Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.213.089
 
Ngày mơ qua bình yên
Thu Trân

Đã gần bốn tháng trôi qua, Hiền vẫn nhớ cái cảm giác làm mẹ đến cồn cào ruột gan. Đôi mắt con bé tròn xoe, đen láy. Đôi môi hồng hồng, chúm chím, yêu thương. Lần đầu tiên, đôi môi ấy chạm vào vú mẹ, chị rùng mình. Sau đó là cảm giác hạnh phúc trào dâng, hạnh phúc được làm mẹ lần đầu. Cũng mênh mang như lần đầu tiên đôi tay anh chạm vào đôi bầu vú trinh nữ của chị...Bắt đầu từ chuyện cơ thể chị cảm thấy là lạ, lúc dường như chân chạm đất, lúc dường như bềnh bồng trên mây. Chị tự nhủ lòng, phải ráng dưỡng cái thai, đó chỉ là sự khó chịu ban đầu thôi, là phụ nữ mà, ai chẳng thế, phải thích nghi...

Điều chị cần quan tâm nhất lúc này là mẹ chị có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để mổ tim hay không. Bà cụ bị hở van tim trái nhưng đã bảy mươi tuổi rồi. Những ngày cùng mẹ lên viện tim nằm chờ đợi quyết định cuối cùng của bác sĩ, chị thấy thời gian như dừng lại. Mỗi ngày ngoài thời gian ba bận lo cơm nước cho bà cụ, chị chẳng biết làm gì. Ban đầu thì đọc báo. Sau quay ra nhớ lớp học ở nhà. Chẳng biết con bé Hương hàng xóm thay chị đứng lớp có tốt không. Lớp có hai mươi đứa trẻ nhưng mỗi đứa mỗi tính mỗi nết, chẳng biết Hương sẽ xoay sở ra làm sao. Không khéo, cả cô lẫn trò đều ôm nhau mà khóc. Cả đàn gà con mới thay lông cánh, chúng lớn nhanh như thổi.

Sau giờ học, Hương có nhớ cho chúng ăn không. Và những bụi chuối xanh um quanh nhà, hơn nửa tháng nay, chị chưa về lại để tỉa bớt những lá khô. Để lùm xùm như thế chỉ tổ lắm muỗi, tội nghiệp cho bọn trẻ đến nhà chị học hành. Nghe nói dạo này đủ thứ bệnh mới phát sinh từ muỗi như viêm não cấp, viêm não Nhật Bản...Có lẽ chị phải sắp xếp một buổi nào đó để về dọn dẹp nhà cửa...Bà cụ trở mình quay ra nhìn chị:

- Sữa nó lại chảy ra kia kìa!

 

Chị giật mình cúi xuống, ngực trì nặng như đeo đá. Đôi môi hồng chóp chép của con bé lại hiện ra. Ngực mẹ mà căng như thế này, hẳn con bé đang đói lắm, các cụ bảo thế. Chị lấy tay xoa nhẹ hai bầu vú cho đỡ căng đỡ nhức. Mẹ chị nhắc :

- Cái túi đựng men cơm rượu đâu?

Chị giả lả:

- Con xoa rồi mẹ ạ. Mẹ cứ yên tâm ngủ đi, con tự lo cho mình được mà!

Bà cụ nằm quay vào tường trở lại nhưng miệng làu bàu:

- Gớm, lo được cái gì mà lo, gần bốn mươi tuổi đầu, mỗi tí mỗi cầm tay chỉ việc!

 

Chị nghe lưng mình đau như có ai dần, sinh đẻ có cử kiêng cái gì đâu mà đòi không đau cái này, không nhức cái kia. Con bé mới vừa tròn tháng, giao trả nó về cho cha nó, chị đã chạy lung tung như ngựa để lo các thủ tục nhập viện cho mẹ. Bệnh tình của mẹ chị ngày càng nặng, bà cụ chỉ toàn ngủ ngồi, nhìn mẹ ngủ mà lòng chị đau. Bằng mọi giá, phải có tiền để đưa mẹ đi viện. Ngày làm thủ tục chấp nhận mổ, mẹ nhìn chị nghi ngờ :" Tiền mổ nhiều lắm, con lấy đâu ra cho mẹ?".

