Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.230.691
 
Hoang đường
Nguyễn Ngọc Tư

Một ngày tháng Mười buồn tẻ.  Gió lao rao lạnh, mưa lay phay, buông xuống giữa trời chiếc rèm mỏng tang, ướt sũng.  Thêm những tiếng gà eo óc xa xa...  Bữa đó, Chín gặp ma. 

 

Những người đang sống bên mình, đang cười đang nói đang đẹp đang yêu, có thể họ là ma, phát hiện đó không đáng thảng thốt, hết hồn sao.  Mắc cười, lúc đầu Chín còn tưởng con nhỏ vừa đến trọ cùng phòng là người.  Bởi cô ta giống hệt như những đứa con gái Chín thường hay gặp trên đường.  Tóc nhuộm vàng pha nâu, từng lọn uốn loăn quăn như sợi mì ăn liền, gương mặt xinh đẹp được trang điểm tỉ mỉ, chiếc áo mỏng tang, hai dây gá hờ lên đôi vai trần, hở nhiều chỗ thịt da tái xanh vì lạnh. 

 

Mùi nước hoa cũng ướt đẫm thành vệt khi cô gái đi qua chỗ Chín ngồi lặt rau lang.  Bà chủ nhà đon đả đi trước vẹt đường cho mớ hành lý kềnh càng.  Con nhỏ lướt ánh mắt giễu cợt, phủi lên những vật dụng đơn sơ trong phòng, rồi dừng lại chỗ cái áo sơ mi Sở treo trên móc, cô ta ngó Chín, bĩu môi cười.

 

Chín thấy tuyệt vọng.  Chỗ trú thân của Chín, thế giới riêng của Chín đã bị chia sẻ, kể từ bây giờ.  Ngay lúc này, Chín ước gì mình có một món tiền, vừa đủ trả cho bà chủ khu nhà trọ, để đá con nhỏ đó văng ra đường.  Tưởng tượng cái cảnh cô ta lếch thếch ngoi ngóp ngoài sân Chín thấy hể hả.  Nhưng cảm giác ấy kéo dài không được bao lâu, thực tế là con nhỏ đang đứng đây, và tối nay sẽ nằm ngủ trên giường của Chín. 

 

Phải, cả chiếc giường cũng không của riêng Chín nữa.  Đứa con gái xa lạ mà Chín còn chưa biết tên đã chiếm giữ nó từ chạng vạng, cô ta nằm xoãi tay, dạng chân dồn Chín ở rìa giường.  Phờ phạc nghe cô ta thở đều, Chín trằn trọc, cứ nhắm mắt lại thấy mình phập phều như sắp rớt xuống đất.  Nửa đêm, Chín lấn vô, vừa chạm vào con nhỏ thì bỗng nghe một cảm giác lạnh buốt nhói thấu tận chân tóc.  Dường như cô ta rỗng không trong chiếc áo phập phều, đến nỗi Chín có thể nằm chồng lên.

 

Chín vọt khỏi giường.  Chín bỏ chạy.  Không, chính xác là Chín lết đi.  Một nỗi sợ hãi nghẹn ứ trong cổ họng.  Ra đến sàn nước, chỗ tắm giặt chung của khu trọ, Chín ngoái lại thấy căn nhà mình như lung linh trong sương, muốn khóc, buột miệng kêu Sở ơi, Sở!

 

Không ai đón đỡ nên tiếng gọi giãy đành đạc giữa thinh không, vọng lại lòng.  Tình yêu làm Chín bình tĩnh lại.  Trời ơi, mình đâu có thể bỏ nhà mà đi được, mình phải trở về để chờ Sở, lạc nhau giữa biển người, giờ chỉ còn chút giềng mối này.  Sống chung với ma hả, chơi luôn. 

 

So với nỗi đau phải trốn chạy, từ bỏ gia đình, thì những biến cố còn lại, Chín coi thường.  Cứ nhìn cái vẻ ngoài rất - người của con nhỏ thì biết, còn nhiều con ma khác đang long rong giữa đời này, lâu rày, có ai hay gì đâu.  Thí dụ mình cũng chẳng biết gì đi.

