Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.607
 
Mùa sẽ còn dài
Mường Mán

tặng lê thạch nhân - phương bình

 

sao yêu trăng ở trên trời

em yêu chàng giữa muôn người thế gian

 

Phương chưa tới, nhưng thu đã tới. Tàng lá vú sữa trước nhà lác đác nhiều chiếc vàng đậm màu thu. Bên kia con đường, nhiều cửa sổ và cửa lớn mở lặng lẽ. Tôi ngồi lọt giữa chiếc ghế bành rộng không nệm, nan gỗ đan thưa cho cảm giác ê cứng trên khoảng lưng dựa. Chiếc ghế kê dưới mái hiên cao, trông lên khung trời sáng những vầng mây rực rỡ.Quanh chỗ ngồi yên ổn này, trên những mái nhà thấp kia,mùa thu đang tới. Chút hơi lạnh sớm mai đọng thành giọt li ti trên kính cửa. Sương mù dâng ngút mặt sông; hữu ngạn và tả ngạn như không còn ranh giới, nhòa nối cùng những bờ cỏ công viên, những đường thênh thang trong phố, bát ngát. Rồi mặt trời thoắt hiện. Vẻ mộng mị của sớm mai Huế, luôn luôn có, khi mùa chớm chuyển vào thu, dài tới lúc thu tàn.

 

Thu đã quyến rũ tôi ra khỏi nhà từ sáu giờ sáng, với những dự định không rõ ràng trong đầu. Dù sao tôi cũng đã cố cầm lòng không đến tìm Phương trước giờ hẹn. Buổi sáng thong thả qua.Bắt đầu từ tách cà phê đậm ở cái quán nửa có mái che nửa lộ thiên trước nhà bưu điện. Từng ngụm quánh nóng uống thật chậm. Quán mới mở hàng, khách thưa thớt. Gió lộng từ mạn sông lên thổi sương mù tan dưới các lùm cây muối già. Đó cũng là phút hai cánh cửa màu xanh trên tầng hai nhà bưu điện mở ra, thấp thoáng một mái tóc dài, nửa khuôn mặt lờ mờ hiện, đôi khi có cả nửa cánh tay trần tì lên khung cửa, một khoảng lưng áo hồng, xanh hoặc vàng, loại hàng nhẹ, phơi trước gió. Chưa bao giờ khách ngồi quán thấy thiếu phụ hay thiếu nữ (?) trên tầng lầu quay mặt trông xuống đường. Nàng thường xong việc trang điểm sau hai mươi phút, và khung cửa bỏ trống; mảnh gương treo phía trong hẳn in bóng hàng cây dãy phố phía bên này. Hình ảnh thấp thoáng trên tầng lầu đã là một cái gì khá thú vị, nhiều người có thói quen đến uống cà phê sáng ở đó thích ngắm. Nó như một đoạn phim câm quay chậm, nhân vật lặp lại chừng ấy động tác lui tới, cây lược ngà chải xuôi xuống mái tóc, bờ vai nghiêng, làn da trắng, tuyệt nhiên không thể biết nhân vật buồn bã hay hân hoan. Không có thêm người thứ hai, không trò chuyện. Đoạn phim câm “chiếu” trên khung cửa sổ tòa nhà trắng ấy lặp lại mỗi ngày, vào một thời gian nhất định, ngoại trừ những sáng mùa đông, trời quá lạnh. Không hiểu sao tôi cứ muốn tin người bên trong khung cửa nọ là một thiếu nữ chưa chồng, không con. Vẫn cứ mãi là thiếu nữ từ mùa này qua mùa khác, chẳng thay dáng đổi hình, vì mọi sự thay đổi dường như bao giờ cũng kèm theo vài mất mát, không nhiều thì ít. Tưởng tượng ngày nào hình ảnh quen thuộc ấy không còn nữa.

