Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.266
 
Trên Bến Grega
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Buổi sáng tháng bảy, sáu giờ mười lăm phút, nắng đã chói chang như muốn xóa tan hơi lạnh ven sa mạc ban đêm còn đọng lại. Gió từ ngoài khơi Địa Trung Hải lồng lộng thổi vào nhưng không làm giảm sức nóng của mặt trời mỗi lúc một tăng. Trên bến Brega công nhân đã tề tựu đông đủ, họ chờ thủy thủ trên tàu xoay cần trục, tháo móc những container thì lập tức bắt tay vào việc cất hàng.

 

Có một nhân viên Triều Tiên lên phòng việc của thuyền trưởng lo thủ tục nhận hàng. Xong. Ông xuống từng dưới, thấy tôi ngồi mình ên trong phòng ăn, ông chào làm quen. Còn sớm chưa đến giờ làm việc nên tôi có thời giờ rảnh rỗi rót cà phê ra mời. Trong lúc uống cà phê ông kể tôi nghe, công ty Dong Ah (Đông Á) của Nam Triều Tiên, qua Libia thực hiện dự án khoan lấy nước ngọt từ phía nam chuyền ngang sa mạc vô các thành phố miền Bắc cho dân chúng xài, và đặt ống lòn dưới lòng đất theo hình xương cá dẫn nước vào những vùng đất khô cho đất thấm ướt để nhà nông dễ bề trồng trọt. Dự án lớn, kéo dài hơn chục năm, vì vậy Đông Á cần rất nhiều công nhân. Họ nhận người từ những quốc gia có mức sống thấp như: Phi Luật Tân, Thái Lan, Bangla Desh và Việt Nam. 

 

Nghe có người Việt, tôi liền ra boong đứng ngó lên đám công nhân tạp chủng. Tôi có thể phân biệt người Bangla Desh nước da nâu, người Thái phần đông gốc Hoa nên hao hao giống người Phi Luật Tân và người Việt. Nhưng giữa đám công nhân hỗn hợp, tôi thấy có một vài người ốm, mặt xương, da đen nám, má hóp, có vài anh răng hô, nếu tôi không lầm, đây là những người Việt ở miền Bắc. Như để xác nhận, một người đàn ông độ tứ tuần tới trước mặt tôi, anh cười:

- You you Việt Lam?

Tôi khôi hài nói bằng tiếng Việt :

- Hỏi vậy cũng hỏi.  Thôi, nói tiếng Việt cho chắc ăn cha nội.

Ngập ngừng một lát, anh ta cất tiếng:

- Anh người Việt Lam à ?

- Dĩ nhiên, chánh hiệu con rồng vàng.

Anh móc thuốc ra mời. Tuy bỏ thuốc đã lâu, nhưng tôi cũng rút một điếu gắn lên môi hút xã giao. Có lẽ anh ta ngượng trước những câu dí dỏm của tôi, nên rít hết mấy hơi thuốc, phà khói phì phèo mà vẫn chưa bắt được chuyện. Thấy vậy tôi bèn giả lả:

- Các anh mần gì ở đây ?

- Bọn nầy bốc hàng cho công ty Đông Á.

Có ba người nữa thấy anh nọ bắt được chuyện cũng men tới. Tôi chợt nhớ ra, nãy giờ gặp đồng hương mà cứ dí da dí dỏm quên đi phép xã giao thông thường. Tôi bèn chìa tay ra bắt từng người và tự giới thiệu tên mình. Các anh ấy cũng lần lượt giới thiệu tên họ; Ngà, Bi, Hải, Cường. Sau màn giới thiệu, tôi hỏi :

- Mấy anh ở đâu ?

Anh Bi chỉ tay lên cái container để trên bến cảng:

- Tụi tôi ở trong cái công-ten-nơ kia.

- Trời đất! Bao nhiêu mạng người dồn trong một cái công-ten-nơ có bây lớn?

- Không, bọn tôi ở tạm để làm việc, chiều về trại ngủ.

- Trại ở đâu vậy ?

- Ở cách đây hai chục cây số.

- Gần thành phố Benghazi hông ?

Ngà chen vào :

- Được gần phố thì ngon rồi, trên sa mạc đấy.

 Lúc đó, tên xếp người Triều Tiên đi tới đi lui trên kè đá, miệng ngậm tu hít thổi rét rét... Các anh lật đật từ giã tôi để ra boong làm việc. Tôi cũng trở vô bắt đầu công việc của mình.