 

Chị ôm vai mẹ :" Mẹ lo làm gì, con đi thế chấp nhà, vay vốn ngân hàng, còn người còn của, mai mốt mẹ khoẻ, con đi làm trả nợ...". Cũng may mà bà cụ không thắc mắc gì thêm. Cái nhà vách gỗ, mái tôn của chị thế chấp được bao nhiêu mà thế. Hoặc may được giá nhờ phần đất còn tương đối rộng quanh nhà... Muốn ngả lưng nằm cạnh mẹ cho cụ yên tâm nhưng hai bầu sữa căng nhức nhối khiến chị cựa quậy vô cùng khó khăn. Thôi, cứ kéo ghế mà ngồi chịu đựng vậy. Từ từ rồi sữa cũng hết thôi mà. Con bé trạc hai mươi tuổi, cũng đi nuôi mẹ ở giường bên cạnh nhìn chị ái ngại:

- Nhức lắm phải không chị? Sao chị không thoa men cơm rượu...

Chị đưa một ngón tay lên ngang môi nó:

- Không nói nữa...

 

Con bé gật đầu, ngượng nghịu biết lỗi. Ngoài chị, chỉ mỗi mình nó biết là túi men cơm rượu kia chẳng hề suy suyển chút nào. Chị không dùng bài thuốc làm tiêu sữa ấy. Chị sợ xoa chất men cơm rượu ấy lên hai bầu vú mình. Nghe nói, nếu người mẹ làm như vậy thì đứa con chẳng bao giờ ngủ yên. Nhưng chị muốn con bé lúc nào cũng ngủ yên trong ngôi nhà sang trọng, xa lạ kia...Giờ này nó đã biết làm gì? Hẳn đã biết nhìn cha trìu mến. Càng lớn, nó càng giống chị hay là cha nó? Cha nó có yêu nó không? Chị nhìn ra hai hàng xà cừ rợp bóng trước bệnh viện, có một phép màu nào cho cha nó bế nó vào thăm mẹ con chị lúc này? Ước mơ vô cùng giản đơn, bình thường nhưng với chị sao mà xa xôi quá...

 

@

Bé Gơ nằm trong vòng tay cha, ngủ ngon lành. Giấc ngủ của con bé bốn tháng tuổi thật thơm mùi sữa. Thỉnh thoảng miệng nó lại chóp chép như còn thòm thèm vú mẹ. Một lúc sau, miệng con bé lại cười. Đứng nhìn con bé ngủ say sưa từ phía sau lưng chồng, bà Tâm nhón gót hôn đánh chụt vào mái tóc lơ thơ vàng hoe như những sợi tơ trời của nó:

- Mụ bà đang dạy con cười đó anh!

Dũng gật đầu:

- Ừ, ngắm con hoài. Bà sắp nôi cho con, tôi đi trực bây giờ đấy!

Bà Tâm trố mắt ngạc nhiên:

Tối chủ nhật mà cũng trực nữa sao, mấy đứa bảo vệ không quản hết các phân xưởng được à?

- Đang mùa khô, tôi phải cầm tay chỉ việc tụi nó bà ạ. Mấy cái việc phòng cháy, chữa cháy bây giờ phải triệt để.

 ... Ra đến cổng, bà Tâm nhón gót lên, vòng tay ôm lấy chồng:

 - Anh không hôn em à?

Dũng hôn đại khái qua loa rồi bước lên xe như ma đuổi. Bà Tâm quay vào nhà buồn thiu. Đi qua phòng ngủ của bé Gơ, bà đứng lại nhìn hồi lâu. Con bé ngủ ngoan như thiên thần, càng lớn càng giống cha như đúc. Nhất là cái miệng cười xinh xinh có hai lúm đồng tiền. Cả mái tóc vàng hoe của "con nhà tông", không lẫn đi đâu được...Hạnh phúc đến với bà như mưa bóng mây. Mọi thứ chỉ thật sự vui vẻ khi đón bé Gơ về nhà được hai tháng đầu. Bà sung sướng khi Dũng có một đứa con cho riêng mình. Dũng ân cần và biết ơn bà hơn trong mọi cử chỉ, hành động. Bỏ cả những buổi tiệc tùng say sưa, Dũng về giúp bà bế con, khuấy bột.

 

