Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.207.117
 
Mùa xuân Chiêu Anh Các
Hà văn Thùy

Bính Thìn, Trần Tử Hoài ở Việt Ðông cưỡi thuyền tới đây, tôi tiếp làm thượng khách, mỗi buổi hoa sớm trăng hôm, ngâm vịnh không dứt, nhân đem 10 bài vịnh cảnh Hà Tiên để xin nhau họa vần. Trần tử dựng cờ Tao đàn, thủ xướng phong nhã. Kịp khi trỡ về Châu Giang, chia đề trong Bạch xã, vâng được các ông không bỏ, theo đề vịnh tiếp, đóng thành một quyển, xa gửi cho tôi, nhân đem khắc in. Do đó biết núi sông nhờ được phong hóa của tiên quân mà thêm phần tráng lệ, lại được các danh sĩ phẩm đề mà thêm vẻ linh tú. Thơ này chẳng những chỉ cho chốn ven biển thêm phần tươi đẹp mà cũng là một trang sử của trấn Hà Tiên vậy." Chả phải vô cớ mà người xưa nói: văn hay như ngọc, dù trộn trong đá sỏi cũng không lẫn được! Chỉ mấy dòng thôi mà trên mặt giấy hiện lên lừng lững một cốt cách: một con người khiêm nhường, biết trọng hiền tài, biết quý văn chương, ý thức được công lao khai phá của tiền nhân và cũng tự hào về việc xác lập văn hiến của mình! Và đây nữa, xin đọc mấy dòng của một người cùng thời: "Người ấy chưa đến năm mươi tuổi, sao mà có lúc là gió, lại sao mà có lúc là mưa, đó không phải là vị sai khiến là gì? Mảng nghe hiền hầu nhún nhường về việc phong đất chia cỏ, giữ lời hẹn mà đốt tờ khoán, tha lầm lỗi, trọng lời ừ, vâng mệnh vua như trong gang tấc. thế rồi mà chưa thỏa mãn, tức không ngừng xem đọc, một điều hay đến thì vui như lên đài xuân." Ðấy là lời trong thư của Nguyễn Cư Trinh, Thượng thư bộ Lại, một tác giả lớn của văn chương Việt gửi cho Mạc Thiên Tích. Qua những dòng chí tình này, ta hiểu thêm về vị chủ soài Tao đàn. Và chính ở đây ta tâm đắc một điều: người xưa ứng xử với nhau đẹp quá!

   

Chân dung văn học của thi sĩ họ Mạc sẽ không trọn vẹn nếu không có Minh bột di ngư thi thảo. Tập sách với 32 bài thơ và bài phú 100 vần phản ánh tâm sự khác của Mạc.  Tập sách thấm đẫm nỗi lòng của người con với cố quốc, với quê cha. Một đi không trở lại xa lắm rồi, diệu vợi lắm rồi. Mạc tự ví mình như ông chài còn sót lại trên biển nhà Minh. Hai nỗi buồn: Nhớ nước và càng buồn thay, nước đã mất! Nỗi buồn mênh mang trong bài phú Buông câu trên Lư Khê:

 

       Tưởng người đẹp chừ đang vò võ nơi nao.

       Nhớ nước cũ chừ chỉ đăm đăm ngoái cổ.

 

Người đẹp Mạc dùng không phải theo nghĩa thông dụng hôm nay mà đó là Quê Cha, đất tổ, những gì thiêng liêng gắn bó nhất với kẻ sĩ.

   

Tôi hiểu Mạc, cảm thông với ông. Ðấy chính là chất người nhất của con người. Và đấy cũng chính là thi nhân! Trong thành đạt tới tận cùng của danh lợi và trong hòa đồng tới cùng với người và cảnh nơi Quê Mẹ, ông vẫn không quên nguồn cội. Và cũng từ ông, tôi thông cảm với hàng triệu người Việt sống ở nước ngoài. Ðấy là tất cả những gì khiến ngày xuân nay tôi chạnh nhớ về ông. Ba trăm năm qua đi. Du khách đã và còn tới Hà Tiên ngoạn cảnh. Nhưng dễ mấy ai biết rằng những cảnh đẹp Hà Tiên từ thơ Mạc Thiên Tích mà có?

   

Nghĩ về Hà Tiên, nghĩ về Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, tôi bỗng ngộ ra một lẽ: Bản chất của văn hiến Hà Tiên là gì? Phải chăng đó là nền văn hóa cao của người khai mở được gieo trồng giữa tấm lòng rộng lớn đôn hậu của con người và cùng khí thiêng của cảnh vật bản địa? Nếu vậy, bài học lớn nhất mà Hà Tiên để lại cho hậu thế chính là long quảng bác Chiêu Anh. Chiêu mộ anh hùng, chiêu mộ anh tài. Ðấy chính là bí kíp làm nên sự thăng hoa của Hà Tiên ba trăm năm trước.

   

Có thể nghĩ nhiều về ông: Mạc Thiên Tích thi nhân, võ tướng, con người bi kịch nuốt vàng chết ở xứ người. Nhưng trong tôi, ông cứ hiện lên rờ rỡ bóng hình người tình nhân ngơ ngác buông cương nuối nhìn người tình nhân thấp thoáng trong khói hương cõi phật. Chính ở đây, ông gần nhất với Con Người.

 

Sài Gòn, cuối năm Ất Dậu

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4742
Ngày đăng: 22.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buổi chiều đầu năm với nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Huỳnh Lê Nhật Tấn
Chuyện khảo về Huế-phần 3 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện khảo về Huế-phần 4 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện khảo về Huế-phần 5 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện Khảo Về Huế-phần 1 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện Khảo Về Huế-phần 2 - Trần Kiêm Ðoàn
Cô đơn thời hiện đại - Nguyễn Thị Thu Hiền
Một nơi tôi đã đến - Trinh Công Sơn
Nơi có vùng tâm bão đi qua … - Trần Xuân Linh
Người đang tiếp tục hành trình * - Vinh Huỳnh
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)