Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.321
 
Tin chiều
Bích Ngân

Nguyên thở phào, quên cái lịch sự tối thiểu là nói hai tiếng “cảm ơn!”với bác sĩ, người vừa nhấc khỏi ngực anh cái khối đá nặng quá sức tưởng tượng. Anh quay lưng, rời phòng bác sĩ, vội vã lách người qua đám đông nửa lành lặn nửa băng bó nằm ngồi đi lại dọc theo hành lang bệnh viện.

 

Vừa ló mặt ở cửa phòng số 11, Nguyên nghe vợ hỏi: “Sao rồi, anh?” và thấy Thùy tiến ra cửa. Nguyên nói: “Ổn, ổn, không sao, chỉ cần bó bột!”và rút tấm phim X.quang ra khỏi túi giấy đưa cho vợ. Thùy săm soi tấm phim dưới ánh sáng của ngọn néon dài một mét hai gắn chỗ tiếp giáp giữa tường và trần, cả hai đều phủ màu vôi trắng, căn phòng ngờm ngợp màu trắng và sực mùi ête. Nguyên rà ngón tay theo những vệt tối sáng mờ mờ trên phim mà bác sĩ  đã chỉ. Anh nói với vợ, tỏ vẻ tự tin  là chân trái cu Bi không bị gãy, khớp xương đầu gối cũng không bể, không mẻ, chỉ có đoạn xương ống quyển bị nứt, một lằn nứt mảnh như sợi tóc…

 

Không đợi chồng nói hết, Thùy buông tấm phim, quay lại chỗ con. Thằng bé nhắm mắt, nằm thiêm thiếp như ngủ. Nằm cạnh giường cu Bi, là một đứa bé gái, cũng cỡ tuổi nó. Tay phải của con bé băng bột, đầu cũng quấn băng, một ống nhựa nối chỗ cườm tay với chai nước biển treo tòn ten. Canh chừng con bé là bà lão tóc bạc da mồi, chắc nội hay ngoại của con bé. Thùy phải nép người, tránh chạm bà lão đang ngồi trên ghế kê giữa hai giường. Thùy cúi xuống, ôm gọn con trên tay. Chị quay lại, nói như quất vào chồng: “Anh còn sớ rớ làm gì, đem con gặp bác sĩ lẹ lên!”. Nguyên  can: “Từ từ, từ từ, để anh lên gặp bác sĩ trước đã”.Thùy tròn mắt: “Sao lúc mua báo anh không từ từ, cứ rướn tới, rướn tới, bất kể, để con cái ra nông nổi này?”. Hai ba giọt nước mắt tức tưởi trào ra khóe mắt Thùy.

 

Nguyên chịu trận. Không cách gì chống đỡ. Thì tại Nguyên. Anh đã hấp tấp, chen lấn mua bằng được tờ Tin buổi chiều mà quên để ý tới dòng xe cộ ngược xuôi, quên mặt đường vừa qua một cơn mưa trơn trợt, quên cả việc thằng con trai bốn tuổi đang ngồi trong lòng mình. Anh cũng quên rằng, nó chẳng cần biết tới cái sự kiện hai tòa tháp cao chọc trời bên kia quả địa cầu đổ sụm, cũng chẳng cần biết chỗ ẩn nấp của Bin Laden và cũng không nên biết đến những trận mưa bom vừa trút xuống một đất nước mà sự chống đỡ là hận thù, máu và nước mắt. Nó chỉ cần cái bánh patechaud nóng và một hộp sữa tươi có ống hút hiệu Vinamilk. 

 

Nguyên nghe vợ. Anh ôm con đến gặp bác sĩ trực, bất chấp những quy định được viết thành chữ thành dòng treo cạnh cửa phòng bệnh, bất chấp ánh mắt khó chịu của những người cùng cảnh ngộ, bất chấp cả việc cái gọng kính trượt trên sóng mũi rịn mồ hôi của vị bác sĩ đứng tuổi.

 

Nguyên không rõ điều gì đã khiến bác sĩ Thiền mềm lòng? Có thể là lời lẽ. Đó luôn là ưu thế của Nguyên. Anh đã từng khiến độc giả không cầm được nước mắt trước những cảnh đời mà anh thương cảm (lúc này, Nguyên chợt  tiếc, nếu được làm ở trang quốc tế, mình đã chẳng phải sấp ngửa chạy ngoài đường suốt ngày và chẳng phải chen lấn để mua bằng được tờ báo chỉ có vài thông tin sốt dẻo đối với những ai không ngồi trước computer và click vào những trang web ). Và cũng nhờ cái lưỡi dẻo mà Nguyên chinh phục được trái tim bướng bỉnh của Thùy. Nhưng…trong tình huống này, biết đâu cũng có thể là nhờ hai cái vạch đỏ như máu tươi của cái Thẻ Nhà báo, cái công cụ hành nghề mà lần đầu anh cố tình lạm dụng nó sau hai mươi năm giữ kè kè bên mình. Mà cũng có thể nhờ gương mặt thiên thần thiêm thiếp của thằng bé và những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ nó. Hay là tất cả những điều đó! Lặng lẽ, tỉ mỉ, bác sĩ Thiền dành cho thằng con của Nguyên sự chăm sóc ân cần mà anh không ngờ.

