Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.233.115
 
Quan Âm tóc rối
Hư Thân

Dì Ba nằm võng đu đưa, lơ đãng thả tầm mắt theo dõi đám mây bồng bềnh trôi về hướng chân trời xa tít. Dì bâng khuâng ví mình như đám mây trôi lang thang đó, đang lần lần tiến vào khoảng không gian cuối cùng để rồi sẽ tan biến vào cõi hư vô mù mịt. Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào dì phải chật vật, lặn lội đầu trên xóm dưới, làm đủ mọi nghề nặng nhọc để chắt mót từng đồng nuôi con ăn học, nay dì được sống an nhàn hạnh phúc với gia đình cô con gái hiếu thảo, cùng hai đứa cháu ngoại ngoan ngoản quây quần nên có thể nói dì được Trời Phật hậu đãi trong chuỗi ngày già. Thật vậy bà con cô bác ở tại thị xã Rạch Giá nầy, ai chẳng mơ được như dì. Dì

 

Ba có hai đứa con : con trai lớn tên Toàn vượt biên sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp kỹ sư điện tử, kết hôn với cô gái Mỹ gốc Tây ban Nha, hạ sanh đứa con trai kháu khỉnh, công danh sự nghiệp hanh thông, nghe đâu đã là nhà triệu phú trẻ; Lan, đứa con gái ở lại quê nhà hủ hỉ với mẹ, có chồng là công nhân viên trung cấp, lương bổng trọng hậu, đã tạo dựng nên nhà cửa khang trang và có nếp sống vật chất sung túc hơn người...  Đang mộng mơ ngẫm nghĩ chuyện xa gần, dì Ba chợt tỉnh lại khi nghe tiếng reo vui của bé Mai ở ngưỡng cửa. Con bé thưa ngoại rồi sa ngay vào lòng thỏ thẻ : “Con hổng muốn đi học đâu! con nhớ ngoại quá hà!”. “Ối chu choa! cháu tôi nói nghe dễ thương làm sao ! nảy giờ ngoại cũng trông con về lắm đó!”. Bà cháu đang nựng nhau, thì có tiếng điện thoại reo vang, bé Mai nhanh nhẩu nhỏm dậy chạy lên phòng khách chụp điện thoại : “A lô ! a lô !” “Dạ có! dạ có!”. “Ngoại ơi! ngoại! có cậu Lâm ở Mỹ điện thoại cho ngoại nè!”. Lâm là con của cô em thứ năm, đã cùng đi vượt biên một chuyến với Toàn. Khi Lâm mới rời nước được hai năm thì mẹ cháu chết, mấy năm sau dượng năm đi học tập cải tạo về, theo diện đoàn tụ sang qua Hoa Kỳ với con, nhưng chẳng bao lâu cũng từ trần. Lâm thương dì như thương mẹ nên thỉnh thoảng vẫn gởi quà biếu và điện thoại thăm dì. 
- A lô! Lâm hả! dì Ba nè con! 
- Dì ơi ! con tính cưới vợ dì à! 
- Chà ! con nào tốt phước được con chấm vậy Lâm? Việt Nam hay Mỹ vậy con?
- Gia đình bên vợ con gốc gác Cần Thơ, nhưng con vợ của con nói tiếng Việt không rành dì à!
- Ở xứ người mà con! cầu cho được người Việt mình là quí lắm rồi!
- Dì à! Con mồ côi cha mẹ, giờ chỉ còn mỗi mình dì, nên con ước muốn được dì đứng ra làm chủ hôn cưới vợ cho con!
- Đó là chuyện dĩ nhiên rồi! Bây giờ, con muốn dì đi Cần Thơ chánh thức thưa chuyện với người lớn phải không? Con cứ cho biết ngày giờ và địa chỉ, dì sẽ tìm đến lo lắng chu toàn cho con.
- Cả gia đình bên vợ con đều ở Hoa Kỳ dì à! Ý của con là muốn mua vé máy bay rước dì qua đây làm đám cưới! dì ráng đi một chuyến dùm con nghen dì!
 
Dì Ba đang hăng hái bỗng sượng ngang, dì ú ớ cất tiếng :
- Đi Hoa Kỳ hả? Chuyện khó quá há... Ơ ơ...
 
Dì cầm điện thoại mà nghẹn ngào. Dì  không nỡ phụ lòng cháu, nhưng sang Hoa Kỳ, thế nào dì cũng “đụng mặt” đứa con trai lớn, rồi chẳng biết phải xử sự làm sao cho vẹn toàn đây. Sau khi rời Việt Nam vài năm, Toàn gởi tiền về nước phụng dưỡng mẹ khá chu đáo. Thuở đó, nền kinh tế trong nước èo uộc, nhờ tiền trợ cấp của Toàn, dì sống phong lưu, lại vừa nở mặt nở mày với bà con lối xóm về “thằng con trai chí hiếu” của mình. Một hôm, bỗng Toàn điện thoại về hậm hực vặn hỏi dì : “Con nghe nói dạo nầy má xài tiền sang lắm phải không?  Má đãi đằng cả xóm, má đùm bọc chú tư, thím tám, bà hai... má còn bỏ tiền bỏ bạc ra xây nhà cửa cho con Lan nữa phải không?”. Thật ra, cậy tiền chu cấp của con nên dì Ba ăn tiêu khá phong lưu, dì cũng thương con gái nên bù đắp cho nó; dì nghĩ bên Mỹ hái tiền rất dễ nên mặc tình khai thác con dài dài, dì hối thúc con gởi tiền, đôi khi dì còn than thở bệnh hoạn để có thêm tiền trợ cấp đột xuất, và lần nào Toàn cũng nhanh nhẹn đáp ứng. Dì không ngờ lần nầy Toàn lại vặn hỏi dì như thế, nên dì sửng sờ khá lâu rồi mới nhỏ giọng gượng gạo giải thích : “Má đâu có ăn xài phí phạm gì đâu, má chỉ giúp vài thân nhân bè bạn, những người mà ngày xưa đã từng tương trợ gia đình mình trong những lúc ngặt nghèo. Ừa thì má có ra tiền sửa cái nhà mà má ở chung trong đó, chớ đâu phải xây nhà riêng cho vợ chồng con Lan ở đâu con! Má biết con làm ra đồng tiền cũng cực khổ nên má đắn đo chi dụng lắm mà, nhưng sống trên đời nầy đôi khi thì mình cũng phải biết phải quấy, giữ vẹn tình nghĩa với bà con lối xóm con à!”. Toàn hậm hực : “Tình nghĩa là chuyện của má chớ không phải là chuyện của con. Con muốn má phải hiểu rõ rằng con chỉ có bổn phận với má thôi, má mà mang tiền ra nuôi thiên hạ, thì phải tự kiếm tiền rồi dâng nạp, chớ con không ngu dại gì cung cấp đâu!”. Dứt lời, Toàn gác máy cái rụp, không cho dì cơ hội phân bua thêm nữa. Dì Ba đau xót lặng người. Đầu óc căng thẳng, dì suy nghĩ miên man, rồi  đoán có lẽ “ai đó” đã thậm thọt mách lẻo với Toàn. Suy cùng nghĩ cạn dì đoan quyết rằng kẻ nhẫn tâm hại dì chỉ có thể là cô em chồng mà thôi. Thuở mới về làm dâu, dì đã từng bị cô em chồng xéo xắt nầy hành hạ tả tơi, đến nỗi, đôi phen dì đã toan cắn lưỡi tự tử mong thoát khỏi cảnh nhục nhằn. Sau khi chồng dì qua đời, dì đã phải vất vả ngược xuôi kiếm sống nuôi con ăn học thì cô em chồng khá giả chẳng thèm ngó ngàng gì đến đám cháu, vậy mà, khi Toàn vinh quang nơi xứ người, thì cô cháu lại xum xoe thân mật nhau, khiến dì nghe thấy mà... “gai con mắt”, thế nhưng nếu dì ngăn cản con liên lạc với bên nội thì có vẻ hẹp hòi quá, nên dì đành bấm bụng làm ngơ. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, dì muốn yên mà người ta đâu để dì yên. Dì không ngăn cản con quà cáp cho “họ”, chẳng những “họ” không cám ơn dì, mà còn giở trò đâm thọc độc hại như thế nầy. “Đúng là thứ oan gia nghiệp chướng suốt đời đeo đẳng phá hại mình mà!”, dì than thầm.

