Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.190
 
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...”
Khánh Phương

Đêm thị xã Bắc Ninh bóng núi Diềm u tịch thăm thẳm như  những đêm xa xưa. Bên phòng tuyến sông Như Nguyệt, những rừng lim rừng báng bạt ngàn sải bóng thâm u che rợp “trận đồ” lương thảo của nữ Chúa Kho, tiếng hát của những người đẹp Chiêm Thành trông coi việc tạp dịch, vút lên dợn dợn trên ngọn sóng Như Nguyệt, Tiêu Tương. Hoà điệu cùng tiếng hò chèo thuyền, giã gạo, xuống đồng... tất cả cùng trở thành những làn điệu chứa nặng âm sắc của tâm hồn Việt da diết và trong trẻo, khoẻ khoắn mà não nuột. Rất có thể chính những quý tộc kiêm văn sĩ nhà Trần đã ghi lại những làn điệu ấy bằng âm luật chặt chẽ để có được một thứ dân ca Quan họ truyền lại đến ngày nay. Bọn quan họ kết liền anh liền chị để cùng hát những lề lối giọng tình ý vị, trọn đời tình nguyện “không yêu” cũng không lấy nhau. Suốt bảy trăm năm binh lửa gian khó, vượt qua đêm dài lịch sử, những người nông dân không biết chữ, với Quan họ, đã trở thành những nghệ sĩ thực thụ hiến mình cho một nghệ thuật thuần khiết, tinh tế và còn mãi.

 

Chị Hai... 104 tuổi !

 

Giữa một trưa oi nồng trước cơn áp thấp nhiệt đới, chúng tôi được nghe cụ bà Nguyễn Thị Khướu, chị Hai...104 tuổi ở làng Ngang Nội, xã Tiên Du, hát những làn điệu quan họ cổ xưa nhất. Mái đầu trắng xoá, mắt đã mờ, lưng còng gập như dáng núi, vẫn chiếc yếm khâu tay theo lối xưa, áo cánh mộc, váy thâm bạc phếch, cụ ngồi tĩnh tại như thuộc về một thời đại nào xa xăm. Thời gian gấp gáp, thế cuộc ngược xuôi bỗng như không còn ý nghĩa. Tiếng hát rền vang từ lồng ngực, rung hết chiều sâu thanh quản, tròn âm nét tiếng, Quan họ gọi là hát thật giọng, hết giọng. Trong lồng ngực già nua của cụ Khướu vẫn còn vẹn nguyên nỗi xúc động tươi rói đối với mỗi câu hát,  như thuở còn chân đất áo manh tìm đến quan họ hay lúc đã là chị Hai uy tín trong bọn liền chị liền anh. Không một nghệ sĩ biểu diễn hiện tại nào còn có được chất giọng như vậy.

Cụ Khướu kể lại, cụ đi nghe quan họ từ khi tóc còn chưa vấn được đuôi gà, đêm nào cũng đi, ham lắm. Cụ tủm tỉm cười: “Hát... Khách tình chưa có vợ, khách ta chưa có chồng, vậy thì khách ấy là ai? Chịu, chẳng biết là ai, bao năm rồi vẫn thế. Hát lòng mình đấy, mà lại không phải cho mình. Hát một đêm, nhiều đêm, không cần phải biết là ai ”.

Tính chất vô danh và âm luật chặt chẽ khiến cho lời hát trở thành tài sản chung, vượt khỏi thân phận hữu hạn của một tiếng than thân, lời trao duyên hay điệu hò của một lớp người nào cụ thể. Cho đến một thời gian dài sau này, xu hướng biến những ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ và ca sĩ thể hiện thành một thứ  làn điệu cửa miệng của cộng đồng vẫn còn rất rõ nét trong đời sống hiện tại. Và rất có thể chính khoảng cách giữa con người đời thường với người hát quan họ đòi hỏi chuyên tâm thực thụ và sự dâng hiến một cách tự nguyện, đã khiến cho điệu hát dân gian trở thành nguồn của cải tinh thần thiêng liêng, hơn cả luyến ái hay hạnh phúc riêng tư của một cá nhân.

