Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.047
 
Nới ấy bây giờ-phần 2
Võ Ðắc Danh

Hai Hiệp cầm giấy tờ, thót lên xe đạp rồi mất hút sau chòm cây. Chúng tôi nằm trên đống rơm đợi anh đến khi trời chập choạng tối. Anh trở về và gọi thằng con trai chừng bảy tuổi ra bảo nó:

-Con dẫn mấy chú này lên nhà bà Cô Hai. Đi tắt đường đồng cho nhanh !

            Theo chân thằng nhỏ, chúng tôi băng đồng và đột ngay vào “ tổng hành dinh” của Bảy Liên Xô. Đó là ngôi nhà lá nhỏ của bà Hai Giáp, chị vợ ông .

Trong bóng tối lờ mờ, “ vị thủ lĩnh” bước ra đón chúng tôi, mình mặc chiếc quần cụt rộng thùng thình và chiếc áo Pygiama đóng phèn mang nhiều mảnh vá. Đầu ông hói cao, mắt xếch, mặt ngạnh, trán dò ra, cặp môi xệ xuống. Con người thoạt nhìn đã thấy đầy vẻ ngang tàng khí phách .

-Mấy chú mới tới hả ?

Anh phóng viên đài phát thanh dường như không nín cười được nên phát ra một giọng khôi hài:

-Mèn ơi! Trông chú giản dị thế này mà sao muốn gặp phải làm thủ tục rắc rối quá vậy?

Ông Bảy liên Xô cười ngượng, trao giấy tờ lại cho chúng tôi và nói:

-Biết đâu mấy chú là công an giả danh nhà báo để bắt cóc tôi thì sao. Đời bây giờ, người thật việc thật thì ít, người giả việc giả thì nhiều quá, biết đâu mà lường được. Thú thật , từ hôm cô Nguyệt Anh bị bắt cóc đến nay, tụi tôi trốn luôn, không ai dám ngủ nhà hết. Mùa rẩy này coi như bỏ, có ai làm được gì đâu. Khổ sở lắm mấy chú ơi! Thôi vào nhà uống nước, nói chuyện chơi chớ đứng ngoài hoài sao. Đây là nhà của chị vợ tôi, bà bị đánh chết giấc kỳ bắt tôi đó. Ông chồng và hai thằng con bả đều là liệt sĩ mà bị đối xử như vậy đó 1

Như đã sắp xếp sẵn, chúng tôi vừa bước vào nhà chừng năm phút thì khách cũng kéo đến đầy nhà . Năm Bé, Chín Cửu, mấy người được xếp vào danh sách lưu manh cũng có mặt . Kế đến là những người đàn bà con mọn,những cụ già, những thanh niên… Nói chung, họ đều là những người nông dân thật thà chất phác, những người đầu tắt mặt tối quanh năm mài miệt với ruộng đồng và hơn thế nữa, cuộc đời họ đã từng sống kiếp tá điền, đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh. Có người đã từng bị đày ra Côn Sơn, Phú Quốc, có người mang trên mình năm bảy vết thương. Họ sống trung thực, thật thà nhưng đầy bản lĩnh, thậm chí ngang tàng, sẵn sàng đập nát bất cứ cái gì mà họ cho là tráo trở, bất công .

Hơn mưòi năm qua, họ lại không được bình yên với bao nhiêu lần xáo trộn của những cung cách làm ăn phi lý, của sự đàn áp bất công. Nhưng họ vẫn âm thầm làm đội quân chủ lục, đổ giọt mồ hôi để nuôi dưỡng mọi người, trong đó có một lớp người sống bám. Họ không cần biết những kẻ ăn gạo của họ đã đối xử với họ thế nào .

Căn nhà bà Hai Giáp đêm ấy chật người, không đủ chỗ ngồi. Họ phải trải chiếu ngồi dưới đất . Chúng tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe những lời tâm tình của từng số phận, từng bi kịch khác nhau ở mỗi con người. Một niềm ân hận dày vò trong tôi bởi những mường tượng đầy lý thú vê họ qua lời đồn, qua báo cáo của đồng chí phó bí thư huyện ủy. Tôi chợt  giật mình khi nghĩ rằng : nếu như tôi chỉ ngồi thu thập tài liệu ở Viện kiểm sát , ở Sở Công an  và ở đoàn chỉ đạo của anh Sáu Kiên thì tôi sẽ viết về những người nông dân ở đây như thế nào ? chắc rằng tôi sẽ kết tội ông Bảy Liên Xô là tên phản động, chắc rằng ông sẽ xuất hiện trên bài viết của tôi hoàn toàn ngược lại với tất cả những gì mà tôi sẽ kể dưới đây .

Ông Bảy Liên Xô tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc . Năm 1962 vượt Trường Sơn vào Nam, chiến đấu ở miền Đông cho đến ngày giải phóng

Năm 1976, ông trở về làng cũ ở Long Điền thì gia đình ông không còn ai sống sót. Cha ông làm liên lạc cho cách mạng bị giặc bắt và đánh chết. Người em ruột của ông nuôi chứa cán bộ cũng bị máy bay ném bom giết chết. Cả nhà cửa , vợ chồng con cái người em cùng với một cơ sở Đảng bị vùi dập dưói hố bom. Ông hồi hương như một người khách lạ, hơn nữa đời người vẫn chưa có vợ con .

Cái tên Bảy Liên Xô thật ra là tên của vợ ông bây giờ. Bà Bảy tên thật là Trần Thị Liên. Năm mươi chín tuổi, sắp làm đám cưới, bà đã từ hôn và trốn gia đình đi theo kháng chiến .

