Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.208.016
 
Tập tầm vông
Nguyễn Thành Nhân

Người thiếu nữ ngồi một mình, lặng lẽ. Lúc Khanh bước vào quán trời bắt đầu mưa nặng hạt. Bao giờ cũng vậy, những cơn mưa đầu mùa hay làm cho Khanh nhớ. Có lẽ vì mưa thường đem đến cho người ta một cảm giác buồn bã mơ hồ, và vì những kỷ niệm của Khanh đều gắn với một cơn mưa nào đó, đã xa.

           

Người thiếu nữ ngồi một mình, lặng lẽ. Từ góc bàn của Khanh chỉ nhìn thấy một phần gương mặt và một bên vai gầy nhỏ. Tóc đen và mềm. Vai gầy, như một cánh vạc lẻ loi. Tóc ấy và vai ấy làm người nhìn nao lòng đến lạ. Tóc ấy và vai ấy thường quay về trong những cơn mơ chập chùng mê sảng, hay trong những lúc trở về nhà giữa đêm khuya, say mềm và buồn muốn khóc.

           

Tóc ấy, và vai ấy, ngày xưa, còn hay hiện lên trong những vần thơ mực tím tuổi học trò. Ngày xưa, khi Tình yêu còn là một cái gì thiêng liêng, trong trắng và xa xôi không thể nào chạm đến, là một cái gì thật ngọt ngào, dịu dàng và tràn đầy thơ mộng, hiện thân của Tình yêu là một làn tóc dài mong manh sương khói, là một đôi vai gầy guộc nhỏ. “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…” Vẻ đẹp thánh thiện, trong lành của một người con gái qua ca từ của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh chắc đã ăn sâu vào tiềm thức của Khanh từ thời thơ ấu, để ở tuổi mười tám ngây ngô, khi Khanh nhận ra mình vừa biết yêu, tóc ấy và vai ấy chợt nhiên  trở thành mẫu mực.

           

Người thiếu nữ vẫn ngồi một mình, lặng lẽ. Nếu Khanh mà còn làm thơ được, chắc bây giờ phải là thời điểm thích hợp nhất để cắn bút viết một bài thơ. Nhưng không, từ lâu Thơ đã chết. Từ lâu Tình đã chết. Từ lâu lòng tôi chỉ còn là sa mạc. Thơ đã chết, Tình đã chết, bây giờ tôi còn biết phải làm gì? Trời đang mưa. Bên ngoài trời đang mưa. Mưa… Mưa… Còn người thiếu nữ kia sao trông buồn quá vậy? Trông buồn đến làm lòng tôi chùng xuống, làm lòng tôi trĩu nặng một âu lo không rõ. Cô gái ơi, em là ai, em từ đâu đến, sao em lại ngồi một mình trong quán vắng này, và sao tôi cứ mãi nhìn em dù lòng không muốn? Sao trời mưa buồn bã thế này, tôi và em cùng cô độc thế này, mà mỗi người chúng ta vẫn không thể đến gần với nhau hơn? Giữa thế giới chật hẹp này, con người ngày càng nhiều, ngày càng đông đúc, chen chúc nhau, yêu thương nhau, căm ghét nhau, hận thù nhau, lừa dối nhau, nịnh bợ nhau, ca tụng nhau, chửi bới nhau… Cho đi và đón nhận đủ mọi hành động, mọi trạng thái, mọi tâm thế trên đời, mà dường như cuối cùng mỗi người vẫn chỉ co ro trong chiếc vỏ ốc của mình, đơn côi và tuyệt vọng, phải vậy không em?…

           

Hình như bên ngoài đã ngớt mưa. Các thành viên của ban nhạc bắt đầu xuất hiện. Quán đã đông khách hơn. Khanh nốc cạn ly bia không đá rồi gọi tính tiền. Khi chàng trai phục vụ mang hóa đơn đến bàn thì Quang vào tới. Khang giơ tay chào.

Tới làm một ly anh Quang!

