Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.213.658
 
Năm người trên một con thuyền
Nguyễn Thanh Mừng

Gần đây, trong chương trình Văn phổ thông có giành mấy tiết về văn học địa phương, đại loại thống kê danh sách nhà văn Bình Định qua các thời kỳ (trong đó có đầy đủ nhà văn tiền bối, nhà văn quê Bình Định lập nghiệp ở nơi khác, nhà văn hiện sống và sáng tác trên đất Bình Định), một số tác phẩm tiêu biểu viết về đất nước và con người Bình Định… Nhiều giáo viên, học sinh đến gặp Hội VHNT hoặc gặp một số nhà văn Bình Định để hỏi. Phần tôi, tôi cung cấp cho họ một số tài liệu có sẵn trong tủ sách của mình, ngoài các sách lịch sử văn hóa của Bình Định, các tạp chí, báo và một vài ấn phẩm địa phương như Thơ Bình Định thế kỷ XX, Kỷ yếu Hội viên Hội VHNT Bình Định… là các quyển “sách cái”: Từ điển Văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh nhà văn – tác phẩm, Từ điển Tác gia Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX… để họ tham khảo và biên soạn. Kể ra, để đọc và tìm hiểu, chắt lọc thông tin trong ngần ấy sách cũng không đơn giản. Nhưng có thầy giáo đã tận tâm nghiên cứu và biên soạn ra thành giáo trình để giảng dạy. Điều ấy, tất nhiên là ngoài hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, đã đem đến cho các nhà văn Bình Định một niềm cảm kích.

           

Tôi đã thông báo với họ rằng nguyện vọng của Hội là liên kết với những chương trình tài trợ VHNT, nỗ lực phối hợp với các nhà xuất bản, các cơ quan hữu quan để làm sao có hệ thống ấn phẩm về các nhà văn Bình Định từ xưa đến nay. Điều đó, đòi hỏi phải có quá trình thực hiện lâu dài để cho ra đời những công trình công phu, đúng với tầm vóc của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử văn hóa như Bình Định. Trước mắt, cần có tập sách tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan, người suốt mấy mươi năm là Chủ tịch danh dự của Hội, nhân dịp đề nghị ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và tập sách về các nhà văn đương đại, hiện đang sống và sáng tác trên đất Bình Định. Điều này, các Hội bạn trong cả nước cũng đã và đang thực hiện. Chúng tôi đã có trong tay các quyển Nhà văn Việt Nam xứ Nghệ,  tỉnh Thừa Thiên- Huế,  tỉnh Khánh Hòa… (Nhà văn đương đại) để tham khảo. Những cuốn này đều giới thiệu các Hội viên Hội Nhà văn đang sống và sáng tác ở địa phương họ.

           

Với tình cảm quý mến đất và người Bình Định nhân một chuyến ghé thăm, dịch giả - nhà thơ Trần Đương, đã nhận lời biên soạn tập Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định ( nhà văn đương đại) và Nhà xuất bản Thông Tấn là nơi được chọn. Có điều hay, cả năm nhà văn Bình Định đều là nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã và đang là cán bộ chủ chốt của các cơ quan báo chí văn hóa văn nghệ ở địa phương, nên quyển sách này được cho ra mắt ở đây là có điều hợp lý. (Ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm nhà văn Bình Định đều được giới thiệu tiểu sử, tác phẩm tuyển chọn và dư luận về tác giả tác phẩm trong bộ sách đồ sộ hơn 20 tập mang tên Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX, ngoài ra một số có tên trong bộ Nhà văn Việt Nam hiện đại cũng của Nhà xuất bản này và một số có tên trong Từ điển Tác gia Việt Nam thế kỷ XX của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin). Tiêu chí chung của các sách trên, phần hiện đại đều là các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các Hội địa phương, khi làm các tập sách chân dung tác phẩm, cũng dựa vào tiêu chí này, được tài trợ của Chính phủ thông qua Uy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hoặc Hội Nhà văn Việt Nam hoặc theo chương trình tài trợ VHNT của địa phương. Ngoài ra, có những sách nghiên cứu chuyên đề văn học địa phương, được tài trợ bằng kinh phí nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ hoặc cấp Nhà nước.

 

Như vậy là những năm qua, trong các sách tuyển văn học địa phương, Hội VHNT Bình Định đã cho ra mắt được các tác phẩm: Thơ Bình Định thế kỷ XX (NXB Văn học), Thơ Nguyên tiêu Bình Định, Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (Nhà văn đương đại). Sắp tới, ngoài tập sách về những chặng đường văn học của nhà thơ Yến Lan là một quyển cũng rất quan trọng Nhìn lại mười năm văn xuôi Bình Định. Đó là những quyển sách chúng tôi đã đăng ký và được sắp xếp vào kế hoạch xuất bản. Như trên đã nói, về lâu về dài sẽ là các tập sách hệ thống gương mặt nhà văn Bình Định qua các thế kỷ và các sách chuyên đề về các giá trị văn chương truyền thống cũng như hiện đại ở Bình Định. Rất nhiều vấn đề được đặt ra ở khu vực đề tài này, ngoài nỗ lực của Hội, còn hy vọng vào sự quan tâm của các cấp các ngành liên quan.

 

Mỗi quyển sách đều có những tiêu chí nhất định và được xuất bản theo một chương trình tài trợ sáng tạo riêng. Nhắc đến văn chương Bình Định là nhắc đến một truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những tên tuổi lớn mà mảnh đất này đã sản sinh hoặc nuôi dưỡng: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan… Như lời nói đầu của NXB Thông Tấn, danh mục nhà văn Việt Nam quê Bình Định qua các thời kỳ rất phong phú, trong đó, chỉ riêng thế kỷ XX đã có các nhà văn đầu thế kỷ, các nhà văn trưởng thành trong phong trào Thơ Mới, các nhà văn thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ, thế hệ trưởng thành sau 1975. Nhiều nhà văn có gốc gác Bình Định hiện sinh sống và sáng tác ở nơi khác cũng không phải hiếm. Trong danh sách Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những người Bình Định xa quê có: Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Vương Linh, Đào Xuân Quý, Lê Vĩnh Hòa, Hoàng Lại Giang, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài, Phạm Sông Hồng, Đào Minh Hiệp, Nguyễn Thái Dương, Hồ Thế Hà, Tạ Văn Sỹ… Trong đời sống văn học địa phương hôm nay, có hơn sáu mươi cây bút là hội viên Hội VHNT, trong đó có nhiều người đã và đang góp phần của mình tạo ra cho văn chương Bình Định đương đại một diện mạo mới, có triển vọng đứng vào hàng ngũ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai.

 

Hiện nay, số Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 800 người, trong đó ở miền Trung có 100 người, đang sống và sáng tác trên đất Bình Định có 5 người. Ở tỉnh ta, chưa thành lập Chi hội, không có Chi hội trưởng nhưng với tư cách Hội VHNT địa phương và thành viên Ban Công tác Nhà văn Nam miền Trung, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các nhà văn tham gia một số hoạt động như dự các Hội nghị Nhà văn miền Trung ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Nha Trang… theo định kỳ, tạo điều kiện cho đại biểu đi dự Đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VI và VII ở Hội trường Ba Đình- Hà Nội, hỗ trợ kinh phí theo chính sách cho các tập văn thơ các tác giả xuất bản hằng năm… Ngoài ra, đều có ưu tiên tạo điều kiện cho các nhà văn tham gia các trại sáng tác do Hội Nhà văn mở hay do Hội địa phương tổ chức. Công tác Nhà văn trẻ cũng như việc giới thiệu những tác giả có nguyện vọng phấn đấu vào Hội Nhà văn, gửi tác phẩm tham gia các giải thưởng Trung ương… cũng được tiến hành chu đáo, có trách nhiệm.

 

Quyển Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (Nhà văn đương đại) được biên soạn theo quy trình làm sách tương tự như của bộ Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trương. Trong đó, các tác giả tự chọn tác phẩm, người biên soạn có tham gia trong khâu tuyển chọn, sắp xếp, biên tập và bố cục tập sách theo yêu cầu của Nhà xuất bản. Mục đích chung là đưa đến khái quát chân dung văn học của các tác giả đang sống và viết ở Bình Định, nêu bật được những thành tựu chủ yếu của từng người trong chặng đường đã qua. Những người thực hiện, dù cố gắng đến đâu cũng không tránh khỏi những điều chưa được như ý. Tuy vậy, sự ra đời của nó chắc chắn có những ý nghĩa không nhỏ trong hệ thống sách văn học từ truyền thống đến hiện đại mà Hội VHNT chủ trương xây dựng trong nhiều năm. “Một cuộc điểm danh các nhà văn, cũng có ý nghĩa như một tổng kê, hơn nữa một biểu dương thành tựu, là nhu cầu của sự nhìn lại và phát triển của tương lai”- xin mượn lời của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nói về chủ trương xây dựng bộ sách Nhà văn Việt Nam hiện đại như một lời bạt cho tập sách về năm nhà văn đương đại Bình Định. Và xin gửi gắm vào bạn đọc những ký thác của chúng tôi, năm người trên một con thuyền hơn 800 người của Hội Nhà văn Việt Nam, đang hứa hẹn sẽ đông vui hơn nữa, lướt sóng giữa đại dương văn chương đầy đam mê nhưng cũng đầy thử thách.
Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 3578
Ngày đăng: 06.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Mang” cùng Phan Trung Thành - Nguyễn Tý
Lửa Tây Sơn , Thiên anh hùng ca bi tráng : Đọc tiểu thuyết lịch sử: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác. - Lê Hoài Lương
Thơ đồng bằng vẫn tiếp tục khởI sắc - Hồ Tĩnh Tâm
Trần Thị Ngọc Lan – Khi em hát em biết vì sao chim hót - Nguyễn Văn Ninh
Một chút tình si trong thơ Ma Trường Nguyên - Nguyễn Đức Thiện
Đáu đáu một cái nhìn : Đọc Lập Thiền của Nhuỵ Nguyên - Nhà xuất bản Thuận Hoá tháng 4-2006. - Nguyễn Nguyên An
Đồng quê ngân khúc hát :Đọc tập thơ Khúc sơn ca của Mai Thìn, NXB Hội Nhà Văn, 5-2005. - Lê Hoài Lương
Đến với Lục bát nhớ thương của Huỳnh Duy Lộc - Nguyễn Nguyên An
Những cây bút thơ Tiền Giang - một cõi đi về - Võ Phúc Châu
Da diết hương quê :Đọc tập thơ NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG của CẢNH TRÀ-NXB HỘI NHÀ VĂN 2006 - Nguyễn Đức Thiện