 

Chân được băng bột và cu Bi được đưa về phòng số 11, lúc ấy bác sĩ  Thiền mới đưa bàn tay phải của mình cho Nguyên: “Rất vui được biết anh, nhà báo của những người bất hạnh!”. Nguyên giữ  bàn tay to mềm trong bàn tay cứng cáp của mình: “Rất cảm ơn bác sĩ, vị cứu tinh của những người không may mắn”.

 

Nghe có vẻ sáo, nhưng hai bàn tay như không muốn rời nhau. Bàn tay ấm, nồng nhiệt như thế này thường là người chơi được, Nguyên nghĩ - giá mời được bác sĩ một chầu, Nguyên ước, chớ không dám nói. Vẻ mặt Thùy trông còn căng lắm. Mà bác sĩ  Thiền cũng không thể bỏ đi trong giờ trực. Trước khi đi, vị bác sĩ  còn tỏ lòng mến mộ Nguyên bằng một lời hẹn gặp lại, một lời hẹn  hết sức chân tình.

 

Nguyên hất mặt nhìn Thùy như nói: “Em phải hãnh diện vì có một người chồng như anh!”. Thùy như không nghe không thấy, không biểu lộ cảm xúc, chỉ đăm đăm dõi theo nhịp thở của cu Bi dưới tấm khăn đắp mỏng. Nguyên cụt hứng. Ai mà không lỗi lầm! Điều đáng nói là Nguyên đã mở to con mắt và thấy được hậu quả của nó. Mà thực ra, cái vô ý của anh  đâu đáng để Thùy trừng phạt như thế. 

 

Nguyên dợm bỏ ra ngoài hút điếu thuốc thì ai đó níu lại: “Anh nhà báo này, liệu tình hình thế giới rối tùng phèo như vầy, đồng đô có bị gì không?”. Thôi rồi, ai đó đã nghe được mấy câu đối đáp giữa mình với bác sĩ Thiền. Nguyên không muốn vướng vào cái mạng nhện lùng nhùng càng gỡ càng rối này. Câu trả lời cho những trạng thái bất ổn chẳng khác gì nối dài thêm câu hỏi, nhất là câu hỏi của những người bị tai nạn hay thân nhân của chính những người mất chân, gãy tay, bể trán, nứt sọ…

 

Câu hỏi được lập lại tuy câu chữ có khác chút ít, như chữ “bị” được thay bằng từ “mất giá”. Nguyên nhận ra người hỏi là một người đàn ông tóc muối tiêu, ăn mặc chỉn chu, phong thái điềm đạm dù đang ngồi cạnh một người đàn bà quấn băng kín con mắt trái. Nguyên nói chỉ để nói: “Mỹ giàu mà, thiệt hại của họ chỉ như bị giập hàm gãy răng. Khi gắn được một hàm răng giả, thì mọi thứ sẽ đâu vào đó, đồng đô chắc không hề hấn gì!”

 

Một đôi mắt đen, một cặp lông mày đen, một bộ ria đen và trên trán, trên má, bên cằm những vết xước cũng thâm đen (chỉ có chân và tay là băng trắng tới  háng, tới nách) nhìn thẳng vào Nguyên, cái nhìn không chút thiện cảm. Anh ta hỏi, giọng trịch thượng: “Anh là nhà báo thiệt hay nhà báo dỏm? Nếu nhà báo thiệt, anh phải biết thiệt hại nặng nề của cái quốc gia siêu cường đó đâu chỉ là suy thoái, thất nghiệp mà là cái trạng thái sợ hãi đang tràn khắp nước Mỹ và không dừng ở nước Mỹ. Trạng thái đó đang làm chao đảo sự bền vững của những ảo tưởng …”Anh ta dẫn giải một thôi dài. Nguyên thấy ngứa tai, không phải bởi những gì anh ta nói mà cái cách anh ta nói. Cứ như trong phòng số 11 này toàn là học sinh cấp hai và đều có học lực dưới trung bình. Đến người vô tư nhất có lẽ cũng biết, trạng thái hãi hùng đó đang khiến hệ thống vận hành  quốc tế không thể không nhìn nhận lại, đổi khác đi và phải vứt bỏ những con vít xiết chặt, khóa chặt những mảnh đất tự do… Nhưng thôi, chẳng hứng thú gì khi đi gây gỗ, hơn thua với một kẻ vừa bị thần chết vồ.

