Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.464
 
Đằng sau chữ tình
Trần Huyền Trang

Họ cưới nhau trong một ngày đầy nắng. Cái nắng xõa dài rực rỡ trên đầu phố, trườn mình trên những mái nhà thấp tè chen chúc nhau trong xóm lao động bình dân. Cô dâu cười tươi như hoa, nụ cười tỏa ra ngọt như mật từ ánh mắt long lanh trong suốt, từ khóe miệng hồng hồng lớp son cánh sen. Ao cưới trắng đính những hạt cườm xinh xắn tỏa dài thành chuỗi từ cổ xuống eo, trông cô dâu như một nàng công chúa nhỏ đang ngất ngây trong men hạnh phúc. Chú rể lọng khọng trong bộ complê đen rất lịch thiệp, thi thoảng đưa tay trái lên cổ, nới cái nút thắt cà vạt ra, có vẻ khó chịu với cái kiểu ăn mặc cầu kì, thừơng ngày anh vốn dĩ xuề xòa quen rồi. Đám cưới bình dân, không nhạc sống, không karaoke xập xình như mọi đám cưới khác. Khách khứa, ngoài bà con ruột rà thân thích của hai bên gia đình ước chừng chục bàn đỗ lại, chỉ có vài người bạn thân chí cốt của cô dâu chú rể. Vài ông bạn đồng nghiệp lâu năm của chú rể, khệnh khạng bưng ly bia ken đầy bọt, kê cái mặt đỏ ngầu hôn chụt vào gò má chú rể.

- Dzô đi Trịnh, đời người chỉ có duy nhất một ngày này. Nào, anh em đây chúc vợ chồng chú mày ăn ở với nhau hòa thuận đời đời kiếp kiếp!

- Dzô! Chúc mừng chú mày đã có chỗ để gửi hồn, không sợ đi lạc trong những bức tranh nữa nhá!

 

A Liên, cô bạn thân từ thời còn học tiểu học, nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô dâu, xoa xoa” Cuối cùng thì cậu cũng đã lên xe hoa trước tớ rồi. Chúc mừng cậu! Có ông xã rồi nhưng không được quên tớ đâu đấy nhé!” Cô dâu buông bó hoa, choàng tay ôm chầm cô bạn tri kỷ” Một ông chồng tuyệt vời, một cô bạn tuyệt vời, hai người rất quan trọng, không thể thiếu  của đời tớ, tớ dám bỏ ai kia chứ!”Nước mắt cô dâu nóng hổi lăn dài, rơi trên vai cô bạn. Họ ôm chầm như thế trong chốc lát. Thôi giã từ những ngày còn mình ênh, buồn thì rủ cô bạn xách xe chạy lòng vòng khắp phố ngắm người, vét trong túi có được ít tiền còn sót lại của tháng lương thư ký mỏng dính, ăn kem, chè hay hột vịt lộn lề đường.

 

Hai cô, vui cũng cười, buồn cũng cười, cười là bức bình phong che giấu buồn chán một cách hữu hiệu nhất. A Liên có lần vô tình đùa” Buồn quá ha! Hay là thử yêu đi, biết đâu bớt buồn!” Yêu ấy à, điên! Cô bạn cốc đầu A Liên, cười to. Ừ, thì điên! Thế mà hôm nay cô bạn đang bị thần tình yêu cắm một mũi tên vào tim, ngất ngư! Mà ông thần tình yêu này lạ lắm, không giống ai, gầy, cao lêu đêu, tóc bồng bềnh(người ta bảo đàn ông tóc bồng khó tính lắm lắm!), gợn gợn như mây(lãng mạn thế mà cô dâu lại bảo đấy là cái tổ quạ!!!). Người như cọng giá vậy đó, nhưng không phải vì ốm đói, mà dường như anh đầu tư mọi thứ có trong người mình cho cái bóng vô hình của hội hoạ. Chị thích ngắm anh ngồi bên giá vẽ, phết những vệt màu rin rít lên bảng, cái tổ quạ nghiêng nghiêng qua vai hóm hỉnh, ngồ ngộ. Cái cách anh làm việc say sưa thấy hay hay, trông yêu đến lạ! Còn anh thích chị ở cái nét duyên ngầm, làn da bánh mật ngăm ngăm, càng ngắm càng yêu.