            Năm 1965, bà làm huyện đội phó huyện Giá Rai và lập gia đình với đồng chí Thắm, trưởng ban tuyên huấn xã Long Điền. Năm 1969 , đồng chí Thắm hy sinh trong lúc bà vừa có thai ba tháng. Đứa bé ra đời trong một trận càn ác liệt, bà phải tự sinh đẻ dưới bụi cây. Sau đó bà đau nặng, á khẩu một thời gian không cầm súng chiến đấu được, bà nhận sự phân công của tổ chức giả người mắc bệnh thần kinh ra hoạt động bán hợp pháp ở thị trấn Giá Rai để gây dựng cơ sở .

Năm 1971, do hai tên chiêu hồi chỉ điểm, bà bị bắt giam và đánh đập đến tàn phế. Gia đình phải bán trâu bán lúa để chạy lo cho bà được thả ra. Từ đó , bà trở về căn cứ chữa bệnh cho đến ngày giải phóng. Do hậu quả của những trận đòn tra tấn,bà trở thành người bệnh hoạn  và nghỉ công tác, trở về địa phương sống với gia đình bên chồng ở xã Long Điền Tây, gần gia đình cũ của ông Bảy Liên Xô.

Nhờ bà con xóm làng mai mối, năm 1976 hai người cưới nhau. Lúc bấy giờ ông Bảy Liên Xô đã gần năm mươi tuổi. Năm 1977, ông từ quân khu 8 chuyển về quân khu 9 cũng là lúc họ sinh được đứa con trai. Bà Bảy lúc ấy bị đau  thần kinh thiệt, lúc điên lúc tỉnh, đầu rụng không còn sợi tóc . Họ không có nhà ở , phải ở đậu trong cái chuồng trâu hoặc bên nhà cha vợ . Đứng trước cảnh nghèo túng, không tiền chạy thuốc và để cứu lấy hạnh phúc muộn màng mới vừa tìm được ở cái tuổi năm mươi , ông Bảy Liên Xô đành bỏ ngủ với cấp hàm đại úy.

Hai cuộc đời ấy cuối cùng trở về địa phương với hai bàn tay trắng sống hẩm hiu như kẻ bị bỏ rơi, rũ sạch công lao của một thời kháng chiến . Dưới cặp mắt của chính quyền địa phương ông Bảy Liên Xô là một kẻ đào ngũ sống bất hợp pháp,vì vậy mà qua bao nhiêu lần điều chỉnh ruộng đất, họ không hề cấp cho vợ chồng một cục đất chọi chim. Vợ chồng ông phải tự mua đất làm ruộng sống .

Buồn chán cho số phận, bất mãn chính quyền địa phương cộng với tình hình ngang bướng, ông Bảy Liên Xô trở thành con người sống lầm lũi, bấtt cần, ôm lấy cuộc đời riêng với bao tâm sự ngổn ngang. Gần mười năm sống ở Long Điền Đông A , hầu như ông tách hẳn mối quan hệ  tình cảm với chính quyền. Mặc dù không có mâu thuẫn gì với nhau, nhưng bên trong, chính quyền vẫn cảm nhận rằng ông bất mãn và khinh thường họ. Ngược lại  ông cũng cảm nhận được rằng họ chẳng ưa ông .

Xã phát động phong trào làm đất đỏ, ông không làm, chủ tịch xã đến vận động ông : “Chú là người có công lao trong kháng chiến, nay về địa phương cũng nên làm gương cho bà con” . Ông nói : “ tao là thằng đánh giặc mướn ở miền Đông, chẳng có công lao gì ở đây cả, giờ về đây với hai bàn tay trắng , tụi bây có ngó ngàng gì tới tao đâu mà bảo tao làm gương” .Chính quyền xã đến thu thuế nông nghiệp, ông nói:” tụi bây không cấp đất cho tao,đất này tao tự mua, tao không đóng thuế “ .

            Thật ra, việc bắt người thiếu thuế đối với Long Điền Đông A là chuyện bình thường, có người thiếu nữa ký lúa cũng phải mang đi đóng đủ. Nhưng với ông Bảy Liên Xô, hầu như cán bộ xã ở đây đều ngán ông ở cái tính ngang bướng và nhiều lý lẽ . Thậm chí lúc ông bỏ ngũ có mang về nhà một khẩu súng cạcbin , một khẩu 54 và một trái lựu đạn nhưng chính quyền xã cũng không dám thu hồi . Có lần bí thư chi bộ ập đến thương lượng với ông đổi khẩu K54 với khẩu Col 12 của bí thư xã, nếu ông chịu đổi, bí thư xã sẽ bù cho ông 20 giạ lúa . Ông từ chối và nói: “Súng này của quân khu!”Một lần khác , bí thư chi bộ ấp uống rượu say, đến hỏi mượn khẩu súng của ông để đeo lấy le vài ngày, ông không cho mưọn, rồi thôi

Từ những định kiến lặt vặt ấy dẫn đến sự kiện ông bị bắt vô cớ, quần chúng kéo biểu tình, chính quyền nhận khuyết điểm, cách chức chủ tịch huyện, chủ tịch xã và cảnh cáo phó công an huyện làm cho nhiều cán bộ cay cú nghĩ rằng đối với ông Bảy Liên Xô, họ là người thua cuộc.  “Cũng vì tên Bảy Liên Xô mà chúng ta mất đi một chủ tịch huyện”. Từ đó , vấn đề Long Điền Đông A trở thành “sự kiện Bảy Liên Xô”. Mọi sự phản ứng của quần chúng trong việc trả nợ phân bằng lúa, người ta đều đỗ tội cho ông Bảy Liên Xô, rằng ông là kẻ cầm đầu những người nông dân chống lại chủ trương Nhà nước. Ông Bảy Liên Xô phải sống trong sự rình rập, theo dõi và vu khống của chính quyền. Ấ p báo cáo về xã, xã báo cáo về huyện, huyện báo cáo về tỉnh, tỉnh báo cáo về Trung ương, những bản báo cáo đi qua nhiều trung gian, mỗi cấp lên một ít, cuối cùng ông Bảy Liên Xô trở thành: “tên thủ lĩnh” của một nhóm người bạo loạn. Thay vì vận động , giáo dục để ngăn ngừa sai phạm, ngưòi ta âm thầm mở cửa khám và chờ đợi ông trở thành tội phạm để tống giam.