 

Tên xếp người Triều Tiên xuống tàu xin bữa ăn sáng. Ăn xong, chưa chịu đi, ông ta còn đứng la cà trước cửa phòng bếp. Trong lúc tôi đương dọn rửa, thấy trên cổ hắn có đeo cái tu hít, tôi mới hỏi :

- Ông mần việc bến cảng chớ có phải thể tháo gia đâu mà đeo tu hít ?

Như bắt được chuyện, ông cười:

- Mầy coi, công nhân của Đông Á có nhiều quốc tịch khác nhau, ngôn ngữ bất đồng, lại thêm bến cảng ồn ào, vì vậy tao dùng tu hít cho dễ điều khiển, chớ la hét bằng miệng suốt ngày tao sẽ bị tắt tiếng liền.

A, đây là mánh khóe nhề nghiệp. Tôi đưa ngón tay gõ gõ tay lên đầu khen ông một cái:

- Ông thông minh lắm ? Nghe tôi bốc. Ông hỉnh cái mũi tịt hãnh diện cười tươi.

 

Mười giờ sáng Ngà đi qua đi lại trước của sổ, mặt cứ ngó láo liên vô phòng ăn của thủy thủ đoàn. Thấy vậy tôi bèn đi ra chào:

- Nghỉ việc rồi hả ?

- Vâng, bọn em nghỉ giải ‘nao’.

- Giải lao với gì vậy ?

Ngà chỉ tay lên kè đá, nói :

- Với nước ‘nã’ đấy anh.

Ở đây chỉ có Ngà nói chữ l thành chữ n, những anh em còn lại nói giọng Bắc, nhưng không giống Ngà. Tôi ngó lên bến, các anh công nhân tụ quanh một thùng nước đá, múc nước chuyền qua từng người trong một cái ca, các anh vừa uống vừa trò chuyện vui vẻ. Thấy vậy tôi mới vô lấy cho Ngà một lon nước ngọt, anh hỏi xin thêm ba lon. Từ đó trở đi, tới giờ nghỉ Ngà không lên bờ, đã vậy còn rủ thêm Bi, Cường, Hải ở lại tàu chờ tôi cho nước ngọt để giải ‘nao’.

 

Bi và Cường đã ngoài bốn mươi tuổi, Ngà và Hải tuổi vừa mười chín, bốn người mần việc ngoài boong nên tôi tiếp xúc, nói chuyện được nhiều hơn các anh em làm trên bến. Khi mặt trời đứng bóng, tôi men lên cái container có gắn máy điều hòa không khí dành cho toán công nhân Việt Nam nghỉ trưa. Vừa bước vô tới cửa, tôi thấy anh em nằm ngủ la liệt. Tôi bèn day trở ra. Chợt một anh thấy tôi, lật đật ngồi dậy kêu, làm cả đội giựt mình thức giấc. Mắt nhắm mắt mở, các anh dồn chỗ và mời tôi ngồi. Thấy các anh nhiệt tình, tôi cũng không ngần ngại bước vô, ngồi phệt xuống, dựa lưng vô vách, giả lả hỏi :

- Mấy anh cơm nước chưa mà ngủ ngon quá vậy ?

- Xong rồi anh.

Một anh nói thêm :

- Nhưng ăn cơm cá bậy bạ thôi chớ chả có mẹ gì.

Mần việc cạnh sa mạc, gió tung cát bụi đầy đầu đầy cổ, cho nên các công nhân người nào cũng trùm miếng vải trắng từ đầu phủ xuống khỏi vai, nếu không bụi cát dính vô người trộn lẫn mồ hôi, lâu ngày ăn lở da. Khi nghỉ ngơi anh em tháo nón tháo khăn xuống. Nhưng có một em nhỏ trạc mười bảy mười tám tuổi, nếu không có những vết cắt, cạo gió còn bầm trên trán, trên cổ, thì da dẻ trắng trẻo, bô trai như công tử bột. Có lẽ em từ Việt Nam mới qua nên chưa đậm nét phong sương. Thấy mặt xanh như tàu lá, vẫn để trùm nguyên khăn, nón, tôi biết ngay em bị bịnh. Tôi hỏi :

- Em tên gì ?

- Dũng.

- Bịnh sao không ở nhà nghỉ ngơi ?

Dũng cười buồn không đáp. Ngà trả lời thay :

- Nghỉ bị trừ tiền đấy anh.

