigon, xe phải chạy liên tục gần 1 ngày mới đến Siemrep. Chuyến đi chưa đầy nữa ngày của tôi như vậy là tốt lắm rồi. Chúng tôi đăng ký nghĩ tại nhà khách Nice Guesthouse, bên cạnh nhà khách Capitol Tours, trên đường 107, gần toà đại sứ Đức trên đại lộ chính Monivong. Khu vực này là tụ điểm du lịch giống như khu Phạm Ngũ Lảo ở Saigon.

 

Phnom Penh sầm uất, cũng giống Saigon là xe gắn máy rất nhiều. Ngay tối hôm đó (17/1/2004), sau khi tắm rữa, nghĩ mệt tôi và người bạn đi xích lô đến bờ sông Tonle Sap ngay trung tâm thành phố. Lúc thương lượng gía xe với anh xích lô mới biết anh là người Việt. Ở Phnom Penh còn có rất nhiều người Việt sinh sống. Dọc bờ sông Tonle Sap, trên con đường gọi là Sisowat Quay, quang cảnh rất thơ mộng. Bây giờ là tháng giêng nên lượng nước sông Tonle Sap ít đi nhiều, mực nước xuống thấp và hướng nước chảy là từ biển hồ Tonle Sap chảy về sông Cửu Long xuống biển đông ở miền nam Việt Nam. Lúc nước lớn, hướng nước từ sông Cửu Long, Bassac chảy ngược về biển hồ. Thành phố Phnom Penh nằm ở giao điểm của 3 con sông Tonle Sap, sông Bassac và sông Cửu Long. Tương truyền thành phố được thành lập do một bà tên Penh xây một chùa trên một đồi nhỏ (phnom) thờ 4 tượng phật vàng vì bà đã tìm thấy lúc mùa nước dâng ngập từ sông trôi vào một cây gổ bên trong có chứa 4 tượng trên, Hiện nay chùa Wat Phnom vần còn, và là địa điểm nhiều du khách và dân đến thăm viếng và cúng bái để được may mắn và làm ăn phát đạt. Trong Wat Phnom có tượng thần tài Preah Chau mà nhiều người Việt và Hoa rất chuộng để thờ cúng.

 

Chiều tối dân thành phố ra phố Sisowat Quay dọc bờ sông đi dạo và thưởng thức rất nhiều. Trên đại lộ Sisowat Quay, dọc sông là các cung điện, viện bảo tàng, các khách sạn, cửa hàng và nhà hàng rất lịch sự và sang trọng. Toà nhà Câu Lạc bộ Ký giả nước ngoài (Foreign Correspondents Club) nổi tiếng, mô tả trong phim “Cánh đồng chết” (The killing field), cũng nằm trên con đường này. Cảnh trí giống như đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ ở Saigon, nhưng rộng lớn và thanh lịch hơn. Gió mát với cảnh trí thanh bình không như những ngày biến động đen tối đã qua trong quá khứ.

 

Trong các quán ăn, nhà hàng có rất nhiều du khách từ nhiều nước, chủ yếu là từ các nước phương Tây. Buổi ăn tối của chúng tôi hôm ấy rất thưởng lãm, ông chủ là người Khmer sống ở Marseilles (Pháp) từ nhiều năm, nay trở về làm ăn sinh sống ở quê hương mình. Ông nói từ vài năm qua Cambodia đã thay đổi rất nhiều và tương lai rất sáng sủa. Với vị trí tốt của nhà hàng của ông nằm trên dãy phố sang trọng dọc bờ sông, và số lượng du khách đến Cambodia càng nhiều, tôi không thể nào không đồng ý với ông.  

 

Gần đến khuya, chúng tôi đón xe xích lô trở về khách sạn, anh xích lô người Việt đợi chúng tôi tại địa điểm nhà hàng mà trước đó anh đã thả chúng tôi xuống. Ban đêm, gió mát từ sông, trong phong cảnh phố xá vắng lặng đi qua các đường dưới hàng cây, với ánh đèn neon yếu ớt từ các nhà dân và các toà nhà của các cơ quan hắt xuống đường đã vắng xe, tôi có cảm tưởng mình trở lại quá khứ thời thơ ấu xa xưa những năm của thập niên ở Saigon trước chiến tranh lúc thành phố còn ít người, ít xe cộ, và không xô bồ như thời buổi hiện nay.

