Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.205.026
 
Lịch sử bị nhìn lộn ngược : Thưa lại cùng giáo sư Nguyễn Huệ Chi.
Hà văn Thùy

Đọc bài “Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi” của giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên talawas ngày 16.5.06 tôi nhận ra, trong khi làu thông sách Tàu  thì người viết lại có cái nhìn chưa thoả đáng về văn hoá và lịch sử Việt.

   

Chúng tôi xin mạo muội thưa lại cùng ông đôi lời.

 

1/Nguyễn Du lấy chữ “mày ngài” từ đâu?

 Không hiểu sao, chẳng cần một lý giải nào, ông Huệ Chi lại xác quyết rằng Nguyễn Du đã lấy chữ mày ngài từ Tam quốc diễn nghĩa? Nếu như chúng tôi thưa lại: “Không phải đâu, Nguyễn Du không lấy ở Tam quốc mà từ kinh Thi” thì ông bảo sao? Cố nhiên là Tố Như phải học Thi trước khi đọc tiểu thuyết Tàu. Mà đã học Thi thì không thể không đọc bài Thạc nhân:  trăn thủ nga my . Nếu học được chữ “nga my” từ kinh sách thì sách đó phải là Thi. Viết đến đây bên tai chúng tôi bỗng vọng lên giọng nói xứ Nghệ: “Tiểu tử trật rồi!  Cố nhiên là choa phải học Thi. Nhưng mắt phượng mày ngài thì choa biết từ khi dái còn bằng hột mây cơ! Choa nhớ, hồi đó ở làng có o Huyền con ông Cả Thiện, xinh chi mà xinh. Choa chả biết o xinh ở lỗ mô nhưng mỗi khi nhìn o choa đều mê mẩn cả người. Rồi một bữa nghe bà nội nói: “Con gái Cả Thiện xinh chi xinh lạ. Mày ngài mắt phượng…” Từ đấy hai chữ mắt phượng mày ngài chôn sâu trong lòng choa!” Cố nhiên, chẳng có Nguyễn Du nào nói với chúng tôi như vậy. Nhưng ai dám bảo rằng, trước cả Thi, Nguyễn Du đã không học mắt phượng mày ngài từ dân dã?

    

Tới đây, có thể ông Nguyễn Huệ Chi và cả ông An Chi cùng cười ồ: “Có gì lạ đâu? Chính là chữ của kinh Thi Tàu đã thâm nhập dân gian Việt qua hàng nghìn năm đô hộ! Có nghĩa là Tàu vẫn hoàn Tàu, 100% Made in China,” như có lần ông Huệ Thiên khoái chí reo lớn!

   

Vấn đề này tôi đã trình bày trong bài Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt?  đăng trên talawas, ở đây chỉ xin nói vắn tắt: Mày ngài là yếu tố văn hoá của dân trồng dâu nuôi tằm đất Việt phương Nam, đã theo chân người Việt thiên cư tới bờ sông Hoàng rồi ở thời Nghiêu, Thuấn được góp vào kinh Thi. Như vậy, có thể nói mà không sợ hàm hồ là: chữ  mày ngài là bản quyền của người cấy lúa trồng dâu đất Việt. Nguyễn Du đã học được từ tổ tiên xưa chứ không cần chờ đến lúc học Thi và lại càng không phải từ Tam quốc diễn nghĩa!

 

2/ Ai dạy ai nuôi tằm, ai mượn chữ của ai?

Toàn bài viết của ông Huệ Chi toát lên ý tưởng: Nguyễn Du đã lấy chữ mày ngài từ sách Tàu, không sách này thì sách khác. Ở chú thích số 3 ông ghi: “Cần chú ý thêm: tại sao người Nam Bộ nói “mắt phụng mày tằm” mà không nói “mắt phượng mày ngài”? Phải chăng “ngài” là bắt nguồn từ “nga” trong chữ Hán nhưng Việt hóa triệt để hơn và sớm hơn “tằm” bắt nguồn từ “tàm”? Cũng vậy “phượng” có gốc là “phụng” nhưng đã được Việt hóa triệt để hơn “phụng”. Và trong quy luật đồng bộ của ngôn ngữ vần vè tiếng Việt, đã phát âm Hán Việt ở danh từ này thì cũng phải phát âm Hán Việt ở danh từ kia tương ứng với nó và ngược lại? Từ đây có thể suy đoán xa hơn: nghề trồng dâu nuôi tằm vốn không có ở nước ta mà du nhập từ Trung Quốc,(HVT nhấn mạnh) cho nên buổi đầu người Việt lẫn lộn “tàm” = con tằm với “tàm nga” = con ngài, và đã gọi tỉnh xưng là “con ngài” để chỉ cả hai. Rất lâu về sau mới gọi phân biệt “ngài” và “tằm”. Nếu đúng như thế thì “mày ngài” = “mày tằm” hiện còn bảo lưu ở vùng Nghệ Tĩnh như Nguyễn Đức Vân nói là điều dễ hiểu.”