 

*

Viên giả đò ngủ say khi chị ta trở vào nhà.  Nghe hơi thở ngập ngừng, lâu lâu lại có một quãng lặng, đờ đẫn, Viên đoán chị ta cũng đang sợ hãi, giống như mình.  Khi chị đặt thân mình trong suốt lên người Viên, lưng chị ta chạm chiếu, Viên giật mình thức giấc vì cảm giác như mình nằm trên tảng đá đầy rêu, nhảo nhớt.  Rồi chị ta bỏ chạy ngay lúc Viên định thét lên.  Buồn cười, chắc là chị ta tưởng Viên là ma.

 

Viên muốn cười ha ha ha, vui quá, bữa nay đúng là ngày vui, cho cha, cho mình.

 

*

 

Những ngày sau đó là những ngày rất dài, phần vì phải dòm chừng con nhỏ ma, phần vì cuộc chờ đợi đã bước sang tháng thứ ba, ngày thứ sáu mươi mốt.  Mỗi tối, nhìn áo khăn của Sở treo trên vách, Chín luôn hy vọng, ngày mai là kết thúc.  Sở bước qua cửa, và Chín ngấu nghiến ôm lấy anh.  Chị Ba ve chai sát bên nhà chì chiết, “Ngu vừa thôi, rõ ràng là thằng Sở bỏ mầy rồi, chờ chi nữa, mắc công”...  Chín không tin, hôm cuối cùng bên nhau, Sở còn hứa tháng Mười này, ngay dịp ở nhà có đám giỗ, Sở sẽ theo Chín về chịu tội với má, với họ hàng.  Sở đã thề năm bảy bận, là sẽ yêu thương Chín suốt đời.  Chị Ba tức quá hỏi lại:

 

- Con mèo chạy qua, thằng Sở nói con chó, mầy nhắm tin hôn?

 

Chín cười:

 

- Tin.  Miễn ảnh vui...

 

Chị kêu trời.  Tánh Chín vậy, yêu hết, tin hết, rút ruột ra để yêu, quăng nguyên con vào yêu, chắt cạn cả mình.  Biết là lửa, nhưng con thiêu thân vẫn muốn lao vào cháy hết một lần.  Yêu mà để dành, dè chừng, phòng hờ thì vui gì, Chín thường hay nói vậy. 

 

Mỗi ngày qua, Chín lại thấy mình xanh xao thêm một chút.  Chín mất việc ở công trường, vì nhiều khi, Chín không nâng nổi cây sắt hay cục gạch chút xíu.  Hàng xóm thắc mắc, “Có bầu sao mà ốm nhom xanh ẻo vậy, mậy?”.  Chín giãy, “Trời, bây giờ mà có em bé anh Sở giận chết, ảnh nói, hai đứa còn nghèo...” Nhưng sâu thẳm trong lòng, Chín thèm khát trẻ con, có nó, chắc Chín không đến nỗi thắt thẻo vì thương nhớ Sở như vầy. 

 

May, có con nhỏ ma, nhịp sống của Chín thay đổi chút ít.  Nó đi cả đêm, có bữa về tới nhà đã rựng sáng, say mèm, son phấn chảy xuống mặt, coi xinh đẹp não nề.  Suốt ngày sau nó nằm ngủ vùi, mặc kệ điện thoại di động reo như bị ai cắt cổ.  Nhiều lúc nghĩ nó đói, Chín kêu dậy ăn cơm.  Nó không mở mắt, lắc đầu, nói cảm ơn rồi lại thở đều. 

 

Có vẻ như con nhỏ vẫn tưởng mình là người.  Mà Chín không đành, nói “nhỏ ơi, mầy chết ngắc rồi” không phải phủ phàng lắm sao? Sở hay bảo, yêu nhất là tánh Chín thương người.  Bây giờ mới biết, ma Chín cũng thương.  Dù nhiều khi, con nhỏ làm Chín giận run.  Một bữa, ngủ dậy, bỗng dưng con nhỏ ma đùng đùng lôi áo của Sở xuống, dẫm giày lên rồi đá thốc về phía Chín, “tui không thích dấu vết của tụi đàn ông ở trong nhà nầy”.  Chín chạy lại ôm cái áo lấm lem vào lòng, chực khóc.  Con nhỏ ma dịu giọng:

 

- Của bồ hả?