Trong bất cứ cuộc đấu tranh nào,chắc ai cũng cần đồng minh và phe cánh, cần có tổ chức và lựa chọn những biện pháp tối ưu.Ở đây, hằng trăm người nông dân đang yêu cầu Nhà nước phải giải quyết rõ ràng. Vì sao huyện bán phân tồn kho cho họ một ký năm đồng cuối mùa lại đòi ba ký lúa, rồi bắt bớ, mắng chửi và ức hiếp quần chúng. Vì sao Năm Phú,Đông Á, Sáu Danh, Chín Việt, những cán bộ đã phổ biến chủ trương ấy giờ lại bảo rằng họ không có nói? Vì sao hợp đồng kinh tế đã ghi rõ ràng như vậy giờ lại nói rằng đó là phân tạm ứng, chưa có giá chính thức, rằng hóa đơn kiểm phiếu xuất kho ghi giá năm đồng một ký phân chỉ có giá trị thanh toán giữa vật tư với ngân hàng ?

Cứ thế, một bên đòi thu nợ phân bằng lúa, một bên kháng cự quyết liệt đòi trả bằng tiền. Cái nguyên nhân chủ yếu để tạo ra cuộc tranh chấp này thì bị bưng bít mất đi, các cấp lãnh đạo ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân khác, lúc thì đổ lỗi cho kẻ địch, lúc lại đổ lỗi cho ông Bảy Liên Xô . Rối thành lập Ban chuyên án hình sự và an ninh quốc gia .

Long Điền Đông A , xã vừa nhận tấm huân chương lao động của Hội đồng Nhà nước và đang làm thủ tục để được tuyên dương xã anh hùng, kế đó đã sa vào một hang cùng không lối thoát .

 

V - MÀN HAI CỦA TẤN THẢM KỊCH

Cuối năm 1987, tỉnh ủy cử anh sáu Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin cùng với Đoàn cán bộ huyện Giá Rai xuống Long Điền Đông A để giải quyết vấn đề gọi là “ Sự kiện Bảy Liên Xô”, hay nói cách khác, giải quyết những hậu quả của cuộc biểu tình năm 1986.

Dư luận thắc mắc rằng vì sao ông Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin lại được phân công đi giải quyết một vấn đề hoàn toàn không thuộc về chức năng của ngành văn hóa? Có người nhận định rằng sự kiện Long Điền Đông A cần một người tế nhị, có văn hóa như Sáu Kiên để tiếp xúc với quần chúng thì sẽ có sức thuyết phục hơn . Trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo ở đây, Sáu Kiên từng nổi tiếng là người duy nhất đọc hết bộ Lê-Nin toàn tập .

Từ nhận định tốt đẹp ấy, người ta hy vọng rằng vấn đề Long Điền Đông A sẽ được kết thúc trong vòng ngắn gọn để trả lại vị trí xứng đáng của một xã điển hình, một con chim đầu đàn của Minh Hải, một tiền đồn vững chắc của huyện trọng điểm Giá Rai.

Theo chủ trương của tỉnh ủy, muốn giải quyết được vấn đề Long Điền Đông A, trước hết cần làm sáng tỏ xem huyện ủy có chủ trương bán phân tồn kho với giá năm đồng một ký hay không. Nếu huyện ủy có chủ trương thì huyện ủy chịu trách nhiệm. Còn nếu như huyện ủy không có chủ trương thì cá nhân nào phổ biến sai phải có biện pháp kỷ luật trước dân. Vấn đề cuối cùng là phải vận động , giải thích và thuyết phục quần chúng chấp nhận chủ trương chung của Nhà nước để họ chịu trả nợ theo giá mỗi ký phân bằng ba ký lúa. Sau khi họ ký nợ xong, nếu hộ nào không có lúa trả thì cho họ trả dài hạn trong thời gian ba năm. Sau ba năm, nếu họ thật sự không có khả năng trả thì nhà nước xóa nợ.

 

Người ta nhận định rằng nếu chủ trương ấy đến với Long Điền Đông A trước cuộc đấu tranh xảy ra hồi cuối năm 1986 thì chỉ cần thực hiện hai biện pháp đầu tiên là người nông dân sẵn sàng chở lúa đi trả nợ phân mà không một lời phản đối. Còn bây giờ, tuy đã muốn nhưng nếu chủ trương ấy được thực hiện bằng tất cả lòng kiên nhẫn với quan điểm lấy dân làm gốc, cùng bàn bạc với dân bằng sự nhiệt tâm để làm sáng tỏ thì chắc rằng, họ sẽ đem cái nghĩa tình phóng khoáng có sẵn của người nông dân ra mà đối đãi, như anh Hai Hiệp đã nói với chúng tôi: “Nói thật với các anh, năm đồng bạc bây giờ mua không được cục kẹo bòn bon, nhưng nếu mấy ông huyện chịu thật, đừng chơi kiểu lật lông, đừng ức hiếp, và nếu mấy ổng chịu chơi, xóa nợ đi, tôi, thằng hai Hiệp này sẽ đưa lại nhà nước mỗi ký phân bốn ký lúa chớ không phải ba. Hồi kháng chiến, người ta hiến năm bảy chục giạ lúa, hiến cả mạng người còn không tiếc. Còn chơi kiểu anh Sáu Kiên bây giờ, phát loa bêu xấu hả, xin lỗi, đừng hòng ai trả hột lúa nào!”

