Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.208.094
 
Cây đa rụng lá đầy đình…
Phan Hoàng

Đình miếu là một tài sản vô giá mà tổ tiên để lại cho con cháu. Cây đa bến nước sân đình đã đi vào tâm khảm người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, như một trong những hình ảnh tốt đẹp nhất khi hướng về cội nguồn. Và không ít mối tình nơi thôn dã đã nên vóc nên hình nhờ… cái đình! Tuy nhiên quanh cái đình có nhiều chuyện lắm.

 

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu

 

Chẳng biết từ bao giờ cái đình đã đi vào tâm thức dân gian Việt Nam như một hình ảnh gắn bó mật thiết với cuộc sống và tình yêu lứa đôi. Đình miếu là chốn tôn nghiêm, nơi hội tụ và lưu giữ hồn quê. Đình miếu còn là điểm tựa tinh thần, biểu trưng cho vẻ đẹp lãng mạn thanh khiết của những tâm hồn chân chất yêu nhau: 

 

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh

 

Một sự so sánh tưởng chừng phi lý nhưng rất hợp lý, cái hợp lý của thế giới tình yêu, và ngẫu nhiên tác tạo nên một bức tranh đầy thi vị : trúc-đình-người đẹp. Nghĩa là khi “bước vào” trong bức tranh ấy, người đẹp càng đẹp càng xinh hơn. Nhưng chưa dừng lại ở sự so sánh đó, nhờ “điểm tựa” cái đình mà chàng trai còn“mạnh miệng”… tiến xa hơn:

 

Ngó ra sông Cái

Ngó ngoái thấy đình

Hạc chầu thần còn đủ cặp

Huống chi mình muốn lẻ đôi!

 

Ôi, còn lời tỏ tình nào vừa ngọt, vừa khéo, vừa trang trọng hơn thế, trang trọng như… cái đình!

Từ thuở xa xưa, tổ tiên ta đã lập đình miếu (miễu) để thờ cúng phúc thần- những người có công với dân với nước.Đây là một thiết chế văn hoá tín ngưỡng dân gian mang đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhờ vậy mà nó tồn tại và phát triển lâu bền trong đời sống tinh thần dân tộc. Theo bước chân những người đi khai hoang mở đất lập làng, trải dọc từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược và cả hải đảo xa xôi, ở đâu nhân dân ta cũng lập đình lập miếu để cúng tế, hội họp. Đình miếu được dựng nên bằng chính tiền của, công sức của dân làng, trở thành tài sản chung của làng, niềm tự hào của làng, biểu tượng nhắc nhở cho các thế hệ về lòng nhân nghĩa, đạo lý ở đời.

 

Mỗi làng đều có một ngôi đình để thờ đức thành hoàng, phúc thần, đồng thời đây cũng là nơi hội họp việc làng về hành chính, xã hội, tôn giáo. Nhà văn Sơn Nam trong công trình biên khảo “Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam”, rất chí lý khi cho rằng: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền”. Để dựng một ngôi đình, dân làng hết sức cẩn trọng trong việc xem phong thuỷ, nhất là hướng đình vì nó có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của cả làng: đức tin, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, bệnh hoạn, học hành, thăng tiến… Ca dao miền Bắc có câu:

 

Toét mắt là tại hướng đình

Cả làng toét cả, một mình em ru?

 

Đình làng thường quay mặt về hướng nam. Chỉ có những trường hợp đặc biệt vì lý do phong thuỷ, đình mới quay mặt theo hướng khác. Cũng do việc chọn hướng đình mà từng xảy ra mâu thuẫn giữa các làng với nhau. Nhà văn hoá Toan Anh trong tác phẩm “Tín ngưỡng Việt Nam” có dẫn lại lời của nhà nghiên cứu người Pháp Chapuis kể rằng, tại huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, dân làng Mai Xá Chánh nhận thấy hướng đình làng Mai Xá Thị chuẩn bị xây có một đao đình “khắc” với đình làng của họ nên đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Sự việc căng thẳng đến mức chính quyền phải đưa binh lính về can thiệp mới tạm yên ổn!

