Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.196
 
Người đi về phía rừng
Thu Trân

Hoài rón rén bắc ghế, rón rén leo lên, rón rén nhón đôi gót chân hồng… Chưa thấy gì cả nhưng cô đã đỏ bừng hai má. Lần đầu tiên cô làm một chuyện buồn cười đến thế. Nhìn trộm vào phòng ngủ của cha mẹ mình. Chuyện hai người ngủ với nhau đâu có gì là lạ nhưng Hoài muốn biết cha mẹ mình làm vợ chồng với nhau theo kiểu nào. Cũng là đồng sàng dị mộng nhưng có đến năm bảy đường. Đồng sàng để mà yên ổn. Hay đồng sàng nhưng muốn phá bung thành quách của lời chúc ( hay lời nguyền ) trăm năm hạnh phúc. Cô phải biết rõ điều này trước khi bay về Việt Nam sáng mai. Và tất nhiên, lại nhón chân lên lần nữa…

- Làm trò gì đấy, Jane?

Hoài giật mình lảo đảo suýt té. Một bàn tay mềm mại, ấm áp dang ra:

- Không sao đâu, cố lên!

Là mẹ đang ở phía sau Hoài. Cô ngượng nghịu bước xuống, vờ loay hoay với chiếc ghế. Đến lượt mẹ dang đôi cánh thiên thần:

- Tình cảm của cha với mẹ xưa nay lúc nào cũng thế, mẹ cảm ơn Jane đã quan tâm nhưng đừng nhọc công làm gì!

Kiểu hiểu hết ngọn nguồn nhưng giả vờ phớt tỉnh ăng-lê của mẹ làm Hoài phát cáu, cô quên mất chuyện mình đang là kẻ nhìn trộm:

- Còn tình cảm của mẹ với cha con thì sao?

- Vẫn vậy, như con biết đấy, ba mươi năm sang sống ở xứ Mỹ này, lúc nào gia đình mình cũng là một gia đình nề nếp và không bị Mỹ hóa.

Hoài nhìn thẳng vào mắt mẹ:

- Mẹ nói hai mươi lăm năm thôi, nghĩa là bắt đầu từ ngày Jane của mẹ được hoài thai và sinh ra đấy!

Đã thấy cái cách nói năng của mình có điều không phải với mẹ nhưng Hoài vẫn thấy ấm ức như thế nào. Nỗi ấm ức của người phải sẻ chia vô cớ những gì mình đang có. Có tiếng ho húng hắng trong phòng, mẹ con Hoài nói với nhau hơi lớn tiếng làm cha cô thức giấc. Ông già đã bước sang tuổi bảy mươi, đã bắt đầu khó ăn, khó ngủ và cực kỳ khó tính. Mẹ Hoài đưa một ngón tay lên môi:

- Thôi, không tranh luận nữa, cha thức rồi, con ra vườn tập thể dục rồi còn về phòng riêng chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai, mẹ con mình có những một tháng quấn quýt nhau ở quê nhà.

Hoài hiểu như thế là phải bắt đầu một ngày mới. Ngày của gia đình ông Thứ trưởng của một Bộ thuộc thể chế Việt Nam cộng hòa cách đây ba mươi năm. Quá khứ vàng son bắt đầu bằng hồi chuông điện xuống phòng người giúp việc, tiếng ông Thứ trưởng khàn khàn trong máy :

- Thợ xén cỏ đâu, sao giờ này không thấy thằng nào làm việc ngoài vườn ?

Chị giúp việc mới được bà ngoại Hoài giới thiệu từ Việt Nam sang bảo :

- Ủa, chú không nhớ là nhà mình đã cắt hợp đồng thuê họ làm vườn từ tuần trước vì chi phí quá tốn kém sao ?

Ông Thứ trưởng im lặng một chút rồi bảo:

- Thôi được rồi, mà này, chị phải gọi tôi bằng ông chứ không được chú bác gì nghe chưa?

Chị giúp việc giữ máy trong tay nhưng im lặng, không thèm trả lời  ông Thứ trưởng. Rồi gác máy, hối hận vì chuyện chị xin đi du lịch sang Mỹ, thực ra là đi làm thuê để kiếm tiền đô. Việc lễ nghĩa trong nhà ông Thứ trưởng thật khó chịu. Chị nhìn qua song cửa nhà bếp, cô con gái duy nhất của ông đang tập thể dục ngoài vườn, trông Jane cũng xinh, cũng ra dáng con nhà quý tộc…

***

Với Hoài, những ngày sống ở quê Việt qua nhanh như một giấc mơ. Mới đó mà đã ba tuần, chỉ còn một tuần nữa thôi là cô và mẹ phải bay về bên ấy. Ngồi dưới bóng dừa rợp mát khúc sông quê, Hoài nhìn nước chảy. Sông xòe bàn tay mềm mại đón từ thượng nguồn những giọt nước mắt của người con gái biết nhớ biết thương dành cho người con trai đã qua bao mùa chinh chiến, mỗi ghềnh đá lô xô là một lời giải thích về nỗi phải cưu mang những phận người của sông… Nam ngồi bên cạnh Hoài. Tiếng anh vẫn rót vào tai cô, đều đều, đều đều như một khúc hát ru. Hoài nhặt một trái sung rụng ném trên mặt sông:

- Dường như với anh Nam, dòng sông này là một pho cổ tích, đúng không ?

