Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.260
 
Lá thị xanh lâu
Trần Thị Huyền Trang

Vào một chiều xuân, trên bến Thị Dạ xuất hiện một chiếc ghe lạ. Từ khi ghe chưa ló dạng, tiếng trống đã dập dồn vang dội triền sông. Đầu ghe cắm một lá cờ hội vuông vức ba màu xanh đỏ vàng, những tua viền ngũ sắc và đôi giải buông hình lưỡi rắn uốn lượn trong gió thật đẹp mắt. Dưới lá cờ, một ông trạc ngũ tuần đang đứng nghiêm trang. Ông mặc áo bà ba trắng, quần lụa đà, vóc to, vai rộng, đầu đội mũ cói, mặt nghểnh ra trước, hai tay vòng ngang cái bụng hơi phệ. Bên trái ông là một cái trống chiến đang ra sức đổ hồi dưới tay dùi của một bác râu dài chít khăn tiều. Phía sau hai người lô nhô áo hồng quần tía. Đây là gánh Bầu Bang, một gánh hát dạo thường lưu diễn qua các tỉnh. Bầu Bang có một chiếc ghe vừa dùng làm phương tiện di chuyển vừa là “nhà” của gia quyến ông và những đào kép, nhạc công, cùng là các bác trạo phu, mấy anh chạy hiệu.

 

Làng Thị Dạ ít có dịp giải trí nên mỗi khi ghe hát cập bến, dân chúng rất vui mừng. Từ già chí trẻ nhấp nhổm trên bờ sông, chỉ trỏ xuống ghe bình luận, có khi còn kêu vói ơi ới như đón người thân quen đi xa trở về. Bầu Bang buộc ghe vào gốc bồ đề sát mép nước, đi sắm chút lễ mọn xin phép làng xã, thế rồi gánh hát dọn lên đình, che rạp ngoài trời. Trước đêm diễn người nhà bầu Bang kê bàn bán vé. Thôi thì lớp trong lớp ngoài chen chật như nêm, dân chúng hiếu kỳ thì nhiều, người mua thì ít. Dân nghèo, đồng bạc vô túi khó khăn, nên chi dùng cân nhắc lắm. Chỉ những dịp kỳ yên, hương chức kêu tờ, gọi gánh về hát án cúng thần, thì dân làng được coi thí, không phải mất tiền.

 

Bên kêu tờ có quyền đòi diễn tuồng nào, vai chính do kép nào đóng. Theo đúng yêu cầu, bầu gánh rà xem kịch mục trong tờ kêu là tuồng gì, rồi đi mời kép vá ra vai. Kép vá là kép chỉ chuyên một vai “tủ”, kẻ chuyên vai Đổng Kim Lân, người chuyên vai Tạ Ôn Đình. Kép vá diễn siêu đến đâu cũng không ăn nhịp hoàn toàn với các vai khác, tựa như miếng vải mới chằm trên tấm áo cũ, do vậy mới gọi là vá. Gánh Bầu Bang là gánh đầu tiên nuôi hẳn một kép nhứt, đến đâu là neo lại cả tháng ròng, mà sự nhộn nhịp, thổn thức không lúc nào vơi. Kép nhứt của gánh Bầu Bang là Bảy Phượng, từng theo chánh ca Mùi học hát. Đồn rằng phường hát bội có bao kiểu mặt, Bảy Phượng đều dồi trát thành thạo, mặt nào cũng hớp hồn khán giả. Bảy Phượng sắm bi, cái buồn lan đến từng cọng cỏ. Bảy Phượng sắm hùng, thì chết điếng đàn bà con gái. Buổi chợ nào đồn tối ấy có Bảy Phượng diễn, thì cá thịt rau quả nới giá, các bà các cô hối hả về lo bữa chiều để kịp đi coi.

 

Bảy Phượng nhập gánh này từ tháng giêng năm ngoái, ban đầu cũng định hát mướn mươi hôm, không dè mặn duyên với bầu đoàn, thế là theo luôn. Cứ mỗi lần ra đèn, Bảy Phượng vô tình làm rụng biết bao trái tim dân nữ. Trong khi đó trái tim anh không ngừng nhảy nhót bởi đào Nga, con gái Bầu Bang. Đào Nga mập trắng, vú căng bưởi tháng tám, eo thắt lưng ong, mông to tày thúng, bước đi đổ quán xiêu đình, ngó sướng con mắt, chớ không như bọn kép giả gái người thẳng đuỗn, cứng ngắt. Bảy Phượng chưa gặp ai giống vậy bao giờ: lúm đồng tiền bên má phải như xoáy nước mờ ảo khiến gương mặt hơi chênh khi cười nhưng toát ra sức quyến rũ mê hồn, lại thêm mày dài đen nhức, mắt có đuôi.

 

Đêm diễn Nguyệt cô hoá cáo, đừng nói là trong tích tuồng viết sẵn Tiết Giao phải thua Nguyệt Cô trong lúc giao tranh, Bảy Phượng ngàn lần thua khi cái lúm xoáy đồng tiền lạ lùng kia nghiêng qua anh với mấy ngón tay vuốt má ghẹo trai của nữ hồ ly. Đôi mắt dài của Nguyệt Cô đào Nga lẳng lơ vừa quét qua một lượt, Tiết Giao Bảy Phượng mê mẩn tâm thần, tuy miệng sang sảng quát mắng nhưng cú ngã ngựa của anh tướng trẻ bỗng đầy cảm hứng. Đào Nga xán lại cạ chiếc má mịn mát vào má anh, nói nhỏ: “Khuya ra bờ sông nghe”. Tan buổi diễn, Bảy Phượng vội vàng tẩy trang, cắm đầu chạy. Gió sông thổi lên mát rượi. Lâu lắm, chừng như trăng đã mỏi mới thấy đào Nga bợ ngực lúp thúp chạy tới. Nàng nhìn quanh rồi chui ngay vào vườn nhãn, và mau chóng nhìn thấy Bảy Phượng đang chờ. Đào Nga nhoài xuống ôm lấy cổ Bảy Phượng, lấy tay bẻ cằm anh lại sát mặt mình. Con mắt dài như thuyền. Lúm đồng tiền sâu hút. Hai bầu vú không nịt tròn thây lẩy dưới làn áo mỏng. Và trăng tan ra, tan ra…

 

