Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.344
 
Chiếc đĩa sứt
Đinh Lê Vũ

Thương tặng Lương, Hương và Duy Anh

 

1. Ba mươi tháng tư năm nay, được nghỉ lễ liên tiếp bốn ngày, mẹ Liên bàn với ba Quân: “Lễ năm nay, Tôm gần bốn tuổi rồi. Vợ chồng mình đưa Tôm về Hải Hậu thăm ông bà nội, cho Tôm nghỉ ngơi, tắm biển luôn!”. Ba Quân trầm ngâm một hồi, rồi bàn: “Bác Lữ hẹn ra chơi mấy ngày. Lâu lâu bác mới ra. Mình đợi bác ra rồi tính!”. Mẹ Liên gật đầu: “Vậy cũng được!”

 

Tối ngày hai mươi chín, bác Lữ, miệng cười tươi rói, xuất hiện trước cửa nhà Tôm. Bác ôm chầm lấy Tôm, hồ hởi: “Tôm đây hả, trời ơi, từ lúc sinh ra đến giờ, lớn ngần này, bác mới gặp mặt!”. Mẹ Liên cười chào: “Anh mới ra, đi đường có mệt lắm không anh?’. Bác Lữ hôn chầm chập vào má Tôm: “Đâu có mệt gì, anh đi máy bay mà!”. Ba Quân ôm vai bác, cười ha hả: “Từ hồi ra trường đến giờ, mới được gặp anh. Em mong gặp anh quá trời!”

 

Gọi là bác, nhưng thật ra, bác Lữ với ba Quân chỉ là bạn học hồi Đại học, cùng ở chung một phòng trong ký túc xá. Bác học hơn lớp, lớn tuổi hơn nên ba Quân gọi bác là anh. Ra trường, ba Quân ra Hà Nội làm việc, bác về lại Đà Nẵng, quê bác. Ba Quân kể: “Hồi đó, anh em thương nhau lắm, như anh em một nhà!”. Hồi đám cưới ba Quân với mẹ Liên, bác không ra dự được, hẹn sẽ ra thăm sau vào một dịp nào đó. Lời hẹn ra Hà Nội thăm ba Quân và mẹ Liên cứ lần lữa mãi, gần sáu năm sau bác mới thực hiện được. Phần cũng do ba Quân và mẹ Liên, cưới nhau rồi, sau đó đến lượt Tôm ra đời, cũng hẹn một dịp nào đó vào Đà Nẵng thăm bác mà chẳng đi được, phải chờ cho Tôm lớn lớn một chút mới dám đi xa.

 

Gọi là bác, nhưng năm nay, bác cũng chỉ chừng ngoài ba mươi chứ mấy. Người tầm thuớc, ăn nói bổ bã, hay bông đùa, cặp mắt lúc nào cũng như cười mà nụ cười thì dễ gần quá đỗi. Khi vừa nhìn thấy bác, mẹ Liên đã ngầm đánh giá: cái kiểu cười này chắc làm cho nhiều cô chết lắm đây, và cũng chỉ qua vài câu nói chuyện, mẹ Liên đã có cảm giác như đã quen thân với bác từ lâu lắm rồi. Nghe ba Quân nói bác vẫn chưa có vợ, mẹ Liên hơi ngạc nhiên một chút, nhưng rồi lại nghĩ: chắc là do kén quá chứ gì! Chỉ có ba Quân là hiểu là bác đã có một mối tình rất đẹp hồi học Đại học mà không thành, cả do cái tính cách, ham chơi bỗ bã có phần hơi bao đồng của bác, khó có cô gái nào chịu nổi. Còn bác, lâu ngày gặp nhau, không lẽ lại mang tâm sự ra mà nói với ba Quân là bác với cô Thục An, người yêu của bác đang giận nhau, giận lắm lắm, đáng lẽ dịp lễ này bác đưa cô Thục An về nhà bác chơi nhưng ghét quá, bác quyết định ra Hà Nội thăm ba Quân, mẹ Liên và Tôm. Không hẳn là do cái vụ giận nhau này bác mới đi chơi, thật ra, lâu ngày quá, không gặp nhau, bác cũng thấy nhớ thằng bạn thân, nên muốn ra thăm nó chút vậy mà...

