Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.588
 
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Võ Ðắc Danh

            Chị Hoa kể rằng, quê chị ở Đại Ngãi, Sóc Trăng, một xóm cù lao nằm bên bờ tây con sông Hậu. Cũng như bao nhiêu cô gái nghèo ở miền quê hẻo lánh này, lớn lên chị lấy chồng, sinh con, cày sâu cuốc bẫm, tiếp nối cuộc đời tần tảo của bao thế hệ đi qua. Năm bốn mươi tuổi, chồng chị đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại cho chị năm đứa con, năm công đất ruộng với căn chòi trống trơ, xiêu vẹo bên bờ sông. Thế nhưng cuộc sống ấy sẽ chẳng có gì đáng nói, đáng bàn nếu như chị không bước thêm bước nữa. Mà thật ra, chị cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bước thêm bước nữa, có lẽ đó là định mệnh.

 

            Năm 1987, chị đi nuôi bệnh cho người em trong Quân y viện 121 Cần Thơ, chị thấy bên chiếc giừơng đối diện có một bệnh nhân nam bị mù đôi mắt, cụt một cánh tay, anh ta nằm đó suốt cả tuần mà chẳng hề có người thân chăm sóc. Cảm thấy chạnh lòng, chị đến giúp đỡ và hỏi thăm, anh tên là Nguyễn Văn Mộc - Mười Mộc - thương binh 1/4, quê ở kinh xáng Thọ Mai, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Anh nói rằng anh cũng có vợ, có con, một trai hai gái, có nhà cửa, vườn ruộng thênh thang. Nhưng vợ anh thì hung dữ, con cái thì hỗn hào, anh thì mù lòa, què cụt, không làm chủ được gia đình. Cả nhà lúc nào cũng xem anh như là của nợ. Tới bữa cơm thì dằn mâm xán chén, mắng chó chửi mèo, đến lúc anh ngã bệnh thì chẳng ai thèm ngó tới. Trong cơn tuyệt vọng, một đứa cháu hàng xóm thương tình đưa anh đến quân y…

 

             Từ đó, chị trở thành người chăm sóc cho anh, mỗi ngày một thiết thực hơn, cụ thể hơn, gần gũi hơn... nhưng, theo cách giải thích của chị, tất cả chỉ là sự bình dị của một thứ tình người.

 

            Ba tuần sau, em chị xuất viện, chị về quê. Lúc ấy, chị cảm thấy lo lắng cho anh một mình ở lại. Còn anh chỉ ngồi im lặng thở dài. Làm sao mà chị biết được anh nghĩ ngợi gì bởi anh không còn đôi mắt. Về nhà, thỉnh thoảng ngồi một mình chị lại nhớ đến anh, tội nghiệp cho hoàn cảnh của anh, lo lắng cho cuộc sống của anh không có người chăm sóc. Có khi sáng ra chị chợt nhớ anh rồi tự hỏi: Giờ này có ai đi mua tô cháo cho anh ? Hoặc ai sẽ giặt quần áo cho anh ? Người đâu mà bất hạnh đến tột cùng?

 

             Thế rồi gần một tháng sau, bất ngờ một buổi trưa, anh xuất  hiện trên chiếc tàu đò ghé vào bến sông nhà chị, tay cầm chiếc gậy dò dẫm trên sân. Chuyện người mù có thể lên xe xuống ngựa đi khắp mọi nơi thì chị đã từng nghe, từng thấy; nhưng sự xuất hiện của anh làm cho chị vừa bối rối, vừa tủi tủi, mừng mừng. Chị cảm nhận được cuộc đời mình bắt đầu từ hôm nay sẽ có sự đổi thay, còn đổi thay như thế nào thì chị không thể lường trước được. Đêm ấy, chỉ có ngọn đèn dầu với bình trà chứng kiến cuộc hôn nhân. Dường như cố gắng lắm anh mới nói được có mỗi điều: Hoa à, anh muốn được chung sống với em, anh không thể sống thiếu em. Chị không từ chối, cũng không bằng lòng ngay mà chỉ nói: Anh thì tăm tối, tật nguyền, em thì quá nghèo làm sao nuôi được anh. Anh trấn an chị: Em đừng lo, nghèo thì sống nghèo, mỗi tháng anh góp vô cho mẹ con em mấy trăm ngàn tiền lương thương binh của anh, coi như tạm ổn, mọi chuyện từ từ rồi tính.