 

Chín ngoay ngoắt bỏ ra sàn giặt.  Nó hỏi vói theo:

 

- Thằng đó đâu rồi?

 

Ôi! Ước gì Chín biết Sở đang ở đâu.  Một bữa, hai đứa đi coi hội chợ về, lúc qua đường, Chín bị xe máy tông vào.  Chín ngất đi, lúc tỉnh, lồm cồm bò dậy chiếc xe gây tai nạn mất tiêu.  Cũng không thấy Sở.  Tưởng anh chạy đâu đó để mua bông băng cho mình, Chín ngồi bên vệ đường chờ đến khuya xa xắc.  Tưởng Sở về nhà, nhưng ở nhà trống hoác.  Tưởng Sở đi đâu một chút thôi, ai dè biền biệt đến giờ.  Sở nghĩ Chín chết nên không quay lại nơi đau thương này? Hay Sở không thể chịu được khi nhìn thấy Chín đau? Hoặc Sở tự dằn vặt, không mặt mũi nào mà gặp lại người yêu, vì anh mà tai nạn đến với Chín (lẽ ra anh nên đi trước, lẽ ra anh nên nắm tay để kéo Chín lại với mình)? Chín loay hoay, mê mải với những giả thuyết rối nùi, không manh mối. 

 

*

 

Nhưng có một giả thuyết mà chị ta chưa nghĩ tới, là chị thật sự chết rồi.  Viên cố tình không chạm vào cơ thể chị, bởi biết cái chết, bản thân nó là một nỗi đau. 

 

Thế mình sống thì sao, thì không đau, thì sung sướng? Viên tự hỏi, và cười rủ rượi trên giường.

*

 

Con nhỏ ma dựng quanh nó đầy những bức tường nghi hoặc.  Những câu hỏi bỏ lửng...  Nó mở ti vi, nhăn nhở chỉ một ông sang trọng nói “ba tui kìa” rồi im lặng khi Chín nhổm lên hỏi thiệt hôn.  Bữa khác nó thản nhiên bảo cái nhà ba bốn tầng (cũng trong ti vi) là nhà mình, trong khi nó đang ở trọ.  Nhiều tiền mà ở trọ.  Ở trọ mà chạy Dylan, chiếc xe trăm ngoài triệu chớ giỡn sao.  Cứ vậy, ở con nhỏ ma, không có gì là hợp lý.  Coi bộ nó ghét đàn ông, lại có vẻ như đang yêu, đang hẹn hò dù không biết với người nào, vì mới ngọt ngào cùng một người tên Dũng nào đó, cú điện thoại sau lại ngoay ngoắt bảo nhớ Hùng quá, anh ơi.

 

Khó hiểu, nhưng không ghê rợn như những gì người già hay kể.  Nào là ma biết bay, ma lưỡi dài, xoã tóc, ma xanh lét hay ma rút ruột.  Rốt cuộc, người ta dựng chuyện khơi khơi vậy thôi, có ai tới được chỗ đó đâu, có đến cũng không trở lại, để kể. 

*

 

Những buổi chiều nhìn người con gái gội đầu bên hồ nước đầy rêu, những tia nắng cuối cùng nhảy nhót trên cổ trên áo chị, Viên thường thảng thốt.  Không thể phân biệt được chị ta với người, bằng mắt thường, đến nỗi lúc ra đường, Viên nhìn ai cũng gợn lên ý nghĩ, không biết người hay ma đây. 

 

Không có ranh giới nào, vì chất-người trong người con gái ấy vẫn lung linh, những lần chị thức giấc kéo mền lại cho Viên, những khuya chị mở cửa cho Viên, không quên cằn nhằn, “đi đâu mà gà gáy mới về”, những khi chờ Viên dậy để cùng ăn cơm.  Rau luộc chấm chao thôi, Viên cầm đũa, mà cảm giác mắt mình ướt như vừa khóc.

 

Mười ba năm, Viên chưa từng có cảm giác này. 

*

 

Một bữa nắng nhiều, con nhỏ ma nhờ Chín khui mấy thùng đồ ra phơi cho đỡ mốc.  Thùng Một, có vài con búp bê đắt tiền, vài lọ nước hoa còn mới nguyên, mấy cái áo len.  Và những khung hình đã cũ.  Chín tần ngần trải chúng ra dưới nắng, thấy long lanh những nụ cười. 

