Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.173
123.223.042
 
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1
William Saroyan

 

 

Dịch theo bản của Nhà xuất bản Harcourt, Brace and World, Inc,

New York, copyright 1939-1940 Người dịch : Nguyễn Thành Nhân

 

Đôi dòng giới thiệu

 

            William Saroyan sinh ngày 31/8/1908 tại Fresno, California. Cũng như một số thiên tài văn học trẻ khác cùng thế hệ trưởng thành sau Thế chiến I như Thomas Wolfe, F. Scott Fitzgerald...William Saroyan cất lên lời hát thiết tha ca ngợi giấc mơ nồng nàn và mãnh liệt của người dân Hợp Chủng Quốc. Nhưng khác với những người kia, xuất thân, con đường tạo lập sự nghiệp văn chương cũng như phong cách và đề tài ở các tác phẩm của William Saroyan thật sự khác thường và độc đáo . Những nét khác thường và độc đáo ấy có thể thấy ở một số sự kiện chủ yếu sau đây :

 

William Saroyan bỏ học năm 15 tuổi vì không chịu được sự gò bó cứng  nhắc và máy móc của nhà trường. Sau khi bỏ học, ông đã làm vô số nghề khác nhau để kiếm sống, và cùng lúc, đọc hết tất cả những sách có trong thư viện Fresno.

Ngay từ tập truyện đầu tay xuất bản vào năm 1934, tập The Daring Young man on the Flying Trapeze (Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay), ông đã làm những nhà phê bình bối rối vì phong cách lạ thường và vượt mọi lề lối nguyên tắc văn chương của mình.

Năm 1940, William Saroyan được trao giải thưởng Pulitze-giải văn chương cao nhất của Mỹ,  nhưng ông từ chối không nhận giải.

Viết nhiều thể loại khác nhau : tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, cảo luận... với một số lượng rất nhiều, và hầu hết đều có một sức cuốn hút lạ lùng đối với người đọc bởi những cảm xúc chân thành. Chủ đề chính là niềm tin vào con người và tình yêu cuộc sống, dù rất nhiều khổ ải đau buồn, phản đối chiến tranh, ca ngợi những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, lẻ loi cô độc nhưng sống rất tốt lành chân thực...

 

Ở vở kịch “ My heart’s in the Highlands” được giới thiệu sau đây, các tình tiết cũng đầy bất ngờ ngẫu hứng như nhiều truyện ngắn của ông, những lời đối đáp giản dị ngây ngô, nghe chừng như  rất trẻ con vô nghĩa lý, nhưng thật ra lại chứa đựng những ý  nghĩa sâu xa và cao đẹp. Các nhân vật đối thoại với nhau bằng cảm giác nhiều hơn là ý nghĩ. Họ đáp lời nhau không phải cho cái đã nói ra mà cho cái còn trong dự  tính. Johnny nói với người chủ tiệm về sự đói khát ở Trung Hoa, nhưng ông ta hiểu rằng thật sự nó muốn nói về nhu cầu bánh mì và phó mát ở California. Hai đứa bé mồ côi xác lập một tình bạn hữu ngẫu nhiên và thoải mái khi đưá này chỉ cho đưá kia cách huýt sáo. Tình bạn của chúng được diễn tả bằng nhịp điệu chuyền bóng cho nhau cũng nhiều ngang với những câu đối đáp của chúng. Johnny có thể không hiểu hết tất cả những câu nói nhanh bằng tiếng Armenia của bà nó, nhưng nó hiểu bà.

 

Tóm lại, các nhân vật của Saroyan, vì tốt bụng và giàu lòng thương cảm, cũng như chịu nhiều cô độc và mất mát, đã có thể tiếp cận và đồng cảm với mỗi nhân vật khác, vượt qua những rào chắn về tuổi tác, hoàn cảnh sống và thậm chí của cả ngôn từ.

 

Thế giới của Saroyan không có bọn vô lại, và rất ít điều ác độc, nhưng nó không thể tránh khỏi cái xấu xa. Khi cả gia đình nó phải rời khỏi căn nhà không còn là của họ nữa, Johnny đã thốt lên: “ Đã có cái gì đó sai lầm ở một nơi nào đó”. Nếu có gì đó sai lầm, thì nó không nằm trong những con người đẹp đẽ ấy, những con người mà trái tim họ luôn luôn quay trở về chốn quê nhà lý tưởng họ hằng mong ước và sẽ không bao giờ tìm thấy. Trừ phi họ phải sáng tạo nó ra cho chính mình trong từng ngày một.

