Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.672
 
Ăn sống
Ngô Ngọc Trang

Kính coong…Kính coong…Kính coong…

Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.

 

Chị yêu con Rếch như bé gái yêu búp bê mà chơi cả ngày không biết chán.

 

Con Rếch là giống chó Béc, với người lạ, nó ác như sói nhưng với chủ thì hoàn toàn ngược lại. Khi mới mua về nó nhỏ bé còm nhom, giờ béo khoẻ thơm tho lắm rồi. Mỗi tuần Hoa tắm cho nó một lần mà cũng tắm bằng dầu gội và dầu xả như người vậy.Tắm nhiều đâm quen nên nó thích tắm, động chút là lao vào nhà vệ sinh vầy chậu nước hoặc trện cái bụng nhẵn thín xuống nền ướt. Tắm xong là lao một mạch lên sân thượng chứ không đời nào chịu để cho chủ sấy.

Biết vợ yêu chó, Tuấn đồng tình nhưng anh lại muốn chị sinh con và ở nhà chăm sóc con. Đương nhiên là chị không thích, không phải chị ghét trẻ con mà chỉ đơn giản là chị muốn đi làm vài năm nữa. Chị nói:

-Đã sinh con thì phải chăm con, phải ở nhà, mà ở nhà thì em chưa muốn. Còn nếu đẻ con mà phải thuê người trông giữ thì em sẽ không đẻ đâu.

Thuyết phục vợ nhiều lần không được Tuấn đâm ra bực mình. Không phải vì nội ngoại đôi bên đều giục mà anh muốn được làm bố. Vợ anh có hiểu cho anh đâu, lại còn trách anh không hiểu cho mình. Dần cứ nói đến chuyện con cái là vợ chồng lại giận. Hễ giận chồng chị lại ôm chó lên giường ngủ. Anh khó chịu thì chị cãi:

-Thế thì sao?

-Bẩn!

-Anh bẩn thì có. Đùa với nó mãi chẳng sao tự dưng trái tính !

-Em bảo ai trái tính ?

-Anh chứ còn ai!

-Cô giỏi nhỉ ! Vậy mai tôi bán con Rếch đi để xem cô ngủ với ai.

-Tôi không cho nó lên giường nữa là xong chứ gì!

-Để xem thái độ của cô đã.

Tuy là Hoa nhường nhưng sau đó chị thực hiện chiến tranh lạnh mà cái món này thì Tuấn cực kỳ sợ. Tất nhiên công việc nhà trở thành nhiệm vụ của anh mỗi khi muốn làm lành với vợ.

Công ty dạo này trục trặc nên anh hay nghỉ, đã nghỉ thì tất nhiên công việc nội trợ anh phải đảm nhận kể cả việc tắm cho con Rếch.

 

Con Rếch càng lớn ăn càng khoẻ lại hay ăn thịt, hôm nào cơm không thịt là cơm ế, mà ăn thịt thì đến là nhiều. Trước mới bắt về vạ gì ăn nấy. Một thời gian sau chẳng khác gì chó quý tộc. Nó ăn nhiều và cũng nghịch khoẻ. Chủ đi làm ngôi nhà trở thành vương quốc nhỏ để làm gì tuỳ ý. Khi thì cái giẻ lau bị xé nát, khi thì dây điện bị cắn đứt đôi, có khi dép guốc bị tha mỗi nơi một cái và không cái nào còn lành lặn. Hoa có tính hay quên, làm xong tiện tay đẻ cái chổi lông gà ở ghế thế là tan nát, lông bay tứ phía. Nhiều khi nó ôm chân hai vợ chồng theo kiểu đi tơ bị Tuấn phát cho buộc phải chừa.

 

Có Tuấn ở nhà con Rếch hiền hẳn. Nó tha lôi gì là anh quát ngay. Thành thử nó phải nằm trong ổ mắt liếc thao láo hết chỗ này đến chỗ kia. Rồi lên sân thượng, lên đó thì tha hồ mà đùa. Lúc cao hứng nó chồm lên ngoạm lấy quần áo đang phơi giằng xé đến rách thì thôi, móc nhựa cũng bị gặm nát từng đoạn. Rồi lại lao quanh bốn góc tường vừa hộc vừa sủa ăng ẳng như hứng khởi với trò giải trí của mình.

 

Bị Tuấn xích vào chân ghế, thoạt đầu nó nằm yên mắt liếc trông rất gian. Lát sau nó rên tấm tức, đi loanh quoanh khiến dây xích quấn vào chân ghế. Rồi kéo, rồi sủa, rồi gặm chân ghế, cào xuống nền nhà, nỗi tức giận lớn hơn nỗi sợ chủ nên chủ quát lớn mấy nó vẫn kêu to gấp mấy lần người.

Kinh coong…Kinh coong…Kinh coong…

 

Con Rếch tỉnh như sáo lao ra như mọi khi. Ặc! Sợi dây xích giật ngược làm nó oằn người. Nó rít lên, vẫy đuôi cuống quýt, mõm xục vào lòng Hoa rên rỉ như buộc tội ông chủ đã đối xử tàn tệ với nó.

