Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.202.298
 
Bà ngoại
Thai Sắc

Bà ngoại tôi bị mù hai mắt từ rất sớm, khi mới ngoài sáu mươi. Bà mất ở tuổi gần tám mươi, nghĩa là có gần hai mươi năm, cuộc đời bà chìm trong bóng tối. Mẹ tôi là con gái duy nhất còn sót lại của bà, sau cơn đại dịch đậu mùa đầu những năm ba mươi. Cơn bệnh quái ác thời ấy đã cướp đi của ông bà tôi hai gái, một trai, chỉ chừa lại đúng một nửa số con, trong đó mẹ tôi là phái nữ độc nhất. Bà tôi cưng mẹ tôi lắm. Vì thế, những đứa con do mẹ tôi sinh ra cũng được bà chiều chuộng, thương yêu hết mực; đến nỗi, mấy anh chị, con hai người cậu ruột của tôi, tức là cháu nội của bà, trong đó có cả người anh là cháu đích tôn, phải đem lòng so bì, tị nạnh ra mặt. Trẻ con mà, sự ghen ghét trực cảm, hồn nhiên của chúng, nhiều khi khiến cho người lớn không thể không điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ của mình.

 

Bà ngoại tôi cười, bảo lũ cháu nội :

- Cha tổ, có chi lục ăn hết trơn; vài trái chuối cho con o bây, cũng phân bì phân lê…

Ông ngoại tôi nghiêm mặt :

- Bà cứ chia đều, bất kể nội ngoại ! Đứa chẳng là cháu là con !

Thế nhưng, dù thế nào, bà ngoại tôi cũng biểu lộ một cách ít giấu giếm lối cư xử nhất trọng, nhất khinh đến lạ kì ấy !

Có những đêm mưa gió, dù hai nhà cách nhau đến mấy đỗi đường, bà cũng lò dò mang đến cho chúng tôi, khi thì mấy cái bánh sắn, khi thì cục đường phèn. Bà bảo :

- Tau còn tỏ mắt, gắng gỏi đi lại. Ai biết sau này, mắt mũi trở chứng, đến trời trong trăng sáng cũng thua…

 

Ngờ đâu, lời bà nói chơi thành thiệt. Năm ấy, mắt bà đang yên lành, bỗng nhiên mây kéo đầy, che kín võng mạc. Đất trời tối sầm đường đột khó hiểu trước mắt bà. Ông ngoại tôi, mẹ tôi và nhất là hai cậu của tôi hết sức chạy chữa thuốc thang, nhưng vô hiệu.

Bà bị mù từ đó…

- Tau bị ma nhập ! Bắt được con mà mù, mắt tau mới tỏ lại được ! – Bà tôi nhìn ra khoảng sân rộng bằng cái nhìn như miết vào không khí. Trên hai khóe mắt đang dần teo lại, những giọt nước yếu đuối ứa ra, mong manh như sắp rụng.

 

Không một thầy thuốc, thầy cúng nào trị nổi con ma mù và bà ngoại tôi phải sống trong đêm đen cho đến khi từ giã cõi dương gian – nơi có ban ngày lên và mặt trời mọc, như một sự hào phóng và xa xỉ đáng nguyền rủa. Quãng đời gần hai mươi năm mù lòa của bà, chẳng bút mực nào có thể tả hết nỗi cơ cực thường trực cũng như một nghị lực sống phi thường.

 

Điều khiến tất cả con cháu và mọi người hết sức ngạc nhiên, khâm phục là bà ngoại tôi vẫn ham sống và rất sợ nhắc đến từ chết. Ông bà tôi ở cùng với vợ chồng cậu thứ hai được một thời gian thì cuộc chiến tranh mẹ chồng nàng dâu muôn thuở diễn ra, ngày một trầm trọng. Ông bà tôi đành phải ăn riêng mặc dù vẫn ở với vợ chồng cậu cùng một nhà. Thế giới của ông bà là hai chiếc giường xếp cạnh nhau ở góc trong cùng của căn nhà, ngang với dãy bàn thờ tổ tiên. Thật tiện cho việc ông tôi hương khói thờ phụng mỗi ngày. Phải chăng, con đường ông bà tôi về cõi trên nhờ vậy cũng được ngắn hơn ? Nhưng bà ngoại tôi thì không chịu sự cắt đất phân lô ấy. Bà rất sợ ngữi mùi hương khói – mùi của cõi âm, hay đúng hơn là mùi của lộ trình đi về cõi âm - quyện chặt, vây kín chỗ mình ngồi suốt đêm ngày, khi chẳng thể bước ra khỏi đó như ông tôi được.

Bà phàn nàn :

- Cho tui ra sau chái bếp ! Ông muốn tui lên ngồi bàn thờ sớm à? (bà tránh nói từ chết)

- Ai cho ? – Ông tôi gắt lại – Muốn yên thân thì im luôn cái miệng đi cho tui nhờ !

 

Bà ngoại tôi khóc. Cái khóc của người mù cũng là cái khóc của người câm. Tiếng khóc không có âm thanh, chỉ có tiếng sụt sịt và bàn tay luôn đưa lên quệt hỗn hợp chất nhờn rỉ ra từ mắt và mũi. Từ ngày bà bị mù, lại phải ăn riêng, ông tôi thành người cáng đáng, lo toan mọi việc. Ông trở nên bẳn tính, dù rất thương bà. Con cháu xót thì cũng chỉ đến giúp được phút chốc rồi lại phải quay về lo cho gia đình mỗi đứa. Biết vậy, bà nói với ông rằng mọi việc nhà bà lo được tất.

- Trời không cho tui hai con mắt sáng nhưng lại cho đôi tai nghe lọt mọi thứ. Thiên hạ mần chi tui biết hết ! – Bà khẳng định rành rọt.

Tất cả giác quan của bà kiêm luôn chức năng thị giác. Dường như khi người ta bị mù thì bất cứ đâu trên cơ thể họ, Tạo hóa thương tình mà gắn thêm những cái nhìn mới, tinh anh hơn, nhạy cảm hơn. Phía trên hai chiếc giường của ông bà tôi treo lòng thòng mấy tao gióng làm bằng sợi mây, đựng tất cả gia sản nghèo khó của cặp vợ chồng già. Nào nồi cá kho hâm đi hâm lại, soong cơm nguội ngắt, nải chuối treo lòng thòng dăm ba quả…Nào mấy bộ quần áo nhàu cũ, tấm ruột chăn bông rách lỗ chỗ, đôi chiếc khăn xỉn màu ám bụi…Bà tôi trở thành người thủ kho giỏi một cách không thể tin được. Chẳng một thằng cháu trai ngỗ nghịch nào có thể lén lút ăn vụng hoặc lấy cắp bất cứ thứ gì dù nhỏ nhất của ông bà. Mấy ông anh trời đánh, con hai cậu ruột của tôi đã bị bà túm áo không biết bao nhiêu lần, gọi đúng tên từng đứa và mắng thậm tệ vì cái thói xấu trẻ con ấy.

 

Một lần, tôi bị dụ dỗ tham gia vào chiến dịch đạo tặc do tiểu đội cháu nội của bà tôi bày ra. Ông anh lớn, con cậu cả, cháu đích tôn của ông bà, vừa vạch quần tè vừa xui tôi :

- Bà có nắm xôi lạc ngon lắm, để phía trên soong cơm. Mi lấy được, tau thưởng cho cái ống boóc (súng tự chế của trẻ con làng tôi, làm bằng cây hóp, lấy trái chập mầu làm đạn, chia phe đánh trận, bắn nhau).

 

Tôi vốn vụng về, không tự chế được súng nên thèm cái ống boóc lắm. Nghe vậy, tôi nhận lời ngay. Lẹ làng như con thạch sùng leo tường, tôi bò vào phía dưới chiếc giường bà đang ngồi. Có tiếng bà tôi trở tư thế. Tôi hoảng, định vọt. Nhưng hình ảnh cái ống boóc màu xanh, xinh xắn, có cả băng đạn, khi bắn, tiếng kêu boóc boóc phát ra như súng liên thanh, cứ hiện lên, ám ảnh tôi. Phải liều thôi. Tôi từ từ đứng dậy, trèo lên giường, ngay trước mặt bà. Tay tôi chạm vào nắp soong cơm, rờ đúng nắm xôi mà ông tôi đi ăn đám giỗ lấy phần về, đã chia cho các cháu, còn lại. Tôi sướng rân người không phải vì sắp được ăn xôi lạc – món quà rất hấp dẫn đối với trẻ con xứ quê nghèo khó – mà vì tin chắc, chốc nữa sẽ có trong tay thứ vũ khí giết người tự tạo, bắn rát tay, diệt không biết cơ man nào là giặc trong trận giả tối nay nơi gốc đa làng. Trẻ con sinh ra trong thời chiến tranh, đứa nào mà chẳng mê đánh trận giả và tiêu diệt được nhiều giặc như thế !

 

Khi tôi vừa kịp đặt một chân xuống đất, bỗng giật thót người :

- Bà chừa phần cho cháu đó, mang về cho mấy đứa em cùng ăn nghe Tần !