Vậy là trái ngược với người ta nhận định.

Nếu như chiến dịch huy động lương thực ở đây  hồi cuối năm 1986 do vị chủ tịch huyện chỉ huy được trang bị bằng còng số 8, súng AK và dây chuối thì bây giờ có khác. Đoàn cán bộ của anh Sáu Kiên được trang bị bằng các  phương tiện thông tin đại chúng, nào máy quay phim camera, nào Video cassette, nào máy ảnh, máy phóng thanh và một tổ phóng viên báo chí để viết tin, bài phát loa tại chỗ. Sau khi rà soát lại các phương tiện, ông Giám đốc Sở văn hóa tuyên bố:”Vậy là đầy đủ phương tiện hết rồi phải không, kỳ này mà trị không được đám dân này, tôi sẽ từ chức giám đốc và cạo đầu vô chùa tu luôn!”

Màn hai của tấn thảm kịch ở Long Điền Đông A được thay đổi như thế nên cách dàn dựng có bài bản hơn, bố cục chặt chẽ hơn và thể hiện chất văn hóa thông tin cao hơn.

Đầu tiên, các tập đoàn trưởng được mời đi đóng phim, bộ phim do Giám đốc Sở Văn hóa biên kịch và đạo diễn.

Mấy hôm sau, quần chúng được mời đến kho lúa xem Video cassette do đoàn chỉ đạo huy động lương thực chiếu phục vụ không phải mua vé. Bà con ùn ùn rủ nhau đi xem. Nhưng kỳ lạ thay, trước giờ chiếu phim chính, họ thấy trên màn ảnh xuất hiện các anh tập đoàn trưởng của họ, mặt mày ngơ ngáo, mất hết thần sắc, miệng thì ngập ngừng nói rằng việc bán phân bằng tiền họ chỉ nghe lập lờ qua những tin đồn thất thiệt rồi phổ biến lại với bà con, không có ai công bố chính thức. Nay họ nhận thiếu sót và yêu cầu bà con thực hiện chủ trương chung, trả nợ một ký phân bằng ba ký lúa.

Mặc cho khán giả chửi thề ỏm tỏi,nhổ toẹt nước miếng bỏ về, mặc cho những xung đột, những mâu thuẫn xảy ra giữa những người nông dân với tập đoàn trưởng, mặc cho các anh tập đoàn trưởng kia bị dày vò đau khổ, cắn rứt lương tâm… nhà đạo diễn cứ yên trí rằng những thước phim ấy đã chứng minh cho quần chúng thấy rằng họ không còn lý do gì để vịn vào một ký phân năm đồng nữa, họ không còn lý do gì để chống đối việc phải trả một ký phân bằng ba ký lúa .

Có lẽ anh Sáu Kiên rất hài lòng khi xử lý trường đoạn này chăng?

Đêm ấy nằm thao thức ở Long Điền Đông A , tôi chợt liên tưởng  đến vỡ cải lương Người ven đô phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu trong thời kỳ luật 10/59 với nhân vật Tám Khỏe, một người nông dân trung thành với cách mạng bị chính quyền Ngô Đình Diệm buộc ông phải ly khai với cộng sản, vì chúng nghĩ rằng nếu quật được ông thì cả Mười Tám Thôn Vườn Trầu không còn ai theo cộng sản. Ông nhất định không chịu. Chúng khống chế ông bằng cách thả chó bẹc- giê vào đám tù nhân, trong đó có con gái ông rồi chúng ra lệnh cho ông:” Nói đi rồi tôi tha cho họ, chỉ cần nói nhỏ thôi, nói đủ tôi nghe thôi, nhưng tiếng nói của ông sẽ cứu những người ấy khỏi bị chó bẹc giê xé xác, trong đó có con ông”. Thế là ngày hôm sau, khắp Mười Tám Thôn Vườn Trầu người ta nghe tiếng ông Tám Khỏe vang đội trên loa phóng thanh:”Tôi, tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai với cộng sản!” Chúng chỉ cần một lời nói như thế, mặc cho ông Tám Khỏe bị dày vò, điên loạn.

Giá như cái thời ấy có camera và Video Cassette thì chắc chắn rằng hình ảnh ông Tám Khỏe sẽ bị đem đi chiếu khắp Mười Tám Thôn Vườn Trầu cho dân chúng nhìn xem.

Song, ông Tám Khỏe chỉ là nhân vật trong vở cải lương. Còn những anh tập đoàn trưởng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ ở đây để tuyên bố với dân chúng rằng không có ai phổ biến việc bán phân bằng tiền lại là những con người thật .

Chị Nguyễn Thị Cúc, vợ anh Mai Ngọc Có, tập đoàn trưởng tập đoàn 7 kể với chúng tôi:

