Hồi ấy, trước nhà tôi là một cánh đồng năn ngút ngàn xanh đến tận chân trời. Từ sau mùa cấy đến đầu mùa gặt là khỏang thời gian con trâu được phép nghỉ ngơi. Chủ trâu từ tứ xứ đưa chúng đến để hưởng thụ cỏ non, để bù đắp công sức sau một mùa cày và để lấy sức cho mùa cộ lúa.
Năm 1997, hãng phim Giải phóng giao cho chúng tôi thực hiện bộ phim tài liệu về con trâu. Bấy giờ là mùa sa mưa, đồng ruộng bắt đầu loang lóang nước. Chúng tôi thực hiện những cảnh quay đầu tiên tại ấp Đồng Sậy, thuộc huyện Thới Bình – Cà Mau. Chiều hôm ấy, sau khi nghe chúng tôi trình bày những yêu cầu về một hiện trường, anh Khánh – trưởng ban nhân dân ấp – liền chèo xuồng đi rước mấy người chủ trâu trong xóm đến nhậu. Sáng hôm sau, một cánh đồng vào mùa diễn ra y như thật: Trâu cày, trâu bừa, trâu trục, trâu nhơi cỏ, tiếng ví thá vang đồng của người nông dân, tiếng nghé ngọ của những chú mục đồng . . . tất cả chỉ là diễn, diễn mà như thật, thật đến nổi diễn viên chuyên nghiệp chưa chắc đã diễn bằng.
Sau cảnh quay ấy, tất cả nông cụ được chuyển lên xuồng để đưa vào kho, đàn trâu tự do ăn cỏ. Bất chợt, một chiếc máy cày chạy ra đồng, lao vào giữa đàn trâu. Những con trâu hỏang hồn bỏ chạy, có con ngơ ngác đứng nhìn chiếc máy cày. Chúng tôi thu được những khung hình vô cùng đắt giá mà không hề tính trước, cũng không có trong kịch bản. Đó là hình ảnh “đi chổ khác chơi” của một kiếp trâu khi cơ giới nông nghiệp ra đời.
Ba tháng sau, lúa phủ xanh đồng, sắp sửa vào mùa nước nổi, chúng tôi về Hồng Dân, Bạc Liêu để quay cảnh mùa len trâu. Nhưng suốt ba ngày lang thang trên cánh đồng chó ngáp, chúng tôi chẳng tìm đâu ra một cánh đồng hoang, cánh đồng đầy trâu như thời thơ ấu của mình. Những vuông tôm chằng chịt như bàn cờ, những dòng kinh, những bờ đê thẳng tấp, những dãy nhà ngói đỏ giăng giăng. Những thằng Thành, thằng Lập, thằng Nam, những bác Hai, chị Vân, chị Cúc của một thời chăn trâu khét nắng bây giờ nói chuyện vàng cây vàng lá sau mỗi vụ tôm.
Hóa ra mình chính là người lạc hậu, cứ ngỡ về đây sẽ gặp lại mùa len trâu như gặp lại tuổi thơ mình. Hồi ấy, trước nhà tôi là một cánh đồng năn ngút ngàn xanh đến tận chân trời. Từ sau mùa cấy đến mùa gặt là khỏang thời gian con trâu được phép nghỉ ngơi. Chủ trâu từ tứ xứ đưa chúng đến để hưởng thụ cỏ non, để bù đắp công sức sau một mùa cày và để lấy sức cho mùa cộ lúa. Ơ đây có những người chăn trâu chuyên nghiệp, mỗi người có thể lãnh chăn một trăm, hai trăm con trâu tùy theo sức của mình. Chẳng hiểu từ khi nào và lý do gì, người ta gọi đó là mùa len trâu. Khi trâu đã nhập thành bầy, những con trâu đực cổ bắt đầu nghinh chiến, chúng đấu nhau quyết liệt để giành ngôi vị cầm bầy, xem ra cũng giống hệt như những đại ca tranh quyền cai trị trong giới xã hội đen. Lúc bấy giờ, người chăn trâu chỉ cần quản con trâu cầm bầy là quản được tất cả. Và, bản thân chúng cũng tự biết bầy đàn của mình để không lẩn lộn với những bầy trâu khác. Khi gió bấc bắt đầu rao ngọn cũng là lúc trâu nhớ nhà nhớ chủ, chúng ngơ ngác, ngóng trông rồi tự động tách bầy để lặn lội về quê. Người chăn trâu cực nhất là lúc ấy, phải cột dây mũi chúng vào cọc để chờ ngày chủ đến đón. Trong mối quan hệ giữa chủ trâu và người chăn trâu cũng có những quy định bất thành văn. Ví dụ như trâu chết do dịch bệnh hay do bom đạn chiến tranh thì chỉ cần báo ngay cho chủ biết mà không phải bồi thường. Công giữ mỗi con trâu trong một mùa được tính bằng lúa, nếu trâu ốm sẽ bị trừ công và mùa sau họ giao cho người khác giữ. Có những chủ trâu tốt bụng, khi đến đón trâu về, họ tặng cho người chăn trâu áo quần và bánh mứt.
