Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.408
 
Lá đa la đà...
Thu Trân

Hắn cương quyết định nghĩa lại thế giới này theo kiểu của hắn. Trước khi bắt đầu mọi thứ, tối nay hắn mang một chiếc lá đa- vừa hái trộm bên chùa- đến đặt trịnh trọng trên bậu cửa sổ phòng nàng. Để làm được điều này, trước đó hắn đã thực hiện một động tác không trong sáng: leo trộm qua hàng rào nhà nàng và vứt cho con Lulu thông minh một miếng sườn nướng thơm phức. Ây là để cho nó đừng sung sướng một cách tự trào mà ngoáy mông lia lịa rồi rít lên ư ử khi gặp lại người quen cũ. Hắn định trở ra bằng chuyện tiếp tục leo rào nhưng lại nghe tiếng cười khúc khích của nàng trong khu vườn ngát hương ngọc lan. Tại sao lại như thế nhỉ, cách đây mấy tháng, hắn vẫn được quyền đi lại đàng hoàng trong ngôi nhà này cơ mà. Suy cho cùng thì hắn cũng đang sống theo qui luật đấy thôi. Nàng hết yêu hắn rồi. Nàng và hắn đã chia tay nhau từ mười đời chín kiếp. Có điều cuộc chia tay không có nước mắt và hoa hồng như những người lãng mạn chia tay nhau. Thử về bằng cửa chính, xem điều gì sẽ xảy ra. Chia tay nhau, không có nghĩa là hắn phải lén lén lút lút khi muốn làm một điều gì có liên quan đến nàng. Người ta vẫn nợ nhau những món nợ đời truyền kiếp, thì ít nhất trong cuộc đời nàng, bóng dáng hắn đã đi qua...

 

Hắn cho hai tay vào túi quần, ưởn ngực và huýt sáo bước tới... Ngồi trên chiếc xích đu ngày xưa của nàng và hắn, nàng thôi cười, nhìn hắn như nhìn người đến từ sao hỏa. Nhân lúc nàng thay đổi cảm xúc, đứa người yêu mới của nàng thôi không gát tay lên vai nàng nữa và từ từ châm thuốc hút. Hắn lại phát hiện ra một điều mới, khi người ta sướng quá hay buồn quá thì mọi cảm xúc sẽ được bảo hòa. Nàng là trường hợp thứ nhất. Hắn là trường hợp thứ hai. Chạm vào hai cánh cổng sắt to đùng, hắn dừng lại, cổng khóa. Chiếc @ mới toanh của đứa người yêu mới đang dựng cạnh đấy, dù đang ngây ngất yêu nhưng cả hai đều sợ trộm. Chẳng bù cho lúc còn yêu hắn, nàng cũng không thèm đóng chốt cổng. Có gì đâu mà mất, chiếc chaly cũ kỹ cà rịch cà tang của hắn chẳng ma nào thèm dòm. Nàng xách xâu chìa khóa leng keng bước ra, chẳng nói chẳng rằng và mở cổng. Hắn lách người bước qua với vẻ bất cần. Nhưng khi bỏ hai cánh cổng lại phía sau thì hắn đâm loạng choạng, hương cứu rỗi của nàng vẫn phảng phất đâu đây... Hắn chợt nhận ra một điều, tối nay hắn làm nhiều chuyện buồn cười quá. Nhưng buồn cười nhất có lẽ là chuyện hối lộ cho con Lulu miếng sườn nướng. Xem đấy, hắn ghé mắt nhìn vào song sắt hàng rào, dưới chân chiếc ghế đá cạnh bồn hoa, Lulu nằm gát mõm tư lự, thế giới ngày mai có động đất đi nữa thì nó cũng chẳng hề gì, huống chi chuyện cô chủ có người yêu mới...

 

@

           

Hắn nheo mắt lại và nằm quay ngoắt đi vì bị ánh nắng ban mai chiếu rọi sổ sàng vào mặt qua kẽ hở của mái nhà. Bên ngoài, mặt trời bắt đầu lên cao. Hắn thấy nặng đầu quá và chợt nhớ mình bị cảm từ tối hôm qua. Hắn lặng im nghe lũ chuột rúc rích đàng góc tủ, phòng trọ vừa vặn tám mét vuông bỗng rộng thênh thang... Miệng đắng, bụng đói cồn cào nhưng hắn vẫn còn tiếc những giấc mơ. Những giấc mơ chỉ ào ạt tràn về khi hắn thấy cay đắng, cô đơn. Đúng hơn đó là sự quay về của tiềm thức. Chỉ có tiềm thức mới làm người ta bần thần như thế, nuối tiếc như thế. Hắn bần thần về những cánh đồng mênh mông, thơm nứt mùi rạ mới sau mùa gặt ; bần thần với buổi cơm rau dưa ngọt ngào của mẹ mà không cao lương mỹ vị nào thay thế được ; bần thần với  ký ức không mặc quần mà đội thúng chạy nghịch ngợm giữa làng ở tuổi lên tám, lên mười vắt vẻo lưng trâu suốt ngày của hắn... Hắn nuối tiếc vì những giai đoạn phát tiết thông minh đến ngỡ ngàng của hắn suốt ba năm ngồi ghế trường đại học ; nuối tiếc về sự không giấu diếm lòng ngưỡng mộ trong tình yêu với nàng ; nuối tiếc vì những đồng tiền làm ra ào ạt quá sớm để rồi không biết phải đi đâu về đâu...

 

Sự bần thần, nuối tiếc này chỉ có được khi báu vật của hắn không còn. Báu vật của hắn là nàng. Ngày hắn khám phá ra nàng là ngày thế giới được thu lại trong lòng bàn tay. Biết điều này, bạn bè hắn bảo, không được dốc hết tiền cho một canh bạc. Nhưng hắn không ngần ngại bởi nàng tuyệt vời quá đỗi. Những trò phù phiếm của hắn ngày chưa có nàng dần dà biến mất. Hắn không còn vào quán rượu một mình với một đống tiền, không còn bấm máy lia lịa để mời gọi những người tình hờ đến cùng uống rượu và nép vào ngực hắn hát tình ca. Nàng cho hắn một tình yêu ngọt ngào không tưởng, mỗi lời nàng rót vào tai hắn là mật, là hoa. Nàng là con gái nhà giàu, thông minh, xinh đẹp, giỏi giang. Nhưng quan trọng nhất là trong tình ái, nàng biết nhận và biết cho. Những ngày đầu mới chia tay nàng, nhiều đêm hắn áp mặt vào gối khóc như một đứa trẻ. Hắn nhớ đôi môi nàng mọng đỏ, nhớ da thịt nàng mượt mà, nhớ nụ cười nàng làm hắn mất hết giang san. Hắn không cần biết đứa người yêu mới của nàng có làm ra nhiều tiền như hắn trước kia không, có cung phụng nàng như hắn đã từng cung phụng nàng như một nữ hoàng không. Điều hắn cứ băn khoăn mãi như một đứa trẻ không bao giờ hiểu bài là, có thật là nàng không còn yêu hắn không. Lẽ nào chỉ vì lý do sau hai năm yêu nhau, nàng phát hiện ra chuyện hắn bỏ năm cuối đại học để lao vào những phi vụ làm ra tiền, mà nàng đành dứt bỏ hắn thẳng tay? Lẽ nào nàng cố tình không hiểu những gì hắn mang đến cho nàng suốt hai năm trời qua là những nỗ lực hết mình của hắn về tinh thần lẫn thể xác?

 

Lẽ nào, như lời nàng nói, cha nàng chỉ chấp nhận một chàng rể có bằng cấp, học vị? Lẽ nào, vâng, đôi khi ý tưởng này vẫn chấp chới loanh quanh, thời làm ra tiền ào ạt của hắn đã đi qua, mấy cái hợp đồng vẽ vời con con mà thảng hoặc hắn mới nhận được sau này đã khiến cho nàng thấy tương lai mịt mù, xa xôi quá... Vâng, lẽ nào... Hắn đã thanh minh thanh nga với nàng một vạn lần là, hắn còn trẻ, chỉ mới hai mươi bốn tuổi, hắn có thể bắt đầu lại mọi thứ nếu như nàng muốn, cha nàng muốn. Nàng nhìn hắn ơ hờ như đang xem một vỡ kịch đã được xem đi xem lại đến hàng chục lần... Và thế là bye bye.

 

Nỗi tự kiêu của thằng đàn ông hảo hán trong hắn không khiến hắn tìm hiểu làm chi về cái đứa người yêu mới của nàng. Tình yêu đã trôi tuồn tuột trong tay hắn. Hắn không nhớ là hắn đã tặng nàng bao nhiêu hoa hồng. Chỉ nhớ vào dịp sinh nhật lần thứ hai mươi hai của nàng, hắn mua cho nàng một rừng hoa hồng và nàng đã chịu ngồi mẫu khỏa thân giữa rừng hoa hồng ấy cho hắn vẽ. Tay hắn run lên trong từng nét vẽ, tim hắn đập loạn xà ngầu bởi vì hắn đang nghĩ đến một sự hóa thân... Nàng không biết nhiều về hội họa nhưng tỏ ý thất vọng não nề trước bức tranh hắn vẽ nàng khỏa thân. Nàng bảo, chỉ có những ý tưởng tà đạo mới vẽ nàng nhem nhuốc, buồn cười đến thế. Ban đầu thì hắn cũng giả vờ nóng mặt, sau đành thú nhận, chuyện chạy hết show này đến show kia sau ngày bỏ học đã khiến hắn trở thành thợ vẽ từ lâu rồi... Tiếng gõ cửa phòng dè dặt lôi hắn ra khỏi những ý nghĩ về nàng. Không cần mở cửa, hắn cũng biết đấy là ai. Hắn đáp từ thờ ơ:

            _ Mời vào!

            Người con gái bước vào không đẹp nhưng dung dị, đằm thắm, dễ nhìn. Cô đặt trên bàn một tô phở nghi ngút khói:

            _ Anh ngồi dậy ăn một chút rồi uống thuốc.

            Hắn lừ đừ ngồi dậy, nhíu mày theo thói quen:

            _ Lần sau, Mơ đừng làm thế nữa nhé!

            Cô gái tên Mơ ngập ngừng:

            _ Em không lo cho anh thì ai lo bây giờ?

            _ Cảm ơn...

            Hắn định bảo, không muốn làm phiền người không liên quan đến mình. Nhưng thật tình, ở thành phố lớn này bây giờ, ngoài Mơ ra, chẳng còn ai quan tâm đến hắn như là cô đã từng quan tâm đến hắn bao nhiêu năm qua. Ngày còn được nàng yêu, hắn cũng chưa bao giờ được nàng quan tâm như thế. Đôi ba lần, Mơ tưng tửng chăm sóc hắn khi có mặt nàng ở phòng trọ, hắn đã khó chịu ra mặt :” Cô đừng làm thế nữa nhé, tôi tự lo được mà!”. Nàng cười cười :” Được người đẹp phục vụ thế đã là vua!”. Hắn điên tiết lên vì nàng đã không có được sự ghen tuông thường tình. Càng điên tiết hơn khi hai đứa con gái cùng xuất hiện mà không ai thèm nói với mặt ai. Thậm chí sau đó, khi chỉ còn hai người với nhau, nàng cũng chẳng bao giờ hỏi han về Mơ. Chính điều này, đôi khi đã gợn lên trong hắn sự nghi ngờ về tình yêu của nàng dành cho hắn. Nhưng mọi thứ đều bị đánh tan bởi nàng xinh đẹp thế kia, yêu kiều thế kia... Hắn nhìn Mơ thương hại:

            _ Hôm nay có bán hàng không?

            Cô gái ngồi sẻ sàng bên hắn:

            _ Hàng hôm nay hết sớm. Có xôi gấc đấy, anh thích ăn không?

            _ Bảo hết rồi thì còn gì mà ăn?

            _ Em có phần cho anh một gói. Anh thích xôi gấc lắm, đúng không?

            Mơ ngước lên nhìn hắn âu yếm, hắn nhìn la đà sang chỗ khác. Chịu, hơn sáu năm rồi, kể từ ngày chân ướt chân ráo về thành phố học đại học, chưa bao giờ hắn cảm thấy yêu Mơ. Ký ức những ngày đầu hắn được Mơ đỡ đần chỉ lướt qua như cơn gió thoảng. Thuở ấy, Mơ cũng mười tám tuổi nhưng tảo tần và từng trải. Đơn giản vì cô là đứa trẻ mồ côi, tuổi thơ của cô gắn liền với chén cơm-manh áo của trẻ em đường phố. Sống có nghị lực, Mơ không bị lôi kéo bởi những trò bể dâu. Ngày Mơ tròn mười sáu tuổi, từ giả công việc bế em, giặt giũ cho một nhà giàu, cô được làm chủ một gánh xôi. Đó là nhờ bà chủ thương tình tặng cho số vốn.

 

Ban đầu, Mơ kể cho hắn nghe vậy. Nhưng sau thân tình rồi, đôi khi cô vẫn bảo đó là kế “điệu hổ ly sơn” của bà chủ hay ghen, dùng số tiền nhỏ cách ly con bé mười sáu tuổi mơn mởn dậy thì trước một ông chồng đa cảm, đa tình vẫn hơn. Những lúc Mơ kể như thế, hắn chỉ cười rồi đưa một ngón tay xoắn xoắn mái tóc dài của cô một cách nghịch ngợm. Hắn tự cho mình cái quyền bao dung trước cô gái từng là trẻ em đường phố. Với hắn, chuyện Mơ có bị người đàn ông nào xúc phạm chưa, không là điều quan trọng. Mà quan trọng là, cô đang sống lương thiện và tự do. Nhưng chưa bao giờ hắn nghĩ đến chuyện yêu một cô gái từng là trẻ em đường phố. Người yêu bây giờ và vợ tương lai của hắn phải khác kia... Bằng chứng là nàng và Mơ thuộc hai đẳng cấp khác nhau đến ba lần bắn của một tên lửa hiện đại.

            _ Anh nghĩ ngợi gì lung tung vậy, ăn phở đi kẻo nguội hết bây giờ!

            _ Mơ lấy dùm tôi một chiếc khăn ướt được không?

            Người con gái phục tùng hắn vô điều kiện bao nhiêu năm lẳng lặng làm công việc hắn yêu cầu. Cô làm thoăn thoắt và khéo léo. Nếu có mặt má hắn ở đây, bà sẽ bảo:” Được à, kiếm đâu ra đứa đảm đang vậy con?”. Nàng cầm chiếc khăn ướt cúi xuống định lau mặt cho hắn nhưng hắn khó chịu gạt ngang:

            _ Không cần đâu, tự tôi làm cũng được.

            Nhắm mắt lại, đưa chiếc khăn nóng lên lau mặt, hắn cảm thấy sảng khoái lạ kỳ. Chợt láng máng trước mặt hắn đôi bầu vú trinh nữ của Mơ mà hắn đã bắt gặp khi cô cúi xuống lúc nảy trong chiếc áo rộng cổ tròng trành. Lần đầu tiên hắn thấy Mơ đẹp và muốn nói một chút gì với cô.

            _ Trưa nay anh thích ăn gì?

            Hắn cười một cách thoải mái:

            _ Tôi cũng có tiêu chuẩn nữa sao?

            Mơ cười quả quyết:

            _ Em là “mái ấm” của đứa con trai đường phố là anh mà!

            Đúng là hắn cũng từng sống ở vỉa hè, đường phố dạo mới về thành phố học hành, không có một xu trong túi lấy tiền đâu thuê ký túc xá ở. Dưới quê, má hắn tha thiết dặn dò:” Con ráng cực khổ một vài tháng đầu, má sẽ kiếm cách xoay tiền cho con”. Mơ đã dang tay đón hắn một vài tháng đầu này dưới gầm cầu thang một chung cư, đấy cũng chính là “tệ xá” của cô vào những ngày đầu cô mới ra riêng lập nghiệp. Bây giờ cô đã khá hơn nhiều nên cũng thuê được phòng trọ như hắn. Nhưng phòng trọ của cô không hoang tàn, bẩn thỉu như phòng trọ của hắn. Nơi ấy có bếp lửa và giọt mồ hôi tảo tần của người bán hàng rong. Một lần nữa, hắn lại nhìn Mơ thiện cảm:

            _ Mơ cho gì tôi ăn nấy.

            Cô gái vui vẻ như bắt được quà:

            _ Thế nhé, bây giờ em đi chợ đây!

            Hắn chợt sững ra vì một điều gì đấy nên gọi:

            _ Này Mơ... Cô chịu khó nấu dùm tôi chút cháo trắng nhé!

            Cô gái hồn nhiên:

            _ Anh ăn cháo trắng với cái gì?

            _ Cháo trắng thôi, có chút việc...

            Cô gái nhíu mày nhìn hắn rồi nhún vai đi thẳng, hơi đâu, hắn bất thường từ ngày đầu tiên cô gặp hắn lang thang, rã rời trong công viên kia...

 

@

 

Mơ bảo với hắn đây là đêm tân hôn của cô. Hắn không chịu để cô báo tin cho ai, cũng không chịu mở cả tiệc tùng để kỷ niệm ngày hai người chính thức về sống chung với nhau. Mơ cũng đồng ý nhưng giao một điều kiện: cô không phải nấu cháo trắng cho hắn vào mỗi buổi chiều thứ sáu hàng tuần nữa. Hắn ậm ừ rồi tảng lờ đi, tính hắn như vậy, có nghĩa là có thể đồng ý mà cũng có thể không. Lúc Mơ đang loay hoay nấu nướng cho buổi tiệc “ra mắt” của hai người thì hắn leo lên giường ngủ khò. Hắn nằm mơ. Lại không phải mơ, đó là sự trở về của tiềm thức. Hắn với con trâu còi dong ruỗi trên đồng giữa cơn nắng chói chang. Đi ngang qua một đầm nước, con trâu đâm sầm xuống, kéo theo cả hắn. Hắn uống một bụng nước bùn no nê nhưng vẫn khoái trá cười hả hê, bỏ mặc con trâu dưới đầm, hắn leo lên bờ, tuột chiếc quần ướt ra, rồi cứ thế, chạy nhong nhong về làng. Bọn trẻ trong làng thấy lạ, nối nhau chạy rồng rắn theo sau hắn. Đầu hắn chợt nảy ra ý nghĩ, tại sao người ta cứ phải che chắn một cái gì đó theo ý chung mà không theo ý thích của mỗi người. Hắn cảm thấy thế giới này chật chội quá và thích với kiểu không mặc gì của mình. Chạy ngang một đụn rơm cao ngất, tiện tay, hắn vơ chiếc thúng của ai đó bỏ quên bên đụn rơm và úp vào mặt và tiếp tục chạy. Bọn trẻ chạy sau reo hò inh ỏi và làm theo tất tần tật...

 

Tiếng xào nấu thức ăn của Mơ làm hắn giật mình tỉnh dậy. Hắn ngơ ngác nuối tiếc giấc mơ. Không phải mơ. Ngày xưa ở tuổi lên tám, lên mười, hắn từng nổi tiếng với trò không mặc gì mà chạy nhong nhong khắp làng như thế. Và má hắn đã đét không biết bao nhiêu vết roi trên mông hắn vì trò chơi quái gỡ này. Khi má hết giận, đêm hắn ôm cổ má, hôn má nồng nàn :” Má ơi, con nói thiệt mà, được sống như mình nghĩ mới thật là thích, mát lắm má à, có con gì cắn cũng không phải cởi...”. Má lại đánh chát vào mông hắn :” Thằng nhỏ này bệnh hoạn quá nè! Thôi bỏ trò này nghen con!”. Tội nghiệp, má hắn là cô giáo trường làng, đói cho sạch, rách cho thơm, má xấu hổ cực kỳ khi có đứa con trai duy nhất mà trái tính trái nết như hắn. Sau bao nhiêu năm, hắn lại nghĩ đến tình yêu theo kiểu của mình. Chán chê tình yêu kiểu hoa hồng, hắn chuyển sang tình yêu kiểu lá đa, những chiếc lá đa đổ đầy cháo trắng trên bậu cửa sổ phòng nàng.

 

Hắn yêu thương và hận thù nàng đến mức làm mỗi công việc leo ra leo vào hàng rào nhà nàng mỗi tuần một đêm thứ sáu mà không chán. Nàng cũng kiên cường và lạnh băng như nước đá, tuyên chiến với cả những chiếc lá đa đựng cháo dành cho người cõi âm. Nàng biết tất cả hành tung buồn cười của hắn nhưng không thèm chấp. Vẫn bình tâm ngồi thủ thỉ với đứa người yêu mới dưới hàng ngọc lan ngát hương... Rồi cách đây mấy ngày, khi  chính thức đề nghị Mơ về sống chung, hắn mới ngộ ra một điều: hắn đang là người nghèo nhất thế gian, hắn chẳng lo được gì cho Mơ cả, suốt cả mấy tháng trời nay, Mơ lo cho hắn bằng tiền lời gánh xôi thập cẩm. Công việc trong các dịch vụ vẽ vời, quảng cáo, làm trung gian mua bán bất động sản... của hắn bây giờ cũng lúc có lúc không khiến hắn đâm chán chường, buông xuôi.  Dẫu thế nào thì Mơ vẫn sung sướng mà lo lắng, sung sướng mà hy sinh cho hắn. Tiền bạc của hắn trước kia đã là chiếc xe và những trang sức đắc tiền của nàng, đã là những chuyến du lịch liên tu bất tận nước này nước kia cùng nàng... Rốt cuộc, hắn cũng chẳng sắm sửa gì được cho hắn, đến nỗi, có lúc nàng đã thốt lên :” Định ở nhà trọ suốt đời à?”.

 

Nằm nghĩ miên man đến mỏi nhừ cả lưng, hắn cũng không buồn ngồi dậy. Hắn xoay người, quay mặt vào tường, nghe mùi chăn chiếu mới thơm thơm... Mơ đã chuẩn bị thật chu đáo cho đêm tân hôn của cô. Hắn bỗng nghe lạnh toát từ sống lưng. Hắn thấy mình phiêu lưu quá. Hắn chưa bao giờ yêu Mơ. Bằng chứng là hắn không cam kết chuyện không nhờ cô nấu dùm nồi cháo trắng mỗi chiều thứ sáu nữa. Mơ có biết mình nấu cháo làm gì không? Cũng chưa bao giờ cô hỏi hắn dùng cháo vào việc gì suốt mấy tháng trời. Nhưng có lẽ là cũng biết tỏng tòng tong bởi trước Mơ, hắn chưa bao giờ giấu giếm chuyện yêu nàng. Mặc, Mơ có biết hay không biết gì cũng mặc. Bởi cả thế giới này biết rằng trước kia và bây giờ, hắn vẫn yêu nàng. Còn việc chấp nhận về sống chung với Mơ là chuyện khác. Điều khiến Mơ yên tâm là không thấy hắn đi cùng nàng nữa, hắn đã mất trắng nàng mấy tháng nay... Hắn tiếp tục lim dim nghĩ đến chuyện ngày xưa chạy truồng nhong nhong giữa làng và chợt ngớ ra một điều, tại sao hắn úp thúng lên đầu chạy mà vẫn không ngã giữa những đường ruộng ngoằn ngoèo thế kia... Mặc cho hắn đang nghĩ gì và làm gì, Mơ vẫn  tắt hết đèn và thắp nến lên. Bao nhiêu thức ăn đã được dọn lên bàn. Chứng kiến lễ cưới của cô đêm nay còn có chú mèo có bộ lông màu xám tro của bà chủ nhà trọ. Mơ tự sửa sang cho mình, cô xúng sính trong bộ áo voan màu hồng nhạt... Tiệc tàn, hắn bế cô dâu lên mà gọi tên nàng, chú mèo còn nán lại gặm xương dưới gầm bàn rên lên grừ grừ một cách khoái khẩu...

 

@

 

Hắn trở lại quê nhà sau gần ba năm xa cách, nói rõ hơn đó là khoảng thời gian bắt đầu từ lúc hắn quen nàng, yêu nàng và bị nàng từ chối. Quê nhà hắn có nhiều đổi thay, nhà xây nhiều hơn, con gái làng xinh xắn hơn, con trai làng vạm vỡ hơn. Như thế có nghĩa là, đời sống của người làng đã khá hơn. Nhưng ngôi nhà từ đường đợi hắn về nhang khói đã mục rệu rã theo thời gian. Những câu hoành, câu đối, kèo cột, rui mè... cũng nghiêng theo dáng nhà và rơi lấm tấm bụi gỗ do bọn mối mọt thải ra. Lối vào vườn nhà hắn vẫn muôn đời xưa cũ, đám rau má và dấp cá quấn quýt xanh um dưới chân người. Hai hàng cau xanh mút mắt rơi lả tả từng chùm hoa trắng tinh khiết mùi thời gian. Má dang tay đón hắn từ thềm ba nhà trước, vẫn mùi trầu cay thơm thơm từ hơi thở của má:

            _ Sao tới bây giờ con mới về? Bộ ở nước ngoài không có tiền mua máy bay bay về thăm má sao con?

            Hắn ngập ngừng, tiếp tục nói dối:

            _ Con bận học nhiều lắm má à. Má có khoẻ không?

            Đôi bàn tay cứng như gọng kềm của hắn giữ lấy bờ vai mỏi mòn của má. Hắn nhìn kỹ hơn, mới có ba năm thôi mà má đã già hơn hắn tưởng nhiều. Năm nay, người phụ nữ tròn sáu mươi trước mặt hắn đã nhạt nhòa nét thời gian. Hắn chợt giật mình nghĩ ra điều, chưa bao giờ hắn có ý định họa hình má. Ngày xưa, khi phát hiện ra khiếu vẽ của hắn ở lớp ba trường làng, đêm đêm má ôm hắn vào lòng:” Mai mốt con vẽ giỏi có vẽ hình má không nè?”. Hắn phụng phịu :” Không, con vẽ rồng, vẽ sư tử...”. Má vờ giận dỗi :” Vậy là con thương rồng, thương sư tử hơn má sao?”. Hắn rúc mặt vào ngực má cười rúc rích. Thời gian đi không đợi, má già tự lúc nào mà hắn chẳng hay... Đôi mắt bồ câu xinh xinh ngày xưa của má đã hằn chi chít vết chân chim. Đôi môi cười tươi tắn ngày nào của má đã trễ xuống hai bên cằm những nét buồn... Má dọn cho hắn  bữa cơm chiều thật ngon, canh rau má nấu với cá rô đồng và dưa mắm trộn tỏi ớt, thịt luộc. Má không ăn mà chỉ ngồi nhìn hắn ăn. Hắn hỏi huyên thuyên chuyện xóm làng.

 

Cái mô đất ngày xưa tụi con hay leo lên đó thả diều còn không má. Người ta san ra chuẩn bị mặt bằng làm sân golf rồi. Golf gì ở làng quê mình má. Trời, đất vàng con ơi. Khu công nghiệp lan tới miếng ruộng hình tam giác chó chê mèo gặm của nhà mình rồi, miếng ruộng mà ngày xưa con xúi má đổi lấy con nghé vàng của ông Sáu Rạo đó, nhớ không. Năm sào ruộng nước của nhà mình còn không má. Còn, má mà bán mất thì lấy gì sống, để làm của hồi môn cho vợ con mày sau này nữa chớ. Con nhỏ Kiều Oanh lấy chồng chưa má. Người ta hai con rồi, ở đó mà chờ mày. Nó có hay hỏi con không. Chồng con rồi hỏi mày làm chi nữa, để thằng chồng phát ghen lên, nó đánh cho mà suông dịch. Hắn cười tủm tỉm nhớ chuyện ngày xưa. Mười sáu tuổi mà hắn vẫn nghịch trời thần đất lỡ. Kiều Oanh là cô bạn học xinh nhất lớp và ái mộ hắn nhất làng. Chẳng vì hắn học giỏi, đẹp trai mà vì những trò đầu têu thông minh của hắn. Có một buổi chiều mưa, hắn lại chơi trò chạy truồng nhong nhong giữa đám bạn trai nghịch ngợm, biết chuyện, Kiều Oanh xấu hổ, không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt hắn suốt một năm trời... Đưa chén cho má xới thêm cơm, hắn bỗng thấy mình chột dạ, má không hỏi gì về chuyện hắn “đi học ở nước ngoài” ba năm qua. Hắn ởm ờ:

            _ Con học ở nước ngoài căng thẳng lắm má à, không có thời gian về thăm má, nói chi đến chuyện vợ con...

            Về thăm má? Hắn “hớ” rồi, ai mà “sang” tới mức đi đi- về về nước ngoài- nước trong như đi chợ vậy. Tốt hơn hết là không nói chuyện “nước ngoài” nữa, hắn không có tài nói dối. Hắn buông chén đũa xuống lởi xởi:

            _ Để con dọn dẹp, rửa chén cho má à...

            _ Thôi khỏi, để má dọn, con đi một vòng thăm hỏi bà con xóm làng dùm má.

            Ra đến đầu ngõ, hắn mới nhớ là phải quay vào lấy kẹo cho đám trẻ nhà bên cạnh. Bóng má còm cỏi ngồi ăn một mình trên vách khiến hắn thấy cay cay hai mắt. Má lúc nào cũng thế, chồng con ăn trước, má ăn sau cho phải đạo tam cương - ngũ thường...

 

@

           

Về quê đúng hai ngày, hắn lật đật trở lên thành phố. Mơ bị bệnh hiểm nghèo, cô cần tiền để mổ. Hắn tìm về  má để hỏi tiền vì không còn cách nào khác và hắn tin rằng, má còn tiền. Hắn nói dối là cần tiền làm ăn. Ngày còn làm được nhiều tiền, hắn đã không quên gửi về cho má, năm bảy lần chi đó nhưng dường như là không ít. Mà không ít thật, buổi sớm nay, má đã thức dậy đi chợ sớm và gửi cho hắn bức thư trước khi hắn lên đường...

            Má gửi cho con hai gói tiền. Một gói tiền vừa xấu xí, vừa trị giá thấp. Đó là số tiền ba triệu đồng mà má chắt mót từ ba năm qua bằng chính sức lao động của má. Con thấy không, gói tiền quá nhiều tiền lẻ, lại còn dính những mủ của các loại rau quả và trái cây vườn nhà. Con đã lớn lên và trưởng thành nhờ những đồng tiền xấu xí này. Nhưng khi cầm trong tay những đồng tiền đẹp của gói thứ hai thì con quên mất nó và má. Bởi con làm ra những đồng tiền đẹp này quá dễ dàng, dù bằng chính sự sáng tạo của con, sự sáng tạo vội vàng và có thể chết bất cứ lúc nào nếu con bị vấp ngã vì một điều gì đó. Má đã biết con bỏ học năm cuối vì không đủ nghị lực, vì để chạy theo những giá trị phù phiếm của cuộc đời. Má đã biết  cuộc sống không bình thường của con suốt ba năm qua ở thành phố với một mối tình đầy mộng mị. Nhưng má vẫn bình tĩnh chờ ngày con gượng dậy và đứng lên, nếu má không tin vào con trai của má thì má biết tin ai bây giờ.  Con đang ngạc nhiên về những điều má đang nói phải không. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, suốt  ba năm qua, cô gái mồ côi ấy đã tìm về quê để nói với má những điều cần nói về con. Và má cũng biết là lúc này, cô ấy đang nằm trên giường bệnh chờ con. Không có điều gì khiến con phải khó chịu hay  buồn phiền, đơn giản là cô ấy yêu và lo lắng cho con... Tiền con gửi về cho má suốt ba năm qua vẫn còn  đây. Ba mươi triệu đồng mới nguyên. Dù ngôi nhà từ đường của mình đang rất cần được sửa chữa nhưng suy đi tính lại, má vẫn thấy không có lý do gì để chi dùng nó. Bởi đây là những đồng tiền con làm ra từ sự nông nổi nhất thời, con phải trả giá quá đắt vì nó. Má chờ ngày con mang về cho má mảnh bằng tốt nghiệp đại học, chứ không chờ tiền. Má trả  nó lại cho con để nhắc nhở con đã một lần không xứng đáng là con của má. Dưới suối vàng, có lẽ cha con cũng đồng ý với cách nghĩ này của má. Riêng  số tiền nhỏ nhoi do má kiếm được từ ruộng vườn nhà mình, con có thể chi dùng cho bệnh tật của cô gái tốt ấy mà không áy náy điều gì...

           

Bà giáo làng là má, là người thầy đầu tiên trong hắn ngày xưa ấy bỗng trở về với cặp kính trắng trên sóng mũi và những trận đòn “quân pháp bất vị thân” mỗi khi hắn ham chơi, không học bài... Mặt trời đã lên cao hơn ngọn đa đầu làng, sãi những bước dài và chắc nịch về phía bến đò, hắn sẽ là người sang sông đầu tiên trong ngày...

 

@

 

Cô y tá trực báo, Mơ trốn viện từ tối hôm qua. Cô trẻ người non dạ còn bảo thêm, chắc là biết mắc bệnh nan y nên chị ấy không muốn làm phiền người nhà. Người nhà? Lần đầu tiên hắn nghĩ về Mơ bằng một tâm trạng se sắt cõi lòng. Hắn nghĩ về Mơ với những cơn đau mà cô phải chịu đựng một mình trong hơn một tháng qua, tay chân hắn rịn mồ hôi và lạnh ngắt. Mơ là người của đường phố, cô đi đâu bây giờ nếu không có hắn bên cạnh để là bến là bờ? Hắn bước lừng khừng ra cổng bệnh viện và nhìn bốn phương tám hướng tìm bóng dáng Mơ...

 

Bằng mọi giá, hắn phải phát tin lên đài để tìm cô. Mơ ở đâu, về gấp, mọi lỗi lầm... Không phải, em ở đâu, về gấp, tôi đã dành cho em một lá đa. Chiếc lá đa hắn hái tận quê nhà, hái một cách đường hoàng, đĩnh đạc chứ không phải hái trộm trong chùa. Một lần nữa, hắn nghe sống lưng mình lạnh toát vì chợt phát hiện ra điều: cái “sướng” của mỗi tối thứ sáu đi đổ cháo vào lá đa trên bậu cửa sổ nhà nàng không phải là cái sướng của người được đi gieo rắc tai ương cho người khác, mà là đỉnh cao của người đàn ông đã tìm được một người nội trợ cho riêng mình... Em ở đâu, về gấp, tôi đã dành cho em một lá đa...

Thu Trân
Số lần đọc: 2766
Ngày đăng: 11.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông Năm Cải Tạo - Nguyễn Hồ
Miền cỏ bên đời - Nguyễn Thị Thu Hiền
Bản giao hưởng định mệnh - Linh Phương
Lục bình - Nguyễn Thành Nhân
Mối tình xưa - Nguyễn Thành Nhân
Hồn phố - Trương Thái Du
Có đi và đến .... - Thu Trân
Cổ Tích Thời Nay - Nguyễn Nguyên An
Những mảng màu sáng tối - Ngô Thị Hạnh
Thầy Thi - Hồ Tĩnh Tâm