Hồi còn là học sinh tôi từng thích thú đọc những cuốn Tiếng chim vườn cũ, Bóng thuyền say của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Khi cầm trên tay bộ Sông Côn mùa lũ 4 tập hơn 2.000 trang của ông ( NXB Văn học ấn hành lần đầu ở Việt Nam, 1998), tôi có choáng ngợp bỡi độ bề thế của nó. Và ngạc nhiên đến sửng sốt khi đọc: nó cuốn hút từ đầu đến cuối; thậm chí tôi bật lên rất bừa ẩu “Thì ra Việt Nam có tiểu thuyết !”, khi đầu thế kỷ này đã có Vũ Trọng Phụng !
Cuốn sách viết về phong trào Tây Sơn, từ khởi đầu đến khi vua Quang Trung băng hà, thời kỳ ngắn ngủi và bi tráng nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Những biến động đầy chiều kích của lịch sử, những nhân vật khổng lồ, những khoảnh khắc định mệnh, những trận đánh lừng danh…, cuốn tiểu thuyết lớn nhất về Tây Sơn này đặc sắc chính ở chỗ: nó không bị những cái lớn trên lấn át. Nguyễn Mộng Giác rọi xét ( chứ không phải phản ánh!) lịch sử bằng tư duy của nhà văn hoá. Đừng tưởng chuyện này là cũ ở ta: đã có những cuốn sách thuần tuý sao chép lịch sử một cách thảm hại mà không hiểu gì về thi pháp tiểu thuyết! Sông Côn mùa lũ không mô tả các trận đánh vốn được coi là chói sáng nhất, đáng tự hào nhất của thời kỳ này, nó viết về nhân sinh, nhân thế bằng sự hiện diện sống động của các nhân vật lịch sử, các nhân vật hư cấu, dĩ nhiên. Đã có hàng loạt chủ đề nhỏ trong cuốn sách này: tình yêu, tình bạn, phẩm cách, quyền lực, anh hùng, nghệ sĩ…, và do vậy, dù kết cấu theo lối cổ điển, theo trình tự thời gian, tiểu thuyết của ông không phải tuyến tính mà là đa âm.
Nhân vật chính Nguyễn Huệ được khắc hoạ qua nhiều mối quan hệ: tình yêu (với An, con gái giáo Hiến), chuyện buồng the (với Ngọc Hân), gia đình (với Nguyễn Nhạc), tình thầy trò, sự quyết đoán của một anh hùng, những toan tính của một chính khách… tất cả được kết hợp rất nhuần nhuyễn. Huệ yêu An, tình yêu đầu đẹp như hơi thở nhẹ trong đêm nhưng nghe lời hoàng huynh bằng cuộc hôn nhân chính trị. Hoàng đế Quang Trung vẫn còn mối tình xưa trong tim nhưng không cho An gặp khi nàng đến cầu xin tha chết cho Lợi, ngưới chồng có tội làm gián điệp của nàng. Huệ kính trọng thầy Hiến nhưng sẵn sàng chọn cho mình lối đi riêng, can thiệp để ông không bị Nhạc giết (khi đã có quyền lực trong tay, Nhạc càng lúc càng không chịu nổi vị quân sư quan trọng này của mình vì sự khác nhau trong tư tưởng kẻ sĩ và quyền lực), Huệ không cứu nổi thầy chết uất nhưng viếng thầy bằng lòng yêu kính lớn và cảm thông, sự cảm thông của một chính khách! Con người này từng lớn lên từ cảm giác “tuyệt vọng vì sự nhút nhát của mình, xấu hổ đến đỏ mặt. Anh không thể biết rõ những điều muốn biết, lòng hoang mang, mặt bần thần. Anh chào ông giáo và trở lại chỗ đồng quê. Gió lạnh và sương phủ trắng xoá trên lối đi. Lần đầu tiên Huệ run trước cái giá rét của rừng và đêm mênh mông.” (Tr. 374). Rồi tới lúc người anh hùng này nói: “Nhân nghĩa là những tiếng khô khan, là những cái sườn, ai có thế lực thì mặc sức phủ lên đó thứ gì cũng được!” (Tr. 478). Từ náo nức xin hoàng huynh cho diễn vở Chàng Lía của Lãng (em trai An) ở nơi đóng quân đầm Thị Nại sau chiến thắng lừng lẫy quân Xiêm về, vở tuồng viết về sức mạnh vô địch của người dân đói nghèo khởi nghĩa Huệ rất thích, vua anh cau mày quở trách, đến sau chiến thắng Đống Đa vĩ đại, Lãng đề nghị diễn vở này ở Thăng Long khao quân và chinh phục kẻ sĩ bắc hà, chính Huệ lúc này là hoàng đế Quang Trung, sầm mặt lại! Đây không chỉ là sự phát triển tâm lý tính cách nhân vật, nhân vật đã ra khỏi cuốn sách mang tính khái quát xã hội cao.