-Chồng tôi hiền như cục đất, tháng năm nói một tiếng, tháng mười nói một tiếng, làm sao cãi lại mấy ổng. Chính ông Năm Phú, bà con cô cậu ruột với tôi chớ xa lạ gì. Năm đó ổng về đây nhậu, đôn đốc anh Có một hai phải đi mua phân cho gấp vì đây là phân tồn kho, bán bằng tiền, không mua kịp để qua tết phân mới nhập về sẽ bán bằng lúa. Năm Phú còn bảo tôi nuôi heo để tới mùa bán heo trả tiền phân, để lúa lại ăn. Chồng tôi  ra huyện nhận phân, mấy ông ngoài huyện cũng nói vậy nên ảnh mới về phổ biến lại cho bà con, mấy ổng nói rồi mấy ổng chối. Hôm rồi bắt anh Có đi mấy ngày để quay phim rồi đem lên chiếu, nói ngược trở lại cho bà con người ta oán ghét … Đối với gia đình tôi, anh Có đã nói như vậy mà ảnh lại là tập đoàn trưởng nên ảnh phải ký nợ để làm gương.  Tôi cũng tưởng đâu ký rồi để đó, trả dần trong ba năm vì năm nay thất mùa, gia đình tôi nuôi ba miệng ăn mà giờ này còn không được bốn mươi giạ lúa. Tôi ký nợ xong mấy ổng bắt phải vét bồ để trả.Năm ấy cũng vì tưởng mấy ổng bán phân bằng tiền nên gia đình tôi mua sáu bảy trăm ký, giờ quy ra lúa, tôi phải nợ trên hai tấn lúa, lấy gì trả. Tôi năn nỉ mấy ổng cho trả năm trăm ký lúa, còn lại ký nợ sang năm sau. Mấy ổng không chịu, kèn cựa qua lại cuối cùng mấy ổng bắt phải trả bảy trăm ký. Tôi chở năm trăm ký ra nhập kho, còn lại hai trăm ký tôi năn nỉ mấy ổng cho tôi nợ qua tết , đến ngày thu hoạch rẫy, tôi nhổ hành bán, mua lúa trả thêm vì hiện giờ nhà tôi chỉ còn đủ lúa ăn đến Tết, mấy ổng không chịu. Ông Hai Nhành, Chủ tịch Hội nông dân huyện đến hăm dọa tôi:

-Đúng bốn giờ chiều nay, chị không chở thêm hai trăm ký lúa ra nhập kho cho đủ bảy trăm ký thì chị đừng trách!

Tức quá không kềm được , tôi nói :

-Mấy ông làm quá chắc tôi tự vận chết chớ sống gì nổi.

Tưởng nói thế ổng động lòng, ai ngờ ổng thách :

-Chị chết đị, chết mười mạng như chị tôi cũng không tiếc, miễn sao chị trả đủ lúa cho nhà nước thì thôi .

Nói đến đây, dường như uất ức đến tột cùng, chị Cúc khóc nấc lên:

-Mấy chú nghĩ coi, vậy là mấy ổng cần lúa chớ đâu cần dân . Nói thật, tôi chỉ sợ mình chết rồi không ai nuôi con, nếu không nghĩ thế thì tôi đã uống thuốc rầy ngay trước mặt mấy ổng hôm ấy cho thấu trời thấu đất.

Anh Trần Ngọc Quang, tổ trưởng tổ đoàn kết số 1, rầu rĩ than với chúng tôi:

-Ông sáu Kiên bắt tôi đi quay phim tố cáo cánh ông Bảy Liên Xô. Ông hứa với tôi là ổng quay vậy chớ ổng không chiếu, cuối cùng ổng chiếu, làm cho dòng họ ông Bảy Liên Xô thù ghét, hăm doạ tôi. Bây giờ tôi không dám đi đâu hết  !

Vợ anh Quang vừa khóc vừa nói:

-Khổ lắm mấy chú ơi ! Hễ được lòng dân thì mất lòng Đảng. Còn làm cho vừa lòng Đảng thì mất lòng dân. Riết rồi không biết làm sao mà sống, chắc tôi phải dỡ nhà đi nơi khác!

Chiến dịch đôn thu được tiến hành bằng nhiều biện pháp và mỗi biện pháp được áp dụng cho từng đối tượng khác nhau sau khi đã điều tra, phân loại.

            Nếu là cán bộ, Đảng viên, họ sẽ bị cách chức hoặc khai trừ Đảng nếu không chịu trả nợ phân bằng lúa. Một số Đảng viên lúc đầu chống lại quyết liệt, kêu gọi quần chúng đấu tranh đến cùng. Nay họ vẫn âm thầm chịu đựng, có người quay lưng lại với quần chúng để lập công, cũng có người muốn tiếp tục đấu tranh nhưng không dám ra mặt. Họ tâm sự với quần chúng :

-Tôi kẹt là Đảng viên nên không tranh đấu được, bà con cố gắng tranh đấu, trong đó cũng có quyền lợi của tôi !

Đối tượng thứ hai là những người có thân nhân là cán bộ, Đảng viên thì những cán bộ Đảng viên ấy phải có trách nhiệm vận động thân nhân mình trả nợ. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý.

Chị Trần Thị Chính ở tập đoàn 4 kể:

-Lúc đầu tôi cũng đấu tranh quyết liệt như bao nhiêu người khác. Nhưng sau khi đoàn cán bộ của ông Sáu Kiên về đây, hai thằng em bà con của tôi công tác ngoài huyện cũng về. Cả hai đứa nó đều là thường vụ huyện uỷ, một đứa làm trưởng ban kiểm tra Đảng, một đứa làm trưởng phòng Công an. Tụi nó năn nỉ tôi :’’- Chị cứ phản đối hoài thì kẹt cho tụi em lắm. Bây giờ chị ký nợ đi rồi trả từ từ trong thời gian ba năm. Đâu phải bắt chị trả một lần mà chị sợ’’. Vì thương em út, sợ kên với mấy ổng thì ảnh hưởng đến công tác của tụi nó. Tôi ký nợ và chỡ đi trả  bảy trăm ký lúa. Còn lại hơn một tấn, hẹn lại năm sau. Ai dè hai thằng em tôi về huyện mấy ngày thì Bí thư và Chủ tịch xã mời tôi lên nạt hùm nạt tướng, bảo tôi phải trả dứt nợ cho nhà nước. Tôi nói lúa tôi hiện giờ chỉ còn đủ ăn tới tháng sáu, trả hết rồi vợ chồng con cái tôi nhịn đói hay sao. Bí thư xã quát :

-Chị không còn lúa nhưng chị có trâu, có ghe, có tài sản. Chị bán tài sản mua lúa trả !