 

Quang bước tới kéo ghế ngồi. Quang là một tay kèn xaso, chơi cũng độc đáo và ngẫu hứng lắm nhưng chắc chưa gặp thời nên vẫn chỉ là một chàng nhạc công lớn tuổi vô danh chơi cho những quán bar bình dân kiếm chút cháo qua ngày. Hai người quen biết nhau vì có lần nghe Quang độc tấu bài Hạ trắng xuất thần quá, Khanh đã mời anh ta xuống ngồi nói chuyện làm quen.

 

Quang hớp một ngụm bia rồi hỏi:

Dạo này ít thấy Khanh tới quán, chắc bận công việc hả?

-    Dạ cũng không bận gì mấy anh Quang, nhưng em chỉ tới uống một hai chai rồi về sớm nên không gặp anh.

Dạo này có viết được gì mới không?

-    Cả mấy tháng nay em không viết được chữ nào hết. Kỳ lắm, hình như lâu lâu mọi cảm giác, mọi hứng thú trong em nó biến đâu mất tăm mất tích hết trơn, trong đầu trống rỗng. Ngồi cả tiếng đồng hồ cũng không nặn ra một chữ. Không viết, không có tiền, đành uống ít lại một chút. – Khanh cười.

-    Mấy truyện Khanh mới viết đưa mình đọc hôm trước thấy cũng khá lắm mà, có báo nào đăng chưa?

-    Viết năm bảy truyện, báo đăng được một đã là may anh ạ. Báo nào cũng phe cánh với nhau không, với lại khẩu vị của mấy tay biên tập báo khác với cách viết của em xa lắm. Em nghĩ chắc cũng đã tới lúc kết thúc giấc mơ làm văn sĩ , thà kiếm chuyện gì khác làm, như dịch tài liệu hay đi dạy kèm, còn có chút cháo nhậu lai rai. Viết mà chẳng có người đọc thì viết làm gì.

-      Khanh đừng nản. Nhưng không có hứng thú thì cũng đừng tự thúc ép mình. Cứ thoải mái, rồi một thời gian lại thấy thèm viết cho xem. Đời là vậy mà, có thăng trầm có buồn vui mới thú vị, có thất vọng chán chê mới có hy vọng nẩy mầm. Khanh thấy mình không, bao nhiêu năm chơi nhạc vẫn    thằng vô danh tiểu tốt dù tài năng đâu thua kém ai. Nhưng mình không buồn, cứ vô tư sống. Được sống với cái mình yêu thích mới là điều quan trọng, thành công hay thất bại, có danh vọng tiền tài hay không chẳng là gì. Miễn mình đừng tự ti, tuyệt vọng…

Quang ngưng lời, hớp một ngụm dài, rồi đưa mắt nhìn về phía người thiếu nữ. Khanh cũng nhìn theo. Quang hỏi.

-      Khang có biết cô này không? Hát khá lắm. Nhưng lâu rồi mình không gặp cô ta ở mấy tụ điểm quen. Không biết đi đâu mà hôm nay lại xuất hiện ở đây.

Em cũng mới thấy cô ấy lần đầu. Tên gì vậy anh?

Như  Như.  Chắc là nghệ danh chứ không phải tên thật.

Anh quen thân với cô ấy không?

-    Dạo trước làm chung ở một số quán. Thỉnh thoảng cũng có trò chuyện về nghề nghiệp nhưng không thân lắm. Cô ấy là người kín đáo, ít nói. Thôi, Khanh ngồi nhé, mình phải lên chơi mở màn đây.

 

Quang bước lên bục sân khấu. Người MC giới thiệu vài lời, rồi Quang đưa kèn lên môi. Tiếng kèn nghe day dứt chơi vơi. Ở những khoảng ngẫu hứng, Quang biến tấu một cách tài tình, giọng kèn vút cao não nuột rồi lại trầm đục khàn đi như một tiếng nấc nghẹn ngào. Khanh nhìn qua người thiếu nữ. Người MC đang trao đổi gì đó với cô ta. Gương mặt của cô lúc này quay về phía Khanh. Một gương mặt đẹp và buồn. Mắt cũng buồn thăm thẳm. Vì sao em buồn như thế, cô gái lạ lùng có cái tên cũng lạ lùng kia?