- Bộ mấy anh hổng có bảo hiểm sức khỏe sao ?

- Không anh, nhưng khi mình bệnh có bác sĩ chữa cho.

Tôi day qua Dũng, hỏi :

- Sao em hổng xin đi bác sĩ ?

- Em đi hôm qua rồi.

- Bộ bác sĩ cắt, cạo gió cho em đó hả ?

Cả đám cười rộ lên. Ngà tiếp :

- Đâu phải anh, bác sĩ cho vài viên thuốc uống. Nhưng đêm qua thấy Dũng nó sốt quá, anh em mới cạo, cắt cho đấy chứ.

- Người ta bịnh mà hổng cho nghỉ rủi đương mần việc chết rồi sao ?

Giọng Bi mỉa mai :

- Thì gia đình được lãnh vài trăm đô.

Tôi lảng sang câu chuyện :

- Còn chuyện giải trí trong trại của anh em, và đời sống tinh thần có thoải mái lắm không ?

Các anh phân vân câu tôi vừa hỏi nên tất cả im lặng. Lát sau, một anh nói :

- Ngoài cái vi-đê-ô ra chẳng có mẹ gì hết.

- Còn chứ, Bi cay cú, tối buồn khó ngủ, cả bọn sụt cặc lẫn nhau cho đỡ buồn.

Đúng là giọng của chiến sĩ từng vào sanh ra tử. Mặt bên phải anh Bi có một vết thẹo, nếu tôi đoán không lầm, vết thẹo do chiến tranh gây ra, may nhờ bộ râu quai nón che bớt phần nào, nếu không nhìn anh tưởng đến một tay dao búa, chớ hổng phải dân lương thiện. Lời nói của anh có hơi cay cú thời thế, nhưng nhờ tánh thành thật, nghĩ sao nói vậy mà tôi có cảm tình với anh ngay lúc đầu. Tôi day qua hỏi chuyện anh :

- Anh mần ở đây bao lâu rồi ?

- Gần ba năm.

- Chị nhà vẫn liên lạc thường xuyên hả anh ?

- Vâng.

- Anh được mấy cháu ?

- Ba, hai giai một gái.

- Mỗi tháng anh vẫn chuyển tiền về đều đặn chớ ?

- Không anh, mỗi năm tụi Đông Á chỉ ứng trước ba chục đô, còn bao nhiêu nó giữ lại, khi mình về nó đưa nốt.

- Như vậy còn chị và mấy cháu ở nhà sống ra sao ?

- Vợ tôi dạy học.

- Lương giáo viên thời này sống sao nổi.

- Thì tự bán buôn thêm mà sống.

Tôi ái ngại thấy mình tò mò hơi quá đà chuyện gia đình của anh. Tôi bèn khôi hài để trớ sang chuyện khác.

- Ba năm qua xứ sa mạc phơi cu khô queo, khi về nhà bà xã muốn xài dám phải ngâm nước quá.

Cả đám cười rộ, anh cũng cười, nói :

- Địt mẹ, bỏ cả bốn năm cay vàng mới đi được, tưởng ngon, ngờ đâu qua đây chơi với lạc đà.

Tôi ngạc nhiên:

 Ủa, mần công mà cũng phải đóng thuế nhiều như vậy sao ?

Anh Bi ừ hử như chưa tìm ra câu trả lời. Anh Cường chen vô :

- Không phải đóng thuế đâu anh, đây là tiền trà nước lo giấy tờ.

- Giấy tờ gì mà mất cả hai cây vàng ?

- Thì người nầy vài vé, người kia vài vé, tới khi đi được mất hơn cả chục vé đấy.

Tôi thắc mắc :

- Vé là cái gì vậy ?

- Mỗi vé là một trăm đô đấy anh.

- Xin lỗi, Đông Á trả cho các anh mỗi tháng được bao nhiêu ?

- Từ một trăm năm chục đô đến hai trăm hai chục, ăn ở, áo quần họ bao.

- Công nhân nước khác cũng vậy sao ?

- Không anh, người mình họ trả lương thấp hơn Phi Luật Tân và tụi Thái.

- Ngộ vậy, tôi nói, bốn năm cây vàng, qua đây mần cả năm chưa lấy lại vốn.

- Thì vậy.