 

Càng suy nghĩ, dì càng nhớ đến những trận đụng độ ngày xưa, mà dì luôn luôn là kẻ chiến bại gánh chịu nhục nhã dài dài. Từng âm mưu thâm độc, từng cử chỉ thô bỉ, từng lời nói đay nghiến... của cô em chồng cứ thế mà hiện ra khiêu khích dì, khiến dì tức tối điên cuồng mà không thể trút bầu tâm sự cho ai nghe được. Trăm chuyện chỉ vì thằng con trai háo danh, quá ngu được cô dỗ ngọt nịnh nọt tâng bốc đưa lên mây rồi mặc tình to nhỏ đâm thọc, khiến Toàn nổi giận nặng lời với người mang nặng đẻ đau trọn đời đã tận tụy hi sinh cho mình. Càng suy nghĩ dì càng khổ đau ray rứt, rồi bao nhiêu căm hờn dì đem trút ra đầu ngòi bút. Dì hậm hực viết thơ cho Toàn, lời lẽ khá chua cay và tuy không hẳn từ con nhưng dì khẳng định rằng tự hậu dì không cần con chu cấp tiền bạc hay liên lạc săn sóc gì nữa. Mấy ngày sau, cơn giận nguôi ngoai, dì Ba mới nhận thấy phản ứng mình quá đáng, nhưng thơ đã gởi rồi, đâu còn phương cách gì cứu vãn được. Dù sau, dì Ba tin tưởng Toàn đọc thơ mẹ thì sẽ nghĩ lại mà xin lỗi dì, rồi tình mẹ con sẽ đậm đà như xưa. Ngờ đâu, Toàn chẳng thèm trả lời, và kể từ đó, chấm dứt mọi liên hệ với mẹ, không thơ từ, thăm hỏi một tiếng. Dì ba muốn nối lại tình mẹ con, nhưng bao lần ngần ngừ biên thư, cuối cùng dì đều xé bỏ : mẹ mà phải năn nỉ, cầu cạnh con thì nhục quá! Từ đó, dì Ba đành chấp nhận mất một đứa con yêu. Chuyện đau lòng nầy dì dấu biệt. Dì vẫn ca ngợi với mọi người rằng Toàn là đứa con hiếu thảo đùm bọc mẹ... Dì Ba nhớ chuyện cũ, trầm ngâm chẳng biết phải giải thích sao cho Lâm hiểu, nên cứ im lặng chẳng lên tiếng khiến người cháu sốt ruột hỏi “nhặng” lên :

- Dì ba ơi ! dì còn ở đầu giây không? Dì tính sao dì? Dì đi Mỹ một chuyến nghen dì! 
- Dì rất muốn lo cho con, nhưng,...ơ ơ, đi Hoa Kỳ đâu phải dễ a con... Nghe nói hồ sơ xuất ngoại khó khăn lắm, mà dì thì không biết một tiếng Ăng-lê, thì làm sao dám đi đứng một mình cho được!
- Con hỏi thăm rồi! bây giờ chánh quyền Việt Nam lẫn Hoa Kỳ giải quyết hồ sơ xuất ngoại cho người lớn tuổi rất nhanh chóng, dì yên tâm vụ đó đi...
- Ơ !..
- Con năn nỉ dì mà ! anh Toàn than nhớ dì lắm, chờ đợi để gặp lại dì chuyến nầy đó! Anh Toàn ơi, xin anh năn nỉ dì giúp tôi đi anh !
 
Toàn cầm điện thoại bắt song song bên kia đầu giây lên tiếng :
- Con đây má! Con đã bàn với thằng Lâm rồi. Má sẵn qua Mỹ lo đám cưới cho thằng Lâm, gặp mặt tụi con luôn, và cũng cho thằng cháu đích tôn biết bà nội chớ! Má ráng chạy giấy tờ qua sớm cho kịp sanh nhựt thằng Bob luôn thể nhé!
 
Bất ngờ nghe giọng nói của con, dì mừng mừng tủi tủi ứa nước mắt. Tuy dì tự ái lớn “thà chết không nhận tiền con” nhưng lòng thương nhớ con vẫn tha thiết khôn nguôi, vừa nghe lời nói ôn hòa của con, bao nhiêu giận hờn tức thì tan biến. Giá dù mà có thể chắp cánh bay được, có lẽ, dì Ba cũng bay một mạch qua bên kia bờ đại dương trong chớp mắt để ngắm nhìn đứa con yêu cho thỏa dạ, nên dì vội vã đáp :
- Ừa ! má sẽ lo hồ sơ xuất ngoại ngay! Con yên tâm!
- Cám ơn dì ba ! cám ơn dì ba !, tiếng Lâm ở bên kia đầu giây mừng rỡ reo vang.
 
Toàn lại lên tiếng :
- Nhân lễ sanh nhựt thằng Bốp, con cũng tính mua vé máy bay cho cô t qua Mỹ chơi luôn thể, má nghĩ sao?
 
Dì Ba choáng váng bủn rủn tay chân. Toàn dư sức biết mẹ và cô em chồng nầy tối kỵ nhau, nhưng cớ sao nó lại bày ra chuyện trớ trêu nầy. Không lẽ Toàn thù oán mẹ đến nỗi muốn làm khổ mẹ dài dài suốt cuộc hành trình, để rồi sẽ tìm cơ hội để hạ nhục mẹ trước mặt cô cho bỏ ghét sao? Dì Ba mà biết Toàn sắp xếp cho cô em chồng cùng đi thì “dẫu cho vàng” cũng từ chối, thế nhưng giờ đây, dì đã lỡ hứa, Lâm mừng vui như mở hội thì dì đâu còn cách nào để thoái thác được. Dì đành trả lời buông xụi :
- Ừa ! thì tiền của con, con làm sao con làm, chớ má đâu có ý kiến gì !
 
Cũng may là cô em chồng tuổi chưa đủ sáu mươi nên hồ sơ xuất ngoại bị trở ngại, dì Ba thoải mái ra đi một mình, nhưng niềm háo hức mong gặp lại đứa con yêu không còn nữa. Dì phân vân không biết Toàn sẽ đối xử với mình như thế nào đây? 

 
Sau một ngày dài bó gối, ngồi co ro cúm cẳng, lại phải lăng xăng quýnh quáng lo sợ điếng người trong hai lần đổi chuyến bay tại Đài Bắc và Los Angeles, khi máy bay đáp xuống phi trường Chicago thì dì Ba đã mệt đuối. Dì lê lết từng bước nối đuôi theo đám hành khách bước vào cổng đến, mà chân hầu như muốn khuỵu xuống . Dì dớn dác nhìn quanh, lo lắng phập phòng. “Sao không thấy đứa nào đón rước vầy kìa?”, dì run run tự hỏi. Đang hú hồn hú vía, chợt dì Ba thoáng thấy dáng ai như là Lâm chen chúc trong đám đông đang vẫy tay loạn xạ kêu dì, nước mắt tràn ra ràn rụa, dì mừng rỡ gọi cháu nhưng âm thanh bỗng tắt mất để biến thành tiếng nấc nghẹn ngào, mừng mừng tủi tủi. Dì Ba nhanh chân bước tới ôm chầm lấy cháu, cất tiếng :
- Chèn đất ơi! Trông con lạ quắc hà! Con giống dượng năm như hai giọt nước vậy đó! Uả !...
 
Dì đang tươi cười bỗng chùn hẳn lại. Dì không thấy Toàn đón mình nên buồn hiu, muốn hỏi cho ra lẽ, nhưng khựng lại vì chẳng muốn bộc lộ nỗi niềm riêng. Có lẽ Lâm đoán được phần nào tâm sự của dì, nên vội vã giải thích :
- Dì à! Anh Toàn bận họp hàng tuần với nhóm thị trường chứng khóan của ảnh. Ảnh là lãnh tụ của nhóm nên không thể vắng mặt được. Ảnh căn dặn con rước dì rồi đưa về “lâu đài” của ảnh ngay, kẻo ảnh sốt ruột lắm!
 
