Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.173
 
Cổ Tích Thời Nay
Nguyễn Nguyên An

Chiếc xe đò đỗ bên rệ đường, ngoại tôi khom người bước xuống. Anh lơ xe thâu tiền xong đập tay "bùng, bùng..." vào thùng xe, hét: "ch...aa...chạy!", xe phụt một đám khói đen sì, bò lên dốc. Ngoại đeo giỏ trái cây đầy ụ đi vào. Tôi chạy ào ra:

- Mệ!

Mẹ tôi dừng may:

- Mạ!

Ngoại đi thẳng vào nhà trên bỏ giỏ trái cây xuống nền đất, kéo ghế đẩu ngồi xuống cái thịch, giở chiếc nón ra quạt:

-  Thằng Chắc chạy máy hử ?

Dạ, mấy tháng nắng cha nó ở dài ngoài ruộng luôn mạ nợ.

Mẹ tôi soạn chuối, mít, ổi lên bàn, hỏi:

- Mạ lên có việc ?

- Bữa chạp tui nói rồi, chừ còn hỏi đố nữa !

- Nhà cửa xiêu vẹo mạ không che cho kín đổ tiền xây am mần chi ?

- Tui làm thủ am đặng lộc bà nuôi cái thân tiệt tự vô dư...

Mỗi khi ngoại lên, chưyện trò với mẹ tôi, không vừa ý chuyện gì, ngoại nói: "Tui tiệt tự vô dư..." rồi vùng vằng cắp nón le le đi về. Những lúc ấy, mẹ tôi sợ ngoại buồn đành chiều ý ngoại. Đứng bên nghe chuyện, tôi biết ngoại lên mượn tiền xây am.

Nhìn tôi ngoại hỏi:

- Cháu nghỉ hè rồi hử ? Về mệ chơi !

Tôi mau mắn:

- Dạ.

 

 

Tôi theo ngoại nhảy xe đò qua chợ Đông. Xuống xe, hai bà cháu vòng lui sau chợ chờ phà sang đập ; lên đập tiếp tục lội bộ theo con đường đất rợp bóng tre hơn ba cây số nữa mới đến nhà. Bước vào sân, tôi thấy chiếc chõng tre dưới gốc vú sữa mát rượi liền thả túi áo quần lên chõng, ngả người nằm dài ra.

“…Ông ngoại tôi chết, cậu Lào tôi mười hai tuổi ra Bắc học nghề ở nhà ông chú họ ; khi đấy mẹ tôi sáu tuổi, cậu Út lên hai. Ngoại ở vậy nuôi con. Mẹ tôi lấy chồng, ngoại sắm cho mẹ một chiếc máy may Singere, ra riêng. Năm 1963, cậu Út tôi theo đoàn Phật tử biểu tình chống Chánh phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Mật vụ của cụ Cẩn - em ruột Ngô Tổng thống giải tán đoàn người biểu tình. Cậu Út tôi bị xe thiết giáp Ô-tô-lăn-đơ cán chết ! Từ đấy, ngoại tôi không thiết làm ăn chi nữa ! Sống lủi thủi một mình thờ chồng con trong ngôi nhà tranh vách đất giữa khu vườn rậm rịt, vắng lặng như góc rừng nguyên sinh bên đuờng làng và dòng sông nhỏ cùng với nỗi chờ đợi mong manh người con đầu trở về. Làng Vân quê ngoại tôi nơi nào cũng trồng tre, vườn nhà nào cũng toàn tre bao bọc. Đời sống của dân làng hầu hết đều có sự giúp đỡ của tre !

 

Tre gộc làm cột kèo dựng nhà, thân tre làm phên che chắn, làm chõng nâng giấc người đêm đêm và chẻ ra vót láng đan thúng, đan ghe trét bọc ngoài một lớp hắc ín thành chiếc ghe nhẹ lướt trên sông ; tre còn dùng làm nông cụ cày ải ngoài đồng, triêng gióng, đòn gánh đi chợ, làm cầu qua sông, rào dậu, đặt nò, vây sáo. Ở với ngoại, sáng sớm tôi được ngắm dòng sông nhỏ mộng mị hơi nước như cõi nguyên sơ, huyền thoại ; suốt ngày đắm mình trong không khí trong lành yên tĩnh, xế chiều bỗng vỡ oà tiếng nói cười, đùa giỡn của bọn mục đồng lùa trâu về chuồng ; trai làng cùng lũ con nít a nhau lặn hụp trong sông và dân hai bên bờ tràn xuống bến nước vo gạo, rửa rau, gánh nước… Họ vừa lo bữa ăn tối vừa nói chuyện râm ran. Những lúc ấy, tôi và lũ bạn làng ào xuống chơi cút bắt, rượt đuổi nhau dưới nước, làm náo loạn khúc sông. Nhiều hôm, tôi còn được anh em thằng Mân, thằng Giàu, con Lài rủ đi chăn trâu, thả trâu ăn trên cồn, chơi ù mọi, đánh bi, đánh đáo với bọn xóm dưới cho đến gần tối mới “ọ…ọ….” gom trâu, ngồi trên lưng trâu về làng trong bóng chiều chạng vạng…”…

 

Tiếng ngoại từ trong bếp cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi :

- Con trai chi mà yếu hơn bà già, mới đi mấy cây số coi mỏi đoạ rồi, ngồi dậy, qua quán mua mệ gói cẩm lệ - Đi ra đưa tiền cho tôi, ngoại lẩm bẩm -  Bữa ni đầu óc hay lửng, khi hồi quên không mua bên phố cho rẻ.

Tôi chạy chân trần ra ngõ, nhìn quanh quất đó đây xem làng quê có gì thay đổi ? Con đường làng vẫn um mát bóng tre. Chiếc cầu tre vẫn vắt qua sông như cánh võng chùng mấp mé mặt nước. Tôi bước lún nhún trên những thanh tre kết lại thành bè thả dài ngang sông. Đến đoạn giữa, nơi người làng bắt một thân tre già vàng láng cho những chiếc đò dọc khi ngang lại giở lên chống đò qua, rồi gác lại. Tôi nhớ hồi mười tuổi, lần đầu qua đây vừa bò vừa run. Chợt có tiếng gọi bên kia cầu :

- Vi mới về ?

 

Dưới gốc đa, Hà mặc bộ đồ bộ nâu non, nách mẹt cá bên hông, vẫy chào tôi. Nhà vườn Hà cách vườn ngoại tôi một bờ mương. Những khi tôi về ngoại, mương cạn tôi và Hà thường chạy qua chạy lại chơi với nhau bằng một lối mòn băng qua mương. Đứng giữa cầu  tôi la:

- Về khi hồi.

- Có đem truyện về nơi không ?

       - Có chơ….ơ…

Tôi bước vội qua cầu gặp Hà. Đứng nói chuyện huyên thuyên với nhau một lát rồi chia tay. Hà cũng phải lên chợ. Bóng Hà đi ngoe ngoảy trong bộ đồ nâu non mặn mà quyến rũ. Cô khuất sau lùm tre vẫn bịn rịn trong tôi một cái gì ấm áp.

 

Hà con gái út của cậu Thí. Con gái nhà nông chân lấm tay bùn nhưng Hà ăn diện như con gái phố chợ. Có lẽ từ nhỏ tới lớn Hà được đi học và cậu, mợ Thí cưng chìu không cho làm việc nặng. Trường Hà học cạnh trường tôi. Trường tôi toàn nam bãi về sau trường Hà mười lăm phút. Trường Hà toàn nữ sinh đeo bảng tên viền chỉ màu: Đệ nhất tím, đệ nhị hồng, đệ tam xanh, đệ tứ đỏ, đệ ngũ vàng, đệ lục lục, đệ thất gạch. Năm rồi Hà đeo bảng tên chỉ xanh. Hai trường có chung một dải công viên và một bến đò ngang bên bờ sông thơ mộng. Mỗi khi trường Hà bãi về, nữ sinh ùa ra ngập trắng con đường xanh ; những cánh áo dài vu vơ trong nắng gió rồi tụ lại từng nhóm dưới những gốc sung già trên bến đò chờ chuyến sang sông. Về làng Vân, tôi chỉ chơi với Hà, vì ở làng con gái học trung học cùng  trang lứa tôi không có mấy người và có lẽ trong lòng tôi luôn âm ỉ một thứ tình cảm gì là lạ mỗi khi gần bên Hà. Hè trước, một hôm tôi khen con Lài đứng trên lưng trâu, lùa đàn trâu qua sông như nữ tướng cầm roi ra trận. Hà nói: "Dễ ợt ! mai Vi lùa trâu qua cồn với Hà, vẻ cho". Tôi và Hà cùng đứng trên lưng con trâu đực. Khi ra giữa sông con trâu lặn cả thân hình to đùng xuống nước chỉ ngoi hai cái mũi phì phò thở. Tôi sẩy chân tuột khỏi lưng trâu liền ôm cứng Hà từ phía sau lưng. Ở trong nước tôi vẫn ôm thân thể chắc lẵn của cô thôn nữ mười sáu tuổi. Hà vùng mạnh bứt ra và cùng tôi bơi sang bờ bên kia. Lên bờ Hà đứng rũ tóc trong bụi tre, tôi run run khi thấy một thân thể hoang dã bê bết lớp vải ướt và khuôn mặt màu bồ quân của Hà dường như ửng chín. Tôi liều mạng ôm Hà hôn đại lên má một cái. Mặt đối mặt, tôi vẫn thấy đôi mi cong vút của Hà như hai vệt đen khép bình yên trong khuôn mặt chữ điền bướng bỉnh. Bất chợt Hà mắng tôi: "Khỉ đó !" rồi nhảy ùm xuống sông bơi về thay áo quần và chèo ghe trở lại cồn coi trâu. Nụ hôn đầu đời ấy, đã làm tôi đi đâu, làm gì tôi cũng bị vóc dáng cùng với những nụ cười giòn tan toả rạng khuôn mặt ngăm ngăm thuần khiết của Hà hành hạ điêu đứng !...

 

Cả nhà Hà sinh sống bên dòng sông, ai cũng rành bơi ghe, giăng câu, bũa lưới. Cậu Thí nhà cửa đàng hoàng, ruộng đất mấy mẫu, lúa ăn giáp hạt không hết, nhưng trước nhà luôn giăng một chiếc rớ bà to rộng choáng gần nửa sông để kiếm cá, tôm làm thức ăn thường nhật. Được nhiều, mợ Thí nách mẹt ra chợ Cầu bán dành tiền sắm sửa vặt vụn trong nhà. Suốt ngày cậu Thí lụi hụi trong vườn, cuốc xới trồng trọt, làm lụng việc này, việc khác không ngơi tay, lâu lâu ông gọi thằng Giang cùng ông xuống cất rớ. Những lúc ấy Hà hoặc mợ Thí tự động đi theo. Cậu Thí và thằng Giang khoẻ chân ngồi trong chòi quay trục gỗ, chiếc rớ bà nổi dần lên khỏi mặt nước. Hà hoặc mợ Thí chèo ghe ra giữa sông cầm vợt xúc cá.

 

Tôi soạn mấy chục cây đèn cóc thờ ở ngoài vườn, trong am, miếu, trên trang, trên bàn thờ đem ra ngồi trước hiên dùng giẻ dạ tẩm dầu chùi muội bám bên trong những cái bóng đèn hột vịt. Rồi khêu tim, châm dầu chừng ấy đèn để ngày mai ngoại tôi lên đồng cúng cho một bà tiểu thương bên chợ Đông. Tôi thường nói với Hà, mấy bà tiểu thương chợ Đông mua một bán mười, giờ sợ chết xuống âm phủ Diêm Vương cho vô vạc dầu sôi nên nhờ ngoại mình hối lộ thánh thần. Hà bảo, nói bậy cô Chín Thượng Ngàn vặn cổ chết. Nhưng cũng nhờ ngoại làm thủ am, dăm bữa bửa tháng được mấy bà tiểu thương về cúng cầu mua may bán đắc, dâng sớ, thế mạng ; tiếng đàn ọ è, tiếng lóc cóc leng cheng và lời hầu văn chen trong những tiếng hú, hét của những người lên đồng đang cơn hưng phấn, nhà cửa đỡ hoang vắng tiếng người. Trong đám bạn làng của tôi, chỉ có thằng Mân em chú bác với Hà là hay hát báng bổ: "Cô lên cô nhảy lom khom, cậu lên cậu nhảy trúc om nước chè… e... ẹ...è..." Còn Hà tôi nghi Hà có máu mê tín dị đoan như ngoại tôi. Bởi nhiều lần, Hà nghe thằng Mân báng bổ, thế nào Hà cũng “Xì !”, cũng nguýt một cái thật dài rất chi là không bằng lòng. Bỗng nhiên, Hà đi xộc từ lối sau ra hiên trước làm tôi giật mình. Gặp tôi ngồi chùi đèn, Hà hỏi trổng :

- Mệ ?

- Đi quán.

Tôi ngẩng lên thấy ánh mắt Hà nhìn trộm tôi. Tôi sực nhớ tôi đang ở trần, mặc quần xà lõn liền bỏ giẻ dạ hốt hoảng đứng lên. Hà quay mặt cười rích rích và nói :

- Noi... nói…cho người ta mượn cuốn truyện mô nà !

Tôi nghĩ Hà đã thấy… luống cuống :

- Tr…uyện… để trong ơ.

- Cuốn chi ?

- Lửa Cháy Thành Phiên Ngung.

- Vô lấy đi..ii… À quên, lấy cho Hà một mớ bồ kết luôn.

Nói xong, Hà sà xuống chùi đèn giúp tôi. Nhà ngoại tôi có mấy thúng bồ kết dự trữ trong nhà để dành gội đầu. Sau vườn có một cây bồ kết năm nào vào khoảng cuối đông, trái bồ kết khô rụng đầy, sáng sáng ngoại ra nhặt một mớ, đem hong trên giàn bếp, dồn cất dành cho con cháu, xóm làng ai cần đến xin ít trái ngoại sẵn lòng. Tôi vào buồng mặc quần tây và đi lấy truyện cùng nắm bồ kết đưa cho Hà. Hà ngồi chùi đèn, thấy tôi mặc quần dài, miệng nở một nụ cười ý nhị. Tôi sượng sùng cầm cuốn truyện và nắm bồ kết đưa Hà. Hà để cái bóng chùi dở lên trẹt, đứng lên dặn tôi, chút mệ đi chợ nhớ ới Hà một tiếng. Hà nhoi nhoi đi về. Hương cô thôn nữ lại vương vấn quanh tôi…

 

Xế trưa, nghe đò máy nổ "...xạch...xạch..." ngoài bến, tôi biết Hà và ngoại đi chợ về. Tôi chạy xuống xách đồ cúng lên. Vẫn thường nhà ngoại có việc Hà qua nấu nướng. Tôi quanh quẩn dưới bếp để chờ Hà sai việc. Tôi thấy Hà ra thịt, làm món, phân mâm rất rành rỏi. Những lúc ấy, lòng tôi tở mở sung sướng bởi được gần gũi với Hà trong một mái nhà. Đến khi hai mẹ con bà tiểu thương đến phụ bếp tôi mới lên nhà trên xếp giấy tiền, áo binh. Lát sau, bộ ba tướng sĩ tượng là anh Cư, cậu Quép, dì Huê tới. Họ là ban chầu văn làng Vân. Cậu Quép có nước da men mét, ăn nói ỏn ẻn, trong lúc chầu văn chú thường uốn éo, lắc lư người, tay gõ phách, miệng hát. Anh Cư kéo đàn nhị rất cừ. Dì Huê luôn bôi một lớp phấn nụ trắng xoá trên mặt, đến nổi tương phản rõ rệt với lớp da cổ bì bì đen nám. Dì Huê hát văn, anh Cư ngồi kéo đàn, "Ọ... è..."., cậu Quép mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng cùng dì Huê ngồi hát nịnh bóng cô, bóng cậu rất ăn nhịp, ăn ý với người đang lên đồng. Chẳng hạn, thấy cốt đồng không nhảy tưng tưng nữa mà đổi kiểu phi ngựa. Ban hầu văn liền chuyển tông hợp tấu, "Cờ róc...cờ róc... ọ...è...cóc...cóc...cheng...cheng..." dì Huê ngoác miệng hát : "Cậu về cưỡi ngựa...a... à...a...xem hoa...".

 

Chiều tối, cúng cấp xong, gia đình bà tiểu thương, ban chầu và khách xóm ra về. Hà xuống rớ lấy lên một mớ cá bống gọng dồn từ hôm trước, những con cá bống đen trũi nhảy lách tách. Thấy Hà ngồi làm cá ướp muối, tôi hỏi :

- Thịt cá ê hề trong gát-măng-rê, mệ biểu Hà kho cá làm chi ?

- Kho mai ăn, con trai để ý chuyện bếp núc mần chi rứa hèo ?

 Đến tối chừng 9 giờ Hà đi rột rẹt đi sang phụ ngoại tôi đi thắp hương. Nhà ngoại thường thắp hương vào những đêm mười bốn, rằm, ba mươi, mùng một và những đêm cúng hầu Thánh Mẫu. Ngày thường thắp đôi chỗ ở bến sông, cửa ngỏ thì ngoại đi thắp một mình. Tối nay chắc phải lội trong vườn, thắp hết mấy chục cái bát nhang nên Hà sang phụ ngoại. Tôi đòi đi theo, ngoại tôi không nói gì, Hà bảo tôi bưng đèn. Ba bà cháu lọ mọ hai bó hương đi thắp khắp vườn, trong am, ngoài ngõ, dưới bến sông. Ngoại cặm dưới bến sông sáu cây hương, tôi tưởng ngoại lộn, tự ý lấy bớt một cây. Ngoại giựt cây hương đang cháy trong tay tôi cặm lại và nói :

- Đừng thày lay!

Tôi hơi ngạc nhiên khi không bị ngoại mắng oan. Khu vuờn vốn tối om vì rập bóng cây, giờ thêm nhiều ngọn đèn dầu toả ánh sáng nhoe nhoét nhún nhẩy và lác đác những cây hương cháy loe loét trông rờn rợn. Vào nhà, tôi  không nín được :

- Mệ, cháu thấy người ta thường thắp ba cây hoặc năm cây, sao mệ thắp sáu cây luôn ?

- Mấy cây kệ cha tui!

Tôi nhìn qua Hà dò hỏi tại sao ngoại vô cớ nổi cáu với tôi vậy ? Hà nháy mắt rồi lựa lúc ngoại xuống bếp, nói :

- Kê…kệệ…mệ ưa chi làm nấy, Vi dừng hỏi chi hết ơ.

Hà chào ngoại và tôi đi về. Tôi cầm đèn đưa Hà ra tới mương cạn. Hà biết tôi vẫn thắc mắc trong lòng, khi Hà nhảy lên mương, Hà đưa ngón trỏ ngang đôi môi cong xinh đẹp, ý bảo tôi im lặng, rồi quay người chạy ù vào đám cây lá quen thuộc. Vào nhà, tôi thấy dáng ngoại đứng ở hàng hiên. Ngoại xoa đầu tôi, dặn :

- Tối ni, cháu đừng gài lon báo động nghe.

 - Sao thường đêm mệ biểu con gài lon để ngoại nghe đài ngoài Bắc mà ?

- Đêm ni mệ không nghe.

Lon báo động của tôi làm đơn giản một đoạn dây cước giăng ngang gối chân người, phòng chó chạy qua không giựt dây, một đầu cột vào thân cây, một đầu thắt vào cật tre gài trong lon sữa bò; người nào đi qua vấp dây, cật tre đã xoắn dây thun bung ra quay vù đánh vào thành lon sữa bò "rẹt... rẹt...rẹt..." báo động cho ngoại biết có người vào nhà mà tắt radio.

Sáng hôm sau, ngoại tôi cụ bị đồ nghề đi chỉ chích lể cho khách xa. Đồ nghề, gồm một gói mẻ bỏng bẻ ra từ những bóng đèn bị bể ; một chai rượu ngâm cây củ gia truyền thoa cho khách sau khi lể, nhúm vải rẻo sạch thấm máu và chục cái bầu thuỷ tinh. Không nhiều nhặn gì, nhưng lúc nào ngoại cũng xách theo một giỏ đầy. Trong giỏ luôn đựng ổi, mít, thơm và một mớ ốc bưu. Mớ ốc ngoại mua từ sáng hôm trước, đợi tối xuống bếp ngồi lựa ốc to, ốc nhỏ gì đó rồi mới sắp xếp vào đáy giỏ, chồng trái cây ở giữa, đồ nghề lên trên. Tôi tò mò hỏi :

- Mệ, đem ốc đi làm chi ?

- Mấy chị tiểu thương dặn mệ đem cho họ một mớ.

Ngoại không nói gì thêm, khoác chiếc áo dài lam bạc phếch xách giỏ đi xăm xăm ra đường. Ở nhà với khu vườn vắng cũng buồn, tôi chạy qua Hà chơi. Hà đi đâu mất. Trở về, ngồi một mình trong căn nhà trống vắng, giữa vườn cây tịch lặng, tôi chợt thấy buồn buồn như đang trôi trong một dòng sông cô đơn êm ái. Lúc này đây, tôi mới có dịp để ý ngôi nhà tuềnh toàng của ngoại. Mọi thứ đều sơ sài cũ kỹ, già nua và ảm đạm. Một chiếc bàn gỗ long mộng đặt chính giữa nhà, phải nẹp hai khúc tre đóng xuống đất, cột lạt dính chân bàn; hai bên bàn còn bốn chiếc ghế đẩu cũng long lay không kém. Trên bàn lổm ngổm nào chai, lọ, thẩu, bình vôi, bình trà, ly, tách và một khay gỗ đựng bình trà in hình ba ông tiên xanh lam, chung quanh bình trà sáu cái tách sứt sẹo.. Sau cái bàn có giăng một bức màn vải in hình chữ thọ ố bẩn. Đấy là nơi ngoại lập bàn thờ, thờ tổ tiên bên nhà chồng. Bên chái nam, sát bộ ngựa tôi nằm còn có một bàn thờ cậu dại và cậu út tôi. Trên bàn thờ thứ tự từ trong ra ngoài có nhiều bát nhang to nhỏ, bát nhang nào cũng đầy ụ chân hương. Hai bên các bát nhang, từng đôi chân đèn gỗ, khay ngũ quả, tất cả đều tiện bằng gỗ xoan, dùng lâu ngày mấy chiếc chân đèn đã vặn vẹo. Chỉ bộ lư đồng là có giá, còn bao nhiêu vật dụng khác đều sắp hư hỏng đến nơi. Lòng tôi dấy lên niềm xót thương cho cảnh cô quạnh, nghèo khổ của ngoại !

 

Trưa đói bụng, tôi soạn thức ăn và xôi ngoại dành sẵn. Nhớ trách cá bống kho khô, tôi đi xuống bếp tìm. Thì trách cá không biết ai đã ăn sạch. Cái trách ngoại đã rửa úp trên giá bếp. Tôi sinh nghi đi ra am, thịt cá, đồ xào, bánh trái đồ cúng nguyên một mâm chưa đụng đũa cũng biến mất. Tôi ngồi thừ suy nghĩ, không biết ngoại tôi đem cho ai mà tôi không biết ? Dạo này ngoại tôi hay thu thu nhét nhét cái gì đấy và đã mấy lần giận dỗi vô cớ với tôi. Có  phải ngoại già rồi sinh lẩm cẩm chăng ?

 

Một đêm trời đã khuya, khu vườn chìm trong tiếng côn trùng rền rĩ buồn não nuột. Tôi thức giấc, hé mắt thấy ngoại còn ngồi chong đèn bên chiếc bàn với vẻ lo lắng. Mấy lần tôi nghe tiếng chân ngoại đi lui sau bếp kẹt bi kê "xẹt...xẹt...xẹt...". Không hiểu sao ngoại không ngồi một chỗ hút thuốc mà cứ đi lên đi xuống thựng thựng như thế ? Tôi nhìn trộm khuôn mặt nhàu nhò của ngoại dưới ánh đèn khuya. Tôi mới thấy trong khuôn mặt xương xương của ngoại có một nỗi buồn tha thiết. Một đôi môi mỏng mím nghị lực. Tôi biết ngoại buồn vì đời ngoại chồng chất long đong từ trẻ. Cho đến bây giờ vẫn cun cút cô đơn trong khu vuờn gần như hoang dại này. Có lẽ, đêm đêm ngoại không ngủ được do nhớ cậu Lào tôi!... Bỗng đâu, sau vườn như có tiếng chân người ? Chắc là  người quen vì tiếng chân đi thè thẹ trên lối mòn từ con mương cạn vào bếp. Ngoại thổi tắt đèn ? Một tiếng gọi nhỏ vang mơ hồ : "Mẹ!". Tôi tự nhủ, không lẽ cậu Lào tôi ở ngoài Bắc về ? Giới tuyến phân chia làm sao cậu vào được ? Không phải cậu thì ai gọi "Mẹ" đây ? Rồi :

- Ướt mẹp vậy con?

- Con lội sông...

- Ông Bảy mạnh khoẻ  khô…ôô…?

- Chú khoẻ như voi ấy. Chú gửi lời thăm mẹ.

- Mẹ mua...thuốc trụ sinh...sốt rét, theo "toa"... À, cá bống kho khô của mẹ ngon đáo để, ai cũng khen !...

 

Cuộc trò chuyện thì thào rất nhỏ rồi chìm dần vào bóng tối eo óc của khu vườn. Tôi sợ tôi đang trôi vào thế giới huyền ảo của một giấc mơ liền tự véo mình một cái. Tôi xác định tôi không mơ, nhưng cũng không dám đi xuống bếp để rõ thực hư vì ngại ngoại lại mắng. Sáng mai, nhân lúc ngoại tôi ngồi têm trầu, tôi hỏi :

- Mệ, khi hôm cậu Lào con về phải không mệ ?

Ngoại sững sốt một lát rồi dáo dác nhìn ngõ :

- Khi không cháu hỏi chi chuyện động trời rứa ?

- Cháu nghe…ai gọi : “Mẹ”…

- Mệ ngồi buồn nói chuyện một mình như mụ điên đó cháu - Ngoại nghiêm mặt dặn - Cấm cháu nói năng bậy bạ tụi lính gông đầu cả mệ cả cháu liền nghe chưa !

- Dạ !

Hôm sau, tôi ngồi đánh răng bên ảng nước, quay lui thấy ngoại nhìn sau lưng tôi với ánh mắt nghĩ ngợi. Tôi nghĩ ngoại sẽ sai bảo mình việc gì đây. Đúng như dự đoán của tôi, ngoại gọi tôi vào nhà, nói :

- Mai mốt mệ đi chích lể cho mấy người ở dưới biển mấy ngày mới về, không ai kho nấu cho cháu ăn...

Tôi hớt lời :

- Cháu tự nấu cũng được. Mệ giao nhà cháu coi cho.

Ngoại hơi ngập ngừng:

- Biết rồi, … mệ ... mệ muốn cháu lên nhà học, ở đây chơi luống xác đi.

Tôi biết ngoại lấy cớ đuổi tôi, tôi nói lẫy :

- Cháu lên chừ cũng được.

Ấy vậy, ngoại lại thu xếp cho tôi kịp chuyến đò dọc. Tôi định qua chào Hà. Nhưng đứng trong vườn nhìn sang không thấy chiếc xe đạp mi ni của Hà để trong Hiên, tôi nghĩ Hà đi vắng. Chiếc đò máy nổ xục xục lạng một vòng cua ghé bến, tôi xách túi xách leo lên đò. Hà đâu đó trong lùm tre chạy ra :

- Lên mà không thèm nói người ta một tiếng, giận đa nghe !

Tôi không kịp phân bày, người lái đã chống đò ra giữa sông…tôi hối tiếc khi bắt gặp trong đáy mắt Hà chan chứa một cái nhìn thiết tha…

 

Qua hè, tôi lên đệ tam, tròn mười sáu tuổi. Hà học đệ nhị đi ban A, mang bảng tên viền chỉ hồng. Ở tuổi mười bảy Hà có nụ cười giòn, tướng đi lấc cấc đong đưa mạnh khoẻ. Nhiều chiều bãi về tôi đạp xe đưa Hà về ngang cầu ông Thượng. Đến đó, Hà bảo tôi lên kẻo mấy đứa trai làng chọc quê Hà, tụi nó nói bậy bạ nhiều khi Hà dị muốn độn thổ luôn. Tôi đồng ý, vì trước Hà tôi vụng về khờ khạo, chẳng biết nói gì hay hơn chuyện thơ phú, văn chương mà tôi say mê. Nhiều khi tôi giật mình vì thấy tôi đã nói quá nhiều chuyện trên trời dưới đất, chẳng ăn nhập chi chuyện tôi đang thầm yêu, trộm nhớ Hà. Trong khi Hà lắng nghe với một nụ cười mĩm chi bình thản. Hơn nữa, tôi nghe lời ông anh kết nghĩa đã hơn một lần lao đao vì tình. Ông anh dạy tôi: “Mi đừng gặp cô ta nhiều quá mà cô ta coi thường, nhớ lắm cũng nén đừng về nhà cô nhiều. Đừng nói nhiều sẽ lộ dốt. Hãy “phớt - tỉnh – ăng – lê”, giả vờ buông ra xa, để cô ta chạy tới, là mi thắng. Hãy biết lấy sở trường của mi mà thắng sở đoản của cô ta, nhớ đấy ngốc à”.

Tôi viết thư nhờ thằng Giang làm chim xanh. Những lá thư tỏ tình rạt rào ướt át như hòn sỏi rơi giữa lòng sông không vờn một gợn sóng hồi âm. Tôi chua xót nghĩ, cô thôn nữ của tôi không mộng bình thường mà cũng đua đòi cao xa như các cô gái thị thành khác ? Cho đến lần tôi bắt gặp Hà  đi xi nê với một tay thiếu uý. Trên ngực áo trái hắn in chữ in TUNGL. Hà mặc áo dài tím, kẹp bóp-ta-phơi ôm cặp sánh vai với thằng lính đó vào rạp chiếu bóng. Tôi mua vé lén đi sau và thật bất ngờ khi thấy Hà đăm chiêu một cách người lớn. Trên khuôn mặt chữ điền của Hà mới chiều qua đây còn ẩn hiện những nụ cười hồn nhiên, giờ đây trĩu nặng lo toan. Hết phim, đèn bật sáng thiếu uý Tùng dìu Hà chen giữa đám lính ra cửa. Có tiếng la :

- Truyền đơn!...

 

Lính tráng và người xem phim láo nháo cả lên. Do tò mò tôi cúi nhặt một tờ cất ngay vào túi. Trong khi đó cả rạp nhốn nháo xô đẩy nhau tràn ra cửa...Tôi không biết Hà và tên thiếu uý Tùng đi hướng nào. Về nhà tôi đọc tờ truyền đơn in toàn chữ in hoa màu xanh:

ANH EM BINH SĨ VÀ SĨ QUAN TRONG QUÂN ĐỘI MIỀN NAM !

HÃY :

- KIÊN QUYẾT PHẢN ĐỐI KHÔNG THI HÀNH MỆNH LỆNH CÀN QUÝET, GOM DÂN THÀNH LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC CỦA  MỸ - THIỆU.

- KHÔNG BẮN GIẾT, ĐỐT PHÁ, CƯỚP BÓC, XÂM PHẠM TÍNH MẠNG TÀI SẢN CỦA NHÂN DÂN.

- BINH LÍNH VÀ SĨ QUAN HÃY ĐOÀN KẾT LẠI PHẢN ĐỐI SỰ CÓ MẶT VÀ THÁI ĐỘ LÁO XƯỢC CỦA BỌN CỐ VẤN MỸ TRONG QUÂN ĐỘI MIỀN NAM VÀ TRONG ĐƠN VỊ.

- RỦ NHAU RỜI  BỎ MỸ - THIỆU TRỞ VỀ VỚI  CÁCH MẠNG.

ĐỘI VŨ TRANG TỰ VỆ CỦA NHÂN DÂN

Ngay chiều ấy tôi đạp về ngoại, tìm gặp Hà :

- Trên rạp Tân Thanh có phim hay lắm. Chiều mai thứ bảy Vi đãi Hà một xuất hai giờ sau Hà đi xem không ?

Hà đang dùng lược chải chải mái tóc thề buông thả eo lưng:

- Hà sợ tụi lính làm ẩu, không đi mô.

Trong các rạp xi nê luôn có một đám lính chuyên coi cọp. Chúng đứng chật cả lối đi đợi con gái nhà lành lơ ngơ đi vào lúc tắt điện là chúng ra tay sàm sỡ. Thỉnh thoảng các cô, các chị thậm chí cả các bà đều bị chúng làm hỗn, la oai oái. Các cô, các bà muốn đi phải rủ nhau đi thật đông và vào lúc phim chưa chiếu.

 

Một nỗi buồn bất ngờ vụt dậy trong tôi. Tôi nghĩ tôi không bằng thiếu uý Tùng hoà hào hoa phong nhã đó. Hà đã dối tôi và chối từ tình cảm của tôi ! Tôi vụt quay lưng đi băng về vườn ngoại. Hà dừng chải tóc:

- Vi...Vi...tự dưng bỏ về rứa ?

 

Tết năm ấy, cả nhà tôi mới biết cha tôi hoạt động bí mật cho Cách mạng. Hai lần cha tôi đi tù tôi tưởng địch tình nghi bắt lầm. Tôi rất sung sướng tự hào bởi nhà tôi có các chú Ban An ninh thị xã thường xuyên ra vào. Không biết có phải ác ôn chỉ điểm, hay tình cờ phát hiện, máy bay B.52 của Mỹ thả bom toạ độ, cha tôi hy sinh và đứa em kế tôi chết còn tôi bị thương ở cánh tay trái. Mẹ tôi và chú Khoá trong Ban An ninh giả dạng thường dân, tìm đường gánh tôi xuống bệnh viện. Nằm trên cáng, cáng lắc xốc mạnh khi mẹ tôi bị trợt chân, tôi đau la oai oái. Chú Khoá động viên: “Ấy… ấy, trai tráng ai mà la như quạ quạ rứa. Cháu biết không, anh Chắc cha cháu rất kiên cường, hai lần bị bắt giam ở nhà lao, bị tra khảo, đánh đập dã man vẫn kiên quyết không khai ! Địch phải thả anh, anh lại tiếp tục tham gia công tác bí mật – Chú Khoá bùi ngùi – Ai dè anh đã hy sinh !”.  Ai là người từng mất cha, em và ôm vết thương tật loà lện máu, quay quắt rên la như tôi mới thấm hiểu giá trị sự mất mát, thương đau. Tôi cố nín đau, xin chú Khoá sau khi cánh tay tôi lành cho tôi hoạt động bí mật trong lòng địch như cha tôi. Chú Khoá im lặng trước thái độ sốc nổi của tôi. Sau đó chú nói: “Cháu ưa chi cũng được, nhưng trước nhất phải chữa lành tay đã, chừ chịu khó nằm yên để chú và mẹ gánh qua cầu sập nì”.

 

Sau Tết, thị xã láo nháo cảnh hỗn quan hỗn quân, ngoại tôi chạy bộ từ làng Vân lên tìm gia đình tôi. Ngoại thấy nhà tôi còn một đống gạch vụn, cha em tôi chết. Ngoại đứng trân trân giữa nhà một hồi lâu tôi mới thấy hai giọt nước chảy ra từ đôi mắt tưởng đã ráo hoảnh của ngoại ! Tôi hỏi  Hà bây giờ ra sao? Ngoại trả lời:

- O nớ thoát ly rồi.

Sau đó, ngoại hỏi mẹ tôi xóm làng và bên nội tôi ai còn ai mất. Rồi ngoại kể chuyện dưới làng cho mẹ con tôi nghe :

- Bây biết chưa, con Bờ đi gánh nước dưới sông bị trúng ca nông chết rồi.

Mẹ tôi hỏi lại:

- Chị Bờ chết thằng Bại ai nuôi mạ ?

- Bà con cho nó nhà một ít để nó sống qua ngày chớ.

Tôi biết anh Bại con mụ Bờ. Trước đây không biết anh tên gì nhưng từ khi anh leo xe Mỹ lật đồ hộp xuống đường, bị một thằng Mỹ đen bắt được, hắn lấy lưỡi lê cắt gân cánh tay anh. Anh ôm cánh tay máu me tèm lem chạy quáng quàng về làng, vừa chạy vừa khóc vừa la: "Mẽo cắt cén, Mẽo cắt cén tui rồi...mạ ơi...". Mụ Bờ đành đưa con đi viện cứu chữa vì chẳng biết kiện ai. Mà kiện loạng quạng tụi cảnh sát chụp mũ Việt Cộng câu đầu giam trong nhà đá, thì khốn ! Từ đó anh có tên Bại.

 

Tình hình tạm yên, tôi cuốc bộ về làng Vân thăm ngoại. Đáng tôi đi xe đạp, nhưng một tay còn băng bột, mẹ tôi sợ tôi té xe, cánh tạy gãy lìa lại. Tôi thấy nhiều nơi còn giăng nhiều vòng thép gai và lính ôm súng hầm hầm đứng gác. Nhưng khi vào làng Vân thì vẫn còn một dải làng quê sông nước hữu tình vắng lặng một cách đáng sợ. Đường vắng hoe người, lâu lâu mới thấy một hai người vội vàng đi đâu đó với đôi mắt lo sợ. Dọc đường làng còn có một dãy gia thông hào và rải rác nhiều công sự chiến đấu. Chứng tỏ nơi đây bộ đội và nhân dân đã kiên cường nổi dậy xây dựng tuyến phòng thủ để đánh địch và làm bàn đạp tiến công vào thị xã trong những ngày đầu chiến dịch. Và quả thật kỳ lạ, nếu không có chiếc cầu xi-măng bị sập, chiếc cầu tre tanh banh giữa sông và những gia thông hào, công sự mới đào thì chẳng thấy dấu vết bom đạn nơi đâu. Có lẽ cây cối, sông nước đất đai làng Vân đã che đậy tất cả nỗi buồn chiến tranh vào lòng bao dung của nó.

 

Nhưng chỉ hơn tháng sau, tôi lại đạp xe đạp đem dầu lửa về cho ngoại. Tôi rùng rợn khi thấy cả làng Vân và mấy làng liên tiếp dọc dài ven sông thật tiêu điều, nhiều nơi bị thiêu rụi, cày nát. Đi đâu cũng thấy tụi lính bình định nông thôn và lính trung đoàn 54 trợn trạo soi mói. Nhà ngoại tôi cũng bị lính đốt còn một đống tro than. Ngoại đã che túp lều trên nền chái bếp cũ để núp mưa đụt nắng qua ngày đoạn tháng. Tôi thật sự khiếp đảm bởi sức huỹ diệt của các loại vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ. Những luỹ tre ken dày ven dòng sông, những thửa ruộng hoa màu xanh non mơn mởn ven biền sông mới đó mà đã tiêu điều. Một dãy biền sồng dài rộng, rậm rạp tre pheo là thế, giờ chỉ còn mươi cây tre cháy xém loà xoà xoã bóng héo úa xuống dòng sông nhuốm màu tang tóc ! Thật là bãi biển hoá nương dâu ! Trong làng gần như sạch bóng nam giới, chỉ còn một số cụ già liều mạng không chịu bỏ làng nước, bỏ bàn thờ tiên tổ ra đi. Còn lứa thanh niên trai tráng đa số theo cách mạng, một số bị bắt cầm tù trong các nhà lao tỉnh, huyện và số ít vì công việc lên tạm trú trên thị xã, năm giờ chiều trong làng tuyệt nhiên không còn thanh niên ở lại. Cậu Thí cha của Hà cũng bị chết oan ! Ngoại tôi kể:

 

“Lính Mỹ phối hợp với lính đánh thuê Đại Hàn tràn về làng. Hành quân đến đâu là chúng bắt bớ, đốt phá, cày xới tanh banh đến đó. Nhà nào chưa kịp giở mái là chúng châm lửa đốt, nếu giở mái rồi chúng lại đốt đống rơm, nhà bếp để lùng sục du kích và khui hầm bí mật. Chúng quyết thiết lập một vùng trắng ven thị xã. Nhưng bà con làng Vân vẫn bí mật chống trả. Cảnh ngày địch đêm ta diễn ra âm thầm nhưng rất ác liệt. Một hôm du kích tấn công vào trại đóng quân dã chiến của chúng, bắn chết ba thằng Mỹ. Sáng hôm sau chúng xách súng túa ra làng bắt đúng ba người chúng gặp ngoài đường sớm nhất đưa đi bắn chết!... Một là anh Thí đi ra sông cất mẻ rớ đầu tiên sau một đêm ngâm rớ dưới sông. Hai là thằng Quép lơn tơn đi chầu văn. Ba là chú Kham đi ra sông nhổ bó câu gặm câu cá tràu mà cậu gặm từ hôm trước…”

 

Ba người đã chết tôi đều quen biết. Câu Thí cha Hà, một nông dân hiền từ chất phát, cả đời không biết hại ai. Cậu Quép tuy uốn éo như cá nghéo động trời nhưng bụng dạ rất tốt, những lúc tan buổi hầu văn chú thường gọi chúng tôi đến phát quà từng cháu một. Còn cậu Kham trong những ngày hè tuổi hoa niên của tôi, tôi và cậu có rất nhiều kỷ niệm. Chính cậu tập cho tôi chèo ghe trên sông, mới đầu tôi cầm chầm quậy mạnh xuống nước, chiếc ghe cứ xoay tròn không chịu đi, cậu đã chỉ cho tôi chèo thế nào, quậy thế ra sao cho mủi ghe băng băng trên nước. Làng Vân có một số gia đình họ Huỳnh vừa làm nông vừa sinh sống thêm với nghề tiện gỗ. Bà con chuyên tiện đồ thờ, chân bát nhang, chân đèn gỗ, quả bồng đơm ngũ quả. Ngoài ra còn tiện chân tủ, chân ghế, chân giường, nói chung ai đặt chi tiện được thì tiện. Vật liệu đồ thờ thường gỗ nhóm một nhưng đa số dân làng dùng gỗ cây xoan. Xoan một loài cây trồng bưng biền, quanh vườn đều xôi xổi lớn nhanh và cho gỗ tạp màu trắng có vân rất đẹp, mềm dễ tiện. Tôi đã có thời ngồi chầu rìa dưới giàn tiện của cậu Kham chờ xin dăm gỗ về cho ngoại nhen lửa, từng mê mãi nhìn những cục gỗ tròn vo chạy vù vù, bị những mủi tiện bằng sắt gọt từng vòng, từng vòng ngọt xớt, kêu rào rào. Từng vòng dăm gỗ rơi lả tả xuống đôi chân cậu Kham đạp lên đạp xuống còn xoắn tít và thơm mùi gỗ mới. Ấy vậy, ba người con hiền từ thân thuộc của bà con làng Vân đều bị Mỹ trả thù một cách hèn hạ !

 

Tôi chuẩn bị dắt xe ra ngõ đạp lên nhà, ngoại tôi bảo tôi đợi đó, để ngoại vào lấy thư của Hà viết cho tôi từ hồi Tết khi cô chưa rút lên chiến khu. Thư của Hà được ngoại tôi cẩn thận gói ni-lông chôn dưới gầm giường. Mở thư Hà ra, tôi hơi bực cho tính nghịch ngợm của Hà. Hà chỉ vẽ một dấu hỏi to tướng, nhưng ngay sau đó tôi mở thêm mảnh giấy dầu màu hồng lại có một bức ảnh trắng đen chụp chân dung Hà bên tiệm La Cảnh Lưu. Trong ảnh Hà ngời ngợi thánh thiện. Sau ảnh có dòng chữ tròn tròn đều nét: "Forget - me not". Tôi đứng lặng người sung sướng vì đây lần đầu đời tôi được một cô gái tặng ảnh, lại còn dặn “Foget – me not” nữa chứ. Làm sao tôi quên nụ hôn đầu, mối tình đầu của tôi được nhỉ ? Em là đoá uất kim hương đồng nội rỡ ràng khoẻ khoắn của tôi ! Tôi đứng băn khoăn tại sao em đang học hành ngon lành lại xếp bút nghiên theo cách mạng ? Lúc ấy Mỹ chưa bắn cha thì làm gì em căm thù giặc đến phải dấn thân vào cuộc chiến đầy hiểm nguy này ? Tôi hỏi ai móc nối em ? Ngoại nói :

- O nớ giác ngộ mới giỏi!

- Hà đang học đệ nhị bỏ ngang uổng quá mệ hí ?

- Giặc vào nhà đàn bà cũng đánh, ai đánh được cứ đánh, hoà bình đi học lại, lo chi rứa hè.

Lời ngoại nói về Hà làm tôi suy ngẫm suốt đoạn đường từ làng Vân lên nhà. Đáng ra, tôi không bị thương tôi cũng theo các chú, các anh Đoàn 5 rồi.

 

Cho đến sau ngày giải phóng miền Nam, cậu Lâm con nuôi của ngoại kể, tôi mới biết ngoại tôi và Hà là cơ sở cách mạng hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Hai bà cháu đêm đào hầm bí mật, ngày xoá dấu vết. Đào dễ, đưa đất đi thủ tiêu mới khó. Đêm hôm ngoại canh cho Hà vác từng bao đất đổ xuống sông hoặc chôn xuống hầm, rồi lấp rác lá lên. Nhiều lần Hà đi rải truyền đơn chống bắt lính, đôn quân, địch vận, kêu gọi binh lính trở về với nhân dân. Một lần tôi gặp Hà cặp kè với một tay sĩ quan Cộng hoà đã làm tôi hiểu lầm Hà, là vậy. Còn ngoại tôi giả đi chích lể để giấu tài liệu trong những con ốc bưu, trong cùi trái mít, trái thơm, luồn lách, mưu trí qua tai mắt địch đưa đến những hộp thư bí mật đã quy định một cách an toàn. Ngoại tôi xây am, làm thủ am hầu Thánh Mẫu cũng để được thắp hương, thắp đèn hợp pháp làm ám hiệu đưa đón cán bộ đi và về. Cuối năm 1969, dân quân du kích ta thiếu đói trầm trọng, địch càn quét làng Vân tơi bời. Nhiều đồng chí ta phải bật lên xanh. Hà kiên cường bám trụ, sống trong sự đùm bọc của nhân dân. Nhưng cũng phải chịu bữa đói bữa no vì địch kiểm soát gắt gao, lập ấp chiến lược, bán gạo liên gia và nhất là tụi bình định nông thôn ban ngày ở xen lẫn trong dân, ban đêm rúc vào các đồn bót gài mìn giăng lựu đạn cố thủ. Bà con bới cơm, bới khoai sắn nuôi dân quân du kích cũng phải khôn khéo. Chẳng hạn vắt cơm từng cục, gói lá chuối khô hoặc bọc nilon giấu trong người, đem tới những  điểm dân quân du kích bí mật qua lại, cảnh giác ngó trước ngó sau rồi đôi vào bụi tre, gốc sung, bụi rậm, bến nước, thả chìm xuống sông... có khi phải giả đi đại tiểu tiện để chôn dưới vồng khoai, vồng sắn cho anh em du kích lấy về san sẻ, chia nhau ăn qua buổi đói lòng. Hà chịu tất cả gian khổ hiểm nguy một cách hồn nhiên tươi sáng. Trong một trận càn, địch lùng sục, khui hầm bí mật bên kia sông và lái xe tăng càn nát san lấp bình địa. Trong hầm có Hà và một nữ tự vệ làng Vân hy sinh !

 

Một hôm tôi về Làng Vân thăm ngoại và thắp hương viếng Hà. Gặp Giang em trai hà đang công tác dưới Uỷ ban huỵện về thăm nhà :

 - Anh sang nhà, em cho anh coi cái này hay lắm.

- Chi rứa ?

- Cuốn nhật ký của chị Hà. Mẹ em biểu đốt cho chị, nhưng em giữ lại.

Tôi háo hức theo Giang. Vào nhà tôi còn phải đợi Giang thắp nhang xin cuốn nhật ký xuống. Tôi cũng vái lạy Hà cho tôi tò mò đọc nhật ký của Hà. Trong khi tôi nhắm mắt lầm thầm cầu nguyện, tôi thấy người tôi nhẹ hẫng… tôi rượt Hà chạy vòng vòng bên cồn và tôi bắt được Hà ngay bụi tre, tôi và Hà áo quần sũng nước, tôi hôn Hà một cái ! Đây nụ hôn thứ hai của tôi, lần này Hà dịu dàng nép vào tôi tin tưởng… Bỗng tôi nghe tiếng Giang mơ hồ như từ trong giấc mơ vọng về :

-  Khấn nguyện chi lâu vậy anh ?

 

 

Tôi trích vài đoạn nhật ký của Hà :

…"Làng Vân, ngày...Đêm đã khuya rồi mà mình không ngủ được. Nhớ lúc Vi hôn mình, mình thấy run run đến nghẹn thở, như có ai thả mình lơ lửng trên mây. Người chi mà liều! Nhỏ hơn người ta một tuổi mà dám cả gan ! Sáng mai, trong giờ học, nụ hôn của Vi vẫn không chịu để mình yên. Khi mình thấy Thảo đến lớp trưởng xin thẻ ra vào, mình cũng vội xin một thẻ để đi theo Thảo. Mỗi lớp chỉ có hai thẻ ra vào dành cho nữ sinh đi ngoài trong giờ học, hết thẻ phải chờ bạn vào mới được ra. Mình gọi Thảo, Thảo quay lại: "Con quỹ ni chi rứa mi?". Mình bước nhanh đến bên Thảo nói: "Tau có chuỵện ni muốn hỏi mi một chút". Thảo thấy tôi ngần ngừ, giục: "Chuyện chi nói mau lên, tau mắc bất chết đây nì". Mình hỏi đại: "Mi đã bị tụi con trai hôn chưa ?. Cảm giác nụ hôn ra răng?". Thảo cười thành tiếng: "Chàng mô hôn mi mi rồi à ?". Mình ấp a ấp úng một hồi rồi đành nói thật: "Rồi !". Thảo hỏi: "Mi thấy ra răng ?", "Tau thấy người bay bổng. Thảo bảo: “Người ta hôn mi, làm mi nhơ nhớ là mi thương. Nếu mi ghét, nụ hôn đó như gáo nước lạnh tạt vào mi làm mi tỉnh táo tránh phản ứng tức thời". Mình lẩm bẩm: "Không lý tau thương hắn rồi hèo ?". Thảo cười và nhéo mình một cái đau điếng : "Bắt đầu yêu rồi hí ?"...

 

…"Làng Vân, ngày...Mình nhớ mãi đêm ba mươi Tết, đơn vị mình được lệnh nhận nhiệm vụ dẫn quân từ Nguyên Thuỷ về thị xã. Khoảng 7 giờ tối mình cùng anh em trong đơn vị dẫn đoàn quân đầu tiên về đến núi Ngự bàn giao cho thị xã với mật khẩu "Quyết chiến" và trả lời "Quyết thắng". Đến 9 giờ thì đoàn quân đã đến vị trí tập kết. Sau đó lại phải quay lại dẫn đoàn quân khác đến bàn giao ở địa điểm tập kết khác. Nhiệm vụ của mình lúc đó là chiến sĩ hoa tiêu, vừa làm trinh sát vừa cắm hoa tiêu dẫn đường. Không ai có thể ngờ rằng, mới đây mình là một cô nữ sinh thướt tha trong chiếc áo dài trắng, giờ đây trên vai nào súng nào đạn và hoa tiêu. Mình rất tự hào và sung sướng khi nhìn những chiếc hoa tiêu như đốm sáng nhỏ bé lẻ loi ấy vậy mà dẫn cả đoàn quân tập kết đúng điểm hẹn chờ giờ G.. Đúng 12 giờ kém 15 phút đêm ba mươi Tết, sau khi nghe trên nhà đèn nổ cái ầm và điện trong thị xã tắt phụp, cuộc tấn công đồng loạt của quân dân mình bắt đầu. Đơn vị mình tiếp cận mục tiêu từ phút tấn công đến tảng sáng hôm sau mới chiếm được. Khi chiếm được mục tiêu, đầu tiên mình phải tham gia vào công tác chuyển thương và tiếp tục đưa bộ độị về đánh chiếm đồn Công binh, nhà lao...lúc này quân ta thuận lợi đánh đâu thắng đó, địch cố thủ rồi xách súng chạy te hoặc lẫn vào dân, cuối cùng cũng bị ta tiêu diệt. Sau khi giải phóng nhà lao, số anh em bị tù được nhanh chóng đưa về làng Vân để phân công một số nhiệm vụ chiến đấu, một số đưa về cánh Bắc huyện Phù Hương để sàng lọc vì trong số đó địch đã cài, cắm một số lực lượng phản động lén lút cắt dây điện thoại, gọi đại bác tầm xa bắn vào nơi ta đóng quân, cầu cống và nhà dân...

 

…"Làng Vân, ngày...Chập choạng con Thuỷ trên Xuân Dương chạy về nhảy xuống công sự tía lia miệng nói với mình:

- Ui cha là đông! một tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn 6 dù và tụi liên đoàn 11 biệt động quân rải quân từ bên kia sông Xuân Dương đến Chợ Mới với xe tăng và pháo bầy yễm trợ chúng sẽ tràn qua sông tàn phá làng mình. Ông Bảy cho rút để bảo vệ làng đó mi. Mi chuẩn bị đi là vừa.

Nói xong, nó phóc lên đi như chạy trên đường làng và nói vói lui:

- Tau về Diễn Mong, nhớ giữ mình đó nghe Hà !...

Tối, ông Bảy đến tụ tập anh chị em lại và cho biết, do tình thế bất lợi, bộ phận mình buộc phải rút khỏi làng. Bỗng nhiên mưa đầy trời như làng Vân sụt sùi tiễn đoàn mình đi. Đêm nay, con Lài, con Bê không còn cùng với mình sánh bước trong đoàn quân, không còn đem nụ hôn của Vi ra chọc ghẹo mình. Bởi mình đã dại miệng kể lại cho chúng nghe. Từ đó chúng nó cứ giả vờ hôn nhau chụt chụt và hỏi mình "Chàng Vi của mi hun có kêu như ri không?. Khi chàng áp môi nơi má mi, mi có thấy tê mê không ?. Kể cho tụi tau nghe với, tụi tau chưa được chàng mô hôn hết ơ Hà ơi - Bê nói với đôi mắt xa xăm - kỳ này, có dịp gặp chàng của tau...tau sẽ bắt chàng hôn tau một cái thật lâu để xem thử nụ hôn ra răng cho biết Hà ơi". Lài và Bê cũng như mình, cùng hăng hái đứng vào đội ngũ trước ngày đầu tấn công nổ ra. Nhưng Lài và Bê đã vượt lên mình bằng cách ngoan cường tiêu diệt địch đến hơi thở cuối cùng. Mình biết, cuộc rút lui đêm nay không hẳn mình sẽ mãi xa ngôi làng Vân thân yêu và gia đình mình mà để bảo toàn tính mạng của đồng chí, cho bà con mình. Sau khi ổn định, ai lên cứ, ai nằm vùng hoạt động sẽ được tổ chức phân công rõ rệt. Mình xin ở lại bám trụ để thỉnh thoảng còn gặp mạ...

 

…"Làng Vân, ngày...Mình là nữ chiến sĩ mới hơn một  tuổi quân, chưa trải qua gian khổ trong những trận đánh lớn. Nhất là cuộc sống ngày càng xấu đi. Ngày này qua ngày khác chủ yếu ăn lương khô và gạo rang nên sức khoẻ mình rất kém. Nhưng với lòng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm đã giúp mình làm tròn những công việc được giao. Mỗi khi nghĩ lại tưởng chừng mình khó có thể vượt qua...”…

 

Một thiền sư dạy tôi rằng, kiến tánh thành Phật, nhất tâm đảnh lễ không vuớng tạp niệm nào dù chỉ trọn vẹn một sát na cũng đến nước Phật. Và một anh bạn từng là thầy Sáu của Ki Tô Giáo phán rằng, trước khi hấp hối anh bùng vỡ một đức tin vẹn nguyên có Chúa, linh hồn sẽ bay lên Thiên đàng. Riêng tôi, tôi may mắn được quen biết với những người con ưu tú của làng Vân đã nằm xuống một cách anh hùng trong thời đại anh hùng. Các liệt sĩ, anh hùng đó đã nhen trong tim tôi một niềm tin đỏ rực sung mãn. Tôi mang niềm tin ấy không để lên cõi thiên đàng xa lạ mà muốn được làm một người bình thường, biết yêu nuớc giống nòi một cách chân chính.

 

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng về làng Vân để được hít thở không khí trong lành của phố quê, đồng nội. Cảnh phố quê sông nứơc khi chiều sắp tắt nắng thường luênh loang một màu tím mộc mạc thanh bình. Sau những ô cửa đèn điện đã bừng sáng phả vào dòng sông lung linh. Nguồn sáng này là dấu hiệu thị tứ của một phố quê yên ả ngày càng rạng rỡ, nở nang phía tuơng lai. Và tôi đi trong miên man hoài niệm về mối tình đầu của tôi, về em đã sống trong sáng, chết thiên thần. Đêm đêm trong bầu trời cổ tích của tôi em mãi mãi là một vầng sáng vằng vặc thiên thu cho tôi soi gương mãi vững gót làm người...

 

Huế, ngày 22 tháng 2 năm 2006

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3762
Ngày đăng: 09.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầy Thi - Hồ Tĩnh Tâm
Một khoảng xô bồ - Nguyễn Đức Thiện
Khoảng trống - Huỳnh Mẫn Chi
Làm mẹ - Trương Thị Thanh Hiền
Dạ khúc ven rừng - Trương Thái Du
Ông lão bán chim - Nguyễn Đức Thiện
Con sáo chưởi thề - Thu Trân
Tư Sẹo - Hồ Tĩnh Tâm
Linh hồn Hoa mai - Ngô Thị Hạnh
Một vụ ly hôn - Xuân Sách
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)