Tiếng xoay cần trục, tiếng động của các xe chở hàng ồn ào trở về. Tên xếp lùn đi tới đi lui ngoài sân, miệng ngậm tu hít thổi rét rét... Anh em lật đật đứng dậy đội khăn, đội nón. Tôi cũng phủi đít đứng lên từ giã các anh bước ra ngoài. Dưới nắng chang chang, gió lồng lộng, cát bụi bay ngợp trời. Mấy người Triều Tiên tụ lại một nơi, kẻ đứng, người ngồi trong chòi che mát. Miệng quát tháo, tay chỉ trỏ đám công nhân, trông giống như những viên tướng chỉ huy đứng phía sau ra lịnh xua quân xông trận.

 

 

Trưa hôm sau, Ngà ngoắc tôi ra boong, dẫn tới góc khuất bên hông tàu, mắt ngó láo liên, không thấy người dòm ngó, anh lận ngực áo móc ra một xấp báo giơ cho tôi. Thì ra, hôm qua tôi hỏi các anh có báo chí Việt Nam cho tôi xin đọc ké. Hôm nay Ngà đem xuống mà mặt mày lấm lét như tên ăn trộm. Cầm xấp báo trên tay, lòng ray rứt. Tôi ráng gượng cười, nói :

- Cám ơn Ngà nhé, nhưng mà nè, báo chí chớ bạch phiến, hay đồ lậu gì đâu mà em sợ.

- Nhưng phải cẩn thận chứ anh, tụi Ni-Bi kỳ lắm, mình sơ ý nó thấy được nàm khó dễ phiền phức.

 

Thiệt ra thì xứ Libie nầy cũng kỳ cục lắm. Trước khi tàu ghé bến, sách báo phim ảnh khiêu dâm, bia và rượu phải đem để vô một phòng, chờ quan thuế xuống kiểm xong, họ khóa phòng lại bằng cọng kẽm có bấm nút chì. Trong thời gian tàu đậu lại bến, ai coi phim con heo, uống bia rượu họ bắt được sẽ bị phạt ba ngàn mỹ kim. Tuy nhiên những nhân viên cao cấp thường xuống tàu hỏi xin thuốc thơm và rượu mạnh. Mỗi chuyến về Âu châu, thuyền trưởng chuẩn bị sẵn trong phòng rượu mạnh, thuốc thơm, dành khi trở qua tặng cho các quan, nếu không thì các ngài sẽ cho đệ tử xuống tàu lục lọi, moi móc tùm lum.

Thấy tôi và Ngà đứng nói chuyện, Cường đi lại đứng cạnh bên. Lát sau anh hỏi tôi:

- Trên tàu có thịt lợn không anh ?

- Có chớ.

- Hơn cả năm rồi em chưa thấy miếng thịt lợn.

- Phải rồi, xứ nầy đạo Hồi mà.

Ngà chen vô, nói :

- Bọn Ni-bi thờ nợn đấy.

Tên xếp chạy lúp thúp tới lui trên kè đá, miệng thổi tu hít, tay chỉ trỏ hối thúc đám công nhân. Thấy hơi chướng mắt, tôi hỏi :

- Xếp nó sai khiến công nhân như vậy sao ?

Ngà vọt miệng:

- Vậy mà nhằm nhoà gì anh, thằng nào lạng quang nó đánh bỏ mẹ đấy.

- Như vậy hai anh đứng đây một hồi coi chừng có chuyện.

- Không sao, tụi em tới giờ giải  nao đấy anh.

Tôi chợt nhớ ra :

- Anh Bi và Ngà chờ tui một lát.

Cầm xấp báo đi vô để trong phòng. Tôi xuống mở tủ lạnh lấy hai lon nước ngọt ra cho mỗi người một lon. Nhận hai lon nước, hai anh đi tới chỗ khuất người mở ra uống. Tôi ngước mặt nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm, nền trơi xanh ngát, trong veo nắng cứ gay gắt đổ xuống đầu những công nhân khuân vác. Trên đọt ống khói của nhà máy lọc dầu, lửa phun lên cả chục thước, khói đen cuồn cuộn làm ô nhiễm không gian.

 

 

Buổi sáng, tên xếp ăn điểm tâm xong, hắn đi lại đứng trước cửa phòng bếp, mặt nghiêm nghị,  kêu:

- Bếp !

Tôi day lại :

- Chuyện gì ?

- Ông đừng đem đồ cho mấy người Việt Nam của ông nữa.

- Sao vậy ?

Hắn giơ chéo hai tay ra dấu bị trói :

- Tụi Libie bắt được bỏ tù đó.