 

Người bên trong khung cửa dời chỗ ở, theo chồng, hoặc theo tiếng gọi của phương xa nào đó, mỗI sáng cánh cửa vẫn được mở ra, nhưng thay vì vóc dáng mỏng manh kia, một bà già hoặc một ông đầu hói bụng bự xuất hiện chẳng hạn, chắc chắn nhiều người khách ở quán bên này sẽ ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi không đậm không nhạt, thường thường, nhưng thế nào thì cũng có một chút.Chỗ ngồi quen thuộc, những tách cà phê uống bao nhiêu năm không thay đổi mùi vị. Không khí bình lặng thân mật thường cho tôi cảm giác yên ổn vào những đầu ngày. Vài bận đi xa thấy nhớ tới độ thèm. Thế đó, một chút sinh hoạt tưởng nhỏ nhoi đã trở thành thói quen, từ bao giờ nó chiếm một khoảng gần như nhất định, không thể thay thế, có chăng là tới một tuổI nào. Nhưng ngồi ở đó không phải lúc nào cũng thích thú, đôi khi gặp những khuôn mặt quen quá hóa nhàm, nghe hoài những chuyện chẳng đâu vào đâu phát bực mình, cà phê thỉnh thoảng có những tách chua lè hoặc nhạt. Sáng nay tôi đã ngồi trông lên ô cửa trên tòa nhà trắng kia và nhớ giờ hẹn với Phương.Như thế, tôi nghĩ, cũng đã quá hạnh phúc hơn thật nhiều người.

 

Người bên trong khung cửa hôm nay mặc áo vàng. Hình như mái tóc vừa được cắt tỉa, ngắn gọn hơn thường ngày. Đã có chút gì thay đổi ở con người đó chăng? Và, bây giờ ở mặt tiền của một căn nhà đóng kín cửa, trên chiếc ghế bành không nệm, dưới mái hiên này, tôi lại ngồi đốI diện những khung cửa khác. Giữa hai hàng cây, con đường tương đối nhỏ, giống bất cứ con đường nào trong khu nội thành.Bên kia đường, dãy nhà mái thấp có vẻ im lìm, bọn trẻ còn ở trường chưa về, cha mẹ chúng ngoài chợ búa hoặc đang trong sở làm, không có sinh hoạt ồn ào đông vui nào. Sau cánh cổng sắt khóa kỹ bằng sợi xích to nhà đối diện, một chị giúp việc đẩy chiếc xe nhỏ quanh mảnh sân hẹp, đứa trẻ ngồi trong xe đội chiếc mũ đỏ quơ hai bàn tay hồng trong không, cười lớn tiếng. Cả hai không hề biết tôi đang ngắm trộm họ. Có một thời Phương cũng ngồi trong một chiếc xe đẩy giống đứa trẻ kia. Tấm ảnh chụp ngày thôi nôi đã có lần nàng mang ra khoe, với nụ cười trẻ mạnh. Ngày đó, chắc hẳn não Phương chưa thiếu máu, nàng chưa hề biết đến các loại thuốc uống và chích, mỗi ngày theo toa bác sĩ, cùng các lời dặn phải kiêng cái này cữ cái nọ như bây giờ. Với cái não thiếu máu, Phương đã phảI vật vã với những cơn nhức đầu kinh thiên động địa. Nàng kể, trong những đêm khuya nó vụt tới, biết không, em phải đập đầu vào tường theo nhịp thật đều đặn mới đỡ đau phần nào. Em thường khóc, thật kín tiếng, ngại cả nhà thức dậy. Khó chịu gấp triệu lần nhức răng. Hai mươi tuổi với những lần đập đầu vào tường như thế, mắt Phương thỉnh thoảng có những tia nhìn sững dễ sợ, những lúc ngồi thinh lặng không nói năng, và có thể trở nên gắt gỏng bất cứ lúc nào. Tội nghiệp cái não thiếu máu của Phương. Chẳng biết cái não bất thường đó có nhớ giờ hẹn sáng nay không? Phương chưa tới.

 