 

Nếu như ở đồng bằng sông Hồng, đất tự ngàn xưa của tổ tiên, việc xây dựng đình miếu trong mỗi làng là điều hiển nhiên, thì đối với vùng đất mới phương Nam, việc xây đình lập miếu không phải dễ dàng mà cần phải có “tư thế pháp nhân ”. Trước hết phải được nhà nước phong kiến công nhận làng mới, sau đó mới xin phép xây đình miếu, nhận sắc thần vua ban. Từ luật lệ ấy đã nảy sinh những tiêu cực về thủ tục giấy tờ, phải qua nhiều cửa nhiều con dấu con triện, bọn quan lại cường hào có cơ hội hành dân. Khi nghiên cứu đến vấn đề này, nhà Nam Bộ học Sơn Nam đã phải thốt lên: “Lập làng để đóng thuế cho nhà nước đã là tốn thời giờ, huống gì xin lập đình. Xin một sắc thần, đòi hỏi thủ tục, đút lót. Lúc hưng thịnh, vua quan nhà Nguyễn thận trọng: đợi ba năm mới ban sắc một loạt,lựa ngày lành, vận hội tốt. Ta nghe trường hợp dân làng nôn nóng, cử vài bô lão ra tận ngoài Huế để khiếu nại nhắc nhở, chẳng nệ tốn kém, nhưng vô hiệu quả. Thế là ngày Tết, đầu năm, xong vụ mùa, tuy đủ ăn mà dân làng ấy thấy mình như mồ côi. Đem tiền bạc, phí thời giờ đến đình làng kế cận để vui chơi thì quả là buồn tủi. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), có lẽ đoán trước thời nguy khốn của đất nước, vua và các quan hấp tấp ban bố đồng loạt nhiều sắc thần cho các làng Nam Bộ. Vài làng có sắc thần từ trước, nhưng đã mất hoặc muốn chắc ăn, cũng xin thêm một sắc nữa”. Mới biết cái đình quan trọng như thế nào trong xã hội người Việt xưa. Loại bỏ nhữngyếu tố tiêu cực thì việc đình miếu luôn là một thiết chế văn hoá phong tục tốt đẹp mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tâm linh của dân tộc.

 

Từ quê lên phố, phong tục ấy vẫn được người Việt lưu giữ và luôn dành cho đình miếu những tình cảm tốt đẹp. Theo dọc chiều đài đất nước dường như tại bất cứ thành phố nào, từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thanh Hoá đến Huế, Đà Nẵng,Quy Nhơn, Nha Trang cho tới Biên Hoà, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá.v.v… ở đâu chúng ta cũng có thể gặp những đình miếu được thờ phụng rất trang nghiêm, luôn có người coi sóc hay đến cúng tế, gắn bó mật thiết với người dân quanh vùng. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay có đến 260 ngôi đình, trong đó có nhiều ngôi đình cổ nổi tiếng gắn liền với sự hình thành,phát triển của thành phố và cả vùng đất Nam Bộ.

 