 

Nguyễn Thành Nhân

 

TIM TÔI Ở CAO NGUYÊN

William Saroyan

 

Nhân vật :

 

Johnny

Ben Alexandre, bố của Jonhnny, nhà thơ

Bà nội của Johnny

Jasper Macgregor, kẻ để trái tim mình lại Cao nguyên

Kosak, chủ tiệm thực phẩm

Esther, con gái Kosak

Rufe Apley, thợ  mộc

Philip Carmichael, nhân viên viện dưỡng lão

Henry, thằng bé giao báo sáng

Wiley, bưu tá

Cunningham, đại diện chủ nhà cho thuê

Hai vợ chồng trẻ tuổi và em bé

Một con chó

 

Không gian:

 

Một căn nhà nằm trên đường San Benito Avenue, Fresno, California

Cửa tiệm của Kosak

 

Thời gian :

 

Tháng 8 và tháng 11 năm 1914

 

Một căn nhà gỗ cũ tồi tàn, màu trắng, có cổng trước, nằm trên đường San Benito Avenue, Fresno, California. Không có căn nhà nào lân cận, chỉ duy nhất sự quạnh vắng đìu hiu của quảng đất trống và bầu trời đỏ rực. Bấy giờ là xế chiều một ngày Tháng 8 năm 1914. Mặt trời đang dần lặn.

 

Johnny, chín tuổi, nhưng lại có vẻ như không hề có tuổi trong bản chất, đang ngồi loay hoay trên  thềm cổng, xa vắng với ngoại cảnh và hoàn toàn chìm đắm trong một ý tưởng cao xa linh thánh. Từ xa, một tiếng còi tàu hụ lên buồn thảm. Nó lắng nghe, bồn chồn, đầu nghiêng về một bên như một con gà, cố nắm bắt ý nghĩa của tiếng còi tàu, đồng thời khám phá mọi sự vật. Nó không thực hiện được hoàn toàn chuyện đó, và thôi không nôn nao nữa khi tiếng còi đã dứt. Một thằng bé 14 tuổi, lưng đeo túi đựng báo, đang vừa cưỡi xe đạp vừa nhấm nháp một que kem, chạy lặng lẽ men theo lề con đường, quên đi gánh nặng trên vai và cả chiếc xe đạp, vì niềm vui khoái và sự tuyệt vời của những que kem trên trần thế. Johnny nhổm dậy, vẫy chào và nở một nụ cười thân ái, nhưng bị thằng bé phớt lờ. Nó lại ngồi xuống, lắng nghe một con chim đang say sưa hót như điên. Sau một đoạn phát biểu ngắn hùng hồn mà vô nghĩa, con chim bay đi mất.

 

Từ trong nhà vọng ra giọng ảo não của Bố Johnny, ông ta đang ngâm nga một tác phẩm của mình.

 

BỐ JOHNNY:            Ngày dài câm lặng đi qua; Con tim đau đớn xót xa ưu phiền, và ­­– (cay đắng dừng lại). Và - (nhanh hơn) Ngày dài câm lặng đi qua; Con tim đau đớn xót xa ưu phiền, và- (dừng lại) Không. (ông ta gầm lên và bắt đầu lại). Khóc thương lê tấm thân gầy; Thời gian trượt ngã quanh đời bơ vơ.

 

( Tiếng xô đẩy bàn ghế trong cơn giận dữ. Tiếng rên rỉ. Im lặng. Thằng bé lắng nghe. Nó đứng lên và cố trồng chuối ngược, thất bại, cố làm lại, thất bại, cố lần nữa, và thành công. Đang khi trồng chuối ngược, nó chợt nghe một tiếng nhạc đáng yêu và kỳ diệu nhất trên đời: tiếng sáo độc tấu. Đó là điệu khúc “Tim tôi ở Cao nguyên”. Người thổi sáo, một ông lão rất già nua, kết thúc điệu nhạc ngay trước cổng. Thằng bé nhảy lên, chạy tới bên ông cụ, kinh ngạc, hân hoan và bối rối.)

 

JOHNNY:            Cháu chắc chắn là rất muốn nghe ông chơi thêm một bài nữa.

 

 

MACGERGOR:            Chàng trai trẻ, cậu có vui lòng mang tới một ly nước cho một ông già mà trái tim của ông ta không có ở đây, vì đã để lại ở Cao nguyên hay không?