Thời gian chờ đợi cháy chậm đầu những điếu thuốc đốt nối tiếp và tàn dần trên tay tôi. Chiếc xe và đứa trẻ lùi khuất sau gốc nhãn lớn, chị giúp việc có lẽ vào nhà nấu nướng hoặc giặt giũ gì đó. Nhà bên cạnh, một thiếu phụ mở cửa bước ra đường. Chiếc dù xanh di động dọc hàng rào cây, nắng soi chút màu lợt xuống khuôn mặt trái xoan phơn phớt phấn hồng, quần nâu ống rộng, áo thun màu cổ đồng bó chặt hình thon trông khỏe và đẹp. Ra khỏi nhà vào lúc mười giờ, với trang phục đó, người thiếu phụ biết đâu không tới chỗ hẹn gặp một người đàn ông nào đó. Người chồng ở công sở hoặc đồn trại có thể biết lý do, hay hoàn toàn mù tịt. Tôi suýt bật cười vì ý nghĩ lẩm cẩm của mình. Ví dụ Phương lúc này cũng ra khỏi nhà, nhưng thay vì đến gặp tôi, nàng tới gặp người khác, ở một địa chỉ khác. Không phải tuân theo mọi trật tự đã định đặt trước,làm khác đi, lệch một chút, bao giờ cũng thích thú hơn. Thế thì, nếu sáng nay Phương không tới cũng chẳng lạ lùng gì. Dù sao tôi cũng nhủ thầm thế nào Phương cũng đến. Nàng chưa trễ hẹn lần nào. Chiếc đồng hồ nhỏ trên tay bảo tôi còn những hai mươi lăm phút chờ đợi. Trong khoảng hai mươi lăm phút, tôi đã cộng thêm mười phút trừ hao. Có ngốc mới không chịu biết con gái là chúa “câu giờ”. Đến đúng giờ, vừa sít, có phải đỡ sốt ruột hơn không? Tôi thường trách mình thế, nhưng bao giờ cũng là kẻ đến chỗ hẹn sớm nhất. Đây cũng là một thói quen, như thói quen mỗi sáng lê chân tới quán cà phê trước nhà bưu điện, ngồi trông lên ô cửa thấp thoáng bóng hồng kia. Tôi có lắm thói quen vậy sao?

 

Nắng lớn dần. Chút lạnh sớm mai đã tan trong những đợt gió. Dưới hiên, lũ chim sẻ bay đuổi nhau ríu rít từng chuỗi hót vui. Phương chưa tới. Căn nhà im vắng như thể không người ở. Thạch tới sở, và chắc Hà đã xách giỏ ra chợ. Từ khi tôi đến ngồi vào chiếc ghế bành, cửa vẫn đóng. Chiếc ghế kê trước thềm cả ngày lẫn đêm, không dịch đổi. Thạch đùa, chiếc ghế dành riêng cho tôi ngồi đợi Phương, không có tôi, đã chẳng có chiếc ghế thường trực chỗ này, nó đã được xếp vào một xó bếp. Thạch cho chúng tôi mượn cái mái hiên và chiếc ghế làm chỗ hẹn. Hắn bảo, bao giờ cô cậu lấy nhau, tớ sẽ bọc chiếc ghế bằng ba lớp vải gấm làm quà mừng đám cưới. Phương là chị họ của Thạch, và nàng chỉ thích tôi ngồi đợi nàng ở đây.

 

Phương không thích bất cứ chỗ hẹn nào khác. Chiếc ghế không đệm, mái hiên dần dần trở nên thân thiết với cuộc tình chúng tôi. Em thích thấy anh ngồi cú rũ trong chiếc ghế cũ kỹ đó đợi em, trông anh hiền in hệt con gà trống ướt. Cái não thiếu máu của Phương có ảnh hưởng gì đến việc nàng chọn nơi này làm chỗ hẹn không?

 

Mùa nhãn lồng đã tàn theo mùa phượng. Những tàng cây vắng hoa trái che rợp những con đường. Sắc xanh mạnh của cây cành đan thành vòm, kết thành lọng buông thả bóng mát xuống vai và áo người đi đường. Phương ngồi bấu chặt vào nệm xe phía sau, tôi vẫn lo nàng ngã. Biết đâu cơn đau sẽ không vụt đến bất thần. Xe lăn chậm qua những ngả rợp dọc bờ sông. Không ngoái nhìn lui, tôi cũng biết màu áo trắng của Phương sáng lóa trong nắng.

- Thấy choáng váng là la lên cho anh biết nghe.

Phương cười:

- Anh làm như lúc nào em cũng đang đau.

- Không đau sao bắt anh đèo tới phòng mạch?

- Ba bảo, phải đi.

- Vẫn lão bác sĩ lần trước phải không?

- Lần này khác. Châm cứu, thưa anh.

Một ông thầy thuốc khác lại sắp có thêm một thân chủ. Bao nhiêu thuốc uống và chích lâu nay không làm trái tim dồn đủ máu lên não. Lần này, liệu trái tim ngoan cố của Phương có chịu “vâng lời” cây kim châm cứu cung cấp đủ máu cho não bộ

nàng không? Phương thoáng lo âu:

- Châm cứu có đau lắm không anh?

Tôi dốt tây lẫn đông y, đáp lại:

- Đau bằng con kiến cắn là cùng.