Lời giải thích trên chỉ làm cho niềm đau thầm kín của dì lắng đọng sâu hơn. Dì nghĩ : “Bận rộn đến thế nào dì không biết, nhưng dì biết chắc con mình không chút nhớ nhung mẹ, nên chẳng hề nôn nóng gặp mặt người mẹ già sau gần 20 năm trời xa cách! Ôi! sao con tệ với má quá vậy con!”
 
Dì Ba lủi thủi theo cháu. Trên đoạn đường thâm thẩm từ phi trường về nhà, Lâm  huyên thuyên kể chuyện. Chàng tận tình giới thiệu từng đường phố, từng cao ốc, từng địa điểm lịch sử cho dì, nhưng bà dì chỉ biết gượng gạo gật gù cho qua, vì bao nhiêu tình ý của dì đều lảng vảng xoay quanh bóng dáng chập chờn của đứa con yêu, với nỗi hờn giận giăng giăng. Xe dừng lại tại một ngôi nhà khang trang. Lâm lên tiếng “Tới nơi rồi! nhà to quá phải không dì?”. Lâm xuống xe, nhanh nhẹn bấm chuông. Toàn hiện ra trước cửa, lịch lãm sanh trọng, hân hoan cất tiếng : “Má! má tới nơi rồi!”. Bao nhiêu giận hờn vụt tan biến, dì Ba dang hai tay ôm đứa con cưng, nước mắt nước mũi tèm lem, mếu máo :
- Cám ơn Trời Phật! cuối cùng rồi má cũng gặp mặt con! Má nhớ con lắm con biết không?
 
Bà ngừng lại ngắm nghía con hồi lâu cho đã thèm, rồi mới ngọt ngào mắng yêu :
- Chèn ơi! Hồi con ra đi, con còn nhỏ xíu, ốm nhom hà! Giờ thì con cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai hẳn ra vậy đó !
- Hì! hì! Con muốn nhỏ xíu hoài để mặc tình nhõng nhẽo đòi má bồng ẫm như ngày xưa, mà chẳng được đây chớ!
 
Hai mẹ con cười vang sung sướng. Dì Ba không ngờ nguồn hạnh phúc mà mình chờ đợi bao năm đã đến với mình dễ dàng và tràn trề như thế. Dì rộn rã bước theo con vào nhà. Toàn giới thiệu Mary và Bob, vợ con của chàng với mẹ. Dì Ba cũng tay bắt mặt mừng, nhưng vì tiếng nói không thông, nên buổi đầu kết thân với dâu và cháu nội có phần lợn cợn. Sau đó, Toàn lại hân hoan đưa mẹ đi một vòng “chiêm bái’ ngôi biệt thự đồ sộ đầy đủ tiện nghi tối tân và sang trọng, cùng cái nhà xe vĩ đại “ngự” hai chiếc xe hơi láng cóng, rồi đưa mẹ đến căn phòng dành cho bà tạm trú, có bình hoa tươi trang nhã đón chào. Dì Ba rộn ràng niềm vui vô cùng vô tận. Dì sung sướng, dì hãnh diện vì Toàn.
 
Theo chương trình vạch sẵn, tối hôm đó Toàn tổ chức đại tiệc mừng mẹ tại một nhà hàng lộng lẫy nằm trên một tòa nhà chọc trời, từ trên đó khách có thể quan sát được cả thành phố Chicago rực rỡ ánh đèn màu. Thực khách, ngoài gia đình Toàn, còn có Lâm và nhóm đàn em thị trường chứng khoán trên 25 người được mời tham dự để chia xẻ niềm vui đoàn tụ to lớn của mẹ con chàng. Lâm ngồi cạnh dì Ba, thông dịch những lời trao đổi tán tụng của chủ khách cho dì nghe, khiến dì càng nghe càng hỉ hả trong lòng. Tiệc tàn, Toàn hấp tấp đưa mẹ về nhà, đưa bà đến tận phòng ngủ, chúc bà ngủ ngon, rồi lui ra. Dì Ba bịn rịn, muốn níu con lại để mẹ con tâm tình  hả hê, nhưng nghĩ kỹ thấy giờ khắc đã trễ, dì lại quá mệt nhọc, nên đành chịu chia tay. Dì nhất quyết sẽ tìm được những giây phút riêng tư đậm đà với con vào ngày mai. Sáng hôm sau, dì Ba thức sớm trông ngóng con. Chờ hoài, chờ mãi đến hơn 8 giờ, dì mới mừng rỡ thấy Toàn áo quần tươm tất, từ buồng ngủ bước ra. Toàn hấp tấp hướng dẫn dì đến tủ lạnh chỉ chỏ thức ăn buổi sáng và trưa, rồi ra đi ngay, không dành một khoảng trống nào cho dì han hỏi dông dài chi cả. Dâu cháu cũng lần lượt ra đi, bỏ lại dì Ba một mình một bóng, suốt ngày thơ thẩn buồn tênh trong ngôi biệt thự mênh mông xa lạ, và chỉ biết đếm từng giây từng phút trông ngóng thằng con trai đi làm trở về. Toàn về nhà, thì đã có vợ con tíu tít. Rồi Lâm cũng tựu đến. Cả nhà rần rộ đưa nhau đi ăn cơm chiều tưng bừng náo nhiệt, nhưng cuối cùng, thì dì Ba cũng thui thủi giam hãm một mình trong căn phòng lạnh lẽo, đứa con trai ở phòng bên cạnh mà dì cảm giác như mẹ con dì cách biệt nghìn trùng.

 

Ở Việt Nam thì mẹ con, bà cháu xúm xít bên nhau, chớ đâu có cái cảnh ai ở phòng nấy như thế nầy. Ôi! tuy cùng sống chung một nhà mà dì Ba tìm hoài hoài cái cơ hội riêng tư thuận tiện để tự do bày tỏ tình mẹ con thắm thiết đậm đà ngày xưa mà coi bộ khó khăn quá! Sau mấy ngày băn khoăn tìm hiểu, cuối cùng dì Ba đành phải đau lòng chấp nhận sự thật, sự thật mà dì đã cố tình chối bỏ, chớ đúng ra thì dì cũng đã mường tượng ra điều nầy ngay giây phút đầu tiên gặp con rồi : Toàn vẫn còn giận dì. Trước mặt mọi người Toàn đóng kịch là đứa con có hiếu, vồn vã đón tiếp mẹ, tiệc tùng tưng bừng, ăn xài phong lưu... nhưng tất cả chỉ toàn là hình thức mà chẳng chút thâm tình. Dì đi đường xa mệt nhọc, Lâm lộ vẻ xót xa, còn Toàn thì tuyệt đối không, không một chút lưu tâm nhỏ đến sức khỏe, đến nếp sống của mẹ trong nước. Toàn cũng chẳng màng han hỏi gia đình cô em gái cùng đám bà con họ hàng bên ngoại. Ngược lại, Toàn thường đề cập đến họ nội, và cứ nhắc nhở mãi - có lẽ nhằm trêu tức mẹ - về những số tiền mà Toàn đã vung vãi gởi về chu cấp cho cô út.

 

Tánh tình Toàn xưa nay vẫn thế. Thuở nhỏ, Toàn thương em vô cùng, nhưng đứa em phải tuyệt đối vâng lời, chớ còn dám trả treo chống đối, thì Toàn sẽ làm đủ mọi phương cách để hành hạ tơi bời, cho đến khi nào đứa em phục tùng mới thôi. Bây giờ Toàn đã có danh vọng bạc tiền, có đám đàn em tâng bốc, nên có lẽ Toàn càng sắt đá áp dụng chủ trương nầy. Và do đó, dù là mẹ, có lẽ dì cũng phải tuyệt đối phục tùng Toàn thì mới mong được đứa con đoái hoài. Dì chép miệng thở dài, rưng rưng hai giòng nước mắt, rồi lẩm bẩm một mình : “Má vẫn là má. Má làm sao có thể nịnh bợ tâng bốc con để cầu xin quyền lợi như người ta được! Con cũng biết má quá mà. Tự ái má lớn lắm, đời má chỉ có hai lần mà má phải chịu nhục nhã quy lụy người ta mà thôi. Lần đầu, là cái lần mà con cặp bè cặp đảng mang dao vô trường bị đuổi học, vì tương lai con, má phải lạy lục ông Tổng giám thị, xin cho con học lại. Và lần thứ hai, là lần con vượt biên, má không đủ tiền để “chung” nên phải khóc lóc van nài chủ tàu châm chế. Không lẽ, giờ nầy má lại phải van xin con chút tình thương sao Toàn?”. Chiều hôm đó, dì Ba viện dẫn rằng đám cưới đã gần kề, dì có nhiều chuyện cần phải bàn bạc chi tiết trước với Lâm, nên nhất quyết đòi đến nhà Lâm ở đôi ngày. Nơi Lâm cư ngụ là một chung cư, và tuy cũng đầy đủ tiện nghi, nhưng so với ngôi biệt thự của Toàn thì là cả một trời một vực. Lâm nhường cho dì cái phòng duy nhất và nằm ngủ trên cái ghế dài. Thấy hoàn cảnh cơ cực của cháu, dì Ba ái ngại hỏi :

- Con cũng là kỹ sư như Toàn, tiền bạc chắc con cũng không thiếu. Sao con không mua cái nhà cho rộng rãi?