  

Trong đoạn văn trên, ông cho rằng những chữ ngài, tằm, phượng, phụng…đều là những chữ mượn của Trung Quốc, đang trên đường Việt hoá ở mức độ khác nhau. Rồi từ đó ông suy đoán xa hơn: nghề trồng dâu nuôi tằm vốn không có ở nước ta mà du nhập từ Trung Quốc(!)

 

Thật không ngờ lại có cái nhìn lịch sử bất cẩn như vậy.

  

Đúng là, các nhà khảo cổ đã tìm ra chứng cứ đầu tiên về nghề tằm tang trên đồ đồng thời nhà Thương (1783 TCN) 1. Nhưng chỉ theo đó mà cả quyết rằng nghề này tới nhà Thương mới có là kết luận võ đoán.

  

Chẳng cần suy nghĩ nhiều thì người ta cũng luận được rằng, vùng nhiệt đới với khí hậu ấm, cây cối sinh trưởng nhanh thích hợp với sự sống của côn trùng nên thuận tiện cho nghề nuôi tằm. Con tằm là vật nuôi của dân nông nghiệp sống định cư chứ không thể của người du mục luôn di chuyển. Muộn lắm, việc nuôi tằm cũng xuất hiện trong Văn hoá Hoà Bình khoảng 10.000 năm TCN và chắc chắn rằng vào 3000 năm TCN, người Hán Mông Cổ là những bộ lạc thiểu số du mục ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc chưa biết gì đến nghề này! Vì vậy nghề tằm tang phải là bản nghệ của người Việt nông nghiệp. Chính qua việc chăn tằm ăn cơm đứng mà từ xa xưa người Việt cổ phát hiện ra vẻ đẹp của bộ râu con ngài rồi liên tưởng đến lông mày đàn bà, từ đấy thành ngữ “mày ngài” ra đời. “Mắt phượng” cũng được khai sinh tương tự. Phượng là con chim phương nam, sống gắn bó với dân nông nghiệp. Từ quan sát trời đất, muông thú mà người Việt nông nghiệp phát hiện ra mắt phượng.

 

Khi đi lên khai phá phía Bắc, người Việt cổ- Việt bộ Mễ trồng lúa nước, tiếp bước lớp người tiên phong Việt bộ Qua mang theo rìu đá - đem văn hoá tằm tang lên vùng Núi Thái, sông Nguồn. Khoảng 2600 năm TCN, người Hán Mông Cổ sống du mục ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc tràn qua Hoàng Hà, xâm chiếm đất của người Bách Việt, lập ra thời đại Hoàng Đế. Giống như người Mông Cổ hay Mãn Thanh xâm nhập Trung Quốc sau này, do nhân số ít và văn hoá thấp nên người Hán Mông Cổ bị người Bách Việt bản địa đồng hoá cả về di truyền cả về văn hoá. Tộc Hán nắm quyền lãnh đạo xã hội chấp nhận tiếng nói phong phú của dân Miêu Việt vào kho từ vựng chung, nhưng trong vai trò kẻ thống trị, họ cưỡng chế dân Miêu phải nói theo cách nói của người Hán. Người Hán dùng chữ Khoa đẩu của người Việt để ký tự những từ vựng này. Đến  khi chế ra chữ vuông, toàn bộ từ vựng được viết theo chữ vuông: công cuộc Hán hoá toàn bộ từ vựng của người Việt bản địa hoàn thành. Tuy nhiên, do sức sống đặc biệt của tiếng Việt nên dù hàng ngàn năm thực thi xa đồng quỹ thư đống văn, trong từ vựng Hán vẫn có những từ thuần Việt như Thần Nông, Nữ Oa, Đế Nghiêu, Đế Thuấn… Và trong kinh Thi có hàng chục trường hợp còn giữ được ngay cả cách nói Việt như trung tâm, trung cốc, trung lâm…Đó là những hoá thạch ngôn ngữ cho thấy tiếng Việt hoà nhập vào ngôn ngữ Hán. Từ phát hiện này, ta ngộ ra rằng: sự thật lịch sử diễn ra trái ngược với những gì chúng ta vẫn tin tưởng xưa nay. Không phải người Việt mượn tiếng của người Hán mà chính là người Hán đã mượn của người Việt. Vạch ra điều này không vì lòng tự tôn hay tự ti dân tộc mà chính là hành vi khoa học và nhân văn: làm sáng tỏ lịch sử và góp phần tìm lại cội nguồn văn hoá của người Việt.