 

Rếch lại được tự do. Tất nhiên chó lớn lên cũng bớt nghịch, Rếch không ngoại lệ. Với Hoa, con Rếch như một thành viên trong gia đình, là một đứa trẻ, một đứa trẻ không biết giận hờn là gì. Có điều càng lớn nó càng trở nên dữ tợn. Không ít bạn bè của hai vợ chồng bị doạ xanh mắt.Càng lớn nó cũng ăn càng nhiều, bữa của nó giờ phần lớn là thịt, có thế nó mới nặng đến ba mươi kg.

Nó sống không thể thiếu thịt được. Tuấn khẳng định.                     

                          

                         

                      *               *

-Em có bầu rồi anh ạ.

-Thật không?

-Tại anh hết. Em quên thuốc thì anh phải nhắc chứ?

-Không sao! Tốt rồi!

Vợ có mang, Tuấn gánh thêm việc nhà mà lúc nào cũng toe toét cười. Con trai hay con gái với anh không quan trọng nhưng chắc chắn rằng đứa trẻ sẽ bập bẹ gọi anh là bố, sẽ bi bô suốt ngày. Thế mới là gia đình chứ. Công lao to lớn ấy thuộc về mẹ nó, mẹ nó xứng đáng được chăm sóc thật tốt.

Sợ công việc ảnh hưởng đến con, Hoa xin nghỉ việc. Chị chăm chỉ đọc sách báo để biết cách chăm mình chăm con. Những ngày nghỉ, vợ chồng đưa nhau đi sắm tã lót cho đứa trẻ sắp chào đời. Hai bên nội ngoại ai nấy đều mừng: "Lấy nhau gần bốn năm trời giờ mới có tin vui. Bảo là hoãn nhưng cứ sợ chúng nó không có con cơ đấy. Giờ thì tốt rồi".

Nhưng không phải việc gì cũng theo ý muốn.

 

Công ty của Tuấn trước đây có vấn đề về tài chính vừa ổn định một thời gian thì lại đột ngột tuyên bố giải thể.Tuấn thành thất nghiệp, trong khi gánh nặng gia đình vẫn dồn lên vai anh. Số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng chẳng đáng là bao, lại còn lo cho đứa con nữa, suy nghĩ nhiều anh đâm ra hay cáu gắt.

Vợ chồng thất nghiệp dạo này giận nhau liên miên.Anh nổi cáu chị cũng chẳng vừa. Chị xỉa xói anh rồi hay cằn nhằn trong miệng mà anh thì chúa ghét như thế. Anh nói một, chị nói hai. Cứ vậy vợ chồng dần xấu đi trong mắt nhau. Giận, chị lại lôi con Rếch to đùng lên giường ngủ. Anh điên tiết:

-Cô dám đuổi tôi để cho chó lên giường à ?

-Kệ tôi !

-Tôi cấm !

-Tôi thích ngủ với con Rếch đấy, anh làm gì được nào!

"Bốp!"

Thế là chị dọn về ngoại, còn anh về nội.

-Cô ta thật quá quoắt, không thích thì chia tay.

-Ơ hay! Thầy u sống mấy chục năm trời mà chưa từng nói chia tay. Chúng mày mới có vài năm mà đã lắm chuyện. Biết không thì về làm lành với vợ đi!

-Nhưng con không chịu nổi tính khí cô ta!

-Ở lâu rồi sẽ quen, sẽ chấp nhận được thôi.

Bên ngoại:

-Anh ấy đánh con!

-Sao mà nó đánh?

-Không ưa thì đánh chứ sao ?

-Chắc tại mày hỗn chứ gì ?

-Từ hôm ở nhà bỗng trái tính trái nết, động tý là cáu làm sao mà con chịu được ?

-Nó đang đi làm tự dưng phải nghỉ, lại phải gánh vác cho hai mẹ con con. Phải an ủi động viên nó chứ?

Bớt giận rồi Hoa cũng thấy mình sai. Sao chị lại hay cáu bẳn chao chát anh nhỉ. Sao chị lại cứ cho chó lên giường mỗi khi giận anh? Chao ôi con Rếch bị bỏ đói mấy ngày gầy xọp lại, bụng óp ép chỉ toàn da với da, xương sườn gồ lên trông rõ. Chị ứa nước mắt vì thương nó và trách mình vô tâm. Rồi chị mua thịt về, mải lau dọn bếp chưa kịp nấu, lúc ngoảnh ra thì con Rếch đã chén sạch từ khi nào. "Nó ăn được thịt sống cũng hay". Chị nghĩ và lại dọn dẹp nhà cửa chờ chồng về.

                                                     

                                                        *           *

Tuấn vác đơn đi xin việc. Cuối cùng anh được nhận vào một công ty trách nhiệm hữu hạn, lương chỉ có triệu hai một tháng. Thế là cái gì cũng phải dè xẻn, những thói quen cũ phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với cuộc sống mới. Khoản tiền dành cho việc đi bơi của anh bị cắt, đi xe buýt thay cho xe máy và họa hoằn lắm anh mới dám mời vài người bạn thân đi nhậu nhẹt. Thói quen buôn điện thoại của Hoa coi như cấm tiệt, cái máy giặt rỗi việc chơi dài, điện và nước được tiết kiệm triệt để. Rồi đến lượt con Rếch bị cắt bữa sáng, số thịt trong bữa cũng bị cắt xén dần. Đến khi tiền nhà lại tăng thì Hoa đành băm thịt sống trộn cơm. Không ngờ nó lại rất khoái thịt sống. Dạo này Rếch hay ăn vụng. Nhiều khi đi chợ về Hoa tiện tay đặt thức ăn lên bàn rồi lên nhà nghỉ ngơi, lát sau xuống thì cái túi bóng đã bị xé nham nhở, thịt của người, của chó đều hết sạch, còn trơ lại rau. Tuấn nhiều lần đòi bán nó đi vừa có ít tiền lại đỡ phải nuôi nhưng chị không chịu.

 

Gần gũi người như thế mà ngoài chủ ra thì ai con Rếch cũng đề phòng, tính hung dữ không thể bỏ. Đã thế, càng gầy nó càng dữ tợn. Chị bạn của Hoa đến chơi, con Rếch đợp cho một miếng lòi thịt bắp chân, máu chảy ròng ròng, rồi nó sấn vào liếm láp máu me. Tuấn bực quá xích lại nện cho một trận. Bị đòn đau, con chó nhe nanh gầm gừ. Anh càng tức, phang cho oằn lưng. Hoa vừa nhìn vừa ứa nước mắt.Bị đau con Rếch nằm liệt mấy ngày không ăn, nó luôn nhìn Tuấn bằng con mắt đề phòng. Càng ngày nó càng dữ tợn hơn. Hoa đẻ, bà nội gởi cho đôi gà. Nó phá lồng ăn thịt làm máu me văng vãi đầy bếp, lông gà bay tứ tung khắp nhà. Tuấn gọi người bán, lần này Hoa phải nài nỉ mãi con Rếch mới thoát chết, anh bắt xích. Thì xích. Nhưng chỉ cần anh ra khỏi cửa là con chó lại được tự do. Hoa bế con, nó xán lại gần ngửi ngửi, liếm láp mặt thằng bé. Bị đẩy ra nó lại xán đến nhằn cái tã. Chị gõ nhẹ vào đầu nó mắng yêu:

-Hư nào, làm em tỉnh dậy bây giờ.

Trời sắp nổi mưa, gió ào ào thổi. Đang xem ti vi chợt nghe tiếng sấm chị vội trải chiếc chăn mỏng ra ghế đệm và đặt con nằm xuống để lên sân thượng thu quần áo. Gió mạnh, quần áo bay tứ tung sang cả nhà hàng xóm lủng lẳng trên giàn treo những giỏ phong lan.

-Rếch, lại đánh thức em rồi!

Dỗ cho con ngủ trở lại, Hoa sang nhà hàng xóm lấy nốt quần áo. Xa xa có đám đông nhốn nháo, hình như có tai nạn. Chị tò mò đến xem. Hai chiếc xe máy méo mó nằm vật giữa đường. Kẻ gẫy chân, người gẫy tay, ghê chết đi được. Mọi người đua nhau bàn tán, chị cũng đứng nghe. Đột nhiên chị rùng mình, người nổi gai ốc. Có cái gì đó…Sao thế nhỉ?…Hay tại tai nạn? Ừ phải rồi, mình mới sinh xong không nên ra ngoài nhiều, nhất là khi trờ nổi gió to thế này. Nghĩ đến chồng, anh không mang ô đi, đứng đợi xe buýt liệu có ướt không? Trời này chắc là mưa to lắm.

 

Mở cửa vào nhà, chị gọi điện cho anh. Trong khi chờ tín hiệu trả lời, vô tình nhìn ra ghế, chị giật mình không thấy con đâu. Chị nháo nhác đưa mắt tìm và như đứng tròng khi nhìn tới ổ con Rếch. Chiếc ống nghe rơi xuống bàn vẫn phát ra những câu hỏi dồn của anh từ đầu dây bên kia vọng lại.

Trong đống tã lót tả tơi, máu me be bét, con Rếch hì hục gặm nốt chiếc đầu của đứa trẻ sơ sinh.

Ngô Ngọc Trang
Số lần đọc: 2245
Ngày đăng: 16.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ám ảnh dòng sông - Bích Ngân
Màu của đêm , màu nước mắt - Nguyễn Thị Thu Hiền
Điều kỳ lạ của thế giới - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc hành trình đi tìm ý tưởng - La Thị Ánh Hường
Điều kỳ diệu - Đinh Lê Vũ
Giây phút nhoáng nhoàng - Nguyễn Đức Thiện
Bộ quân phục màu cỏ úa - Nguyễn Hồ
Ngày Trở Về - La Thị Ánh Hường
Một vị Phật khai sinh - Hư Thân
Giỡn chơi - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Ăn sống (truyện ngắn)