Thủ lĩnh Nhạc trí xảo và hưởng thụ, Lữ không quyết đoán, An yêu thương kiêu hãnh và thù hận, “pháp sư” Năm Ngạn xây thành, đặt lễ nghi và tham lam, Lợi giỏi quân lương nhưng cơ hội và đớn hèn, giáo Hiến lơ ngơ giữa kẻ sĩ và danh vọng…, không thiếu các phác thảo về những kẻ sĩ: Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm…; dù dày công hay thoáng qua, các nhân vật của Nguyễn Mộng Giác đều đầy cá tính và sống động.
Không mô tả nhiều các trận đánh, tác giả chú trọng vào không khí trước và sau đó nên nói được nhiều về yếu tố tâm thời, tức là cái tinh thần của lịch sử. Cuốn sách dành khá nhiều trang mô tả cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế rồi tổ chức tiến quân ngay, cảnh quân sĩ vì quá phấn khích, tranh nhau vượt sông bị nước cuốn trôi hàng trăm người thật đặc sắc. Vấn đề tâm lý tập thể trong một định hướng lớn mang tính thời cuộc, sự nhập nhoà giữa ý thức, vô thức, niềm kính tín và sự say máu bản năng… tất cả hài hoà nhuần nhuyễn, tạo nên bản lĩnh và tài năng một nhà văn.
Một thành công nữa của cuốn sách làviết quá trình hình thành quyền lực. Những bức bối của xã hội; những cuộc nổi dậy mang tính tự phát, có màu sắc giặc cướp; những lương tri và hoài bão bậc thức giả…, sự quy tụ, tổ chức, hình thành một tập thể. Trại Tây Sơn thượng là sự tổng hợp đầy sáng tạo về quá trình trên. Hãy nghe tác giả phân tích: “Cuối cùng, mỗi đội có riêng một “cá tính”, một “bản sắc”, bản sắc phóng đại có tính bản sắc của người cầm đầu. Bản sắc này tự nhiên trở nên một sức mạnh thuyết phục hoặc cái cớ để tự cao tự đại bất thành văn, nhưng mọi người trong tập thể đều mặc nhiên chấp nhận thành quy ước. Thành phần dị biệt hoặc lẻ loi trong tập thể đó, nếu có tài xoay sở hay có thế lực, đã tự tìm cho mình một tập thể thích hợp. Số còn lại quen nhẫn nhục, thụ động, phải gắng biến đổi để thích nghi. Tập thể nhờ thế đã thành đồng nhất, hoà hợp thành một khối, cho nên người cầm đầu dễ bị ảo tưởng rằng mình có tài thu phục và đầy đủ quyền lực” (Tr. 337).
Lãng, nghệ sĩ sáng tác tuồng và ghi nhật ký các trận đánh, cao thượng và uỷ mỵ, là nhân vật được tác giả gởi gắm nhiều tâm sự. Người quan sát này vừa tỉnh táo vừa ngây thơ và thường bị dòng đời xô đẩy hoặc bị hất giạt sang một bên. Cuối cùng, dù tình anh em rất thân thiết ban đầu, mối quan hệ của Lãng và Huệ vẫn rạn nứt dần rồi đổ vỡ hoàn toàn. Trong buổi chiều tà của vương triều Tây Sơn, Lãng đi đâu biệt tích, nhiều người kể anh lên núi tu tiên rồi không về nữa. Tác giả không muốn để nhân vật nghệ sĩ chết, ánh chiếu đặc biệt của thời cuộc, không thể chết! Nhưng cây gạo, chứng nhân của mối tình Huệ – An, chứng nhân cuộc phát tích phong trào Tây Sơn, cây gạo của làng An Thái đã chết! Mô típ cây không mới: Alexei Tolstoi đã viết rất hay trong Con đường đau khổ nhưng sức lan toả của đoạn văn tả tâm sự An về thăm quê sau khi Vua Quang Trung băng hà vẫn rất lớn: “An ra khỏi cổng am, chân do dự. Không tự chủ được, chị nhìn về phía An Thái. Lòng quặn thắt khi thấy cây gạo ở bến sông đã chết khô tự bao giờ. Chị nhìn trân cây gạo thật lâu, rồi xoay lưng đi về phía mộ mẹ” (Tr. 1941).
Một số bạn đọc cho rằng thiếu sót của cuốn sách là không xây dựng hai nhân vật lớn của Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Có lẽ vì hai nhân vật này lớn và quá nhiều tư liệu, tác giả sợ làm loãng tư tưởng chính.