Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.779
 
Nỗi niềm U Minh Hạ
Võ Ðắc Danh

TỪ CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI BẠN ĐỒNG NGHIỆP . . .

 

Hồi tháng chín năm ngoái, trong một cuộc họp báo tại văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tôi được nghe một thông tin khá đặc biệt : nhà báo Đặng Huỳnh Lộc đã viết một bài phóng sự điều tra với tựa đề Những nhà nông không đất, không tờ báo nào dám đăng, anh gởi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bài phóng sự dài mười một trang in vi tính, Lộc kể về thân phận của những người nông dân không đất đai canh tác, họ bồng bế, dắt dìu nhau xuống rừng U Minh thuê đất để làm ruộng. Từ đó tác giả dẫn người đọc qua những cú xốc bởi mấy vấn đề cốt lõi.

 

Thứ nhất : Lâm trường U Minh I cấp cho ủy ban nhân dân huyện U Minh 80 hecta đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Huyện khoán lại cho một tư nhân tên là Lê Thanh Liêm với giá 90 triệu đồng mỗi năm. Ông Liêm lại khoán cho 19 hộ nông dân khác theo giá thỏa thuận để họ trồng lúa. Phần ông sử dụng mặt nước để nuôi cá. Đã thế, ông Liêm được huyện trang bị vũ khí để canh giữ cá đồng và để . . . đi đòi nợ những người thuê đất.

 

Thứ hai : ông chủ tịch huyện Tần Văn Thời được lâm trường cấp cho 7 ha đất, ông khoán lại cho vợ chồng chị Dung, thương binh nghèo với giá mỗi năm 150 giạ lúa. Năm đầu chị Dung làm được 200 giạ, nộp khoán xong còn lại 50 giạ. Năm sau lâm trường đấp đập giử nước để phòng chống cháy rừng, cả vùng lúa bị chết úng, chị dung chỉ thu được 56 giạ, không đủ nộp, ông chủ tịch huyện đòi đất lại. Chị Dung không chịu trả vì chị đã đầu tư lên mương phèn và trồng chuối trên bờ bao. Thế là hai bên tranh chấp, ông chủ tịch hăm doạ sẽ ra lệnh cho lâm trường dở nhà chị Dung . . .

 

Thứ ba : Một tư nhân khác nữa tên là Trần Minh Quang được lâm trường Trần Văn Thời khoán cho 1.200 hecta đất rừng để nuôi cá. Quang cũng được trang bị ba khẩu súng để canh giữ tài sản. Trong lúc nhà nước ra lệnh cho toàn bộ các lâm trường phải đấp đập giữ nước để phòng chống cháy rừng thì giữa mùa khô năm 1997, Quang lại được lâm trường cho phép xả đập và dùng máy bơm tát cạn 1.200 hecta rừng để bắt cá, làm cháy 1,5 hecta rừng nhưng Quang chỉ bị phạt 1,2 triệu đồng. Trong khi một em bé bắt của Quang hai con cá lóc khoảng nửa ký lô thì  bị lâm trường phạt bốn trăm ngàn đồng . . .

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi công điện cho Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau : Tôi đã nhận được phóng sự “Những nhà nông không đất” của nhà báo Đặng Huỳnh Lộc viết về tình hình đất đai, rừng tràm U Minh(gởi kèm theo).Nếu sự thật như phóng sự này phản ánh thì có thể nói tình hình rất nghiêm trọng.Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh lập ngay một đoàn thanh tra gồm thanh tra nhà nước tỉnh, sở địa chính, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và nếu tỉnh ủy đồng ý thì mời ủy ban kiểm tra Đảng của tỉnh tham gia, về tại chổ kiểm tra, đối chiếu tình hình.Phải xử lý kỷ luật hành chánh thật nghiêm mọi tổ chức cá nhân nào vi phạm.Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải cho tiến hành điều tra, khởi tố theo pháp luật.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo đoàn thanh tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng chính phủ.

 

Trong cuộc họp báo hôm ấy, các vị lãnh đạo tỉnh đã quở trách Tổng biên tập báo Cà Mau đã không quản lý nổi phóng viên của mình để cho bài báo đến tay Thủ tướng chính phủ làm mất uy tín lãnh đạo tỉnh. Sau lời quở trách ấy, nhiều người đâm ra lo ngại cho số phận của Đặng Huỳnh Lộc rồi sẽ giống như số phận của những nhà báo trước đây.

 

Mấy ngày sau tình cờ gặp Lộc ngồi trầm tư một mình trong quán cà phê, tôi hỏi:

- Chuyện ấy ra sao rồi ?

- Chẳng sao cả, chỉ có điều là họ cấm không cho mình ra khỏi thị xã. Và mấy bài viết sau nầy đều bị ách lại không đăng, dù nó chẳng có gì liên quan đến U Minh.

 

Những ngày tháng ấy dường như Lộc sống trong sự cô đơn. Lãnh đạo cơ quan thì xem anh ta như người có tội, ngay cả một số bạn bè đồng ngiệp khi tiếp xúc với Lộc cũng tỏ ra dè dặt vì sợ liên lụy đến tấm thân. Hàng ngày chạy xe đi làm, thĩnh thoãng tôi lại thấy Lộc ngồi trong quán cà phê với vài anh nông dân áo quần lem luốc, có khi là chị phụ nữ ngồi co ro, chiếc nón lá bung vành úp lên đàu gối. Tôi hiểu ngay đó là những nhà nông không đất từ U Minh vượt hàng chục cây số ra đây, mang nặng tâm tư của cái kiếp tá điền thời đại để cần sự chở che của một nhà báo, mà một nhà báo thì có thể giúp cho họ được gì ? Bản thân anh ta còn chưa chắc được yên.