 

- Mẹ tôi nè, đẹp hen - Con nhỏ ma chìa tấm ảnh một người phụ nữ trước mặt Chín, rồi lạnh lùng cụp lại - Lấy chồng rồi, đẻ một bầy con bên Mỹ. 

 

Chín ngộp thở, chưng hửng...  Con nhỏ cười, cái cười kêu lóc cóc, khô như những hòn đá lăn vào nhau, “Thấy ngộ lắm hả? Nhằm gì, cha tôi cũng vừa mới đám cưới tưng bừng...”.

 

Chín cảm giác con nhỏ đang chết thêm lần nữa khi nhắc lại một hai đám cưới đã dự trong đời.  Thế giới của ma, cũng đầy đau xót, thiệt ngộ, tưởng chết là khoẻ trân chớ (về điều này, mấy bà già lại lừa mị, ai nói chết là hết đâu). 

 

Thùng Hai, đầy nhóc sách vở, có cả thẻ sinh viên.  Trời, vậy là con ma này lê la tận trường học.  Chín hỏi “Ủa, sinh viên sao không thấy đi học gì hết vậy?” Con nhỏ cố gắng nắn miệng mình thành nụ cười trên khuôn mặt bất cần, rắn câng, “Không học cũng đậu, cũng có chỗ làm ngon lành, học chi cho mệt...”

 

Thùng Ba, lổn ngổn những gói quà nhỏ chưa từng được mở ra.  Phía trên cùng là quyển sổ dày, bìa có “Ghi tình” cùng hình mấy con bướm chết tả tơi vẽ bằng bút bi trên nền xanh lam, đã quăn mép.  Thấy Chín tần ngần, con nhỏ ma biểu cứ lật coi đi.  Mỗi trang là tên một người tình, với vài chi tiết như nơi gặp lần đầu, đặc điểm (thí dụ như “ngày mai cưới vợ” hay “buồn chán cuộc sống hôn nhân”...).  Còn có mục “nơi ngủ cùng nhau” (chữ ngủ này bao gồm nhiều hành động khác chứ không đơn thuần chỉ nhắm mắt và ngáy khò khò), cuối cùng là thời gian kết thúc, có khi gọn lỏn trong một ngày đêm.

 

- Sổ của tụi bạn tôi còn dày hơn nhiều.

 

Chín ngó sững vào khuôn mặt đẹp như được đúc bằng men sứ, lại ngộp thở.  Con nhỏ chưa từng biết yêu, thứ tình-yêu-của-người.  Nếu có quyển sổ cho mình, Chín sẽ ghi dày đặc tên Sở, và dằng dặc những chữ “em yêu anh”.  

 

*

 

Những tờ lịch cuối cùng của tháng Mười nặng nề rụng xuống, người đàn ông tên Sở vẫn chưa về.  Viên nổi quạu thấy người con gái ra cửa ngó mong, và buông đũa nghe ngóng mỗi khi bước chân ai đó loẹt xoẹt qua nhà. 

 

Một bữa, chị thở dài, Viên càu nhàu, sao không ngủ.  Chị bảo, sớm mai là gói bánh đám giỗ nội.  Phải ở nhà, giác này chị đang ngồi lau lá, xắt khoai môn thật mịn để làm gân bánh ít mình ngọt, rồi nạo mấy chục trái dừa.  Giọng chị nghe đượm nồng mùi khói bếp ung. 

 

Viên trợn trạo nuốt cục nghẹn, tình yêu không đáng đánh đổi với cái mùi khói đó.

 

*

 

Một bữa dọn dẹp nhà, Chín thấy cuốn “ghi tình” hôm trước rơi hớ hênh dưới bàn.  Gió vô tình lật những trang gần cuối.  Tên Sở ở đó.  Chín hơi sững sờ, thấy cuốn sổ lọt tuốt qua tay mình.  Như những trang khác, con nhỏ ma không quên mục “đặc điểm”: “Người yêu vừa qua đời hai ngày.  Anh ta vẫn mạnh mẽ, không có gì khác lạ...”