 

Sau khi ở lại Phnom Penh một đêm, sáng hôm sau tôi đăng ký vé đi Siem Reap bằng đường thủy. Từ Phnom Penh đi Siem Rep có ba phương tiện chính: đường bộ bằng xe khách, tàu thủy và phi cơ. Có thể đi Siem Rep bằng xe lửa nhưng phương tiện này không bảo đảm đúng giờ và an toàn.  Đi bằng tàu thủy nhanh và thoải mái hơn đi đường bộ bằng xe khách. Không may là sáng hôm đó, vé đi tàu đã bán hết và không còn chổ nào, buộc lòng tôi phải đi xe tour đăng ký từ các nhà khách để đi Siem Reap. Tỉnh Siem Reap hiện được đảng Funcipec nắm quyền. Đây là tỉnh giàu nhất Cambodia với nền kinh tế chính là dựa vào là du lịch : trọng điểm là quần thể di sản thế giới Angkor. Siem Reap có phi trường rất hiện đại và có các đường bay quốc tế đến thẳng trực tiếp từ nhiều năm trước đây. Vì thế đã có lần chính phủ trung ương ở Phnom Penh do đảng Nhân Dân nắm quyền muốn các đường bay chở du khách phải đến Phnom Penh truớc rồi mới được đến Siem Reap để kiếm thêm lợi nhuận du lịch. Nhưng điều này đã không thực hiện được. Đối với người dân Khmer thì Angkor là tượng trưng cho nền văn minh rực rỡ của họ, cái tinh tuý nhất của dân tộc họ. Họ rất tự hào là dân tộc họ đã tạo lập ra Angkor. Năm 2003, có tin trên báo (không đúng vì dưa theo tin đồn) là một ca sĩ Thái rất được chuộng ở Cambodia ra điều kiện để cô đến viếng Cambodia là Cambodia phải trả Angkor lại cho Thái Lan. Tin này đã gây ra một cuộc nổi loạn và biểu tình lớn kéo dài nhiều ngày chống Thái Lan ở Phnom Penh.Toà đại sứ Thái bị bao vây và đập phá. Kiều dân Thái đã phải di tản trở về Thái để tránh bạo động. Ngoại giao giữa hai nước xuống rất thấp và rất căng thẳng. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu chính phủ Cambodia phải xin lổi về biến cố bài Thái này. 

 

Đường đi Siem Reap cũng gồ ghề và gây cấn như đường từ Mộc Bài đến Phnom Penh. Trên chuyến xe này, tôi được ngồi cạnh 2 du khách Pháp, một trẻ một già, cũng đi thăm quan Angkor. Ông Pháp già không nói được tiếng Anh. Tôi dùng tiếng Pháp ngày xưa đã  học để  nói chuyện. Người Pháp vẫn coi Cambodia là nước mà họ có nhiều ảnh hưởng, có những quyền lợi và liên hệ lịch sử đặc biệt. Người Khmer cũng vậy, chịu ảnh hưởng và ưa chuộng văn hóa Pháp. Nói chung nhiều người Khmer nói được tiếng Pháp rành rõi hơn người Việt. Ông Pháp già có kể tôi rầng ông Andre Malreaux, văn sĩ Pháp và sau này là tổng trưởng văn hóa trong chính phủ De Gaule lúc còn trẻ đã có qua Angkor và đã bị bắt vì lấy đi một số hiện vật ở Angkor.