 

Nhưng cũng may mắn cho Lộc. Hơn một tháng sau, ủy ban nhân dân tỉnh ra thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịc tỉnh về việc thanh tra đất rùng U Minh theo phóng sự điều tra của Đặng Huỳnh Lộc.

 

Văn bản nầy thừa nhận những vấn đề mà Lộc đã nêu, đồng thời cũng đặt ra cách giải quyết là sẽ thu hồi đất đai, vũ khí của những tên đầu nậu đất và sẽ kiểm điểm những tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước ở các huyện và các lâm trường.

Chỉ có điều, thông báo nầy không mang tính nhân bản, là vì những nhà nông không đất lẽ ra sẽ trở thành chủ nhân trên mãnh đất mà mấy năm qua họ đã gắn bó với thân phận của kiếp tá điền dưới ba tầng áp bức bốc lột. Vậy mà giờ đây họ lại bị đuổi ra khỏi lâm trường với lý do là cư trú bất hợp pháp.

 

Tôi chợt ngậm ngùi tự hỏi : rồi họ sẽ trôi dạt về đâu, hởi những công dân!!!

. . . ĐẾN CHUYỆN CỦA MỘT ĐOÀN LÀM PHIM.

Bất chợt một ngày của tháng 3 năm 1998, anh Nguyễn Hồ, giám đốc hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh gọi điện thoại hỏi tôi :

Nghe nói rừng U Minh đang cháy lớn lắm phải không ?

Dạ đúng, hiện giờ cũng đang cháy.

Theo mầy thì do đâu mà cháy ?

Dạ do lửa.

Đồ quỷ ! Nói thật nghe coi !

Theo tôi thì có hai nguyên nhân.

Thứ nhất ?

Do sức ép của dân số.

Thứ hai ?

Do chúng ta.

Chúng ta là ai ?

Là cơ chế.

Đúng !

Vậy anh hỏi để làm gì ?

Để xem mầy có nhìn ra vấn đề hay không.

Mà nhìn ra để làm gì ?

Để nói, đồ ngu !

Nhưng nói bằng cách nào ?

Bằng một bộ phim tài liệu. Tao giao cho mầy biên kịch và đạo diễn.

 

Cuối tháng năm, hãng phim truyền hình ra quyết định thành lập đoàn làm phim tài liệu “ Cánh rừng và ngọn lửa”. Gọi là đoàn làm phim cho nó oai, thật ra chỉ có ba người : tôi đạo diễn, Tuấn quay chính và Phương phụ quay. Chúng tôi mời thêm cô Ngọc Mai, phóng viên nhí của báo ảnh Đất Mũi cùng đi với hy vọng cô sẽ viết một cái gì đó về U Minh, ví dụ như phóng sự “ theo chân đoàn làm phim” chẳng hạn. Mai cho biết, toà soạn cũng đã phân công cô viết về những nhà triệu phú trên đất U Minh cho số báo sắp tới. Cô nói cảm thấy lo vì xếp thì phân công như vậy nhưng liệu đến U Minh có tìm được nhà triệu phú nào không ?

Tuấn tỏ ra thắc mắc :

- Chúng tôi đi U Minh làm phim về chuyện cháy rừng, chuyện nghèo đói, còn cô thì đi viết về những nhà triệu phú. Vậy thì ai đúng ?

- Ai cũng đúng cả. Các anh làm đúng với sự thật, còn em làm đúng ý lãnh đạo của em.

- Vậy thì chính kiến của cô ở đâu ?

- Vấn đề là không được xài cái mình có mà phải xài cái người ta cần. Người làm báo đôi khi phải biết tồn tại như một con két. Chính kiến là thứ của quý nên phải biết cách xài cho đúng nơi, đúng lúc . . .

Chiếc tàu khởi hành, tiếng máy nổ làm cắt ngang cuộc tranh luận giữa Ngọc Mai và Tuấn. Chúng tôi đành phải lấy báo ra đọc để giết thời gian.

 

*

Tiếp chúng tôi trong trạng thái miển cưởng, anh Nguyễn Văn Đắc, giám đốc lâm ngư trừơng Sông Trẹm nói :

- Đón tiếp các anh trong lúc nầy thú thật chúng tôi rất ái náy. Thứ nhất là về chổ ăn chổ ở, hiện nay cả một tiểu đoàn U Minh II đang túc trực phòng chống cháy rừng ở đây. Rồi các anh cảnh sát điều tra công an tỉnh, công an huyện đang sử dụng trụ sở của lâm trường để thụ lý hồ sơ can phạm trong các vụ án cháy rừng. Vì vậy mà các anh thông cảm giăng mùng gủ dưới đất, còn ăn uống thì cố gắng chịu cực với chúng tôi, năm nay nắng hạn kéo dài, kinh xáng bị xì phèn nên cá chết hết, nguồn nước sinh hoạt cũng không có, kinh phí hoạt động của lâm ngư trường cũng đang cạn kiệt . . .

- Anh yên tâm – tôi nói chen vào – mọi chuyện ăn ở, đi lại chúng tôi sẽ tự lực. Chỉ nhờ các anh giúp cho một hướng dẫn viên để chúng tôi đi sâu vào đời sống của lâm trường.

Sau khi nghe tôi trình bài ý đồ của bộ phim, anh Đắc lật sổ tay ra rồi nói :

 - Mùa khô năm nay, toàn bộ khu vực U Minh hạ xảy ra 87 vụ cháy rừng thì tại Sông Trẹm nầy đã xảy ra 42 vụ cháy. Có lẽ đây là năm bi đát nhất của chúng tôi, một đơn vị nhờ giữ rừng tốt mà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

- Theo anh thì nguyên nhân cháy do đâu ?

- Nguyên nhân trực tiếp thì không xác địng được. Nhưng chung quy là do sự nghèo đói mà ra cả. Sông Trẹm có 1.142 hộ dân nhận khoáng đất rừng thì đã có gần tám trăm hộ nghèo đói, trong đó có sáu trăm hộ đói nghiêm trọng, đói đến mức không có gì để ăn. Như các anh biết, cái đói xưa nay thường là vào mùa giáp hạt, tức vào khỏang tháng mười âm lịch. Vậy mà năm nay, nạn đói ở đây bắt đầu từ tháng giêng. Như vậy ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra từ đây đến mùa lúa chín. Mà hy vọng mùa lúa tới cũng rất mỏng manh, bởi vì từ năm 1995, tức là từ lúc đóng cửa rừng đến nay, cây lúa đã không thể sống với cây tràm.

- Vì sao ?

- Bởi vì vào khoảng tháng chín âm lịch, lâm trường được lệnh phải đắp đập để giữ nước phòng chống cháy rừng. Thế là cây lúa bị chết úng.

- Đắp đập giữ nước mà sao rừng vẫn cháy ?

- Thật ra việc đắp đập cũng chưa phải là giải pháp vì rừng không thể giữ nước qua hết mùa khô.

- Theo anh thì làm thế nào để giữ được rừng ?

- Nếu tiếp tục đóng cửa rừng như thế nầy thì đành chịu ! Ngay như Sông Trẹm bây giờ, bình quân ngủ một đêm thức dậy mất ba ngàn cây tràm, trị giá hai mươi triệu đồng, một tháng mất nửa tỷ bạc. Đó là mùa khô, việc vận chuyển tràm từ trong rừng ra kinh khó khăn mà còn như vậy. Đến mùa mưa, mỗi tên trộm có thể bè năm mươi cây tràm cùng một lúc. Rừng vẫn mất mà dân thì vẫn đói ! Hơn hai mươi năm qua, cây tràm đã đi trong quẩn quanh của bao nhiêu cơ chế, cuối cùng là lệnh đóng cửa rừng nhưng vẫn không thoát khỏi ngọn lửa và bàn tay kẻ trộm. .

 

*

 

Anh Dũng ngồi trên chiếc xuồng ba lá đã mục nát úp trước hàng ba của căn nhà cũng đã không còn nguyên vẹn. Tay vấn thuốc rê, mắt đăm chiêu nhìn ra cánh rừng trước mặt, cánh rừng sau trận mưa đầu mùa trông buồn thảm làm sao !

Anh vào đây từ năm nào ? – Tôi hỏi.

Ngày 25 tháng 2 năm 1983, tính đến nay đã mười lăm năm ba tháng.

Sao anh nhớ kỹ vậy ?

      - Làm sao quên được anh ! Đó là cái ngày mà vợ chồng tôi cùng bốn đứa đứa con trên chiếc xuồng ba lá trôi dạt về đây với hy vọng đổi đời. Tôi được lâm trường cho khai hoang bảy công đất rừng để làm ruộng và 130m bờ đê để trồng chuối. Nhưng mười mấy năm qua ruộng liên tục bị mất mùa vì đất phèn trũng, mỗi năm chỉ thu hoạch được ba bốn chục giạ lúa, đủ ăn được sáu tháng.

- Thế những tháng còn lại ?

- Tôi bán chuối, mỗi tháng được năm chục ngàn đồng. Ngoài ra có ai mướn gì thì làm thêm, còn không thì ăn cháo.

- Sao anh không nuôi cá ?

- Muốn nuôi cá phải có vài chục triệu để lên bờ bao, nhưng dân ở đây nghèo nên đành chịu.

Chúng tôi từ giả anh Dũng. Tuấn ngồi trước mũi xuồng, ống kính hướng lên những căn chòi lụp xụp dọc theo bờ kinh xáng cắt ngang xẻ dọc trong rừng. Và, như một phản ứng tự nhiên, Tuấn khoát tay ra hiệu cho người lái vỏ dừng lại, ống kính cũng dừng lại ở người đàn ông đang chất từng bó rau rừng lên chiếc xuồng ba lá. Từ trong căn chòi nhỏ, người đàn bà trạc tuổi bốn mươi cùng ba đứa bé gái ôm những thúng rau đặt xuống bờ kinh, nào rau muống, đọt nhãn lòng, đọt choại . . .

Anh Biền, trưởng phòng tổ chức của lâm trường Sông Trẹm nói với chúng tôi :

- Đây là gia đình anh Hai Thống, đang lúc đói ăn rau . . . như ông bà ta từng nói.

Phóng viên Ngọc Mai quay sang hỏi chị chủ nhà :

- Một xuồng rau như vậy chị bán được bao nhiêu tiền ?

- Dạ nếu bán hết thì được khoảng năm chục ngàn .