 

*

Đêm đã khuya. Ban nhạc đã về gần hết, chỉ còn một vài người khách quen còn nán lại. Như  Như gục đầu xuống bàn một lúc lâu. Rồi cô ngẩng lên nhìn Khanh, đôi mắt long lanh ướt.

Em say lắm rồi, Khanh ạ. Em say trông hư lắm, phải không anh?

Không đâu, chỉ trông xinh hơn thôi.

Anh nịnh đầm em đó hở?

Anh nói thật. Anh không biết nịnh ai cả. Nói thật khác với nịnh đầm xa lắm, Như  ạ.

Nghĩa là trông em xinh thật? Hình như chưa bao giờ anh khen em cả.

Chưa không có nghĩa là không. Lúc nào em cũng xinh mà. Nhưng lúc này trông ngộ hơn.

Như  Như  mỉm cười, hơi ngập ngừng giây lát, rồi hỏi.

Vậy anh có thích em không Khanh?

Anh rất mến em. Em biết điều đó mà.

Mến, nghĩa là sao?

-    Là anh xem em thân thiết như một người bạn, một người em gái. Một người có nhiều điều đồng cảm với anh.

 

Như  Như  lắc đầu.

Em không muốn thế. Em không muốn làm bạn hay làm em gái của anh đâu!

……………………..?

Em muốn làm một người tình, một người tình của anh, anh có hiểu không?

Khanh ngồi im, sửng sốt. Có lẽ Như  Như  đã say ghê lắm rồi. Có lẽ cô đã nhầm anh với người đàn ông cũ. Một ảo giác tạm thời của những người say.

-     Em muốn  làm một người tình mà không có gì ràng buộc cho anh. Anh không cần cưới em làm vợ, cũng không cần phải gần bên em mãi suốt đời. Nếu anh quen một người con gái khác, nếu anh muốn cưới cô ta, anh có quyền tự do rời bỏ em, anh có hiểu không?

-     Nhưng anh không yêu em, Như à. Không yêu mà lại như thế là lợi dụng em. Anh không muốn làm tổn thương em.

-     Nhiều khi em buồn lắm anh có biết không. Buồn vì anh thật rất vô tình. Anh chỉ nghĩ tới em, nhớ tới em những lúc anh đang say hay đang buồn thôi. Em chỉ là một chỗ để anh giải sầu thôi phải không Khanh?

Không, Như  Như, không phải vậy đâu…

Anh không thích em, nói tóm là như vậy.

Như  à, một cô gái dễ mến như em làm sao anh không thích, nhưng…

-   Anh đừng nói nữa. Em không phải là con gái. Em là đàn bà, là đàn bà anh biết không! Anh không cần giải thích gì nữa. Em về đây.

Để anh đưa em về nhé.

Không, em tự chạy xe được. Anh đừng lo.

Như Như lảo đảo đứng lên. Khanh vội đỡ cô. Anh đưa cô ra, đẩy xe ra ngoài giùm cô, rồi quay vào lấy xe của mình, anh dặn:

Em chờ anh chút xíu. Anh đưa em về thì mới an tâm được.

Nhưng khi anh đẩy xe ra, Như  Như  đã đi rồi. Khanh ngẩn ngơ đạp máy. Anh chạy xe chầm chậm, thấy quay cuồng với bao ý nghĩ trong đầu.

*

Thành phố có những tòa building cao ngất, có những đại lộ khi đêmxuống rực rỡ đèn màu xanh đỏ, có vô số nhà hàng, quán xá với đầy những khách ăn chơi cự phách, vung tiền như vung giấy vụn – những kẻ trở thành tỷ phú một cách nhanh chóng, bất ngờ, với những lý do mờ ám. Nhưng khuất sau lưng những tòa building tráng lệ đó là những khu nhà ổ chuột. Ngay bên lề, thậm chí ngay bên trong lòng những chỗ ăn chơi phù phiếm xa hoa đó, là vô số những phậư5 khốn cùng.