Nam nháy mắt hóm hỉnh:

- Để dụ Hoài ở lại với quê mình. Chịu không ?

Hoài ngồi ôm gối, cười rũ ra. Lại một tag question. Nam đã bị “nhiễm” Hoài từ bao giờ vậy. Suốt hai tuần quen biết và đi chơi với nhau, Nam đã sửa cho Hoài biết bao nhiêu lời ăn tiếng nói. Đôi khi Nam ngẩn ra lắc đầu. Lạy trời, cái miệng nàng xinh thế kia vậy mà một điều you, hai điều you với ba má chàng, lại còn OK liên tục. Có ông bà nhà quê nào chịu nỗi cách ăn nói đó đâu. Chàng nhún vai, vậy mà bảo là thuần Việt. Góp ý xong, nàng lại quay sang “sò-rí”. Thôi, không phải bắt bẻ nhau làm gì, Jane muốn nói gì mặc tình. Hoài quay sang năn nỉ, thôi, có thương Hoài thì đừng giận, đừng gọi Hoài bằng Jane, Hoài muốn anh Nam giúp Hoài trở thành một cô gái thuần Việt. Có mỗi điều Hoài không sửa được là hay dùng câu hỏi đuôi và hay nhún vai. Hoài khất Nam, hai “lỗi Tây” này để lần về sau sẽ sửa. Vậy mà bây giờ Nam lại nhiễm Hoài, có buồn cười không chứ. Nam chống chế:

- Là đùa cho vui với nàng thế thôi, hai mươi tám năm uống nước sông quê lóng phèn làm sao mà nhầm lẫn được. Tôi còn phải “tư vấn” cho nàng nhiều lắm nàng ơi !

Hoài quay sang nghịch ngợm búng vào tai Nam:

- Có bằng cái chuyện tư vấn cho Hoài ăn mắm tôm không ?

Nam cười chúm chím, anh nghĩ đến chuyện bị “tổ trác” vào buổi chiều hôm đó. Nam cũng không thích mắm tôm lắm nhưng đã lỡ “lên lớp” với nàng về những món ăn dân tộc... Báo hại, Nam phải ăn luôn phần ăn có mắm tôm của Hoài, sau đó là nôn thốc nôn tháo một lần cho tởn đến già. Nhớ vậy nhưng anh vẫn cố tình chống chế:

- Tại hôm đó anh không được khoẻ, mà mắm tôm là món gia vị dành cho dân lực điền…

- Xạo !

Hoài hưng phấn đẩy Nam té ùm xuống sông. Cũng không vừa, tiện tay, Nam kéo luôn Hoài theo với. Cả hai lóp ngóp trong lòng sông rộng mênh mông. Nam vươn ba sãi tay dài thì nắm được tay Hoài:

- Bơi đi, không được làm nũng đâu nhé !

Chưa lấy được thăng bằng, Hoài vẫn còn bị uống nước bằng no. Nam xoay người, nâng Hoài trong vòng tay:

- Anh xin lỗi.

Nước sông làm mắt Hoài đỏ hoe, Nam tưởng cô sắp khóc:

- Sao thế, cho anh xin lỗi mà!

Anh ghì chặt cô vào lồng ngực vạm vỡ, Hoài nghe một luồng hơi ấm nóng lan tỏa khắp người. Cô rùng mình, có phải thế không. Không hẳn thế, Nam là chàng trai hồn nhiên nhất, hào sảng nhất. Nam hồn nhiên, hào sảng như trái cây trĩu cành trong vườn nhà ngoại Hoài kia. Biết người ta đã thấm tháp hương vị rồi mà vẫn hào sảng ra hoa, vẫn hồn nhiên kết trái, kĩu cà kĩu kịt trên từng cành cho gió đong đưa. Mai này, khi trở về bên ấy, Hoài sẽ kể cho John nghe về Nam. John cao thượng và rộng lượng, anh ấy sẽ nghĩ về Nam như Hoài từng nghĩ về Nam. Nam vỗ vỗ vào lưng áo Hoài:

- Em hết sợ chưa ?

- Cảm ơn anh.

Nam đẩy Hoài ra, anh lại cười tươi tắn:

- Mình bơi đua nhé ?

