Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.076
123.233.597
 
Côn đảo từ góc nhìn lịch sử
Nguyễn Đình Thống

Sau 55 phút bay từ Vũng Tàu hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ đặt chân lên sân bay Cỏ Ống. Xe đã chờ sẵn để đưa bạn về trung tâm thị trấn. Những cảm giác bồng bềnh của trời mây sẽ tan biến khi bạn hòa nhập vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ngay trên con đường quanh co bên sườn núi, soi bóng dưới vịnh Cỏ Ống biếc xanh.

 

Măc dầu vậy, phần lớn du khách vẫn thích đến Côn Đảo bằng tàu thủy. Tàu nhổ neo lúc chiều tà, hoàng hôn đổ bóng trên giàn cọc đáy lặng lẽ bên hàng dừa Bãi Trước (Vũng Tàu). Bình Minh vừa hé lên, tàu cặp bến Côn Đảo.

           

Cách Vũng Tàu 97 hải lí, Côn Đảo gồm 16 hòn đảo, sừng sững trấn giữ vùng biển Đông Nam của Tổ quốc với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển, của rừng. Nằm trên tọa độ 8o47'57'' vĩ độ Bắc, 106o36' kinh độ Đông, tổng diện tích là 76,71 km2, quần đảo mang tên hòn đảo lớn nhất: đảo Côn Lôn với tên thường gọi là Côn Đảo.

           

Côn Đảo từng nổi tiếng là "địa ngục trần gian" ở xứ Đông Dương, song những ai đã một lần đặt chân đến đều không sao quên được vẻ đẹp say mê lòng người, những cảnh sắc kỳ thú của biển trời, đồi núi, rừng cây, bờ bãi mà thiên nhiên ban tặng. Một rặng vông đỏ rực soi bóng trên bãi Đầm Trầu, một bầy Vích con bò lổm ngổm trên bãi cát trước thung lũng Hòn Cau, một đợt sóng trào sôi ập vào cửa Đầm Tre giữa mùa gió chướng đều có thể đưa con người đắm chìm vào thiên nhiên với những cảm giác hùng vĩ, mênh mang và sâu lắng. Mười sáu hòn đảo quây quần bên nhau giống như một hạm đội tiền tiêu canh giữ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

*

 Nhà tù Côn Đảo được thiết lập theo Nghị định ngày 1-2-1862 của Đô đốc Bonard để giam những người yêu nước, chống Pháp. Trung úy Félix Roussel được chỉ định làm Chỉ huy trưởng quần đảo kiêm Quản đốc đầu tiên của Nhà tù Côn Đảo.

             

Trong hơn nửa thế kỷ đầu, nhà tù Côn Đảo chỉ có một trại giam (Bagne NoI). Banh II được khởi công năm 1917, đưa vào sử dụng năm 1928. Banh III tiếp tục được xây dựng và được sử dụng năm 1939. Banh phụ của Banh III cùng 2 dãy Chuồng Cọp được sử dụng từ năm 1944.

Trong 20 năm sau cùng của nhà tù này, Mỹ nguỵ đã tăng qui mô từ 4 trại lên 8 trại. Trại V được xây dựng năm 1962. Trại VI, Trại VII và Trại VIII được xây dựng gần như cùng một lúc, vào năm 1968, hoàn thành cơ bản vào cuối năm 1970. Ba trại giam này được ngân sách MACCORD (chương trình viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ) chi tiền, chuyên gia xây cất nhà tù của Mỹ thiết kế và Hãng thầu Mỹ RMK- BRJ xây cất. Trại IX cũng đã được đổ móng, đúc cột rồi bỏ dở khi hãng RMK-BRJ rút khỏi Việt Nam (1972).

Trong 50 năm đầu, con số tù nhân ở nhà tù Côn Đảo biến động ở mức trên dưới 1000 người. Trong 15 năm tiếp theo, số lượng tù nhân ở đây dao động mức trên dưới 2000. Thời Pháp thuộc, nhân số nhà tù tăng lên cao nhất vào thời điểm sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940). Báo cáo ngày 15-1-1943 của nhà tù cho biết nhân số hiện hữu là 4403 người. Hàng ngàn người tù đã chết trong những năm khủng bố ác liệt này.

           

Tháng 9-1945, hơn 2000 tù chính trị còn sống sót sau những năm khủng bố trắng đã nổi dậy giành quyền làm chủ Côn Đảo và trở về đất liền tham gia kháng chiến. Gần 1000 tù thường phạm còn lại được sinh sống tự do, bình đẳng với số công chức và gác ngục. Ngày 18-4-1946 thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. Số lượng tù nhân kháng chiến bị giam giữ ở đây trung bình là 2000 người. Thời Mỹ - Ngụy, số lượng tù nhân Côn Đảo tăng dần từ 4000 đến mức 8.000 vào những năm 1967-1969 và gần 10.000 trong những năm 1970-1972.

*

 Đến Côn Đảo bằng đường thủy, di tích lịch sử đầu tiên  mà du khách đặt chân lên là Cầu tàu Côn Đảo. Cầu Tàu được khởi công từ năm 1873, mở rộng và sửa chữa nhiều lần, cho đến ngót một thế kỷ sau mới có dạng như ngày nay. Có người gọi Cầu Tàu bằng danh số 871; 914; 915 để tưởng nhớ số người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu. Những con số đó mang tính ước lệ và chắc chắn là chưa đủ.

             

Đứng trước cầu tàu, dấu ấn sâu lắng nhất đọng lại là những phiến đá. Hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu tảng đá ngổn ngang, sắp lớp theo kè ngang, kè dọc. Cụ Võ An Ninh, nhà nhiếp ảnh lão thành đã ba lần ra đảo, mê mẩn nâng ống kính trước những tảng đá. Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn kia đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù khi họ xeo chúng từ Núi Chúa về đây. Bọn gác ngục người Pháp có lối giết tù bằng lao động khổ sai. Xeo đá, tảng lớn: 12 người. Xeo không nổi, chúng đánh một trận rồi bớt ra 2 người, bắt xeo. Không nổi lại đòn, lại bớt người, xeo tiếp. Không xeo được sẽ chết vì đòn roi, xeo được thì chết vì kiệt sức.

           

Bây giờ, những phiến đá mang đầy kỷ niệm đau thương ấy bình yên soi mình trước tấm gương xanh trải rộng trong vịnh Côn Lôn, trầm lặng và kiên nhẫn. Nhiều du khách đã ngồi rất lâu trên những tảng đá ấy, đắm chìm suy tư vào quá khứ trước biển cả gợn sóng biếc xanh, đổi muôn sắc màu huyền ảo theo góc soi của trời chiều ngả dần trên Núi Chúa.

 

Vào một chiều cách đây 30 năm, ngày 27-2-1965, 57 tù chính trị trong một kíp làm khổ sai, đã đánh chiếm chiếc tàu Thương Cảng Sài Gòn số hiệu TCS.131, bắt toàn bộ nhân viên rồi đoạt canô nhỏ trở về vùng giải phóng ngay trong đêm ấy. Những gộp đá tại Cầu Tàu đã giúp họ giấu hàng chục thanh sắt nhọn để rồi chuyển lên xà lan trước giờ khởi sự.

             

Cầu Tàu từng chứng kiến niềm hân hoan của hơn 2000 tù chính trị giải phóng vào tháng 9-1945, khi chiếc canô do người thợ máy Tôn Đức Thắng cầm lái dẫn đoàn tàu thuyền của Ủy ban hành chính Nam bộ ra rước chính trị phạm Côn Đảo. Ba mươi năm sau, Cầu Tàu lại rợp bóng cờ bay, đón hơn 4000 tù chính trị giải phóng, lần lượt trở về đất liền vào tháng 5-1975. Đã có hàng chục vạn lượt tù nhân đặt chân lên Cầu Tàu trong những chuyến lưu đày. Hàng vạn người vĩnh viễn không trở về...

           

Nước Mỹ có một khu bảo tàng lớn, được xem như nếu chưa đến đó, chưa biết nước Mỹ. Hiện vật duy nhất còn lại là một viên đá mà người da trắng đầu tiên đã đặt chân lên lục địa này từ vài thế kỷ trước. Cầu Tàu lịch sử có hàng triệu tảng đá có thể làm nên những bảo tàng như vậy.

*

Cạnh lối bước ra Cầu Tàu là một ngôi nhà kiến trúc kiểu Tây Phương rợp mát dưới tán bàng đại thụ. Trên bức tường hướng ra đại dương có gắn một tấm biển đồng, vuông chừng 4 tấc, khắc hàng chữ: " Dans cette maisson vécut le grand compositeur Camille Saint Saens du 20 Mars au 19 Avril 1895, il y acheva  l'opera Brunehilda".

