Hôm nọ, người bạn nhà ở ngọai thành bổng dưng gọi điện cho tôi, giọng đầy cảm hứng khoe rằng ở chợ Bình Hưng Hòa có bán cá lóc nướng trui, người ta xếp hàng mua không kịp. Hỏi bán như thế nào, anh ta nói cá lóc bằng bắp tay, ai mua con nào thì bẻ cổ con đó, nướng rồi mang về. Hỏi nướng bằng gì, anh ta nói nướng bằng bếp than. Hỏi cá đồng hay cá nuôi, anh ta nói chắc là cá nuôi, con nào cũng mập ú, cả hai ba xịa đều một lứa với nhau. Nghe nói cá lóc nuôi lại nướng bằng bếp than làm tôi mất hứng. Nhưng sự cảm hứng của người bạn chịu tốn tiền điện thọai di động để khoe sự kiện ấy với tôi cũng giống như một sự giãi bày, tìm sự chia sẻ về một hòai niệm xa xôi. Tôi nghĩ, ngay cả cái anh chàng có sáng kiến bán cá lóc nướng trui tại chợ kia chắc cũng là dân miệt vườn Nam bộ, đi tìm kế sinh nhai bằng cách khai thác ký ức của đồng hương.
Tôi nhớ năm ngóai về quê, cậu Ba tôi làm cá lóc nướng trui đem ra nhậu, nhưng chính ông lại cằn nhằn rằng không có rơm, nướng bằng lá dừa ăn không đã, rồi ông lại nói, cá lóc nướng trui mà ăn trong nhà cũng không đã bằng ăn ở bờ đìa. Ong nói với tôi mà như những lời tự sự của một lão nông tri điền đang nuối tiếc những gì đã mất của đất đai, rằng kể từ khi hạt lúa rớt giá, con tôm lên ngôi, đồng đất đã mất đi cái mùi rạ mùi rơm nướng cá, mùi khói un trâu, mùi khói đốt đồng với ánh lửa lập lòe khi trời chạng vạng.
Cứ nghĩ, cá lóc nướng trui với mùi rạ mùi rơm thì có gì đâu mà mỗi khi nhắc đến người ta lại thấy nao nao, bồi hồi và ngọt ngào trong ký ức. Lại nhớ có lần nhà văn Sơn Nam nói với chúng tôi: “ Hồi nhỏ cha mẹ cho ăn món gì thì khi lớn lên, món ấy trở thành ngon nhất trên đời”.
Tôi lớn lên, khi biết ăn thì món ăn đầu tiên là cá lóc nướng trui. Cá lóc có sẵn trên đồng, rạ rơm có sẵn trên đồng. Phải chăng đó là món ăn dễ làm ra nhất trong thời kỳ hoang dã. Tôi nhớ hồi ấy, khi tôi lên mười tuổi thì đã được xóm làng khen ngợi là một tay sát cá. Xóm tôi có bác Năm Phước là người nổi tiếng có nhiều đất và có kinh nghiệm làm đìa. Ong có hơn chục khẩu đìa mà đìa nào hàng năm cũng trúng cá. Cứ mỗi lần tát đìa là ông cho tôi hay trước: “ Ngày mai tao tát cái đìa trên hậu đất”. Chỉ một câu như thế, chẳng có giao ước gì nhưng tôi hiểu mình phải làm gì và được gì. Sáng sớm tôi xách cái thùng thiếc - lọai thùng dầu lửa con sò – băng đồng lên hậu đất của ông. Công việc đầu tiên của tôi là tiếp ông dọn cỏ. Khi đìa sắp cạn thì nhảy xuống lựa bắt vài chục con cá lóc bằng cườm tay bỏ vô giỏ mang lên, rồi đi chặt cây lức, vạt nhọn hai đầu, một đầu lụi vào con cá, một đầu cặm xuống đất, quơ gốc rạ khô chất lên đốt. Lúc ấy, cơm và muối ớt đã được dọn sẵn trên bờ đìa. Năm mười phút sau cá chín, tôi khều tro ra ngòai, còn lại những con cá xếp hàng, dựng đứng, vãy cháy đen thui. Bác Năm Phước cắt mấy lá môn nước thật to mang đến, tôi dùng nắm rạ phủi lên mình con cá cho sạch lớp vãy cháy đen rồi nhổ cây lức, nhẹ tay đưa từng con cá lên chiếc lá môn. Bác Năm dùng chiếc đũa rọc một đường thẳng từ đầu xuống đuôi để banh con cá ra làm hai, khói từ thịt cá bốc lên, mùi thịt thơm nồng lẫn với mùi da khen khét. Trong đó chừng như có mùi rạ, mùi đất thơm thơm. Bác Năm hái vội mấy đọt rau muống cằn cổi quanh bờ đìa, mấy lá bông súng non cuối mùa còn sót lại dưới lung trâu. Ong ra lệnh tắt máy bơm, mọi người mình mẩy bê bết đất bùn, ngồi xúm lại trên bờ đìa ăn bửa cơm thanh đạm.
An cơm xong, mọi người xuống đìa bắt cá. Hàng tấn cá rọng trong thùng, chất lên cộ cho trâu kéo về. Phần tôi, bác Năm Phước lấy vợt xúc nào cá lóc, cá rô, cá trê đổ vô thùng dầu lửa con sò, khi nào tôi nói xách không nổi thì ông ngưng lại, rồi tặng thêm một con cá lóc thật to, gọi là cá cháo, tức để dành nấu cháo ăn.
Cứ mỗi lần bác Năm Phước tát đìa thì tôi lại đến làm công và mang về một thùng cá như vậy. Năm tháng đi qua, thời niên thiếu đi qua, tôi không nhớ mình đã nhận của ông bao nhiêu thùng cá, cùng ăn với gia đình ông bao nhiêu bửa cơm đạm bạc với cá lóc nướng trui chấm muối ớt trên những bờ đìa giữa cánh đồng Phong Thạnh.
Hơn ba mươi năm sau, cậu bé khét nắng hôi bùn ngày xưa được mời đi tham dự chương trình Am thực khẩn hoang miền Nam tại làng du lịch Bình Quới, tôi xếp hàng trong hàng chục người chen nhau để chờ nhận một khúc cá lóc nướng trui, dường như ai cũng lo đến lượt mình sẽ hết. Có được cá rồi, tôi lấy thêm dĩa rau và chén nước mắm me mang đến ngồi ăn cạnh một đống rơm bên bờ sông, dưới một gốc dừa. Dẫu biết rằng đây là khu du lịch giữa Sài Gòn, tất cả chỉ là phục chế, ngay cả tôi cũng đang diễn lại cái tôi cũ của mình, nhưng chẳng hiểu sao không thể không làm như thế được.
Lúc ấy, tôi thật sự cảm thấy thương cái anh chàng nào đó đã bày ra cái chuyện bán cá lóc nướng trui giữa chợ Bình Hưng Hòa.