JOHNNY:            Cao nguyên nào ạ ?

MACGERGOR:            Cao nguyên Tô Cách Lan. Cậu vui lòng chứ ?

JOHNNY:            Tim của ông làm gì trên cao nguyên Tô Cách Lan hở ông?

MACGERGOR:            Nó đang chịu khổ đau ở đó. Cậu sẵn lòng mang cho ta một ly nước chứ ?

JOHNNY:            Mẹ của ông ở đâu?

MACGERGOR:            (thố lộ với thằng bé)  Mẹ của ta ở Tulsa, Oklahoma, nhưng tim bà không ở đó.

JOHNNY:            Vậy tim của bà ở đâu?

MACGERGOR:            (gằn giọng) Ở Cao nguyên Tô Cách Lan. (Dịu giọng) Ta khát lắm, chàng trai trẻ ạ.

JOHNNY:            Tại sao những người nhà của ông cứ luôn để lại tim mình trên Cao nguyên như vậy?

MACGERGOR:            ( theo kiểu cách kịch Shakespeare) Đó là con đường của chúng ta. Hôm nay ở đây nhưng mai đã xa rời.

JOHNNY:            ( nghiêng đầu) Hôm nay ở đây nhưng mai đã xa rời ? (với Macgregor)  Ý của ông là sao ?

MACGERGOR:            ( triết gia) Giờ đang sống nhưng phút sau sẽ chết.

JOHNNY :            Mẹ của mẹ ông ở đâu?

 

MACGERGOR:            (thố lộ nhưng giận dữ) Bà ở mạn Vermon, trong một thị trấn nhỏ gọi là White River, nhưng tim bà không ở đó.

JOHNNY:            Trái tim khô héo tội nghiệp của bà cũng ở cao nguyên sao?

MACGERGOR:            Ngay giữa cao nguyên. Con trai ơi, ta đang chết khát đây.

 

( Bố Johnny ra khỏi nhà, vẻ giận dữ, như thể ông vừa thoát khỏi một lồng thú, gầm lên với Johnny như một con cọp vừa choàng tỉnh sau cơn ác mộng.)

 

BỐ JOHNNY:            Johnny, mày có mau buông tha ông già khốn khổ đó không. Mang cho ông bình nước trước khi ông té qụy và tiêu đời. Mày đã vứt đâu cái cung cách xử sự đàng hoàng rồi hả?

JOHNNY:            Chả lẽ người ta không thể tìm hiểu đôi chút về một du khách thỉnh thoảng mới xuất hiện hay sao?

BỐ JOHNNY:            Mang cho ông cụ chút nước. Mẹ kiếp. Đừng có đứng nghệch ra như thằng bù nhìn. Mang ngay nước cho ông ta, tao đã bảo, trước khi ông ngã qụy và đi đứt.

JOHNNY:            Bố đi mà lấy. Bố có làm gì đâu.

BỐ JOHNNY:            Không làm gì? Sao, Johnny, mày biết là tao đang hình thành một bài thơ mới trong đầu mà.

JOHNNY:            Sao bố lại cho là con biết điều đó? Bố chỉ đứng đó, khoanh tay bên cánh cổng.

 

 

 

BỐ JOHNNY:            (nổi giận)  Ồ, mày cần phải biết. (gầm lên) Mày là con tao mà. (sững sờ)  Nếu mày không biết thì còn ai biết nữa?

MACGERGOR:            (nhã nhặn) Chào ông. Con trai ông vừa cho tôi hay khí hậu ở vùng này trong lành và dễ chịu như thế nào.

JOHNNY:            (bối rối, nôn nao muốn hiểu, nghiêng đầu) Lạy thánh Moses, mình có nói gì về khí hậu đâu. Ông ta lôi ở đâu ra thế nhỉ?

BỐ JOHNNY:            (nhà quý tộc, cao cả) Chào ông. Ông sẽ vào nhà nghỉ một chút xíu chứ ? Chúng tôi rất vinh hạnh được mời ông dùng bữa.

MACGERGOR:            (người thực tế) Thưa ông, tôi đang đói lắm. Tôi sẽ vào ngay. (Ông ta bước vào nhà, Johnny cản lối, ngước nhìn ông ta)

JOHNNY:            (kẻ lãng mạn)  Ông có thể chơi bài “ Đôi mắt em là nguồn hạnh phúc” được không? Cháu chắc chắn là rất muốn nghe ông chơi bài đó. Đó là bài cháu thích nhất. Cháu cho là cháu thích nó hơn bất cứ bài nào khác trên đời.