Đào Nga rên nhớ mùi thị chín, nhưng bấy giờ trái mùa không tìm đâu ra quả, Bảy Phượng bèn lội khắp các vườn tìm cây thị, hái đại một nhánh lá thị về tặng đào Nga. Nàng cầm nhánh lá đưa lên mũi, hít hít rồi khen thơm. Bảy Phượng cũng hít nhưng không nghe mùi gì, vò thử một lá ngửi thấy ngai ngái. Đào Nga hỏi thơm không, Bảy Phượng đáp rằng thơm lắm. Chuyện Bảy Phượng với đào Nga mê nhau ai mà không biết. Có điều, Bảy Phượng không phải là người đàn ông đầu tiên của đào Nga. Người đầu tiên đào Nga kết là Hoàn, một học sinh trường thuốc. Anh đẹp một cách thư sinh, cái đẹp sáng láng của người có chữ nghĩa và am hiểu nghệ thuật. Mấy năm trước gánh Bầu Bang dừng lâu ở phố huyện, thường trùng với kỳ nghỉ hè của Hoàn. Đêm đêm Hoàn ngồi hàng đầu xem hát và nán lại bàn luận với Bầu Bang chuyện làng hia mão, rồi lịch thiệp mời cả gánh đi ăn khuya. Trước mọi người, Hoàn tịnh không săn đón riêng cô đào non mười sáu tuổi. Mặc dù Bầu Bang và ông Tư trống chầu đoán anh cảm đào Nga, nhưng sự tế nhị của anh khiến họ vừa nể lại vừa hài lòng. Mỗi lần Hoàn đến nói chuyện với Bầu Bang, ông Tư trống chầu luôn ngồi ở góc chiếu hầu rượu, còn đào Nga thường kiếm một cớ nào đó để ngồi gần ánh đèn, khi thì đính thêm kim tuyến lên cổ một chiếc áo hoàng hậu, khi thì tết dải hoa đỏ trước bộ giáp ngực tướng soái, một là được nghe anh nói, hai là kín đáo khoe vẻ đẹp đặc biệt ăn đèn của mình như lời một ông thợ chụp hình đã khen. Hoàn bàn: “Hát bội toàn diễn tích cũ mà xem hoài không chán”. Bầu Bang bảo: “Người ta coi hát bội là để đo lường mình và đo lường thiên hạ, cái xảo trá gian hùng, cái trung tín nhân nghĩa ở đời có bao giờ cũ?”. Xem vở Cổ thành, anh hỏi: “Thưa bác, vì sao Châu Thương đi bộ hạ?” Bầu Bang đáp: “Cậu không để ý đấy thôi, Châu Thương là cướp núi, vẫy vùng một cõi, nói năng trịch thượng, đi đứng ngang tàng. Đến khi gặp Quan Công, biết trước mặt mình là bậc cái thế anh hùng nức tiếng bấy lâu. Uy dũng vằng vặc của ngài đã khiến Châu Thương bị chinh phục, một hai tự nguyện theo hầu. Đấy là sức hấp dẫn của chính khí. Châu Thương đi bộ hạ, là để tỏ sự tôn kính đối với Ngài. Ngài là tùng bách, mình chỉ là lau cỏ. Ngài là mặt trời, mình chỉ là đóm lửa góc núi”. Hoàn nói: “Một kiểu đi mà lột tả được tình cảm, thái độ, tư thế. Thật là tuyệt!”. Ông Tư trống chầu khen: “Xem hát như cậu, cũng đã tinh lắm”. Hoàn khiêm tốn từ tạ, nhờ ông Tư trống chầu chỉ cho cách cầm chầu. Một bữa, thấy đào Nga lảng vảng, ông Tư trống chầu hỏi: “Sao cậu không nói không rằng gì tới các vai đào?”. Hoàn đỏ mặt, đào Nga cũng đỏ mặt. Bầu Bang lặng lẽ uống rượu. Biết Hoàn sắp về, đào Nga lẻn ra đường, tìm một chỗ khuất đứng chờ. Nhận ra nàng, Hoàn gọi nhỏ: “Cô Nga”. Nàng run bắn, chân khuỵu xuống, Hoàn hốt hoảng đưa tay đỡ. Vừa chạm vào nàng, trong Hoàn bỗng xuất hiện một sức mạnh ma mị, anh vác nàng chạy phăm phăm vào một khoảng vườn um tùm. Có mùi thị chín. Dường như một quả thị vàng vừa rụng xuống.

 

Đến lúc nàng về, hai ông già vẫn còn ngồi uống rượu. Đào Nga len lén đi nằm, chợt nghe cha nói với ông Tư trống chầu: “Người ta con nhà gia thế … Đời nào!”

 

Rồi không thấy anh học sinh trường thuốc ấy ngồi ở hàng ghế đầu coi hát bội nữa. Rồi có tin Hoàn lấy vợ, ở rể tận Nam kỳ. Sau đó, gánh Bầu Bang rời phố huyện. Qua năm ba lần tan gánh, lập gánh, đào Nga diễn mỗi lúc mỗi lên nước, tha hồ đi ngang về dọc. Bầu Bang biết mà không nỡ la rầy.

 

Trong khi chờ kéo màn diễn vở Sơn hậu, dân nghiện hát bội làng Thị Dạ kể vanh vách bảng phân vai đào kép. Đêm đầu Bảy Phượng sắm vai Đổng Kim Lân, đêm thứ hai Bảy Phượng sắm vai Phàn Diệm. Tướng gộc Tạ Ôn Đình cả hai đêm đều do kép Liêu sắm. Tạ Ôn Đình xuất tượng, lập tức sàn diễn nổi cuồng phong. Vóc vạc ngang ngửa, cờ giáp uy nghi đã đành, mà đến sắc diện cũng chứa đầy bão tố. Cứ nhìn đôi tròng loã ham hố giữa cái mặt màu da cua râu mọc rậm ri, ai nấy hồi hộp như chính mình đụng phải thứ dữ. Của đáng tội, cặp mày vẽ vụng quá! Mày tướng gộc đúng lý là mày xước, muốn vẽ mày xước trán phải cao, đằng nầy trán Liêu thấp chẹt, không đủ chỗ cho ngọn bút hất lên, thành thử gã tô lông mày chè bè, dòm tức rực. 

 

Lạ chưa! Bà con ồ lên ngạc nhiên. Cái mặt Tạ Ôn Đình bữa nay oai hơn hôm qua. “Nó kiếm đâu ra cái trán cao mới tài vậy cà?”- ông Tư lẩm bẩm. Ông không biết, nhưng Bảy Phượng biết. Hồi nãy ở sau màn, Đào Nga liệng cho kép Liêu một mảnh vải rộng non gang tay, bảo gã bịt tóc trán, dồi phấn luôn trên nền vải cho liền mặt để trán rộng ra, tha hồ vẽ lông mày. Đào Nga vẽ mặt xong thấy gã vẫn còn lóng cóng thắt mở, bèn giật phắt miếng vải: “Đưa đây bày cho, để ý lần khác còn làm”. Rồi đào Nga ngồi trước mặt Liêu, vuốt ngược tóc gã. Trong khi nàng choàng hai tay ra sau ót Liêu để buộc nút vải, cái cổ áo hớ hênh bày trọn dưới mắt gã vầng ngực căng đầy. Không biết gã làm gì, chỉ nghe đào Nga rủa một tiếng, rồi lại tiếp tục xoa phấn lên trán cho gã, Bảy Phượng muốn lộn gan lên đầu, vùng vằng bỏ đi. Kép Liêu chỉ đợi có vậy, gã đặt hai bàn tay gọng kìm lên cái hông thon thả của đào Nga, mó máy thăm dò. Đào Nga vờ thản nhiên làm mặt cho gã, nhưng người rừng rực như một đống lửa. Nàng dán râu liên tu bó hàm tới mép tai cho gã, rồi lườm gã một cái đầy ý nghĩa.

 

Diễn xong, mọi người chưa kịp tẩy trang, bầu Bang kêu họp gánh. Ông dặng hắng một cái rồi hỏi: “Cái xóc giáp của Ôn Đình tối nay bị lỗi gì, các con có biết không?”. Kép Liêu vòng tay lí nhí: “Nhờ thầy giảng cho”. Bầu Bang bảo: “Ôn Đình là tướng gộc, bị thua một tướng trẻ như Phàn Diệm thì hổ ngươi, nên phải dùng chân hất giáp lên vai để che vết thương. Vì vậy miếng này kêu là Ôn Đình đá giáp. Lấy giáo xóc giáp lộ liễu như kép Liêu tối nay là sai kích thước nhân vật, là trật miếng. Cái trán rộng với đôi mày xước coi bộ uổng công quá!” Đào Nga bụm miệng cười. Bảy Phượng, kép Liêu mỗi người đuổi theo một ý nghĩ.

*

 

Đợi người khách cuối cùng vào hội trường, ông già bảo vệ đóng cổng. Bà già bán thuốc dòm ông, hỏi:

- Ông hổng coi na?

Ông nhát gừng:

- Ba cái mửng cũ, hay ho gì coi.

- Sao nghe nói diễn trích đoạn mà ông? Trích đoạn là hàng lựa, phải ngon mới được lựa chớ ông. Mà tui nghe có mấy ông to to dìa đây. Hổng lẽ diễn mửng cũ ai coi!

- Nhiều thứ cũ người mới ta, thì cũng có thứ cũ ta mới người chớ bà.

Tiếng trống mở màn đổ dồn. Bà già giật giọng:

- Ông nghe coi! Cái trống bữa nay kêu khác mọi bữa phải hông? 

Ông già bảo vệ nhận ra điều đó còn sớm hơn bà già, nhưng ông không nói chi cho mệt. Bà già cuống quýt bưng tủ thuốc, xin:

- Ông cho tui vô trỏng coi mới được. Tui đoán người cầm chầu này phải sắp tụi mình, ông à. Chỉ sắp tụi mình mới biết trống như vậy.

Ngạc nhiên, nhưng ông già bảo vệ cũng cho bà già vào. Nhìn theo cái dáng lật đật của bà, ông thấy tội tội. Té ra bà này cũng dân ghiền hát bội, lâu nay mấy khi bả háo hức vậy đâu. Ông bấm ổ khoá, vô ngồi chồm hổm trên hè, lôi gói thuốc rê từ túi ra, thong thả vấn một điếu lớn, rít vài hơi rồi dựng chỏ tay trên đầu gối, suy tư. Khói thuốc bay chìm chìm trong bóng đêm…

*

Đào Nga có mang.