 

Chiều thì xe mới đến Siem Reap, xe đậu tại “nhà khách Ta Som”, mọi người xuống xe và được chủ nhà khách mời ở lại nhà khách. Nơi đây giá rất phải chăng (khoảng 10 đô Mỹ một đêm với phòng lớn không có máy lạnh cho 2 người), một số khách Tây ba lô ở lại nhà kh ách, còn lại đa số đã biết chổ khác nên tự động đi dùng phương tiện riêng. Chúng tôi muốn có phòng có nước nóng và máy điều hòa không khí, nhưng đã hết chổ. Ông “chủ nhà khách Ta Som” điện thoại đến một nơi khác còn có chổ cùng giá với chổ của ông và nhờ nhân viên của ông đưa chúng tôi đến nhà khách gần đó. Chúng tôi ở một nhà khách gần chợ. Người bạn đi cùng rất lanh lợi và nhiều hiểu biết của tôi nói là ông chủ nhà khách Ta Som và nhà khách chúng tôi ở có quan hệ và chia hoa hồng khi giới thiệu khách cho nhau. Sau khi tắm rữa, tôi đi dạo quanh gần nhà khách. Thành phố Siem Reap rất nhỏ, nhưng hiện nay đang nở rộ mọc ra các khách sạn lớn, nhỏ đủ loại, các nhà khách (guest houses), các nhà hàng và các tụ điểm Internet cafe rất hiện đại. Du khách đến rất nhiều nhất là các du khách trẻ Tây ba lô (backpackers). Chiều hôm đó tôi đăng ký đi thăm quan vài ngày dến quần thể Angkor. Sau khi tắm rữa, nghĩ  ngơi, chúng tôi có dịp đi dạo phố, vòng chợ ở Siem Reap, ăn uống những món ăn Khmer ở các nhà hàng dọc đường trong khu vực gần các nhà trọ mà du khách Tây ba lô thường trú ngụ. Ở Siem Reap có những địa điểm vật lý trị liệu mà nhân viên là những người khuyến tật (mù), các địa điểm này hầu như là nơi duy nhất giúp đỡ họ có công ăn việc làm. Giá rất phải chăng và rất nhiều du khách đến để thư giản như chúng tôi sau khi ăn tối.

 

Sáng hôm sau, chúng tôi đi đến trụ sở dịch vụ Tour Angkor để đi thăm quan quần thể Angkor. Quần thể Angkor rất lớn rộng khoảng 420 km2, trong đó có nhiều đền, cung điện. Vì thế cần phải thuê bao xe cho nguyên ngày để thăm quan. Một số khá đông du khách Tây ba lô mướn xe gắn máy hay dùng dịch vụ “xe ôm” để  đi thăm quan. Xe chúng tôi giống như xe lam ở Saigon chở chúng tôi và anh hướng dẫn viên vừa mới ra trường hướng đẫn du lịch. Anh còn trẻ, nói năng nhỏ nhẹ và lịch sử. Theo anh thì muốn được làm hướng dẫn viên Angkor phải học một khóa học do chính phủ tổ chức và được bằng hành nghề, khóa học gồm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Khmer quan tâm nhất là thời kỳ Angkor và phải biết một trong những ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn.
Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 5715
Ngày đăng: 16.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Di sản lịch sử vô giá và thiên nhiên Côn Đảo cần được tôn vinh xứng tầm - Võ Văn Kiệt
Những con chữ khởi thủy và một áng văn rất sớm của loài người - Trương Thái Du
Không được quên quá khứ - Nguyễn Đình Thống
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử-phần hai và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử - phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Người CHÂU ĐỐC – AN GIANG Làm ăn ở NAM VANG xưa và nay - Nguyễn Hữu Hiệp
TRIỆU ĐÀ và NƯỚC NAM VIỆT trong dòng chảy LỊCH SỬ VIỆT NAM - Trương Thái Du
Vụ thảm án tôn thất nhà Lý nay ở đâu ? - Trọng Huân
Quan hệ VIỆT NAM – ĐÔNG NAM Á trong THẾ KỶ XIX : Một vấn đề cần trao đổi. - Đinh Kim Phúc
100 năm nhìn lại DUY TÂN HỘI và phong trào ĐÔNG DU của PHAN BỘI CHÂU - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)