Những khi Dũng bận việc, không thể về sớm như dự định, bà ở nhà làm việc vất vả như "Oshin". Anh vừa bước vào nhà, bà đã bế bé Gơ ra đón. Bà cầm hai bàn tay mềm như bông của con bé áp vào mặt cha, ngọng nghịu :" Cha đi đâu mà lâu quá vậy, sao không về sớm với mẹ và con". Dũng xúc động thật sự, anh dang rộng vòng tay, ôm cả hai mẹ con vào lòng :" Xin cảm ơn em!". Đêm đêm, sau lúc ngắm bé Gơ ngủ, Dũng nắn nót đôi vai của bà :" Cảm ơn, vì anh và con mà em cực quá phải không. Từ mai, cho gọi chị Lan trở lại giúp việc nhà mình đi. Công ty mình còn cần bao nhiêu việc từ em". Bà cười tươi tỉnh :" Sao anh hay nệ hà chuyện con anh, con em. Em đã nói rồi, bé Gơ là con anh dứt ruột đẻ ra, em thương yêu nó còn hơn chính bản thân mình. Anh vui là em vui. Anh hạnh phúc là em hạnh phúc. Em không thể giao bé Gơ cho chị Lan khi  lòng em không yên tâm. Còn chuyện công ty nhà mình, vắng em một tí thì đã sao, dưới anh còn có nhiều chuyên viên giỏi mà...Với lại, ví bằng phải đổi cục cưng này để lấy bao nhiêu vàng ròng thì em cũng đổi". Bà cúi xuống, thơm vào đôi má cong bầu bĩnh của bé Gơ. Dũng xoay vai bà lại. Anh ôm hôn bà nồng nàn như nụ hôn của những người tuổi đôi mươi yêu nhau...Khi bé Gơ được ba tháng tuổi thì mọi việc đã khác đi nhiều. Không phải chuyện Dũng lơ là trong tình cảm vợ chồng với bà như trước khi có bé Gơ.

 

Là một phụ nữ lớn tuổi, đầy kinh nghiệm sống, bà thừa hiểu Dũng đang phải sống trong tâm trạng gì. Còn hơn cả chuyện bị ràng buộc bởi một sợi dây vô hình nào đó thuộc phạm trù đạo đức. Dũng nhìn ngó, ăn nói, đi đứng sẽ sàng và nhất mực. Lúc nào cũng sợ bà tổn thương. Dũng đến công ty và về nhà lúc nào cũng đúng giờ. Anh tránh đối diện với bà những khi không có bé Gơ làm cầu nối...Chưa bao giờ bà nghiệm ra vấn đề một cách đúng đắn và sâu sắc như đêm nay. Bà cảm thấy mọi cố gắng đều vô hiệu. Một người phụ nữ chuẩn bị bước vào tuổi sáu mươi như bà thật dễ chạnh lòng trước mọi khía cạnh của tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, nhất là với một người chồng trẻ hơn bà đến những mười hai tuổi...Bà nghe mắt mình nóng lên, bám tay vào thành cửa sổ, bà khẽ ngước lên nhìn bầu trời đầy sao. Chòm sao vua chín cái sáng ngời. Sao vua chín cái nằm kề. Thương em từ thuở mẹ về với cha. Sao vua chín cái nằm ngang. Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng. Cánh đây gần bốn mươi năm, khi còn là một cô gái tuổi đôi mươi xuân sắc, bà chưa bao giờ nghĩ, sẽ có lúc mình có một tình yêu gian khó như tình yêu của bà dành cho người chồng quá trẻ hiện nay. Số phận dung ruổi gì đâu. Bà không mơ có ngày mình phải lấy một ông chồng như Dũng. Ông chồng trước của bà, cha của Trúc Mai, sống vừa đôi phải lứa với bà suốt hai mươi năm. Cho đến ngày ông ấy đột ngột qua đời vì bệnh tật cũng chưa khiến bà phải lo sợ như thế. Đôi lần, Trúc Mai điện về khuyên bà nên trả tự do cho Dũng và sang Pháp định cư với vợ chồng cô. Bà không thể nói với con gái rằng, Dũng đã trở thành máu thịt của bà từ lâu rồi. Hơn nữa, dường như Dũng cũng không có ý định chối từ bà...

 

Hai người gặp nhau và đến với nhau cách đây mười năm vì thực tế phải liên kết trong các phi vụ làm ăn. Ban đầu thì như thế. Trước tấm tình của bà, dần dà, Dũng sống với bà trung thực hơn, đàng hoàng hơn. Không cần Dũng phân bua nữa, bà vẫn tin chắc chắn một điều : Dũng chưa từng có vợ và chưa yêu ai với một tình yêu sâu nặng như tình yêu của bà dành cho Dũng...Có tiếng chuông điện thoại reo trong phòng khách, bà lật đật chạy vào. Bé My, con gái Trúc Mai, gọi điện cho bà từ bên kia nửa vòng trái đất:

- Bà ngoại phải không? Bà đang làm gì đấy? Cháu nhớ bà lắm!

- Ôi, cháu cưng của bà, sao hôm nay cháu nói tiếng Việt chuẩn thế?

- Mẹ cháu bảo đấy, không thì bà không thương. Bà nói chuyện với mẹ cháu nhé! 

Trúc Mai lặng phía bên kia đầu dây một chút:

- Mẹ... có còn yêu bé Gơ không?

- Sao con nói kỳ vậy, dù gì thì nó cũng là con của mẹ mà. Mùa hè năm nay con về thì biết, nó xinh như một con búp bê!