- Chị đi bán tới đâu ?

- Dạ xa lắm, tuốt trên Đầu Sấu, cách đây gần năm chục cây số, đi về mất hai ngày.

Tôi bàng hoàng nhẩm tính : hái một ngày, đi bán hai ngày, chèo đi chèo về gần trăm cây số, dãi nắng dầm mưa, và . . . 50.000 đồng !

Chị Thống vẫn cười vui vẽ nói :

Tính ra làm mướn thì khá hơn, nhưng ngặt bây giờ ai cũng nghèo, không ai mướn ai cả. Hổm rày thấy mấy người xung quanh hái rau đi bán được, tôi với ổng bắt chước làm theo.

- Chừng nào chị mới bắt đầu đi ? – Ngọc Mai hỏi.

- Dạ mười giờ khuya.

- Vậy là chị phải thức suốt đêm ?

- Chớ sao cô ! Chiếc xuồng nhỏ xíu, rau chất đầy hết, chổ đâu mà ngủ. Vã lại tôi phải bơi tiếp ổng cho mau tới.

Trời đang vần vũ mây đen báo hiệu một cơn mưa đầu mùa sắp đến. Mấy anh cán bộ lâm trường tỏ vẻ mừng vui vì khỏi phải lo phòng chống cháy rừng, còn tôi chợt nghĩ : đêm nay vợ chồng anh Thống phải chèo chống trong mưa.

Chúng tôi dừng lại ở một căn chòi           kế tiếp, một đứa bé chừng sáu tuổi, gầy ốm, quần áo tả tơi, tóc vàng hoe, đôi bàn tay lấm lem rửa từng trái chuối luộc dưới dòng kinh. Hỏi ra mới biết, cả nhà đi làm cỏ mướn, trong nhà hết gạo, đứa bé – có tên là Ut Mót – ăn chuối luộc từ sáng đến giờ. Do chuối non, luộc xong để lâu nó bị nhuốm đen màu mủ, Ut Mót thấy vậy mang đi rữa cho sạch mủ và bớt đắng để ăn tiếp buổi chiều.

Anh Biền cho chúng tôi biết, căn chòi nầy của ông Lưu Văn Hạnh, thương binh ¾, có chín đứa con, đứa lớn mới lấy chồng, ra riêng vừa dựng lên căn chòi bên cạnh, đứa con trai thứ hai khoảng mười bảy tuổi, mắc bệnh tâm thần, suốt ngày lội lang thang.

Chúng tôi tìm đến chỗ gia đình anh Hạnh đang làm mướn. Tất cả tám người, hai vợ chồng, sáu đứa con đang ì ạch phác sậy trên bờ đê. Anh dừng tay và vui vẻ nói :

- Phác một ngàn mét chiều dài, mười mét chiều ngang được trả công hai trăm năm chục ngàn đồng. Tám người làm xuyên suốt thì bốn ngày mới xong, phải ăn cơm nhà. Tính ra rẻ mạt nhưng tìm được việc làm thế nầy có phải dễ đâu.

Anh Hạnh đốt điếu thuốc gò, hít, phà mấy hơi dài rồi nói tiếp :

- Sống hết nổi rồi mấy chú ơi ! Ngày mai về Cà Mau họp chi bộ, tôi sẽ ở lại vài ngày để tìm mối sang nhượng lại quyền sử dụng đất rồi đi nơi khác sống. Kệ, kiếm chổ nào làm mướn làm thuê cũng được.

Tuấn ngạc nhiên hỏi :

- Ua, anh nói về Cà Mau họp chi bộ nghĩa là sao ?

- Tôi còn sinh hoạt Đảng ở xã Lý Văn Lâm. Tuy vào đây đã sáu năm nhưng vẫn họp định kỳ, không vắng mặt lần nào cả. Kệ, mình đói thì đói chớ đâu có bỏ Đảng được.

Trời hỡi ! Anh nói tĩnh bơ mà sao tôi nghe như cổ nìng nghẹn lại.

Tuấn quay sang hỏi Ngọc Mai :

- Nhà báo có còn giữ ý định viết về những nhà triệu phú nữa không?

Ngọc Mai chỉ cười chua chát.

 

Anh Biền bảo người lái vỏ ghé nhà chị Ba Phước. Chúng tôi chưa kịp lên bờ thì chị Ba từ trong nhà bước ra,giọng sang sảng :

- Chú Biền ! Chú về báo lại với ban giám dốc, nếu không xử được bọn trộm thì tôi trả đất lại cho lâm trường. Tôi giữ rừng bao nhiêu năm nay rồi chú biết đó, đói cũng bấm bụng mà chịu. Giờ cây đến tuổi khai thác, nhà nước ra lệnh đóng cửa rừng tôi cũng chấp hành. Nợ hai chỉ vàng từ đàu năm đến nay, mỗi tháng đóng lời một trăm ngàn tôi cũng ráng chịu, không dám rớ đến một cây tràm. Vậy mà tụi nó ăn cắp hết đêm nầy qua đêm khác. Tôi báo mấy lần mà lâm trường có giải quyết được gì đâu. Giờ tụi nó đâm ra thù oán tôi. Thuốc heo, thuốc chó, bửa xuồng, cắt lưới, viết thư hăm doạ sẽ cho vợ chồng tôi bài học nếu tôi tiếp tục đi tố cáo chúng . . .