 Thân phụ của cụ Khướu cũng vốn là một liền anh tài danh xứ quan họ, kiêm thêm ngón hát chèo, đến nỗi có người con gái trẻ măng ở tít tận làng Mông Phụ đã một mực theo ông, bất kể thân phận lẽ mọn. Cụ Khướu không phải nhờ cha mình dạy hát, cứ đi nghe miết.... rồi nhập tâm. Cụ nói nghề quan họ ai thích thì theo, không có lệ bắt buộc, nhưng nhiều người đã có chồng con, rồi cháu... vẫn đam mê đến hẹn lại lên. Những bài như La rằng, Chân đi đáng nén... người không biết âm luật quan họ thì thấy khó, người biết rồi thì dễ.

Không được học một chữ, nhưng những nghệ nhân như cụ Khướu đã nhập tâm không chỉ làn điệu quan họ mà cả cách cấu âm vận thanh của nhạc ngũ cung xưa.

 

Những làn điệu quan họ cổ cuối cùng?

Giáo sư Trần Văn Khê đã rất có lý khi cho rằng để bảo tồn và để một dòng nhạc cổ sống với đương đại, phải chứng minh được phẩm chất nghệ thuật cao của nó trên nguyên lý và thực tiễn. Nhưng thay vì tìm tòi chứng nghiệm những gì là tinh hoa, dù đã được biết rõ hay mới đang trên đường tìm lại, người ta lại có xu hướng kiếm lời từ Quan họ. ở Bắc Ninh gia đình nào cũng có vài băng, đĩa hát Quan họ trở lên, đối với dân “nghiền” thì không thể kể. Nhưng thảy già trẻ lớn bé đều biết rõ, hát được La rằng và một số lề lối thì chỉ có Thuý Hường Thuý Cải, còn thứ quan họ đang nghe khắp trong ngoài chốn chỉ là một ít giọng vặt, Con ếch, cái lạt, xay lúa... và thứ quan họ mới.

Năm 1966, tỉnh Bắc Ninh thành lập đoàn dân ca quan họ và cả tỉnh đốt đuốc mới tìm được nhóm thất hiền, trong đó có cụ  Khướu, để truyền nghề cho các học viên mới. Thời cụ Khướu, số làn điệu quan họ cổ có đến hàng trăm mà hiện tại chính cụ cũng chỉ còn nhớ nổi một số. Đáng chú ý là những làn điệu cổ thường rất khó hát đối với đa số các nghệ sĩ biểu diễn hiện tại và những người chỉ hình dung quan họ theo lối hát mới mà một thời được tự tung tự tác. Tìm được người có chất giọng quan họ với đặc thù khí,  thanh, đài từ cũng đã đủ mướt mồ hôi.

Mối nguy của Quan họ hiện tại, khi đã được xem như một nghệ thuật chuyên nghiệp, là nó đã trở nên giống với bất cứ một ngành nghề nào khác ở sự đối phó, tính công chức, bị thương mại hoá, hơn là giống chính mình với những phẩm chất nghệ thuật tinh và điều kiện tồn tại khe khắt. Và tiếng hát rền vang từ lồng ngực ứ đầy xúc cảm của cụ bà đã sống trọn vẹn một thế kỷ, còn hơn nữa, nhắc chúng tôi về một thứ nghệ thuật được “chuyên nghiệp hoá” từ xa xưa bằng sự gắn bó tâm hồn và số phận của người làm nghề.

Khánh Phương
Số lần đọc: 3810
Ngày đăng: 11.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Nghi lễ Bàu Đá “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” - Nguyễn Thanh Mừng
Ngày nghinh ông bên vàm sông ông Đốc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngô Ðức Thịnh
Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng châu thổ Bắc bộ - Đặng Hoài Thu
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Nói thơ : Một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Tục nhuộm răng ăn trầu ở Bình Định xưa - Mai Thìn
Tiếp cận” bí ẩn” ở Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ? - Nguyễn Văn Hoa
Văn Miếu- Đền Văn của Bình Định - Mai Thìn