- Cậu Dũng có yêu mẹ hơn không?

- Vẫn vậy mà, cậu con lúc nào cũng đàng hoàng và trung thực.

- Con cũng tin là như vậy. Nhưng không có gì dễ sợ bằng chuyện không có một chút gì tuyệt đối của riêng mình trong cuộc đời, mẹ ạ!

- Con nói cái gì vậy, mẹ luôn hạnh phúc vì có con và cậu Dũng trong cuộc đời...

- À, không. Con xin lỗi. Mẹ có khoẻ không... 

Bỏ máy xuống, bà ngồi thừ người ra. Trúc Mai bao giờ cũng thông minh và có lý. Nhưng bà phải bảo vệ những gì bà vun đắp và có được. Không có lý do nào để Dũng dứt khỏi bà một cách dễ dàng thế. Không phải vì khả năng chinh phục của một người đàn bà từng trải. Không phải vì số vốn ngày càng kếch xù trong doanh nghiệp chung của hai người. Bà với Dũng từng thích nghe chung một dòng nhạc, từng rung cảm trước một nghĩa cử đẹp, từng ngồi lặng hàng giờ không chán trước một dòng sông. Có một nỗi buồn duy nhất mà Dũng phải chấp nhận và cảm thông là, khi về sống với Dũng, bà không còn khả năng sinh con được nữa vì bà đã quá lớn tuổi... Bà lại nhớ đến người phụ nữ ấy, đó là một người phụ nữ đức hạnh và có tâm hồn, vâng, bà cũng tin là như thế...

 

Bất chợt bà cúi xuống nhìn mình qua tấm gương phủ trên mặt bàn. Những nếp nhăn đã hằn chi chít quanh hai đuôi mắt như những dấu chân chim trong lòng suối cạn. Ngày mai đến hạn đi viện chăm sóc lại da mặt. Bà thở dài. Thôi, có khi không cần nữa, bà muốn đối diện với cuộc sống thật của những con người thật. Chứ không thể khắc khoải mãi với cuộc sống của người phụ nữ bắt đầu bước vào tuổi xế chiều, mà da mặt vẫn căng bóng, mất hút những nếp nhăn của qui luật...

 

@

Sau ngày đưa bé Gơ về nhà, đây là lần thứ ba Dũng ghé lại lớp học của cô giáo Hiền. Đám học trò con nhà nghèo hăng hái đón nhà tài trợ bằng hết bài hát này đến bài hát khác. Cô giáo Hương trẻ măng lúng túng, không biết nói chuyện với ông nhà tài trợ làm sao nên cứ bắt tụi nhỏ hát miết. Được một lúc, Dũng khoát tay:

- Thôi, được rồi. Chú cảm ơn các con, các con hát hay lắm. Chúng ta dừng ở đây nhé, cô Hương cho các cháu học tiếp đi!

Đến lúc này, cô giáo mới tự tin nhịp thước lên bàn:

- Các em trật tự, hôm nay chúng ta học bài mới.

