Đầu giờ làm việc buổi sáng, chuông điện thoại của tôi reo vang. Giọng nói lạ hoắc của một cậu trai mới lớn gấp gáp vang lên: “Thưa chú, Ba cháu là Lê Quốc Minh, đang bệnh rất nặng, nằm tại Trung tâm ung bướu. Ba cháu rất mong gặp mặt chú. Mong chú đến càng sớm càng tốt chú ạ!”.
Tôi sững người. Cách nay bốn tháng, gặp anh, anh còn khá khỏe, nói chuyện rất hăng hái về việc viết lách cũng như nhân tình thế thái. Bữa đó, chúng tôi uống bia ở nhà Nhật Tuấn, cách nhà anh vài chục bước chân tại Xóm Mới, Gò Vấp, anh còn uống được tới lon thứ ba rồi mới xin phép không uống nữa. Vậy mà nay nghe tin anh bị ung thư. Lòng tôi se lại. Anh đã bước vào tuổi 60. Không lẽ làng văn Việt Nam lại sẽ mất một cây bút nữa?
Tôi đã từng tới bệnh viện thăm một số nhà văn, nhà thơ bị ung thư. Nhà thơ Nguyễn Đình Hồng điều trị ở bệnh viện Thống Nhất một hôm vui mừng khoe với tôi là đã ăn hết được một xoong cháo (nấu từ một lon gạo). Hôm đó anh nói với tôi rất say sưa về thơ, về đời, về những dự định sẽ làm sau khi ra viện. Một tuần sau anh trút hơi thở cuối cùng, có một mình, bởi người thân của anh lúc đó chạy về nhà đi chợ, chưa kịp tới! Nhà thơ Chế Lan Viên nằm ở lầu 11 bệnh viện Chợ Rẫy, khi tôi và nhà văn Phan Quang đến thăm, ông ngồi dậy chuyện trò, vẫn chuyện văn thơ, chuyện đời, và ông còn khoe làm được khá nhiều thơ trong lúc bệnh. Một lần khác, tôi đến một mình, cũng như lần trước, ông nói rất say sưa về thơ, về văn chương. Lần nào khi chia tay, ông cũng ôm lấy tôi và bảo: “Ráng viết thật nhiều Triệu Xuân ạ. Còn trẻ, khỏe tranh thủ viết cho hết những điều nung nấu. Đến lúc già không phải tiếc nữa!”. Lòng ham sống, ham viết cháy bừng trong lòng nhà thơ Chế Lan Viên. Những ngày trên giường bệnh ông vẫn viết thư gửi cho bạn thân. Trong một lá thư , có bài thơ như sau:
Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh u ư
Mình đói mình via (Vieux) nó chả trừ
Con chó bệnh lập trường chẳng có
Người giầu chẳng cắn, cắn người thơ!
Vào lúc Chế Lan Viên tỉnh táo và có vẻ khỏe, gia đình xin phép bệnh viện cho ông về nhà. Không lâu sau, ông qua đời, để lại biết bao thương nhớ cho những người yêu thơ ông...
Tôi thu xếp xong công việc ở cơ quan đến 11 giờ mới tới Trung tâm ung bướu. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, tôi tưởng mình vô nhầm một nhà ga xe lửa hay bến xe liên tỉnh: Trong sân bệnh viện rộng khoảng 300 mét vuông là hàng trăm người đứng, ngồi, nằm, nấu nướng với những chiếc bếp dầu, người thì ăn, kẻ thì gọi bí rợ. Vượt qua rừng người với biết bao đồ đạc lỉnh kỉnh mang theo để chăm sóc bệnh nhân, tôi lên lầu và nhanh chóng tìm ra căn phòng Lê Quốc Minh đang nằm. Phòng có sáu giường, ngột ngạt hơi người và hơi thuốc. Nhận ra tôi, Lê Quốc Minh toan nhỏm dậy nhưng tôi kịp ngăn lại. Tay phải của anh dính với sợi dây truyền nước biển. Người anh chỉ còn da với xương. Trên cái gương mặt hốc hác, tiều tụy ấy, duy chỉ có đôi mắt là vẫn linh hoạt và lấp lánh sự nhân hậu. Cũng giống hệt hai người tôi vừa kể ở trên, suốt buổi, Lê Quốc Minh hăng say nói về văn học, về dự định của anh ngay sau khi ra viện sẽ viết ngay một cuốn tiểu thuyết mà anh cho là “để đời”. Lê Quốc Minh bảo vợ mở cái tủ nhỏ ở đầu giường lấy ra một cuốn sách và nói với tôi: “Chỉ còn một cuốn duy nhất giành tặng nhà văn Triệu Xuân. Mình nghe nói là bán sạch rồi! Giọng anh rất vui. Phần lớn thời gian sau đó anh nói với tôi về cuốn sách này. Đó là cuốn Chiều Mây Thành do nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành. Sách phát hành tháng Chín năm 1994, trong lúc anh bị bệnh nặng.