Biền than thở :

- Tụi tôi biết làm thế nào được hả chị Ba ! Chỉ có quyền bắt mà không có quyền xử. Giao cho mấy cha kiểm lâm chẳng khác nào bắt cóc bỏ vô dĩa, mấy chả chỉ phạt một trăm ngàn rồi thả về.

Chúng tôi lội vào khu rừng rộng mười hecta của chị Ba Phước, thì ra, bên trong cái hàng rào xanh mướt ấy là cành ngọn ngổn ngang, là hàng vạn gốc tràm bị cưa sát đất. Có lẽ con số ba ngàn cây tràm bị bọn lâm tặc cướp đi mỗi đêm mà anh Đắc đã nói với chúng tôi hãy cõn khiêm tốn.

Tôi cãm thấy xót xa cho vợ chồng chị Ba Phước, chịu khó chịu đói bao nhiêu năm để gìn giữ mảnh rừng để rồi cái lệnh đóng cửa rừng giáng xuống đúng thời kỳ khai thác. Cai cú xốc ấy chưa nguôi thì rừng đã về tay bọn trộm.

Tối hôm ấy ngồi uống trà với phó giám đốc Lê Thanh Ngoan, tôi hỏi :

- Theo anh thì giải pháp nào để cứu Sông Trẹm ?

Anh lắc đầu rồi buông một tiếng thở dài :

- Cơ chế bây giờ chưa có lối ra !

Sáng hôm sau, trước khi chuẩn bị rời Sông Trẹm, Tuấn hỏi tôi :

- Anh xem còn quay gì nữa không, nếu không thì tụi em chuyển máy xuống xuồng ?

Tôi suy nghĩ rồi chợt nhớ :

- Cho anh một cú zom in tấm danh hiệu Anh hùng lao động, zom thật chậm.

Tuấn cười, mắt liếc nhìn tôi :

- Có phải ông đạo diễn muốn nói Sông Trẹm đã trở thành anh hùng liệt sĩ ?

 

ĐOÀN LÀM PHIM BỊ CẤM ?

Theo lịch quay, chúng tôi sẽ còn đi hai địa bàn nữa, đó là lâm trường U Minh I, nơi bị cháy rừng lớn nhất trong mùa khô năm nay và lâm trường 30/4, nơi chưa xảy ra vụ cháy nào. Trước khi khởi hành, tôi gọi điện thoại cho anh Năm Phong, chủ tịch huyện U Minh để hẹn trước và nhờ anh giúp đỡ. Anh Năm Phong cho biết rằng suốt ngày nay anh bận hội nghị, song, anh sẽ giao lại cho văn phòng đón tiếp đoàn phim.

Mười giờ trưa chúng tôi đến thị trấn U Minh, sau khi trình giấy tờ cho anh Phước, chánh văn phòng ủy ban huyện, tôi gọi điện thoại cho anh Năm Cẩn, giám đốc lâm trường U Minh I báo cho anh biếy rằng sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi sẽ vào khu rừng cháy để quay phim. Vốn là người quen cũ nên anh Cẩn rất mừng rỡ và hẹn rằng đêm nay sẽ làm thịt chim đãi chúng tôi. Mọi chuyện tưởng bình thường, ai ngờ đang ăn cơm bổng nghe cô chủ quán gọi :

- Ở đây anh nào tên Danh trong đoàn làm phim ?

Tôi giật mình :

- Dạ tôi đây.

- Có điện thoại.

Từ đầu dây bên kia:

- Dạ tôi là Phước ở văn phòng ủy ban đây anh Danh ơi !

- Có chuyên gì vậy anh Phước ?

- Trục trặc rồi ! Anh Công Nghiệp, phó chủ tịch tỉnh ra lệnh cho anh Măm Phong là không được tổ chức cho các anh vô rừng. Còn giám đốc lâm trường nào tự ý cho các anh vô thì phải chịu trách nhiệm trước ủy ban tỉnh.

- Nhưng tại sao ông ấy biết chúng tôi ở đây mà cấm ? Ai báo về ngoài ấy ?

- Đâu phải, ông ấy đang ở tại huyện, anh về gặp ổng xem sao.

Tôi bảo mấy anh em trong đoàn cứ yên tâm ngồi ăn cơm chờ tôi.

Trên đường sang ủy ban huyện, tôi cứ thắc mắc tại sao lại xảy ra chuyện nầy ? Tôi với anh Công Nghiệp thì có lạ gì nhau ? Cuối cùng tôi chợt nhớ ra, cách nay hơn một tháng, tôi có viết bài báo cánh rừng và ngọn lửa, trong đó tôi có nói đại khái rằng sự nghèo đói chính là ngọn lửa đốt cháy rừng trong mùa khô năm nay. Một hôm sang làm việc để phỏng vấn anh về dự án đa mục tiêu U Minh hạ, tôi có đưa bản thảo cho anh xem và nói :

- Anh là người lăn lộn nhiều với rừng, tôi cho anh xem cái nầy để tham khảo, hôm nào anh rảnh tôi sẽ sang nhà anh, hai anh em mình uống rượu lai rai để tranh luận chơi vì tôi biết anh sẽ không hài lòng với cách nhìn của tôi về U Minh.