MACGERGOR:            (người không còn ảo tưởng) Con trai ạ, khi con ở vào tuổi của ta, con sẽ hiểu rằng những bài ca không là gì cả, cái quan trọng là bánh mì.

JOHNNY:            (kẻ chân thành)  Dù sao đi nữa cháu vẫn chắc là cháu thích nghe ông chơi bài đó.

 

( Macgregor bước lên thềm cổng và bắt tay bố Johnny)

 

MACGERGOR:            (cung cách cổ điển) Tôi là Jasper Macgregor. Tôi là một nghệ nhân.

BỐ JOHNNY:            (vui sướng) Tôi rất vui mừng được quen biết với ông. (Kẻ quyền uy tối thượng ra lệnh) Johnny, mang cho ông Macgregor chút nước. (Johnny chạy ra sau nhà)

MACGERGOR:            (khát gần chết, thở dài, tuy nhiên nói thật lòng)  Thằng bé thật đáng yêu.

BỐ JOHNNY:            (phát biểu bình thường) Nó là một thiên tài, giống như tôi vậy.

MACGERGOR:            (rống lên vì mệt nhọc)  Tôi đoán hẳn là ông rất yêu quý nó.

BỐ JOHNNY:            (vui sướng vì đang sống)  Chúng tôi là một. Nó là trái tim trẻ trung của tôi. Ông có nhận ra vẻ khao khát của nó không?

MACGERGOR:            (vui sướng vì vẫn còn sống)  Phải nói là có thấy.

BỐ JOHNNY:            (tự hào và giận dữ) Tôi vẫn là tôi, dù có già hơn và kém xuất sắc hơn.

 

( Johnny chạy trở lại với một bình nước, trao cho ông lão. Ông già nghiêng vai ra phiá sau, ngửa cổ, lổ mũi nở rộng, ông ta khịt mũi, rồi mở to mắt, đưa chiếc bình lên môi, nốc cạn một hơi, trong khi đó hai bố con Johnny quan sát với sự ngạc nhiên và thán phục. Ông lão hít sâu một hơi, nhìn quanh, hướng về khoảng đất, rồi ngước lên nhìn bầu trời, cuối con đường San Benito, nơi mặt trời đang lặn xuống.)

 

MACGERGOR:            (suy ngẫm, buồn rầu; yếu ớt, nhỏ nhẹ) Ta cho là ta đang ở cách xa nhà năm ngàn dặm. Ông có nghĩ là chúng ta nên ăn một chút bánh mì và phó mát để giữ hồn xác tôi còn gắn với nhau?

 

BỐ JOHNNY:            (người phóng khoáng) Johnny, chạy xuống tiệm thực phẩm và mang về một ổ bánh Pháp và một cân phó mát.

JOHNNY:            (giọng cam chịu) Đưa tiền cho con.

BỐ JOHNNY:            (nhà thống kê, nhà thơ, tự hào) Con biết là ta không có xu nào mà Johnny. Bảo ông Kosak cho chúng ta mua chịu.

JOHNNY:            (đưá con không sẵn lòng làm bổn phận) Ông ta không cho đâu. Ông ta đã chán ngấy việc cho chúng ta mua chịu. Ông ta bảo chúng ta không làm việc và chả bao giờ trả nợ. Chúng ta đã nợ ông ta 40 xu rồi.

BỐ JOHNNY:            (mất kiên nhẫn, bực mình) Đi xuống đó và tranh luận với ông ta, Johnny. Con biết đó là công việc của mình mà.  

JOHNNY:            (nhà bào chữa) Ông ta sẽ không cần biết lý do. Ông ta bảo ông ta không cần biết gì là gì hết. Những gì ông ta muốn là 40 xu.

BỐ JOHNNY:            (kẻ phóng khoáng)  Đi xuống đó và bảo với ông Kosak bán cho con một ổ bánh Pháp và một cân phó mát. ( mềm mỏng, nài nỉ, tâng bốc) Con có thể làm được mà, Johnny.

MACGERGOR:            (mất kiên nhẫn, đói) Hãy đi xuống đó và bảo với ông Kosak bán cho con một ổ bánh Pháp và một cân phó mát đi, con trai.