 

3/ Thay kết luận

Một điều chúng tôi băn khoăn là không hiểu vì sao nhiều nhà khoa bảng người Việt bị cầm tù lâu đến vậy trong hai ngục chữ là thư tịch cổ Trung Hoa và sách của nhiều học giả Pháp thời thực dân? Ở thời điểm trước những năm 90 của thế kỷ XX điều này còn có thể hiểu được: chúng ta bị bao vây cấm vận nên thiếu tư liệu, đành phải làm cái việc chẳng đặng đừng gà què ăn quẩn cối xay xào xáo thư tịch cũ.

  

Nhưng từ những năm gần đây, tình hình đã khác nhiều lắm: chúng ta mở ra tiếp cận với hầu như mọi chân trời nhân loại. Thêm nữa nhờ Internet ta có thể vào đọc hầu hết các kho tàng văn hoá. Biết bao điều mới mẻ quý giá được công bố. Nhưng không hiểu sao nhiều nhà khoa bảng của chúng ta như vẫn còn ngơ ngác lạc trong cõi mê?

 

Xin đưa ra một dẫn chứng: ngày 29/9/1998 tờ Los Angeles Times đưa tin: Jin Li, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, thành viên của Dự án Đa dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Deversity Project), thông báo một tin chấn động giới khoa học tại Washington: "Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Ðông Nam Á sau đó đi lên Bắc Trung Hoa." "Từ Trung Ðông men theo bờ Ấn Ðộ Dương, ngang qua Ấn Ðộ đến Ðông Nam Á. Sau đó họ đi lên Bắc Trung Hoa, Siberia và cuối cùng là châu Mỹ." 2

 

 

Thật đáng tiếc là một phát kiến quan trọng làm thay đổi hẳn cách nhìn về tiền sử của dân tộc lại hầu như không ai trong nước biết đến, trong khi nhiều người vẫn yên trí rung đùi với mớ kiến thức mốc meo của mình.3

  

Một thí dụ khác, vào những năm 70, học giả Lương Kim Định trong sách Việt lý tố nguyên đưa ra những nhận định về lịch sử và văn hoá rất mới lạ. Nhưng rồi sau đó do bảo thủ, do tính ù lỳ tri thức và cả thành kiến tôn giáo, phát kiến mang ý  nghĩa cách mạng về văn hoá dân tộc bị gác bỏ. Đến nay, nhờ những thành quả mới nhất của công nghệ gene về cội nguồn người Việt, nhiều ý kiến của giáo sư Kim Định được khẳng định. Thế nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn u mê rị mọ  trong vòng kiềm toả của những giáo điều không chỉ cũ rích mà còn lạc hướng.

    

Do thiếu lòng yêu nước thực sự, do thói ù lỳ tri thức, do tác động ngu dân của những kinh điển Tàu-Tây nên chúng ta nhìn lịch sử và văn hoá của mình lộn đít lên đầu!

  

Phải chăng đó cũng là vấn nạn của dân tộc?

 

Tháng 5.2006

 

1. La naissance de la China của Creel, NXB Payot Paris tr.85. Theo Kim Định - Tinh hoa ngũ điển - Nguồn sáng, Sài Gòn 1973 tr.10

2. “Our work shows that modern humans first came to Southeast Asia and then move late to Northern China." "...from Middle East, following the Indian Ocean coatline across India to Southeast Asia. Later, they moved northern China, Siberia and eventually the Americas"(Los Angeles Times  29.9.1998). 

3. “Cách nay 500.000 năm, người Việt từ phía nam cao nguyên Tây Tạng, theo ngọn sông Dương Tử đi xuống Đông Nam Trung Quốc. Sau do bị người Hán xua đuổi, đã tràn sang đất Việt, tiêu diệt người bản địa, lập nên nước Văn Lang của các vua Hùng.”   
Hà văn Thùy
Số lần đọc: 6036
Ngày đăng: 01.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Angkor xưa và nay-phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Angkor xưa và nay-phần 2 và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Di sản lịch sử vô giá và thiên nhiên Côn Đảo cần được tôn vinh xứng tầm - Võ Văn Kiệt
Những con chữ khởi thủy và một áng văn rất sớm của loài người - Trương Thái Du
Không được quên quá khứ - Nguyễn Đình Thống
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử-phần hai và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử - phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Người CHÂU ĐỐC – AN GIANG Làm ăn ở NAM VANG xưa và nay - Nguyễn Hữu Hiệp
TRIỆU ĐÀ và NƯỚC NAM VIỆT trong dòng chảy LỊCH SỬ VIỆT NAM - Trương Thái Du
Vụ thảm án tôn thất nhà Lý nay ở đâu ? - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)