Mỗi dân tộc đều giữ trong tâm thức mình một vài loài cây mang ý nghĩa linh thiêng, ý nghĩa biểu trưng. Điều đó không có gì xa lạ bởi con người vốn gần gũi với thiên nhiên và đời sống tâm linh cũng luôn gắn bó, đi bên cạnh một đời sống vật chất hiện hữu của con người. " Thần cây đa, ma cây gạo", nếu như người Kinh coi cây đa với cội rễ cổ thụ xum xuê là "thần", đi đâu xa cũng thoảng nhớ về cây đa cùng bến nước, sân đình thì người Mường xưa có một bóng Chu đồng để tựa vào đó thắp lên muôn ngàn mơ ước.
" Chu" tiếng Mường dùng để gọi cây dâu da- một loài cây cho quả chua, ăn được, sống ở trong rừng. Chu đồng là cây dâu da bằng đồng. Nhưng có phải đó là cây Chu đồng tồn tại trong tâm thức người Mường cổ? Trong "Sự tích cây Chu đồng" do cụ Bùi Văn Póm 87 tuổi- xã Kỉ Tân- huyện Bá Thước- tỉnh Thanh Hoá kể, " Cây Chu đồng quả là cây của cải thật. Bông bằng thau, quả bằng thiếc, cành lá bằng vàng, bằng bạc" ( Theo " Hợp tuyển văn học Mường"- NXB VHDT 1996 ).
Gĩư một dung lượng khá lớn trong " Đẻ đất đẻ nước", cây Chu đồng sừng sững nằm ở " rằng" " Cổn chu kéo lội"*. Hành trình đi tìm cây Chu đồng của người Mường cổ đầy gian nan, bắt đầu từ " trông":
" Trông lên trời thấy sao vua còn sáng
Trăng vua cong trong
Thấy bóng cây Chu đồng
Nghiêng về Đồng kì, Kẻ chợ"
Người đi tìm phải qua bao đất Mường, đồi núi. Đâu đâu cũng phải hỏi tung tích cây Chu đồng. Do đó, đã có không ít câu trả lời:
" Mường này không chu, không lội
Chỉ có cây chu trái
Có trái chu chua
Đến mùa ăn trái nó
Trẻ con kêu chua lắm
Người già ăn lắc đầu…"
Chẳng phải cây dâu da quen thuộc, ai cũng biết vậy. Nhưng cây Chu đồng cụ thể như thế nào thì chỉ nghe " đồn", nghe " kháo":
" Nghe họ đồn, đồn rằng
Ở đất Khôông Ai Thiết Ống
Có cây Chu lớn
Có quả Chu đồng
Bông thau, lá thiếc
Gío thổi vi vút cành ngọn,
Rung rinh lên tận lòng trời
Không biết thật rằng chăng,
Tai nghe mặt không nhìn thấy"
Qủa là sức tưởng tượng của người Mường xưa phong phú vô cùng, không kém gì người Việt cổ ( người Kinh) khi xây dựng nên những con rồng bay lượn trên chín tầng mây hay ngự trên đền đài. Không chỉ dừng ở nghe "đồn", nghe " kháo", trí tưởng tượng dân gian để những người đi tìm cây băng núi vượt đèo tới nơi. Qủa thật cây Chu đồng như lời " đồn", lời " kháo". Và công cuộc chinh phục cây Chu đồng mới kì vĩ làm sao! Nào dựng trại, làm đồn, huy động quan quân chặt năm lâng bảy lượt… Thế nhưng vẫn:
" The thé cây Chu đồng dậy nói
Ha hả cây Chu đồng dậy cười"
Khi mô tả cây Chu đồng với những từ " the thé", " ha hả", trong tâm thức, người Mường xưa đã thực sự coi cây Chu có linh hồn. Thổi hồn cho cây, đôi khi người xưa thật sự kinh hãi với những lời nguyền đầy huyền bí:
" Mày đi thăm Chu đã đến
Đi viếng lội đã thấy
Mày muốn bỏ thây cho con ác
Bỏ xác cho con ruồi nhặng…
… Cho quân chặt Chu ngày nào, mày chết ngày ấy"
Nhưng phải chăng vẫn luôn luôn con người thắng thế- với thiên nhiên, với cả thánh thần? Nên dẫu có nhọc nhằn trong công cuộc chinh phục:
" Kéo nhích đi được một gang
Chu lăn ngang trở lại một nắm
Ầm ầm Chu lại nói
Ha hả Chu lại cười"
cuối cùng, kết quả tất yếu của dân Mường vẫn là: " Tăm Tạch về dẫn dân chín bản mười mường và cùng lang Cun Cần đi chặt cây Chu đồng đưa về dựng cửa làm nhà, để cho bản mường có nhà cao cửa rộng" (" Sự tích cây Chu đồng"- " Hợp tuyển văn học Mường").
Điều đáng nói, trong công cuộc chinh phục này đã có sự đoàn kết lớn:
" Kéo đi binh hỡi
Kéo đi mường à!
Kéo hô hô là hây!
Người Mường kéo Chu này tiếng nhao nhao
Người Việt bảo nhau tiếng hầy hầy
Kéo Chu này cho được
Kéo Chu này cho đi"
Tiếng " hô hô", " hầy hầy" của người Mường xưa cùng dân tộc anh em như vang vọng. Cây Chu đồng dường luôn toả bóng xuống thời gian, thắp lên niềm khát khao chinh phục thế giới đẹp giàu. Đó là niềm khát khao đã nằm trong tâm thức của người Mường xưa và vẫn bùng cháy cho đến tận bây giờ.
Chú thích:* " rằng": chương khác. Tên chương ở đây do các soạn giả đặt
Hoà Bình 9- 4-2005-Nhân đọc lại " Đẻ đất đẻ nước"