 

Trong lúc anh ta nói, Nguyên dò hỏi và được biết đó là Hòa, phụ trách bộ phận tiếp thị của một công ty có xuất khẩu hàng qua Mỹ và cũng đôi lần anh ta sang bên đó trên chiếc Boeing, loại họ hàng ruột thịt với hai chiếc máy bay bị không tặc đột nhập và gây ra sự kiện 11 tháng 9 vừa qua. Vào đây mới ngày thứ tư  mà nhiều người khá rành về anh ta. Cả việc Hòa nhờ cái nón bảo hiểm làm bằng loại nhựa tốt, chứ mua nhầm loại dỏm được bày bán tràn lan thì đầu anh ta chắc bị bẹp dí ở xa lộ Hà Nội, nơi cách trạm thu phí không xa.

 

Nghe nhiều giọng nói, nhiều loại chuyện, Nguyên nhận ra nơi khai thác thông tin (lại thói quen nghề nghiệp) dễ nhất là ở phòng bệnh (dĩ nhiên không phải phòng cấp cứu), nơi người ta suýt chạm cái chết; nơi sự sống, dù là sống giàu sang hay nghèo khó cũng quý hơn bất cứ thứ gì trên đời. Câu chuyện râm ran chỉ tạm lắng khi bác sĩ vào thăm bệnh hay khi y tá xem lại nhiệt độ, huyết áp của bệnh nhân nào đó.

 

Đứa bé gái nằm cạnh giường với cu Bi có cái gì đó không ổn. Cô y tá đặt vội cái cặp nhiệt vào miệng con bé, tay sờ trán, tay vạch mi mắt và lật đật đo huyết áp cho nó. Bà của con bé ngồi lim dim ngủ gật. Cô y tá hỏi trống không: “Cha mẹ con bé này đâu?”. Bà lão tỉnh lại, dụi dụi mấy ngón tay vào đôi mắt trắng đờ, mỏi mệt: “Cha nó văng ra, chết tại chỗ, còn mẹ nó chết khi đẻ nó!” Câu nói của bà lão ghim vào tai Nguyên. Anh lựng khựng trước giường con bé. Mồm miệng lạt thếch, chịu không nổi, Nguyên bước ra khỏi cửa.

 

Khi quay lại, Nguyên tới sát bên vợ và rờ nhè nhẹ mu bàn tay của cu Bi nhưng mắt lại quan sát con bé. Trông nó khác với cu Bi quá. Nó xanh và gầy như  đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng. Bà của nó còn gầy hơn. Hai bả vai lổn nhổn xương, hai bàn tay vằn vện những đường gân xanh với những cái móng mòn dẹt, cáu bẩn. Nguyên hình dung ra cái gia cảnh khốn khó của hai bà cháu; cái gia cảnh đó quá quen thuộc đối với Nguyên, ngoài đời và trên trang viết. Anh còn đoán trong cái túi áo được cài kim băng cẩn thận của cái áo bà ba màu đất kia, nhàu nhò một dúm tiền dành dụm chắt chiu; và đâu đó trong con hẻm hun hút lầy lội khi triều lên, một xó nhà với cái bếp chỉ còn tro lạnh và một cái bàn  thờ với những di ảnh mà đôi mắt cứ mở to như không bao giờ chịu khép.

 

Nguyên rút cây viết  và cuốn sổ tay ghi chép, hai thứ lúc nào cũng dính chặt vào người như vật hộ mệnh. Anh muốn nỗi khổ của hai bà cháu kia phải được đồng bào mình sẻ chia.

Y tá và hộ lý vào phòng với chiếc băng ca. Con bé được chuyển sang phòng cấp cứu. Bà của nó vơ vội cái giỏ lụm cụm theo sau.

 

Phòng số 11 lặng đi trong phút chốc. Rồi ai đó cất tiếng: “Bên gây ra tai nạn cho gia đình con bé sao không thấy tới?”. “Kẻ gây nạn nghe nói bị nặng lắm, hình như dập não gì đó”. “Cái loại người đó làm gì có não!”. Nguyên nhận ra câu nói căm giận đó của người đàn bà băng kín con mắt trái. Đôi mắt phải của chị ta cũng sưng hùm hụp nhưng cái nhìn phóng ra như tia lửa. Người đàn ông điềm đạm vội nói: “Thôi mình, giận dữ chỉ có hại cho sức khỏe”. Chị ta không chịu nín: “Cái lũ gây họa đó làm gì có não, có tim!”. Nguyên  nghe Hòa cất tiếng: “Bà chị nói cứ như là nói tụi khủng bố”.