 

            Họ thành vợ thành chồng từ hôm ấy.

            Một tháng sau, anh Mộc đưa chị về Thọ Mai, anh nói trước nhất là về thăm lại con cái, xóm làng, sau là để nói chuyện dứt khoát với người vợ cũ cho mọi chuyện rõ ràng. Nhưng vừa về đến nơi thì bà Bảy - vợ anh Mộc - đã nổi cơn thịnh nộ. Mà thật ra, bà không có lý do gì để trách mắng anh và cả chị Hoa, bà chỉ chửi xiên chửi xéo theo kiểu mắng chó chửi mèo. Chị Hoa ôn tồn nói: Lúc anh Mộc bệnh không có người chăm sóc, em giúp đỡ anh ấy. Nay nếu chị còn thương ảnh thì em trả ảnh lại cho chị, em không có ý định giựt chồng của chị đâu. Đêm ấy chị đến xin ngủ nhờ ở ủy ban xã. Nửa đêm, mẹ con bà Bảy xô anh Mộc ra sân trói lại và xúm nhau đánh đập, cũng may là bà con lối xóm và chính quyền ngăn cản kịp thời. Chị Hoa về quê được mấy ngày thì anh Mộc cũng tìm đến. Anh nói, để triệt con đường sống của anh, bà Bảy đã làm đơn tố cáo anh là thương binh giả, vì vậy mà huyện Cái Nước tạm ngưng cấp lương cho anh để chờ xác minh, nên anh cần một số tiền làm lộ phí để về Rạch Giá làm lại hồ sơ. Trước tình cảnh ấy, chị Hoa phải cầm cố năm công ruộng để dẫn anh đi ròng rã mấy tháng trời từ Kiên Giang đến Cà Mau tìm các cơ quan và đồng đội cũ của anh để làm lại hồ sơ. Cuối cùng, số tiền truy lãnh được cũng chỉ đủ để chuộc lại đất. Cuộc sống cứ nương nhờ vào năm công ruộng và mấy đồng lương thương binh thì không thể nào ngóc đầu dậy nổi. Một hôm, anh bàn với chị về giấc mộng đổi đời, anh nói xứ Năm Căn là xứ rừng vàng biển bạc, ở đó anh có người em kết nghĩa hồi chiến tranh, bây giờ đang nuôi tôm ở Viên An. Cách đây hai năm, anh ta có hứa với anh rằng nếu anh chịu về thì anh ta sẽ sang nhượng lại một miếng vuông, khi nào làm có tiền thì trả lại. Vậy là anh chị quyết định khăn gói ra đi, dẫn theo hai đứa con gái nhỏ, bé Lùn sáu tuổi và bé Hận bốn tuổi. Thế nhưng khi tìm đến Năm Căn thì anh bị hụt hẫng giữa xứ lạ quê người, do mấy năm trời không liên lạc được với nhau nên người em kết nghĩa đã sang miếng đất nuôi tôm cho người khác. Nhưng rồi giữa cái xứ sở đầy phóng khoáng này, sự may mắn lại đến với anh, ban giám đốc Lâm ngư trường Tắc Biển cấp cho vợ chồng anh 5,5 ha đất nuôi tôm kết hợp với trồng rừng, lại được vay mười triệu đồng để thuê mướn xẻ kinh mương, đắp bờ bao, làm miệng cống. Chị Hoa đào đất đắp nền, đốn cây, đốn lá dựng lên căn chòi nhỏ.

 

            Đến năm 1993, anh Mộc được chính quyền địa phương cấp mười triệu đồng  xây dựng nhà tình nghĩa. Để giảm chi phí, anh quyết định mua vật liệu về cho chị Hoa tự xây. Chị Hoa chưa bao giờ biết làm thợ hồ, nhưng nhờ có anh bên cạnh, anh bảo đến đâu chị làm đến đó, cuối cùng ngôi nhà cũng được hình thành dù tường vôi lổm chổm, đường nét chẳng giống ai. Có nhà, có vuông nhưng gặp những năm tôm chết liên tục, nợ nần luôn đeo đẳng, anh Mộc lại bị những vết thương cũ tái phát, hết nằm bệnh viện huyện lại lên bệnh viện tỉnh, chị Hoa phải bỏ vuông, bỏ nhà theo chăm sóc cho anh. Cuối năm 1997, anh Mộc qua đời.

Thế rồi trong cái cảnh góa bụa bơ vơ giữa xứ lạ quê người, nỗi buồn đau chưa cạn, sự nghèo túng chưa kịp qua đi thì bà Bảy xuất hiện, bà dẫn theo hai đứa con gái, thằng con trai và thằng rể ngang nhiên đến chiếm nhà, chiếm vuông, đánh đập chị Hoa rồi quăng hết quần áo của mẹ con chị ra ngoài. Chính quyền địa phương đến can thiệp mấy lần cũng không được, công an huyện bắt mấy đứa con của bà Bảy về xử phạt hành chánh, nhưng chúng vẫn chứng nào tật nấy.

            Cuối cùng, chị Hoa đành phải ra đi. Nhưng nỗi oan ức làm chị không thể nào rời bỏ cái xóm kinh rừng ấy được. Chị gởi hai đứa con ở nhà người quen rồi lang thang ra Cà Mau tìm chỗ kêu oan. Tình cờ có một người nghe được tâm sự của chị nên dẫn chị đến trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Ở đây chị được giúp đỡ tận tình, trung tâm cử nhân viên đi  xác minh chứng cứ rồi làm thủ tục khởi kiện dân sự. Ngày 27 tháng 8 năm 2001, Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Hiển xét xử sơ thẩm, chị Hoa thắng kiện, gia đình bà Bảy chống án, ngày 22 tháng 4 năm 2002, Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, chị Hoa lại thắng kiện nhưng mẹ con bà Bảy vẫn tiếp tục chiếm nhà, chiếm vuông dù Đội thi hành án của huyện đã đến lập biên bản cưỡng chế hai lần.

            Ông Huỳnh Văn Khương, Chánh Tòa Dân sự Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Hiển, cho biết: Có lẽ phải khởi tố hình sự, bắt giam mẹ con bà Bảy về tội chống đối pháp luật. Rồi ông lại thở dài nói: Cái gốc là do thiếu văn hóa nên người ta mới xử sự theo cái kiểu luật rừng như vậy!

            Chúng tôi rời con rạch Ông Như vào một buổi chiều mưa tầm tã, mưa ở rừng ngập mặn Năm Căn vốn đã buồn lại càng buồn hơn trước tình cảnh của mẹ con chị Hoa. Chị vẫn ngồi bệt dưới sàn nhà như tượng đá, lưng tựa vào cánh cửa, tay chống lên cạnh hàm, mắt đăm chiêu nhìn về phía ngôi nhà và miếng vuông của mình cách đó vài trăm mét. Anh chủ nhà cho chị ở đậu nói, chiều nào chị cũng ngồi như thế. Tôi chợt nghiệm ra, vì vậy mà dân gian mới có bài hát ru em buồn đến não lòng:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê cũ ruột đau chín chiều

Ruột đau ruột thắt gan teo

Vì bởi tôi nghèo nên mới tới đây

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 6158
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)