Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.052
 
Con sáo chưởi thề
Thu Trân

Thằng Bình tợp một ngụm nước đầy rồi bậm môi phun phì phì  vào con chim sáo lông đen chân vàng đang đứng buồn thiu trong góc lồng. Chú sáo nhảy cởn lên kêu réc réc mấy tiếng ra chiều thỏa thuê lắm rồi đứng im, rụt "người" lại, thụng cổ ra làm một tràng tiếng người :" Xin chào ! Te tò te tí te...", mấy tiếng sau, con sáo học được của đám " bụi đờI " nào mà bậy bạ quá.Nó chưởi thề.Ừ, đúng là nó chưởi thề.Thằng Bình hoảng sợ nhìn quanh quất,một tay nó nắm cái song tre của lồng chim lắc lắc :" Bậy, cấm chưởi thề, tao rô-ti bây giờ ".Con sáo cười khanh khách,chuyển giọng lãnh lót:" Xin lỗi, xin lỗi mà !".

 

Nhận nhiệm vụ cai quản con sáo ba tháng trời, Bình dạy sáo nói được hai tiếng " Nhớ má " và " Xin lỗI ". Còn cái tiếng chưởi thề mà con sáo mang đến từ ngày bay lạc tới đây, Bình không biết cách nào bắt nó bỏ. Lúc nào cao hứng lên thì sáo cứ chưởi thoải mái. Chỉ có Bình là sợ. Bình sợ cái nhìn sắc lẽm của mợ Quyên :" Bộ khoái cái tiếng đó lắm hay sao mà cứ bắt nó chưởi cho nghe hoài vậy ?". Chỉ nói vậy thôi rồi mợ bỏ đi nhưng Bình nghe ớn lạnh tới sống lưng.Cái nhìn ám ảnh Bình cả khi ăn và ngủ. Suốt bữa ăn, Bình ít khi nào dám ngẩng mặt lên nhìn cả nhà. Đến thức ăn cũng không dám gắp. Chỉ khi nào cậu Hân gắp cho Bình, Bình mới dám ăn. Lúc ngủ, Bình cứ nghe tò tí te là lật đật chồm dậy...Đã thành thói quen rồi, mấy lần không chồm dậy như vậy, Bình bị thằng Phú ngắt tai đau điếng:" Mày dạy cái kiểu gì mà nó cứ chưởi thề hoài vậy !".Có lần bà tám,bà nội của thằng Phú bắt gặp, bà la nó:" Cái gì mà ăn hiếp con người ta dữ vậy, hết má mày rồi tới mày, làm sao nó lớn nổI ?". Nhưng một lần bà tám thấy được, mười lần không. Thằng Bình thấy tốt hơn hết là cứ chồm dậy thủ thế cho chắc ăn...Có tiếng còi xe ngoài cổng nhà, Bình lật đật chạy ra. Mợ Quyên vẫn ngồi yên trên xe với kính mát và khẩu trang che kín mặt :" Thôi, khỏi mở, nói với cậu mày là trưa nay tao không ăn cơm nhà ". Bình dạ lí nhí trong miệng rồi quay vô.Tự dưng nó thấy nhẹ nhỏm trong người.

 