Anh Nghiệp đọc lướt qua mấy trang rồi nói :

- Mầy nên nhớ một điều, tỉnh mình hiện nay còn hơn mười ngàn hộ nông dân chưa có đất. Trong khi năm ngàn hộ nầy được giao khoán đất rừng là sướng cha người ta rồi còn đòi vốn liếng gì nữa. Mấy ông nông dân mình theo Đảng thật ra chỉ với mục đích là để giành đất, khi có đất rồi lại đòi đầu tư vốn. Cha ông mình ngày xưa đi khẩn hoang có đồng xu vốn liếng nào đâu, chỉ có cây phảng thôi mà cũng làm nên sự nghiệp . . .

Nghe anh nói tôi bị choáng người đến mức ngồi lặng thinh.

Từ hôm ấy đến nay anh bận đi chỉ đạo phòng chống cháy rừng liên tục nên tôi không có dịp sang nhà anh để tranh cải như lời hẹn ban đầu.

Và, có phải chính cái bản thảo ấy là nguyên nhân của sự trục trặc hôm nay?

 

Chúng tôi gặp nhau trong phòng chủ tịch huyện, anh Nghiệp ôn tồn nói :

- Thật ra thì không phải chúng ta bưng bít sự thật. Vấn đề là sự thật ấy nên nói lúc nào cho phù hợp. Đó là anh nói cái chung vậy thôi, chớ cụ thể thì anh cũng chưa hiểu cái phim của tụi em định nói những gì. Nhưng nói gì thì nói cũng phải thấy rằng năm nay tỉnh mình giữ được rừng U Minh là cả một kỳ công.

Tôi ngồi im lặng, anh Nghiệp nói tiếp :

- Bây giờ thế nầy, tụi em nên làm lại thủ tục, tức là trở về gặp sở văn hoá cho họ xem kịch bản, nếu được thì họ cấp giấy phép cho trở vô quay tiếp, còn nếu có gì khó khăn thì họ sẽ xin ý kiến ủy ban, ủy ban sẽ giải quyết.

 

Như vậy là cạn tàu ráo máng, không thể nào đem luật ra mà tranh cải ở đây, chúng tôi đành im lặng vác máy ra về. Trể tàu lại không có đò nhỏ, chúng tôi đành phải thuê chiếc tàu lớn về Cà Mau với giá hai trăm năm chục ngàn đồng.

Dọc đường đi, tôi chỉ hối hận một điều là cái chân tình của mình lại hoá ngây thơ khi cho anh Nghiệp xem bản thảo cánh rừng và ngọn lửa.

Đến Cà Mau, tôi gọi điện thoại cho anh Huỳnh Khánh, giám đốc sở văn hoá thông tin, anh Khánh cười vang bên kia đầu dây :

- Đoàn phim cánh rừng và ngọn lửa bị đuổi về rồi đó phải không ? Thôi, qua đây làm việc đi.

Tôi và Tuấn chạy sang, anh Khánh nói :

- Phải chi ngay từ ban đầu mấy ông đến đây để tôi giới thiệu cho đi là yên chuyện rồi.

- Nhưng cái thẻ nhà báo của chúng tôi để làm gì ? – Tôi nói.

- Biết rồi ! Nhưng ở đời đâu phải lúc nào cũng đem luật ra nói với nhau.

- Nhưng phải chi thằng cha du kích ấp làm khó thì tôi còn chấp nhận được !

- Đừng nóng chú em ạ ! Đây là một vấn đề tế nhị. Bây giờ thế nầy, bên ấy bảo tôi phải xem kịch bản, nhưng tôi đâu có quyền làm chuyện ấy. Mà trong tình thế nầy cũng rất khó cho tôi. Vì vậy, để giải quyết vấn đề tế nhị nầy, mấy ông cảm phiền viết cho tôi mấy chữ : Thứ nhất, nội dung phim nói gì ? Thứ hai, tác giả và đạo diễn là ai ? Thứ ba, đơn vị nào sản xuất ? Thứ tư, địa bàn quay ở đâu ? Thứ năm, thời gian quay mấy ngày ? Tôi sẽ căn cứ vào đó để làm báo cáo qua bên ấy và làm thủ tục cho mấy ông đi.

 

Sáng hôm sau, theo lời hẹn, tôi sang văn phòng ủy ban để biết kết quả. Nhưng kết quả lại là một công văn từ chối với mấy dòng chữ lạnh lùng:

Trước hết, ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ghi nhận sự quan tâm của đoàn làm phim đối với rừng tràm U Minh.

Hiện nay khu vực rừng tràm mới bắt đầu vào mùa mưa, việc quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng còn nghiêm ngặt vẫn trong tĩnh trạng báo động khẩn cấp nên mọi tác động vào rững tràm đều bị cấm. Do đó việc vào rừng tràm quay phim ở thời điểm nầy là chưa phù hợp.

Mong các đồng chí trong đoàn làm phim thông cảm chuyển sang địa bàn khác.

 

Năm phút sau khi fax công văn ấy về hãng phim, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Hồ :

- Tụi bây cứ yên tâm nằm ở đó mà chờ. Tao sẽ gọi điện thoại thương lượng với đồng chí chủ tịch tỉnh. Nếu thương lượng không được thì tao sẽ xin phép Chính phủ cho tụi bây đi quay.

 Sáng hôm sau, chúng tôi được mời sang văn phòng ủy ban để làm thủ tục cho đoàn phim đi quay tiếp. Trên góc công văn của sở văn hoá thông tin được phê mấy dòng vắn tắt : Đồng ý cho đoàn phim đi quay, nhưng giao cho giám đốc sở văn hoá thông tin kiểm tra nội dung và hướng dẫn thực hiện.