Hồi ấy tôi thèm có một đôi trâu nhưng chỉ là mơ ước. Người ta nói: Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua đất. Đất với trâu là thước đo giá trị tài sản của nhà nông. Uy thế, địa vị của người nông dân trong làng xóm, trong cộng đồng phụ thuộc vào số lượng trâu và đất. Không có đất, không có trâu, tôi luôn luôn thấy mình thấp hèn, nhỏ bé trong quan hệ bạn bè.
Bây giờ, trở về quê cũ tìm trâu để quay phim, lại bị bạn bè xưa cười chê mình ngây ngô, rồ dại. Thằng bạn tôi nói: : “Trâu hả, xưa rồi Diễm, ngay cả chiếc máy cày, mấy mươi năm trước nó là niềm mơ ước của nông dân xứ mình, bây giờ mầy thấy đó, chỉ là đống sắt vụn”. Nó vừa nói vừa chỉ tay ra sau hè, chổ mái hiên che chiếc máy cày đầy nhện giăng và bụi bám.
Tôi nghe mừng cho bà con, một sự đổi đời mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng tiếc cho bộ phim của mình, nếu không có cảnh mùa len trâu thì không thể gọi là phim.
May thay, một hôm tình cờ ghé vào một tiệm ảnh ở Cà Mau, thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Sơn phóng một cuốn phim tòan là trâu. Trời ạ, đúng là trâu len ! Tôi hỏi ông chụp cái nầy ở đâu vậy. Sơn nói: “ Cũng tình cờ thôi, hôm nọ về Cái Tàu mua đất, tình cờ gặp một cánh đồng hoang . . .” Rồi Sơn nhìn tôi trân trân: “ Ong làm gì mà thấy trâu mừng hơn thấy vàng vậy ?”. Tôi nói: “ Thì vàng đây chớ còn gì nữa”.
Không cần phải báo với hãng phim, tôi thuê chiếc caméra M9000 rồi nhờ anh phóng viên của đài truyền hình đi ngay xuống vàm Cái Tàu bằng đò dọc. Thì ra, ở phía sau dòng sông Trẹm còn có một mùa len trâu “thu nhỏ”: Một cánh đồng năn chật hẹp, một đàn trâu năm bảy chục con, một thằng bé đầu tóc bù xù, vàng hoe bơi xuồng lùa trâu trong nắng chiều lấp lánh. Tôi chợt nhớ đến Hòang Anh Việt, một nhà thơ đã gát bút về với ruộng đồng:
Có thể rồi tôi đi làm ruộng
Cây phảng trên vai, cơm nguội, mắm đồng
Nuôi con lớn khôn ba tôi chỉ cần có thế
Không vẩn đục cuộc đời, không gợn chút bon chen
Có thể rồi tôi đi giữ trâu len
Giữa mênh mông đồng cỏ năn, tôi với chiếc xuồng con làm bạn
Mái tóc bù tung vàng hoe cùng nắng
Nghe lỏm bỏm bước trâu về, lắng đọng những buồn vui.
Đó là bài thơ Việt viết cách nay gần hai mươi năm, trước khi anh bỏ cơ quan Hội văn nghệ để về quê. Một bài thơ đẹp, một ước mơ đẹp. Nhưng Việt bây giờ không phải làm ruộng, không phải giữ trâu len. Nghe nói anh đang nuôi tôm sú ở Tân Thành, giàu lắm.