Để cô giáo trẻ tự nhiên, Dũng kéo ghế ngồi trong góc vườn nhà. Bầy gà con líp chíp dưới chân anh, chúng lăng xăng đào bới một cái gì đó. Thỉnh thoảng, một chú chíp say sưa giành mồi, ngã té lăn quay trên mũi giày bóng lộn của anh. Phía trên giàn mướp vàng rực hoa, từng đàn bướm  bay rập rờn. Trong khung cảnh đồng nội thanh bình, Dũng cảm thấy vô cùng dễ chịu. Anh đưa tay xem đồng hồ liên tục. Cũng chẳng để làm gì. Hương bảo cô Hiền mới về thăm nhà hôm qua, chắc còn lâu lắm mới về qua lần nữa. Cô giáo trẻ còn nhanh nhảu đọc số giường bệnh, phòng bệnh của mẹ Hiền cho anh ghi. Nhưng anh cười bảo biết rồi. Nói là nói vậy thôi chứ biết cũng chẳng để làm gì. Dũng không có quyền quấy rối Hiền thêm lần nữa. Cô lỡ lầm, sinh cho anh bé Gơ, giao bé cho vợ chồng anh, thế là cả một sự hy sinh rồi. Tất cả mọi người đều nghĩ như thế. Ngay cả bà Tâm, vợ anh, cũng thế. Anh đã vô cùng khó khăn để nói với bà sự thật về cô giáo Hiền và bé Gơ. Sau phút im lặng vì bất ngờ, bà bảo :" Thôi được, em chấp nhận đón bé về nuôi và thương yêu bé như con ruột của mình nhưng với điều kiện, anh phải cắt đứt quan hệ với cô Hiền". Điều khiến Dũng biết ơn bà nhất là bà không hề làm khó dễ Hiền. Bà Tâm biết và biết rõ Hiền trước Dũng. Qua đọc báo, bà tìm đến điểm dạy trẻ nghèo của cô giáo. Chính bà là người tình nguyện tài trợ lâu dài cho lớp học tồn tại và cũng chính bà là người "ủy thác" cho Dũng trong những chuyến tài trợ theo định kỳ sau đó...Và cũng từ đây, tất cả đều như là định mệnh... Mãi đến lúc này, sau bao đêm trằn trọc mất ngủ, bao lần yêu thương ôm ấp bé Gơ trong vòng tay, Dũng mới chợt nhận ra rằng, với anh, không có sự lỡ lầm nào và cô giáo Hiền không chỉ là sự cuốn hút giới tính. Anh không phải loại người đại khái qua loa trong việc xây dựng các mối quan hệ. Ngay chính trong mối quan hệ vợ chồng với bà Tâm hơn mười năm nay, anh cũng không phải là người vô tâm, nhất thời. Anh quí bà ở chỗ bà biết quý trọng phẩm giá làm người và cả sự hàm ơn. Nếu không có bà đỡ đần khi doanh nghiệp anh lao đao trên bờ phá sản thì có lẽ bây giờ, anh đã ngồi gỡ lịch trong nhà giam vì những món nợ ngân hàng kếch xù. Nhưng khốn khổ làm sao, sau những trận mây mưa cho lòng mình lắng lại, Dũng thấy cần ở cô giáo Hiền những điều mà bà Tâm không có.

 

Một sự đồng điệu về thể xác và tâm hồn mà không cần một cố gắng nào. Mọi thứ diễn ra tự nhiên như cuộc sống này cần đất trời, cỏ cây, hoa lá vậy. Anh cảm thấy mình không phải với bà Tâm khi có những đêm ngủ trở mình nhớ cô giáo Hiền quay quắt. Anh quờ tay kéo cô giáo lại gần mình, mong tìm lấy một hương tóc mềm chệnh choạng, bối rối như cái đêm thần tiên duy nhất ấy. Nhưng chỉ có mái tóc ngắn  thơm mùi nước hoa đắt tiền ân cần, tận tụy của bà Tâm quay sang xoa lưng anh vỗ về. Anh hứa với vợ sẽ không bao giờ quay lại nhà cô giáo Hiền nữa. Cũng như cô giáo Hiền đã trao núm ruột mình sinh ra cho vợ chồng anh cùng lời chúc hạnh phúc. Khi ấy, anh không có can đảm nhìn nên không biết là cô giáo có khóc hay không nữa. Nhưng anh chắc một điều là, mắt cô giáo rất buồn. Cô cũng không dám nhìn anh nữa, ở cổng bệnh viện, cô đã lật đật quay đi khi chạm ánh mắt anh lần cuối. Không có gì đáng sợ bằng chuyện tự lừa dối mình.

 

Sáng sáng chiều chiều, ông giám đốc công ty là anh xêng xang trong những chiếc xe con đời mới, đúng mode. Để lúc nào lòng cũng tự nhủ lòng, mình đang có một gia đình hạnh phúc với người vợ giỏi giang, yêu thương mình hết mực và đứa con gái giống mình như đúc. Cảm giác đó gần như làm anh tê dại trong vô thức. Để khi cố gắng định thần lại được thì lại nhớ về đêm "tân hôn" ấy. Anh ôm cô giáo Hiền trong vòng tay như hai người mới yêu lần đầu. Cô giáo xấu hổ và bối rối, quả tình đây là đêm tân hôn của cô. Cô úp mặt vào ngực anh bảo đây là lần đầu. Cô bảo thời trẻ cũng có yêu nhưng mà dang dở. Sau rồi nhà nghèo quá, phải cưu mang mẹ già ốm đau liên miên nên không còn cơ hội. Cô bảo cô đến với anh vì cái gì, anh cũng nghe không rõ, lùng bùng cả hai lổ tai vì cảm giác yêu lạ lùng.