Về mặt kiến trúc, đình làng là loại hình vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền, ít chịu dung hoà với các công trình kiến trúc tôn giáo chính thống như chùa chiền. Tuy nhiên, trải qua thời gian và không gian, kiến trúc của ngôi đình mỗi miền có những nét đặc thù riêng biệt, làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng về di sản kiến trúc văn hoá này. Ông Nguyễn Quốc Chính trong công trình nghiên cứu “Đình Nam Bộ- một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc”, cho biết: “Đình miền Bắc là một ngôi đình rất to, thường gọi là đại đình, với bốn hàng cột, hai hàng cột lớn và hai hàng cột quân. Về sau khi đình xây dựng được mở rộng hơn với sáu hàng cột, thêm hai hàng cột hiên ngoài, hai hàng cột quân để nâng mái. Đình miền Trung cũng có đặc điểm chung giống như đình ở Huế, dễ thấy nhất là về kiến trúc có vì kèo suốt hay các thanh kèo nối tiếp nhau và có gắn các mảnh gốm trên cổng hay tường của đình. Còn đình Nam Bộ là những nhà vuông lớn và có đặc điểm giống chùa là chỉ dành riêng cho thờ cúng chứ không dành để ở”. Ông Nguyễn Quốc Chính cũng đã chỉ ra một số điểm khác biệt của đình Nam Bộ mà đình miền Trung hay miền Bắc không có. Chẳng hạn, khi bước qua cổng chúng ta sẽ gặp đàn xã tắc- một bệ gạch được xây giữa sân đình, phía sau là tấm bình phong còn được gọi bia ông hổ vì trên đó có đắp nổi hoặc vẽ hình ông hổ. Một sự khác biệt đáng chú ý nữa của đình Nam Bộ là nhà võ ca- nơi tập hợp dân làng hội họp và làm sân khấu để cúng tế, hoặc diễn tuồng vào dịp kỳ yên hay các lễ hội khác của đình. Ngày xưa ở vùng đất mới phương Nam, đình làng chính là nơi các gánh hát bội gắn bó mật thiết và làm nên tên tuổi cho mình.

 

Mỗi làng thành lập một ban quí tế lo việc đình miếu, có chức năng bảo vệ văn hoá truyền thống ở nông thôn. Ngày xưa, sinh hoạt đình miếu gắn liền với sinh hoạt hành chính, nên hương chức phụ trách công việc đình miếu được triều đình chính thức thừa nhận. Nhưng đến thời Pháp thuộc, nhằm phá vỡ truyền thống nông thôn Việt nam để dễ bề cai trị nên chúng đã tách tín ngưỡng dân gian ra khỏi hành chính. Bởi vì trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nhiều hương chức đã đứng dưới cờ đại nghĩa, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Nam Bộ. Nhiều ngôi đình đã đi vào lịch sử khi “tham dự” vào các sự kiện lớn, như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Đình Bảng, đình Phú Cường, đình Chí Hoà, đình Bình Hoà, đình Bình Đông, đình Bình Trị Đông, đình Tân Hội, đình Mỹ Trà.v.v… Và gần như tất cả đình làng trên cả nước đã trở thành điểm xuất phát, hội họp của các lực lượng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước thoát khỏi bóng đêm nô lệ, giành lấy ánh sáng độc lập tự do!

 

Đời này qua đời khác, cây đa bến nước sân đình vẫn luôn luôn tồn tại trong tâm cảm, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của dân tộc. Đó cũng là tài sản văn hoá vô giá của tổ tiên mà chúng ta phải biết trân trọng gìn giữ, phát huy những yếu tố tốt đẹp. Còn gì thi vị hơn khi chúng ta có dịp ngồi bên gốc đa trước sân đình, mơ màng nhớ về người mình yêu và tự nhủ thầm:

 

Cây đa rụng lá đầy đình

Bao nhiêu lá rụng, thương mình bấy nhiêu
Phan Hoàng
Số lần đọc: 6395
Ngày đăng: 06.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dược thảo huyền diệu: Thanh thảo và bệnh sốt rét - Nguyễn Đức Hiệp
Cây Chu Đồng trong tâm thức ngườI Mường cổ - Nguyễn Thị Thu Hiền
Giáo sư Tiến sĩ Võ-Tòng Xuân là một nhà văn ? - Võ-Tòng Xuân
Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống Việt Nam - Phạm Minh Khang
Lễ đổ đầu và hội mừng năm mới của người chăm H’roi - Nguyễn Văn Ngọc
Phức hệ hoa văn trang trí trên trang phục TA ÔI - Trần Nguyễn Khánh Phong
Một số khía cạnh về lối sống cư dân ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Lương Thanh Tân
Người Cơtu Bản Nal đón Tết - Phan Thị Xuân Bốn
Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt ? - Hà văn Thùy
Thử tìm lại cội nguồn NGƯỜI VIỆT - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả