Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.375
 
Thị trấn thiếu dòng sông
Nguyễn Một *

Tôi thân Duy từ độ cái Thị trấn bé nhỏ này còn lổ đổ những vết thương của chiến tranh chưa kịp hàn gắn. Đêm về phố xá mờ mờ huyễn hoặc bởi thứ ánh sáng hiu hắt tỏa ra từ mấy cái đèn hột vịt. Lúc nào đến chơi, cũng thấy Duy đang gọt bút chì, tôi châm chọc :

            - Hình như mày chẳng có thứ công việc nào ngoài chuyện gọt bút chì ra.

            Duy cười, cẩn thận cất cây bút chì vào ngăn kéo. Chúng tôi mang ghế ra sân để ngắm các thiếu phụ co ro bên các tủ thuốc nhỏ ven đường. Có lần Duy bảo tôi :

            - Tao sẽ vẽ một bức tranh bất hủ, một tác phẩm lớn !

            - Về đề tài gì ? -  Tôi hỏi .

            - Con người ! - Duy trả lời.

            Tôi bật cười :

            - Tưởng gì lạ chứ “Con người” thì trên trái đất có tới năm tỷ .

            Duy tự ái chửi tôi .

            - Đồ phàm phu !.

            Tôi cười và nói rằng :

          -Tôi thích cái lối chửi ấy !

            -Chào những người anh em!

 Một giọng nói khàn đục vang lên, kèm theo là những tiếng gõ khô khốc của chiếc nạng gỗ xuống mặt đường .

            À ! Chào người “không tên” - Tôi mở lời và kéo ghế mời người đàn ông cụt chân vừa đến. Gã là bạn của tôi và Duy. Ngày đầu tiên chúng tôi ngồi uống rượu bên vỉa hè, gà ngang tàng xuất hiện với tay cầm ly rượu đánh “ ực” rồi bình thản ngửa cổ lên trời ngâm nga hai câu thơ nghe khá quen,  Lòng đắng sá gì muôn lớp rượu mà không uống cạn, mà không say”. Khoái cái vẻ “nghệ sĩ” của gã, Duy nói :” Cứ tự nhiên, tên gì vậy?” Gã cười : “Không tên”, “Nghề gì?” - Duy hỏi . Gã cộc lốc “Ăn xin” . Từ đó đến nay đã hơn một năm, chúng tôi gọi gã là “không tên”. Gã chẳng hề tự ái, mà còn có vẻ khoái trá, gã triết lý “Cuộc đời này có cả triệu triệu người không tên đó thôi”Không tên” trạc ngại tứ tuần, nghĩa là gã gấp đôi tuổi của chúng tôi. Gã coi chúng tôi là bạn và cho phép chúng tôi coi gã như vậy, để tiện cho việc uống rượu với nhau. Ban ngày gã đón xe đò về thành phố ăn xin, chiều về ngồi tán gẫu với chúng tôi và đêm đến gã lăn ra bên gốc bằng lăng  ven đường ngủ ngon lành .

            Cây bằng lăng là chứng tích hiếm hoi còn sót lại trong những ngày giao tranh ác liệt của chiến dịch mười hai ngày đêm, trên mảnh đất là cửa ngõ Đông Bắc của Sài Gòn năm bảy mươi lăm .

            Dạo ấy, chúng tôi vừa đủ lớn để chứng kiến sự tan tác của chiến tranh. Mỗi viên gạch ở Thị trấn nhỏ bé này nhận ít nhất một viên đạn. Pháo kích từ chi khu Xuân Lộc bắn vung vãi khắp nơi, từng đoàn người, lôi thôi, lếch thếch nháo nhác như chim vỡ tổ, bọn lính ngụy cởi cả đồ lính, đánh độc mỗi quần đùi chạy vắt gò lên cổ. Trong lúc mọi người tìm cách đổ về Sài Gòn, tôi cắt rừng cao su để trở lại Long Khánh. Khi tôi về đến nhà vừa lúc chứng kiến cái chết thê thảm của cha tôi, người thân độc nhất của tôi . Ông chết ngạt, chết nguyên vẹn gập người bên mâm cơm, toàn thân tím ngắt.

            Mãi sau này, tôi còn hãi hùng bởi đôi mắt trợn trừng của cha tôi. Ông là người nông dân của xứ sở quanh năm “rau lang buộc chấm mắm cái”. Khi vào đất Long Khánh, ông bị mê hoặc bởi sự trù phú của vùng đất bán cao nguyên này. Ông làm việc hùng hục ngày, đêm để tạo được mảnh vườn hơn hai héc ta, nơi mà sau này tôi đã khởi đầu sự nghiệp của mình. Cái trang trại lớn nhất miền Đông tôi đã đặt tên của một dòng sông ở Miền Trung nơi cha tôi sinh ra. Ông chết vừa lúc café mùa đầu vừa chớm hạt. Không chỉ mình ông, mà cả xóm đã chết như vậy . Trong sự rút chạy điên cuồng, bọn ngụy đã kịp thả xuống vùng bán sơn địa này một quả bom ngạt, cha tôi đã nằm trong tầm sát thương của nó ...

