Nhà tôi ở đầu hẻm. Con hẻm tối và sâu hun hút như một nhánh địa đạo Củ Chi. Theo lời ba kể thì từ khi ông nội tôi định cư tại đây, nơi này còn là bãi đất hoang cách nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn chừng mười phút xích lô. Đến đời ba, nhà cửa đã mọc lên, ken dày như tổ ong. Con hẻm ngày càng bị ép nhỏ lại và kéo dài ra tới tận dòng kinh đen ngòm. Tôi ở trong phòng riêng trên gác xép, có cửa sổ nhìn xuống hẻm, cửa lớn nhìn ra đại lộ. Chính ở vị trí này mà tôi thỏa sức ngắm nhìn người ta qua lại trên đường. Không biết tự bao giờ cái thú nhìn ngắm mọi người trở thành niềm vui, niềm say mê của tôi, nó chiếm mất khá nhiều thì giờ của tôi. Chính là nhờ thói ham nhìn ngắm đó mà tôi hiểu được một cách sâu sắc nỗi khổ cực của bà con lao động trong hẻm. Mới ba bốn giờ sáng, hẻm đã thức dậy với những người lao động lam lũ rời khỏi tổ ấm đi kiếm sống bằng đủ nghề. Chiều về, hàng chục, hàng trăm gương mặt phờ phạc, hốc hác, xanh mét, áo quần nhếch nhác tiến vào hẻm. Năm chục hộ trong hẻm là năm chục gia đình nghèo khó. Ngày nào tại đây cũng ầm ĩ tiếng cãi vã, chửi lộn và choảng nhau. Trẻ nít hầu hết thất học, phải đi kiếm sống bằng đủ mọi cách: bán báo, đánh giày, dựt dọc... Có gia đình bốn mụn con gái thì cả bốn lần lượt đi bán trôn nuôi miệng. Ối nhà có người phạm pháp đang ở trong tù. Chỉ nhìn dáng đi của người trong hẻm cũng biết họ thuộc lớp dưới đáy xã hội.
Vậy mà có một gia đình khác hẳn thế giới hẻm. Đó là gia đình bé Thanh. Ba Thanh là thày giáo, chết vì ung thư khi má Thanh đang mang bầu đứa thứ hai. Người vợ trẻ không đi bước nữa mà thờ chồng nuôi con. Nguồn sống của ba má con trông vào nồi bánh canh giò heo bán ở đầu hẻm, sát chân tường nhà tôi. Tôi khoái ăn bánh canh nhà Thanh vì nước lèo rất thơm, ngon; vị ngọt do xương hầm chứ không phải nêm đường hay bột ngọt. Rau giá rất sạch, tô muỗng rửa kỹ, tráng nước sôi sùng sục… Nhưng tôi mê ăn bánh canh nhà Thanh chính là do người bán. Má Thanh là một người đàn bà đẹp, phúc hậu, nụ cười lúc nào cũng như hé nở trên môi. Bên cạnh bà là Thanh, cô con gái đầu lòng, có phần xinh hơn bà, cao ráo, thon thả, tóc dài đen mướt, da trắng hồng, mắt phượng đen láy… Các nhà viết tiểu thuyết thường tả người đẹp với nhiều chữ nghĩa, đầy mỹ từ, dựng lên biết bao mỹ nhân trong tưởng tượng. Nhưng, với tôi, chỉ có em Thanh là đẹp nhất! Tôi thích em từ bao giờ, không nhớ. Nhưng tôi nhớ nhất cái bữa đang tập trung ôn thi vào đại học, má kêu bánh canh giò heo cho tôi ăn. Thanh vẫn thường mang tô bánh canh kèm theo bốn cái móng giò ăn thêm vô nhà cho tôi. Tôi rời phòng học ở gác xép xuống ăn tại bàn ăn. Hôm đó không hiểu sao má tôi lại biểu Thanh mang lên tận phòng riêng của tôi. Khi Thanh đến, má đã đi chợ rồi. Ba tôi thì luôn làm ca ba, không bao giờ về nhà trước tám giờ sáng. Bữa đó Thanh mặc bộ đồ bằng vải xoa nền trắng có hoa văn là những trái tim nhỏ xíu màu tím hoa cà. Từ thân hình mơn mởn non tơ ấy tỏa ra hương thơm kỳ diệu của da thịt trinh nữ mà nhiều ngày, nhiều đêm, nhiều tháng, nhiều năm sau này tôi không thể nào quên được. Năm đó Thanh mới học hết lớp chín. Tuổi mười lăm hiếu học, chăm làm và ngoan hiền như Thanh, trong cái thế giới hẻm - dưới đáy này quả là chỉ có một, không có hai. Thanh học giỏi nhất lớp. Thắng, em trai của Thanh khoe với tôi đủ điều. Đôi bàn tay thon thả trắng hồng của Thanh nhẹ nhàng đặt cái khay tráng men trắng tinh lên mặt bàn, giọng Thanh dịu, ngọt:
- Anh ăn cho nóng rồi hãy học tiếp. Bác Tư biểu em nói với anh vậy đó!
Thanh nói và nhìn tôi, ánh mắt trong vắt, hồn nhiên, có sức cuốn hút mê hồn. Tôi nhìn vô đáy mắt Thanh mà lòng xốn xang. Chợt nhớ câu thơ của Nguyên Sa: Em không nói đã nghe từng giai điệu. Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh. Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình. Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt… Thấy tôi ngó trân, má Thanh ửng đỏ, hai lúm đồng tiền cũng như cặp môi chúm chím như rung rinh, hé cười. Hàm răng trắng và đều tăm tắp và cái miệng cười như nửa vầng trăng kia càng làm cho gương mặt em hồng hào lên, ngời sáng lên.
- Cám ơn em!
Tôi nói và quên cả việc mời em ngồi. Người tôi, tay tôi như run lên, tôi chưa kịp tĩnh trí lại thì em đã chào tôi rồi nhanh nhẹn bước xuống cầu thang. Cái eo của em thon nhỏ, dáng em đi thanh thoát như là có cánh nơi gót chân son. Xạ hương em dường như cứ ôm tỏa, quấn quýt lấy tôi…
Thanh học giỏi nên tôi không thể mượn cớ giúp em làm toán hay làm văn để gần em. Tôi chỉ còn mỗi cách là… sáng nào cũng ăn bánh canh giò heo. Đó là món khoái khẩu của tôi mà. Quả thực, cho mãi đến sau này, dù đi bất cứ đâu trên giải đất hình chữ S của tổ quốc mà tôi vô cùng yêu dấu, tôi cũng không tìm ra được địa chỉ nào bán bánh canh thơm, ngon, và thật như ở đây. Vị ngọt giả, hương thơm giả, màu sắc giả hầu như đang lộng hành trong văn hóa ẩm thực!
Nhà Thanh nhỏ, ở gần cuối con hẻm, nhưng rất sạch và ngăn nắp. Trong thế giới dưới đáy, sự bẩn thỉu, thất học và chuyện lừa đảo được coi như chuyện bình thường; thì gia đình Thanh như một ốc đảo tỏa sáng về mọi mặt, nhất là về mặt phẩm hạnh con người. Nhà Thanh không khá giả gì, nhưng hầu như nhà nào trong hẻm cũng hơn một lần nhận được sự giúp đỡ của má Thanh theo kiểu lá lành đùm lá rách. Không ai khác mà chính má Thanh là người đã tổ chức dạy học lớp một, lớp hai cho mười ba em nhỏ trong hẻm. Lớp học đêm diễn ra vào lúc nhà nào cũng cơm nước xong xuôi, và kết thúc vào khoảng chín giờ. Chưa hết, những đám cãi lộn, đánh lộn trong hẻm đều chỉ chịu bị dẹp êm khi má Thanh xuất hiện. Bà dùng mọi cách thuyết phục, hòa giải. Ba tôi không ít lần trầm ngâm: Người đẹp như tiên, lại thánh thiện như vậy mà góa bụa… Tội nghiệp!
Thế mà tai họa lại giáng xuống gia đình Thanh năm em bước sang tuổi mười bảy, đang học lớp mười hai. Ban ngày, trong hẻm chỉ rặt con nít ở nhà, người lớn lo đi bươn chải kiếm ăn. Nhà bà Ba Tèo bán xăng nằm cách nhà Thanh hai nóc gia. Nhà Ba Tèo phát hỏa. Mười lăm phút sau Sở chữa lửa mới nhận được tin, khi xe cứu hỏa chạy tới nơi thì hỡi ôi, hẻm nhỏ quá, điểm cháy ở sâu quá, xe vô không lọt, vòi rồng không vươn tới. Hai chục căn hộ phía cuối hẻm bị thiêu rụi. Má Thanh mải lo cứu cặp trẻ sinh đôi nhà bà Đào (cháu ngoại bà Đào, bị khóa trái cửa khi má chúng đi bán vé số), đến khi cả cái gác lửng đổ sập xuống, má Thanh không thoát ra được. Khi người ta phát hiện, cứu được bà ra thì bà bị bỏng nặng toàn thân rồi!
Thanh và Thắng phải bỏ học.
Tôi và cả ba má tôi rất nhiều lần thuyết phục hai chị em Thanh, Thắng đến ở tạm nhà tôi, nhưng không được. Hai chị em gom những gì còn lại của căn nhà, dựng lên túp lều trên nền nhà cũ và ở trỏng. Thanh thay má đi chợ nấu bánh canh, bán hàng để có tiền nuôi má trong nhà thương. Năm tháng sau, người mẹ đẹp như tiên và thánh thiện ấy qua đời. Hai chị em Thanh, Thắng gày nhom như que củi. Ba tôi mất ăn mất ngủ cả tháng trời… Nhiều lần ba má tôi đưa tiền để tôi dúi cho Thắng, nhưng Thanh đều bắt em trai mang trả.
Một năm sau, cả hai chị em đều tới trường. Thật phi thường! Gia cảnh như thế mà vẫn đi học, mắt vẫn nhìn thẳng, quần áo tươm tất, không một lời than vãn. Tôi vô cùng thán phục nội lực của Thanh.
Tôi tốt nghiệp đại học, đi Tây Nguyên nhận công tác thì nhận được tin vui: Thanh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, loại suất sắc. Thắng được lên thẳng lớp mười. Mỗi năm tôi nghỉ phép được một lần. Lương của một kỹ sư mới ra trường lại không chịu kiếm tiền một cách khuất tất, chỉ đủ sống một mình trên phố núi cao, phố núi đầy sương. Có hai người đẹp: Cô con gái ông chủ xưởng cưa và cô em gái ông chủ tiệm vàng lớn nhất Pleiku cùng đem lòng thương tôi. Họ tìm mọi cách chiều chuộng tôi, lôi kéo tôi. Họ yêu tôi thiệt lòng, muốn kết hôn với tôi. Thế mà lòng tôi dửng dưng. Tôi chỉ giữ mối quan hệ bạn bè tốt với họ. Trong tâm trí tôi, chỉ một người con gái mà tôi vô cùng thương yêu, quý trọng là Thanh! Tôi ao ước được sống với em suốt đời.
Một lần về phép, tôi được bá má cho tiền thay xe mới. Tôi lén ba má tặng cho Thắng để hai chị em sửa nhà hoặc để lo chuyện học hành. Thanh đến nhà tôi, chân thành cảm ơn và kiên quyết gởi lại tôi số tiền đó. Trở lại phố núi, tôi quyết định viết thư tỏ tình với Thanh. Đó lá lá thư tình đầu đời. Thật ra, thời sinh viên tôi cũng đã biết thế nào là nụ hôn đầu đời, nhưng đó chưa phải là tình yêu! Tôi chưa phải tương tư ai như đã tương tư Thanh. Đáp lại thư của tôi, Thanh viết ngắn gọn: “Em coi anh như một người anh, như một tấm gương để noi theo. Nhưng về tình yêu thì… anh ơi, em còn nhỏ và đang học đại học dở dang anh à. Em phải thực hiện được khát vọng là học xong đại học như anh! Xin anh đừng buồn em nghe!”.
Từ đó, Thanh không viết thư trả lời tôi nữa. Tôi cũng không nhận được tin tức gì của Thắng. Cơ quan tôi có chuyện thối! Những kẻ có chức có quyền đã xâm phạm thô bạo quyền lợi chính đáng của đồng bào Tây Nguyên, bán đứng tài nguyên rừng của đất nước để mưu lợi riêng. Tôi là một trong những người vạch mặt chúng. Thế là tôi bị khép đủ thứ tội, rồi bị buộc thôi việc. Tôi buồn vì đường công danh mình mới lâm vô mà đứt gánh thì ít, nhưng buồn nhiều vì tham nhũng đã thành quốc nạn, ngày càng lộng hành. Bao giờ bọn tham nhũng, bọn mafia mới bị phơi mặt trước tòa án?
Tất cả những chuyện đó rồi cũng qua đi, nhưng điều làm tôi không thiết sống nữa là chuyện Thanh đi làm thư ký cho một tay chủ, người nước ngoài. Má báo cho tôi hay tin này. Tôi không tin vào tai mình khi nghe má nói: “Giống hệt hồi trước Bảy lăm, khi các cô gái Sài Gòn đi làm sở Mỹ đó con! Thôi con à, cái số con nó vậy, đeo đuổi làm chi cho phí thời giờ. Nó không xứng với con!”. Mấy bà bán dưa lê trong hẻm được dịp dèm pha: “Chèng đéc ơi! Tưởng con nhà gia giáo, ai dè cũng chỉ là thứ me Tây, me Mỹ không hà!”.
Dù ghen tức sục sôi trong người, nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo đi điều tra nhằm rõ thực hư. Quả có vậy! Đó là một công ty lớn của ngoại quốc mở văn phòng đại diện tại Sài Gòn. Không biết vì lẽ gì mà cả hai chị em Thanh, Thắng đều dọn đến ở trong ngôi biệt thự mà công ty ấy thuê làm trụ sở văn phòng. Ông chủ là một thanh niên cỡ tuổi tôi, rất bô trai, đi xe Toyota Crown, loại xe xịn nhất hãng. Rất nhiều lần, tôi và các thám tử bạn tôi nghía ở trước cổng biệt thự. Anh chàng chủ trẻ ấy tự lái xe. Thanh ngồi ghế bên cạnh, tay cầm kẹp tài liệu màu xanh nước biển. Họ nói với nhau ríu ra ríu rít như đôi tình nhân. Tôi tìm đến trường của Thắng. Không gặp. Một người trả lời: Em Thắng chuyển trường rồi. Tôi hỏi trường nào. Người đó đáp: Không biết!
Tôi nằm nhà ăn bám cha mẹ được nửa năm. Chán kinh khủng! Trong nửa năm ấy, vì ghen tức, vì tự ái, tôi đã ngu muội tới mức không tìm cách điện thoại hoặc trực tiếp bấm chuông vô biệt thự tìm Thanh. Thư cũng không viết. Tệ hơn, tôi đã theo bạn bè đi ăn chơi xả láng. Một lần, từ vũ trường Thượng Đế về, lúc đó đã mười hai giờ đêm rồi, tôi dừng xe mua thuốc lá. Sau ngày mất việc, tôi hút thuốc lá dữ lắm, mỗi ngày đốt một gói. Cái tủ thuốc lá đó ở trước một căn nhà có cửa sắt lớn màu xanh. Tôi vừa trả tiền xong thì cửa sắt mở ra. Một đoạn đối thoại bằng tiếng Anh của hai người nam, nữ vang lên. Thật không thể tưởng tượng! Ông chủ trẻ đang say đắm nhìn Thanh, nói những lời có cánh tiễn Thanh. Họ say sưa trò chuyện. Thanh mặc áo dài hoàng yến, đi xe Dream II. Nàng nói tiếng Anh chuẩn tới mức tôi không ngờ. Nàng không nhận ra tôi. Tôi chưa kịp phản ứng là gọi Thanh để hỏi cho ra chuyện thì chiếc Dream II đã lao đi rồi. Đêm đó, tôi đốt hết gói thuốc và tự hành hạ mình. Sớm hôm sau, tôi lại đến trước căn nhà có cửa sơn xanh đó mua thuốc. Cô gái bán thuốc lá cho tôi hay: Người thuê nhà là Giám đốc văn phòng đại diện của một hãng lớn ở châu Âu. Tôi hỏi về cô gái mặc áo dài đêm qua, cô bán thuốc lá nhìn tôi, tủm tỉm cười: Trời cũng hổng nhớ hết! Biết bao cô gái đẹp như hoa hậu bước vô căn nhà đó rồi!
Thế là hết! Hết sạch trơn! Khi đã trượt tới tột cùng nỗi đau thì tôi tỉnh táo lạ thường. Đọc báo, tôi biết Tổng công ty công nghiệp Giấy đang tuyển kỹ sư. Tôi trở thành một trong mười kỹ sư đầu tiên lên rừng trồng bạch đàn. Nắng lửa, mưa dầu. Mùa mưa sốt rét, mùa khô thiếu nước ngọt, bụi đỏ mù trời. Khai hoang, làm đất, làm đường giao thông, làm vườn ươm cây con, trồng cây, tưới tắm, chăm sóc, chống cháy vào mùa khô… Vất vả quá trời! Nhưng, sau những nỗi đau tôi đã gánh chịu thì những vất vả ở rừng bạch đàn chả thấm tháp là bao. Ba tôi là người thợ, ham sáng tạo. Tôi kế thừa đức cha nên lao vào công việc với niềm đam mê kỳ lạ. Say mê bạch đàn! Đó vừa là say mê nghề nghiệp, nhưng còn là cách để khuây đi nỗi đau niềm nhớ tiếc về Thanh. Ngày lại ngày, đêm tiếp đêm, trướcmặt tôi là miền rừng hoang ngút ngàn cỏ Mỹ, là sự thách thức. Chúng tôi đang xóa cỏ độc để phủ xanh rừng hoang. Một ngàn rồi năm ngàn hécta rừng hoang đã trở thành rừng bạch đàn xanh tốt. Chúng tôi gọi đó là vàng xanh của công ty. Từ chỗ chỉ trồng bạch đàn, chúng tôi trồng giá tỵ, dầu rái, bằng lăng, gõ và cẩm lai. Đó là những loại gỗ quý mà mấy chục năm mới được khai thác cho nên thỏa sức trồng xen bạch đàn, các loại cây nguyên liệu giấy, đặc biệt là cây họ đậu. Nghề của tôi mà! Ba năm trôi qua, tôi phụ trách một đơn vị cai quản hai ngàn hécta rừng bạch đàn ba tuổi và ba ngàn hécta rừng non gỗ quý. Bạch đàn phải năm, sáu năm mới đủ tuổi thu hoạch, nhưng rừng bạch đàn của tôi mới ba năm đã có đường kính xấp xỉ tiêu chuẩn xuất khẩu rồi. Chỉ một năm nữa là chúng tôi thu hoạch. Tôi được trang bị chiếc Toyota Land Cruiser, hai cầu. Tôi tự lái xe, tất nhiên. Thế nhưng tôi ít khi về thành phố vì quá lo công việc. Mùa khô mà sơ sểnh không lo phòng chống cháy thì… trắng tay!
Qua đi một cái Tết nữa. Tôi chỉ ăn Tết với ba má ngày mồng Một, rồi lại lên rừng. Vui thú gì mà ở thành phố chothêm nát lòng! Sáng mồng Hai, tôi lái xe lên rừng, lên với những người trồng rừng thân thiết, với những cây bạch đàn - niềm tự hào của một kỹ sư lâm nghiệp như tôi. Cậu Toàn, một đội trưởng giỏi của tôi nói: Tờ dollar đã ló lên ở từng gốc bạch đàn rồi Giám đốc à! Chúng tôi có quyền tự hào lắm lắm. Tôi vừa mở cửa xe, chưa kịp nhảy xuống thì Toàn từ trong nhà lao ra:
- Thưa xếp! Có người đẹp từ trên Trời rơi xuống đến chúc Tết xếp!
Tôi bàng hoàng. Tại sao - y hệt những lần trước - cứ mỗi lần gặp em, tôi bàng hoàng mãi mới trấn tĩnh được nhỉ? Trước mắt tôi là em. Trong đời tôi, tôi không thấy ai mặc áo dài đẹp như em. Sáng xuân này, em mặc áo dài màu xanh của bạch đàn, cái màu giản dị vô cùng nhưng sao khiến tôi run bắn lên thế này? Tôi chợt tỉnh ra. Em đâu còn là của tôi nữa! Em tới đây làm chi? Em đã làm nát nửa trái tim tôi chưa đủ sao? Tôi chưa kịp phản ứng, chưa kịp chào hay nói lời chúc đầu năm mới, dù chỉ là xã giao, thì em lên tiếng:
- Anh! Anh có nhận ra em hông? Anh giận em lắm phải hông?
- Thanh nói sao? Tôi có quyền gì mà giận Thanh?
- Anh! Hãy tha thứ cho em! Vì em quyết tâm thực hiện ước mơ, khát vọng của mình, nên em đã không thường xuyên liên lạc với anh!
- Vậy sao? Khát vọng? Khát vọng chi vậy? Chẳng lẽ xe Dream II và một ông chủ ngoại quốc là khát vọng của Thanh?
- Anh vừa nói gì vậy?
- À… không, xin lỗi, tôi phải đi chúc Tết gia đình anh em công nhân…
Như một người mất lịch sự nhất, vô học nhất, thô lỗ nhất, tôi quay gót bỏ đi, lòng tràn ngập hận thù. Sau khi chúc Tết ở khu công nhân, tôi vô Ủy ban Nhân dân xã. Hết nhà này qua nhà khác, khi tôi về tới văn phòng đã mười giờ đêm, người nồng nặc mùi rượu. Đón tôi ở cửa không ai khác mà chính là Thanh. Tôi mở cửa xe bước xuống, gặp cơn gió rừng lạnh ngắt, rùng mình… Tôi nôn thốc nôn tháo ngay trướcmặt Thanh. Thanh dìu tôi vô nhà, lấy khăn nóng rửa mặt cho tôi. Khi tỉnh dậy, ba giờ sáng rồi. Thanh vẫn ngồi trên chiếc ghế kế giường tôi. Thấy tôi mở mắt, Thanh cúi xuống:
- Anh! Anh uống ly chanh nóng cho khỏe nào!
- Cô đi đi, xin đừng làm phiền tôi!
- Trời đất! Anh không tha thứ cho em sao? Em đã nói rồi, chỉ vì lo học cho đến nơi đến chốn, nếu em nhận lời cầu hôn của anh từ hồi đó thì làm sao học?
- Cô im ngay cho! Nói chuyện đó làm chi? Cô diễu tôi à?
- Anh!
Thanh nắm lấy tay tôi, tôi hất mạnh ra khiến Thanh mất đà té xuống sàn nhà. Tôi thấy nhói lên trong lòng, nhìn Thanh bước ra ngoài.
Chín giờ sáng hôm sau tôi mới tỉnh hẳn. Tôi qua phòng khách thì Thanh đã đi rồi! Trên bàn là mấy chữ Thanh để lại: “Anh! Em không ngờ anh lại đón tiếp em như thế! Em nhầm. Cứ tưởng những lời tỏ tình năm xưa là đúng, nào ngờ… Dù sao em cũng tin rằng: Nếu thực sự yêu em, anh sẽ hiểu em. Em chưa làm gì có lỗi với anh. Đừng nghĩ rằng cứ đi làm thư ký cho các ông chủ người ngoại quốc là đồ bỏ đi cả! Em đã thực hiện được mơ ước, khát vọng của mình nhờ thời gian đi làm thêm đó. Nếu còn nhớ đến cô bé bán bánh canh thì phone cho em. Em: Thanh”.
Đọc đi đọc lại mấy dòng của em đến thuộc lòng, tôi nhìn tấm danh thiếp của Thanh. Dưới dòng chữ ghi họ tên là : Computer programmer (Lập trình viên computer). Địa chỉ cơ quan và số điện thoại tưởng đâu xa lạ, chính là Tổng công ty của tôi!
Tôi phóng xe như bay về Sài Gòn. Tôi đến Tổng công ty. Không có Thanh ở đó. Về tới nhà thì Thắng đang ở nhà tôi. Anh em gặp nhau, mừng hết lớn! Tôi hỏi dồn dập. Thắng kể:
-Trời thương chúng em, cho chị Thanh gặp được người nước ngoài đàng hoàng, tốt bụng. Ảnh nhận chị Thanh làm thư ký bán thời gian: đi học đại học nửa ngày, làm việc nửa ngày. Đêm, ảnh giúp chị Thanh học chương trình computer programmer qua tài liệu và giáo trình đại học từ xa của Hoa Kỳ. Khi biết chị Thanh còn có em trai, ảnh nhận em làm bảo vệ và cho ở luôn tại ngôi biệt thự mướn làm văn phòng. Nhờ vậy mà chúng em được ăn học tới nơi tới bến. Ảnh khen chị Thanh giỏi, thông minh, đã giúp ảnh nhiều việc. Ảnh đối xử với chị Thanh vô cùng lịch sự, nâng niu, trân trọng. Chờ đến khi chị em tốt nghiệp đại học, ảnh mới ngỏ lời xin cưới. Chị từ chối! Em hỏi tại sao, chị nói:
- Bộ Thắng quên anh hai rồi sao?
- Anh Hai nào?
- Anh Hai con bác Tư đầu hẻm đó!
- Tại sao suốt mấy năm liền, chị không cho em liên lạc với anh Hai?
- Chị rất thương ảnh cho nên quyết học thành tài để để xứng với ảnh, lúc đó gặp cũng chưa muộn!
Tôi có ngọc trong tay mà không biết! Ôi, viên ngọc tuyệt với mà tôi khát vọng bấy lâu nay!
Thanh tốt nghiệp đại học, được tay giám đốc nước ngoài hứa đưa về bển học master nếu bằng lòng làm vợ ổng. Thanh từ chối và xin về công tác tại Trung tâm tin học của Tổng công ty tôi. Đó là vì tôi! Vậy mà tôi đã cư xử thô bạo, vô văn hóa với Thanh hôm qua. Thanh đã biết cách thực hiện khát vọng của mình. Còn tôi, tôi cũng nhiều khát vọng, nhưng chỉ biết há miệng chờ sung! Anh tệ quá! Thanh ơi! Thanh của anh! Tôi lao đi tìm Thanh. Bây giờ tôi quyết thực hiện khát vọng của mình!
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-1993
Rút từ tập Triệu Xuân - Truyện, Ký chọn lọc
In lần đầu trên báo Văn hóa số 29 và 30 ra ngày 05-12-1993 và 12-12-1993