Bảy Phượng bảo cái thai là của tôi. Kép Liêu cũng bảo cái thai là của tôi. Bầu Bang quát to như sấm hai kép mới thôi cãi nhau. Hai kép kéo nhau ra bờ sông, lao vào nhau như hai con trâu điên, xéo nát mấy khoảng vườn mà đào Nga từng cho họ nếm mùi thiên đường địa ngục. Đến khi cả hai đều nhừ tử, thì họ cùng cay đắng nhận ra sự giành giật thật vô nghĩa. Chỉ cần đào Nga chọn một trong hai thì dù đau đớn, kép Liêu lẫn Bảy Phượng sẽ hành động một cách thượng mã. Nhưng đào Nga đã không chọn họ. Nàng thẫn thờ ngồi nhìn nhánh lá thị giắt trên vách liếp. Nhánh lá đã héo nhưng chẳng hiểu sao không chịu ngả vàng.

 

Trong buổi trưa hai kép đi đánh nhau, Bầu Bang bắt đào Nga quỳ giữa chiếu, còn ông cột võng giữa hai cây sầu đâu nằm ngó mông xuống bến Thị Dạ. Ông Tư trống chầu rón rén ra ngồi bên cạnh. Từ khi giao hiệu tạp hoá cho bà vợ cai quản, còn mình mang một bọc tiền lớn theo giúp Bầu Bang, ông Tư trống chầu tự nhủ sẽ không bao giờ lấy vai trò mạnh thường quân xen vào việc riêng của chủ gánh để Bầu Bang khỏi khó xử. Ban đầu, tưởng theo Bầu Bang mươi bữa nửa tháng cho vui vậy thôi, ai dè từ chỗ mê coi hát, mê cầm chầu, ông mê luôn ông chủ gánh bụng phệ này. Ông thấy ở Bầu Bang một khí độ hơn người. Ngày qua tháng lại, hai ông già thành một đôi tri âm tri kỷ. Giờ biết Bầu Bang buồn mà không giúp gì được, miệng ông Tư trống chầu đắng ngắt. Bầu Bang đưa võng kẽo kẹt, kẽo kẹt từ trưa tới xế. Ông Tư vịn đầu võng xin:

- Cô Nga quỳ dẩy là đủ rồi ông chủ à.

Bầu Bang thõng chân xuống kìm cái võng lại:

- Tôi nhục lắm anh Tư ôi. Nó ưng ai tôi cũng gả, nhưng nó không chịu ưng ai hết!

 

Ông Tư trống chầu nói nhỏ nhỏ:

- Cổ nặng lòng với cậu Hoàn.

- Nặng cái nỗi gì chớ? Nặng lòng mà đem đời mình đi phá sao?

Ông Tư nín bặt. Bầu Bang tiếp tục đưa võng kẽo kẹt tới chiều, rồi thở hắt:

- Anh Tư, anh biểu con Nga với sắp nhỏ dọn gánh xuống ghe đi.

 

Ghe Bầu Bang lênh đênh dọc miền Trung, mỗi nơi lưu lại vài ba đêm, đêm nào cũng đông khách. Không biết vô tình hay hữu ý, các nơi kêu tờ cứ đòi diễn Hộ sanh đàn. Người thì bảo đào Nga diễn hay nhất là lớp Kỷ Lan Anh bụng mang dạ chửa, lưng đeo song kiếm, cùng cô hầu người thượng băng ngàn tìm chồng. Người thì bảo, hay nhất là màn Lan Anh đẻ rơi, đẻ xong tay ẵm cháu thơ, tay bế con dại chạy giặc, vừa chạy vừa hát: “Bởi vương mang gánh nghĩa gánh tình, nên lịu địu tay bồng tay ẵm”. Người thì bảo, Bảy Phượng cầm cây độc phủ diễn lớp Tiết Cương chống búa mới đã, nhưng độc chiêu hơn có lẽ là giọng hát buồn đến móc hết ruột gan mình ra để người khác đoạn trường: “Thế sự đoản ư xuân mộng. Nhân tình bạc tợ thu vân. Nghiến răng cười, cười cũng khó khăn. Ôm lòng chịu, chịu càng vui sướng. A ha ha…hả hả…hả hả hả… ứ… hự…mà… hả hả hả…