Lo âu chợt đổi thành buồn bã, Phương nói:

- Có ngày chắc em điên mất.

Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu Phương nhắc lại câu nói buồn bã đó. Mất trí: những biến chứng thần kinh làm sao lường trước được. Nỗi lo sợ của Phương đã trở nên quen thuộc từ mấy tháng nay. Em tưởng tượng sớm mai nào đó, thức dậy, trước mắt mọi người, em thoắt biến thành kẻ khác, trong khi em vẫn không hay biết gì về sự đổi khác của mình cả. Mọi người sẽ nhìn em với đôi mắt vừa thương hại vừa ghê sợ. Tiếng nói tiếng cười em bỗng ngô nghê ngốc nghếch. Em có thể hung dữ in hệt con sư tử cái, đờ đẫn như con cù lần; đập phá tan nát hết, hoặc thu mình lại trong góc xó sợ sệt, khúm núm van xin. Anh, liệu em có thể biến thành con người như thế không? Anh còn can đảm đến gần em trong những ngày đen tối đó không? Phương nói, mắt ráo hoảnh xa vắng, tưởng như tương lai đã đóng cửa trước nàng rồi. Phương còn tưởng tượng xa hơn: Có khi em không còn nhìn ra anh được nữa, trước mắt em, anh là trái núi biết đi, chiếc xe hủ lô, không còn là con gà trống ướt nữa mà là con khủng long vĩ đại, và, phố xá nhà cửa biết đâu không tan biến thành rừng rú, sa mạc hoang vu. Em không còn nhớ được cái tên gọi nào nữa hết, bảo mặt trăng là cái lòng đỏ trứng gà, mặt trời là con chim chết, hoặc gọi hoa là châu chấu, gọi cái chén cái ly là lũ chuồn chuồn, ví dụ thế.

 

Cơn điên sẽ ăn hết những giấc mơ của em, trí nhớ em sẽ rỗng dần cho đến ngày xóa trắng tất cả. Em không còn đến chỗ hẹn gặp anh. Chiếc ghế trước hiên nhà Thạch sẽ bỏ trống.Buồn quá phải không? Tôi buồn theo những hình ảnh man dại trong cơn điên dự tưởng của Phương. Tôi bảo nàng: Trí tưởng tượng của em phong phú quá chưa thể điên được đâu.Người ta điên khi trí tưởng tượng đã hoàn toàn tê liệt. Chẳng biết có đúng vậy không. Dù sao bây giờ Phương vẫn là con người hết sức bình thường. Sáng nay, lúc chị giúp việc đẩy chiếc xe và đứa trẻ vào nhà trốn nắng, bỏ lại mảnh sân vắng hoe bên kia đường, Phương đã tới, khá đúng giờ hẹn.Nhưng liệu những triệu chứng bất thường có xảy ra trong lát nữa, trong những ngày tháng tới không? Tôi muốn đổi bộ

não khỏe mạnh của mình cho Phương quá. - Đừng nói chuyện bệnh nữa. Em cứ coi như chúng ta không đi tới phòng mạch, mà đang đi dạo.

Phương chậm rãi:

- Anh biết em đang thèm cái gì không?

Tôi nhìn đôi mắt nâu sáng của Phương trong kính chiếu hậu, đùa:

- Em đang thèm đập đầu vào tường theo một nhịp điệu thật nhịp nhàng.

Phương cười giọng dỗi:

- Đã bảo không nhắc chuyện bệnh! Em đang thèm một chén chè nhãn bọc hạt sen.

Nỗi thèm của Phương thật bất ngờ. Nàng thường có những ý nghĩ tôi không đoán trước được. Cái gì đã làm Phương nhớ đến chè nhãn bọc hạt sen? Thứ chè đã bay theo mùa hè biệt dạng cả tháng nay rồi, không còn tìm thấy trong bất cứ quán xá nào. Tôi nói:

- Hết nhãn và sen rồi, em không biết sao?

- Đành phải nuôi cơn thèm tới mùa sau vậy. Nhưng mùa

sau không biết em có còn...

Tôi vội ngắt lời Phương:

- Em vẫn bình thường, em sẽ lành bệnh.

