Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.208.254
 
Đồng quê ngân khúc hát :Đọc tập thơ Khúc sơn ca của Mai Thìn, NXB Hội Nhà Văn, 5-2005.
Lê Hoài Lương

Con người rất công bằng khi tặng chim sơn ca mỹ danh: ca sĩ của đồng quê. Trong vô vàn thanh âm tuyệt diệu của các loài chim hót, chim gáy, sau lớp vỏ khiêm tốn về hình thể và sắc màu, sau những hoà lẫn chân phác với đất cày đồng bãi, bất ngờ sơn ca vút lên mênh mông trời mênh mông đồng rồi thả xuống từng chuỗi từng chuỗi thanh âm lộng lẫy đến khi cái chấm nhỏ nhoi đã hoà vào nắng xanh xa thẳm, vẫn còn vòng vọng không dứt tiếng chim hư thực.

 

Tôi đã nghĩ về thơ và thơ Mai Thìn từ chim sơn ca.

 

Sau các tập Cổ tích tình yêu, Hai mảnh yêu thương ( in chung với Quang Vĩnh Khương ) và Đồng quê, Khúc sơn ca đã thể hiện một sự lựa chọn và bản lĩnh thơ. Lựa chọn đề tài và kỹ thuật phù hợp với tạng tư duy, cảm xúc khi đối diện khách thể sẽ tạo ra chất thơ riêng từng người khó trộn lẫn. Về căn bản, Mai Thìn là nhà thơ của đồng quê. Cái chất này đã bộc lộ nhiều trong những tập thơ trước. Khúc sơn ca là sự tập trung có chủ ý qua một biểu tượng trữ tình xuyên suốt: chim sơn ca. Hai phần rạch ròi của tập thơ: Nơi sơn ca làm tổ Khúc sơn ca diễn nôm là quê hương và tình yêu, thực ra cũng không hề rạch ròi, chim sơn ca là tinh tuý của hồn làng, đồng bãi, là cái tôi của tác giả nói với quê hương, với đối tượng, là chứng nhân là cầu nối của tình yêu nam nữ- chim sơn ca lúc ẩn lúc hiện giúp nhà thơ làm tròn nhiệm vụ khám phá chính bản thân mình trong các mối quan hệ và do vậy, chim sơn ca là cái đẹp, là khát vọng vươn tới cái đẹp, cả nỗi đau và hạnh phúc.

 

Nơi nhà thơ gieo trồng cái đẹp có địa chỉ hẳn hoi, vùng đất này trở đi trở lại trong tập thơ những địa danh, những di tích, phế tích, huyền tích của quê hương Bình Định: thành Hoàng đế, chợ Gò Găng, núi Mò O, sông Quai Vạc, những Văn miếu, Trường Thi, Bến Gỗ… cả những sản vật địa phương: lá trầu không, rượu Bàu Đá, nón Gò Găng, nhà lá mái, hát bội… cả món ăn dân dã nữa: bánh ít lá gai gói trong tàu chuối,  bột mì nhứt, tán đường đen, thạp cải muối chua… Như đã nói trên, đây là sự lựa chọn và bản lĩnh thơ, bởi vì viết về một vùng đất đã có các cuốn dư địa chí. Tác giả xác định rõ mục đích của mình:

 

     “Nếu thực tình có một kiếp sau, tôi không làm thơ, không viết báo, không họp hành… mà xin trở về làm một nông phu chăm bón ruộng vườn đuề huề trăng gió.

 

     Những nàng thiếu nữ nông quê tóc thề bết áo lúng liếng tròn theo tiếng sơn ca từng giọt đậu từng giọt bay thon thả, tiếng hót rơi vung vãi trên đồng.”