Hoài gật đầu nhẹ. Nam sải những sải bơi dài, bỏ Hoài một khoảng cách khá xa. Hoài lừa Nam để có những giây phút riêng tư. Cô ngắm anh thoải mái giữa mây nước bềnh bồng. Trước Hoài, Nam vẫn vừa gần vừa xa. Xa vì hai người chỉ mới quen nhau qua sự giới thiệu của người anh họ Hoài. Anh tìm cho em một người bạn đi chơi nhé. Anh ấy có công việc ổn định ở một nhà máy. Chưa có bạn gái. Người hiền lành nhưng quyết liệt. Hoài nháy mắt, cười với anh họ, anh không lo, em đã có John bên kia bờ đại dương rồi. Vậy mà không biết tình yêu của Hoài dành cho John mạnh mẽ đến cỡ nào... Lúc này đây, khi nhìn Nam vẫy vùng sông nước, Hoài lại thấy Nam có những điều mà John không bao giờ có. John không biết làm cho Hoài những cánh diều no gió giữa đồng xanh quê Việt. Những cánh diều mà khi Hoài còn bé, cha vẫn hay kể về nó, vẫn rỉ rả bên tai cô như một huyền thoại về quê nhà. John không biết hát yêu nhau cởi áo cho nhau, những khúc lý dặm à ơi mà mẹ đã kiên trì khắc vào tâm thức Hoài khi Hoài còn nằm nôi. John không biết tận dụng những linh kiện phế thải ở nhà máy để chế ra máy bắt muỗi, đập ruồi cho người nhà quê xài đỡ khổ. Nam cũng là một chàng trai quê Việt thông minh, sáng tạo như những chàng trai quê Việt đáng yêu mà Hoài biết được khi lang thang trên mạng. Đôi khi nằm gát tay lên trán, Hoài giật mình trước những suy nghĩ của chính mình. John được sinh ra và lớn lên trong một điều kiện khác, một môi trường khác thì làm sao bắt anh phải làm được những điều như Nam đã biết, đã làm. Ngược lại, Nam cũng không làm được những phần việc của một kỹ sư điện toán giỏi như John. Công bằng là thế nhưng Hoài vẫn bị cuốn hút bởi Nam.

***

- Ngày mốt mình bay về bên ấy rồi, con qua sông một lần với mẹ đi, Jane !

- Nơi ấy có gì mà mẹ háo hức làm vậy ?

- Cậu Duy. Cậu ấy hay lắm, vẫn hỏi thăm con hoài.

- Vẫn? Từ ngày về Việt Nam, mẹ sang nhà cậu ấy bao nhiêu lần ?

- Năm bảy lần gì đó nhưng lần nào mẹ cũng đi với dì út, con không thấy sao ? Hơn ba mươi năm xa cách nhau, cậu ấy cũng có một lần lấy vợ và đã ly dị, bây giờ cậu chỉ sống một mình… Cậu bệnh nhiều… tội lắm!

- Con thấy tội cho cha hơn, mẹ đã lừa dối cha, đúng không ?

- Không đúng, mẹ là mối tình đầu của cậu, mẹ đã lừa dối cậu…

- Vì sao?

- Con đã đọc nhật ký của mẹ rồi mà, Jane!

- Xin lỗi, con không cố ý. Hôm ấy, vì lời hứa với John, con đã sang tủ mẹ lục lọi tìm tấm ảnh khi con còn bé...

- Thôi, con đã lớn rồi, mẹ nghĩ, sớm muộn gì con cũng phải được biết những điều thầm kín của mẹ. Mẹ không buồn khi con đọc nhật ký của mẹ mà chưa xin phép đâu. Mẹ đã tâm niệm một điều, khi chấp nhận làm vợ cha con, mẹ phải làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm một vị phu nhân đúng nghĩa.

- Phu nhân của một ông Thứ trưởng của một chế độ đã đến hồi cáo chung?

- Có thật đấy, đã hơn năm mươi tuổi rồi, hơn nửa đời nhìn lại, mẹ thấy mình đã phải sống trong biết bao giấc mơ nông nổi, dại khờ. Thuở ấy, ngày mẹ tuổi hai mươi, mẹ và cậu Duy yêu nhau nồng nàn tha thiết, cậu cũng là sinh viên như mẹ thôi mà. Rồi như con đã biết, trong một chuyến đi chơi dã ngoại cùng cậu, mẹ đã gặp cha con. Cha con đã mời mẹ chơi cầu lông và bơi thi cùng ông ấy, ông ấy thật vô cùng điệu nghệ và lịch lãm. Cậu Duy của con không mảy may nghĩ ngợi điều gì khi thấy mẹ và cha con quấn quýt nhau trong các trò chơi thi, thế là...

- Một ông Thứ trưởng lâm thời vừa ly dị vợ mà có sức hút đến thế sao?

- Có chứ con. Tuổi hai mươi của mẹ nhìn cha con cao vời vợi. Hào quang của sự tung hê, phục dịch và những chuyến đi-về nước ngoài như đi chợ của cha con đã khiến mẹ trông thấy cậu Duy tội nghiệp, thấp bé như thế nào. Cả ông bà ngoại con cũng thấy điều mẹ chấp nhận lời cầu hôn của cha con là hợp lý.