- Sao ông xuống tàu ăn uống hà rầm mà hổng ai bắt ông bỏ tù hết ?

- Vì tao cao hơn tụi nó.

Tôi định nói xốc hắn một câu cho bỏ cái thói tự cao tự đại, chợt tôi nhớ ra, trong những ngày sống tại đây, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm đối với xứ đạo Hồi. Cảnh sát rắc rối dàn trời, chuyện bé xé ra to. Mặc dù chánh quyền nơi đây không thích Mỹ, nhưng những người tới từ các quốc gia tư bản, mỗi khi bị phạt phải tính bằng mỹ kim. Biết đâu điều hắn nói là sự thật, thì rắc rối cho anh em. Đến đây tôi không còn thành kiến với hắn ta nữa, bèn đổi giọng khôi hài:

- Ông đâu có cao ?

Hắn cãi lại :

- Tao cao.

Tôi bước lại đứng cạnh bên, giơ tay lên cằm gạt chéo qua đo, đầu ông vừa ngang cằm tôi. Tôi nói :

- Ông thấp hơn tôi cả tấc.

Vỡ lẽ ra hắn hỉnh cái mũi xẹp cười sằng sặc trông mặt hắn giống y chang mặt con chim mèo. Tôi lại mở tủ lạnh rót cho hắn một ly nước cam và cám ơn ông đã nhắc nhở tôi một chuyện khá nguy hiểm. Hôm về Âu châu, tôi có mua bánh kẹo và gom góp một mớ áo quần định chuyến nầy qua tặng các bạn. Nhưng sau khi nghe tên xếp lưu ý, tôi đâm e ngại. Có lòng tốt trên những quốc gia kỳ khôi như vầy lắm khi mang hoạ vào thân.

 

Mặt trời tròn như chiếc mâm, ngoan ngoãn nằm sau một lớp màn trắng đục. Buổi chiều khô khốc, không ánh hào quang, không ráng đỏ nhưng gay gắt nóng. Tiếng động cơ của các xe tải đã ngưng bặt. Coi như ngày làm việc đã qua, công nhân đứng tụm năm tụm ba trên bến tán gẫu. Một anh người Tàu gốc Thái, đô con có bộ ngực lực sĩ, da ăn nắng xạm đen, ở trần, áo vắt lên chiếc vai trần bóng lưỡng. Đi tới truớc mặt tôi, cười vui vẻ. Đột nhiên anh cất tiếng:

- Ở đây không có l. !

Cả đám đực rựa ở trong sa mạc lâu ngày, thèm khát đàn bà, dằn không được, hễ có dịp là mở miệng nói tục một cách trơn tru. Có lẽ anh ta tập nói tiếng Việt chỉ một câu duy nhứt nên phát âm rất rõ ràng. Tôi hỏi anh nói tiếng Việt thạo không. Anh ta nhún vai lắc đầu rồi bỏ lên bến. Lúc đó Hải lại đứng cạnh bên tôi. Day qua, tôi nói :

- Vậy là xong hết một ngày.

- Vâng.

Hải vừa móc thuốc mời vừa hỏi :

- Tàu anh sang Ý à ?

- Ừa, tối nay tàu khởi hành.

- Ý văn minh không anh ?

- Văn minh gì ?

Hải ngập ngừng:

- Em...em muốn biết bên Ý giàu không đấy ?

- Như vậy thì nước Ý văn minh hơn Việt Nam mình nhiều.

- Nước mình còn nói làm chi nữa.

Phì phà mấy hơi thuốc, Hải tiếp :

- Bọn em muốn theo tàu qua Ý, nhưng không biết qua đó người ta có nhận mình không ?

Tôi ái ngái nhìn Hải. Gần hai chục năm sống đời hồ hải, tôi đã chứng kiến nhiều vụ trốn theo tàu, nhưng mười lần may ra thoát được một. Đó là thời điểm cách đây hơn chục năm, còn bây giờ thì khó lắm. Tôi lơ đãng ngó lên bến thấy Ngà, Bi, Cường đứng trên kè đá nhìn xuống, trông mặt người nào cũng có vẻ khẩn trương. Lòng bâng khuâng không biết phải làm sao, vì câu chuyện đột ngột quá.

Tôi thân mật vịn tay lên vai Hải ôn tồn:

- Hải à, chuyện nầy phiêu quá nên anh không dám ý kiến với em đâu.