 

Chị đã qua tuổi hai bốn, gương mặt không đẹp, mũi hơi hếch, miệng nhỏ nhưng mắt lúc nào cũng ánh lên sức sống, niềm tin mãnh liệt. Hai người không hạp tuổi, thầy bói bảo anh tuổi rắn cắn chị tuổi hợi, khó làm ăn. Cưới nhau, hai anh chị dọn ra ở riêng ngay ngày hôm đó! Cả hai, chữ YÊU đặt lên trên đầu, thành ra mọi rào cản đều bị đè bẹp dưới chân họ, huống hồ là chuyện dị đoan vớ vẩn! Ay thế mà hai bên gia đình người lớn họ tin mới ác! Ừ thì ra riêng, có sao đâu, hai người sống yêu thương nhau là đủ, ngày ba bữa cơm canh đạm bạc, chẳng cần chi gấm vóc lụa là, cao lương mỹ vị. Ngôi nhà gỗ nhỏ gọn, cánh cửa sổ màu xanh da trời lúc nào cũng mở toang đón nắng rọi vào những bức tranh ngập màu sắc dựng nghiêng bên vách ván. Ai đó bảo tình yêu kết thúc bằng hôn nhân giống như một dấu chấm câu dứt khoát. Ừ hôn nhân có thể là dấu chấm câu, nhưng những mảng màu của anh không bao giờ có một giới hạn như thế. Nó cứ loang mãi ra, đuổi theo những cái bóng vô hình ẩn hiện mập mờ, giống trò cút bắt theo những làn khói thuốc anh nhả vào thinh không.

 

Những bức tranh vẫn chìm trong mớ màu sắc hỗn hợp, vùi vào góc nhà buồn bã nhìn ra cửa sổ. Những ông bạn trong nghề vẫn thường vỗ vai anh, tặc lưỡi lắc đầu ngao ngán” Oi giời ơi tỉnh lại đi Trịnh!Thời này là thời nào mà giờ này ông còn lập bàn thờ cho cái tôi tổ tướng ấy? Sáng tạo được cái gì? Ong chỉ hớp không khí để mà sáng tạo ấy à? Thế cũng được, nhưng còn vợ yêu của ông? Chép tranh thì đã sao, có chết ma nào đâu mà sợ! Thì mình công nhận mình chỉ chép lại thôi, tên tác giả vẫn chình ình trên đó, ai bảo ông cắm cái tên ông vào đâu mà sợ thiên hạ bảo mình ăn cắp? Vả lại, những bức đó đã quá nổi tiếng, đến đứa con nít còn biết ông nào là tác giả, đố thằng cha nào dám ăn cắp! Chép đi, không thì lại khổ vợ, còn đáng mặt đàn ông không?” Đấy đấy! Anh đưa hai tay lên kêu trời. Đó là lúc người ta thất vọng hay bất mãn nhất về một điều gì đó. Mà cái điều gì đó ở đây quả là một điều tồi tệ, giống một cái tát quất vào gương mặt xương xương của anh. Chị, có những lúc đứng sau lưng anh, mắt dán vào cái điệu ngồi làm việc không còn hóm hỉnh ngồ ngộ, mà thay vào đó là dáng gầy gò khắc khổ đến tội nghiệp.

 

Tia nhìn của anh từ lúc nào đã sâu hoắm trong hốc mắt. Những đêm trên chiếc giường mét sáu, anh ôm chị vào lòng, hôn lên mái tóc óng mượt mà lòng xót xa”Chúng mình kế hoạch em nhé! Một hai năm nữa, cuộc sống khá hơn rồi có con cũng không muộn! Anh xin lỗi, anh là thằng đàn ông…” Chị, nhanh như cắt, áp môi mình lên môi chồng, tặng anh nụ hôn ngọt ngào nhất, lấp mất ba tiếng “không ra gì” suýt bật ra từ miệng anh. “Anh là người đàn ông của em, chỉ cần thế thôi là quá đủ! Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa, ông xã yêu! Rồi ngày mai sẽ khác, tin em đi!”