- Đến khi nào thì sự tội nghiệp, thấp bé của cậu Duy biến mất?

- Jane thích mẹ nói với Jane như nói với một người con hay một người bạn?

- Mẹ cũng thừa biết rằng, sau khi đọc nhật ký của mẹ, con biết cậu Duy đang bệnh nhiều. Con cũng quá hiểu mục đích chuyến về quê lần này của mẹ. Đã bao nhiêu lần mẹ bảo về thăm ngoại, cha không đồng ý, mẹ không về. Nhưng lần này là quyết liệt, là không ai cản được, đúng không?

- Cảm ơn Jane, thế thì mẹ nói đây. Mọi thứ đều thật sự trở nên nông nổi và dại khờ ngay sau đêm tân hôn. Mẹ phải tận tụy với cha con vô điều kiện. Trước khi thấy được vệt máu trên tấm drap trắng do chính tay ông ấy trải ra, ông ấy đã dạy mẹ rằng, trong mẹ, ông ấy vừa là chồng, vừa là Thứ trưởng. Khoảnh khắc thinh lặng sau ái ân trong đêm tân hôn, mẹ nghĩ đến ai, Jane biết không?

- Không ai ngoài cậu Duy!

- Không phải, mẹ nghĩ đến người vợ trước của cha con và cảm thấy bà ấy có lý. Hơn ba mươi năm sống với cha con, lúc nào mẹ cũng phải rón rén như lần con rón rén bắc ghế nhìn vào phòng cha mẹ sau khi đọc được nhật ký của mẹ. Rón rén hiến dâng mà không cảm xúc. Rón rén dạ thưa mà không phải điều lễ nghĩa. Rón rén hoài thai con mà vô vọng. Rón rén trông về quê Việt với lòng hối hận, ăn năn của kẻ bội tình…

- Mẹ khóc rồi đó sao? Có sự lựa chọn nào mà không có cái giá của nó đâu. Nhưng cha con vẫn là người tốt cơ mà!

- Mẹ không nói với con rằng, cha con là người xấu. Nhưng ông ấy chưa bao giờ có trong mẹ bởi sự độc tài, độc tôn và huyển hoặc chính mình. Con thấy không, quá khứ vàng son đã khép lại ba mươi năm mà ông ấy vẫn…

- Nhưng dù sao con cũng không qua sông với mẹ đâu, không bao giờ. Mẹ đi một mình đi, dì út đang đợi mẹ ngoài bến sông đấy. Mẹ nhớ về sớm, ngày mai mình còn đi mua sắm một vài món cho cha.

***

- Mẹ đi rồi, cha!

Hoài nói với cha như thế nhưng ông vẫn ngồi im bất động, đôi bờ vai ngang ngang của ông đã bắt đầu gù xuống vì tuổi bảy mươi bên thềm. Ông chẳng nao núng gì khi con gái trở về sau một tuần vắng nhà. Hoài thấy đây là điều lạ sau hai mươi lăm năm được sống cùng cha. Cô nghĩ, có lẽ cha buồn khi mẹ quyết định trở về quê lần thứ hai quyết liệt hơn lần thứ nhất. Khẽ thở dài, kéo lê một chiếc ghế tựa vào tường, Hoài ngồi ngắm dáng cha. Cánh tay của mùa thu vươn dài qua cửa sổ, bên ngoài tràn ngập những chiếc lá rơi. Những chiếc lá nhuộm xao xác vàng cả không gian, thời gian và ký ức. Hoài có cảm giác buổi chiều hôm nay chỉ dành riêng cho cha con cô. Cả hai đều cần có một người để nói điều gì đó.

- Con bảo chị giúp việc mang sữa tươi cho cha nhé?

Ông già không quay lại:

- Chị ấy đã rời gia đình ta từ ba hôm nay.

Hoài ngạc nhiên:

- Để làm gì, cha?

- Chị ấy đến nhà một người bà con ở cách đây hai trăm cây số để chơi ít hôm rồi bay về Việt Nam.

- Chị ấy không giúp việc cho chúng ta nữa à?

Người cha lắc nhẹ đầu:

- Không biết, dường như là bảo nhớ nhà…

Hoài thở dài, đến thế thì thôi, nếu như vừa qua cô không vắng nhà một tuần lễ thì tình hình cũng vẫn phải thế. Dù thế nào đi nữa, chị giúp việc vẫn phải tìm cách “chuồn” khỏi nhà ông Thứ trưởng vì đồng lương không cao mà phải làm việc giữa bao nhiêu là khuôn phép. Dù thế nào đi nữa, mẹ cô cũng vẫn phải quay về Việt Nam. Mẹ không thể không có mặt bên cạnh cậu Duy để nghe những lời trăn trối. Mẹ vừa điện cho cô, cậu Duy mất tối hôm qua. Cậu ra đi thanh thản, nhẹ nhàng vì đã nói được những điều cần nói với mẹ. Nhưng qua giọng nói của mẹ, Hoài biết mẹ còn thanh thản, nhẹ nhàng hơn cả cậu Duy. Cô cảm thấy hài lòng khi quyết định gát lại chuyến chu du trên biển với John. Hơn năm ngàn “đô”- phần cô dành dụm cho chuyến  du lịch- đã giúp mẹ lấy lại thăng bằng trong quãng đời còn lại. Đúng hơn là năm ngàn năm trăm năm mươi lăm “đô”. Năm ngàn “đô” phần mẹ, năm trăm năm mươi lăm “đô” phần Nam, ngoài việc cô tài trợ cho Nam mua máy tính mới như đã hứa, ba con số năm của phần tiền này còn ngầm nhắc nhở Nam đừng hút thuốc nữa (cũng như Nam đã từng hứa với cô), gói thuốc 555 luôn nằm trong túi áo anh thường làm cô sợ. Cả thế giới đã cảnh báo rằng, khói thuốc là tác nhân thứ nhất gây bệnh ung thư phổi. Hoài sợ đến một ngày nào đó, cô cũng sẽ về quê với Nam lần cuối như mẹ về với cậu Duy lần này vậy. John chẳng hiểu gì cả, hồn nhiên bảo: “Mẹ cần tiền về quê thì Jane cứ giúp mẹ, cố gắng dành dụm thêm ít nữa, khi đủ tiền chúng ta sẽ khởi hành”. Hoài ơ hờ OK. Thật đáng ghét tội tình. Cô rơi vào trạng thái phân thân. Bỗng dưng ghét cái cách “chơi kiểu Mỹ” của thằng người yêu tóc nâu. Đi chơi với Nam nhiều lần, anh chưa bao giờ khiến cô phải sòng phẳng như thế. Dù cha cô vẫn tỉ tê cảnh báo, trước John, mình phải có cái thế riêng của con nhà Thứ trưởng. Thế gì không biết, sao bỗng dưng Hoài thấy John xa vời. Dường như mẹ đã thấy hết tâm can Hoài, mẹ bảo, sẽ cố gắng tìm ra một cách gì đó, dù phải vay mượn sau khi trở về để Hoài có đủ tiền đi du lịch cùng John. Mẹ ngắc ngứ trong cảm giác người có lỗi khi phải nhận tiền tài trợ của Hoài nhưng không còn cách nào khác. Suốt một tuần qua, tự thâm tâm Hoài thấy có hai điều nhẹ nhỏm. Thứ nhất, giúp mẹ trở về quê với cậu Duy lần cuối. Thứ hai, không đi du lịch với John, có nghĩa Hoài sẽ có thêm thời gian hỏi lại lòng mình. Có yêu John thật không mà tính  chuyện cưới xin. Sau khi gặp Nam ở quê nhà, Hoài nghe lòng mình lạ quá. Cũng có thể là chẳng phải yêu thương gì Nam đâu, nhưng qua Nam, Hoài nhìn rõ hơn sự bất ổn giữa cô và John. Sự bất ổn qua cái nhìn văn hóa và nếp sống của mỗi người. Với dòng máu thuần Việt và sự giáo huấn nghiêm khắc của cha, Hoài dễ bắt nhịp với những gì mang tính thuần Á hơn. Hẳn thế, cha sẽ ủng hộ sự phân thân này của cô nhưng bây giờ chưa phải là lúc. Có thể, sự phân thân chỉ xuất hiện khi cô có thêm người bạn tên Nam bên kia bờ quê Việt. Có thể, sự phân thân đã làm cô hiểu và muốn sẻ chia cùng mẹ trong đoạn đua nước rút của cuộc đời. Hoài  đang đứng giữa cha mẹ mình, băn khoăn, sợ hãi... với những ý nghĩ bắt đầu thay đổi. Cô không muốn mình có tội với cha nhưng vẫn phải cảm thông cùng mẹ. John chẳng hiểu gì cả, đôi mắt anh chàng đã xanh càng xanh, xanh ngơ ngác đồng chiều, xanh qua mấy dặm đìu hiu...

… Bóng chiều hắt vỏ vàng qua vai ông Thứ trưởng, một cảm giác lạ lùng xuất hiện trong con gái ông. Hoài thấy cần phải nói thêm một điều gì đó với cha:

- Mẹ có gọi điện về cho cha không?