Tôi xua tan ám ảnh bệnh hoạn ra khỏi đầu Phương bằng cách nhắc kể về những chén chè nhãn bọc hạt sen chúng tôi đã cùng ăn tháng trước. Khi những cây nhãn già khắp phố treo lủng lẳng những chiếc mo cau, mỗi mo cau lồng một chùm nhãn sai trái. Đêm đêm khắp các ngả đường, những người chủ nhãn kê giường ngay dưới gốc canh giữ, không cho đám trẻ ranh hái trộm, bày ra hoạt cảnh lạ mắt trong thành phố quanh năm vốn buồn thiu này. Những chiếc giường bố mang ra đường sắp thành dãy dài bên những gốc cổ thụ. Trong ánh sáng đèn đường lù mù mê hoặc, người ngồi từng cụm chuyện trò, nằm dưới các tàng lá trông lên bầu trời rực rỡ nghìn luống sao, trăm chùm trái mọng, nom nhàn hạ cách hồn nhiên, ngỡ như đất nước đã thanh bình từ mươi năm trước, chẳng còn mối bận rộn nào hơn việc chăm sóc cây trái, chẳng còn gì quí giá đáng giữ gìn hơn cây cỏ thiên nhiên. Đêm hè, cái nóng làm người ta không ngủ sớm được, thiên hạ kéo nhau ra đường. Trai gái, từng cặp tản bộ dưới hàng trái mùa, từ nẻo khúc khuất này đến ngõ quanh kia. Họ thì thầm với nhau chuyện lòng, họ nắm tay nhau đi hái chuyện thần tiên.

 

Trong lứa trẻ đó có tôi và Phương, những kẻ như đã trút bỏ hết bụi bặm của mọi thời đổ nát, hồn tươi màu hoa, tình tròn dáng trái. Bước tới, chẳng ngại sương mưa vì đã có phượng và nhãn che vòm mộng. Dìu nhau đi, nghe sương rụng xa gần mềm vai dịu tóc. Phố cổ cây già, tường đá, thành nghiêm che ấm áp. Phố chung, và đêm riêng của những tình nhân. Sinh hoạt quán xá mùa hè tiêu biểu nhất ở đây là quán chè thi nhau mọc lên như nấm, cả trăm nơi đó, tha hồ dắt nhau đến nghỉ chân, cho tình yêu ăn no chất ngọt, mùa hè nồng nàn tuyệt cùng lúc những chiếc giường được mang vào nhà, những chùm nhãn lồng hái xuống, và hạt sen từ hồ lên bày bán dọc

phố chợ, bên sông. Không nhiều, nên quí. Trời nực nên chè nhãn bọc hạt sen ăn càng mát lòng. Mỗi trái nhãn bọc lấy một hạt sen dầm trong thứ nước đường phèn trong như hổ phách. Cơm nhãn bùi, hạt sen béo ngậy. Ăn một hạt là ăn một chút mùa hè vào lòng dạ. Húp một muỗng nước là uống một lượng thuốc bổ trần gian. Như vẫn còn tiếc rẻ, Phương lặp lại:

- Phải đợi tới mùa sau, lâu quá anh.

Không dưng nàng cười thành tiếng:

- Em bắt đầu thử điên nhé. Dưới mắt em bây giờ anh là một trái nhãn lồng.

 

Phương há miệng cắn vào vai tôi một miếng đau điếng, làm tay lái lạng nghiêng. Tôi lỏng tay ga, ép xe sát lề đường tránh hai chiếc xe đạp sóng đôi, tiếng cười Phương bạt trong gió. Ngang qua nhà bưu điện, một cô bạn của Phương đưa cao cặp sách kêu: Ê Phương! Phương! Đi đâu đó? Tôi nghểnh cổ trông lên ô cửa trên lầu hai. Phương bảo tôi dừng lại, nàng nhảy xuống xe thoăn thoắt đến bên bạn, hai đứa tíu tít chuyện trò như thể cả mười năm qua chưa gặp. Ô cửa trên tầng hai đã đóng, nắng lấp lánh trên mặt gỗ xanh bóng: người trong khung cửa ở đâu bây giờ? Quán cà phê bên kia đường vẫn còn đông khách. Phương trở lại, tôi rồ mạnh ga cho xe chạy.

- Đứa nào thế?

- Phi, anh không nhớ sao?

- Phi nào?

- Phi anh gặp hôm đi ciné ở Tân Tân đó.

Phương ngoái lui đưa cao tay vẫy chào bạn, đứa con gái ôm cặp sách ngang ngực, đứng cạnh chiếc xe đạp mỉm cườI thinh lặng ngó theo:

- Phi đang buồn lắm anh. Bồ nó vừa chết.