 

Rồi Hòa “kéo dãn” tinh thần những người bệnh và những người nuôi bịnh bằng những dự báo u ám như những đám mây sũng nước, rằng: chiến tranh không thể dập tắt được hận thù, mà như đổ thêm xăng vào lửa; quân khủng bố đang có những hoạt động ráo riết hơn, quy mô hơn, tàn bạo hơn như sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học; và hoạt động hủy diệt từ hai phía sẽ tiếp tục vò xé đồng loại…

 

Người đàn ông điềm đạm rót nửa chai nước lọc hiệu  La vie vào đầy chiếc ly thủy tinh mang lại cho Hòa: “Cậu uống  rồi nằm nghỉ cho mau lại sức, đừng bận tâm quá nhiều cho thiên hạ!”. Hòa cầm ly nước, chưa vội uống: “Chuyện thiên hạ nhưng cũng ảnh hưởng tới ta, thậm chí còn đụng tới cái giường, cái bếp của nhiều gia đình.”. Hòa uống một hơi nước, rồi tiếp: “Thế giới bây giờ ràng rịt với nhau bằng đủ loại dây nhợ”.

 

Người đàn bà còn nhìn bằng con mắt phải, góp vào: “Cậu Hòa nói phải lắm, suốt mấy ngày tôi muốn rụng tim vì thấy đồng đô tuột dần, tuột dần”. “Còn em mất ăn mất ngủ vì giá vàng tăng vọt!”. Nguyên chột dạ khi nghe Thùy nói. Người đàn bà lại hỏi: “Cô mua bán kinh doanh gì vậy?” Thùy ngập ngừng: “Em vay vàng mua…nhà”!

 

Nguyên bất ngờ chới với như  bị trúng thương. Anh nhìn Thùy, cái nhìn như cầu xin cô rút khỏi viên đạn ra khỏi ngực mình. Đôi mắt giấu sau hàng mi cụp xuống, mặt Thùy lạnh tanh. Kẻ sát nhân thường có bộ mặt đó. Nếu chỉ có hai người…Nguyên nén lại tiếng gào. Anh thều thào như hụt hơi: “Sao em không cho anh biết?”. Thùy bồi thêm một viên đạn: “Cho anh biết cũng vô ích !”

Nguyên thấy khó thở. Những người còn sống bị kẹt lại trong đống bê-tông hàng trăm ngàn mét khối của tòa tháp đôi New York chắc cũng không khác Nguyên lúc này. Bốn bức tường của phòng bệnh vẫn đứng yên, nền gạch dưới chân không nứt, không sụp, không bị đánh bom cũng không ảnh hưởng cơn địa chấn nào nhưng anh thấy mọi thứ rùng rình, chao đảo.

 

Nguyên muốn bấu víu vào cái gì đó để thở, để đứng vững, để rũ bỏ cái sự thật kinh hoàng mà anh vừa biết từ đôi môi anh từng hôn hít, từ trái tim hình như đã không còn thuộc về anh. Phải, một trái tim đã trở nên xa lạ cho dù đứa con bốn tuổi với cánh tay bó bột vẫn đang ở giữa anh với Thùy.

 

Nguyên chợt nhận ra sự đổ vỡ trong tâm hồn vợ anh cũng đáng sợ như tai nạn, bệnh tật và thù hận. Khi không còn yêu thương, không còn nhu cầu chia sẻ và không cảm nhận được yêu thương, lạy trời người ta có thể làm bất cứ điều gì.

Nguyên rít sâu hơi thuốc. Cổ họng anh nghẹn đắng.               

 

Tháng 10, năm 2001                                                                                                                       
Bích Ngân
Số lần đọc: 2777
Ngày đăng: 03.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày mơ qua bình yên - Thu Trân
Năm chục ngàn - Tâm Đào
Buổi chiều của Họa Mi - Ngô Thị Hạnh
Ba người nữ trên xe đò - Triệu Từ Truyền
Cơm bình dân - Nguyễn Văn Ninh
Về hưu - Huỳnh Mẫn Chi
Trăng treo trên toa tàu - Tiến Đạt
Người đi về phía rừng - Thu Trân
Ân ma - Tâm Đào
Bước ra từ cuộc đấu giá - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)