Ông già cũng không quay lại:

- Có, bảo bà ngoại con đã qua cơn tai biến, đang từ từ khoẻ lại, mẹ sẽ cố gắng trở về với cha con mình trong thời gian sớm nhất…

Hoài nghe nghẹn trong lòng… Dì út điện bảo mẹ về gấp, cậu Duy sắp qua đời. Mẹ rầu rỉ bảo không có tiền về. Cha quản lý hết mọi khoản thu chi trong một cổ phần hùn hạp làm ăn của gia đình. Mẹ ngại xin cha lần nữa. Mới về trước đó một tháng, bây giờ về nữa thì nói lý do làm sao. Nhưng mẹ không thể không về, từ lúc nhận được điện, lòng mẹ như lửa đốt. Hoài đã can thiệp bằng cách để lại tiền và thư cho mẹ. Cô cố tình lánh mặt một tuần lễ với lý do thật hợp lý để mẹ tự xoay sở các thứ, để tỏ ra vô can trước cha. Sau những lời nói của cha, Hoài thấy mình thật vô cùng buồn cười. Cuối cùng thì cô vẫn là thành viên tồi tệ nhất trong gia đình. Cô đã quẫy đạp bằng mọi cách để thoát khỏi sự rối rắm giữa cha và mẹ. Cũng may mà cha đã đồng ý cho mẹ ra đi. Cũng may mà mẹ đã về đến Việt Nam an toàn. Mẹ điện sang, cảm ơn sự giúp đỡ của con gái. Khen con gái viết thư chân tình, biết có trước có sau. Mẹ còn bảo rất yên tâm vì cha không nghi ngờ gì cả. Cha tưởng bà ngoại bệnh thật, điện sang hỏi thăm mẹ hoài, còn dặn mẹ chờ ngoại thật khoẻ rồi hẵng bay sang, bên đây cha con Hoài tự lo liệu được mọi đàng. Có lẽ vừa áy náy vì chuyện nói dối, vừa không muốn cha phiền hà chuyện tiền bạc nên mẹ bảo cha không phải lo lắng gì cho mẹ, mẹ đã có tiền về quê bằng khoản dành dụm riêng bao nhiêu năm. Cha không biết gì về khoản tài trợ của Hoài… Ý nghĩ của Hoài bị cắt ngang khi người cha lên tiếng:

- Cha nghĩ, có lẽ mình không cần người giúp việc nữa con à!

- Sao thế cha?

- Con có thấy mùa thu đẹp không, Jane?

Ông già lãng đi thật dễ thương. Hoài nháy mắt cùng cha:

- Rất đẹp, cha à. Cha có muốn mình đi dạo trong vườn một chút không?

… Không hiểu sao bỗng dưng chiều nay cha Hoài nói chuyện thật nhiều. Khác hẳn thái độ trưởng thượng thường ngày. Sự cáu bẵng, đăm chiêu, luôn thấy mình quan trọng của cha đã khiến mẹ ngày càng xa cách cha.  Và đây cũng là lúc có nhau thật hiếm hoi của cha con Hoài. Phần lớn thời gian trong ngày, ông dành cho công việc làm ăn, nghiên cứu hoặc đọc sách. Còn Hoài phải đi làm suốt ngày. Chỗ làm xa nhà hơn trăm cây số nên khi về đến nhà, sau bữa ăn, nói đại khái qua loa với cha mẹ vài câu, cô lại vào phòng riêng đọc sách hoặc lăn ra ngủ. Chỉ có hai ngày cuối tuần là rảnh rang một chút. Chiều thứ bảy, John thường đến chơi bóng bàn cùng cha và ăn tối cùng gia đình. Bữa ăn tối có John là lúc cha nói nhiều nhất. Ông trao đổi với John về những chính sách xã hội, tranh luận với Hoài về một vấn đề nào đó của con người, nói với mẹ chuyện mùa này ở quê… Bây giờ, ông đang thao thao bất tuyệt với Hoài về những học thuyết, những lý lẽ của các siêu cường quốc khi làm rối loạn thế giới từng ngày, từng giờ… Và rồi lại giải thích vì sao thái tử Đạt-ma từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan tìm đến cõi niết bàn… Cuối cùng lại quay về chuyện quê nhà miền Trung Việt Nam xa lắc xa lơ,  ông bước từng bước  chầm chậm bên con gái:

- Quê cha mùa này hay có bão, mùa của sự bất trắc và chia ly. Ngọn gió hanh hao bất chợt chiều nay trên xứ người làm cha nhớ quê quá!

- Hay là hôm nào cha con mình về quê, qua đọc sách báo, con thích vùng duyên hải quê cha lắm, chỉ tiếc lần rồi về với mẹ, hai mẹ con không sắp xếp được thời gian…

- Thật lòng thì muốn nhưng cha vẫn cảm thấy thế nào…

- Cha sợ quá khứ buồn? Về đi cha, ba mươi năm rồi, không ai còn nhớ cha làm gì nữa đâu… Mà nhớ cũng chẳng để làm gì, cha à...

Một lần nữa, ông già lại lãng đi bằng cách chỉ thảm cỏ xanh mượt dưới chân mình:

- Cha còn biết xén cỏ, xén đẹp hơn cả thợ đấy, con tin không?

