Vai mang, tay xách, chị Hiền uể oải bước lên bờ, đi từng bước về nhà. Khung cảnh chợ búa tấp nập, những tiếng trả giá, tiếng chào mời vẫn còn vang vang trong đầu chị. Mấy giỏ sapô để ngoài nắng từ trưa đến chiều đã ngả màu. Lớp trên mặt giỏ chị đã lựa những trái lớn nhất, có màu vàng chanh, sáng bóng; thế mà bây giờ nó đã ngả sang màu đất đen xỉn. Mới hôm qua mấy người trong xóm đi bán về nói sapô lớn được 3.000 đồng một ký, còn loại nhỏ cũng được 2.000; vậy mà hôm nay mỗi loại sụt xuống 500 đồng. Sapô của chị thiếu phân, nên trái nhỏ nhiều hơn trái lớn. Có 7 giỏ mà hết 3 giỏ loại nhỏ, 1 giỏ cu li; chỉ còn được 3 giỏ lớn. Loại cu li bán có 500 đồng 1 ký mà người ta còn không muốn mua. Mùa mưa, trái cây rẻ như bèo, nên chị cố gắng tự làm chứ không dám thuê mướn ai. Hôm qua, mới tờ mờ chị đã ra vườn, hái tới trưa mới được hai liếp. Một mình không có ai chuyền, nên chị cứ trèo lên, hái đầy túi bàng thì tụt xuống; hết trên cây lại xuống đất, ngửa cổ lên trời tìm kiếm từng trái. Tay chân chị mỏi nhừ, mắt chị hoa lên; biết chắc một mình không hái kịp, chị mới gọi cô bé hàng xóm đến giúp. Hái xong trời đã nhá nhem tối.
Chị tắm rửa, ăn qua quýt tô cơm nguội với mấy con mắm sống, rồi bắt tay vào chùi sapô. Nếu đêm nay không chùi thì sáng mai sẽ không kịp xếp vào giỏ để đi cho kịp con nước lớn. Chị ngồi giữa 3 cái thau lớn đầy nước. Thau đầu tiên có pha nước rửa chén để dễ chùi; thau thứ hai là nước sạch, để rửa lại; thau thứ ba có pha nước trái tắc để ngâm cho trái không ngả màu. Trái sapô phải đi một vòng qua hết 3 cái thau, rồi được vớt ra đệm để cho ráo, mới phân loại, chất vào giỏ. Chị hái một ngày, chùi trắng đêm, lựa chọn, sắp xếp cả buổi, đi chợ từ 12 giờ trưa tới 6 giờ chiều mới về tới nhà, vậy mà chỉ bán được có 250.000 đồng. Chị chừa riêng tiền trả công đẩy 7 giỏ sapô từ nhà ra bến đò, rồi tiền mướn người ta khiêng từ đò lên chợ; tiền đò từ nhà tới chợ, tiền công một buổi hái; tổng cộng 57.000 đồng. Còn lại 193.000 đồng, nếu mua phân thì sẽ không đủ tiền sống trong những ngày tới. Nhưng không mua thì cây thiếu phân, còi cọc, làm sao đủ sức nuôi trái. Vậy là chị bóp bụng mua 30 ký phân đạm. Cứ tưởng như cũ, chị lấy ra 150.000 đồng, không ngờ người ta bảo chị phải trả 165.000 đồng mới đủ, vì giá phân đã lên mỗi ký 500 đồng. Phân đã được cân, được đưa lên xe đẩy rồi, không lẽ trả lại? Thôi thì đành vậy. Trong túi còn chưa tới 30.000 đồng, chị giả bộ ngó lơ khi đi qua các quầy hàng. Vừa đói, vừa khát, chị định bán xong sẽ ăn một tô hủ tiếu cho đã, nhưng bây giờ chỉ dám mua một bịch sữa đậu nành. Đi ngang qua hàng thịt, người ta mời mua thịt heo, chị lắc đầu, trong lòng nghĩ đến những con ốc kho khô sả.