 

Mắc cười, con nhỏ định dùng cách này để Chín không chờ Sở nữa.  Vô lý ở chỗ, nó ám chỉ Chín chết rồi.  Nhiều khi con nhỏ cũng vô duyên hết sức nói...

 

*

 

Viên nhận ra không dễ gì dập tắt lửa trong chị.  Giả như nhìn thấy người đàn ông chị yêu cắp tay một cô gái khác, ngay trước mặt, chị cũng nghĩ hắn ta có nỗi khổ gì đó, không thể nói ra.  Và nếu Sở ngã lòng, chắc Viên đã dùng những trò ma mị để quyến rủ.  Viên điên cuồng tìm cách chứng minh với chị ta không có thứ gọi là tình yêu.  Chị ta thì chẳng làm gì, cứ chờ đợi một mối tình thăm thẳm. 

 

Cho đến một bữa, Viên thật sự tin chị ta đang sống, vì vẫn hừng hực tin, yêu.

 

Còn mình thì chết rồi.  Chết mỗi ngày.  Liệu có còn sống lại được không?
Nguyễn Ngọc Tư
Số lần đọc: 3531
Ngày đăng: 25.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những chiếc lá rách - Ngọc Thủy
Tình cuối - Trần Huyền Trang
Tứ Bình - Cổ Ngư
Người của một thời - Hồ Tĩnh Tâm
Nàng Đae Chang Kim - Nguyễn Hồ
Người tốt - La Thị Ánh Hường
Vợ dại - Vinh Huỳnh
Hà Nội, mùa nước cạn - Cổ Ngư
Di sản - Lê Tư
Chuyện đời như kịch - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Bà già vui vẻ (tạp văn)
Ba bé Ngoan về (truyện ngắn)
Chiều vắng (tuyển truyện)
Cửa sau (truyện ngắn)
Cuối màu nhan sắc (truyện ngắn)
Đất mũi mù xa (truyện ngắn)
Đời như ý (truyện ngắn)
Dòng nhớ (truyện ngắn)
Giàn bầu trước ngõ (truyện ngắn)
Giao thừa (truyện ngắn)
Gió mùa thao thức (truyện ngắn)
Hiu Hiu gió bấc (truyện ngắn)
Lời nhắn (truyện ngắn)
Lụm còi (truyện ngắn)
Lý con Sáo sang sông (truyện ngắn)
Mơ hết (truyện ngắn)
Một mái nhà (tạp văn)
Một mối tình (truyện ngắn)
Ngọn đèn không tắt (truyện ngắn)
Ngỗn ngang (truyện ngắn)
Làm má đâu có dể (truyện ngắn)
Người xưa (truyện ngắn)
Nhà cổ (truyện ngắn)
Nhớ sông (truyện ngắn)
Nước chảy mây trôi (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Qua cầu nhớ người (truyện ngắn)
Tắm sông (truyện ngắn)
Đau gì như thể (truyện ngắn)
Bởi yêu thương (truyện ngắn)
Chuyện của Điệp (truyện ngắn)
Huệ lấy chồng (truyện ngắn)
Lỡ mùa (truyện ngắn)
Lời cho má (truyện ngắn)
Mối tình năm cũ (truyện ngắn)
Nhớ đất (tạp văn)
Nửa mùa (truyện ngắn)
Xa xóm mũi (truyện ngắn)
Thương quá rau răm (truyện ngắn)
Duyên Phận So Le (truyện ngắn)
Nhân phủ (truyện ngắn)
Trở gió (tạp văn)
Cái nhìn khắc khoải (truyện ngắn)
Người năm cũ (truyện ngắn)
Chơi một mình (tạp văn)
Ngủ ở Mũi (tạp văn)
Người Dưng Làm Má (truyện ngắn)
Chợ của má (tạp văn)
Bà Cô (tạp văn)
Làm cho biết (tạp văn)
Nghĩ cho con (tạp văn)
Lương (truyện ngắn)
Ngày đã qua (truyện ngắn)
Kỳ tích (truyện ngắn)
Giỡn chơi (truyện ngắn)
Trò chơi quên nhớ (truyện ngắn)
Hoang đường (truyện ngắn)
Cỏ Xanh (truyện ngắn)
Làm mẹ (truyện ngắn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Ngày đùa (truyện ngắn)
Nỗi buồn rất lạ (truyện ngắn)