Trong 250 trang sách Chiều mây thành, Lê Quốc Minh viết về một vấn đề đang vô cùng bức xúc trong xã hội ta. Đó là nạn tham nhũng. Lê Quốc Minh hết lời ngợi ca những người tâm huyết trong ngành công an đã và đang âm thầm chiến đấu chống tham nhũng, chống bọn Mafia, chống những kẻ sâu dân mọt nước. Câu chuyện được kể với cách hành văn giản dị, mộc mạc, vạch mặt bọn tham nhũng, bọn Mafia ở một tỉnh lẻ, và những kẻ có chức quyền bao che cho chúng. Cuộc chiến đầu kết thúc bằng sự trừng trị của luật pháp đối với lũ bốn tên “tứ hùng”. Nhưng người đọc cảm nhận được cái gì đó quá chua chát của thắng lợi. Những gì đã được các chiến sĩ công an vạch mặt và đưa ra trước vành móng ngựa dường như chưa phải là bọn tham nhũng đích thực, chưa phải bọn Mafia đích thực. Và chiến thắng này càng chua chát hơn khi mà Trưởng ban chống tham nhũng, người đã vạch tội bốn tên, bị cho về hưu ! Tướng Hội - một cán bộ cấp cao của Bộ Nội vụ về làm việc với lãnh đạo địa phương nhằm thay đổi quyết định này, nhưng không được ! Tư Đăng - Đại tá công an, người suốt đời vì dân vì nước, được gợi ý về Bộ hoặc làm Cục trưởng, hoặc là làm Chuyên viên cao cấp của Bộ. Tư Đăng từ chối cả hai. Đây là đoạn cuối cùng của cuốn sách khi Tướng Hội và Tư Đăng đang dạo trên bãi biển:
“Tư Đăng nhìn ra biển. “Biết trả lời anh ấy sao đây” Những tia nắng cuối cùng sắp tắt, đường chân trời mờ dần, mây như một bức tường thành chạy dài song song phía trên. “Cách đây 50 năm - Tư Đăng nói - lúc đó tôi mới 9 tuổi. Nhân buổi chiều theo ông già về chơi quê nội, lần đầu tiên tôi trông thấy một bức tường mây dựng lên thẳng tắp như thế kia và kéo dài suốt chân trời. Tuổi nhỏ choáng ngợp trước những hiện tượng kỳ vĩ, tôi hỏi ông già, ông bảo đó là mây thành. Mây thành báo hiệu thiên tai, giặc giã. Tôi lớn lên, chiến tranh rồi hòa bình, thỉnh thoảng có trông thấy mây thành. Chiều nay mây thành lại dựng lên kia. Tư Đăng ngừng lời, quay nhìn Ba Hội chậm rãi nói tiếp: Tôi già rồi, không đủ sức đi xa nữa, về hưu là hợp lý nhất.Nếu còn làm được việc gì tôi sẽ phụ giúp Tám Biên. Những kẻ ngán tôi càng thêm ngán khi thấy tôi vẫn tiếp tục chiến đấu bên cạnh anh ấy với tư cách một công dân, một người lính già... Ba Hội không gặng hỏi thêm. Ông hiểu bi hài kịch cuộc đời một con người thường có nguồn gốc sâu xa hơn từ bối cảnh rộng lớn hơn - bi hài kịch của xã hội. Tư Đăng cùng Ba Hội lặng lẽ bước đi. Bóng hai người bạn già in trên khung trời có đám mây thành làm nền phía xa...”.
Người đọc hiểu được cách kết thúc của Chiều mây thành muốn nói cái gì. Cuộc chiến đấu chống cái ác, cái xấu từ cổ xưa tới nay có bao giờ thuận lợi, đơn giản đâu. Thực trạng chống tham nhũng hiện nay cho thấy hiệu quả thu được chưa là bao. Bọn tham nhũng, bọn Mafia ngày càng tinh vi, hiểm độc. Nếu Chính phủ không thực sự kiên quyết chống tham nhũng, chống Mafia thì đại họa sẽ đến với đất nước. Mây thành dự báo hay nhà văn muốn dự báo điều đó? Rất nhiều nước phát triển trên thế giới ngày nay vẫn coi chống Mafia, chống tham nhũng là quốc sách. Lê Quốc Minh đã không né tránh đề tài mà nhiều người không muốn dây vào. Có người nói: “Dây vào nó chẳng khác nào dây vào AIDS vậy!”. Cho đến nay liệu còn có ai ở nước ta cố tình bưng tai bịt mắt nói rằng làm gì có Mafia, nói có Mafia là bôi nhọ chế độ, là chống Đảng! Liệu có ai như thế không?