BỐ JOHNNY:            Tiến lên, Johnny. Con chưa bao giờ rời cái tiệm đó mà không có thứ này hay thứ khác. Con sẽ quay về đây sau mười phút với những thức ăn xứng với một ông hoàng. ( tự chế giễu) Hoặc ít nhất cũng xứng với một quận công gì đó.

JOHNNY:            Con không biết. Ông Kosak bảo chúng ta đang viện hết cớ này sang cớ nọ. Ông ta muốn biết bố đang làm loại công việc gì.

BỐ JOHNNY:            (nổi giận)  Được, hãy lên đường và bảo với ông ta. ( Kẻ anh hùng) Ta không có gì phải che giấu cả. Ta làm thơ, cả ngày lẫn đêm.

JOHNNY:            (cuối cùng xiêu lòng) Thôi được. Nhưng con không nghĩ là sẽ gây được ấn tượng gì với ông ta đâu. Ông ta bảo bố chẳng bao giờ ra khỏi nhà và tìm kiếm việc làm. Ông ta bảo bố biếng lười và không tốt.

BỐ JOHNNY:            (gầm lên) Mày hãy xuống đó và bảo với ngài Slovak có trái tim cao quý ấy biết rằng ông ấy điên rồi, Johnny. Mày hãy xuống đó, và nói với nhà học giả uyên thâm và con người lịch thiệp ấy biết rằng bố mày là một trong những nhà thơ vô danh lớn nhất đang còn sống sót.

JOHNNY:            Ông ấy không để ý đâu, bố ạ. Nhưng con sẽ đi. Con sẽ cố hết sức mình. Chúng ta còn gì trong nhà không?

BỐ JOHNNY:            (nhạo báng, bi thảm, gầm lên) Chỉ có bỏng ngô thôi. (với Macgregor) Đã bốn hôm nay chúng tôi chỉ ăn bỏng ngô. Johnny, con phải mang về bánh mì và phó mát nếu con mong muốn ta hoàn thành thiên trường thi đó.

JOHNNY:            Con sẽ cố hết sức.

MACGREGOR:            Đừng lâu quá nhé, Johnny. Ta đang cách xa quê nhà năm ngàn dặm.

JOHNNY:            Cháu sẽ chạy suốt quãng đường, ông Macgregor ạ.

BỐ JOHNNY:            (chế giễu Thượng đế) Nếu con nhặt được xu nào trên đường thì chúng ta chia đôi đấy nhé.

JOHNNY:            (hưởng ứng màn hài kịch) Được thôi, bố. (Nó chạy xuống đường)

Bên trong cửa tiệm của ông Kosak. Ông ta đang ngủ gật, đầu gối lên cánh tay khi Johnny bước vào. Ông ta ngẩng lên. Đó là một người đàn ông lịch thiệp, nghiêm túc và đẹp đẽ, với một bộ râu vàng hoe lớn để theo kiểu cổ. Ông ta lắc lắc đầu cho tỉnh táo lại.

 

JOHNNY:            (nhà ngoại giao như thường lệ) Ông Kosak, giả sử ông ở bên Trung Quốc và chẳng có một bạn bè nào trên đời cả, cũng chẳng có một xu, hẳn ông phải mong rằng có ai đó cho ông một cân gạo, phải không ông ?

KOSAK:            Cậu muốn gì ?

JOHNNY:            Cháu chỉ muốn trò chuyện một chút. Ông hẳn mong rằng một ai đó trong nòi giống Aryan giúp đỡ ông chút đỉnh, phải không, ông Kosak?

KOSAK:            Cậu có bao nhiêu tiền?

JOHNNY:            Đây không phải là vấn đề tiền bạc, ông Kosak ạ. Cháu đang nói về việc sống ở Trung Quốc.

KOSAK:              Ta không biết gì là gì hết.

JOHNNY:            Ông sẽ cảm thấy thế nào khi ở Trung Quốc theo cách đó, ông Kosak?

KOSAK:            Ta không biết, Johnny. Ta sang ở Trung quốc để làm gì chứ ?

JOHNNY:            Ồ, ông sẽ đi du lịch sang bên ấy. Ông sẽ bị đói và cách xa quê nhà năm ngàn dặm, lại chẳng có bạn bè nào trên đời cả. Ông hẳn không mong đợi một ai đó từ chối ông dù chỉ là một cân gạo mà, phải không ông?

KOSAK:            Ta cho là không, nhưng cậu không ở Trung Quốc, Johnny, và cả bố cậu cũng thế. Hai bố con cậu phải ra ngoài tìm công ăn việc làm lúc nào đó trong đời, vì vậy cả hai nên khởi sự ngay bây giờ thì hơn. Ta sẽ không cho cậu mua chịu nữa, vì ta biết cậu không bao giờ trả nợ.

 

OHNNY:            Ông Kosak, ông đã hiểu lầm cháu rồi. Giờ đã là năm 1914, đâu còn là năm 1913 nữa. Cháu không nói về một thứ thức ăn nào đó. Cháu đang nói về tất cả bọn người ngoại đạo xung quanh ông ở Trung Quốc, còn ông thì đang đói và gần chết đến nơi.

KOSAK:            Đây không phải là Trung quốc. Cậu phải ra ngoài và kiếm sống ở đất nước này. Ở Hoa Kỳ này ai ai cũng phải làm việc cả.

JOHNNY:            Ông Kosak, cứ cho là chỉ cần một ổ bánh và một cân phó mát để giúp ông sống sót trên đời, ông cũng e ngại khi hỏi xin một nhà truyền giáo Thiên Chuá những thứ đó hay sao?

KOSAK:            Phải, ta e ngại.  Ta rất xấu hổ nếu phải xin.

JOHNNY:            Ngay cả khi ông biết rằng ông sẽ trả lại cho ông ta hai ổ bánh và hai cân phó mát thay vì chỉ một ổ bánh và một cân phó mát? Ngay cả như vậy sao, ông Kosak ?

KOSAK:            Ngay cả như vậy.

JOHNNY:            Đừng như vậy, ông Kosak ạ. Đó là cách nói của người chủ bại, ông biết mà. Sao chứ, điều duy nhất xảy ra cho ông là ông sẽ chết. Ông sẽ chết mòn ở đó, ở Trung Quốc, ông Kosak ạ.

KOSAK:            Ta chẳng quan tâm ta sẽ ra sao. Hai bố con cậu phải trả tiền bánh và phó mát. Sao bố con cậu không đi tìm  việc làm đi?

JOHNNY:            (nhanh chóng từ bỏ cuộc tấn công trí tuệ  bằng cuộc tấn công vào tình người ) Ông Kosak, ông khỏe chứ ?

KOSAK:                    Ta khoẻ, Johnny. Còn cậu?

 

 

JOHNNY:            Không thể nào tốt hơn nữa, ông Kosak ạ. Bọn trẻ ra sao ?

KOSAK:            Tất cả bọn chúng đều tốt cả, Johnny. Stephan bắt đầu  tập đi rồi.

JOHNNY:            Tuyệt quá. Thế còn Angela ?

KOSAK:            Angela bắt đầu tập hát. Bà nội cậu khỏe chứ, Johnny ?

JOHNNY:            Bà khỏe. Bà cũng đang bắt đầu tập hát. Bà bảo bà thà làm một ca sĩ opera còn hơn là làm Nữ hoàng Anh Quốc. Còn bà Martha vợ ông thì sao, ông Kosak ?

KOSAK:            Ồ, tốt lắm.

JOHNNY:            Cháu không thể nói với ông cháu vui sướng như thế nào khi nghe rằng ở nhà ông mọi sự đều tốt đẹp. Cháu biết một ngày nào đó Stephan sẽ trở thành một vĩ nhân.

KOSAK:            Ta hy vọng là vậy. Ta sẽ cho nó đi học ở trường trung học, để nó có những cơ may mà ta không có. Ta không muốn nó gặp bất cứ rắc rối gì trong đời cả.

JOHNNY:            Cháu có một niềm tin lớn vào Stephan, ông Kosak ạ.

KOSAK:            Cậu muốn gì, Johnny, và cậu có bao nhiêu tiền?

JOHNNY:            Ông Kosak, ông biết là cháu không đến đây để mua gì cả. Ông biết là cháu rất thích thỉnh thoảng có một cuộc tán gẫu triết lý nho nhỏ với ông. (Nhanh, nài nỉ) Hãy cho cháu một ổ bánh Pháp và một cân phó mát.

KOSAK:            Cậu phải trả tiền mặt đấy, Johnny.

JOHNNY:            Còn Esther ? Cô con gái rượu xinh xắn của ông ra sao, ông Kosak?                    