Mợ Quyên không ăn cơm nhà, thằng Phú đi học phụ đạo, trời xanh trên đầu nó dường như xanh hơn, cao hơn...Bình huýt sáo nho nhỏ, đi lướt qua lồng chim sáo,nó thò ngón tay vào khều khều mấy cọng lông mượt mà nơi chân chim. Dường như con sáo biết cậu chủ vui, nó tự cho phép mình buông thả một chút:"Xin chào! Te tò te tí te..." Thằng Bình đứng lại nheo nheo mắt.Ừ, kể ra hơi bậy nhưng  con sáo chưởi bằng điệu bộ có duyên lắm. Điều này không phải một mình nó thấy mà bà tám cũng thấy. Có lần bà tám nhận xét như vậy khi ngồi uống trà với cậu Hân. Cậu Hân cũng cười. Như vậy là trong ngôi nhà có năm người, đã có ít nhất ba người nói con sáo chưởi thề có duyên. Có duyên là có duyên vậy thôi chớ câu chữ thì xấu lắm, phải cố dạy nó bỏ nghe con. Bà Tám nhắc nhở Bình như vậy...Bình xếp cơm dọn ra cho cậu Hân. Cậu Hân bảo:" Cậu chưa đói, mày ăn một mình trước đi !".Bình cũng không thấy đói, nó lấy lồng bàn đậy mâm cơm lại rồi nhảy chân sáo ra sân. Không có mợ Quyên với thằng Phú ở nhà, Bình chơi với chim sáo tùy thích. Trước tiên nó hạ lồng chim đang treo tòn ten trên cây trứng cá xuống. Nắp lồng mở, chim sáo bay sà vào lòng cậu chủ. Bình để chim sáo đậu trên vai , thẻ thọt:" Sao mày lì vậy nhỏ, tao biểu đừng có chưởi thề nữa, mỗi lần mày chưởi,tao bị la mắng um sùm đó, mày không thấy sao ? Thôi, bây giờ mày hót tao nghe đi, tao thương..." Bình nằm lăn ra thảm cỏ xanh rờn dưới gốc cây trứng cá, nó nhắm mắt lại mơ màng, từ ngày có chim sáo, nó thấy đời nó đỡ buồn hơn trong ngôi nhà rộng lớn thênh thang này...Hót đã đời, chim sáo nghiêng tai nghe ngóng một cái gì đó rồi thảng thốt kêu lên :" Nhớ má ! Nhớ má !".

 

Bình ve vuốt chú chim trong lòng bàn tay ấm áp, mày nhớ má hả,ừ, tao cũng nhớ má nhưng không biết bây giờ má ở phương trời nào. Đêm đêm,nằm ngủ với bà tám, bà tám vẫn hay kể cho Bình nghe về má. Ba Bình mất từ ngày Bình còn ẳm ngữa, má tảo tần nuôi Bình lớn lên,đến năm Bình tám tuổi thì má bỏ đi biệt. Bà tám nói, má mắc nợ nhiều, phải đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ. Ngày ra đi , má mang gửi Bình cho nhà nuôi trẻ lang thang của thành phố. Má chỉ còn có người thân duy nhất là bà tám nhưng không dám làm phiền. Cả nhà chỉ có mợ Quyên làm ra tiền, gửi Bình cho bà tám, má sợ bà tám bị mợ Quyên dằn vặt. Bình ở hơn hai năm  trong nhà nuôi trẻ lang thang, bà tám mới biết mà đón Bình về nuôi. Năm năm trôi qua, Bình mong ngóng từng ngày nhưng má vẫn biệt tin. Những khi Bình bị mợ Quyên la mắng, bà tám thủ thỉ :" Con đừng sợ gì hết, nó la đúng thì  sửa, sai thì cũng im cho yên nhà lợi nước, dù gì thì cũng còn có bà đây, bà là em của bà ngoại con thì cũng như là bà ngoại con vậy ". Bà tám nói vậy cho Bình đỡ buồn thôi chớ Bình làm đúng làm sai gì cũng bị mợ Quyên la, la tối mày tối mặt. Mợ Quyên là người lớn được quyền la mắng Bình tùy thích đã đành, tức nhất là thằng Phú, nó hơn Bình có một tuổi nhưng lúc nào cũng làm giọng...cha. Sáng nó thức dậy muộn, tuột luôn từ trên giường xuống bếp đánh răng, mợ Quyên ngọt ngào :"  Bình ơi, vô xếp mùng cho em đi con!".Trưa, đi học về,nó quăng cặp bừa bãi trong phòng khách, mợ Quyên cao giọng:" Thằng Bình đâu rồi, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng coi ".Tối, nó nằm xem ti-vi, nhăn nhăn cái mặt than đá banh ở trường bị đau gót chân. Mợ Quyên nói:" Bình lấy chai dầu nóng bóp chân cho em coi !". Những khi quá đáng như vậy, cậu Hân bảo :" Để tự nó làm, mắc gì cứ phải hành hạ người khác!". Mợ Quyên giật phắt chai dầu trong tay Bình :" Phải mà,để nó làm ông nội trong cái nhà này ". Cậu Hân đập bàn cái rầm, bỏ về phòng riêng. Bà tám bỏ võng đứng lên :" Thôi đi ngủ, Bình à ".Thằng Phú mở ti-vi to hết cỡ để át tiếng kể bù lu bù loa của mợ Quyên...Chỉ có những khoảnh khắc riêng tư như thế này, Bình mới dám nói, dám thở. Nhưng cũng chỉ một mình thôi. Bây giờ có thêm chim sáo, Bình thấy những nỗi niềm của mình như được xẻ chia...Chú chim sáo vô tư nhảy nhót từ đầu xuống chân Bình, nó dừng lại hơi lâu rồi mổ nhồn nhột vào lòng bàn chân cậu chủ, lại bắt đầu rụt cổ :"Xin chào! Te tò te tí te..."