 

Ba Quân hỏi: “Anh ra đây, đã có kế hoạc đi chơi ở đâu chưa?”. Bác bảo: “Chỉ ra đây thăm hai vợ chồng Quân thôi, đi chơi cũng được, không đi cũng được.”. Ba Quân lại nói: ”Không lẽ anh đã cất công ra đây, lại không đi chơi?”. Bác ngần ngữ một lát, rồi buột miệng thốt ra một cái địa danh vừa thoáng qua trong đầu: “Hay là mình đi làng gốm Bát Tràng?”. Ba Quân nhiệt tình: “Tưởng ở đâu xa xôi, Bát Tràng chỉ cách Hà Nội chừng mười hai cây số. Sáng mai, em đưa anh đi.”. Mẹ Liên góp chuyện: “Vậy thì cho em và Tôm đi nữa. Sang bên đó, sẽ cho Tôm tô màu trên gốm.”. Tôm nghe mẹ nói vậy, hớn hở vỗ tay: “Ba mẹ cho con đi tô mầu rồi, thích quá, thích quá!”. Tôm, giọng điệu nhỏ nhẻ, ăn nói lanh lẹ, thiệt là dễ thương, bác nghe Tôm nói mà thấy lòng mềm chi lạ. Như là trong bác, đang nhè nhẹ dâng lên một nỗi niềm yêu thương mơ hồ, một mong ước mơ hồ...

 

2. Buổi sáng hôm sau, bác Lữ có mặt ở nhà Tôm từ lúc sớm bưng, nai nịt sẵn sàng, chuẩn bị đi chơi Bát Tràng. Tôm sáng nay cũng tự động dậy sớm, vì được đi chơi, chứ mọi hôm đi nhà trẻ, bố mẹ gọi Tôm như gọi đò, lăn qua lăn lại mãi không chịu dậy, lại còn khóc nhè nữa. Thấy bác Lữ, Tôm vội vàng chạy đến chào bác, khoe: “Sáng nay Tôm được đi chơi làng gốm Bát Tràng đấy, bác có được đi chơi không?”. Mẹ Liên cười hỏi: “Thế Tôm có muốn bác cùng đi với nhà mình không?”. Tôm nhìn mẹ Liên, sà vào lòng bác Lữ, thỏ thẻ: “Bác đi chơi làng gốm cùng với Tôm nhé!”. Ba Quân dang hai tay ra với Tôm: “Thôi, sang ba bế, mình ăn sáng rồi cùng đi, kẻo muộn!”

 

Bốn người đi hai xe máy, ba Quân chở mẹ Liên và Tôm, bác Lữ chạy theo sau một mình. Mẹ Liên bảo ba Quân: “Hay để em điện thoại rủ cô Hằng ở cơ quan em cùng đi, giới thiệu cô với bác Lữ luôn!”. Bác cười từ chối: “Thôi, anh đi một mình được mà, đi hoài vậy quen rồi! Có thêm người lạ, cũng ngại lắm!”, Miệng thì cười nói bình thản vậy nhưng bên trong, bác không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Chỗ ngồi đằng sau xe này, lẽ ra là chỗ của cô Thục An, giá không có chuyện giận nhau vớ vẩn hôm nọ thì bây giờ, ba Quân với mẹ Liên, bác với cô Thục An làm thành hai cặp đi chơi, phải vui biết mấy! Rồi bác lại nghĩ, nếu không giận nhau, chưa chắc bác đã ra Hà Nội thăm ba Quân với mẹ Liên, làm gì gặp được Tôm. Tôm bé bỏng, là cục vàng của ba Quân và mẹ Liên, ngồi phía trước xe, miệng nói bi bô, dễ thương như một thiên thần. Mà quả thật, Tôm còn dễ thương gấp mấy lần thiên thần ấy chứ!

 

Đường đi Bát Tràng phải đi qua cầu Long Biên, ngang qua sông Hồng rộng mênh mông, ngút gió. Buổi sáng không có nắng, sắc trời dìu dịu, sắp hè mà cứ ngỡ như sang thu. Ngang qua sông Hồng rộng mênh mông, gió ngan ngát phủ vào mặt, bác Lữ thấy lòng mình nhẹ nhõm lắm, như là những chuyện muộn phiền biến đâu hết cả. Tự nhiên, bác thấy nhớ cô Thục An, nhớ mái tóc dài của cô rối tung mỗi khi gặp gió thổi, nhớ vô cùng mùi hương tóc thaong thoảng thật ngọt ngào của cô, cái mùi kỳ lạ bác không biết được rõ ràng đó là mùi gì nhưng luôn làm bác ngây ngất. Xuống chân cầu, lẽ ra phải rẽ phải để đi Bát Tràng thì bác lại chạy xe thẳng về hướng Bắc Ninh. Ba Quân phải gọi điện thoại di động cho bác, nửa đùa nửa thật, trách nhẹ: “Anh nghĩ ngợi gì mà cứ cắm cúi đi, tụi em gọi mãi không nghe!”