- Không sao, anh cứ nói, bọn em nhờ anh đấy.

Tôi lắc đầu:

- Cá nhân tui, bất quá chỉ giúp anh em cơm ngày ba bữa trong chuyến đi, nhưng tuyến của chiếc Elsa nầy, sang Ý rồi trở về Tripoli không đầy một tuần lễ. Người ta sẽ bắt em trả lại, vì trên tàu nầy ai cũng biết tụi em là người của Đông Á.

- Thế anh có cách nào giúp bọn em không ?

Tôi nhìn gương mặt đen xạm vì nắng, gió sa mạc, đôi mắt em sáng đầy nghị lực và giọng nói cương quyết. Không nỡ làm ngơ, cuối  cùng tôi cũng đưa ý kiến :

- Nếu em muốn đi thì phải biết phân biệt cờ của những quốc gia trên thế giới.

Tôi chỉ tay qua chiếc tàu đậu cạnh bên:

- Hải coi kìa, đó là tàu Panama, cờ sau lái là cờ quốc tịch, còn cờ trên ngọn cột hàng hải phía trước là của Libie, tức là cờ của quốc gia tàu đến. Khi đọc được cờ rồi còn phải biết tàu đó chạy tuyến nào, tốt hơn hết nên chọn những chiếc chạy không tuyến nhứt định.

Hải chận :

- Thế là sao anh ?

- Nghĩa là tàu ghé ở cảng nầy một lần rồi không biết chừng nào mới trở lại nữa.

- Họ có liệng mình xuống biển không anh ?

- Theo luật hàng hải và lương tâm con người thì không, nhưng cũng nên cẩn thận. Trước đêm muốn trốn thì phải chuẩn bị hộp quẹt và nước. Hộp quẹt phòng khi xuống khoang người ta đóng hầm lại, lỡ bị kẹt không lối ra thì xé áo quần đốt gây khói để người trên tàu biết mà giở nắp hầm cho lên, còn nước phải đủ uống hơn một ngày. Muốn chui lên phải chờ tàu chạy ít ra cũng hai mươi bốn giờ đồng hồ, nhưng phải đợi ban ngày ban mặt, có đông đủ thủy thủ đoàn mới chui ra, như vậy có thằng gian ác muốn làm ẩu cũng không làm được.

Tôi hỏi để kích động tinh thần :

- Hải dám hông ?

Giọng em cả quyết, nói :       

- Dám chứ anh.

- Vậy thì về bàn lại với anh em, nhưng còn chuyện nầy nữa.

- Chuyện gì anh ?

- Khi xuống tàu cứ liệng bỏ hết giấy tờ, tạm thời lờ đi cái quốc tịch của mình là có hy vọng.

Đôi mắt Hải sáng lên:

- Cám ơn anh, để em về bàn lại với anh em. Mấy giờ tàu anh chạy?

- Mười giờ hoa tiêu xuống.

Lúc đó Hải nhìn thấy xe bus chở công nhân của Đông Á từ ngoài tung cát chạy vô, em bắt tay chào từ biệt và vội vàng đi nhanh lên bến.

 

 

Từ đó tới nay, mỗi lần chứng kiến cảnh những người từ bỏ quê hương mình, để chọn cuộc sống trốn chui trốn nhủi nơi đất lạ. Lòng tôi ray rức nhớ tới những công nhân ở bến Grega và ân hận chuyện tôi đã chỉ đường đi cho họ. Nếu thật sự họ bỏ trốn thì cả bọn sẽ đi về đâu và có được an toàn tới bến bờ không. Hay là đã bỏ mạng như những người nhập cư bất hợp pháp bỏ mạng trên đường. Tôi cầu mong cho các bạn kia đừng chui xuống những con tàu vô định, để sau khi hết hợp đồng họ còn được trở về quê hương gặp lại những người thân đang đêm ngày trông đợi.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3499
Ngày đăng: 21.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng vẫn vỗ bên bờ năm tháng - Lê Hoài Lương
Nhỡ xe - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyến xe khuya - Nguyễn Hồ
Xa vắng - Nguyễn Thành Nhân
Phận người gió bay - Lê Hoài Lương
Một nửa con người - Trương Thị Thanh Hiền
Ngôi nhà ám ảnh - Lê Hoài Lương
Như chẳng hề quen - Đinh Lê Vũ
Vú biển - Nguyễn Thanh Mừng
Hoa cốc kèn - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)