 

@               

 

Thằng Phú áp chặt cái đầu đen thui, nhỏ xíu của con sáo vào miệng mình :"Ê, ê...chưởi thề tao nghe thử coi ". Bị ép  khó chịu, con sáo ra chiều phật ý, nó giãy giụa la lối om sòm :" Nhớ má! Nhớ má !". Thằng Phú cụt hứng ném con sáo lên máng xối trước nhà :" Nhớ cái con khỉ gió !".Cậu Hân vừa kịp bước ra :" Mày làm vậy, chết con chim rồi !". Thằng Phú ma mãnh :" Tại nó chưởi thề, con nghe chướng tai quá,ba !". Cậu Hân lại trở về vẻ hiền lành cố hữu của một nhà thơ, nhà văn :" Đừng nhắc tới cái chuyện chưởi thề thì nó không chưởi nữa, chớ có gì đâu mà khó khăn dữ vậy ?". Bình đứng cạnh cửa sổ nảy giờ nhìn ra, nghe hết, thấy hết, biết hết, nếu không phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu, nó đã đấm một phát vào giữa mặt thằng Phú cho gảy mười cái răng. Ủa, mà ý nghĩ gì kỳ cục vậy ? Bao nhiêu lần bà tám đã ủ ê với Bình sau những trận cậu Hân và mợ Quyên cãi nhau nảy lửa vì cái nếp " bụi đờI " của nó. Con à, không được phép chưởi thề và nói năng thiếu đầu thiếu đuôi như vậy nghen. Nhớ chưa con? Ừ. Đọ, mới nói vậy mà ừ tỉnh bơ hà.Con à,đừng có chưởi bới, hăm he mấy con chó con mèo theo kiểu du côn đó nữa nghen. Con dạy hoài mà con quỷ mèo cứ ỉa bậy, sáng sáng tìm cứt nó hốt mệt thấy mẹ. Đọ, lại " mệt thấy mẹ " nữa rồi, mợ Quyên mày nghe được thì chết. Ủa, làm sao mà chết vậy bà tám. Con phải biết gia đình ta là gia đình văn hóa, mợ Quyên sợ con ăn nói bậy bạ, thằng Phú nó bắt chước,ảnh hưởng...Bắt chước cái gì ? Ai ảnh hưởng ai ? Những khi nhà không có người lớn, thằng Phú dẫn đám bạn về nhà, nói năng bậy bạ còn tàn canh hơn nó. Đưa đám bạn về xong, thằng Phú dứ dứ nắm đấm lên ngang mũi nó :"Biết thì để vậy, về mà thưa thốt, liệu hồn!"...Biết vậy chỉ để tức thằng Phú cho đỡ buồn thôi, nó o ép con chim, bắt con chim chưởi thề thật là quá đáng. Có nói ra chuyện này thì cũng chẳng ai tin. Mợ Quyên đang ở nhà, không khéo lại lớn chuyện, gây khó xử cho cậu Hân và bà tám.

 

Bình lui cui bắc ghế định leo lên máng xối bắt chim sáo xuống nhưng đã nghe tiếng mợ Quyên the thé dưới nhà :" Thằng Bình đâu, tao biểu mày treo mớ cá khô lên giàn bếp mà sao không treo, để hai con mèo quỷ nó ăn sạch, không còn một con nè trời !".  Quên mất chuyện con chim sáo, Bình lật đật chạy vào bếp. Bà tám ngồi trên võng bỏm bẻm nhai trầu cạnh đó nhắc nhở mợ Quyên :" Đã nói là chó treo-mèo đậy mà sao con dạy nó...". Mợ Quyên không đợi mẹ chồng nói hết :" Má biết gì ! Con biểu nó treo tuốt trên xà nhà kia mà nó đâu có nghe, nó mắc tòn ten ngay cửa tủ nè !". Không đợi bà tám nói thêm điều gì, mợ Quyên đã tát Bình hai cái :" Tao đánh cho mày bỏ cái thói không nghe lời nè !". Không phân bua được  điều gì , Bình chỉ kịp lấy hai tay ôm mặt nhưng nó không khóc, không bao giờ khóc.Có một lần nó nghe cậu Hân dạy thằng Phú khi Phú khóc vì một chuyện không đâu :"Nước mắt đàn ông không dành cho những thói nhỏ nhen, ích kỷ, độc ác ". Mười ba tuồi, Bình thấy nó đã thừa sức để là một người đàn ông. Nó lại càng không khóc khi vô cớ hứng chịu những bực bội của mợ Quyên chỉ vì chồng không làm được nhiều tiền như thiên hạ. Nó đứng lì ra ở góc nhà,lạnh lùng, vô cảm. Đến khi bà chủ nhà hét lên :" Có lại đây phụ dọn cơm ăn không thì nói ?". Buổi cơm nặng nề rồi cũng trôi qua. Lau bàn ghế xong, Bình ra trước hiên ngồi chờ trăng lên,nó muốn sống trong một không gian bao la, rộng lớn để thấy như còn có ai bên cạnh...Nó mơ màng đến khi bà tám gọi nó vào ngủ.An ủi cái chuyện nó bị đòn vô cớ liên miên xong, bà tám lấy tay xoa xoa lưng nó bảo :"Thôi kệ con à, bà biết cái chuyện thằng Phú leo lên xà nhà lấy cá khô xuống nướng ăn rồi quên mắc lại chỗ cũ cho nên...". Không muốn nghe những lời đau buồn đó, Bình dụi mặt vào lưng áo bà tám, nó nghe mùi trầu thơm thơm và quyến luyến vô chừng. Mấy lần Bình đằng hắng quả quyết :"Bà tám ơi..." Bà tám xoa đầu nó :"Bà hiểu rồi, thôi ngủ đi con..."

 

@

 

Thằng Bình đã bỏ nhà ra đi thật rồi. Nó không mang theo gì  hết, ngoại trừ con chim sáo. Nó gửi lại cho bà tám mẩu giấy viết loằng ngoằng :

"Kính thưa bà tám, con biết bà rất buồn khi con bỏ nhà ra đi. Nhưng không còn cách nào khác, bà tám ơi.Con không muốn mình luôn luôn là người hứng chịu những sự bất bình, cáu gắt của mợ Quyên trong gia đình này.Con không trở về nhà nuôi trẻ lang thang của thành phố đâu. Con sẽ nhờ dì ba bán rau, là bạn hàng cũ của mẹ con, đưa đường cho con đi tìm mẹ. Ra đi, con chỉ xin phép bà và cậu mợ Hân cho con xin con chim sáo.Nó sẽ là người bạn thân thiết của con khi con buồn.Con xin cảm ơn bà và cậu mợ Hân đã cưu mang con ba năm trời. Con xin trả lại thằng Phú mấy bộ quần áo mà nó đã cho con mặc đỡ..."

 

Đọc xong mảnh giấy, mợ Quyên chề dài môi :"Xì, con nít mà cũng bày đặt làm phách!", rồi ngoây ngoẩy bỏ đi lên lầu. Bà tám thở dài bỏ đi nằm.Trưa đó bà không ăn cơm. Bà cứ gác tay lên trán nghĩ mãi, bà ba bán rau là cái bà nào. Quần suốt  mấy buổi sáng ở chợ má thằng Bình bán hàng hồi đó, ai cũng lắc đầu trả lời bà :"Chợ này đâu có bà ba nào bán rau".Thôi, chịu vậy chứ biết làm sao, năm năm trôi qua rồi, có biết bao là thay đổi, sức già của bà có hạn.

 

Trong gia đình này, chẳng ai chịu hợp tác với bà trong chuyện kiếm tìm thằng nhỏ. Cũng may,  ngôi nhà này là nhà của bà, chứ nếu là nhà của con dâu thì không chừng cũng có lúc bà sẽ ra đi như thằng Bình...Bà thấy có bóng ai ngồi xuống cạnh giường. Thằng Phú. Nó nói với bà giọng hơi gay gắt :" Sao lúc thằng Bình đi, bà nội cho nó bắt theo con sáo ?". Bà tám cười buồn :" Con nói nghe hay thiệt, nếu biết thì nội cũng không cho nó đi, nói gì là con sáo !". Rồi chợt nhớ, bà nghiêng người nhìn sâu vào mắt thằng cháu nội :" Nhưng con ghét con sáo tật chưởi thề lắm mà, tiếc làm chi vậy ?". Phú nhà ta thậm thụt :" Vậy chớ có nó cũng đỡ, nội à !".Bà tám ngồi dậy :" Đỡ là sao con ?".Phú cúi mặt không trả lời. Được một phút, nó ngẩng lên, vờ vỉnh qua loa :" Một tuần nay, không có ai đấm lưng, chắc nội mỏi lắm ha ? Nội nằm xuống con đấm cho". Bà tám chợt nghe lòng mình lạ lắm. Bà mũi lòng muốn khóc, lần đầu tiên, thằng cháu nội độc nhất của bà quan tâm đến bà.Tiếng đấm bóp thùm thụp của Phú nghe ra cũng êm tai lắm chứ đâu phải " không có nghề " như mấy lần nó đùn đẩy cho thằng Bình đấm bóp bà nội. Bà tám biết nó đang có điều gì muốn nói. Bà gợi ý :" Hổm rày thằng Bình đi rồi, ai lau xe đạp cho con đi học ?". Nó im lặng. Bà tám hỏi tiếp :" Con có nhớ tắm con Lu Lu thay thằng Bình không ?".Lại im lặng. Thằng kỳ khôi, bà tám không thèm hỏi nửa mà nhắm mắt lại đeo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Nhiều đêm không có thằng Bình nằm bên cạnh, bà cứ mơ lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia.Có lúc, thằng Bình làm biếng không tắm, bà nghe nhiều mùi khó chịu toát ra sau một ngày nó làm việc quần quật. Bà khịt khịt mũi bảo :" Dường như có cả mùi lông chim, lông mèo, lông chó ...". Bình quàng chân lên hông bà cười nắc nẻ:" Bà tám đừng nói nữa, ngày mai con tắm bù ".

 

Đêm đêm, Bình còn là người bạn nhỏ thân thiết cùng bà mở hết kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam. Bà kể cho Bình nghe chuyện nào, nó cũng có những đúc kết sáng trí như : Thạch Sanh dễ tin người quá, bị mẹ con Lý Thông gạt mấy lần mà cũng ráng chui xuống hang đại bàng cho bị lấp đá lại ; Trong chuyện "Hà rầm hà rạc",nó mà là người em, nó cũng sẽ chỉ lấy ít vàng thôi, có điều sẽ bắt thêm một chú khỉ con về nuôi cho vui nhà vui cửa...Tuổi già của bà tám cũng thật hiếm hoi để có một người chuyện trò đêm đêm như vậy...Cũng trong dòng miên man như bà nội, thằng Phú không muốn cho ai biết ý nghĩ của mình. Sự phân chia ngôi thứ do mẹ nó sắp xếp trong gia đình khiến nó chưa bao giờ nghĩ thằng Bình là bạn. Nó o ép thằng Bình đủ điều. Từ chuyện sai vặt đến chuyện bắt thằng Bình làm những điều nó thích. Bình cứ lầm lầm lì  lì mà làm. Nhưng thỉnh thoảng thằng Bình vẫn có những "cú hích" khiến nó không thể không ngán. Có hôm nó dắt thằng Sơn về nhà đãi một chầu video game vì chuyện cho nó "cọp dê" bài kiểm tra toán một tiết, phát hiện điều này, Bình bảo :"Tao mà được đi học như mày thì  còn lâu mới có chuyện nợ nần khổ sở như vậy".Tất nhiên là không đời nào thằng Bình dám thọc mạch chuyện này cho ba mẹ nó biết.Làm bộ cau có, khó khăn như vậy nhưng Phú vẫn nễ Bình ờ tài dán diều và quấn kèn lá chuối. Bao nhiêu lần đi hội trại ở trường với những trò chơi khéo tay kể trên, Bình đều giúp Phú "tai qua nạn khỏi"...Làm bộ "giữ thể diện" với bà nội thế thôi, chứ thật ra, sau một tuần thằng Bình đi khỏi nhà, Phú thấy mình thiếu thiếu một cái gì  đó. Nó đằng hắng bảo :" Sao kỳ này con thấy nội ít nói vậy ?".Bà tám trở mình :" Ai ở nhà mình cũng bận bịu hết, rồi nội biết nói chuyện với ai ?".Phú cười :" Nói chuyện với con nè !".Bà tám mắng yêu cháu :" Cha mày, sao lúc có thằng Bình ở nhà, mấy khi con chịu bắt chuyện với nội !".Phú dừng tay đấm bóp, nó rút hai chân lên giường, ngồi thu mình lại :" Nội ơi, thằng Bình đi như vậy rồi lấy cơm đâu mà ăn, lấy áo đâu mà mặc...".Bà tám ngồi dậy, vuốt vuốt đầu tóc đinh của thằng cháu :" Bà mừng là con cũng có nghĩ tới thằng Bình...". Xa xa ngoài góc sân, nắng chiều vàng vọt rải đều quanh gốc cây trứng cá.Thỉnh thoảng một làn gió nhẹ thổi rung những tàn lá xanh yếu ớt.Thằng Phú nhớ đến chuyện nó bắt con sáo chưởi thề, chuyện nó lấy cá nướng ăn rồi để bừa bãi cho mèo ăn vụng...Nó biết thằng Bình dư biết hết những điều này nhưng mà không thèm nói...Ánh nhìn nghiêm khắc của thằng Bình dành cho nó trong bữa ăn tối đó mới thật là dễ sợ...  