 

Sau đó về nghĩ lại, mới láng máng nhớ, dường như cô bảo vì anh nhân hậu và đầy chất "đàn ông tính", mặc dù cô biết rằng, anh đang có một bà vợ trên cả tuyệt vời. Sau này nghĩ đi nghĩ lại, Dũng thấy "trên cả tuyệt vời" cũng chẳng là gì cả. Quan trọng là anh hay nhớ cô mỗi khi rời công việc, một nỗi nhớ chưa bao giờ có trong cuộc đời...Ngày còn là sinh viên, anh cũng có một người con gái để nhớ nhưng nỗi nhớ lờ mờ sương khói. Sau đó là công việc cuốn đi, là tính toán, là ước mơ trở thành tỉ phú, là làm ăn thua lỗ đến suýt ngồi tù...Mời anh dùng nước. Cô giáo trẻ lặp lại lời mời lần thứ ba, Dũng mới giật mình nghe ra. Anh bảo cảm ơn. Cô giáo tròn xoe mắt:

- Anh mà cảm ơn cái gì. Em phải thay mặt chị Hiền và các em học trò cảm ơn anh mới đúng. Vợ chồng anh tốt quá, tài trợ cho lớp học của tụi em hoài. À, mấy bộ quần áo nhỏ nhỏ mà các em mặc không vừa đó, em bảo tụi nó mang về cho em út ở nhà rồi, anh thấy được không?

- Quá được đi chứ, đó là một cách xử trí thông minh. Ủa, các em đâu cả rồi?

- Hết giờ rồi, anh không thấy bọn trẻ chào anh ra về sao?

 

Dũng bối rối, ngượng ngùng như bị cô giáo bắt quả tang về những suy nghĩ miên man đến quên cả đất trời của mình:

- À, vậy hả, tôi xin lỗi. Bây giờ phải về cho cô đóng cửa, phải không?

Cô giáo gật đầu. Dũng đứng lên đi ra cổng. Được một lúc, cô gọi với theo:

- Anh giám đốc công ty ơi, cho em nói cái này...

- Nói cái gì, tôi nghe đây!

Cô giáo chạy ra, ngập ngừng xuống giọng:

- Em thì...em thích anh lắm, thích cả những món quà tài trợ của anh dành cho mấy đứa học trò nghèo của em. Nhưng mà chị Hiền nói...nói...tốt hơn hết là anh ...anh đừng bao giờ ghé lại đây nữa...Chị ấy bảo, lớp học không cần tài trợ nữa...

 

Dũng buộc miệng định nói :" Em nói với chị Hiền anh ghé lại làm gì". Nhưng không muốn làm đau đầu cô giáo trẻ. Anh nhẹ nhàng:

- Thế hả? Chị Hiền còn bảo gì nữa không?

Cô giáo thật lòng:

- Chẳng bảo gì nữa cả!

- Thôi, thế thì cảm ơn nhé, tôi đi về đây!

Dũng bước đi tròng trành, giá mà lúc này có bà Tâm bên cạnh, anh sẽ nói cho bà nghe tất cả những điều mới mẻ về mình...

 

@

Mẹ cô giáo Hiền mất đã hơn một tháng. Sau ca mổ, trong những ngày chờ phục hồi hoạt động bình thường của tim, cụ đã không qua nỗi. Cô giáo ở nhà chịu tang mẹ, hiếm khi chịu đi đâu ra khỏi nhà. Cả lớp học cũng đóng cửa. Ngôi nhà vốn đã buồn vì thiếu bóng dáng đàn ông, bây giờ lại càng buồn hơn...Khi đã làm xong mọi việc lặt vặt trong nhà, Hiền thắp thêm cho mẹ một nén nhang rồi lên giường nằm nghe mưa. Tháng sáu mưa đến chạnh lòng. Nằm gát tay lên trán, Hiền nghĩ đến mẹ đang nằm ngoài nghĩa trang. Trời mưa ràn rạt thế này, nằm ngoài ấy một mình, chắc bà cụ lạnh lắm. Lại có tiếng dế giun buồn lê thê, ai sẽ thay chị ôm mẹ vào lòng, nói chuyện đông chuyện tây cho bà cụ đỡ buồn? Mẹ mất, chị cảm thấy chông chênh quá. Chị không còn ai để làm điểm tựa trong cuộc đời. Nên kỷ niệm về mẹ cứ mắc thành lớp lan, cuồn cuộn tràn về...

 

Trước khi mất một ngày, bà cụ có nhắc đến con bé. Miệng vẫn đay nghiến về sự liều lĩnh của con gái nhưng ánh mắt đã tha thứ từ lâu rồi. Bà cụ bảo chắc là con bé đã biết bò, ngày xưa, cụ đẻ chị, chỉ tròm trèm sáu tháng tuổi là chị đã bò đi khắp nhà. Cụ bảo, có con gái vậy mà lợi lắm. Ví mà không phải duyên nợ với ai thì nó cũng chung thủy mà sống với mình cho đến hết đời. Như là chị đã và đang sống với cụ đây...Chị không cần biết ý bà cụ muốn gì sau những lời gần xa ấy. Chỉ cần biết lòng mình đang cuộn lên nỗi nhớ con quay quắt. Chị luôn nhớ cái miệng be bé xinh xinh thòm thèm vú mẹ, nhớ đôi mắt tròn xoe như hai hòn bi ve của con bé. Bây giờ con bé sống ra sao với người đàn ông chợt đến chợt đi ấy trong cuộc đời của chị? Thôi đành, duyên phận đã vậy, con không phải là con của mẹ. Nếu mai này con bé lớn lên, có cơ hội đối diện trước con, chị sẽ vẫn nói với nó rằng, con không phải được sinh ra do sự nghèo hèn hay tình cờ hoặc lỡ lầm gì đó như  mọi người vẫn nghĩ, mà là vì mẹ muốn có con, thật sự muốn có con dẫu mẹ phải luôn luôn đối diện với cuộc sống muôn ngàn bất trắc.

 

Mẹ như một người đàn bà du mục đi qua đồng cỏ hoang ngút ngàn nắng gió. Mẹ muốn được làm mẹ, được làm một người đàn bà với những gì có thể... Một luồng gió lạnh thổi lướt qua rèm cửa sổ. Chị co ro ôm vai và thấy lòng mình lạnh buốt. Bất giác chị lại nhớ đến người đàn ông ấy như một người khuyết tật buồn nhớ đến một phần cơ thể đã mất đi. Đến bây giờ nghĩ lại, mọi thứ với chị trong đêm tân hôn ấy, tất cả vừa lạ lẫm thân thương, vừa như trả nợ quỷ thần. Anh luôn an ủi chị :" Lỗi do anh mọi đàng". Chị xoa tóc anh, cười nhẹ trong bóng tối. Ma quỷ gì đâu không. Anh nằm gối đầu lên tay chị như một đứa trẻ con. Dù sao thì chị vẫn thấy anh dễ thương và có thể chấp nhận được. Ngày còn nằm bệnh viện, mẹ chị vẫn thăm dò:" Liệu nó có trở lại thăm con không? Sao không nghe vợ nó động tịnh gì vậy?". Chị lắc đầu :" Mẹ đừng nhắc đến những người đó nữa, con lỡ lầm và muốn quên đi". Chị nghe tiếng mẹ thở dài trong bóng đêm. Chị hiểu, mẹ tỏ ra gay gắt vì sự lỡ lầm của chị như vậy nhưng lòng vẫn mong con bé là cầu nối để chị có một chỗ dựa sau này...

 

Màn mưa kéo đêm xuống thật nhanh. Chị trở mình, đứng lên mở đèn, thắp thêm cho mẹ nén nhang. Gió lại thổi vào gian nhà trống tuềnh toàng, lạnh giá. Chị kéo cao cổ áo ấm đang mặc. Chợt giật mình nhận ra chiếc áo do anh ấy tặng. Chị mân mê từng đường viền trên cổ áo rồi xoa dài xuống hai cánh tay. Tất cả đều mỏng mảnh làm sao. Ồ, chị đang nghĩ và đang làm gì vậy? Nghĩa là trong chị vẫn có những khoảnh khắc dành cho người đàn ông ấy, chứ không lạnh như kiểu "trả nợ quỷ thần" mà chị đã từng nghĩ. Chị dừng trước gương, soi lại mình thật lâu, cũng vẫn còn xuân sắc lắm, vẫn có quyền nghĩ về một người đàn ông nào đó. Nhưng đã bao lần chị như hùng biện trước mẹ:" Ông ấy chẳng là gì với con cả, con lỡ lầm, con đã quên từ lâu". Mẹ lắc đầu nhìn chị, mẹ đã sống với nỗi trống vắng của người đàn bà suốt ba mươi năm... Thôi thì tùy con, mẹ cảm ơn con đã hiếu nghĩa vẹn tròn. Làm sao chị lừa được mẹ, bản lĩnh trong chị tan nhanh như tuyết gặp sức nóng mặt trời. Nỗi cô độc trong chị ào ạt tràn về, chị úp mặt vào gương và khóc... Bóng một người đàn ông trải dài trên vách, chập chờn một lúc rồi bất động. Chị thảng thốt quay lại nhìn. Không phải trong mơ. Anh ấy đến và đến. Chị lùi ra, nói to:

- Anh còn đến đây làm gì?

- Anh xin lỗi...

Nước mưa rỏ từng giọt vòng quanh nơi anh ấy đứng. Chị thấy lòng mình chùng xuống:

- Anh ngồi đi...Đến gặp tôi có việc gì không?

- Anh... nhớ em.

