Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.043
 
Rối nước
Khánh Phương

... Anh đi lủi thủi trên đường

đánh mất lòng tin

tìm về bếp lửa

Xem trẻ mục đồng

múa trong tượng gỗ...

( Lưu Quang Vũ)

 

Chặng đường ấu thơ của ký ức nghệ thuật dân tộc

 

Anh Tễu tôi đỗ đip- lôm( cao đẳng tiểu học ) thời thuộc Pháp. Cách mạng bùng lên, anh bái biệt đời học sinh trường Bưởi đi kháng chiến, mang theo một bồ chữ, anh được xếp ngay vào mũi nhọn tuyên truyền kháng chiến. Cái chữ Tây hồi ấy chú trọng vào văn phạm, cú pháp, lại lấy địa chí, lịch sử, nhà nước, phong hoá làm căn bản, thành ra vốn liếng của anh tôi có vẻ đắc dụng trong thời mới lắm. Hoà bình, anh tôi đã làm đủ nghề, lại cũng có duyên đi khắp đó đây, chứng kiến đủ những chuyện lạ ở các xứ Tây Tàu văn minh suốt mười mấy năm. Đùng một cái anh tôi về quê sống với Rối. Bỏ hết công danh nợ nần. Tối ngày chỉ thấy anh cặm cụi tháo dỡ, xoay chuyển, mê mẩn vào các con rối, đói no cũng mặc. Rồi anh tôi đeo túi dết đi lang bạt khắp các phường Rối đủ mặt tỉnh thành ngoài Bắc, xa mấy cũng đi, cứ cơm nắm mo cau xe đạp ngày nọ sang ngày kia. Thuở nhà nhà còn lo Ba xung kích Ba sẵn sàng, ai hơi đâu mà quan tâm chuyện rối má. Con rối cứ bỏ phó trong nhà kho, bụi bặm gãy nát cả. Anh tôi vừa xin vừa mua về, lại đục đẽo rồi sơn phết hàng tháng trời liên tục, suốt mấy mươi năm thì có đủ bộ các loại Rối, bó dây bó que cho làm trò dưới nước. Sau ngày thống nhất, anh tôi được nhà nước phong Nghệ nhân, lại còn được mời viết sách. Lạ nhất là các nước ngoài mời đi biểu diễn thì anh sống chết từ chối, khăng khăng bảo để người khác có khả năng hơn. Con cái chẳng ai theo nghề cha cả. Chúng cứ phải thấy việc gì trước mắt có ra tiền ra miếng thì mới hám. Dạo này anh tôi đâm lẩn thẩn, chả thiết nói chuyện với ai. Cứ sáng nào cũng gánh đôi bồ Rối ra sông Đáy tắm táp kỳ cọ cho từng con. Cả phủ Quốc này đã quen mắt, chẳng ai lấy làm khác thường nữa...

           

Cả một dọc dài đồng trũng gắn bó với nghề Rối nước xa xưa, từ Thạch Thất, Quốc Oai, đến Thuận Thành, Quế Võ, xa  hơn là Văn Yên, Ninh Thanh, Tứ Lộc( Hải Hưng), Vĩnh Bảo( Hải Phòng), Nam Ninh( Nam Định), Đông Hưng( Thái Bình)... vốn đầy ao chuôm lay động như những dải gương trời, nay mỗi ngày thêm cạn kiệt. Cần đất cho khu công nghiệp, nhà hàng, siêu thị, biệt thự, khu dân cư... ao hồ không thể “thoát”. Mươi năm tới, nếu không đạt được mục tiêu viển vông là quy hoạch lại cảnh quan nông thôn, bắt đầu bằng phá... hầu hết những gì đang có, sẽ không bói đâu ra một mét vuông hồ ao nào cho Rối.

 

Phù hợp với đời sống nông thôn bê tông hoá toàn bộ là chiếc ti vi siêu phẳng, phương tiện giải trí và thông tin của tất thảy già trẻ lớn bé trong nhà. Sẽ không còn trẻ em nào được nhìn giọt nước bắn lên long lanh trên cánh tay hồng hào của chú Tễu như chiếc gương tí hon phản chiếu vô vàn những điều kỳ diệu. Không  ai còn thấy màn múa tiên hoa đăng ngộ nghĩnh trên mặt hồ để từ đó mơ mộng đến vạn hoa những huyền tích hư thực giữa đời.