- Lương hướng thì con với ảnh không khác, nhưng anh Toàn tài ba lắm dì ạ! Anh nghiên cứu thị trường chứng khoán, tiên đoán giá cả lên xuống chắc như bắp, vì vậy nên đám bạn bè chạy theo ảnh mới tôn ảnh là thủ lãnh đại ca chớ. Mấy năm nay ảnh thành công lớn về chứng khoán nên đã kiếm được bạc triệu rồi! Thật ra, thì con cũng có dư chút đỉnh tiền, nếu mua ngay cái nhà nhỏ nhỏ cũng được, nhưng mà con thích ở chung cư để nhớ lại cái thời mới qua Mỹ dì ạ. Thuở ấy tụi con nghèo lắm, chung cư như thế nầy mà chứa đến bốn năm đứa. Cả đám vừa làm vừa học, đầu tắt mặt tối, mặc không đủ ấm, ăn không đủ no, thèm khát một ly cà phê, một lon nước ngọt cũng không dám uống... thiếu thốn như vậy đó, mà anh Toàn vẫn có thể ke re cắc rắc chắt mót từng đồng từng xu, gởi tiền về Việt Nam, cái  đó mới đáng phục chớ!
 
Dì Ba nghe Lâm kể chuyện mà rúng động tâm cang. Dì thật không ngờ, thời đó muốn gởi tiền về cho dì, Toàn đã phải chịu khổ sở nhường ấy. Thảo nào, khi nghe dì phung phí tiền bạc bừa bãi, Toàn đã có phản ứng khá thô bạo khiến mẹ con giận nhau. Giờ đây, thì dì mới hiểu ra và thông cảm được nỗi hằn học của con ngày trước. Dì cháu chuyện trò vui vẻ, chung cư nhỏ bé thân mật đầm ấm, dì Ba cảm thấy khung cảnh sống ở đây thoải mái hơn những ngày lưu trú tại nhà Toàn nhiều lắm. Lâm đi làm, dì Ba tự nhiên như nhà của mình, dì quét dọn sạch trơn, dì nấu cơm nấu nước chẳng úy kị gì cả. Lâm lại chu đáo mang về mấy băng video phim truyện và nhạc tiếng Việt nên dì cũng có thể xem lai rai cho đỡ buồn. Trước ngày đám cưới dì Ba cẩn thận viếng thăm nhà gái, bàn bạc vài chi tiết cho ngày cưới, nhờ vậy, nghi lễ tổ chức ngắn gọn mà vẫn đầy đủ, xuôi gia tương đắc đậm đà tình thâm, và không khí bữa tiệc cũng vui vẻ rộn ràng. Sau tiệc cưới, phải nhường chỗ cho vợ chồng trẻ hợp cẩn, dì Ba đành “di tản” về nhà con một đêm. Dù đây là đêm cuối cùng của dì tại Mỹ Quốc, mà Toàn vẫn tiếp tục lạnh nhạt như thường lệ. Đêm đó, dì Ba trằn trọc ngủ không yên, dì nghe Lâm kể hoàn cảnh của con ngày mới tới Hoa Kỳ mà thương đứt ruột, nên muốn dẹp tự ái hòa giải với con. Thế nhưng, dì cứ ngại con mình hiểu lầm rằng mình đã hòa giải không do tình thương mà chỉ vì muốn được trợ cấp tiền, nên dì cứ đắn đo mãi, viết rồi lại xé hàng mươi lần mới tạm vừa ý. Dì viết :

“Toàn con,
“Từ bao giờ, hai con vẫn là niềm hi vọng, nguồn vui vô tận của má. Trong nước, má gần gũi với vợ chồng con Lan, thấy chúng nó sung túc, an vui nên má cũng yên tâm phần nào. Lúc đó, má không hiểu đời sống của con ra sao, nên trong lòng vẫn còn chút băn khoăn. Giờ đây, má đích thân thấy được sự thành công của con tại xứ người, má yên tâm lắm, có thể nói niềm vui của má tăng lên gấp bội.

“Đời má bao phen thăng trầm, nhưng khi về già mà được như vầy là phước đức lắm rồi. Con cái thành người, tuổi má đã ngoài 65 kể ra cũng thọ, má còn đòi hỏi gì nữa chứ? Bây giờ, nếu má phải giả từ cuộc đời theo ông bà cha mẹ, má tin rằng mình sẽ thanh thản ra đi không chút bận lòng.

“Má chỉ mơ ước một điều, là một ngày nào đó má sẽ đón nhận được hai tiếng “má ơi !” ngọt ngào thân thương từ thằng Toàn ngày xưa, hi vọng nhờ đó mà cái âm thanh kênh kiệu lạnh nhạt của ông Toàn kỹ sư triệu phú - đang đeo đuổi châm chích đôi tai của má, khiến má tan nát cả cõi lòng - có thể bôi xóa đi được.
“Má thương của con.”
 
Dì Ba xếp thơ để lại trên bàn, tin tưởng có ngày con mình sẽ đọc, sẽ cảm động và mình sẽ đón nhận lại tình mẹ con thiêng liêng ngày trước. Theo đúng chương trình đã đề ra, sáng hôm đó, vợ chồng Lâm đến đón dì Ba ra phi trường, cùng đi với dì đến Los Angeles. Lâm chu đáo đưa dì vào cửa ra sân bay quốc ngoại, chờ chuyến bay của dì cất cánh, mới tiếp tục lên đường đi hưởng tuần trăng mật tại vùng biển San Diego. Dì Ba an tâm về nước với nỗi buồn vui lẫn lộn. Dì sung sướng trở về quê hương, với xóm làng, với thân tộc, để được tung tăng nói tiếng Việt, hồn nhiên suy tư và sống hài hòa trong môi trường và tâm tình quen thuộc của mình. Chuyện gì của nước Mỹ dì sẽ bỏ lại bên Mỹ. Tuy quyết định như vậy, nhưng nỗi hận sầu vẫn đeo đuổi dì, ngày ngày dì thắc thỏm chờ đợi tiếng điện thoại reo, mơ mộng nghe giọng nói thân thương của con mình vọng lại, nhưng tiếng điện thoại đó dì chờ mỏi mòn, mà nó vẫn lặng im...

 

Dì Ba chôn kín niềm đau chẳng thổ lộ cùng ai, nhưng càng chôn kín thì nó càng ray rứt hoành hành dữ dội. Dì ngã bệnh liên miên, đôi khi trở bịnh trầm trọng tưởng chừng như nguy ngập, thế nhưng bác sĩ thử nghiệm đủ mọi cách vẫn không truy ra bệnh lý. Cuối cùng, dì bỗng sực nhớ đến chùa Thập Phương, ngôi chùa đã từng chở che an ủi dì trong suốt quãng đời u tối ngày xưa. Đi chùa, tụng kinh lễ Phật giúp dì vơi nhẹ đôi phần u uất. Dì lại có dịp thổ lộ nỗi niềm tâm sự cùng thầy, nghe thầy khuyên giải nên lần lần cũng thấm hương vị đạo.  Dì bỗng khám phá ra rằng liên hệ giữa vợ chồng con cái chẳng qua là liên hệ của nghiệp báo. Do việc tạo tác : ân, oán, nợ nần... với nhau, mà nghiệp lực mới lôi kéo quây quần bên nhau để mà vay trả, trả vay. Dì nghiệm rõ rằng dì đã hết sức lo lắng cho con, trả nợ cho nó thật đầy đủ. Nợ nần thanh toán sòng phẳng, chủ nợ bỏ đi không đòi hỏi gì nữa, cớ sao mình lại cứ vùng vằng theo đuổi mặt giận mặt hờn đòi trả thêm nợ, để rồi chỉ gây thêm nghiệp chướng chớ nào có lợi chi đâu? Nhờ nghĩ như vậy, mà nỗi hận sầu tan biến lần, và càng ngày dì càng cảm thấy vững chải thảnh thơi trong sự chở che của Tam Bảo, nên thường quanh quẩn trong chùa lấy việc chấp tác công quả làm nguồn vui.
 

Tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ đang trong thời kỳ cực thịnh, bỗng bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu suy yếu. Giới kinh doanh chứng khoán rất bén nhạy, họ rình rập từng biến động nhỏ của nền kinh tế, nghiên cứu cặn kẽ từng ngành, từng công ty... để bán ra mua vào, vì vậy mà giá cả chứng khoán tùy theo luật cung cầu trồi sụt bất thường, thay đổi từng giây từng phút. Sau khi đánh hơi được sự đình trệ, Toàn và đồng bạn nhanh tay thanh toán phần lớn chứng khoán, và như vậy, tuy họ phải chấp nhận thua lỗ phần nhỏ theo đà đi xuống chung của thị trường chứng khoán nhưng họ đã bảo toàn được phần lớn vốn liếng. Tuy nhiên, những kẻ có máu kinh doanh như chàng thì đâu ai chịu ngồi yên nhìn đồng tiền của mình ù lỳ không sanh lợi. Toàn cảm thấy có sự thôi thúc phải “tái xuất giang hồ” nên ngày đêm quan sát, nghiên cứu thị trường thật kỹ, rình rập cơ hội lý tưởng để tung tiền ra làm một mẻ lớn thu về bạc triệu mới hài lòng. Vài kinh tế gia nhận định rằng do tình trạng bầu cử Tổng Thống bị kéo dài, đường hướng kinh tế không có người chỉ đạo nên tình trạng đình trệ mới tạm thời xảy ra; nay tranh chấp bầu cử sắp kết thúc, quỷ tiền tệ liên bang lại rục rịch giảm lãi xuất, nên chắc chắn nền kinh tế sẽ có triển vọng khởi sắc trở lại. Tán đồng quan điểm lạc quan nầy, Toàn liền chọn xí nghiệp điện toán Habaco để đầu tư. Habaco có lực lượng tài chánh hùng hậu, thị trường quốc tế bao la, sản phẩm đa dạng.., mà trị giá cổ phần hiện tại đã bị trụt từ sáu mươi đồng chỉ còn tròm trèm có bốn mươi đồng, theo chàng thì đây là mức chót không còn cách chi để giảm được nữa. Do đó, Toàn quyết định tung hết tiền dự trữ thu mua loại cổ phiếu nầy. Toàn có lối đầu tư táo bạo là chỉ trả  một phần ba trị giá cổ phần, nên có thể thu mua được gấp ba lần số vốn, nhờ vậy nhịp độ lời tăng gấp ba, và nếu lỗ thì cũng nhanh chóng tương tự. Chỉ vài ngày sau giá cổ phần tăng lên năm đồng, nếu muốn ăn non bán ra ngay thì Toàn đã nhấp nháp được vài trăm ngàn rồi, nhưng Toàn dự trù chờ mức lời tăng gấp đôi thì bán cũng không muộn. Không ngờ chỉ hai ngày sau trị giá cổ phần bỗng tuột dốc xuống đến sáu đồng. Toàn chỉ lỗ chút đỉnh nếu bán “chạy làng”, nhưng chàng cương quyết giữ nguyên trạng vì tin tưởng giá cả sẽ phục hồi trong thơì gian ngắn. Thế nhưng trái với dự đoán của chàng, thị trường chứng khoán nói chung xuống dần, xuống nhanh một cách thê thảm, đến nỗi cứ vài ngày thì Toàn phải vận dụng thêm tài chánh để bù đắp phần thua lỗ. Toàn đã lần lượt vét hết tiền trong sổ tiết kiệm, trong các thẻ tín dụng, rồi đến quỷ dự trữ học phí cho con, để bù lỗ mà vẫn chưa đủ, chàng bèn nghĩ đến tư trang và tiền riêng của vợ, nhưng năn nỉ thế nào con Mary cũng chẳng xiêu lòng. Khi trị giá cổ phần công ty Habaco xuống còn mười Mỹ kim, Toàn không “đào” đâu ra tiền mặt bù lỗ nữa nên đành để cho công ty môi giới đầu tư đem cổ phiếu của chàng ra thanh toán trừ nợ. Thế là chỉ trong vòng bốn tháng, từ một nhà triệu phú Toàn đã trở thành kẻ trắng tay. Đau đớn một điều, là chỉ ngay ngày hôm sau giá cổ phần đã tăng lên liên tiếp và tạm ổn định ở mức mười bảy, mười tám Mỹ kim. Do đó, nếu Mary chịu mở hồ bao cứu nguy chồng kịp thời thì toàn bộ cổ phiếu đã được bảo toàn, sự nghiệp của chàng đâu đến nỗi tiêu tan như thế nầy. Toàn hận vợ vô cùng, nên tuy trong lòng cố gắng giữ hòa khí mà nỗi ấm ức thỉnh thoảng cứ trào ra, thành thử tình cảm vợ chồng đã bắt đầu sứt mẻ. Đúng lúc đó thì xí nghiệp của Toàn bị lâm nguy, thợ thuyền bị sa thải hàng loạt, Toàn tưởng mình đã may mắn thoát nạn, nào ngờ chương trình cắt giảm sở phí lan dần đến nhóm chuyên viên, để rồi cuối cùng chàng cũng lâm vào cảnh mất việc.

 

Thất nghiệp, tù túng, thiếu hoạt động, mất bạn bè, Toàn bực bội trong lòng, lúc nào cũng muốn gây sự, không khí gia đình vì vậy mà đâm ra ngột ngạt khó thở. Giận vợ, Toàn bỏ sang phòng dành cho khách ngủ, phòng nầy từ khi mẹ chàng trở về Việt Nam vẫn bỏ trống và chẳng ai có nhu cầu bước vào. Toàn bất ngờ khám phá được bức thơ mẹ để lại. Toàn đọc thơ trong sự xúc động nghẹn ngào. Mẹ chàng trọn đời thương yêu, tận tụy hi sinh cho chàng, bà viết thơ rầy la chàng tuy có hơi nghiêm khắc, nhưng bà là mẹ, bà rầy la chẳng qua vì thương yêu dạy dỗ chớ nào có ý ghét bỏ con, cớ sao ta lại có thể giận hờn mẹ, đối xử với mẹ tàn tệ như vậy kìa? Toàn muốn chụp điện thoại liên lạc với mẹ ngay, nhưng một chút hỗ thẹn bỗng len lỏi trong lòng, khiến chàng ngừng lại. Toàn nghĩ : “Lúc hưng thời thì giận hờn ghét bỏ mẹ, rồi chờ đến lúc thất thời mới biết hồi tâm thương mẹ, thì kỳ cục quá đi!”. Một hôm Toàn thấy trong mớ thơ vừa nhận, có giấy tờ của trường trung học gởi cho cha mẹ học sinh. Bấy lâu nay, bận rộn làm ăn Toàn bỏ xụi việc dạy dỗ chăm sóc, theo dõi con học hành cho vợ, nay nhân lúc rảnh rang chàng bèn tò mò mở ra xem. Phong thơ gồm bản thông báo kết quả kỳ thi lục cá nguyệt của con, theo đó thì hai môn Anh Văn và toán quá kém, khiến chàng vừa lo vừa giận. Hai mẹ con vừa đưa nhau về nhà, thì Toàn liền chỉ tay vào mặt thằng con hùng hổ hét :
- Thằng đầu bò! Mầy giống ai mà ngu quá! Anh văn và toán là những môn dễ ợt mà bị điểm C là sao?
 
