Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.054
123.234.593
 
Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh : 4 cái thiếu.
Nguyễn Trung Hiếu

Dự thảo (DT) Luật Điện ảnh (ĐA) phản ánh được mục tiêu, ý chí và sự cần thiết ra đời của bản thân nó. Tuy nhiên, DT cũng còn một số vấn đề cần được Quốc Hội nghiên cứu, điều chỉnh như sau:

 

Chưa đưa ra được những điều khoản bảo vệ văn hoá dân tộc

 

DT Luật ĐA ra đời trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế, nhiều loại hình văn hoá xâm nhập vào VN, trong đó có ĐA. ĐA đến với công chúng VN qua đường rạp chiếu phim rất ít, chỉ tập trung ở các đô thị lớn, nhưng qua đường truyền hình (TH), cả phát sóng lẫn cáp - tạm gọi là “kịch ảnh TH” thì phải nói là không sao kiểm soát nỗi. Cả nước có 67 đài TH, mỗi ngày trung bình mỗi đài phát 1 đầu phim truyện Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore - cả nước nhan nhãn phim ngoại, trong đó phim Trung Quốc chiếm hơn 60%. Và không chỉ trên hệ thống TH, phim ngoại còn được truyền bá bằng băng, đĩa cho thuê, bán khắp nơi.

Một thời gian khá dài, chúng ta chủ yếu sử dụng ĐA như vũ khí tuyên truyền, trong khi các nước khác coi nó là 1 ngành công nghiệp giải trí. Chính vì vậy, dân ta sẳn sàng đón nhận sản phẩm văn hoá giải trí của nước khác. Không còn là nguy cơ nữa, chúng ta thực sự đang là một “thuộc địa văn hoá” của ngoại bang.

 

Thực trạng là như vậy, nhưng DT Luật ĐA chưa có một điều khoản chế tài nào nhằm chống lại sự xâm lược văn hoá của nước ngoài đối với lĩnh vực ĐA và “kịch ảnh TH”. DT cho phép các giám đốc đài TH được quyền mua bán, nhập khẩu phim truyện nước ngoài và công chiếu, thực chất là sự “bát nháo” dẫn đến hiện trạng “nô dịch văn hoá ĐA”. 

 

Chưa chú trọng tạo nguồn nhân lực ĐA

 

Quyền hưởng thụ, quyền sáng tạo, quyền được cống hiến đối với nghệ thuật, trong đó có ĐA, là những quyền hết sức cơ bản của mỗi công dân. DT Luật ĐA dành hẳn 1 chương cho việc phát triển ĐA nước nhà, nhưng còn bỏ sót rất nhiều vấn đề quan trọng.

Không thể xây dựng nến ĐA mà thiếu nguồn nhân lực ĐA. Trên thực tế, chúng ta chưa có một chiến lược nào về đầu tư đào tạo cũng như phát triển tài năng ĐA. Phần lớn chỉ là sự tuyển chọn mang tính dân gian hoa95c chủ quan của một nhóm người. Muốn có tài năng ĐA phải có giáo dục ĐA. Thế nhưng các chương trình giáo dục phổ thông chưa thấy có một bài giảng nào về loại hình nghệ thuật đang chiếm lĩnh vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thế giới hiện đại này. Bởi vậy cũng không lạ khi hầu hết học sinh phổ thông, thậm chí cả đại học, gần như chưa một lần tiếp xúc với nghệ thuật ĐA.

 

Do vậy, DT Luật ĐA phải có một chương riêng về giáo dục ĐA, phổ cập giáo dục ĐA. Như thế mới có thể xuất hiện tài năng ĐA.

 

Chưa đề cập tới nhiệm vụ tập hợp tư liệu ĐA làm tài sản quốc gia

 

Khái niệm “hoạt động ĐA” hiểu đầy đủ phải bao gồm sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim và tập hợp, lưu trữ, công bố tư liệu phim.

 

Xưa nay, từ khi có máy quay phim, người ta dùng nó để ghi lại tư liệu nhằm giữ lại hình ảnh mà chưa đưa vào sản xuất phim. Tư liệu có 2 dạng: Quay sự kiện ngẫu nhiên và quay có tổ chức nhằm mục đích lưu trữ. Thời gian đi qua, hình ảnh tư liệu lưu trữ được càng quý giá. Nhiểu nhân vật, sự kiện lịch sử được ghi lại, nhưng nếu không tập hợp, lưu trữ và chủ động tổ chức quay thêm sẽ dẫn tới tình trạng vô trách nhiệm đối với lịch sử nước nhà. 

 

Tập hợp tư liệu ĐA còn phải được hiểu là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền mua, bán, tổ chức tập hợp cà sỡ hữu. Nhà nước phải coi đó là tài sản quốc gia, có loại phải quy định trong bao lâu mới được công bố. Nếu tư liệu ĐA thuộc sở hữu cá nhân thì người đó có quyền cho phép công bố hay không. Phải quy trách nhiệm và quyền hạn đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tập hợp các nguồn lưu trữ trên khắp thế giới để làm giàu kho tài sản tư liệu ĐA quốc gia. Chính phủ phải ghi công và có chính sách khuyến khích công dân bán, cho, tặng, hiến tư liệu ĐA cho bộ phận lưu trữ quốc gia; ngược lại cũng nghiêm cấm, trừng phạt những ai cố tình hoặc vô ý huỷ hoại tư liệu ĐA quốc gia.   

 

Do vậy, DT Luật ĐA cần có thêm điều khoản tạm gọi là “Tập hập, lưu trữ và công bố tư liệu”.

Chưa thiết lập rõ mối quan hệ giữa hoạt động ĐA với Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ

Bản quyền ĐA phải được xác định cụ thể từ bản quyền kịch bản đến bản quyền thành phẩm đối với tất cả các thể loại: ĐA, “kịch ảnh TH”, phim tài liệu, phim hoạt hình, tư liệu ĐA...

Nguyễn Trung Hiếu
Số lần đọc: 2127
Ngày đăng: 30.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại