Năm 1954 tháng Tám, từ kháng chiến trở về, thày tôi cho tôi đi xem hội Đền Đồng Xâm thờ Triệu Đà. Đường đi khá xa, phải qua hai con đò mà sau này tôi biết là Hạ Đồng qua sông Điêm Hộ và đò Búng qua Trà Lý. Lần đầu tiên đứa bé 10 tuổi là tôi được đi xa và thấy một cảnh đền nguy nga sầm uất thế.
Hai chục năm sau, là kỹ sư bảo quản lương thực, tôi đến nhiều kho lương thực của tỉnh Thái Bình để diệt mối trừ mọt. Tôi gặp lại Đền Đồng Xâm lúc này là một kho thóc thuộc Phòng Lương thực huyện Kiến Xương. Anh Tô Nhì, bộ đội đánh Pháp làm phó phòng đưa tôi đi thăm những kho thóc. Lúc này Triệu Đà đã thành tên giặc Tàu xâm lược, hội Đồng Xâm bị cấm. Đứng trên kho thóc cao, anh Tô Nhì với tay bẻ lấy đôi sóc vờn chùm nho trên tấm rèm gỗ chạm lộng rồi quay ra vặt râu một pho tượng mặt hồng hào, tôi không hiểu là tượng vị thần thánh nào. Bắt chước người cựu chiến binh Điện Biên Phủ, tôi cũng bẻ một cái gì đó nho nhỏ làm đồ chơi, nhưng cái chính là thể hiện lòng căm thù giặc Tàu xâm lược!
Sau này không biết từ bao giờ và từ đâu, tôi ngộ ra, Triệu Đà bị hiểu sai một cách tệ hại. Tôi quyết định viết một cuốn tiểu thuyết để làm sáng tỏ điều này. Nhưng khi bắt tay vào việc, tôi nhận ra kiến thức cổ sử của mình thiếu hụt đến thảm hại. Không cách nào khác, phải học lại từ đầu. May sao, một anh bạn cho tôi mượn mấy tập sách trong bộ Triết lý An vi của giáo sư Kim Định. Tôi đọc say mê và trong tôi gần như xuất hiện trạng thái đốn ngộ: Tôi học được cách nhìn khác về quá khứ! Cũng lúc này may sao tôi gặp trên mạng bài viết của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh về văn minh của người Việt, một chuyên khảo tràn đầy cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc. Nhưng rồi, điều khiến tôi sửng sốt run lên sung sướng lại là bài báo nhỏ trong mục Y khoa& Khoa học trên báo Đại Chúng xuất bản bên Mỹ. Với giọng trửng giỡn, bài báo cho biết, người Hán không phải là con trời mà là con cháu những người từ Đông Nam Á đi lên. Như mặt trời mọc lên giữa đêm, dòng tin nhỏ làm thay đổi toàn bộ quan niệm trước đây về tiền sử Đông Nam Á.
Tiếp tục truy tìm tài liệu theo hướng đó, may mắn sao, tôi gặp bài viết Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam của ba tác giả Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đức Hiệp. Đấy là lần đầu tiên tôi được đọc Cung Đình Thanh. Tiếp đó tôi được đọc nghững công trình về văn minh đồng, về gốm Việc cổ của Ông. Dần dần tôi biết được cuộc đời truân chuyên của Ông. Từ hoàn cảnh nghiệt ngã của mình, Ông chọn một con đường riêng để phụng sự Tổ Quốc. Đấy là tìm lại cội nguồn cùng văn hoá của tổ tiên. Tôi đọc Ông với lòng kính trọng bởi kiến thức sâu rộng, chính xác và tôi yêu Ông bởi mối tình cảm sâu nặng Ông dành cho Dân Tộc.
Là người hậu sinh bơi ngược thời gian tìm về nguồn cội, tôi được lợi rất nhiều từ Ông. Tôi vô cùng biết ơn. Trong thâm tâm, tôi mong ước rằng, đến một ngày nào đó, Ông cùng nhóm Tư Tưởng của mình đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lớn là tập hợp những người Việt nghiên cứu về giai đoạn tiền sử để cùng làm được điều gì đó cho Dân Tộc đáng thương của chúng ta.
Nhưng rồi sáng 26/4, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Úc báo tin “Anh Cung Đình Thanh đã qua đời ở tuổi 73”. Tuổi 73 định mệnh nhưng tuổi 73 cũng vào hàng xưa nay hiếm. Tôi nghĩ rằng, trước khi từ biệt cõi vô thường, Ông cùng bạn bè được hưởng phúc lớn, hơn mọi thế hệ đi trước là biết được và xác tín về CỘI NGUỒN TỔ TIÊN VÀ CỘI NGUỒN VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI VIỆT. Chính vì vậy, lúc này đây Ông đang mỉm cười trong cõi vĩnh hằng.
Bài viết nhỏ này là nén tâm nhang thắp viếng Ông.
Sài Gòn, 30.4.2006