 

Rối nước là nghệ thuật tự cấp tự túc. Tạo hình con rối thô tháp, màu sắc nguyên thuỷ, cử động gãy khúc, tích trò giản lược, chủ yếu bám theo đời sống lao động và lễ tiết tinh thần của bà con làng xóm. Như là chặng đường ấu thơ của ký ức nghệ thuật dân tộc. Nhưng Rối nước cũng đã tồn tại cùng công chúng sang tận thời hiện đại. Bứng nó ra khỏi môi trường sống tồn làng xóm, phong đẳng cấp chuyên nghiệp, gia công thêm cái tinh vi thời hiện đại, là rối đấy mà không phải Rối.

 

insallation và performance trên nước

 

“Thày phù thủy” Nguyễn Huy Hồng tóc bạc trắng cầm xâu chìa khoá nặng lần lượt mở cửa cho chúng tôi ngó vào từng gian bí ẩn trong lâu đài phép thuật của ông, nằm giữa um tùm dây vạn niên thanh, tầm xuân trổ bông hồng phớt và những bụi xương rồng cao ba bốn mét. Các con rối bị phù phép của ông đang ngủ lịm trên giá, bất động giữa đám dây que, một bác nông dân bị lạc mất vịt giữ nguyên nét mặt đau khổ cứng lại đứng trơ trọi hay một “bà nạ dòng” xay lúa ăn vận cực sexy...

Xuống nước, tất cả đã khác.

 

Hiếm có hoạ sĩ đương đại nào thử nghiệm sử dụng nước như một bối cảnh tổng quan kiêm chất liệu cho sáng tạo của mình.

 

Nước, với những cử động uyển chuyển sóng sánh đủ sức làm nhoà đi những đường nét to và thô của Tễu, Anh cày ả cấy, con trâu hay con lân... đem lại vẻ đẹp tổng hoà  mềm mại khoáng đạt. Đến lượt những pho tượng “mục đồng” được tạc đẽo sao cho sức gợi cảm của nước và nhân vật được suy tôn hết mực, trang phục giản nhẹ để lộ thoải mái những phần cơ thể, như một cách bộc lộ thẩm mỹ dân gian hồn nhiên. Năm sắc sơn nguyên thuỷ: trắng, đỏ, vàng, lá cây, đen, kết hợp màu đặc chính yếu và trung gian phụ trợ, tiệp với bóng màu dưới đáy nước lung linh rực rỡ ùa vào hồn người xem. Cái ngẫu nhiên đã được sử dụng trọn vẹn như một phương tiện thể hiện trên sân khấu sắp đặt Rối nước.

 

Tài nghệ của những phù thuỷ làng Rối có lẽ chính ở chỗ đã biến hiện thực thành những giấc mơ. Cái chân thực của sự sống hàng ngày được nhìn bằng con  mắt lạ thường vượt ra ngoài sự bắt chứơc mô phỏng. Sân khấu Rối tràn ngập những tiết tấu lạ đan xen và thay đổi không ngừng nghỉ: tiết tấu hoạt động và múa của nhân vật, con vật, tiết tấu lời hát, âm thanh, tiếng động, tiết tấu của nước, của pháo hoa... Những phép màu ngây thơ người nghệ nhân dành cho Rối hồn nhiên và đột khởi đánh thức bản năng thẩm mỹ trong người xem, gợi nhớ những “kẻ liều lĩnh” dám dùng chính cơ thể mình đặt bước chân vô thức trong nghệ thuật đương đại.
Khánh Phương
Số lần đọc: 3206
Ngày đăng: 18.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mượn kiếp đào nương... - Khánh Phương
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...” - Khánh Phương
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Nghi lễ Bàu Đá “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” - Nguyễn Thanh Mừng
Ngày nghinh ông bên vàm sông ông Đốc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngô Ðức Thịnh
Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng châu thổ Bắc bộ - Đặng Hoài Thu
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Nói thơ : Một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Tục nhuộm răng ăn trầu ở Bình Định xưa - Mai Thìn