Chị đẩy cây then gài, nhấc cánh cửa bước vào. Căn nhà vắng tanh. Con chó phèn từ đâu chạy về nhảy chồm lên kêu ư ử, đuôi ngoái tít. Chị vỗ vỗ vào đầu nó, thấy lòng nhẹ đi đôi chút. Trên bàn thờ, anh nhìn chị mỉm cười. Đã 19 năm rồi, lúc nào anh cũng nhìn chị như thế. Ánh mắt anh thật ấm áp, nụ cười của anh thật bao dung. Chính ánh mắt ấy, nụ cười ấy đã giúp chị đứng vững, đã an ủi chị lúc khó khăn. Anh chết năm 1982, thì năm 1983 xoáy lốc làm sập nhà. Bà mẹ chồng vì quá buồn rầu cũng bỏ chị mà đi. Một nách hai con, con Thảo mới lên 6, còn thằng Hiếu chưa đầy 2 tuổi. Chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, đầu tắt mặt tối; ngày lo chuyện ruộng vườn, tối dạy con học. Nhiều lúc chị tưởng mình ngã quỵ vì nỗi cực nhọc, cô đơn.
Rồi con Thảo, thằng Hiếu lớn dần; chúng rất ngoan và rất thương mẹ. Tốt nghiệp cấp II con Thảo nghỉ học. Chị nói cách gì nó cũng không chịu đến trường. Nó học giỏi, nhưng lại nói dối là học không nổi. Chị biết con chị muốn chia sẻ gánh nặng với mẹ nên không nỡ mắng. Thiệt tội cho con nhà nghèo. Từ ngày con Thảo nghỉ học chị đỡ vất vả hơn, hai mẹ con tập trung lo cho thằng Hiếu. Tốt nghiệp cấp III thằng Hiếu thi vào trường sĩ quan Lục quân, nhưng không đủ điểm. Nó thất chí, nằm ủ rũ suốt mấy ngày; cuối cùng nó xin chị cho nó đi bộ đội. Chị biết, đi bộ đội thì nó sẽ nên người hơn. Như cậu Út nó vậy, hồi ở nhà bạch diện thư sinh, ăn cơm không biết rửa cái chén, ngủ dậy không biết xếp chăn màn; thế mà sau hai năm ở bộ đội về cao lớn hẳn lên, da dẻ mặn mòi, săn chắc. Không chỉ thế, nó còn siêng năng, chịu khó hơn trong công việc, chững chạc trong giao tiếp. Bây giờ nó trở thành người kỹ tính không ai bằng. Trong nhà, có chỗ nào không ngăn nắp là nó tỏ ra khó chịu. Có khi nó bỏ ra cả buổi để dựng lại cái sào phơi quần áo, sửa lại cái chuồng gà… Chị cũng hy vọng thằng Hiếu sẽ trưởng thành như cậu Út nó, nhưng nghe nói trong quân đội kỷ luật nghiêm lắm, rèn luyện cực khổ lắm, nên chị không đành. Chị im lặng, tưởng thằng Hiếu sẽ quên chuyện đó, không dè nó còn lôi con Thảo vào. Chúng nó phân tích, giãi bày, tìm mọi cách để thuyết phục chị. Chị đuối lý, lại lặng thinh. Chúng nó cứ bám riết, năn nỉ. “Ừ, đi đâu thì đi!”.
Thằng Hiếu vào bộ đội năm trước, năm sau con Thảo lấy chồng. Nhà chồng nó cách nhà chị một con sông, nhưng cũng phải vài tháng vợ chồng nó mới về thăm chị một lần. Thằng Hiếu thì ở đơn vị gì đó, đóng quân tuốt trên An Giang, đã hơn nửa năm rồi chưa về nhà. Căn nhà nhỏ của chị bây giờ rộng thênh thang, không có tiếng cười nói, tiếng gọi “mẹ ơi”, chị thấy mình như chìm đi trong cô quạnh.