- Bao giờ.

- Hôm máy bay bị không tặc nổ ở Phan Rang.

Máy bay nổ đầu tuần, cuối tuần có đứa bạn gái đứng lơ ngơ trước nhà bưu điện, kể về cái chết của người bạn trai, và đâu đó, dọc những thành phố, xứ miền khác, có hàng ngàn người khác đang nói về cái chết của những người thân. Chuyện chết cũng nhiều như chuyện tình. Đau khổ và hạnh phúc điệp trùng trong nhau, kể làm sao hết.

- Cách đây ba hôm em đã đến nhà Phi, xin ba má nó cho nó vào Đà Nẵng nhìn mặt Hậu lần cuối cùng. Tụi em ôm nhau khóc ngất. Con bé tuyệt vọng hết sức.

- Phi biết yêu, thế nào rồi nó cũng biết lãng quên.

- Tụi nó thật xứng đôi và dễ thương, nhất là những hôm hai đứa hai chiếc xe đạp đi chơi với nhau. Em nghĩ Phi sẽ không quên được đâu.

 

Một chiếc xe đạp giờ bỏ không, chiếc đã từng lăn bánh song song bên nó đang đứng với Phi một cách buồn phiền.Dáng đứng lẻ loi hiu quạnh đó trông vừa đẹp vừa não lòng.Không dưng, Phương nghĩ tới cái chết:

- Em nghĩ dại, tại sao em không ở trên một chuyến bay định mệnh tương tự như thế? Cái não bệnh của em chắc chắn sẽ chào thua gói chất nổ của tên không tặc.Từ chè nhãn bọc sen phút trước đến tên không tặc phút này, hai chuyện chẳng liên quan gì nhau, nhưng cũng dẫn đến điểm gặp cuối cùng là não bệnh. Cái não bất thường ấy có thể làm Phương không còn được biết những chén chè ngọt bùi vào mùa sau. Phải tiêu hủy nó đi, để không còn bị nó khống chế hành hạ? Quả tình tôi không thể rượt bắt kịp những ý tưởng thoắt biến thoắt hiện trong đầu Phương.Bệnh hoạn đã là mối ám ảnh không rời nàng. Làm sao kéo Phương ra khỏi những ý tưởng hắc ám ấy? Hy vọng những cây kim châm cứu của người thầy thuốc chúng tôi đang tìm tới sẽ là những cây kim kỳ diệu.Chẳng biết Phương còn nghĩ đến cái chết ấy nữa không,nàng im lặng suốt đoạn đường dài. Xe leo dốc Nam Giao, vùng phố chợt mở ra một hướng thanh thoát. Núi non xanh thẫm dựng sâu hút cuối đường, ngọn đỉnh thẳm mù mây xanh. Đường dần thấp chênh theo dáng đồi, cây cối đứng lặng lẽ trong bóng chùa chiền, nhà cửa, ráp dựng từng khối cũ kỹ bên nhau.

- Tới nơi rồi anh.

Phương thốt la khẽ. Tôi hãm phanh, quẹo xe qua phải theo ngón tay chỉ của nàng, tuột xuống dốc, dừng lại giữa lối đất mịn. Bên sau hàng chè tàu cắt tỉa ngoạn mục, phòng mạch có những tấm cửa sơn màu nâu xỉn, thu mình dưới tàng lá mít rậm. Trước sân, tha thẩn vài người bệnh lui tới vẻ trễ biếng dịu dàng. Từ lòng đường trũng thấp trông lên, xa phòng mạch chừng mươi thước, chùa Bảo Quốc lừng lững cao vượt trên vùng đồi vây xanh cổ thụ. Hàng trụ cổng vàng đen màu mưa nắng, những bậc đá rêu tiếp nhau hòa nhập trong những đường nét mới nhìn đã thấy tịnh lòng, nhìn lâu dễ chìm vào cảm giác hoang vu rờn rợn. Tôi đưa Phương vào phòng mạch, ngồi xếp hàng trên ghế đợi, lấy sổ chờ đến phiên. Khách bệnh không đông, chừng bảy tám người tái xanh, có chung vẻ lo âu câm nín. Nhìn họ,không hiểu sao tôi bỗng có cảm tưởng tất cả như vừa thoát khỏi một trại tập trung nào đó, nản tới độ hết muốn sống, đang ngồi đợi khám lại sức khỏe, xem tạng phủ có tiêu hóa nổi tương chao hay không, xong thủ tục cần thiết này, họ sẽ kéo nhau vào chùa Bảo Quốc xin tu tập thể, lãng quên ngày tháng cuối đời trong tiếng mõ câu kinh.