Bob sợ điếng, núp vào mẹ né tránh, không dám hó hé lời nào. Mary bực bội nhìn chồng, rồi lừng khừng cất tiếng :
- Nó ngu giống ai tao không biết, chớ chắc chắn không giống tao rồi. Tao đâu có ngu như người ta vậy? 
-Mầy nói như vậy là cố ý nói tao ngu, phải không?, Toàn sừng sộ.
- Không dám a! mầy khôn lắm lắm ! Khôn quá mức cho nên mới mang hết tài sản ra mua thứ cổ phiếu mắc toi làm tiêu tan cả sự nghiệp chớ? 
 
Toàn chịu đựng hết nỗi. Chính con vợ đã không chịu lòi tiền ra yểm trợ chàng trong phút lâm nguy nên chàng mới tiêu tan vốn liếng, vậy mà, nó còn dám lớn tiếng chửi chàng ngu thì làm sao chàng chịu đựng nỗi. Toàn giận dữ chửi thề một tiếng, bước tới “xán” cho vợ một tát tay, đoạn vội vã bỏ vào phòng đóng cửa cái rầm. Chàng biết mình đã có hành động lầm lỡ tai hại nên cố gắng im lặng mặc cho mụ vợ la hét ở bên ngoài... Tính nết của Mary chẳng hiền tí nào. Mụ chửi bới ỏm tỏi, đập phá đồ đạc lung tung, rồi dộng cửa phòng rầm rầm thách thức chồng bước ra đấu sức. Chồng nhịn nhục, cửa đóng then gài khiến mụ điên tiết hơn, mụ gọi Cảnh sát khẩn cấp 911 tố cáo vụ hành hung. Chỉ nội trong vòng hai tiếng đồng hồ thì cảnh sát đã đến nhà. Sau khi nghe lời khai thêm thắt của Mary và Bob, họ gõ cửa phòng gọi Toàn ra, còng tay chàng dẫn đi ngay, không màng nghe một lời biện bạch.

 

Đêm trong tù dài vô tận. Đau đớn, nhục nhã, ê chề, Toàn trằn trọc thức trắng đêm, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài não nuột, kèm theo lời lầm bầm thở than :  “Thôi hết rồi. Mình đã mất hết rồi. Mất tiền, mất việc, mất luôn cả vợ cả con. Ôi ! thật không ngờ người đàn bà mà mình yêu mê say đắm, đã cùng nhau chia xẻ ngọt bùi trong mười mấy năm trời lại đang tâm hại mình như thế nầy. Ôi! còn cái thằng con duy nhứt mà mình nâng niu như trứng mỏng, chỉ vì một lời rầy la, mà đã hùa theo mẹ phản lại cha mình!”... Sáng hôm sau, Toàn được trả tự do về nhà. Chàng điên tiết nhìn con vợ hung dữ, muốn trị tội nó mà chẳng biết ra tay cách nào cho ổn. Chắc Mary cũng lo ngại nên nàng dẫn con đi mất. Đến chiều Mary về nhà, có nhân viên công lực đi kèm. Nhân viên công lực tống đạt cho Toàn án lịnh Tòa án, theo đó, viện dẫn lý do bảo vệ an ninh cho người đàn bà yếu đuối, Tòa cấm Toàn không được đến gần vợ trong vòng một dặm. Điều đó, có nghĩa là Toàn phải cuốn gói đi ngay trước sự giám sát của nhân viên công lực. Toàn chỉ kịp dồn quần áo vào va-li, xách thêm cái cặp nhỏ đựng giấy tờ, rồi ra xe lái đi.

 

Trong khi soạn giấy tờ Toàn lén nhét khẩu súng ngắn tùy thân vào cặp, và cũng cất vào đó xâu chuỗi có tượng Quan Âm mà chàng chợt khám phá ở góc tủ. Tượng nầy mẹ Toàn đã ân cần trao cho chàng ngày vượt biên, từ ngày cưới vợ khác đạo chàng đã bỏ bê không đeo nữa, nay vô tình gặp lại mới nhớ ra. Toàn lái xe ra đi trong hoàn cảnh vô cùng bi đát : không nhà cửa nghề nghiệp vợ con, không tiền bạc, không một người bạn tâm giao đỡ đần trong cơn hoạn nạn, còn mớ thẻ tín dụng thì chẳng còn giá trị gì nữa. Toàn phóng xe như bay, lái theo phản ứng chớ chẳng biết sẽ đi đâu, về đâu. Đầu óc chàng sôi động rối ren như một bãi chiến trường : nỗi thất vọng, thù hằn, chua xót, nhục nhã, tiếc thương... thay phiên ngự trị tâm tư chàng và ý nghĩ chết thì thường trực lảng vảng trong đầu. Bất chợt thấy một công viên cây cối um tùm ở vùng ngoại ô hiện ra trước mặt, Toàn vội quanh xe lái vào. Công viên vắng tanh. Toàn gục đầu ngồi trên băng đá, miên man suy nghĩ. Biến cố đau thương dồn dập khiến Toàn điên cuồng, thù hận căm căm, sôi sục trong đầu ý tưởng bắn giết trả thù, mà trả thù ai đây? trả thù cả xã hội loài nguời chăng? trả thù cái đám môi giới đầu tư chứng khoán chăng? hay chỉ riêng con vợ hỗn hào của chàng? Giết người đâu có lợi gì cho mình, vã lại, vợ chết ai sẽ lo cho con đây? Hành động nào suy cho cùng cũng không ổn cả, trừ khi mình chết thì mới mong được yên thân mà thôi. Ý nghĩ tự tử vừa lóe trong đầu thì Toàn liền mở cặp, mân mê khẩu súng, rồi chầm chậm chỉa vào màng tang bóp cò. Cò súng kẹt cứng. Toàn sực nhớ lại, kéo khóa an toàn rồi đưa súng lên bóp cò lần nữa. Cò súng vẫn kẹt không nhúc nhít. Kiểm soát lại bộ phận cò súng, Toàn bỗng chứng kiến một sự việc kỳ lạ khó tin hiển hiện trước mắt chàng : chẳng biết bằng cách nào, sợi giây chuyền có tượng Quán Thế Âm đã chui vào bộ phận cò quấn chặt, khiến cò súng không xê dịch được. Chàng có ngờ đâu, pho tượng mà chàng không hề tin tưởng, vượt biên mang theo chỉ vì muốn chiều lòng mẹ, nhưng trong giờ phút nghiêm trọng nầy, đã hiển linh cứu mạng chàng. Toàn xúc động ngắm pho tượng, một cảm giác yên ổn kỳ diệu xâm nhập tâm tư.

 

Toàn nắm chặt tượng, khóc như mưa, khóc thay cho tiếng lòng nức nở kể lể nỗi đớn đau sầu tủi của mình. Những giọt nước mắt đã giúp Toàn vơi đi phần nào nỗi đau thương, chàng lấy lại chút bình tĩnh nên ý nghĩ tự tử không còn nữa. Chàng nghĩ mình phải sống vì mẹ, và phải quyết tâm làm cái gì cho mẹ vui để chuộc tội lỗi ngày xưa mới được. Toàn lái xe rời công viên. Chàng đang phân vân chẳng biết đi về đâu, bỗng sực nhớ đến Lâm, vội lái xe đến nhà người em bạn dì. Lâm mới mua ngôi nhà ba phòng khá rộng, nhưng không biết anh ta có chấp nhận cho chàng tạm trú vài ngày không? Vợ chồng Lâm tiếp đón chàng niềm nỡ. Sau khi nghe Toàn kể lể hoàn cảnh đớn đau của mình, Lâm an ủi :

- Câu chuyện của anh tuy đau buồn nhưng không có gì bi đát cả, xin anh đừng nãn lòng. Anh nhớ không? ngày xưa anh em mình qua đây không tiền bạc, không hiểu biết tiếng Anh, mà mình còn sống được. Còn bây giờ, anh có cấp bằng đại học, có xe, có trợ cấp thất nghiệp trong khi chờ xin việc, vã lại, tiền bạc anh mất nhiều nhưng đâu có hết, anh còn tiền hưu trí trong quỷ 401K mấy trăm ngàn nữa chi... Anh cứ tạm sống với tụi em một thời gian, từ từ sắp xếp lại mọi việc. Theo em, chuyện nan giải là chuyện hàn gắn đổ vỡ gia đình, chớ còn chuyện gầy dựng lại sự nghiệp như xưa, với khả năng của anh thì nào có khó khăn gì!
 