Giận quá tôi nói :

-Bây giờ ghe tôi đó, trâu tôi đó, nếu bán được mấy ông kiếm mối bán dùm đi

Chủ tịch xã dọa tôi :

-Chị thiếu nợ nhà nước mà chị còn ăn nói kiểu đó phải không? Bây giờ tôi nói dứt khoát, nếu chị chịu trả thì ký tên vào biên bản, bằng không tôi nhốt chị ở đây !

Tôi không chịu trả, họ cho người dẫn tôi qua cơ quan công an và bảo tôi nhắn người nhà mang mùng mền, quần áo lên ở đó , khi nào đồng ý trả hết lúa mới được về .Tôi ngồi ở đó đến trưa thấy không có ai canh giữ , tôi lọi về nhà .

           Mấy ngày sau, chủ tịch xã gửi giấy mời tôi nữa. Nhưng tôi không lên xã mà đi ra huyện tìm hai thằng em  và kể lại sự việc cho nó nghe. Tụi nó suy nghĩ một hồi rồi nói ; “-Chị cứ về đi, tụi em sẽ can thiệp, không sao đâu” . Từ đó đến nay, mấy ông xã không mời tôi nữa .

Đối tượng thứ ba là những người có ghe đánh cá. Anh Tám Bé, chủ tịch xã kể với chúng tôi:

-Ông Sáu Kiên ra lệnh cho tôi : những người có ghe đi biển mà không chịu trả nợ phân bằng lúa cho lực lượng du kích đến kéo ghe họ lên bờ .Tôi đề nghị ông phải ra lệnh bằng văn bản và ký tên chịu trách nhiệm tôi mới dám làm , để  sau này khỏi đổ tội cho nhau , phải ký đúng cái tên Nguyễn Trung Kiên của ông đang làm Giám đốc Sở văn hóa tôi mới chịu. Cuối cùng ổng chịu viết lệnh bằng văn bản. Thú thật, lúc ấy cầm tờ lệnh trên tay, tôi hơi bần thần vì thấy biện pháp này táo bạo quá, tôi dần dừ mãi không dám thi hành . Ổng quy kết tôi có hùn hạp làm ăn với mấy chủ ghe, sợ mất quyền lợi nên không dám ra tay. Cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ mà khỏi bị dân óan ghét, tôi nhờ ông trưởng đồn biên phòng lên can thiệp .

Ông Sáu Tố ở tập đoàn 6 tâm sự với chúng tôi :

-Tôi chở bảy chục giạ lúa đi trả mà tôi ray rức, khổ tâm đến rơi nước mắt. Không phải tôi tiếc của mà vì tôi trả trong lúc chưa được giải oan, trong lúc mọi vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Hôm ấy tôi bị mời lên Ủy ban xã, chủ tịch xã và trưởng đồn biên phòng dẫn tôi ra căn chòi nhỏ phía sau vườn. Anh trưởng đồn biên phòng nói :

-Một trong những tiêu chuẩn để được hành nghề đánh cá là người ngư dân phải chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Theo báo cáo của ủy ban xã thì ở đây còn nhiều ngư dân chưa thanh toán dứt điểm nợ phân năm 1986 với Nhà nước, trong đó có ông. Hôm nay chúng tôi mời ông lên đây để báo cho ông biết rằng, nếu ông không chịu chở lúa đi trả thì tôi, trưởng đồn công an biên phòng ở vùng này sẽ thu hồi sổ đề ba, không cho ông ra biển .

Tôi thanh minh :

-Việc tôi nợ phân năm 86 là vì huyện bán cho chúng tôi bằng tiền nhưng cuối mùa đòi lúa và xảy ra cuộc tranh chấp đến nay chưa giải quyết chớ phải tôi không chấp hành chủ trương của Nhà nước đâu. Chúng tôi đang khiếu nại và chờ cấp trên xuống đây phân xử.

Chủ tịch xã hằn học cướp lời tôi :

-Tôi bảo cho anh biết, bè lũ côn đồ của tên Bảy Liên Xô sắp bị tiêu diệt hết rồi, anh đừng dựa vào chúng mà đợi chờ , hy vọng gì nữa. Một ký phân ba ký lúa, anh trả đi! Trả để được ra biển làm ăn.

Gương mặt ông Sáu Tố toát lên một vẻ gì như vừa đắng cay, vừa mai mỉa :

-Thật lạ lùng và kỳ dị- ông nói- tôi không hiểu “ bè lũ của tên Bảy Liên Xô” là gì và tại sao họ gọi như vậy. Chúng tôi, những người nông dân đồng hội đồng thuyền, đồng cam cộng khổ. Đảng đã từng dạy chúng tôi phải biết thương yêu , đoàn kết để đấu tranh, chống sự áp bức bất công. Thế mà bây giờ

Bà Liễu Thị Mai , bảy mươi tuổi , đầu cạo trọc , mặc áo cà sa lặn lội đi tìm chúng tôi trên con đê biển dài hơn 5 cây số dưới cơn nắng cháy da để “ kể cho bớt những điều oan ức trong lòng”. Bà nói như vậy và kể : Đảng nói lấy dân làm gốc tôi chưa thấy, chỉ thấy số phận mình như cái gốc mắm ngoài ven biển, mặc cho gió đẩy sóng xô. Mấy ông bán phân bằng tiền giờ lại đi đòi lúa, dân không chịu trả, mấy ổng đổ thừa tại ông Nguyễn Văn Linh nói lấy dân làm gốc nên giờ mới sinh ra rắc rối .