 

 @

Có đến nửa tháng trời cậu Hân và mợ Quyên không nói chuyện với nhau. Chưa hẳn là do chuyện cậu Hân giận mợ Quyên ăn hiếp thằng Bình đến mức  nó bỏ nhà ra đi. Nếu có giận vì  lý do này thì cậu đã giận từ mười đời tám kiếp chứ không đợi đến ngày thằng Bình bỏ đi. Ừ, thì cũng có giận hàng ngày đấy thôi. Khi cậu làu bàu bực dọc bỏ quyển sách đang đọc dở hay dằn chén cơm cái rầm xuống mâm rồi hầm hầm bỏ đi lên lầu. Cái miệng mợ Quyên vẫn sa sả chưởi rủa thằng Bình, y như rằng trên đời mợ chưa bao giờ gá nghĩa cùng cậu Hân vậy.

 

Nửa tháng trời thằng Bình bỏ đi là khoảng thời gian vừa ngắn  lại vừa dài với mợ Quyên. Ban đầu là cảm giác nhẹ nhỏm.Trong nhà không có người dưng quả vô cùng dễ chịu. Muốn ăn, muốn làm, muốn mua sắm cái gì cũng được. Huống chi đây lại là cái kiểu người dưng con nít.Cứ ởm ờ  thực hiện công bằng trong chuyện ăn uống giữa nó và thằng Phú theo ý cậu Hân cũng đủ mệt. Lại còn cái cách nhắn nhủ xa gần trong đối nhân xử thế của bà nội thằng Phú nữa. Nhất cử nhất động là phải thế này thế nọ, phải làm sao để không gieo tiếng oán cho đời...Khi sự dễ chịu này qua đi thì mợ Quyên lại thấy mình lạ quá.Cả ngày, quần ra quần vô bao nhiêu lượt mà không tìm được câu nào để nói với cậu Hân.Xem ra thì cậu Hân cũng chẳng ngán cái tài làm ra tiền của mợ chút nào nhưng dường như cậu đã chán chê...

 

Mợ kéo ghế bố ra ban công nằm hong tóc. Mùi hoa thiên lý tỏa dìu dịu dễ chịu vô cùng. Gặp ngày chưa có chồng chắc mợ  cũng đã làm được thơ. Còn bây giờ, nhìn cái bản mặt không có một chút thỏa hiệp nào của cậu Hân, mợ cứ muốn róng riết một điều gì đó cho đỡ...ức chế! Giá mà có thằng Bình, mợ sẽ hét lên như còi xe hơi :"Thằng Bình đâu, tao biểu cắt bớt dây thiên lý không nghe, để nó loà xòa, có ngày rắn lục cắn chết cha...".