Anh Nghiệp niềm nở đến bắt tay tiễn tôi trong phòng khách, anh nói :

- Chúc tụi em đi thành công. Tất nhiên là cái phim tụi em đang làm anh cũng chưa hình dung được, nhưng nhớ khẳn định dùm anh một điều : Mùa khô năm nay cả nước mình xảy ra mười hai ngàn vụ cháy rừng mà U Minh hạ chỉ có tám mươi bảy vụ. Cho nên, phải thấy rằng mình giữ được U Minh là cả một kỳ công.

- Anh yên tâm – tôi nói – cái phim tụi em đang làm cũng chỉ vì muốn đóng góp một tình cảm cho U Minh mà thôi.

- Nếu có thể được thì trước khi đi làm hậu kỳ, em cho anh xem lời bình để anh góp ý…

Câu nầy thì tôi không dám hứa, vì với anh, tôi đã trót dại một lần.

 

NHỮNG CẢNH QUAY CUỐI CÙNG.

* Cảnh 1:

Ông Ba Tận ngồi trên chòi canh, tay cầm tổ hợp máy PRC25, mắt đăm chiêu nhìn về phía khu rừng.

Gần bốn tháng qua, ngày nào ông cũng ngồi trên dó.

* Cảnh 2 :

Nội cảnh nhà ông Ba Tận.

Căn nhà đổ nát, nhìn lên lốm đốm ánh mặt trời.

Năm đứa con ông gầy còm, hốc hác, tóc cháy vàng hoe.

Bé Trúc Ly vo nắm gạo cuối cùng để nấu nồi cháo trắng.

Trên bếp, một mẻ cá lòng tong ướp xả từ sáng đến giờ nhưng không có muối để kho.

* Cảnh 3 :

Ngọc Mai mở máy ghi âm phỏng vấn ông Ba Tận :

- Thím Ba đâu hả chú ?

- Bả về quê chửa bệnh hơn một tháng nay mà tôi chưa có tiền đi thăm.

- Quê chú ở đâu ?

- Ở Đầm Dơi.

- Chú về đây bao lâu rồi ?

- Tám năm.

- Chú nhận khóan bao nhiêu đất rừng ?

- Năm chục công.

- Bao nhiêu năm nửa mới khai thác ?

  - Tám năn nửa, hiện nay rừng mới ba tuổi.

- Chú làm được bao nhiêu ruộng ?

- Mười bốn công.

- Mỗi năm chú được bao nhiêu lúa ?

- Bốn mươi giạ.

- Đủ ăn được mấy tháng ?

- Có ăn được tháng nào đâu.

- Sao vậy ?

- Tôi nợ bảy mươi giạ lúa vay, mỗi năm đóng lời ba mươi lăm giạ, bốn năm qua, tôi đã đóng một trăm bốn mươi giạ rồi mà nợ gốc vẫn chưa trả nổi.

- Vậy chú sống bằng cách nào ?

- Đặt trúm, giăng câu, làm mướn . . .

- Mấy đứa nhỏ có được đi học không ?

- Không.

- Tại sao ?

- Nhà chỉ có một chiếc xuồng, để chúng lấy đi học thì nhịn đói.

* Cảnh 4 :

Sáu cha con ông Ba Tận ngồi quanh nồi cháo trắng. Tuấn chưa thực hiện đầy đủ những khung hình theo ý muốn thì nồi cháo đã hết.

* Cảnh 5 :

Khu rừng cháy ở lâm trường U Minh I, máy doly theo bờ kinh, nhìn mút tầm mắt chỉ thấy những thân tràm đen nằm chồng chất lên nhau.

Từ trên chòi canh, đường lia 180 độ cũng vẫn là rừng cháy.

* Cảnh 6 :

 

Tuấn đặt máy qua vai tôi, ống kính vào cận cảnh giám đốc Trần Minh Cẩn để thu hình cuộc phỏng vấn :

- Anh có thể cho biết tình hình giao khoán đất rừng và thực trạng đời sống nhân dân ?

- Lâm trường chúng tôi có diện tích chung là 8721 ha, giao khoán cho 816 hộ với diện tích là 5585 ha. Đời sống của bà con hiện nay có gần 100 hộ đủ ăn, còn lại trên 700 hộ nghèo và đói.

- Theo anh thì năm nay vì sao lâm trường anh bị cháy lớn ?

- Do nghèo và đói.

- Nguyên nhân trực tiếp ?

- Vì đói mà họ bất chấp lệnh cấm, lén vào rừng lấy tổ ong. Tôi xin nêu một trường hợp cụ thể : Ông Mười Yểm, nhà hết gạo, vợ bệnh nặng nàm liệt giừơng, trong khi cái tổ ong trong khu rừng cạnh nhà ông khá lớn cứ thôi thúc ông. Nếu lấy được mười lít mật cũng được hai trăm ngàn đồng. Biết rằng cái lệnh cấm treo trên vách, ông cứ đắn đo trăn trở, đến khi bà vợ lên huyết áp, cần tiền đưa đi bệnh viện thì ông đành phải đánh liều lội vào rừng. Nhưng mới vừa đốt đuốc thì rừng bốc cháy, cháy cả chục hecta. Khi bắt ông giải về huyện, người công an còn vét túi cho ông hai chục ngàn và một cái quẹt gas. Anh ta nói : Ông đã phạm pháp thì luật pháp xử ông, cái ống quẹt của ông là tang vật, tôi giữ lại, còn cái nầy là của tôi, tôi cho ông để ông có mà xài. Tôi biết, nếu ông không đói thì sẽ không phạm pháp.