Bà vừa nói vừa nắm tay tôi kéo lại bên người. Rồi bà với tay, rút một tờ giấy báo cũ ở dưới lớp chiếu, bọc kín nắm xôi, nhét vào phía trong vạt áo tôi đang mặc, bảo :

- Chạy mau, không thì mấy thằng qủi (tức mấy ông anh tôi, cháu nội của bà) nó cướp !

Trước khi lao vọt ra, tôi còn kịp nhìn thấy hai giọt nước mắt mờ đục lăn xuống khóe miệng đang cười của bà. Hình ảnh ấy khiến tôi hoàn toàn không còn nhớ gì đến khẩu liên thanh hấp dẫn mà chưa chắc ông anh láu cá của tôi sẽ thưởng sau khi chén hết nắm xôi tôi trộm được…

Ông ngoại tôi mãi nói :

- Bà thiệt lạ, cháu nội cháu ngoại gì cũng là cháu chứ !

Bà tôi không phân bua. Bà giữ mãi thứ tình cảm nhất trọng nhất khinh ấy cho đến khi chìm hẳn vào xứ không ánh sáng.

 

Nhưng thực ra, bà ngoại tôi không phải là một người cực đoan và phiến diện đến như vậy ! Bà đã sống và đã yêu người thân bằng những cách riêng của bà. Đến khi bà không còn nữa, thời gian có một khoảng lùi nhất định, con cháu đều đã già thêm và trưởng thành, ai cũng nhận rõ được điều đó. Ông anh tôi, con của cậu thứ hai, sau này có lần bùi ngùi :

- Chú Tần biết không, bà chỉ mắng bọn anh khi mẹ (tức mợ tôi, con dâu của bà) đang có nhà thôi ! Những vụ trộm khác, bà đều làm ngơ cả. Những lần ấy, bao giờ bà cũng mỉm cười và chảy nước mắt…

 

Điều anh tôi nói sau này, tôi đã nhận ra ngay trong những giây phút cuối cùng của đời bà. Tôi không thể quên được khoảnh khắc lâm chung của bà. Đó là một ấn tượng siêu phàm mà tôi có được về cõi sống của một sinh linh trên thế gian này. Hay ít nhất đó cũng là sản phẩm cõi tâm linh của riêng tôi – một đứa cháu ngoại luôn kính yêu bà nhưng chưa giúp được gì cho quãng đời mù lòa gần hai mươi năm của người sinh thành ra mẹ mình.

 

Khi biết không còn có thể sống được nữa và chắc chắn sẽ vĩnh viễn ra đi trong giây lát, bà ngoại tôi ra hiệu con cháu đỡ bà ngồi dậy. Không ai dám buông tay khỏi người bà vì giờ đây thân thể bà chỉ còn là một bộ xương. Nhưng bà khoát tay, bảo tất cả mọi người lùi xa. Bà ngồi theo kiểu thiền, tay đặt lên đùi, và đôi mắt – đúng, đôi mắt mù gần hai mươi năm – từ từ mở, mỗi lúc một to, rồi bỗng nhiên, như từ chính giữa thủy tinh thể, hai luồng ánh sáng chói chang vụt ra, tựa ánh chớp, bay thẳng về phía vầng mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng tre cạnh nhà. Một dòng âm thanh rành rọt, chuẩn mực chảy ra từ khóe miệng bà :

- Hãy đặt tau quay về hướng làng để được nhìn thấy hết con cháu !

Bà từ từ nằm xuống và ra đi, đôi mắt không ai có thể vuốt cho nhắm lại được. Một tia nắng mai, dường như biết uốn theo đường vòng cung, sà xuống, chiếu lung linh thứ ánh sáng hào phóng và xa xỉ khắp gương mặt bà ngoại tôi như một lời chào tiễn biệt muộn màng đầy sám hối.

 

2004

Thai Sắc
Số lần đọc: 3067
Ngày đăng: 08.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện buồn chuyện vui - Bích Ngân
Cửa sổ không có chấn song - Nie Thanh Mai
Chợ chiều - Lê Hoài Lương
Nơi bàn chân dừng lại - Nie Thanh Mai
Đêm thị dân - Trương Thái Du
Trung quân - Nguyễn Một *
Mưa rửa bùn - Trần Thị Huyền Trang
Lễ vật bên đời - Nguyễn Thanh Mừng
Giữa mùa mưa - Trương Thái Du
Miền Đông - Nguyễn Một *
Cùng một tác giả
Chim lá rụng (truyện ngắn)
Bà ngoại (truyện ngắn)
Xí bệt , xí xổm (truyện ngắn)
Em (thơ)