 

Phương vẫn tươi tỉnh với đôi má rám hồng. Đối với nàng việc đi khám bệnh đã quá quen, cũng thường như đi ciné, đến thăm nhà một cô bạn. Chẳng biết lần đầu tiên khi biết não mình thiếu máu, Phương có hoảng sợ lắm không? Không muốn thấy những cây kim châm cứu găm vào đầu Phương (hẳn là trông buồn cười, kì dị lắm), tôi bỏ ra ngoài lúc nghe người nữ y tá gọi tên nàng.Leo lên bậc cấp cao nhất của cổng tam quan chùa Bảo Quốc, tôi ngồi trông xuống con đường đất mịn. Tôi nghĩ, chiếc ghế trước hiên nhà Thạch giờ này bỏ trống, chiếc ghế trong quán cà phê trước nhà bưu điện tôi đã ngồi, giờ này một người khách nào đó đang ngồi, và bây giờ trên chỗ ngồi ẩm đá rêu này, sáng nay tôi đã có ba chỗ ngồi thật yên ổn để đợi Phương. Chờ đợi đôi khi cũng là một hạnh phúc, tôi đang giữa phút đôi khi ấy. Như mùa thu đang xanh ngát vây quanh. Mùa sẽ còn dài cho những ngày mây xuống thấp, trời dịu buông từng cơn mưa nhẹ nhàng. Giá rét sớm mai sẽ kết sương mù từng mảng lớn bay quyện cùng khói trên mặt sông. Những ngày đẹp trời đang mơ hồ vẫy gọi những người tình tìm đến nhau, với khăn quàng áo lạnh, hơi ấm những gói lạc rang mua dọc đường bọc ấm giữa hai bàn tay. Phương sẽ ngậm những lát gừng trong miệng cho ấm người những ngày không dưng trời trở rét dữ,đội mưa tới chỗ hẹn. Chiều qua sông trốn gió trong một góc khuất thư viện, đọc sách rất ít và cãi nhau nhiều nhiều, một vài cuốn tạp chí sẽ gấp lại với ít giọt nước mắt dỗi giận của Phương...

 

Đại khái, mùa thu năm ngoái đã qua đi với chúng tôi như thế.Năm ngoái Phương chưa hề bị ám ảnh bởi dự tưởng ngày nào đó rất có thể mình mất trí. Cái ám ảnh tưởng chừng hết sức vô lý, nhưng biết đâu nó sẽ vụt đến giống một cơn lốc. Tôi mường tượng thấy những canh khuya Phương một mình vật vã với cơn đau, đập đầu vào vách tường khác gì cành cây yếu bị gió quật tan nát trong trận bão. Không, tôi chẳng muốn tin ngày bất hạnh đó sẽ đến với Phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống bình thường như bao cặp trai gái khác. Lát nữa, tôi sẽ thấy Phương từ phòng mạch đi ra, tóc cột túm sợi dây thun giản dị, áo trắng múa trong nắng, đôi mắt nâu sáng ngơ ngác tìm quanh. Tôi sẽ đưa tay vẫy gọi nàng. Phương sẽ tung tăng chạy lên những bậc cấp, tiếng guốc khua dội con đường hẹp, vui như nhạc ngựa. Nàng sẽ đến trước mặt tôi với nụ cười và chiếc đầu không còn những cây kim găm tua tủa. Có thể nàng sẽ khẽ la lên như thường lệ: A, trông anh hiền in hệt con gà trống ướt! Vâng, tôi chỉ mong thấy được hình ảnh dung dị, nhưng sáng ngời hạnh phúc đó.

 

3.1975

Mường Mán
Số lần đọc: 2805
Ngày đăng: 28.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhuế Dương ơi - Vân Anh
Tiếng dương cầm trong đêm - La Thị Ánh Hường
Sáng Thế Ký - Cổ Ngư
Hối muộn - Nguyễn Văn Ninh
Bồng bềnh thiên sứ - Bích Ngân
Anh cũng sẽ về - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hoang đường - Nguyễn Ngọc Tư
Những chiếc lá rách - Ngọc Thủy
Tình cuối - Trần Huyền Trang
Tứ Bình - Cổ Ngư