 

Bảy Phượng hát cái cách gì, mà kép Liêu thấy mình có lỗi quá. Kép Liêu biết cả mình lẫn Bảy Phượng đều sẵn sàng chết vì đào Nga, nhưng không phân định nổi đào Nga sẽ chết vì ai. Đào Nga nào chịu nói, ánh mắt nàng dành cho cả hai người như van. Các anh thôi đi, thôi đi, mỗi lời bây giờ là muối xát kim châm lòng tôi đó. Thiên hạ đang làm rầm trời kia kìa. Tôi chỉ muốn chết phứt cho rảnh. Mà ai nỡ để nàng chết? Bảy Phượng - không. Kép Liêu - không. Ông Tư trống chầu - không. Bầu Bang lại càng không. Ông không trách cứ Bảy Phượng hay kép Liêu một lời nặng nhẹ. Chính vì vậy mà trừ buổi diễn là có cái rộn ràng, còn cả ngày gánh hát lặng ắng như tờ. Nghe rất rõ tiếng chân đào Nga đi đi lại lại, nghe rất rõ tiếng ruồi vo ve, và nghe rất rõ tiếng thở dài nếu ai đó thở dài.

*

Nhất nhạn hoành phi vân tế lộ

Cô đăng trường chiếu nguyệt biên thành

Tiếng hát từ hội trường vẳng ra như từ một cõi xa xôi nào. Cái anh Trương Phi nhà Hán vũ dũng bộc tuệch, mà vào hát bội Việt Nam mình sao đa cảm đa sầu làm vậy. Một lần Bảy Phượng giảng cho kép Liêu rằng lời hát khách ấy của Trương Phi muốn hát cho hay phải lấy tâm trạng vô cố nhân mà hát. Lúc bấy giờ Đào Nga đã bỏ gánh trốn đi. Cả gánh nhao nhác tìm nàng mấy ngày trời, Bầu Bang gọi mọi người về : “Thôi để nó đi cho nhẹ lòng nó, sau rồi hẵng hay. Kiếm về nó cũng không yên.”

 

Không còn đào Nga, các vở không nặng về đào như Cổ thành, Sơn hậu liên tục lên sàn. Bảy Phượng nói vô cố nhân, là ám chỉ việc thiếu vắng nàng chăng? Kép Liêu lờ mờ hiểu, nhưng phải sau khi Bảy Phượng bỏ đi biền biệt, kép Liêu mới thấm thế nào là vô cố nhân, thế nào là chiếc nhạn lẻ loi bay ngang những đám mây đuổi nhau mải miết, thế nào là ngọn đèn côi đêm dài thao thức dõi bóng trăng tà bên thành biên ải. Lớp Trương Phi xướng rượu trở thành lớp diễn kép Liêu lấy nước mắt người ta bằng nước mắt của mình. Từ độ rã gánh, bao phen kép Liêu cố ghìm, cố ép luồng hơi trở về tim một cách nghẹn ngào. Đã nghiến răng dứt bỏ nghề hát, đã cam phận làm một người bình thường, ông vẫn không sao dứt nổi mấy câu khách nọ khỏi hồn. Mỗi khi ông ngồi một mình, là nó chạy rùng rùng trong máu, guộn lên trong ngực, dựng thành luồng hơi nóng rực vùng vẫy đòi thoát ra. Không hát thì bứt rứt, mà hát thì hồn vía ngửa nghiêng, sôi réo…

 

Ông già bảo vệ giật mình, rảy vội đóm thuốc sém kẽ tay nóng bỏng. Ai đó vậy? Ai hát câu nhất nhạn cô đăng mà nỗi nhớ nhung run rẩy từng lời, từng nhịp? Ai vừa đem tâm trạng vô cố nhân phân tỏ trước đèn? Còn tiếng trống thướng kia nữa, là của ai? Chẳng lẽ bác Tư trống chầu hiện về sao? Như một mẩu sắt bị hút về cực nam châm, ông thập thững đi vào hội trường, trôi qua các dãy ghế thưa người, chỉ dừng lại khi đã tới sát phía sau người cầm chầu.