Chị bỗng thấy mình tồi tệ. Riêng với chị, gọi cho đúng tên sự việc anh đi qua đời chị thì không phải là sự phản bội hay lường gạt. Người bối rối bây giờ là chị:

- Con bé có khoẻ không?

- Khoẻ, mẹ Tâm cưng nó lắm.

- Cảm ơn anh.

Chị không nói thêm được lời nào. Như người bừng tỉnh sau cơn mơ, chị thấy mình là người có lỗi. Chị đốt thêm một nén nhang trên bàn thờ mẹ, mẹ hiểu con mọi đàng, hãy tha thứ cho con...Anh ôm ghì xiết chị từ phía sau. Hãy tha thứ cho anh. Anh có thể làm được gì cho em. Anh không thể sống thiếu em. Chị quay lại nhìn qua vai áo anh, những giọt ấm nóng rớt đầy trên vai chị, nước mắt của một người đàn ông khóc...Chị đứng lặng người đi...Bóng một ai đó chập choạng trước hiên nhà. Chị chưa kịp làm gì, đã nghe tiếng một đứa bé khóc ré lên. Anh lật đật buông chị ra. Đèn trước nhà được bật sáng. Bé Gơ vừa khóc vừa bò loay hoay trong chiếc nôi ấm áp, cạnh đó là hai giỏ quần áo cùng những vật dụng của bé và một bức thư...

 

@          

Người chủ mới của ngôi nhà bảo:

- Không sao, anh cứ ngồi tự nhiên, gia đình chúng tôi không phiền đâu!

Bà ta còn mang ra thêm cho Dũng một ly trà nóng, vẻ cảm thông và chia xẻ. Sau hai tuần anh không quay lại, cô giáo Hiền đã bán nhà và bỏ đi xa. Mang theo cả bé Gơ. Không ai biết cô giáo đi đâu, cả bà chủ nhà mới, cả cô giáo Hương trẻ người non dạ, cả đám học trò nghèo ngơ ngác đang lo tìm thầy dạy mới. Dũng lại mở thư Hiền gửi cho bà Tâm ra đọc. Anh đã đọc nghiến ngấu bao nhiêu lần mà vẫn không làm sao hiểu nỗi cách nghĩ của hai người đàn bà trong cuộc đời anh... Chị thân mến, cái giá phải trả cho cuộc đời của em và chị không chỉ là ba mươi triệu đồng chị đã trao tay cho em. Em chắc rằng, ở bên kia thế giới, bây giờ mẹ em cũng  đã biết và đang rất buồn vì sự liều lĩnh của con gái cụ. Cụ không mong có một số tiền lớn như thế, trong một hoàn cảnh éo le như thế để chữa căn bệnh tim trầm kha của mình. Cuối cùng, cái hợp đồng đẻ thuê giữa em và chị cũng không thể làm cuộc sống của ba người chúng ta khá hơn.

 

Em hiểu chị đã đau khổ như thế nào khi bắt mình dựng nên những số phận trớ trêu. Và chị đã quyết định mang trả bé Gơ cho em, quyết định chấm dứt những ngày dõi theo bước chân anh để níu kéo hạnh phúc mỏi mòn. Em cảm ơn chị tuyệt vời đã trả lại con bé cho em. Và cảm ơn chị đã cao thượng mà không nhắc nhở gì về số tiền đã trao cho em. Dù sao, em cũng phải bán nhà để có tiền hoàn lại cho chị kèm theo bức thư này. Một lần nữa em xin cảm ơn và chúc chị hạnh phúc với những gì mà mình đang có.

 

Bức thư này sẽ thay em mà nói với anh Dũng rằng, sông trôi đời sông, suối trôi đời suối, dẫu có qua bao thác ghềnh thì đó vẫn là sứ mệnh mà em phải mang vác trên vai... Dũng đứng lên bước đi như người mộng du. Anh tuyệt vọng trước những người đàn bà nông nổi cứ bắt anh phải dập dềnh với những bờ bến của tình yêu... Một đám mây đen trôi là đà trước mặt anh, bọn chuồn chuồn bay quấn quýt dưới chân anh, lại một cơn mưa...

Thu Trân
Số lần đọc: 2394
Ngày đăng: 02.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba người nữ trên xe đò - Triệu Từ Truyền
Cơm bình dân - Nguyễn Văn Ninh
Về hưu - Huỳnh Mẫn Chi
Trăng treo trên toa tàu - Tiến Đạt
Người đi về phía rừng - Thu Trân
Ân ma - Tâm Đào
Bước ra từ cuộc đấu giá - Bích Ngân
Hồng Hạnh - Hư Thân
Mùa sẽ còn dài - Mường Mán
Cỏ Xanh - Nguyễn Ngọc Tư