Năm 1991, tôi cho xuất bản tiểu thuyết Sóng lừng (VN. Mafia). Sách phát hành được năm sáu ngày đã bán hết trơn ba ngàn bản. Ngay lập tức, cuốn sách bị Công an thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Văn hóa Thông tin thu hồi. Người ta đã đề nghị Ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ chí Minh “khởi tố tác phẩm”! Tác giả bị chụp cho cái mũ: chống đảng, chống ngành công an, bôi đen hiện thực tốt đẹp của chế độ ta !
Tại cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Bạch Đằng lên án tôi gay gắt, và đề nghị phải đấu tranh kịch liệt với tác phẩm Sóng lừng ! Tôi đang đi công tác nước ngoài thì người ta đã tung tin: Tác giả Sóng lừng đã bị bắt và bị biệt giam ! Bạn bè liên tục gọi điện thoại đền nhà thăm hỏi vợ con tôi… Tôi đã gặp ông đã gặp TBT Nguyễn Văn Linh đề nghị TBT đưa ra Hội đồng Nghệ thuật giám định tác phẩm của mình. Sau ba tháng làm việc, Hội đồng Giám định Nghệ thuật Trung ương do nhà thơ Cù Huy Cận làm Chủ tịch, Phó Giáo sư Thái Ninh làm Phó Chủ tịch cùng bẩy nhà văn, nhà phê bình văn học đã kết luận:
Nhà văn Triệu Xuân không chống Đảng !
Mãi đến năm 1993, ông Trần Bạch Đằng, nhà văn, nhà nghiên cứu... đã viết bài trên báo Tuổi Trẻ thẳng thắn và công khai thừa nhận rằng: “ Năm 1991, khi thảo luận về cuốn tiểu thuyết viết về Mafia (Tức cuốn Sóng Lừng, hay là VN.MAFIA của Triệu Xuân), tôi (tức Trần Bạch Đằng) đã phản đối kịch liệt, không cho rằng Việt Nam có Mafia. Nay thì tôi (tức TBĐ) đã đổi ý... “. Trần Bạch Đằng đã thừa nhận Việt Nam có Mafia. Tham nhũng và Mafia là đồng hành là Việt gian chính hiệu và là quốc nạn. Dù khá muộn màng, nhưng thái độ cầu thị và sòng phẳng của ông Trần Bạch Đằng là đáng ghi nhận!
Cuốn Chiều mây thành và trước đó là tiểu thuyết Người đẹp tỉnh lẻ của Lê Quốc Minh thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, đã nói được những gì bức xúc nhất trong lòng dân hiện nay. Về văn chương nghệ thuật thì còn nhiều điều để nói, nhưng với Chiều mây thành, Lê Quốc Minh đã thể hiện một cách nhiệt tâm nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sỹ trước hiện tình đất nước.
Lê Quốc Minh là một nhà giáo, đã từng làm Phó giám đốc Sở Giáo dục của một tỉnh. Anh viết kịch, viết tiểu thuyết và làm thơ. Tròn một chục tác phẩm của anh đã được xuất bản. Trên giường bệnh, vào lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc, Lê Quốc Minh vẫn say sưa với nghiệp văn chương, một lòng thiết tha yêu đời, căm ghét bọn Mafia, bọn tham nhũng, mong cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Thiết tưởng, đối với một nhà văn - đã 60 tuổi mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam - đó là hình ảnh đẹp nhất!
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-1994
( Rút từ Triệu Xuân - Truyện & Ký chọn lọc. Đăng lần đầu trên Văn Nghệ ngay sau khi nhà văn Lê Quốc Minh từ trần)
Phụ lục
Lê Quốc Minh (1936 – 1994). Tên khai sinh đồng thời là bút danh, sinh ngày 21-12-1936 tại Nam Định; Sống và làm việc tại Vũng Tàu. Mất ngày 15 - 12 -1994 tại Tp Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn VN năm 1994.
N hà văn Lê Quốc Minh từng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngoài sáng tác văn học, ông còn họat động sân khấu, là Hội viên Hội nghệ sỹ sân khấu VN.
“… Lê Quốc Minh là một nhà giáo. Anh làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết. Tròn một chục tác phẩm của anh đã được xuất bản. Trên giường bệnh, vào lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc, Lê Quốc Minh vẫn say sưa với sự nghiệp văn chương, một lòng thiết tha yêu đời. Thiết tưởng đối với mợt nhà văn… đó là hình ảnh đẹp nhất!”. (Trích bài Lê Quốc Minh say mê nghề viết đến cùng của nhà văn Triệu Xuân, báo Văn nghệ số 52 ngày 24-12-1994).