Hôm rồi ông Tư Tâm đến nhà bảo tôi ký nợ,tôi không chịu ký,tôi nói nếu đòi tiền thì tôi trả, còn đòi lúa thì tôi không trả, ổng mắng vào mặt tôi:

-Bà giựt của nhà nước phải không? Nếu bà không chịu trả, tôi mắc loa phóng thanh trước cửa nhà bà tôi bêu xấu,tôi nói bà ăn giựt.

Tôi nói với ông:

Chú đừng nói như vậy. Sở dĩ tôi chưa chịu trả là vì tôi thấy trong vụ này có nhiều chuyện bất công chớ ai lại đi ăn giựt cho xấu hổ. Hồi kháng chiến tôi hiến cho nhà nước mấy chục giạ lúa, tôi có câu nệ gì đâu.

Ổng lại quát vào mặt tôi:

-Cuộc kháng chiến thành công không phải có một mình bà đóng góp , bà đừng kể lể.

Rồi ổng bảo hai ngưòi kia lập biên bản,nhưng biên bản lại ghi tên con tôi. Tôi phản đối:

Các ông lập biên bản thì cứ lập, tôi sẵn sáng ký, nhưng phải ghi tên tôi vì tôi là chủ hộ, tôi mua phân nhà nưóc chớ không phải con tôi .

Ông Tư Tâm lại nói :

-Bà già cả rồi, bà có biết gì mà ghi tên bà.

Chắc mấy ổng nghĩ tôi già cả,tu hành,khó bắt bớ nên ghi tên con tôi để bắt nó cho dễ hơn.

Anh phóng viên đài phát thanh nót một câu như để thử lòng bà cụ :

-Nếu như trước đây huyện có chủ trương bán phân bằng tiền và chủ trương ấy sai lầm.Bây giờ họ nhận thiếu sót thì bà chịu trả bằng lúa không?

-Không!

-Sao vậy, người ta lỡ làm sai, bây giờ ngưòi ta sửa , chẳng lẽ bà không tha thứ sao?

-Không phải hẹp hòi gì mà không tha thứ.Nhưng trước không thảo,sau thảo,bà lão không cần!

Tôi giật mình trước câu trả lời của bà cụ.Và tôi đã nghiệm ra. Phải chăng mọi vấn đề của Long Điền Đông A nằm quẩn quanh trong câu nói ấy.Một câu tục ngữ đầy nghĩa nhân và đạo lý.Trước không thảo,sau thảo,bà lão không cần!

         Ở đây, trước đã không thảo, sau lại càng không thảo nên Long Điền Đông A mới sa lầy vào hang cùng không lối thoát. Phải chăng vì cái tâm pháp bị thay bằng luật pháp và tinh thần cảnh giác cách mạng được áp dụng cao độ đến chi phối hết những điều thuộc về đạo lý , nghĩa nhân .

           Biện pháp thứ tư là điều tra lý lịch, thổi phồng tội trạng của những người dính dáng với chế độ cũ trong chiến tranh, đem ra  phóng thanh, bêu xấu họ khắp xóm làng để họ hoảng sợ mà không dám đấu tranh. Long Điền Đông A bị  chìm trong không khí nặng nề, căng thẳng  bởi tiếng loa phóng thanh hằng đêm ngân dài trong thôn xóm, bêu xấu người này,hăm dọa truy tố người kia, bươi móc quá khứ  ngưòi nọ. Những con người ấy dẫu có bịt tay cũng không chạy trốn được tiếng loa đau lòng nhức óc, khơi dậy những vết thương mà họ đã cố hàn gắn mười mấy năm qua, dồn họ vào tận chân tường không lối thoát. Họ là ai?

Anh Huỳnh Sũn tâm sự với chúng tôi,giọng nghẹn ngào như muốn khóc:

-Hồi trước tôi bị bắt đi phòng vệ dân sự hai mươi mốt ngày, sau đó chúng đưa tôi đi học khóa Liên toán trưởng ở Chi Lăng, tôi bán hai trăm giạ lúa lấy tiền lo lót để được ở lại và khỏi phải đi phòng vệ. Sau giải phóng, tôi làm ấp đội trưởng, bắt được mấy trận vượt biên, nộp cho nhà nước không biết bao nhiêu vàng bạc. Vậy mà bây giờ xã báo cáo về huyện nói tôi là tình báo CIA. Thú thật, hồi đó mặc dù tôi là phòng vệ, nhưng ban ngày đi cuốc rẫy, làm ruộng gặp cán bộ nằm vùng của mình, tôi vẫn tâm tình, thân mật như anh em. Còn bây giờ,kể từ ngày chị Nguyệt Anh bị bắt cóc đến nay, tôi phải trốn, ban đêm ra đồng ngủ bờ ngủ bụi.

Ông Hai Tế kể :

-Hồi đó tôi bị tình nghi là Việt Cộng, chúng bắt tôi ra quận, tôi phải bán hai trăm giạ lúa để lo lót. Nhưng có một người quen làm việc ngoài quận bảo tôi :  “Ông đút tiền cho thằng này thì mai mốt thằng khác cũng bắt ông, thay vì ông đưa số tiền ấy cho tôi, tôi lo cho ông cái giấy chứng nhận mật thám, có gì ông trình ra,bảo đảm hơn”. Tôi về bàn bạc với cơ sở trong này, mấy ổng đồng ý, tôi mang tiền đi lo, khi lấy được cái giấy, tôi cũng mang về trình cho mấy ổng . Vậy mà bây giờ mấy ổng quy kết tôi là mật thám ngụy, lại bươi móc cả chuyện ông già tôi hồi trước làm tay sai  cho Pháp. Chỉ có cái chuyện tôi không chịu trả nợ phân bằng lúa mà sinh sự ra như vậy. Vợ tôi là hội trưởng phụ nữ ấp, cũng bị bắt lên xã nhốt một đêm, đến khi bà con kéo lên đấu tranh mấy ổng mới thả về .