           

Hình như có ai đó giật áo ông, bảo ngồi xuống hàng ghế khán giả. Hình như người đó còn đưa cho ông một chai nước lọc và ông có uống thứ nước lạt phèo ấy thì phải, vì cơn sôi réo trong ông dần lắng xuống. Ông giám đốc nhà hát tỉnh vói qua nói với ông chủ tịch hội bảo trợ nghệ thuật truyền thống ngồi cách một ghế, rằng người đóng Trương Phi tối nay là nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Phượng. Trời, ông bảo vệ già kêu thầm, té ra cha Trương Phi này chính là Bảy Phượng, mình không lầm mà! Và ông bỗng mờ mịt về cảm giác đang diễn ra trong lòng mình, buồn hay  mừng đây? Bởi từ lâu ông đã xếp cái tên kép Liêu vào dĩ vãng. Ngay cả khi số phận dẫn dắt ông về lãnh chân bảo vệ của trung tâm văn hoá huyện này, nơi có cái hội trường trung bình mỗi tháng mươi đêm hát bội của các gánh nghiệp dư, mỗi năm vài ba đêm của đoàn hát bội nhà hát tỉnh, thì tiếng trống thì thùng của chừng ấy cuộc xướng ca vẫn không đánh thức nổi anh chàng kép Liêu trong ông tỉnh giấc ngủ vùi. Bây giờ, coi bộ anh chàng kép Liêu đang dụi mắt lồm cồm ngồi dậy vì câu hát nhất nhạn cô đăng của Bảy Phượng và tiếng trống chầu giống hệt tiếng trống bác Tư xưa, nhưng coi bộ anh chàng trong cái vỏ hom hem này không đủ can đảm giáp mặt nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Phượng để thốt lên hai tiếng “cố nhân”.

 

Sau trích đoạn Trương Phi xướng rượu  là lớp Nguyệt Cô hoá cáo do đôi nghệ sĩ trẻ tài năng Tuân Phi - Bạch Dương biểu diễn. Ông già bảo vệ nhìn chéo lên hàng ghế đầu, nơi nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Phượng đã trút vai tuồng, bệ vệ ngồi giữa ông giám đốc nhà hát tỉnh và ông chủ tịch hội bảo trợ nghệ thuật truyền thống. Khắp người ông Phượng toả ra ánh sáng của những miền văn minh mà cả đời ông bảo vệ già chưa biết đến. Nhưng kìa, tiếng trống đã nổi lên. Tiếng cắc rụp cắc rụp dồn dập gõ lên cái hồi hộp của Tiết Giao xen với tiếng tùng tùng rộn rã nỗi bồn chồn mê đắm của Nguyệt Cô nhẹ dạ. Khi Tiết Giao phỉnh được Nguyệt Cô dâng ngọc, chiếc dùi của người cầm chầu giáng lên mặt trống một tiếng sấm giận dữ rồi cất qua tang trống, lướt trong điệu thán tức tưởi xót đau. “Kỳ tài!” – ông già bảo vệ buột miệng. Ông Phượng và người cầm chầu cùng lúc ngoái đầu, nhưng ông già bảo vệ đã vội vã đứng lên và lẩn đi rất nhanh trong bóng tối của hội trường.

*

 

- Tôi vô phép … - Ông Phượng ngập ngừng bắt tay người cầm chầu – Ông anh đây là …?

Giám đốc nhà hát tỉnh lịch thiệp giới thiệu:

- Dạ, đây là giáo sư tiến sĩ y khoa Phạm Hoàn, một người rất có mắt xanh với tuồng.

Người cầm chầu nhã nhặn mỉm cười:

- Đúng ra phải nói tôi là người mê hát bội Bình Định.

Ông chủ tịch hội bảo trợ nghệ thuật truyền thống nói:

- Giáo sư Hoàn từ hồi học trường thuốc năm nào cũng về quê ngoại ở phố huyện hàng mấy tháng trường để coi hát. 

Ông Phượng hồ hởi:

- Lúc nghe trống, tôi đã ngờ rằng đây là người học sinh trường thuốc tài hoa mà bác Tư Trống chầu và thầy Bầu Bang hay nhắc. Hữu duyên thiên lý, hân hạnh gặp ông.