Thời gian gần đây, Toàn chỉ thân tình với nhóm bạn chứng khoán, đến lúc lâm nguy, họ bỏ rơi chàng như một con chó ghẻ, trái lại, người em bạn dì mà chàng lơ là thì vẫn đối xử với chàng đậm đà thắm thiết như xưa. Toàn vừa cảm thấy hỗ thẹn vừa xúc động dạt dào, ấp úng cất tiếng :
- Cám ơn Lâm ! Không có em cứu nguy thì chắc chắn anh đành chịu cảnh ngủ bờ ngủ bụi rồi! Anh làm sao có thể thuê nhà gắp trong hoàn cảnh tiền bạc eo hẹp nầy !
- Anh em trong nhà mà ơn nghĩa gì anh? Nhà em dư đến hai phòng! có anh ở chung thì vui nhà vui cửa chớ có thiệt thòi gì cho em đâu?
 
Từ đó, Toàn yên thân nương náo tại nhà Lâm. Lâm lo lắng cho Toàn rất chu đáo, ngoài nhu cầu ăn ở, Lâm còn bảo bọc cả những chi tiêu lặt vặt, và luôn luôn an ủi nâng đỡ tinh thần Toàn, nhờ vậy, lần lần Toàn hồi phục lại niềm tự tin và sự khôn ngoan sáng suốt ngày trước. Toàn nghĩ rằng trước khi bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp, chàng cần ổn định mái ấm gia đình. Vì vậy, chàng liền liên lạc với vợ tìm phương hòa giải, nhưng tình cảm vợ chồng đã rạn nứt vô phương cứu chữa, nhứt là sau khi chàng biết rõ là chỉ mới một tuần chia tay thì Mary đã nhanh nhẩu cặp tay tình nhân đú đởn khắp nơi rồi. Sau nhiều phen điện thoại thương thảo, cuối cùng cả hai đồng tình ly hôn và cũng thỏa thuận phân chia tài sản, theo đó Toàn chỉ được giữ một xe, Mary giữ con và tất cả tài sản còn lại, trong đó có nhà, xe hơi, chiếc ca nô, tư trang và các chương mục đứng tên riêng. Toàn có điểm lợi là giữ nguyên được tiền trong quỷ hưu bổng 401K và không phải cấp dưỡng đồng nào vì đang là kẻ thất nghiệp chẳng có lợi tức. Mất vợ, mất con tuy đau lòng nhưng sau khi giải quyết xong chuyện gia đình Toàn nghe lòng nhẹ nhõm ra. Chàng bắt đầu lập hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Tiền trợ cấp thất nghiệp đủ cho chàng sống khuây khỏa, nên chàng dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian, chờ tinh thần thật ổn định rồi mới xin đi làm lại. 
 
Từ ngày thoát chết một cách mầu nhiệm, lại hiểu được nhân tình thế thái, lòng háo hức lợi danh của Toàn suy giảm lần. Giờ đây, chàng chỉ ước mơ một nếp sống bình thường, miễn là không đến nỗi thiếu hụt, hầu có đủ thời giờ dành cho việc tu dưỡng thân tâm, tìm hiểu sâu rộng Phật Pháp và hành trạng của vị Bồ Tát mà chàng hết lòng tin tưởng. Do đó, hàng ngày chờ lúc gia chủ đi vắng chàng thường đến bàn thờ Phật có tôn trí tượng Bồ Tát Quan Âm để lễ bái, và nghiền ngẫm quyển Phổ Môn Giảng Lục của Pháp Sư Bảo Tịnh, do hòa thượng Trí Nghiêm dịch ra tiếng Việt, mà chàng vô tình tìm thấy trong tủ sách. Nhờ đọc Phổ Môn giảng lục, Toàn thâm hiểu phần nào diệu nghĩa phẩm Phổ Môn, lòng ngưỡng mộ hạnh nguyện “linh cảm tầm thanh cứu khổ cứu nạn” của Bồ Tát Quán Thế Âm ngập tràn, từ đó, Toàn bỗng tha thiết mong chiêm bái thánh địa Phổ Đà sơn để đảnh lễ Bồ Tát. Lâm cũng khuyến khích chàng, nhân lúc rảnh rang nầy, nên đi du lịch một chuyến sang Trung Quốc. Từ đây về Việt Nam, chỉ trả thêm chút đỉnh tiền, sẵn dịp nầy cũng nên về thăm lại đất nước thân yêu. Theo gợi ý nầy, Toàn lấy vé hàng không đi Thượng Hải, chàng viếng thăm Tô Châu, Hàng Châu, rồi đến Ninh Ba dùng tàu tốc hành đến Phổ Đà lưu trú tại khách sạn Tức Lai tiểu trang một tuần lễ. Toàn đến đảo Phổ Đà vào một chiều thu tuyệt đẹp : biển xanh, trời trong cao ngất, mây trắng lửng lơ. Cảnh trí ở đây xinh tươi trang nhã vừa phảng phất một bầu không khí mầu nhiệm thiêng liêng, tạo cho khách hành hương cảm giác lâng lâng thanh thoát. Toàn được hướng dẫn viên lần lượt đưa đi chiêm bái các thánh tích trên đảo : tượng Quan âm Nam Hải bằng đồng cao 33 thước, Quan âm khiêu (vết chân Bồ Tát trên tảng đá), Quan Âm tử trúc (rừng trúc tím), Phạm Âm Hải Triều âm động, Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ, các chùa Phổ Tế, Pháp Vũ và Huệ Tế. Theo người hướng dẫn thì nơi nào cũng có truyền thuyết về sự thị hiện mầu nhiệm của Bồ Tát, Bồ Tát luôn luôn thị hiện cho những kẻ có lòng thiết tha mong cầu được gặp Ngài. Ở địa điểm nào, Toàn cũng chân thành đảnh lễ Bồ Tát, thiết tha niệm danh hiệu của Ngài và thành khẩn mong được thấy Ngài thị hiện. Toàn nghĩ mình đã có đại nhân duyên từng được Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, nên tin chắc cũng sẽ có duyên để gặp Ngài thị hiện. Thế nhưng, tuy đã thành khẩn lễ bái khấn nguyện bao ngày tại động Hãi Triều âm và rừng trúc tím mà Toàn vẫn chưa thấy dấu hiệu gì khác lạ. Dù vậy, Toàn vẫn không nãn lòng. Ngày cuối cùng, Toàn còn nấn ná đến chùa Phổ Tế, điện Viên Thông chiêm bái lần chót trước khi rời đảo. Điện Viên Thông nổi tiếng với pho tượng Quan Âm cao trên 8 thước, hùng vĩ hòa ái. Toàn thành kính chiêm ngưỡng tượng. Chàng có cảm giác là càng chiêm ngưỡng chàng càng đón nhận được lòng từ bi vô lượng của Bồ Tát ban phát cho chàng, khiến chàng xúc động nước mắt lưng tròng, pho tượng qua làn nước mắt trở thành lung linh sắc vàng rực rỡ. Toàn đi kinh hành quanh tượng, chàng tiếp tục chiêm ngưỡng “Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình”, tức 32 hình tướng mà Bồ Tát tùy duyên hóa hiện để cứu độ chúng sanh. Chàng nghĩ mình phải tạc dạ 32 hình tướng nầy, thì khi gặp Bồ Tát thị hiện mình mới không bỏ lở cơ hội thấy Ngài. Vừa quan sát từng hình tướng, Toàn vừa thầm khấn nguyện : “Con chưa có duyên để thấy Ngài thị hiện nơi đây, nhưng con luôn luôn tin tưởng rằng ngày nào đó Ngài sẽ thị hiện cho con thấy một lần tại chốn khác”. Bỗng nhiên, Toàn nghe nhà sư già đứng cạnh bên lẩm bẩm một mình : “Sao chỉ tạc có 32 tượng? 32 tượng thì ít quá!”. Tượng tạc theo tinh thần phẩm Phổ Môn, vậy mà nhà sư nầy dám chê bai là ít, thật là sai lầm, Toàn nghe chói tai không chịu được, bèn bực bội lên tiếng :

- Vậy theo sư thì bao nhiêu tượng mới đầy đủ?
- Hà! hà! Bồ Tát tùy tâm chúng sanh biến hiện để cứu độ, mà tâm chúng sanh thì muôn vàn sai khác, ưa thích vô lượng vô biên hình tướng, nên Bồ Tát cũng phải ứng hiện vô lượng vô biên hình tướng để cứu độ...
 