Thoáng chút hối hận vì nhắc lại chuyện buồn của cha, Hoài cũng giả vờ hào hứng:

- Tin chứ, mẹ bảo ngày xưa cha còn biết nấu ăn nữa là…

Ông già sinh động hẳn lên:

- Không phải ngày xưa mà ngay cả bây giờ, ngay cả bây giờ…Vâng, con có thích không, bây giờ cha sẽ quay vào nấu đãi con một món súp… Đúng rồi, nhà ta không cần người giúp việc nữa con à!

- Vâng, đúng đấy cha, trong tình trạng tài khoản gia đình không còn bao nhiêu, con nghĩ chúng ta tự phục vụ nhau là tốt nhất.

Bị bất ngờ trước lý lẽ của cô con gái, ông già ngẩn ra một chút:

- Không hẳn do tình trạng tài khoản mà do cha thích thế!

Hoài thông minh hơn một chút:

- Vâng, thưa cha, hẳn thế!

Hẳn thế, cô phải vuốt ve sự kiêu hãnh của ông già bao nhiêu năm qua. Trong bất cứ tình huống nào, ông già không bảo là ngã ngựa mà là xuống ngựa, không thích phi ngựa nữa thì xuống ngựa mà đi bộ bằng đôi chân cho giãn gân giãn cốt, cho tinh thần sảng khoái-tự tin-yêu đời. Như đến bây giờ, sau ba mươi năm không còn làm Thứ trưởng, ông vẫn ăn cơm riêng trong phòng bằng bộ chén bịt bạc hàng trăm năm tuổi. Như đến bây giờ, mẹ cô vẫn phải cơm bưng nước rót hai tay, vẫn phải dạ thưa trước ông sao cho tròn vành rõ chữ. Như đến bây giờ, hệ thống chuông nội bộ trong nhà vẫn còn nối với nhà bếp, garage, chuồng ngựa… dù chẳng còn nô bộc nào.

***

Ông già thật vui khi tự tay nấu súp đãi con gái. Hoài ngạc nhiên đến tròn xoe mắt trước cha mình. Ông bằm thịt, xắt củ thật tinh tươm. Xem cái cách ông dọn bàn ăn cũng thế, nhanh nhẹn, điệu nghệ không kém gì những người phục vụ ở nhà hàng. Suốt bữa nấu ăn, Hoài chỉ giúp được cha mỗi việc là nêm nếm sao cho không quá mặn. Ông nói với con gái một cách chân tình:

- Dù sống ở đâu, sống bao nhiêu năm đi nữa, dân miền Trung của cha cũng vẫn ăn mặn lắm con à!

Biết cha đang vui, Hoài hỏi thêm:

- Sao vậy cha?

_ Ừ, tại người miền Trung sống thô mộc và ngay thẳng!

Lên bàn ăn, Hoài suýt xoa khen cha đảm đang suốt buổi. Ông già cao hứng bảo, hôm nào mẹ về, sẽ làm đãi hai mẹ con món bánh căng. Món bánh chỉ dành riêng cho những gia đình ngư dân nghèo ở miền duyên hải quê ông. Bánh căng đổ bằng bột gạo, ăn với món cá thu kho thơm nồng bởi lớp ớt rắc đỏ trên mặt nồi. Ai không đủ tiền thì ăn nục kho cũng được nhưng phải là thứ cá còn nhảy chanh chách trước khi nổi lửa. Vị ngọt của con cá tươi quê ông không lẫn vào đâu được trong hàng vạn sơn hào hải vị trên thế giới. Cuối cùng ông muốn uống rượu. Hoài lấy vang đỏ, ông bảo whisky. Sự hưng phấn lạ lùng qua đi, ông quay về vẻ lạnh lùng cố hữu:

- Suốt một tuần qua, con đi đâu vậy, Jane?

Hoài lúng túng xoay nhẹ ly rượu:

- Con đã điện về báo với cha và mẹ…

- Không, xin lỗi, ý là cha nói con đi để làm gì...

- Con đã nói rõ rồi, thưa cha.

- À, thế hả, cha lẩm cẩm rồi, xin lỗi...

Ông già cúi xuống mân mê ly rượu trong tay rồi lại ngẩng lên, mọi chuyện như chẳng liên quan gì với nhau:

- Con có đi với John không?

- Thưa cha không, con đi với một người bạn gái.

- Sao lúc này cha thấy con ít đi với John?

Hoài bắt đầu bối rối:

- John bận lắm cha à, anh ấy phải làm thêm nhiều việc ở công ty…

- Cả hai chiều thứ bảy nó cũng không ghé nhà ta đánh bóng bàn cùng cha và ăn tối như bao nhiêu năm qua…

- Anh ấy bệnh cha à…

- Sao con không đến thăm nó, mà nó cũng chẳng điện cho cha?