Ông Mười rưng rưng nước mắt, lầm lũi bước xuống nhà giam.

 

MANG THEO NỖI NIỀM U MINH HẠ

Tôi về Cà Mau gần một tháng nay, trời đã trút những trận mưa dầm, có nhiều đêm mưa lớn. Cứ những chiều, những đêm mưa như thế, tôi mừng cho các anh giám đốc lâm trường vì lửa rừng không còn đe dọa các anh. Nhưng bên cạnh sự bình yên trong giấc ngủ của các anh thì tôi như chợt thấy vợ chồ anh Thống đang gồng lưng chèo trong gió ngược mưa đêm với chiếc xuồng đầy ắp rau rừng, có cả những tia chớp và những tiếng sét kinh hoàng trong đêm tối. Khi tôi chợp mắt lại thì hình ảnh sáu cha con ông Ba Tận bổng hiện ra, họ nép vào nhau ở một góc nào đó để trú mưa trong căn nhà đổ nát. Và nhiều đêm tôi tự hỏi, trong chuyến về Cà Mau họp chi bộ hôm rồi, anh Hạnh có tìm được người nào để chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất hay không ? – “ Kệ, mình đói thì đói chớ đâu có bỏ Đảng được”. Anh nói tĩnh bơ mà sao tôi nghe như cổ mình nghẹn lại.

 

Có những chiều, tôi định sang nhà anh Công Nghiệp – mà tôi quen gọi bằng anh Ba như người anh thân thiện trong nhà – để tâm sự cùng anh, tất nhiên không phải để tranh cải về cái bản thảo Cánh rừng và ngọn lửa  mà là tâm sự về những chuyện gió, mưa, đói, lạnh của hàng chục ngàn thân phận con người trong những căn chòi xiêu vẹo giữa U Minh. Tâm sự, để mong tìm sự đồng cảm của anh với cái phần tâm linh của ống kính  máy quay phim của chúng tôi mà hôm ấy anh đã dùng quyền lực để che nó lại bằng cái công văn khô khốc, lạnh lùng.

Nghĩ thế nhưng đôi chân cứ ngập ngừng khi chợt nhớ những lời anh nói với tôi hôm trước : Tỉnh mình hiện nay còn mười ngàn hộ nông dân chưa có đất, trong khi năm ngàn hộ ở đây dược giao khoán đất rừng, họ sướng cha người ta rồi còn đòi vốn liếng gì nữa ? Mấy ông nông dân của mình theo Đảng chỉ với mục đích là để giành đất, giờ có đất rồi lại đòi đầu tư vốn. Cha ông mình ngày xưa đi khẩn hoang có đồng xu vốn liếng nào đâu, chỉ có cây phảng thôi mà cũng làm nên sự nghiệp . . .

Nhiều lúc tôi đâm ra thắc mắc, giữa các anh với bọn cầm bút chúng tôi, chúng ta cũng từ nông dân mà ra, cùng chào một lá quốc kỳ, cùng hát một bài quốc ca mà sao trong cõi tâm linh lại quá nhiều khoảng cách ?

Tôi nhớ cách đây hơn mười năm, nhà thơ Lê Chí làm một bài thơ có tựa đề Nếu sự thật là điều không nghe nổi, tôi còn nhớ một đoạn mà tôi nghĩ rằng chép ra đây rất phù hợp với hoàn cảnh nầy :

Ôi, điều phải biết thì lại là bất biết

Mồ hôi nào rõ xuống đồng sâu

Đôi mắt nào thức suốt đêm thâu

Bàn tay nào nhọc nhằn chay cứng

Giữa đau đớn ai là nhân chứng

Giữa nhân dân ai biết nhận ra mình

Giữa cuộc đời ai thắp sáng niềm tin

Giữa hư thực ai nói điều chân lý

Có một điều vô cùng giản dị

Tưởng ai ai cũng có thể làm

Là đến thật với mọi điều cùng đất nước nhân dân

Dẫu điều ấy vô cùng cay đắng

Vậy mà

Sau mười năm toàn thắng

Ta mãi quen nghe khúc nhạc chào mừng

Ta thích ngắm những bông hoa màu hường

Ta thích dạo những con đường thẳng tấp

Đã lạ lẫm với mùa khoai mùa bắp

Lạ lẫm với tháng năm mưa nắng thất thường

Cuộc sống nhân dân thử thách chiến trường

Thử thách lòng mình dữ dội

Nếu sự thật là điều không nghe nổi

Thì còn gì ta đến cới nhân dân

Sẽ còn gì để biết xa hay gần

Mỗi bước đường lên hạnh phúc

Phải đến với sự thật nhân dân không cách nào khác được

Bởi đất nước nầy là đất nước của nhân dân . . .

                                                         

Tháng 8 năm 1998

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 4133
Ngày đăng: 06.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà văn SƠN NAM , Một đời nặng nợ áo cơm - Võ Ðắc Danh
NgườI đi khai hoang - Võ Ðắc Danh
Những con đường ký ức - Nguyễn Đông Nhật
Tưng bừng lễ hội lung linh huyền ảo Huế - Nguyễn Nguyên An
Festival Huế 2006 : Hữu nghị và thương yêu - Võ Quê
Nhớ hai nữ sĩ họ Đoàn - Phan Hoàng
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)