Toàn nghe câu nói của lão tăng mà rúng động cả châu thân, liền cung kính thưa hỏi : 
- Thưa thầy ! như lời thầy dạy thì Bồ Tát Quan Thế Âm thị hiện dưới muôn ngàn hình tướng khác biệt chớ không phải chỉ hạn cuộc vào 32 hình tướng nầy mà thôi?
- Đúng vậy! Quan Âm thị hiện đủ mọi hình tướng và ở khắp mọi nơi nên mới có câu : 
  
Ao nào cũng có ánh trăng
Nhà nào cũng có Quan Âm hiện tiền.

Tóm lại, ai cũng đã từng đối diện với Quan Âm, nhưng có người thấy và có người không bao giờ thấy?
- Thưa thầy! mình phải tạo nhân duyên nào thì mới thấy được Ngài?
- Phải tập nhìn, tập lắng nghe cái khổ của thế gian, tập hạnh từ bi cứu khổ cứu nạn thì vô lượng vô biên ứng hóa thân của Bồ Tát sẽ thị hiện ràng ràng trước mắt.
- Thưa thầy! theo nghĩa nầy thì con cũng đã từng hội kiến với Bồ Tát Quan Âm mà con không biết, phải không thầy!
- Đúng vậy!
- Con sẽ ráng học hạnh lắng nghe, hạnh từ bi, nhưng e rằng đạo đức của con hèn kém, con sợ mình chưa đủ đạo lực để nhận biết, thầy ạ! Xin thầy gia ơn chỉ cho con biết Quan Âm mà con sẽ gặp hình dáng như thế nào? Con năn nỉ thầy mà ! 
- Ơ! Con sẽ gặp vị Quan Âm đó ở miền Nam nước Việt. Khi gặp Ngài, tâm con sẽ an ổn vui mừng, thầy tin con sẽ nhận ra Ngài ngay kia mà !
- Xin thầy làm ơn dạy rõ thêm chi tiết! Con sợ con sơ sót bỏ lỡ cơ hội và nhìn không ra Ngài được!
- Ơ ! ...đó là người đàn bà, mặc áo lam, chân tay lem luốc, không giày dép, tóc rối, mặt mày vô cùng hớn hở...
 
Toàn đang mừng rỡ lẩm nhẩm ghi nhận kỹ từng chi tiết nầy, chợt thấy vị sư già thoan thoát bước đi. Chàng vội vã bước theo ngay nhưng mới đó mà nhà sư đã mất dạng trong đám khách hành hương đông đảo rồi. Chừng suy nghĩ lại, nhớ từng câu đối thoại, chàng bỗng ngẩn người tự hỏi : “Chẳng biết vị sư già đã đối thoại với mình bằng thứ ngôn ngữ nào? dường như không phải tiếng Việt, tiếng Mỹ, vậy thì làm sao mình nghe hiểu được kìa? chẳng lẽ mình đã mơ trong khi đang ngắm tượng?”
 
Tỉnh hay mơ không cần biết, Toàn một mực tin theo vị sư già, nên đổi lộ trình về thẳng Saigon, chớ không ghé Hà Nội như đã dự định. Đến nơi, chàng nôn nóng lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố hàng hai tháng trời mà vẫn không tìm đâu ra hình bóng người đàn bà áo lam hội đủ những chi tiết cần thiết. Kẻ mặc áo lam thì đầu tóc, giày dép tươm tất còn kẻ đầu bù tóc rối, chân đất thì chẳng mặc áo lam. Điểm quan trọng khác là chàng chẳng tìm đâu ra được người có dung nhan vui tươi hớn hở và có thể tạo cho chàng niềm an lạc cả. Toàn trở lên miền Đông, rồi lần lượt xuống khắp các tỉnh miền Tây, cuối cùng, về đến Rạch Giá nhưng vị Bồ Tát mà chàng nôn nao tầm cầu vẫn biệt tăm. Thất vọng não nề, Toàn xách hành lý lửng thửng tìm đường về nhà mẹ. Thấy anh ngơ ngác đứng trước cửa, Lan không tin ở mắt mình, dụi mắt nhìn kỹ, rồi mừng rỡ rú lên :
- Anh Hai ! anh về sao không báo tin  trước để em đón!
- Hà ! Hà ! anh muốn cả nhà ngạc nhiên kia mà! Uả! má đi đâu vậy em?
- Mai ! thưa cậu Hai đi con. Rồi con chạy rút, báo tin với ngoại là cậu hai đã về nghen con!
 
Con bé thưa cậu, rồi phóng lên chiếc xe đạp đi ngay. Toàn lại lên tiếng :
- Má ở đâu em hãy cho anh biết. Anh muốn đi đến đó thăm má liền bây giờ!
- Má thường trực ở chùa Thập Phương á! Chùa cách nhà chỉ độ chừng năm phút, nếu anh muốn gặp gấp thì em đưa anh đi ngay.
 
Lan khóa cửa, đèo anh trên chiếc xe gắn máy lái đi. Vừa tới cổng chùa, Toàn đã nghe tiếng bé Mai réo bà ngoại ỏm tỏi :
- Ngoại ơi ! ngoại ! cậu Hai ở bên Mỹ về! Cậu Hai về nhà rồi ngoại ơi!
 
Chùa đang có khóa hạ, ban trai soạn làm việc khá cực nhọc. Dì Ba đang đầu bù tóc rối hì hục rửa mớ nồi niêu trong nhà bếp, chợt nghe tiếng cháu ngoại reo vang, dì mừng quýnh, nước mắt tuôn tràn, không kịp xỏ chân vào dép, tức tốc chạy ra cổng, hớn hở ôm con : 
- Con! Con thương của má!
 
Bà nắm tay con thật chặt, chắc sợ con mình vuột mất chăng? Toàn hiểu như vậy và xúc động toàn thân, một cảm giác an lạc kỳ lạ tràn ngập trong lòng. Chàng cất tiếng gọi : “Má!”, rồi chàng ngắm nhìn bà thật kỹ. Bà mặc chiếc áo vạt hò màu lam cũ kỹ, chân đất, tay dính lọ lem luốc, tóc rối lỏa xỏa, đang rạng rỡ nhìn con không chớp mắt. Toàn hơi sửng sốt, rồi bỗng sực hiểu, chàng ôm chầm mẹ thổn thức : “Thì ra Quan Âm Bồ Tát là má! Má chính thật là Bồ Tát Quan Âm của con, vậy mà trước kia con đui mù chẳng biết!”. Chàng thầm nghĩ : “Khi mình đã “mở mắt” thấy được một hình tướng Quan Âm, thì có lẽ mình sẽ có đủ khả năng khám phá biết bao nhiêu Quan Âm đã hiện hữu trong cõi đời nầy. Ờ nhỉ! đối với mình thì Lâm chẳng phải là một Quan Âm đã an ủi, chở che, cứu khổ, cứu nạn mình sao?
           
Tháng 5.2001
Hư Thân
Số lần đọc: 2476
Ngày đăng: 16.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ám ảnh dòng sông - Bích Ngân
Màu của đêm , màu nước mắt - Nguyễn Thị Thu Hiền
Điều kỳ lạ của thế giới - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc hành trình đi tìm ý tưởng - La Thị Ánh Hường
Điều kỳ diệu - Đinh Lê Vũ
Giây phút nhoáng nhoàng - Nguyễn Đức Thiện
Bộ quân phục màu cỏ úa - Nguyễn Hồ
Ngày Trở Về - La Thị Ánh Hường
Một vị Phật khai sinh - Hư Thân
Giỡn chơi - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Bồ Tát Quá Giang (truyện ngắn)
Quan Âm tóc rối (truyện ngắn)
Cam Lồ sa mạc (truyện ngắn)
Hồng Hạnh (truyện ngắn)
Thần Tài gõ cửa (truyện ngắn)
Thuốc đắng-1 (truyện ngắn)
Thuốc đắng-2 (truyện ngắn)
Tô Canh Bù Ngót-1 (truyện ngắn)
Tô Canh Bù Ngót-2 (truyện ngắn)