- Con sẽ bảo anh ấy…

Hoài run run khỏa lấp bằng những câu trả lời nhát gừng. Cô biết chắc, cha sẽ không đồng ý về chuyện cô tạm ngưng mọi thứ trong quan hệ với John để hỏi lại lòng mình. Ông không tin có một kiểu tình cảm nêm nếm trước rồi định giá sau của bọn trẻ đương đại. Thời của ông thì ngược lại. Cũng may mà ông chưa biết chuyện Hoài hũy bỏ chuyến chu du trên biển cùng John. Theo thỏa thuận giữa hai bên gia đình, sau chuyến đi trở về, họ sẽ cưới nhau.

***

Khi thôi chất vấn về chuyện con gái và John, ông Thứ trưởng bắt đầu lằng nhằng những chuyện không đâu, Hoài biết cha đã say. Chai whisky chưa hết nửa. Ông già không còn sức uống rượu như ngày xưa. Hoài đưa cha về phòng nghỉ. Ngồi thừ ra ngắm cha một lúc, Hoài thấy mình cũng chếnh choáng hơi men, không biết là tại sợ cha phát hiện mình hay tại cô cảm thấy quá trống trải trong ngôi nhà rộng lớn. Bần thần một lúc lâu, Hoài mới giật mình chợt nhớ, đi một tuần quay về, cô chỉ kịp quẳng túi xách vào phòng rồi chạy đi tìm cha trò chuyện chứ chưa sắp xếp được gì cả. Phải quay về phòng riêng để sắp xếp lại các thứ, chuyến đi một tuần của cô đã làm đảo lộn khá nhiều trật tự trong phòng. Hoài không giống cha sự độc tôn và triệt để nhưng giống ở sự ngăn nắp, gọn gàng. Khi xếp lại chồng sách cạnh cửa sổ, Hoài bắt gặp tấm ngân phiếu nằm hờ hững dưới một hoa hồng. Mẹ làm gì có tiền, nhà này không ai có thể làm được điều này, trừ cha cô. Trên mảnh giấy hồng be bé xinh xinh, ông già viết: “Phải cẩn thận khi nghĩ về một điều gì đó, một người nào đó đã thuộc về mình. Còn kịp để con sống đời sống thực của chính mình. Cha không có ý kiến gì về John nữa khi chưa biết được một nhân vật nào đó đang thấp thoáng trong đời con. Nhưng cũng không cần thiết phải hũy bỏ chuyến du lịch vì một lý do nào đó. Con và John cần có thời gian bên nhau để quyết định chính xác hơn!”. Hoài toát mồ hôi chột dạ. Mẹ hớ hênh để cho cha biết hết cả rồi. Cô run run lướt mắt trên tấm ngân phiếu. Mệnh giá đúng năm ngàn năm trăm năm mươi lăm đô chẵn, không thừa không thiếu một xu. Biết được số tiền này, có nghĩa cha cũng đã đọc được bức thư bọc bên ngoài nó, bức thư bày tỏ sự tỉnh thức của Hoài trong mối quan hệ giữa mẹ và cậu Duy. Bằng cách nào cha biết hết vậy. Hoài không biết. Mẹ Hoài lại càng không. Có món bánh căng ở làng quê cha biết. Đất dưới chân Hoài như bị nứt toạc ra, hàng ngàn cánh tay ma quái kéo cô rơi xuống muôn trùng...

 

... Hoài bỗng nhớ rằng phải đi tìm cha. Hẳn ông đang ở trong phòng với nỗi cô đơn khủng khiếp. Hoài nghĩ, cô cũng cần nói với cha một điều gì đó. Cảm giác tội lỗi trong cô xâm chiếm ngập tràn… Hoài hoảng lên khi không thấy cha trong phòng, hiếm có buổi tối nào ông ra khỏi nhà. Cô chạy qua phòng khách, xuống bếp, ra garage, chuồng ngựa… Cũng không. Cô leo lên tầng thượng, nơi có để bàn bóng mà cha cô và John hay chơi mỗi chiều thứ bảy, chỉ có ánh trăng suông và sương rơi ướt đẫm mặt bàn. Hoài chạy lại phía lan can, nhìn xuống con đường vắng ngắt bên ngoài. Hướng đi về phía thị trấn của những người da màu tịnh không một bóng người. Hướng đi về rừng sồi, cha cô đang gập đầu bước đi lặng lẽ, tuổi già lướt theo ông bằng những làn gió thu héo hắt. Ông đang đi về hướng mà hai cha con vẫn thường tranh luận, có hay không một loài chim di trú khi mùa đông về…

Thu Trân
Số lần đọc: 2581
Ngày đăng: 30.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ân ma - Tâm Đào
Bước ra từ cuộc đấu giá - Bích Ngân
Hồng Hạnh - Hư Thân
Mùa sẽ còn dài - Mường Mán
Cỏ Xanh - Nguyễn Ngọc Tư
Người đàn bà xấu số - Nguyễn Văn Ninh
Lá vỡ - Trần Huyền Trang
Nhuế Dương ơi - Vân Anh
Tiếng dương cầm trong đêm - La Thị Ánh Hường
Sáng Thế Ký - Cổ Ngư