 

Từng tờ lịch trên vách được bóc xuống. Chị vẫn quáng quàng chia nhỏ xấp tiền lương mỏng dính ra từng thứ : tiền chợ, tiền điện nước, thuốc men, tiền cọ màu, sơn dầu, tiền đổ rác…Chỉ có một hai bức tranh của anh bán được. Đó là một hai bức hiếm hoi được sơn phết dặm màu rõ ràng, không bầy nhầy kiểu trừu tượng mà anh cho là đầy “nghệ thuật”. Người ta gói ghém bức tranh mang đi rồi, tiền bán được cũng chẳng còn đồng nào đưa cho chị. Mấy bà chủ quán cà phê cóc đã “canh me”  cái thời hắc này lâu lắm rồi, anh bán được là mấy bả chộp ngay, chìa ra quyển sổ nợ chi chít chữ.

 

Chị không hề phàn nàn, chỉ giả đò dỗi một chút rồi thôi. Ngôi nhà vẫn im ắng. Anh vẫn cặm cụi bên giá vẽ, cần mẫn và đơn độc. Cái tổ quạ bù xù hơn, bây giờ mỗi khi thất vọng cái gì anh lại có tật xấu là vọc hai tay vào đó, xới tung lên! Chị cảm được cái cảnh ấy, có cái gì đó thiếu thốn trong căn nhà này. Sau những đêm dài trằn mình qua lại, nghe tiếng thở mệt mỏi của chồng, trong đầu chị lóe lên một quyết định liều lĩnh. Anh nửa vui mừng nửa hốt hoảng khi biết chị có thai. “Sao cơ? Em có thai rồi à?” Những nếp nhăn xô đẩy nhau trên trán anh” Oi trời, biết làm thế nào bây giờ hả em?” Chị vỗ vỗ hai gò má xương xẩu của anh, nheo mắt cừơi “Thì chờ ngày con nó ra chứ biết làm thế nào hả anh?” Tiền lương thư ký của chị lại phải nhín ra thêm một khoảng nữa: để dành sinh con.

 

Anh thức khuya nhiều hơn. Những bức tranh sáng sủa hơn nhưng cũng kém giá trị nghệ thuật hơn lần lượt ra đời. Tất cả dành cho con! Anh tuyên bố chắc nịch thế. Thằng Bim cất tiếng khóc oe oe trong niềm sung sướng đến muốn chết giấc của bố mẹ và trong vòng tay ấm áp của mẹ đỡ đầu – A Liên. A Liên tất tả ôm đến một mớ đồ em bé, tã lót và một mớ những thứ linh tinh khác, quệt mồ hôi trán cười hiền lành, bảo đồ của đứa cháu, còn tốt chán! Rồi còn nằng nặc giành chăm sóc cu Bim, bảo thế mới gọi là mẹ đỡ đầu chứ!Thằng bé trắng phau, người bụ bẫm, đầy bông sữa. Chị vuốt mũi con, cười sung sướng” Chắc nó bụ bẫm giống cậu đấy A Liên!” A Liên cười to, phát vai cô bạn” Con này, ăn với nói! Ừ thì giống A Liên càng tốt, Bim nhỉ! Còn đỡ hơn là ốm nhom ốm nhách như bố mẹ mày ấy!” Dạo này ít thấy anh nhắn nhó khổ sở, thi thoảng lại còn nghe tiếng anh huýt sáo khi làm việc.

 