 

Bác chạy theo sau xe của ba Quân, trên một đoạn đường đê lấp xấp ổ gà, chốc chốc lại thấy Tôm ngoái đầu lại hỏi: “Bác Lữ đâu rồi?”. Mẹ Liên trấn an Tôm: “Bác đang chạy xe sau mình đó”, quay lại cười giải thích với bác Lữ: “Tôm sợ bác đi lạc lần nữa.”. Tôm bi bô hỏi chuyện bác: “Bác ở đâu vậy, sao lâu nay không thấy đến chơi với Tôm?”. “Bác ở tận Đà Nẵng, xa lắm!”. Tôm lại hỏi: “Ở Đà Nẵng có làng gốm Bát Tràng không hở bác?”. “Không có! Chỉ ở Hà Nội mới có!”. Tôm chưa chịu thôi: “Sao ở Đà Nẵng lại không có làng gốm Bát Tràng hở bác?”. Lần này thì bác tắc tị, tìm cách chống chế: “Ở Đà Nẵng không có làng gốm Bát Tràng nhưng lại có những làng khác mà Hà Nội không có.”. Tôm vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của bác: “Vậy ở Đà Nẵng có làng gì hở bác?”. Đến đây, mẹ Liên phải lên tiếng can thiệp: “Tôm không được quấy bác nữa nhé, như vậy là không ngoan!”. Ba Quân cười: “Anh mà nói với nó, có nói cả ngày cũng không xong. Nhiều lúc em mệt quá, phải đẩy sang cho mẹ nó trả lời.”. Bác làm ra vẻ rành rỏi: “Trẻ con như vậy mới thông minh chứ!”, nói xong mới thấy tự ngạc nhiên với mình, mình đã có con bao giờ đâu mà có vẻ cũng kinh nghiệm dữ!

 

Làng gốm Bát Tràng, không hề giống như bác hình dung, là một ngôi làng khá hiện đại, đường đổ bê tông khang trang, nhà cửa cao rộng, thênh thang, cửa kính, bảng hiệu bóng loáng. Không hề tìm thấy bóng dáng của một ngôi làng cổ Bắc Bộ với đường làng lót gạch quanh co, tường rêu cổ xưa, có cây đa, bến nước, sân đình… như lâu nay bác vẫn nhìn thấy trong các phim truyện truyền hình. Mẹ Liên chép miệng tiếc rẻ: “Cách đây mấy năm, em đi Bát Tràng, phong cảnh còn hoang sơ lắm, không ngờ bây giờ, thay đổi nhiều quá!”

 

Cả bốn người vào gởi xe, chuẩn bi đi quanh một vòng thì Tôm bắt đầu mè nheo: “Mẹ ơi, con khát nước!”. Bác vội vàng: “Mình vào quán kia uống nước, nghỉ một chút đi!”. Mẹ Liên bế Tôm lên, hôn nhẹ vào má Tôm: “Đã làm gì đâu mà nghỉ, bác chìu Tôm quá!”, nói rồi cũng bế Tôm vào. Ngồi yên vị trong quán, bác mới có dịp ngắm nghĩa lại dung nhan thằng bạn yêu quý của mình. Ba Quân dạo này hơi đẩy người ra, không còn nét trẻ thơ trên khuôn mặt như hồi đi học, khuôn mặt mà hồi đó bọn con gái trong khoa từng đặt biệt danh là Babyface. Tóc cũng đã bắt đầu bạc lấm chấm, chắc là do máu xấu nên đầu bạc sớm, nghĩ vậy nhưng bác Lữ vẫn không khỏi thoáng chút ngậm ngùi. Bác buột miệng: “Tóc Quân bạc hết rổi? Sao không nhuộm đi cho trẻ?”. Ba Quân cười hiền lành: “Trẻ trung gì nữa!”, quay lại ngắm nghía bác Lữ: “Trời ơi, càng nhìn anh, chẳng thấy anh khác hồi đi học chút nào cả! Vẫn cứ thanh niên trai tráng!” Bác nghe ba Quân khen, cũng thấy thinh thích, cho đến khi mẹ Liên lên tiếng: “Ba Quân bạc tóc vì phải lo làm nuôi mẹ Liên với Tôm đấy!”. Nhìn ánh mắt của mẹ Liên ngó ba Quân, cả vẻ ba Quân cúi xuống nựng nịu Tôm, bác chợt nhận ra, cái thay đổi lớn nhất ở ba Quân là vẻ chững chạc, từng trải rất dàn ông, rồi bác thấy mình sao lớn tuổi hơn mà không hề có được vẻ chững chạc như của ba Quân. Phải chăng, người con gái bác yêu ngày xưa không chọn bác vì bác vẻ thiếu chững chạc này, hay chính vì không lấy được người mình yêu nên bác chưa chững chạc được. Chỉ biết, lúc này, ngồi nhìn ba Quân, mẹ Liên và Tôm quây quần bên nhau, bác thèm chỉ được một góc nhỏ của ba Quân cũng quá tốt rồi, sao chưa có người phụ nữ nhìn bác như mẹ Liên nhìn ba?

 

Bốn người đi bộ loanh quanh dãy cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong khu làng gốm. Dọc theo còn đường chính đổ bê tông, các cửa hiệu san sát nhau, bày biện sáng sủa, bắt mắt. Trong lúc ba Quân và mẹ Liên bàn nhau nên mua bộ ấm trà nào về nhà, hoa văn bộ chén bát nào hợp với màu tường nhà mình thì bác Lữ loay hoay tìm chọn mấy dây trang sức đeo cổ, mặt dây đeo là những mảnh hoa văn nho nhỏ bằng gốm ngộ nghĩnh, xinh xinh, làm quà cho cô Thục An. Cô Thục An vốn thích những đồ trang sức là lạ như thế này, bác tìm mua bảy dây để cô diện bảy ngày trong tuần. Mẹ Liên trêu: “Eo ôi, anh Lữ nhiều bạn gái thế?”. Bác trả đũa lại ngay: “Đâu bằng Quân, hồi đi học, mỗi dịp Valentine, Quân mua một lần cả chục tấm thiệp Tặng người yêu duy nhất của anh để tặng ban gái đó!”. Mẹ Liên cười: “Sao lúc yêu em, chẳng thấy ba tặng em tấm thiệp nào cả!”. Ba Quân khoác vai vợ: “Anh tặng em cả cuộc đời của anh đây này, cần gì thiệp nữa”. Bác chưa hề nói với ai câu này, bình thường thấy rất sến, mà sao lúc này, nhìn vẻ chân thành không chút màu mè của ba Quân, nghe ba Quân nói, bác lại thấy cảm động. Cảm dộng như trước một vẻ đẹp mà mình chẳng hề có được…

 

Loanh quanh một hồi, Tôm than mỏi chân, bắt ba Quân cõng trên vai, rồi nằng nặc đòi tìm một xưởng gốm để cho Tôm vẽ: “Ba mẹ hứa cho Tôm tô màu rồi mà!”. Mẹ Liên luôn miệng dỗ Tôm: “Tôm ngoan nào, chờ một chút, ba mẹ tìm chỗ cho Tôm tô màu nhá!”, quay sang nhìn bác: “Anh thấy sợ chưa, đi nhà trẻ thì thôi chứ về nhà, tụi em cứ cuống quít với nó cả ngày, chằng yên ổn được một chút nào cả!”. Than vãn đấy nhưng mặt mẹ Liên cứ ngời ngời hạnh phúc, hãnh diện. Tìm ra được lò gốm thì đã gần trưa. Lò gốm nằm sâu phía sau dãy cửa hàng bán sản phẩm ở mặt đường chính, lối đi vào ngoằn nghèo trong con hẻm nhỏ lót gạch, không như hình dung của bác Lữ về một lò gốm cổ truyền. Nói là lò nhưng thật ra là căn nhà xưởng hai tầng rộng thênh, bên trong chỗ nào cũng thấy phủ bụi trắng xóa như vôi. Có đủ cả các loại máy, từ máy trộn đất, máy quay điện, có khuôn đúc, lò nung bằng ga trắng tinh, sạch sẽ, cả một mẻ gốm vừa mới ra lò đang rạn lách tách, nghe ngồ ngộ như những tiếng đàn.chén. Vài người thợ đang nhồi bột gốm, nặn tượng, dáng trông hiền lành, cần mẫn. Ở một góc trong khuất là ba cô gái ngồi ở chiếc bàn gỗ nhỏ, trên bàn đặt lỉnh kỉnh những chai lọ, đĩa mực và cọ, vẽ những hoa văn trên sản phẩm gốm chưa nung, tay đưa thoăn thoắt, nét vẽ sắc sảo, đều tăm tắp như khuôn in. Ba Quân mua hai chiếc đĩa trắng chưa nung, đưa cho Tôm một chiếc, một chiếc đưa cho bác, nói bác vẽ cái gì đấy đi, lát nữa gởi vào lò nung, mai mốt mang về bày ở tủ kính phòng khách làm kỷ niệm. Nhưng bác lắc đầu. Không dưng bác thấy, không có cô Thục An ở đây, bác vẽ cái gì cũng vô duyên, có gì vui đâu để mà kỷ niệm…Tôm ôm lấy chiếc đĩa hý hoáy cầm bút màu nghệch ngoạc vẽ xe hơi, vẽ máy bay, thì thầm một mình: “Xe hơi này là để chở ba mẹ, máy bay này là để Tôm đi…”. Ba Quân cầm chiếc đĩa còn lại, bặm môi viết một dòng, mẹ Liên tròn miệng viết một dòng. Bác nhìn liếc qua thì thấy dòng chữ: Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba…