Ông chủ tịch hội bảo trợ nửa đùa nửa thật:

- Tài lắm! Tài lắm! Chẳng những ẵm ngón chầu thiện nghệ của ông Tư Trống mà còn ẵm luôn đào nhứt gánh Bầu Bang nữa đó nghe!

Ánh mắt những nữ nghệ sĩ trẻ sóng sánh ngạc nhiên. Ông Hoàn cười nhẹ, còn ông Phượng quay đi giấu một cái chau mày. Ông Hoàn khen nghệ sĩ Bạch Dương:

- Cháu diễn giỏi lắm! Cháu học hát ở lò nào?

- Dạ không. Cháu biết hát là nhờ mẹ dạy.

- Quê cháu ở đâu?

- Thưa, ở bến Thị Dạ.

Ba chữ bến Thị Dạ làm ông Phượng giật mình. Ông kín đáo nhìn cô gái. Gương mặt trông nghiêng của Bạch Dương tưởng chừng phảng phất những nét đẹp lạ lùng ám ảnh cả đời ông. Mắt dài như thuyền, mày xanh như liễu, và lúm đồng tiền xoáy nước mơ hồ... Ông Hoàn lại hỏi:

- Bác trông cháu hao hao một người. Có phải mẹ cháu là … đào Nga không?

Bạch Dương lắc đầu:

- Cháu có nghe mẹ nhắc tới, nhưng chưa từng gặp. Giáo sư biết bà ấy à?

- Vâng, có biết…

 

Ông Hoàn trả lời, những lời không hẳn là dửng dưng, nhưng ông Phượng chợt thấy lòng đau nhói. Phạm Hoàn mới chính là người đàn ông đã đốt lên trong đào Nga ngọn lửa đam mê. Niềm mong mỏi một ngày kia người đàn ông ấy trở về ngồi ngây trên hàng ghế đầu xem nàng hát luôn ghì siết nàng bằng muôn sợi nhớ thương ràng rịt. Còn ông, Bảy Phượng, mặc dù đã rời gánh hát Bầu Bang như rời một giấc mơ, song con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi suốt đời vẫn không thôi chập chờn bóng dáng người ca nữ ấy. Đào Nga vẫy gọi, thách thức ông khi thì bằng cái nhìn hớp hồn và những đường roi tuyệt kỹ, khi thì bằng giọng cười vừa trong vắt vừa đục ngầu của một Nguyệt Cô giữa khát vọng và dục vọng dội về trong tiềm thức. Cả nỗi xúc động kỳ lạ của nàng khi nghe mùi thị chín thoảng đưa trong gió cũng chiếm lĩnh ông, được ông ủ tận đáy lòng như một niềm riêng tư sâu kín.

 

“Thưa ông”, nghe tiếng gọi rè rè, ông Phượng sực tỉnh. Trước mặt ông là một bà già cốc đế. “Có một ông nhờ tui gửi ông cái này”- bà nói và đưa cho ông một miếng giấy gấp tư. Ông mở ra đọc, dưới ánh đèn hiện lên mấy dòng nguệch ngoạc:

“Kính gửi nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Phượng, tức Bảy Phượng,

Lâu lắm mới lại nghe hát bằng nỗi lòng vô cố nhân. Tiếc là đào Nga không được gặp lại ông. Từ đình Thị Dạ ra hướng bắc chừng trăm thước là mả cô ấy, mả không dựng bia, tui có trồng cây thị làm dấu. Nếu ông ghé về thì  thắp cho cô ấy cây nhang”.

Ông Phượng chạy theo bà già:

- Kép Liêu! Bà làm ơn chỉ cho tôi kép Liêu!

Bà già ái ngại lắc đầu. 
Trần Thị Huyền Trang
Số lần đọc: 2617
Ngày đăng: 10.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng ma - Huỳnh Mẫn Chi
Bà ngoại - Thai Sắc
Con rắn - Lê Hoài Lương
Chuyện buồn chuyện vui - Bích Ngân
Cửa sổ không có chấn song - Nie Thanh Mai
Chợ chiều - Lê Hoài Lương
Nơi bàn chân dừng lại - Nie Thanh Mai
Đêm thị dân - Trương Thái Du
Trung quân - Nguyễn Một *
Mưa rửa bùn - Trần Thị Huyền Trang