            Nhiều năm sau, cây bằng lăng sần sùi già nua vẫn ngạo nghễ trổ bông tím ngát mỗi độ xuân về. Những chuỗi hoa lẻ loi, trên nền Thị trấn đổ nát, nham nhở như cái đầu đầy mụn nhọt của đứa trẻ bị cạo trọc. Trên các bức tường loang lổ, người ta vẽ chằng chịt những nét chữ nguệch ngoạc màu sắc lẫn lộn, thiếu thẩm mỹ. Cái kiến thức ba năm rưỡi của Trường đại học Mỹ thuật đã tạo cho Duy sự ngạo mạn tai hại. Sự ngạo mạn ấy Duy phải trả giá nhiều năm liền . Có lần Duy nói : “Thị trấn  này không khá được !” tôi hỏi:” Vì sao?” Duy lấp lững “Vì thiếu dòng sông ....!” Vì thiếu dòng sông nên các thứ rác rưởi không bị trôi đi như ở những nơi khác” Thực ra điều ấy có lý về một nghĩa khác” - Tôi nghĩ - “Ở nơi mà thiếu dòng sông thì mất hết nửa sự thơ mộng về mặt nghệ thuật, còn về kinh tế nó không có thương cảng sầm uất, bởi đường thủy là đường vận chuyển hàng hóa rẻ tiền và tiện lợi nhất” Không để ý đến những suy nghĩ vụn vặt của tôi, Duy nói tiếp : “Tất cả nền văn hóa cổ đại phương Đông đều hình thành ở lưu vực các dòng sông.”Không am hiểu lắm về lịch sử triết học, tôi không tranh cải.

            Buổi chiều mùa đông se lạnh, trời tối rất nhanh, màu đất xám đen, tạo nên không gian ảm đạm. Chúng tôi ngồi bên nhau; Duy bỗng tuyên bố:

            - Tao sẽ đi ra.

            - Đi đâu ?

            - Đi tìm nơi có dòng sông .

Duy nâng ly rượu hớp một ngụm rồi chửi bâng quơ :

            - Đồ phàm phu.

Rồi Duy kể :

            - Sáng nay có người đến nhờ tao vẽ cho hắn một tấm chân dung ông nội hắn đội mũ cánh chuồn với giá rất cao, nhưng tao từ chối.      

            - Vì sao vậy ? Tôi tò mò.

            - Vì tao không thích, thế thôi !- Duy cộc cằn trả lời.

            Sĩ ! - Không tên lầm bầm .

            Sực nhớ lời của Duy hôm trước, tôi mỉa mai hỏi :

            - Mày đã vẽ “cái con người” của mày chưa ?

            Không để ý sự châm chọc của tôi, Duy buồn bã lắc đầu. Chúng tôi lặng lẽ uống thứ nước pha cồn nhạt thếch, những chiếc lá bằng lăng rụng lộp độp trên mặt đường .

*****

Không Tên” thực ra đã từng có một cái tên hẳn hoi, nhưng mãi sau này tôi mới biết. Y đã lẳng lặng biến mất khỏi Thị trấn vào buổi chiều mùa đông mà Duy có ý định đi tìm “nơi có dòng sông” . Một năm, hai năm, nhiều năm trôi qua tôi cũng dần quên gã. Khu vườn của tôi ngút ngàn cỏ, cỏ ngập đầu, ngập café, ngôi mộ của cha tôi bên góc vườn chìm trong đám cỏ dại. Ngày giỗ của cha, tôi vạch cỏ thắp nhang bên mộ người và trong làn khói hương mỏng manh ấy đôi mắt của ông trợn trừng nhìn tôi , tôi giật mình nhận ra sự bất hiếu to lớn của mình. Tôi mang cái lười biếng của kẻ sĩ nửa mùa, để sống những tháng ngày phù phiếm. Tôi quyết định chia tay Duy, chia tay Thị trấn huyễn hoặc tù mù để về gầy dựng lại cơ nghiệp của cha tôi. Tôi cắm đầu vào đất. Tháng ngày trôi đi lặng lẽ, cô đơn, u buồn. Tôi dọn cỏ, chặt cành, ăn uống những thứ nhặt nhạnh trong vườn. Hàng tháng tôi gởi mấy người làm rẫy gần mua gạo, muối, dầu đèn. Tôi biết mình làm thế để làm gì ? Cuốn sách duy nhất mà tôi đọc suốt những tháng ngày không tên tuổi đó là cuốn “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse, tôi thuộc lòng từ ngày Tất Đạt còn là “Người con trai Bà La Môn” cho đến lúc chàng trở thành người chèo đò trên dòng sông “Không còn biết nữa thời gian có hiện hữu hay không” . Tôi chẳng cần thời gian, chẳng cần dòng sông, chẳng cần tất cả, tôi quên gần hết mọi thứ, chỉ còn nhớ đôi mắt của cha tôi. Đôi mắt đau đớn, thống khổ, trợn trừng.

            Chính trong cái lúc ấy, cái lúc tôi sắp đạt “đạo” ấy, Duy xuất hiện. Dựng chiếc xe gắn máy bê bết bùn đất, Duy nhăn nhó:

            - Bán mẹ nó cái rẫy đi ra Thị trấn mà làm ăn, thời buổi này mà còn cắm đầu cày bừa, lạc hậu bỏ mẹ.

Tôi xoa tay cười. Duy rổn rảng :

            - Đi ra Thị trấn uống bia với tao, có chuyện này hay lắm.

Không nói, không rằng tôi xỏ vội chiếc quần bộ đội bạc màu, leo lên xe của Duy .

Khi chúng tôi an vị trong căn phòng tanh tưởi, mờ ảo bên hai em “mắt xanh mỏ đỏ”. Duy vừa quờ quạng em gái ngồi trên đùi vừa hỏi tôi :

            - Mày có biết chúng mình uống bia hôm nay bằng tiền gì không?

            - Tiền bán tranh của tao.

 Tôi hờ hững xoay xoay ly bia trên tay mặc cho “em bé” xoa tay nghịch chòm râu cằm lởm chởm của tôi .

Duy quay qua tôi :

            - Mày còn nhớ gã không tên ? Gã mới trở về thăm Việt Nam .

            - Tôi im lặng không trả lời, tôi láng máng nhớ khung cảnh của những buổi chiều Thị trấn buồn bã ngày xưa .

Duy cười nói với cô gái bên cạnh :

            - Thằng bạn của anh nó hơi điên điên

            Rồi nó quay qua tôi :

            Tao vẫn chưa tìm ra cái "con người" của tao, nhưng tao đã có bức tranh xuất ngoại .

            - Thế a?" - Tôi làm bộ ngạc nhiên, không để ý đến thái độ trịch thượng của tôi, Duy hào hứng nói :

            - Một bức tranh tồi tệ nhưng được bán với giá kỷ lục: Mười ngàn đô. Nó xòe mười ngón tay trắng trẻo xương xẩu trước mặt tôi, rồi nheo mặt hỏi :

          - Mày có biết tao vẽ gì không ?

            - Tôi đưa tay búng mũi "em bé" đang ngồi trên đùi :

            - Vẽ gì ?

            - Gã ăn mày và cây  bằng lăng!

            Nói xong Duy ngửa cổ tu ly bia, đưa tay chùi mép rồi nhìn tận mặt tôi và hỏi :

            - Mày có biết ai mua bức tranh của taokhông ?

            - Là ai?

             Duy bình thản nói :

            - Là kẻ đã bấm nút thả quả bom ngạt xuống Thị trấn này hồi năm bảy mươi lăm. Học tập cải tạo về, vợ con bỏ, nghèo túng hắn làm ăn mày, ra nước ngoài, rồi trở thành Việt Kiều. Bây giờ trở về hắn nói hắn rất hối hận, cho dù ngày xưa hắn chỉ là thằng lính làm theo lệnh của bọn ác ôn. Hắn muốn đóng góp cho quê hương...

Bỗng dưng đầu óc tôi nóng bừng, bụng nôn nao:

          - Mẹ kiếp - Tôi văng tục, hất tay cô gái đang choàng qua người, lảo đảo bỏ ra cửa. Bên tai nghe loáng thoáng lời của Duy nói với mấy em :

            - Kệ cha hắn ! Đồ phàm phu!

            Tôi ngơ ngác giữa những ngọn đèn cao áp vàng quạch, chếnh choáng, tựa người vào trụ điện, chỗ gốc bằng lăng ngày xưa và nôn thốc nôn tháo ...

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2552
Ngày đăng: 27.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm mẹ - Nguyễn Ngọc Tư
Mùi hương hoa bưởi - Nguyễn Một *
Trầm - Trần Lệ Thường
Thần Tài gõ cửa - Hư Thân
Bên kia khung cửa sổ - Nie Thanh Mai
Gà chọi - Phạm Minh Hoàng
Những Cánh Bướm Phượng - Đinh Lê Vũ
Trước mặt là dòng sông - Nguyễn Một *
Hẹn hò trong thinh không - Trần Lệ Thường
Áo mưa trong suốt - Nie Thanh Mai