           

Như Như lớn lên ở một trong những khu nhà ổ chuột như vậy của Sài Gòn. Mẹ cô bỏ cô, khi ấy mới hơn ba tuổi và đứa em gái vừa sinh ra vài tháng để đi theo một người đàn ông khác. Bà có những lý do riêng, vì ba cô cũng không tốt lành gì. Ông là một tay ăn chơi khét tiếng. Từ lúc bắt đầu biết nhận thức, Như Như cũng bắt đầu căm ghét mẹ. Về sau, có những lần bà ghé thăm hai chị em, Như Như vẫn lạnh lùng vô cảm, coi bà như một người xa lạ. Em cô thì khác, gặp mẹ nó rất mừng. Nhiều khi Như  Như  thèm được giống nó. Nhưng tình yêu mẹ của cô đã bị bóp chết từ lâu. Nó bị bóp chết trong những ngày, những đêm dài thăm thẳm, khi cô ngồi bên đứa em gái nhỏ đang khóc lóc, lòng nhớ cha, nhớ mẹ, tủi thân. Ba cô thường xuyên đi vắng, hình như ông tới ăn ngủ tại nhà của một trong những người tình của mình. Bà nội đã nuôi nấng dạy dỗ hai chị em cô. Nếu không có tình thương của nội, không xót thương đứa em chịu lắm thiệt thòi, có lẽ cô đã tự sát từ lâu. Như  Như nghỉ học khi hết lớp 9, vì nội đã già, không còn đủ sức lo cho cả hai chị em cô ăn học. Từ năm 17 tuổi cô đi theo một người chịhàng xóm hát tại những quán rượu bình dân. Cô có một giọng hát đặc biệt, lạ lùng. Nhưng nó chỉ giúp cô kiếm được vài show nhỏ, thêm chút tiền để phụ nội thôi. Ca hát là một nghề nhìn từ bên ngoài tưởng là dễ bước lên nấc thang danh vọng, nhưng ai đã vào cuộc mới biết những cay đắng phũ phàng. Năm 20 tuổi, một người khách quen yêu cô, muốn chung sống với cô, với điều kiện cô phải bỏ nghề, bỏ Sài Gòn theo ông ta lên Kon Tum, nơi ông ta có một đồn điền và một công ty nhỏ sản xuất cà phê. Cô chỉ cần coi sóc chuyện nhà, mỗi tháng khi lên đó kiểm tra công việc làm ăn, ông ta sẽ tới ở với cô vài hôm. Bình thường, ông ta ở Sài Gòn với vợ con. Như Như chấp nhận. Cô không yêu người đàn ông ấy nhưng cũng khá mến ông ta. Đó là một người đàn ông phong độ, hào hoa và tốt bụng. Có lẽ với cô, ngoài việc có vợ con ông ta chẳng có một khuyết điểm nào đáng kể. Vả lại, cuộc sống bấp bênh của một ca sĩ nghiệp dư hạng bét như cô cũng không có gì sáng sủa. Nhận lời ông ta, cô sẽ có điều kiện giúp nội, giúp em nhiều hơn. Gần hai năm làm vợ hờ đó là quãng thời gian cô cảm thấy yên bình, hạnh phúc nhất, dù phần lớn thời gian cô vẫn phải sống thui thủi một mình trong căn nhà lạnh giá vùng cao. Không may, người đàn ông ấy chết vì tai nạn giao thông. Và cô lại phải quay về Sài Gòn, quay về với cuộc đời ca sĩ nghiệp dư cay đắng.

           

Ngày Khanh gặp cô lần đầu cũng là lúc cô vừa quay lại Sài Gòn. Từ ấy đến nay, hai mùa đã trôi qua. Mùa hạ trôi qua. Mùa thu trôi qua. Những mùa thật ra chỉ có trong tâm tưởng nhiều hơn, vì Sài Gòn nào có bốn mùa rõ rệt. Trong thời gian đó, tình bạn giữa Khanh và Như Như trở nên thân thiết. Như Như là một cô gái có nhiều phẩm chất tốt đẹp và cao quý, dù học vấn ít, cuộc sống đầy giông tố. Khanh vẫn nhớ mãi cái dáng ngồi, cái vẻ buồn thật độc đáo của cô hôm ấy, một phong thái nhất định sẽ tạo nên những cảm hứng tuyệt vời cho những nhà họa sĩ. Rất tiếc Khanh chẳng bao giờ vẽ được cái gì khá hơn những con ngựa mập ú có năm chân và những con voi lùn của thời tiểu học.

           

Nhờ có Như Như, bỗng dưng Khanh tìm lại được nguồn cảm hứng để viết. Anh viết miệt mài, càng viết càng sung sức. Cứ viết, với niềm đam mê say đắm và niềm hạnh phúc, còn viết để làm gì, Khanh không màng tới nữa. Như Như là một độc giả hiếu kỳ hay thắc mắc, nhưng cũng là một độc giả tuyệt vời, có độ cảm nhận rất sâu sắc. Những truyện Khanh viết đưa cô đọc, cô đọc rất kỹ, nhớ từng chi tiết, và có nhiều khi cô còn vạch ra cho Khanh thấy những chỗ thiếu sót, vụng về không thật. Khanh hay đùa, bảo rằng gặp được một nhà phê bình tầm cỡ như  Như  Như  là một điều vạn hạnh ngàn năm có một đối với bất kỳ nhà văn vô danh nhưng ấp ủ nhiều mộng lớn nào,  đặc biệt là anh. Và những lần anh đùa như vậy, Như  Như  lại nở một nụ cười rạng rỡ. Anh là một người ít khi đùa, còn Như  Như  là một người cực-kỳ-ít-khi cười. Những nụ cười ấy còn hơn những tia nắng mặt trời ấm áp. Nó sưởi ấm hơn chút xíu hai tâm hồn lạnh lẽo.

           

Gặp Như  Như, Khanh lại có thể làm thơ trở lại. Và kinh khủng hơn nhiều, Khanh còn sáng tác nhạc! Dĩ nhiên không phải là viết đầy đủ bài bản ký âm, chỉ đơn giản là Khanh ôm cây đàn guitar lên, nghêu ngao hát bằng cái giọng rè rè nghẹt mũi của mình. Như  Như   xuất hiện, quyển vở đời anh đã lật sang một trang mới, với những dòng thơ ca, những nốt nhạc nhảy nhót nô đùa, cuộc sống ngát thơm mùi hoa cỏ, tràn đầy ánh sáng, niềm vui và cảm giác an bình. Nỗi buồn vẫn còn đó, vì dù sao nỗi buồn cũng là một nốt nhạc, một sắc màu không thể thiếu tô điểm cho bài ca cuộc sống. Nhưng nỗi buồn không còn cay đắng đến không thể nào chịu đựng nổi như xưa, vì nó đã được sẻ chia. Như  Như  ít buồn hơn. Khanh ít buồn hơn.

           

Ít ra, Khanh cũng tưởng là như vậy, cho đến hôm nay…

Có thật sự tôi xem em là một người em gái? Hình như không. Đây là một tình cảm lạ lùng. Nó gần với tình yêu, gần lắm. Có nỗi nhớ khắc khoải những khi lâu ngày không gặp. Có sự lo âu thắc thỏm khi tôi nghĩ tới cuộc sống bấp bênh phóng đãng của em. Có nỗi mừng vui, niềm vui sướng khi gặp em, trò chuyện với em. Chỉ có điều, tôi không dám đẩy tình cảm đó đi xa hơn nữa. Tôi sợ tôi làm khổ em. Tôi sợ tôi làm khổ chính mình. Tôi thà không nếm hết những vị ngọt của tình yêu để tránh đi những dư vị khổ đau cay đắng của nó. Thà nấp sau chiếc bình phong tình bạn hữu, để mọi sự đều tốt đẹp, để mọi chuyện đều chỉ êm đềm. Nhưng hình như tôi đã sai lầm. Tình yêu không cho phép bất  kỳ ai giới hạn nó. Tôi sẽ không thể che giấu được tình cảm thật của mình. Tôi sẽ đầu hàng những dục vọng đắm say. Và tôi sẽ thiêu hủy em, thiêu hủy tôi, thiêu hủy những gì an lành mong manh vừa có lại. Không! Tôi sẽ không làm khổ em, làm em khó xử thêm nữa, Như  ơi! Từ hôm nay, tôi sẽ không bao giờ gặp lại em nữa. Giấc mơ đẹp đã qua. Thực tế chua xót đã trở về. Nhưng dù có buồn, chúng ta vẫn sẽ nhớ về nhau với một tình cảm chân thành tốt đẹp. Hãy tha lỗi cho tôi nhé,Như  Như…

*

Những ngày tháng vẫn bình thản trôi. Khanh không tới những quán quen thuộc cũ, và không gọi cho Như  Như. Cô cũng lặng im. Có lẽ cô cũng hiểu. Khanh quay trở về với nếp sống tẻ nhạt của một anh công chức. Lầm lũi đi về. Không buồn, không vui, không khóc cười điên dại, hay thỉnh thoảng cũng có những vui buồn mà vui buồn nhạt thếch như nước ốc. Đôi khi, trong những cơn say chuếnh choáng, ngồi nghe một ca sĩ nào đó hát những bài Như  Như thường hát, Khanh nghe nhói lên một nỗi nhớ mênh mang. Những lúc ấy, hầu như Khanh muốn vùng dậy, phóng xe đến những quán quen xưa để tìm bằng được Như  Như.  Và có đôi lúc anh  đã làm như thế thật. Nhưng chỉ đến gần quán, Khanh lại thẫn thờ quay đi… Như  ơi, xin hãy quên anh…

*

Một buổi chiều mưa, Khanh đang ngồi viết trên căn gác thì máy điện thoại reo. Khanh cầm máy lên, bỡ ngỡ, bàn tay anh chợt run lẩy bẩy. Trên màn hình chiếc máy hiện lên cái tên quen thuộc Như  Như. Đã nhiều lần anh muốn xóa nó rồi, nhưng cuối cùng anh tặc lưỡi, thôi thì cứ để lâu lâu mở ra nhìn cái tên chút xíu cũng đỡ buồn, miễn là không gọi. Nhưng… bây giờ thì Như  đã gọi anh. Chắc phải có chuyện quan trọng, nhưng cầu mong đừng có chuyện gì chẳng lành xảy đến với Như  Như… Khanh đưa máy lên tai.

 

Anh Khanh phải không ạ?

Phải, anh đây. Như  có khỏe không?

Dạ, em cũng bình thường… Anh có khỏe không?

Anh còn nhậu được đều đều, Như ạ – Khanh cố pha trò để giảm bớt căng thẳng.

Anh Khanh, Như  có việc muốn gặp anh, anh tới nhé, ở quán cũ hôm gặp Như  lần đầu.

… Có việc gì không Như, nội Như, em Như vẫn khỏe?

Nội và Hạnh vẫn khỏe, anh đừng lo. Anh tới nhé, em chờ.

Như  Như ngồi ở chiếc bàn ngày cũ. Dáng ngồi cũng như ngày cũ. Tóc xõa một bên vai. Mặt hướng về phía vách bên trong quán. Khanh bước tới bên bàn.

Như!

Anh Khanh!

 

Như  Như đứng lên. Trông cô gầy hơn dạo trước. Khanh  thấy lòng rưng rưng một nỗi xót xa ân hận. Anh những muốn ôm chầm lấy Như  Như, xiết chặt thân hình thân thương đó, nhưng đó chỉ là ao ước, còn thực tế, anh chỉ nắm lấy bàn tay cô, bóp nhẹ.

Em gầy đi nhiều lắm đó Như.  Phải cố giữ gìn sức khỏe.

Anh cũng vậy. Anh cũng gầy hơn trước.

Đôi mắt của Như  Như  mênh mông đăm đắm nhìn anh. Nỗi buồn trong đó như nhấn chìm anh xuống.