           

Đây là ngôi nhà khách (Maisson de passager) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, sau gọi là Công Quán, nơi dừng chân cho lữ khách đến thi hành công vụ tại đảo. Nhạc sĩ kì tài của nước Pháp Camille Saint Saens đã lưu lại đây tròn một tháng, từ 20-3 đến 19-4-1895. Tại đây, ông đã hoàn tất vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda. Nỗi đau quằn quại của những người tù khổ sai hòa trộn giữa nắng trời, sắc biển kỳ thú của Côn Lôn đã tạo cho ông những cảm xúc mãnh liệt và đi vào giai điệu tuyệt tác trong chương cuối bản nhạc kịch Brunehilda mà nhạc sĩ Guirand, người bạn quá cố của ông ủy thác.

*

Giờ đây, đến Côn Đảo, người ta vẫn còn choáng ngợp bởi một hệ thống trại giam được xây dựng qui mô với tám trại giam chính, mỗi trại rộng từ 10.000 đến 25.000 m2 cùng hàng chục trại phụ với 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập Chuồng Bò, 120 Chuồng Cọp Pháp, 384 Chuồng Cọp Mỹ, chưa kể đến hàng chục khu biệt lập nhất thời để duy trì an ninh đối với những người tù trong tay không một tấc vũ khí.

           

Còn đây hệ thống trại giam, những di tích Cầu Tàu, cầu Ma Thiên Lãnh, Sở Tiêu, Cỏ Ống, Bến Đầm, Hòn Cau, Bảy Cạnh - những công trình xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của tù nhân. Hàng chục cây số đường dọc ngang trên đảo, hàng ngàn mét tường đá dày bao quanh các trại giam, hàng triệu tảng đá ngổn ngang dọc cầu tàu như còn âm vang câu ca trường hận của tù nhân: "Côn Lôn ơi, viên đá mạng người..."

           

Còn đây Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hòn Cau, Nghĩa trang Cỏ Ống với gần 2 vạn nấm mồ có tên và không tên. Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Hàng Keo đang được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt, được mệnh danh là "Bàn thờ Tổ quốc”, nơi yên nghỉ của hàng vạn người con ưu tú của dân tộctrong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội giữa lao tù, xiềng xích. Nơi ấy chứa đựng nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam, của các dân tộc bị áp bức.

           

Nghĩa trang Hàng Keo và Nghĩa trang Hàng Dương còn mang tính chất một nghĩa trang quốc tế. Nhiều người yêu nước của các dân tộc Lào, Campuchia, Thái Lan, Quảng Châu Loan (Tô giới Pháp ở Trung Quốc) đã bị đày ải và hy sinh tại đây. 89 tội phạm chiến tranh Nhật Bản đã bị thực dân Pháp đày ải trong những năm 1947-1950, có ít nhất là 2 người đã gửi xác lại.

           

Nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương với 2 vạn nấm mồ là bằng chứng không phai mờ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Gần hai vạn nấm mồ không tên và hàng triệu mẩu xương không địa chỉ như một lời tố cáo hùng hồn những kẻ đang lớn tiếng đòi nhân quyền cho vài trăm hài cốt của những tên xâm lược.

*

Côn Đảo không chỉ có nhà tù, hầm đá, xà lim, Chuồng Bò, Chuồng Cọp, nghĩa trang, hài cốt... Côn Đảo còn có những bãi tắm tuyệt đẹp, bãi cát mịn, nước trong vắt, với muôn màu huyền ảo tựa như có một họa sĩ thiên tài đã hòa sắc màu của trời, của biển với màu xanh của cánh rừng nguyên sinh, nay là rừng quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với hàng trăm loài cây đại diện cho rừng Việt Nam ở các miền, với tầng sinh thái và thảm thực vật đặc trưng như một bảo tàng về rừng của đất nước. Đấy là nơi lý tưởng dành cho du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học, là môi trường lý tưởng tôn tạo cảnh quan cho khu di tích lịch sử có một không hai này.

 

Cảnh quan gần gũi nhất với di tích là thị trấn Côn Đảo. Đó là một thị trấn có cấu trúc đặc biệt: thị trấn tù của một hòn đảo tù. Ngoài nhà tù và các cơ sở phục vụ bộ máy trị tù, thị trấn Côn Đảo không có một cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội nào khác. Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người phác thảo bản quy hoạch tổng thể đầu tiên cho Côn Đảo đã đề nghị bảo tồn kiểu dáng kiến trúc của thị trấn này, từ dãy phố công sở đến những hàng cây, con đường, tường rào, kè đá... Anh đã thiết kế bản quy hoạch với một ý niệm tâm đắc:  Côn Đảo là một hòn đảo di tích.