 

Phía dưới còn có một hình vẽ vụng về hai người lớn và một đứa trẻ con, chắc là ba Quân, mẹ Liên và Tôm. Lúc hai người lớn đang săm se ngắm chiếc đĩa thành quả sáng tạo của mình thì Tôm quay sang níu xuống: “Cho con coi với!”, níu hơi mạnh tay làm cái đĩa bị vỡ, sứt mất một góc. Mẹ Liên xuýt xoa tiếc rẻ, ba Quân cũng biến sắc nhưng rồi trấn tĩnh ngay, cười thật hiền với vợ: “Không sao mà, sứt một góc nhưng mà vẫn đẹp! Trên đời này, cái gì cũng vậy, đâu cần phải lúc nào cũng tròn trịa. Có sứt mẻ một tí thì mới đẹp, mới lâu bền được.”

 

Bác Lữ lặng người. Chỉ giản đơn vậy thôi mà lâu nay bác không nhận ra, bác cứ mãi đi tìm một sự hoàn hảo. Nhất định sau chuyến đi này, việc đầu tiên bác làm khi về nhà là đi gặp cô Thục An, bàn chuyện cưới xin. Nếu cô vẫn còn giận dỗi, bác sẽ năn nỉ cô…

Cưới xong, bác sẽ đưa cô đi thăm Bát Tràng…

 

Để biết đâu, khi trở về, bác với cô cũng sẽ có một chiếc đĩa sứt chưng ở ngay tủ kính trong phòng khách, như của gia đình Tôm…

Đinh Lê Vũ
Số lần đọc: 2915
Ngày đăng: 16.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Của hồi môn - La Thị Ánh Hường
Bầu bí nương nhau - Nguyễn Nguyên An
Mối tình xưa - Nguyễn Ngọc Tư
Bão - Lê Hoài Lương
Lá thị xanh lâu - Trần Thị Huyền Trang
Dảo tiên sinh - Trần Nhương
Lời nguyện cầu - La Thị Ánh Hường
Bóng ma - Huỳnh Mẫn Chi
Bà ngoại - Thai Sắc
Con rắn - Lê Hoài Lương
Cùng một tác giả
Về Phố (truyện ngắn)
Người về (truyện ngắn)
Ly khúc (thơ)
Người cũ (truyện ngắn)
Bạn gái (truyện ngắn)
Em tôi, ngày về (truyện ngắn)
Ba ngày (truyện ngắn)
Đi coi bói (truyện ngắn)
Điều kỳ diệu (truyện ngắn)
Trái tim vỗ nhịp (truyện ngắn)
Mùa cũ (thơ)
Như chẳng hề quen (truyện ngắn)
Như cơn mưa bóng mây (truyện ngắn)
Ru tình (thơ)
Chiếc đĩa sứt (truyện ngắn)
Đá cũng cần có nhau (truyện ngắn)
Trưa hè (truyện ngắn)