                                                                      (Khúc 1)

Có lúc thái độ khá quyết liệt: “Rời thành phố đi em/ những căn nhà trống rỗng tâm linh/ ngột ngạt lo toan dâu bể/ mình trở về nơi đã sinh ra.” (Rời thành phố đi em). Để thuyết phục, chàng mô tả ngôi nhà:

 

                          “Chiếc lư thờ đầy ắp tàn tro

                           hàng cột cái tựa mòn vai áo

                           bậc thềm nhà mình những ngày mưa bão

                           giọt nước mái tranh róc rách cá rô nằm

                           cau cũng tốt mà trầu cũng tốt

                           mẹ  hái đầy mấy giỏ hồi dâu

                                                 (Trong ngôi nhà lá mái)

Và cả không gian này nữa:

                        Tiếng chim mùa này ríu rít đã đông hơn

                        dồng dộc  treo những chiếc giày lơ lửng

                        bện bằng rơm

bằng cỏ

bằng tóc em xanh

 

                        Măng mùa mưa giờ đã đâm cành

                        anh hái lá giang nấu canh chua cá

                      cho thêm me, thêm khế, thêm hành

                        ngày xưa  mẹ thường đi chợ

                        mua tán đường đen ăn bánh tráng mè đen …

( Rừng trúc )

Nếu nàng chịu về thì sẽ có cảnh: “Anh chặt cây em hái lá dựng lại ngôi nhà nghìn năm trước của ông cha. Trên mỗi cột kèo xiên trính đòn tay anh chạm nổi chạm chìm tiếng chim reo hót thanh bình toả ngập non xanh.” ( Rời thành phố đi em ).

 

Không biết chất lãng mạn này có làm xiêu lòng cô gái tân kỳ nào không, nhưng dựa vào vùng đất, ngôi nhà của ông cha ngàn năm thì chàng đã tạo cho mình không gian thơ riêng. Không gian này là những vỉa tầng văn hoá đôi khi xa khuất trong trong nhạt nhoà ký ức và tâm tưởng. Như Bến Gỗ. Bến nước từng sầm uất thuyền xe thương khách xuôi ngược, có anh Hai Trầu Nguyễn Nhạc và những hảo hán cùng thời dựng nghiệp Tây Sơn, Bến Gỗ của một thời ngựa hí gươm khua, một thời sống động huyền sử dìm chuông… Kết thúc những hồi tưởng ngược thời gian, tác giả viết:

 

                                 “Bến Gỗ giờ đâu

                                   đâu còn Bến Gỗ

                                   một cái tên

                                   làng không nhớ

                                                        không quên…”

Rất mạch lạc, dung dị mà cũng rất gợi: đây là độ chín thực sự trong thơ.

Trên nền chung làng quê cạnh thành Hoàng Đế đầy biến động ngàn năm qua của mình, Mai Thìn, như bao nhà thơ khác, cũng viết về ngôi nhà, về những người thân. Điều không cũ không mới này vẫn cứ riêng khi gắn với ngôi nhà lá mái, kiến trúc cổ độc đáo của quê anh, của Bình Định:

                                  “Bóng cha già bao mùa giỗ trên đồi

                                    hương vẫn ấm trong căn nhà lá mái

                                    tội cột kèo, giường đôi, phên giại

                                    chòng chành thêm thềm bếp khói chiều.”

                                                 (Mùa chim làm tổ)

Hoặc:

                                    “Các con rong ruổi đường đời

                                    không mang theo được góc trời quê hương   

                                    mái nhà tranh, gốc trầu vườn

                                    cột kèo xiên trính khói hương bàn thờ…

                                   

                                    bây giờ dáng mẹ hao mòn

                                    vào ra thơ thẩn nhớ con, nhớ làng.”