            Không thật rộng, không thật cao, từ ngoài vịnh nhìn vào, dãy biệt thự như một đường viền duyên dáng của thị trấn Côn Đảo, được bao bọc ba bề bởi Núi Chúa và mũi Lò Vôi, mũi Cá Mập. Vị trí, kích thước, đường nét và màu sắc của chúng thật hài hòa trong khung cảnh thiên nhiên. Mái ngói đỏ tươi cùng những bức tường vôi trắng như thể tô điểm cho sắc trời, sắc biển, càng rực rỡ cùng hàng cây phượng vĩ khi Hè về. Bông bằng lăng tím biếc, bông điệp đỏ, điệp vàng làm duyên khi Xuân đến, Thu sang. Mùa đông, con đường ấy lắng đọng trong âm sắc xao xác của những cành bàng gày guộc, lẫn trong tiếng sóng vỗ ầm ào.

            Xa xưa, những người tù làm khổ sai trên con đường này đã tìm mọi cách lén đem về trại những đọt bàng non hoặc trái bàng xanh để làm thuốc chữa bệnh kiết lị và tăng thêm nguồn sinh tố cho những bạn tù đang kiệt quệ. Lá bàng khô cũng là món quà quý chia nhau dùng vào việc vệ sinh, và lãng mạn hơn, để chép thơ tặng nhau. Gốc cây, khe đá là những hộp thư để chuyển cho nhau tin tức, vật dụng hiếm hoi có được. Cụ Tôn Đức Thắng trong những năm làm thợ máy tại Sở Lưới đã gửi qua hộp thư ấy từng lọ mắm tép nho nhỏ, từng lon cá vụn kho mặn cho các đồng chí bị cấm cố.  Mỗi thước đường, mỗi gốc cây, gộp đá trên hòn đảo này đều chứa đựng những điều bí ẩn và kỳ  thú.

*

            Trước ngày giải phóng, toàn bộ những công trình trên đảo đều được xây dựng bằng lao động khổ sai của tù nhân: cầu tàu, trại giam, nhà cửa và những con đường... Từ thị trấn Côn Đảo, có 2 tuyến giao thông về 2 phía: Bến Đầm và Cỏ Ống. Tuyến đường từ thị trấn ra Bến Đầm được khai phá từ những năm đầu thế kỷ. Năm 1952, chúa đảo Jarty lập đề án mở rộng con đường này để sử dụng hữu hiệu vịnh Bến Đầm.

             Đề án mở đường của Jarty đã tạo tiền đề cho cuộc vượt ngục có một không hai, diễn ra trong mùa gió chướng năm ấy. Gần 200 tù binh làm đường ở Bến Đầm đã trở thành lực lượng xung kích để thực hiện phương án võ trang giải thoát của Đảo ủy. Những người lính xuất thân từ thợ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả đã thiết kế một căn hầm bí mật theo kiểu hầm lò ngay dưới nền trại giam. Họ khoét đất bằng muôi múc cơm, đựng đất trong ống quần, vạt áo mà chuyển ra ngoài, rút gỗ từ sạp nằm để chèn, chống, kiên trì tạo dựng 2 căn hầm bí mật, vừa dài, vừa rộng, đủ để đóng 5 con thuyền vượt biển.

            11 giờ trưa 12-12-1952, cuộc bạo động đã nổ ra, 28 tổ xung kích tay không đã trói gọn 28 tên lính Âu Phi, thu toàn bộ vũ khí. 5 chiếc thuyền khung gỗ, ốp mây đan, quét sơn và hắc - ín đã được hạ thủy tại Bến Đầm. Chuyến đi ấy biển trời không thuận, 117 người bị tàu Pháp đuổi theo bắt lại, 81 người khác đã không trở về.

Tám năm trước đây, cụ Nguyễn Văn Họa, người tổ trưởng tổ đào hầm dạo ấy đã cùng đoàn tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Ninh trở lại đây xác định dấu vết căn hầm và dựng tấm bia tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc võ trang giải thoát. Có thể là một ngày không xa, lớp con cháu cụ, những người thợ mỏ hôm nay sẽ tìm về nguồn cội và khôi phục di tích này để ghi tạc một chiến công đã trở thành biểu tượng cho ý chí tự giải phóng của các bậc tiền bối.

*

  Như để cân bằng tiềm năng ở 2 đầu hòn đảo, thiên nhiên đã tạo dựng một thung lũng bằng phẳng phía Đông-Bắc thị trấn, vừa đủ để xây dựng một sân bay: sân bay Cỏ Ống. Cỏ Ống là tên gọi của một ngôi làng cổ, nơi sinh sôi của một loài cỏ ống mà người ta thường dùng đan đệm, nón, giỏ xách. Cho đến bây giờ, ngoài phạm vi của sân bay, cảnh sắc ở thung lũng này còn nguyên sơ như tên gọi. Bởi thế, Cỏ Ống có sức hấp dẫn đặc biệt.