* * *
Thằng Hiếu điện cho bạn nó, nhờ nói với chị là cuối tháng này nó sẽ về thăm nhà. Chị mừng quá, cứ nghĩ đến ánh mắt trong sáng của nó, giọng nói líu lo của nó và khuôn mặt dễ thương còn đọng nét trẻ con mà chị nhớ cồn cào. Từ nay đến cuối tháng chỉ còn 5 ngày nữa, làm sao nhắn cho con Thảo biết đây? Rồi phải chuẩn bị món gì để đãi thằng Hiếu, món gì cho nó mang lên đơn vị để vui với anh em? Rồi cũng phải cho nó ít tiền để xây xài chứ… Chị đi ra, rồi lại đi vào, luýnh quýnh chẳng làm được việc gì cả. Thằng Hiếu thích nhất là món lẩu mắm nấu lươn nướng, ăn với bắp chuối xiêm đập giập, xẻ đôi, rồi chế vào chút nước giấm pha đường. Còn bánh, nó chỉ thích có món bánh xèo thôi. Ở bộ đội, ăn cơm tập thể thì làm sao có điều kiện ăn những thứ đó. Về nhà, nhất định chị sẽ nấu nhiều món ngon cho nó ăn. Còn quà cho nó mang lên đơn vị, chị sẽ làm vài ổ mứt dẻo, một ổ nem chay, ít thịt chà bông là được rồi. Nem chay vỏ bưởi chỉ tốn công, không tốn nhiều tiền mà ăn rất ngon. Mứt dẻo thì phải mua bột, đường, đậu phộng; rồi mua thịt để làm chà bông… Tiền, chị lại phải nghĩ đến tiền, thứ mà mỗi khi nhớ đến là chị nhức đầu. Lứa sapô kế tiếp ít nhất cũng hai tuần nữa mới có. Còn mấy chục cây cam sành đã cho lứa trái đầu tiên, nhưng chưa lên da lươn, có bán cũng chẳng ai mua. Mắt chị bỗng sáng lên khi chợt nhớ có một người chịu mua trái cây non. Bà Tư Bê!
Nhưng bà Tư Bê chỉ mua những thứ trái cây có giá ổn định, như vú sữa, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt… Còn cam sành giá cả thất thường, bà không mua. Biết làm sao bây giờ? Có lẽ vẻ thất vọng của chị làm cho bà Tư Bê thấy ái ngại, bà phân vân một lúc rồi ngập ngừng nói: “Hay là… tôi cho cô vay tạm vài trăm vậy”. Chị Hiền mừng như kẻ sắp chết đuối vớ được phao, chị đồng ý ngay. Bà Tư Bê cho chị vay 300.000 đồng, mỗi tháng 15.000 đồng tiền lãi. Bà còn nói, nếu chị không có tiền trả thì phụ bà làm cỏ vườn, hái trái cây cũng được.
Chị Hiền ra về lòng nhẹ đi như vừa được ai sớt chia gánh nặng. Con đường dưới chân chị như mịn hơn, êm hơn. Những cành cây ven đường quẹt vào tay chị như vuốt ve, an ủi. Nghĩ đến giây phút nhìn con trai ăn những món ngon do chính tay mình làm, chị mỉm cười. Đi ngang qua nhà bà Hai Mì chị nghe tiếng khóc, tiếng bé Hương hốt hoảng gọi bà nội. Chắc có chuyện gì đây? Chị lật đật rẽ vào nhà bà Hai.
Trước mắt chị bà Hai nằm sải tay trên nền đất, bất động. Mắt bà nhắm nghiền, đôi môi khô mấp máy. Bé Hương vừa khóc, vừa lay gọi bà nội.
- Trời ơi! Sao vầy nè?
Chị giúp bé Hương đỡ bà nội lên giường, cái giường duy nhất trong căn nhà lá trống huơ trống hoác. Qua những câu nói không đầu, không đuôi của bé Hương chị lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Bà Hai bị bệnh mà không có thuốc, lại không có người săn sóc. Đã mấy ngày rồi, bà chỉ uống nước cháo thôi. Có lẽ bà nằm mê man, lúc tỉnh dậy không thấy ai, bà bước xuống giường, nhưng yếu quá, quỵ luôn.
Chị bảo bé Hương kêu những người hàng xóm đến trợ giúp, rồi quýnh quáng đi tìm dầu đánh gió cho bà Hai. Mười Hoa, Tư Bi và cả một đám con nít chạy tới thì bà Hai cũng vừa tỉnh. Ai cũng khuyên bà đến trạm xá, nhưng bà lắc đầu: “Tiền mua thuốc uống còn không có, tiền đâu mà ra đó nằm!”. Mười Hoa và Tư Bi im lặng ngó sang chỗ khác. Chị len lén đưa tay đè cái túi áo đang cộm lên của mình.