                                                 (Nhớ quê)

 Đã thấy một Mai Thìn cực đoan trong việc tìm không gian cho sơn ca làm tổ, một không gian sống anh cho là lý tưởng, tất nhiên cả những khổ đau và hạnh phúc. Có lúc anh reo lên: “Em đã cho tôi dòng sữa ngọt từ chiếc cốc xinh ứ tràn hạnh phúc”; có lúc mong đến cháy lòng: “Cả chiều nay anh mong một đám mây xanh, mong một tia nắng lành, mong ngọn gió nồm tuổi nhỏ đưa em về trên con đường đầy lá tre rơi của quê hương anh đó”. ( Đường quê hương )

 Rồi sơn ca cũng về. Khát vọng kiếm tìm cũng thành hiện thực. Điều quan trọng là cả sự chấp nhận này nữa:

                                    “Em đến như thế nào thì hãy cứ thế mà đi

                                      chậm cũng được mà nhanh cũng được

                                      đời muôn màu hà cớ phải buồn đau

                                      trái tim nhỏ nát nhàu bên cửa

                                      bầm dập xơ dừa cọ miết bàn chân.”

                                             (Em đến như thế nào thì hãy cứ thế mà đi)

 

    Trái tim được ví như tấm thảm dừa chùi chân thì chấp nhận trả giá quá lớn cho không gian sống mà anh dày công xây dựng!

 

Chắc là thế, chim sơn ca của cái đẹp, cái khát vọng trở về với uyên nguyên thuần khiết không dễ dàng gì. Đây là ẩn ngữ của tập thơ, cái lõi triết lý của tập thơ.

 

Tới đây thì cái điều ngờ ngợ khi đọc rằng, ngoài nhiều bài thơ hay, chặt chẽ, có cảm giác một số bài thơ như còn dang dở, như bỏ lửng là đúng, là có chủ ý. Những bài thơ hiện dần theo trục cảm xúc quanh biểu tượng sơn ca như những mảnh chất liệu xây tổ dựng nhà, nỗi đau và hạnh phúc. Cấu trúc dọc của tập thơ luôn tạo cảm giác còn điều gì đó chưa thỏa mãn, còn những bí ẩn cần khám phá và do vậy tự nó, những bài thơ có vẻ còn dang dở kia dẫn người đọc dần đến cuối tập. Cấu trúc này không hẳn không có mặt hạn chế trong tiếp nhận và thưởng thức, nhưng phù hợp với lựa chọn chung để đạt được chủ đích toàn tập thơ.

 

Con chim khiêm tốn về hình thể và sắc màu đã vút lên, đã trỗi giọng. Vỏ ngôn ngữ và vẻ đẹp thơ. Đồng quê và khúc hát, chốn yên bình nuôi dưỡng hồn người, một đồng quê của ngàn năm trầm tích nhưng lãng mạn và hiện đại trong cách thể hiện. Quan niệm sống cũng là quan niệm thơ đã hoà quyện… Tôi nghĩ về những điều này khi đọc xong Khúc sơn ca, tập thơ chắc tay, tạo được dấu ấn riêng của Mai Thìn.

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 3361
Ngày đăng: 19.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Da diết hương quê :Đọc tập thơ NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG của CẢNH TRÀ-NXB HỘI NHÀ VĂN 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Đọc tập thơ XUỐNG NÚI- Hồ Chí Bửu- Nxb Văn nghệ 2005 : Từ trong tĩnh lặng.. - Nguyễn Đức Thiện
Sóng sánh mẹ và anh,một giọng thơ cảm xúc - Nguyễn Đức Thiện
Với XUÂN SÁCH và... - Phạm Lưu Vũ
Thu Nguyệt với triết lý “CẢ ĐỜI LÀM MỘT CUỘC RƠI KHÔNG THÀNH” - Phạm Lưu Vũ
Vũ Trọng Quang: Cuộc sống vào thơ - Từ Nguyên Thạch
Lời, Từ trong nhạc TRỊNH CÔNG SƠN - Hùynh Công Tín
Tình xa xứ : Tấm lòng một người Việt xa quê. - Triệu Xuân
Nguyễn Ngọc Tư – Nhà văn trẻ Nam bộ - Hùynh Công Tín
Đọc TRĂNG SUÔNG – nói gì với Đinh Quang Tốn ? - Dương Kiều Minh
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)