 

Mợ duỗi đôi chân dài như chân người mẫu ra hết chiều dài chiếc ghế. Tiếng nhạc bên nhà hàng xóm dặt dìu lướt qua...Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy, dịu dàng nhìn anh, em nói mến anh...Mợ liếc qua song cửa sổ, cậu bình chân như vại, cắm cúi gạch gạch xóa xóa cái gì đó. Nhà thơ, nhà văn hết mùa, đáng ghét ! Co chân lại, mợ loay hoay réo thằng Bình theo thói quen :"Bình ơi, mày lấy cho tao ly nước". Cậu Hân dừng tay một thoáng nhìn mợ như nhìn sương khói lãng đãng bên kia sông...Mợ bỗng giật mình trở lại cảm giác cũ cách đây ba năm, ngày chưa có thằng Bình về ở. Ngày ấy, suýt một chút nữa thì cậu mợ đã đưa nhau ra tòa ly hôn vì cái kiểu bắng nhắng, ỷ làm ra tiền của mợ. Lúc đầu, cậu Hân cũng có ý chỉn chu mợ nhưng nói hoài không giải quyết được gì , cậu chấp nhận làm cái bóng trong cuộc sống chung với người vợ hay câu nệ giữa tiền và tài. Nhưng mợ nào chịu tha cho cậu...Đến khi bà nội thằng Phú bắt đầu trở thành nạn nhân của mợ thì cậu đưa ra tờ đơn ly hôn :"Ngày xưa tôi yêu và cưới em không vì cái kiểu câu nệ quá nhiều trong cuộc sống ngày hôm nay của em...". Mợ bồn chồn thức trắng mấy đêm không phải vì thấy mình quá đáng mà vì muốn tìm ra một lý do nào đó để phản bác cái đơn ly hôn của cậu một cách cao cơ. Chưa nghĩ ra điều gì hay hơn thì bà nội thằng Phú đưa thằng Bình về. Mợ chuyển qua một giải pháp tình thế khác. Suốt ngày cắng đắng, bực bội với thằng nhóc con cũng là một kiểu phản đối mẹ chồng. Không hiểu có phải để thích nghi với hoàn cảnh mới, cậu Hân thôi không nhắc chuyện ly hôn nữa mà đã như trở thành một con người khác, trong một thế giới khác.

 

Bà chủ làm ra tiền trong nhà lại tung hoành theo một kiểu khác nhưng tuyệt đối không dám nhắc nhở chuyện ly hôn. Đơn ly hôn được đánh máy vi tính cẩn thận, có chữ ký đàng hoàng của ông chủ bị bà chủ cho vào bếp lò một ngày cuối đông...Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, xin nhớ cho mùa thu đã chết rồi...Mợ Quyên thấy lòng nhẹ nhàng khó tả khi cất lên những lời ca đó trong ánh lửa lụi tàn của tờ giấy ly hôn phút chốc bổng trở thành tro bụi...

                     

Trở mình một lần nữa, mợ Quyên bổng chột dạ nhớ đến tờ đơn ly hôn ba năm về trước. Chần chờ để xem có gì tiến bộ không. Cậu Hân nói thẳng như vậy. Chuyện thằng Bình xếp lại, mọi thứ bổng cứ hiện mồn một ra. Chẳng có gì tiến bộ cả, mọi thứ còn diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn.Thiếu công bằng với trẻ con là điều không tha thứ được. Cậu Hân hay nói không không với mẹ mình như thế...Thằng Bình đã phải hứng chịu bao nhiêu điều không vừa lòng vừa ý của mợ Quyên trong ngôi nhà này...Nhưng ba năm qua, dù có cắng đắng nhau nhiều vì chuyện nọ kia, rốt cuộc, mợ thấy không có lý do nào để chia tay cậu. Bán buôn hàng họ ở chợ, giao tiếp với nhiều hạng người, mợ Quyên thấy không ai tuyệt vời bằng cậu Hân, dù có hơi bị làm ra ít tiền một chút...Nhiều lúc mợ muốn nói với cậu lời êm ái nhưng cứ thấy sao sao...Thằng Bình ra đi, không khí trong nhà lại càng ngột ngạt. Không có ai để mợ căng lý lẽ của mình ra hết. Mợ nhìn cậu vẫn chăm chăm làm cái gì đó ở góc phòng, như hề không có mợ đang ngồi hong tóc...