             Chỉ bước qua đầu đường băng phía Tây vài chục thước thôi, du khách đã phải sững sờ trước vẻ đẹp hiếm có của bãi Đầm Trầu. Một bãi cát mịn trải dài như dải lụa vàng thắt ngang tấm thảm xanh, nửa vắt lên cánh rừng, nửa buông xõa trên mặt biển. Một vách đá dựng đứng tôn thêm dáng núi uy nghiêm; một triền đá thoai thoải trải dài đến tận mép nước như thân thiện, chào mời; một rặng vông nở hoa đỏ rực giữa sắc xanh của trời, của biển và những tảng đá cô độc hay sóng đôi lô nhô quanh đây đều khiến những ai vô tình nhất cũng trở nên bâng khuâng, xao xuyến. Ấn tượng hùng vĩ của thế núi, cảm giác thẳm sâu của biển cả và sắc xanh bất tận là nguồn cảm hứng khơi dậy những khát vọng cao cả, nhân ái, thánh thiện, vĩnh hằng.

             Không chỉ riêng có Bãi Đầm Trầu, mà đến bất cứ nơi nào, Bãi Rong, bãi Ông Đụng, bãi Ông Câu, Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài, Hòn Trác... phong cảnh thiên nhiên vẫn hiện ra với dáng vẻ thật riêng như ta chưa từng gặp bao giờ.

*

             Từ sau ngày hoàn toàn giải phóng 1975, Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau trở thành một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang; tháng 5-1979 là một quận của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; từ tháng 10-1991 đến nay là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua nhiều lần đổi thay, Côn Đảo bao giờ cũng là một đơn vị hành chính hết sức đặc biệt: Tỉnh không có quận, huyện; huyện không có xã, phường.

            Trong nhiều năm qua, dân số Côn Đảo biến động ở mức 2.000-3.000 người, tương đương với số dân ở một xã hẻo lánh ở miền núi. Lịch sử đã để lại trên hòn đảo này một nhà tù với chiều dài hơn một thế kỷ. Trong hơn một trăm năm ấy, ngoài hệ thống nhà tù và bộ máy trị tù, Côn Đảo không có một cơ cấu dân cư, không có một cơ sở kinh tế-xã hội nào khác. Thêm vào đó là sự cách trở với đất liền, khiến cho việc phát triển kinh tế-xã hội ở Côn Đảo gặp nhiều khó khăn, trở ngại gấp nhiều lần.

            Những năm gần đây, cuộc sống và sinh hoạt ở Côn Đảo đang khởi sắc. Các dự án tu sửa đường xá, sân bay, xây dựng bến cảng và các khu biệt thự đang được thực thi. Côn Đảo đã có một đội tàu quốc doanh gần 30 chiếc, với tổng công suất hơn 10.000 CV, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ vùng biển giàu tài nguyên, bảo vệ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Bưu điện Côn Đảo đã hòa mạng quốc gia và quốc tế, giúp cho người dân Côn Đảo và du khách có thể liên lạc với bất cứ một địa chỉ nàu đã được phủ sóng trên hành tinh này.

            Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo được bảo tồn như một di tích lịch sử lớn của đất nước. Hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đã đến đây để suy ngẫm về sứ mệnh "khai hoá văn minh" của người Pháp và "bảo vệ  tự do" của người Mỹ, để hiểu được cái giá mà các thế hệ tiền bối đã phải trả cho độc lập, tự do của Tổ quốcì. Mỗi di vật trên hòn đảo chứa đầy di tích này luôn nhắc nhở con người biết trân trọng quá khứ.                                                                         

(Số 09, Tháng 2-2006)
Nguyễn Đình Thống
Số lần đọc: 4994
Ngày đăng: 16.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn thêm về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy
Mấy vấn đề về nghiên cứu lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Đinh Văn Hạnh
Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - nhân vật lịch sử có nhiều ngộ nhận đáng tiếc - Nguyễn Hữu Hiệp
Lịch sử bị nhìn lộn ngược : Thưa lại cùng giáo sư Nguyễn Huệ Chi. - Hà văn Thùy
Người viết lại lịch sử Hà Tiên - Tường Vi
Angkor xưa và nay-phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Angkor xưa và nay-phần 2 và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Di sản lịch sử vô giá và thiên nhiên Côn Đảo cần được tôn vinh xứng tầm - Võ Văn Kiệt
Những con chữ khởi thủy và một áng văn rất sớm của loài người - Trương Thái Du
Không được quên quá khứ - Nguyễn Đình Thống