Thằng Bim vừa dứt sữa mẹ thì chị bàn với chồng lên kế hoạch làm ăn, không làm thư ký nữa. Chị đi vay vốn bên hội phụ nữ, mở quán ăn bình dân, ngày nào cũng có đồng ra đồng vô, đỡ chật vật. Anh tán thành một cách miễn cưỡng. Chị gầy đi nhiều hơn, đen hơn. Mọi việc từ đi chợ mua đồ, nấu nướng, dọn rửa đến kiểm kê tiền hàng chỉ có mình chị. Anh ngồi lì bên giá vẽ. Thằng Bim ngồi bên cạnh nghịch màu, xem bố vẽ chán thì lăn ra ngủ. Lúc đông khách quá anh chạy bàn phụ chị được vài bận rồi thôi. Tranh của anh vẫn ế ẩm ngày này qua ngày khác. Bà con bên chị xuýt xoa” Tội nghiệp con nhỏ! Số nó mắc nợ thằng này đâu từ kiếp trước hay sao mà khổ dữ!Lấy chồng không được nhờ mà còn phải nai lưng ra làm nuôi chồng!” Nuôi chồng! Chị giấu giọt nước mắt vào tay áo, cố vùi đi những tiếng ấy. Lâu nay chị vẫn tin vào duyên nợ, rằng số mình đã thế, được cái ông chồng không đàn đúm trai gái, cũng còn an ủi được phần nào. Năm năm dài rồi cũng trôi qua. Lại một thằng cu nữa ra đời. A Liên nê cái bụng bầu tổ tướng đến chăm sóc chị, nhăn nhó”Cậu làm sao thế? Kinh tế có khá khẩm gì đâu mà còn bon chen sinh nở nữa?Khổ thật!” Chị nhìn thằng bé đỏ hỏn trên tay A Liên, mệt mỏi” Lần này tại tớ quên uống thuốc tránh thai thật chứ không phải cố tình như cái lần sinh thằng Bim. Mà cũng một phần là bữa đó ổng xỉn quá!” Thằng bé vừa được hai tuần tuổi thì A Liên cũng hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh. Anh không còn cách nào khác là ôm hết công việc nhà, vừa trông chừng thằng lớn, vừa chăm sóc thằng bé.

 

Có những đêm thằng bé nóng, khóc quấy, anh ôm con dựa vách thức trắng. Thằng bé không may mắn như anh nó, không được nghe bố huýt sáo ru ngủ. Cả ngày anh đánh vật với mớ công việc đã quá mệt mỏi rồi, hơi đâu nữa mà huýt. Cu Bo thôi bú sớm hơn Bim, để mẹ rảnh tay làm việc kiếm cơm, không thì đói nhăn răng cả lũ, chị bảo thế! Chị lại tất tả lao vào cuộc mưu sinh.” Lần này thì kinh doanh hẳn hòi đấy! Đã làm thì phải làm cho ra trò!” Chị tuyên bố chắc nịch như thế, nhưng ánh mắt trĩu lo toan. A Liên siết tay cô bạn, cái siết thật chặc, giọng lại nửa đùa nửa thật”Này, tớ thấy cậu kinh doanh mấy bức tranh của ông nhà được thì hay đấy!” Chị ngửa cổ kêu trời” Bán cho ma nó mua ấy! Tớ đang rầu không biết cất vào đâu cho hết số tranh đó. “Chúng nó” ngày càng nhiều ra mà chẳng ai đến rước đi dùm, rõ chán!” A Liên bế con lên nựng nịu”Thôi đừng chán nản nữa. Để tớ bàn với ông xã tớ, không chừng chúng mình cùng nhau làm ăn lại ra trò đấy!”

 

Xem vậy mà ra trò thật! Hai vợ chồng A Liên rút hết tiền tiết kiệm gửi ngân hàng ra, chị thì một lần nữ a hỏi vay trên hội phụ nữ. Họ hùn nhau mở cửa hàng tạp hóa khá to ngay mặt tiền nhà chị. Chồng A Liên ngắm nghía căn nhà, lắc đầu bảo thế này không ổn, ít nhất cũng phải có một mặt tiền sáng sủa, không gian đủ rộng để chất hàng hóa. Thế là ba cái đầu chụm vào tính tóan, cuối cùng trừ tất cả các khỏan ra, dư được một ít, đầu tư ngay vào việc mở rộng căn nhà. Đầu tiên là cơi thêm một căn gác, chia ra hai phòng. Một phòng khách vừa đủ kê bộ bàn ghế, một góc dựng đầy tranh của Trịnh. Một phòng ngủ hơi hẹp một chút. Tòan bộ không gian phía dưới dành để bày hàng hóa, thực phẩm.

 