Ai cũng biết bà Hai Mì nghèo nhất xóm, cho bà mượn tiền cầm bằng cho luôn. Chồng chết khi còn rất trẻ, bà ở vậy nuôi con. Tài sản của gia đình bà là 2 công ruộng gò, làm thì cực mà thu hoạch chẳng bao nhiêu. Mùa nào thằng Bay với con Hương cũng đi mót lúa, bà đi gặt thuê kiếm thêm mới đủ sống. Hết nuôi con, rồi nuôi cháu, dáng bà đã thấp bé, lại càng thấp bé hơn. Thằng Súp - đứa con trai duy nhất của bà - mười bốn mười lăm tuổi đã biết uống rượu. Bà cưới vợ cho nó “để nó lo làm ăn”, nhưng ngược lại nó càng say xỉn nhiều hơn. Mỗi lần nó say rượu là đập phá, chửi bới. Vợ chồng nó sống với nhau được 6,7 năm, đã có hai đứa con; thì một lần vợ nó lên miệt Tháp Mười gặt lúa mướn rồi không về nữa. Lúc đó thằng Bay - đứa con lớn của chúng mới được 6 tuổi, còn con Hương mới 4 tuổi. Tưởng khổ đến vậy thì thôi, không ngờ hai năm sau thằng Súp qua đời vì bệnhxơ gan. Đi đám tang thằng Súp, thấy bà Hai Mì ôm hai đứa cháu nội ngồi ngơ ngác bên bàn thờ, ai cũng khóc. Rồi làng xóm mỗi người một ít, giúp bà vượt qua những ngày khốn khó.
Còn bây giờ? Mười Hoa và Tư Bi không nói gì, chắc là họ cũng đang khó khăn. Xóm này có mấy cái nhà, lại toàn nhà nghèo, biết tính sao bây giờ? Mấy trăm ngàn bà Tư Bê vừa cho vay lại cồm cộm trong túi chị. Chị tự răn mình: “Không được, tiền này mới vay của người ta mà. Phải để dành đón thằng Hiếu!”.
- Mấy ngày nay sắp nhỏ nhà tui cứ cua ốc qua ngày, nhà không còn một xu dính túi - Mười Hoa phân trần. Tư Bi thở dài, rồi cất giọng buồn buồn:
- Sống bằng cái nghề nông này coi bộ không khá. Cái gì cũng lên mà giá nông sản thì lại xuống. Ngày nào tui cũng nghe bà nhà tui than cháy ruột; đến nước mắm, bột ngọt hết mà cũng không có tiền mua.
- Tui cám ơn… mấy dì, mấy cậu. Tui nợ xóm mình… nhiều lắm rồi, sợ tới chết… cũng không trả hết - Bà Hai lấy hơi, rồi thều thào nói tiếp - Bệnh nhà nghèo… chỉ cần nghỉ vài ngày, nấu vài nồi xông… là khỏi mà.
Nhìn bà Hai thở mệt nhọc, tay chân xụi lơ không chút sức lực, chị Hiền rất sợ. Lỡ bà có mệnh hệ gì thì hai đứa nhỏ sống sao đây? Nếu vì không có tiền trị bệnh mà bà chết đi, thì cả đời chị sẽ bị lương tâm cắn rứt. Thằng Hiếu mà biết chắc cũng không tha thứ cho chị. Chị nói nhanh như sợ mình đổi ý:
- Tui có tiền. Tui mới vay được ba trăm. Tui chia cho chị trăm rưỡi nè, còn trăm rưỡi tui để dành đón thằng Hiếu. Cuối tuần này nó về đó!
Chị nói xong thấy lòng nhẹ nhõm. Tư Bi, Mười Hoa cũng mừng như vừa tìm ra lối thoát. Bà hai Mì cầm mấy tờ bạc mà mắt rươm rướm lệ.
- Dì đã đi vay của người ta… còn cho tui mượn. Ơn này… tui lấy gì báo đáp đây?
- Chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau mà, chị đừng lo. Vài tháng nữa tui phá bầy heo, nhiều không có, chứ cho chị đủ trả cho cô Hiền thì chắc được - Tư Bi vui vẻ tuyên bố.
Rồi người đi mượn xuồng, người sắp xếp đồ đạc để đưa bà Hai ra trạm xá. Mười Hoa tình nguyện đi theo chăm sóc bà hai. Bé Hương đòi theo, bà Hai cũng không muốn bỏ cháu ở nhà một mình, nhưng không lẽ đem hai anh em nó theo. Chị Hiền hứa sẽ tới lui coi sóc chúng, bà hai mới yên tâm xuống xuồng. Tư Bi bơi mũi, Mười Hoa bơi lái, nhìn chiếc xuồng rẽ nước băng băng chị Hiền bỗng mỉm cười. Chị thấy vui vì được sống gần những người tốt như Mười Hoa, Tư Bi. Người ta nói không sai, tình cảnh này đúng là “lá rách đùm lá nát”. Mai mốt thằng Hiếu về, biết được chuyện này chắc ăn cua, ốc cũng vui.