 

Hai người ngồi xuống. Có lẽ không cần phải kể lại từng lời họ nói với nhau. Những lời bộc lộ nỗi nhớ mong của các đôi lứa yêu nhau chắc bao giờ cũng giống nhau. Thời gian với họ lúc này ngưng đọng.

Anh Khanh à..

………………?

Như muốn gặp anh là vì …  Có lẽ đây là lần cuối. Ngày mai Như xuất cảnh rồi…

Khanh lặng người một lúc, rồi hỏi một câu thừa thải:

Thật sao Như? …

-    Thật đó. Em đi anh có buồn không? Hay là mừng vì thoát nợ – Như  Như cười mà sao nụ cười như lịm tắt giữa chừng – Em muốn gặp anh nói cho hết, để sau này không còn gì ân hận…

Cô ngập ngừng một lúc, rồi chợt hỏi:

-      Anh yêu em lắm phải không? … Anh đừng ngắt lời, để em nói hết đã kẻo chút nữa em sẽ không còn can đảm để nói đâu… Thật ra, em đã nhận ra là anh yêu em từ lâu. Anh yêu mà không dám thú nhận, ngay cả với chính mình. Em hiểu điều đó bằng trực giác của đàn bà, anh tự  dối mình chứ không giấu được em đâu. Em cũng hiểu một người  như em làm sao xứng đáng với anh. Em chỉ muốn dâng hiến cho anh tình yêu chân thật của mình, và nhận lại chút tình yêu của anh thôi, được hưởng nó một ngày, một giờ thôi, em cũng mãn nguyện lắm rồi… Anh không dám nhận tình em, em không trách anh đâu, vì em hiểu anh tôn trọng em, yêu em bằng tấm lòng chân thật. Anh không muốn đón nhận tình cảm ấy vì anh không thể cưới em. Anh đâu giàu có gì để nuôi một cô vợ chả biết gì ngoài việc ca hát như em, mà em bỏ nghề để sống với anh, nếu giả dụ anh có đủ can đảm, dám liều mạng yêu em cũng không thể được. Chúng ta không thể đến với nhau. Vì vậy, em không bao giờ giận trách gì anh đâu, Khanh ạ. Em chỉ hận ông Trời sao không cho hai đứa mình sinh ra trong một hoàn cảnh khác… Khanh à, em còn nhớ hồi còn nhỏ, em và tụi bạn trong xóm hay chơi trò hát đồng dao, có bài Tập tầm vông, anh có nhớ không? … Tập tầm vông tay không tay có, tập tầm vó tay có tay không, tay nào có, tay nào không…  Với em, với cả cuộc đời em, câu hát ấy sao mà đúng quá… Em không có quyền, không được phép, không thể nào có được cả hai tay…” Như  Như nghẹn lời rồi bật khóc.

 

Khanh đưa Như  Như  về tới nhà cô khi mưa bắt đầu trở lớn. Khi bước khỏi xe, cô nán lại vài giây, rồi khẽ kéo Khanh đứng lên. Khanh choàng tay ôm lấy thân hình run rẩy của cô. Họ trao cho nhau một nụ hôn say đắm. Nụ đầu tiên, cũng là nụ cuối cùng. Những giọt mưa lăn lăn trên tóc, trên mặt của Như  Như.  Những sợi tóc của Như  Như  ướt mềm, vướng víu trên bờ môi Khanh, thoảng mùi thơm của một loài cỏ dại.

 

05/2004

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2993
Ngày đăng: 28.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trấn thiếu dòng sông - Nguyễn Một *
Làm mẹ - Nguyễn Ngọc Tư
Mùi hương hoa bưởi - Nguyễn Một *
Trầm - Trần Lệ Thường
Thần Tài gõ cửa - Hư Thân
Bên kia khung cửa sổ - Nie Thanh Mai
Gà chọi - Phạm Minh Hoàng
Những Cánh Bướm Phượng - Đinh Lê Vũ
Trước mặt là dòng sông - Nguyễn Một *
Hẹn hò trong thinh không - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)