Trịnh vẫn không nguôi ngoai cái lý tưởng sáng tạo một vài bức vẽ “để đời”. Dạo này anh thường xuyên gặp gỡ những người bạn nghệ sĩ khá tiếng tăm trong làng hội họa thành phố. Chị cảm thấy lạc lõng, ngượng ngùng truớc nhóm bạn”nói tòan những vấn đề cao siêu, bí hiểm” của chồng. Thế là chị chia hẳn cho ông chồng gian phòng khách trên gác, tha hồ mà chuyện phiếm; những câu chuyện không bao giờ có sự tham gia của chị, dù chỉ một giây ngắn ngủi. Còn Trịnh, anh cũng đã chán ngấy nhóm bạn hàng ồn ào, ăn to nói lớn, miệng bằng tay, tay bằng miệng mà chị bảo là “mối ruột”, là “chén cơm” của cả gia đình. Dần dà, hai anh chị, không ai bảo ai, tự rúc mình vào hai thế giới riêng được thiết lập trong căn nhà vốn dĩ rất ấm cúng trước nay. Chị ồn ào, sôi nổi, tay chân luôn bận rộn, đầu óc cứ rối tung rối mù với một đống những con số lời lỗ ăn thua. Anh triết lí không mệt mỏi với đám bạn nghệ sĩ thâm trầm có vẻ rất “hiểu đời”.

 

Cho đến một ngày, cả hai cùng nhận ra họ quá khác biệt. Tình yêu đã biến mất tự lúc nào không hay. Thay vào đó là một cái gì thật đáng sợ. Mỗi đêm đều nằm ngủ giữa hai vợ chồng.

 

Căn nhà lại một lần nữa được ngăn đôi. Lần này không phải theo ý của chồng A Liên mà là theo yêu cầu của Trịnh. A Liên tròn xoe mắt thiếu điều súyt đánh rơi đứa con bồng trên tay khi phát hiện ra một điều thật tồi tệ: hai vợ chồng Trịnh đã âm thầm ly hôn từ lâu. Căn nhà, một bên là thế giới riêng của Trịnh với toan và màu vẽ. Bên kia là chị với đống hàng hóa cao ngất ngưỡng. Hai đứa trẻ vẫn vô tư chạy qua chạy lại giữa hai gian nhà chơi cút bắt.

 

Một hôm Trịnh ốm, ốm mê man, người gầy sộp đi, xanh rớt như sắp chết. Chị lật bật đóng cửa hàng, chăm sóc anh tận tình. Khi bưng qua cho anh tô cháo nóng hổi, chị giật mình ngẩn người trước bức tranh thiếu nữ khỏa thân duyên dáng treo trên vách. Trịnh nhìn chị hiền lành”Em đấy, không nhận ra à? Gần chục năm rồi, em nhỉ?!” Ừ, gần chục năm rồi.Chị đưa tay vuốt nắm tóc đã thưa dần sau mỗi lần sinh con. Cu Bim giờ đã vào lớp ba, thằng Bo cũng chạy nhảy khắp nhà. Chị cười nhẹ”Ừ, nhanh thật, anh nhỉ! Mà thôi, anh ăn cháo đi, kẻo nguội mất ngon!”

 

A Liên gay gắt” Ông bà mình nói quả không sai. Cậu với ông ấy xung khắc nhau, thế nào cũng có ngày này. Mà cậu còn nhọc công với ông ấy đến nước này sao?”Chị lắc đầu nhè nhẹ, mỉm cười” Già hai thứ tóc đến nơi mà còn tin chuyện vớ vẩn thế A Liên? Tất cả chỉ tại mỗi người thôi!” Rồi chị vào bếp, chuẩn bị bữa cơm cho hai thằng quý tử, lẩm bẩm mấy câu nhỏ xíu mà A Liên chẳng nghe được” Đời mà, vợ chồng dù cái tình đã cạn thì giữ lại cái nghĩa vẫn là chuyện nên làm, phải không A Liên ?”

Trần Huyền Trang
Số lần đọc: 2456
Ngày đăng: 21.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng vẫn vỗ bên bờ năm tháng - Lê Hoài Lương
Nhỡ xe - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyến xe khuya - Nguyễn Hồ
Xa vắng - Nguyễn Thành Nhân
Phận người gió bay - Lê Hoài Lương
Một nửa con người - Trương Thị Thanh Hiền
Ngôi nhà ám ảnh - Lê Hoài Lương
Như chẳng hề quen - Đinh Lê Vũ
Vú biển - Nguyễn Thanh Mừng
Hoa cốc kèn - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Tình cuối (truyện ngắn)
Lá vỡ (truyện ngắn)
Đằng sau chữ tình (truyện ngắn)
Lạc lõng (truyện ngắn)
Điểm tựa (truyện ngắn)
Chia đôi (truyện ngắn)
Tình mộng (truyện ngắn)
Hẹn ước mùa xuân (truyện ngắn)