 

@

Buổi tối mợ Quyên kêu khó chịu, không thèm ăn cơm. Cứ nằm hoài ở ghế bố trên ban công. Cậu Hân thừa hiểu những thay đổi thất thường của vợ. Thằng Bình ra đi, mợ thấy trống trải. Cũng chưa hẳn là không có ai để "trăm dâu đổ đầu tằm". Thằng nhỏ là cái điểm tựa nhỏ nhoi, màu nhiệm để chiếc thuyền gia đình cậu khỏi đắm. Đàn bà đái không qua khỏi ngọn cỏ như mợ chỉ biết nhìn bề nổi chứ không biết nhìn bề sâu. Cay cú, xót xa vì sợ tốn kém đó nhưng mợ đâu hiểu ra điều, mọi bận bịu, lạ lẫm vì sự có mặt của Bình trong gia đình một thời gian dài đã khiến mọi người tự cân bằng được mình. Chỉ đơn giản như chuyện bắt thằng Bình dạy con sáo thôi chưởi thề là bao nhiêu điều nhiêu khê, rắc rối.Cậu đã từng nói với mợ là cần một thời gian dài để hướng con sáo vào những âm cảm mới, có vậy nó mới quên chưởi thề. Còn mợ thì cứ  dứt khoát tại thằng Bình không chịu dạy dỗ con sáo...Cậu bước ra ban công, ngại ngần đứng cách xa mợ một chút :"Sao không vô ăn cơm?". Mợ chỉ chờ có thế để rồi như bừng tỉnh :"Em...em thấy buồn quá...". Cậu bảo :"Hôm nay hàng họ ế ẩm à?". Mợ ngồi lên vuốt tóc :"Anh tưởng là em chỉ có thể buồn vì lý do đó thôi sao ?". Cậu xỉa xỉa răng đáng ghét :"Còn có lý do nào khác để bà buồn đâu !". Cậu quay ra tựa ban công như thể không cần mợ nói thêm điều gì nữa. Mợ bỏ ghế đứng lên và đến bên cậu :"Hay là ngày mai...mình lên đài truyền hình nhắn tin...". Cậu hiểu nhưng giả vờ : "Tin gì ? Bán đấu giá xe hay nhà ?". Không riết róng như mọi lần, mợ điềm tỉnh bảo :"Kêu nó đem con sáo về ". Cậu cười :" Nhớ con sáo chưởi thề à ?". Mợ không trả lời nhưng tránh ánh nhìn diểu cợt của cậu. Mợ hiểu rằng, giây phút này, mợ có thể nói với cậu về những điều xưa cũ, những điều cách đây mười lăm năm, khi hai người mới yêu nhau, khi mợ mới chập chững là một cô giáo cấp hai trên bục giảng...Đến phiên cậu lại hơi ngạc nhiên một chút về mình. Sự vô cảm tưởng đến mức đóng băng bao năm qua của cậu trước mợ bỗng nhiên như được hong dưới ánh mặt trời.

 

Từ ngày thằng Bình bỏ nhà ra đi, quả tình đôi lúc cậu có nhớ đến tờ đơn ly hôn tự tay cậu đánh máy vi tính và ký tên cách đây ba năm nhưng cậu sợ giọt nước làm tràn ly nước, cậu sợ "lửa cháy thành Đại La" ngút trời...Cái gì cũng phải có thời gian, cậu đã tự trấn an mình như thế... Một làn gió nhẹ lướt qua mái tóc mợ thơm thơm mùi bồ kết, lâu lắm rồi, cậu mới thấy mình có cảm giác dễ chịu khi ở bên mợ. Ở trên cao kia, trăng mùng mười như chiếc thuyền tròng trành giữa những sóng mây trắng muốt...

Thu Trân
Số lần đọc: 2517
Ngày đăng: 05.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tư Sẹo - Hồ Tĩnh Tâm
Linh hồn Hoa mai - Ngô Thị Hạnh
Một vụ ly hôn - Xuân Sách
Nơi ở của bọn mình - Trương Thị Thanh Hiền
Ba tôi - Huỳnh Mẫn Chi
Tản mạn về Cần Thơ - Hư Thân
Tin chiều - Bích Ngân
Ngày mơ qua bình yên - Thu Trân
Năm chục ngàn - Tâm Đào
Buổi chiều của Họa Mi - Ngô Thị Hạnh