Một thanh niên ngoài hai mươi tuổi, cầm chiếc loa tay đi đọc đài trong xóm để bêu xấu người già với những lời văn cẩu thả và thô thiển : “ Mời đồng bào nghe chúng tôi thông báo về hành động của hai tên Nguyễn Thị Bảy ( tức vợ Bảy Vớt ) và Nguyễn Thị Tư ( tức Sáu Nhành): hai tên này trước đây là gia đình ngụy quân, theo Mỹ, nay tiếp tục chống đối chủ trương Nhà nước, không chịu trả nợ phân bằng lúa, cương quyết đòi trả phân bằng tiền, lại lén lút vận động người khác chống đối. Nếu như hai bà không chịu thanh toán dứt điểm nơ vật tư năm 1986 và tiếp tục lén lút, vận động người khác chống đối chủ trương, sẽ bị đem ra xét xử theo pháp luật hiện hình của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!”

Trong những cuốn băng ghi âm của anh Sáu Kiên mà chúng tôi còn giữ lại cũng có một bài phóng thanh tương tự như the, nghĩa là bà Sáu Nhành và bà Bảy Vót bị trấn áp bằng cả loa phóng thanh lẫn với loa tay .

Sự trấn áp bằng máy phóng thanh không chỉ dành riêng cho những gia đình “ ngụy quân,theo Mỹ” mà cả những gia đình cách mạng chí  cốt tiêu biểu nhất trong cái làng này. Anh Hồ Duyên Hải, trung úy quân đội nhân dân, thương binh loại 2/4 được giải ngũ về làm tập đoàn trưởng tập đoàn tám ấp Bửu Đông, cha anh là Trung tá tỉnh đội phó tỉnh Minh hải đã từ trần sau giải phóng. Cũng như bao nhiêu người khác,anh đại diện cho tập đoàn đi mua mười một tấn phân, lúc ấy công ty vật tư nông nghiệp huyện cũng nói với anh phân này bán bằng tiền,anh về chia cho bà con và cũng phổ biến như vậy, nay huyện đòi trả bằng lúa,không ai chịu trả trong lúc anh đang khiếu nại chưa được giải quyết thì công ty vật tư nông nghiệp huyện lại phát đơn đề nghị khởi tố anh ra tòa. Suốt mấy đêm liền, loa phóng thanh phát vang trong xóm, đọc đơn đề nghị khởi tố và mời anh Hải ra huyện thanh toán nợ vật tư. Bài phóng thanh ấy chúng tôi vẫn còn giữ lại.

Kính gởi: Ủy Ban nhân dân tỉnh Minh Hải, Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải , Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Minh Hải, Sở Tư pháp Minh Hải, Công an tỉnh Minh Hải, Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh Minh Hải, Ủy Ban nhân dân huyện Giá Rai, Tòa án nhân dân huyện Giá Rai,Viện kiểm sát nhân dân huyện Giá Rai, phòng Tư pháp huyện Giá Rai, Công an huyện Giá Rai và hội đồng trọng tài kinh tế huyện Giá Rai.

Nay công ty vật tư nông nghiệp huyện Giá Rai đề nghị khởi tố về việc như sau :

Tháng1 năm 1986, ông Hồ Duyên Hải là tập đoàn trưởng tập đoàn 8 ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông A, đại diện cho tập đoàn làm hợp đồng với công ty vật tư nông nghiệp huyện, tạm ứng 11.500 kg phân urê, quy ra bằng 34.500 kg lúa. Đến nay ông Hải vẫn chưa trả lúa cho nhà nước mà đòi trả bằng tiền mỗi ký năm đồng.

Nay chúng tôi làm đơn này đề nghị các cơ quan pháp chế nhà nước đưa ông Hồ Duyên Hải ra xét xử trước Tòa án nhân dân.

Anh Hải buồn rầu than vãn với chúng tôi:

-Cũng cái chuyện lúa phân này mà gia đình tôi điêu đứng.Tôi thì nhức óc đau lòng với cái loa phóng thanh của ông Sáu Kiên, má tôi cũng bị ổng lôi ra bêu riếu  rằng bà bây giờ hư hỏng, tối ngày lo bán đất, đánh bài, không trả nợ phân. Thử hỏi má tôi già cả rồi, những lúc nhàn rỗi đi đánh bài tứ sắc với mấy bà già để giải trí thì tội tình gì. Còn ba tôi, chết rồi cũng không yên, cũng bị mấy ổng lôi ra nói xấu rằng hồi còn sống ông ngoại tình với bà này bà nọ.

Lúa, phân, tiền . Sự kiện ấy bây giờ chỉ còn là cái cớ để xô đẩy con người vào vòng xáo trộn với bao nhiêu sự phiền toái, trong lúc họ đang cần chén cơm, manh áo và những nhu cầu tối thiểu của đời sống tinh thần.

                                                                                 -Hết phần 2-

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3293
Ngày đăng: 13.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời cố nông - Võ Ðắc Danh
Nỗi niềm U Minh Hạ - Võ Ðắc Danh
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà văn SƠN NAM , Một đời nặng nợ áo cơm - Võ Ðắc Danh
NgườI đi khai hoang - Võ Ðắc Danh
Những con đường ký ức - Nguyễn Đông Nhật
Tưng bừng lễ hội lung linh huyền ảo Huế - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)