 

 

KOSAK:            Nó vẫn khoẻ, Johnny, nhưng cậu phải trả tiền mặt. Cậu và bố cậu là những công dân tồi tệ nhất thị trấn này đấy.

JOHNNY:            Cháu mừng là Esther vẫn khoẻ, ông Kosak ạ. Jasper Macgregor đang tới chơi ở nhà cháu. Ông ấy là một nghệ sĩ lớn.

KOSAK:            Chưa hề nghe tên ông ấy.

JOHNNY:            Và một chai bia cho ông Macgregor nữa.

KOSAK:            Ta không thể bán chịu bia cho cậu.

JOHNNY:            Chắc chắn là ông có thể mà.

KOSAK:            Ta không thể. Ta sẽ đưa cho cậu một ổ bánh và một cân phó mát, nhưng chỉ có thế mà thôi. Nếu như bố cậu làm việc, ông ta làm loại công việc gì thế, Johnny?

JOHNNY:            Bố cháu làm thơ, ông Kosak ạ. Đó là công việc duy nhất của bố cháu. Ông ấy là một trong những nhà thơ lớn nhất trên đời.

KOSAK:            Khi nào thì ông ấy kiếm được chút tiền?

JOHNNY:            Ông ấy chưa bao giờ kiếm được chút tiền nào. Người ta không thể đứng núi này trông núi nọ, phải không ông.

KOSAK:            Ta chẳng thích loại công  việc đó chút nào. Tại sao bố cậu không làm việc như mọi người khác, Johnny?

JOHNNY:            Bố cháu làm việc vất vả hơn bất cứ người nào khác. Bố cháu làm việc vất vả gấp đôi một người bình thường.

 

(Kosak trao cho Johnny một ổ bánh Pháp và một cân phó mát )

 

KOSAK:            Được rồi, vậy là cậu nợ ta 55 xu đấy nhé, Johnny. Lần này ta cậu chịu, nhưng sẽ không bao giờ lặp lại nữa đâu.

 

JOHNNY:            (ở cửa) Bảo Esther cháu yêu cô ấy. (Johnny chạy khỏi cửa tiệm. Kosak vồ một con ruồi, hụt, vồ lại lần nữa, lại hụt, và như để phản kháng lại thế giới bằng cung cách này, ông ta đuổi theo con ruồi vòng quanh phòng, cố tóm lấy nó.)

 

Căn nhà. Bố Johnny và ông lão đang trông xuống đường để chờ xem Johnny có mang thức ăn về không. Bà nội của nó đứng trên thềm cổng cũng nôn nóng muốn biết có được thứ gì để ăn không.

 

MACGREGOR:            Ta cho là nó sẽ mang về đôi thứ gì đấy.

BỐ JOHNNY:            (tự hào) Dĩ nhiên là sẽ có. ( Ông ta vẫy gọi bà cụ đang đứng ở cổng để bà vào nhà dọn bàn. Johnny chạy về tới.) Ta biết là con sẽ làm được mà.

MACGREGOR:            Ta cũng thế.

JOHNNY:            Ông ta bảo chúng ta phải trả 55 xu. Ông ta bảo sẽ không cho chúng ta mua chịu thêm bất cứ thứ gì nữa.

BỐ JOHNNY:            Đó là ý kiến của ông ta. Con đã nói chuyện gì thế ?

JOHNNY:            Đầu tiên con nói về việc bị đói và sắp chết tới nơi ở Trung Quốc. Rồi con hỏi thăm về gia đình.

BỐ JOHNNY:            Mọi người ra sao?

JOHNNY:            Tốt cả. Tuy nhiên, con chẳng thấy tiền bạc gì hết, ngay cả một xu teng.

BỐ JOHNNY:            Ồ, thế là ổn rồi. Tiền không phải là tất cả.  ( Họ đi vào nhà)

 

Phòng ăn. Mọi người ngồi quanh bàn sau bữa ăn. Macgregor tìm kiếm những mẩu vụn thức ăn rải rác đây đó, rồi ông ta khẽ khàng cho vào miệng. Ông ta nhìn quanh phòng xem có còn gì để ăn nữa không.

William Saroyan
Số lần đọc: 2402
Ngày đăng: 03.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh
Một buổi diễn kịch đặc biệt - Khuyết danh
Sân khấu năm 2004: Bức tranh nhiều màu sắc - Khuyết danh
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay - Khuyết danh
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh